Quẻ Khảm

Quẻ Khảm, một trong 8 quẻ do hai hào âm ở trên và dưới, giữa là một hào dương hợp thành, tên quẻ là Khảm, có nghĩa là “hãm” = rơi xuống, sa xuống hố sâu. Vật tượng trưng cơ bản là nước. Quẻ Khảm trên dưới là âm, giữa là một dương, giống tượng nước, với dụ ý rằng nước tuy bên ngoài là âm, nhưng bên trong lại hàm chứa chất dương.

Một trong 64 quẻ là quẻ thứ 29 trong Kinh, do hai quẻ Khảm đơn chồng lên nhau mà thành, tên quẻ là Khảm tượng trưng cho sự “trùng trùng hiểm hãm”.

Lời quẻ: Quẻ Khảm tượng trưng cho sự trùng trùng hiểm hãm, chỉ cần có lòng thành thực, sẽ khiến nội tâm thanh thông, gắng sức hành động tất được tôn sùng.

[Tập Khảm, hữu phu, duy tâm hanh, hành hữu thượng.]

Chú thíchThuyết văn – Hứa Thận khi giải thích chữ ‘thủy’ cũng nói: “Giống như nhiều dòng nước cùng chảy, trong có một chút khí dương”. Lý Đỉnh Tộ nói: “Khảm dương ở giữa, bên trong sáng láng, giống như nước”.

Tập Khảm – tập là trùng điệp, trùng trùng. Theo Lưu Biểu chú giảng: “Tập, là nước chảy không ngừng”. Chu Hy giảng: “Tập, là trùng tập; Khảm là hiểm hãm. Tượng của nó là nước. Dương bị hãm trong âm. Ngoài hư mà trong thực. Hai quẻ trên dưới đều là Khảm, đó là trùng hiểm”. Lý Đỉnh Tộ dẫn lời Lục Tích giảng: “Tập, là trùng vậy”. Phu là tín. Toàn văn Quái từ nói rõ việc xử vào thời “hiểm”, nếu luôn giữ được niềm thành tín, trong lòng không có vướng mắc thì có thể vượt qua hiểm nạn. Trình Di nói: “Dương thực ở giữa mà trong có niềm tin. ‘Duy tâm hanh’, là nội tâm chân thành trước sau như một, nên có thể hanh thông. Sự chí thành có thể cảm thông cả vàng đá, vượt qua cả nước lửa, thì có thể hiểm nguy nào không vượt qua được ? ‘Hành hữu thượng’, là chỉ việc lấy lòng thành chuyên nhất mà hành động thì có thể thoát khỏi hiểm. ‘Hữu khả gia thượng’ (được tôn sùng), tức là có công lao vậy. Nếu không hành động thì sẽ mãi mãi ở trong cảnh hiểm”.

Xét, về nghĩa chữ ‘tập’, Vương Bật giải nghĩa là ‘tiện tập’, là rèn luyện, luyện tập, theo tượng ‘nước chảy đá mòn’, cũng là một thuyết. Lại xét, Khổng Dĩnh Đạt nói: “Mọi quẻ khác không thêm chữ vào trước tên quẻ, riêng quẻ Khảm thêm chữ ‘tập’ vào trước chữ Khảm, là vì coi Khảm là hiểm nạn, nên đặc biết thêm chữ ‘tập’ vào trước, với hai nghĩa: một là trùng điệp, chỉ trên dưới đều hiểm là liền liền hiểm nạn, tạo thành ‘dụng’ của hiểm nạn. Hai là nói con người hành động để vượt qua hiểm nạn, trước hết cần rèn luyện thử thách trong hiểm nạn thì mới vượt qua được hiểm nạn. Vì vậy dùng chữ tập”.

Thoán truyện nói: Hai Khảm chồng lên nhau biểu thị sự trùng trùng hiểm hãm, giống như nước chảy xuống hố sâu mãi không đầy. Ở vào cảnh hiểm mà không mất lòng tin, thì sẽ khiến nội tâm hanh thông, đó là nhờ dương cương cư trung không thiên lệch; gắng sức tiến tới ắt được tôn sùng, ý nói tiến thủ đi lên có thể lập công. Trời hiểm là cao vời không thể trèo lên được; đất hiểm là sông núi gò đống (không dễ gì vượt qua được), vì thế các bậc quân vương, công hầu dựng hiểm để phòng giữ biên giới quốc gia. Công dụng của thời hiểm hãm thật to lớn biết bao !

[Thoán viết, Tập Khảm, trùng hiểm dã, thủy lưu nhi bất doanh. Hành hiểm nhi bất thất kỳ tín; duy tâm hanh, nãi dĩ cương trung dã. Thiên hiểm bất khả thăng dã, địa hiểm sơn xuyên khâu lăng dã, vương công thiết hiểm dĩ thủ kỳ quốc; hiểm chi thời dụng đại hỹ tai]

Chú thích: Trùng hiểm dã, thủy lưu nhi bất doanh – câu này nêu nghĩa của tượng hiểm là hai Khảm chồng lên nhau, ví như nước chảy xuống hang sâu mãi không đầy. Lục Tích nói: “Nước có tính hướng xuống dưới, không đọng lại ở bở cao”. Thượng Bỉnh Hòa giảng: “Nước chảy vào mà đầy thì không gọi là Khảm, đã nói là Khảm thì không đầy vậy”. Câu này có nghĩa hai hiểm của hai quẻ Khảm trên và dưới chất chồng lên nhau, cũng như nước chảy vào hang mãi không đầy tràn, được dùng để thích nghĩa cho Tập Khảm.

Hành hiểm nhi bất thất kỳ tín – câu này chỉ về hào Hai và hào Năm dương cứng ở ngôi giữa, có tượng đi vào (lao sâu vào) chỗ hiểm mà không mất lòng thành thực. Tuân Sảng nói: “Nghĩa là dương đến là hiểm mà không mất giữa, giữa gọi là tín vậy”. Hầu Quả nói: “Hào Hai, hào Năm, cương mà ở giữa thì trong lòng hanh thông”.

Hiểm chi thời dụng đại hĩ tai – câu này, từ góc độ công dụng của hiểm, mà tán rộng công dụng to lớn của thời Khảm hiểm. Trình Di nói: “Cao không thể lên là cái hiểm của trời. Núi sông gò đống là cái hiểm của đất. Tước vương, tước công, là bậc vương giả, coi tượng quẻ Khảm biết rằng chỗ hiểm không thể lấn được, nên mới đặt ra chỗ hiểm là thành quách, ngòi ao để giữ nước mình, bảo vệ dân mình. Đó là thời cơ dùng hiểm, sự dùng ấy rất lớn, vì vậy mới tán dương là ‘đại hỹ tai”.

Khảm – Ly: Dương ở trong âm là “hãm”, âm ở trong dương là “lệ”, phụ vào. Phàm dương ở trên là tượng chỉ = dừng; dương ở giữa là tượng hãm, dương ở dưới là tượng động. Âm ở trên là tượng duyệt = vui vẻ, âm ở giữa là tượng ‘lệ’, âm ở dưới là tượng tốn = thuận theo. Khảm trong thực là thành thực, nghĩa là sức chứa sự thành thực nhiều hay ít. Ly trong hư là sáng, có nghĩa là sức chứa sự sáng được nhiều hay ít. Trong thực là cái dụng của Khảm. Trong hư là cái dụng của Ly. Thiên nhất (xuống) trong Khảm, ở vật là nước, ở người là tinh. Địa nhị trong Ly, ở vật là lửa, ở người là thần. Khí từ dưới mà lên, trước nhất sinh ở trong mà thành ở ngoài. Giữa đêm thì ‘thực’ sinh, giữa ngày thì ‘hư’ sinh. Sinh sinh là đạo của tạo hóa; hợp hai làm một, hợp ngày với đêm, hợp thực với hư. Dịch giao ở dưới thì được Cấn Tốn. Dịch giao ở giữa thì được Khảm Ly. Dịch giao ở trên thì được Cấn Đoài.

Nước ‘chảy’ là tượng dương động ở trong Khảm hiểm. ‘Chẳng đầy’, đó là dương bị hãm giữa hai âm mà chưa ra khỏi hiểm. Nước thì chảy ‘xuống’ là nghĩa ‘phu tín’. Dương ở giữa hai âm ý chỉ về người, thiên địa nhân thì người ở giữa trời đất. Cho nên mới nói “Khảm trung mãn”, tượng như bên trong đầy (mãn).

Đại tượng nói: Nước dồn dập chảy tới, tượng trưng cho sự trùng trùng hiểm hãm. Người quân tử trong hoàn cảnh đó phải bền chí giữ vững đức hạnh tốt đẹp, không ngừng rèn tập công việc chính sự giáo hóa.

[Tượng viết: Thủy tấn chí, tập Khảm; quân tử dĩ thường đức hạnh, tập giáo sự.]

Chú thích: chữ “tấn”, Nhĩ nhã – Thích ngôn giải thích là “lại một lần nữa”. Vương Bật giảng là: “Đến nhiều lần” cũng như nói “liên tiếp”. “Thường”, dùng như động từ, chỉ sự giữ gìn lâu dài. “Tập”, là luyện tập cho quen.

 Đại tượng nêu rõ hai quẻ Khảm trên và dưới đều là biểu tượng “nước”, nói nước dồn dập chảy tới, chính là tượng trưng cho sự trùng trùng hiểm hãm; sau đó nói rõ việc người quân tử xem tượng này, cần hiểu rõ lý lẽ: việc giữ gìn đức hạnh phải như dòng nước cuộn chảy không bao giờ ngừng nghỉ, tiến hành công việc chính giáo phải như hai Khảm nối tiếp nhau, luôn được rèn tập thành thục.

Chu dịch Trình thị truyện – Trình Di nói: “Khảm là nước, nước chảy dồn dập tới. Hai Khảm cùng “tập” là tượng nước chảy dồn dập. Người quân tử noi theo tượng nước của Khảm, cần bền bỉ tu dưỡng đức hạnh của mình. Đức hạnh của con người nếu không bền bỉ nhất quán thì là giả dối, nên cần nhất quán như dòng nước chảy. Hiểu được tượng ấy thì cần phải rèn tập thành thục công việc chính giáo. Phàm việc cai trị và dạy dân, phải dạy dân cho thành thục thì sau học mới theo được, nên phải lặp đi lặp lại nhiều lần. Nếu ra lệnh gấp gáp dân chưa hiểu, cứ bắt họ làm theo, thì cho dù hình phạt có nghiêm khắc đến mấy cũng không tác dụng gì. Vì vậy việc chính giáo phải như nước chảy dồn dập”.

 Xét, Thoán truyện của quẻ Khảm, ngoài việc giải thích nghĩa của lời quẻ “hành hiểm” phải có lòng thành tín, có nội tâm hanh thông thì sẽ được tôn sùng, còn nói lên tác dụng to lớn của việc “dụng hiểm”. Đại tượng truyện còn đi sâu thêm, trình bày đạo lý nước chảy không ngừng, đức giáo cũng phải tiến hành thường xuyên liên tục; sự giải thích lời Kinh của Thoán truyện và Đại tượng truyện có khác nhau cũng cần phân biệt.

Lời hào Sơ lục: Đứng trước trùng trùng hiểm hãm, hung.

[Sơ lục, Tập khảm, nhập vu khảm tãm, hung]

Chú thích: “tãm”, Thuyết văn nói: “trong khảm lại có khảm”; hào Sơ lục ở thời “hiểm hãm”, là hào âm ở dưới trùng hiểm, nhu nhược thất chính, khó ra khỏi hiểm, nên có tượng hãm sâu vào “khảm”, rơi sâu vào hố bẫy, dẫn tới “hung”. Can Bảo nói: “Đây là nói về độ sâu của khảm, cũng như nói “vũng sâu”.

 Chu Hy nói: “Là âm nhu xử dưới trùng hiểm, hãm lún càng sâu, nên có tượng chiêm như thế”. Xét, gặp hiểm cần sự cương chính, mà hào Sơ lục lại âm nhu bất chính, thân hãm vào trùng hiểm, thân đã đang hãm lại ở trong chỗ hãm, không có ứng viện, nên hung.

Tiểu tượng nói: “Đứng trước trùng trùng hiểm hãm, mà lại rơi vào hố sâu”, chứng tỏ hào Sơ lục làm trái con đường thoát hiểm, nên lạc đường rơi thêm vào chỗ hiểm.

[Tượng viết: “Tập khảm nhập khảm”, thất đạo hung dã.] 

Thuyết minh: thể của hào Sơ là âm nhu mà ở dưới, tính của nước thì chảy xuống dưới mà lại ở dưới, làm người thì chẳng ai muốn ở dưới, cho nên sinh tính đố kị ghét ở dưới dòng. Trình Di nói: “Ở chỗ tập Khảm mà càng lún sâu vào chỗ trũng nhất, là sai đường, trái đạo, nên gặp hung”.

Lời hào Cửu nhị: Gặp phải hiểm nạn sa xuống hố sâu, chỉ mong thoát hiểm nhỏ thì tất sẽ được.

[Cửu nhị, khảm hữu hiểm, cầu tiểu đắc.]

Chú thích: “tiểu”, chỉ âm mềm, lại ví với “việc nhỏ”, “nơi nhỏ hẹp”,… Đây là nói rõ hào Cửu nhị ở thời hiểm hãm, nằm giữa hạ Khảm, thất chính gặp hiểm, nhưng là dương cương cư trung, lấy đức tín xử với hai hào âm trên và dưới, nêu lên mưu cầu “việc nhỏ” thì được, dần dần thoát hiểm. Thượng Bỉnh Hòa nói: “Hào Cửu nhị thất vị nên gặp hiểm; âm là tiểu, Cửu nhị ở giữa, được hai hào âm trên dưới tin phục, nên nói “cầu tiểu đắc”. 

Ở chỗ hiểm nạn mà tự giữ được mình, đó là nói cái “tài” cương trung thời hiểm hãm để tự khẳng định mình, để vệ bảo vệ mình; cái “tài” tự biết cầu ít một thì mới được việc, cho nên ở Trung mà động là đang thuận tiện nghi. Cửu tứ quẻ Dự là quẻ Hỗ của Cửu nhị quẻ Khảm nói là “đại hữu đắc”, Cửu nhị ở Khảm cương trung mà nói “tiểu đắc” sao vậy ? Hồ Vân Phong nói: “Dự thì cương động ở trên Khôn thuận, cho nên chẳng cầu mà cái được lại lớn. Khảm thì cương hãm ở trong hiểm, cho nên cầu mà được ít”. 

Trần Nhân Tích đời Minh viết: “Mưu cầu việc nhỏ, không mưu cầu việc lớn, có nghĩa là không bắt đầu ngay từ việc lớn. Dòng nước ri rỉ không ngừng sẽ chảy thành sông, như đào đất tìm được mạch nước, không cần nước tràn đầy ngay, nhưng rồi sau sẽ có dòng nước”. Chu Dịch chiết trung bình luận về lời bàn của Trần Nhân Tích như sau: “Nói rất đúng. Phàm người ta học làm việc, tất phải bắt đầu từ chỗ mưu cầu việc nhỏ thì sẽ được ngay từ đầu, như nước tuy ri rỉ nhưng có nguồn. Đó là cái gốc ứng xử trước hiểm nạn”. Mã Kỳ Sưởng cũng cho là “Hào hai là hào đầu nguồn, nhân vì nó không thoát khỏi chỗ giữa cho nên cầu được việc nhỏ, tích lại rồi sau đó sẽ chảy, đầy tràn rồi sau đó mới tiến. “Vị xuất trung” là chưa đầy tràn, “cầu tiểu đắc” là những dòng chảy nhỏ tích tụ lại để thành sông lớn”. Các thuyết đều đi từ đạo “hành hiểm” của hào Cửu nhị dương ở giữa quẻ Khảm, cầu nhỏ mà được lớn về sau. 

Tiểu tượng nói: “Mưu cầu thoát hiểm từ việc nhỏ thì thực hiện được”, chứng tỏ hào Cửu nhị ở thời hiểm hãm còn chưa thoát khỏi hiểm.

[Tượng viết: “Cầu tiểu đắc”, vị xuất trung dã.]

Thuyết minh: Trình Di nói: “Với tài cương trung không đến nỗi bị hãm sâu vào hiểm, nên “sở cầu tiểu đắc”, song chưa thể ra khỏi hiểm ở giữa của Khảm”. Xét, Trình Di giải thích “cầu tiểu đắc” là “sở cầu tiểu đắc” (điều mưu cầu thực hiện được một chút). Nghĩa cũng thông.

Lời hào Lục tam: Đi lại đều ở trong cảnh hiểm hãm, tiến tới gặp hiểm mà lui lại sau cũng không yên, rơi vào hố, không thể thi thố tài năng được.

[Lục tam, lai chi khảm khảm, hiểm thả chẩm, nhập vu khảm tãm, vật dụng.]

Chú thích: “lai chi”, như nói “tới lui”; “chẩm”, Vương Bật chú: “Có nghĩa là gối lên mà không yên”, Chu Hy chú: “Chẩm, có nghĩa là tựa vào mà chưa yên”, hình dung dáng vẻ gặp hiểm khó yên. Thượng Bỉnh Hòa giải thích: “Trong ngoài đều bị kiềm chế”. Chữ “chẩm” có nhiều cách giải thích khác nhau, nhưng vẫn giống nhau về ý cả câu là: Gặp hiểm trở, khó bình an.

Đây nói rõ hào Lục tam ở vào thời hiểm hãm, âm ở ngôi dương, bất chính bất trung, lại ở vào khoảng giữa Khảm trên và dưới, có tượng “tới lui đều ở trong vòng hiểm hãm”, hễ hành động là gặp hiểm, gặp trắc trở khó khăn. Cho nên lời hào đặc biệt nhấn mạnh răn bảo không thi thố tài năng được, nên ở yên chờ thời để mong thoát hiểm. Vương Bật nói: “Đã không đúng ngôi vị, lại ở giữa Khảm, đi cũng khảm, ở cũng khảm, nên nói “lai chi khảm khảm”. Tiến lên đều khảm, không thi thố được gì, chỉ tốn công mà thôi”.

Tiểu tượng nói: “Tiến lui đều bị mắc trong khảm hiểm”, chứng tỏ hào Lục tam rốt cuộc khó hoàn thành được sự nghiệp “hành hiểm” (khắc phục khó khăn, vượt qua nguy hiểm).

[Tượng viết: “Lai chi khảm khảm”, chung vô công dã.]

Thuyết minh: về lời hào “hiểm thả chẩm”, Vương Thân Tử giải thích là “gặp hiểm thì ngừng lại mà tạm thôi”, nêu rằng: “Hiểm ở quẻ dưới đã hết, hiểm ở quẻ trên lại đến, đó là lui mà tới thì đã hiểm, đến khi tiến mà đi thì lại càng hiểm hơn, tiến lui đều hiểm thì thà rằng dừng lại ở tại đó mà tạm nghỉ. Chữ “thả” là để biểu thị ý “tạm thời”, chữ “chẩm” có nghĩa là nghỉ mà chưa yên. Nếu làm được như vậy, thì tuy chưa xa sự nguy hiểm, cũng không đến nỗi rơi xâu vào nơi hiểm. Tiến vào thêm thì bị hãm càng sâu, chẳng được ích gì, chữ “vật” là từ chỉ ý “dừng việc ấy lại”. Chiết trung cho rằng lời bàn này “dường như gần giống với nghĩa hào Sáu bốn quẻ Nhu”. Tham khảo.

Trình Di nói: “Tiến lui đều hiểm, lại không chịu ở yên, nếu cứ như thế, sẽ càng lún sâu vào hiểm, rốt cuộc sao có thể lập được công lao ? Là âm nhu, ở ngôi vị không trung chính, trên đất bằng còn mắc lỗi, huống hồ ở chỗ hiểm sao ? Người ta muốn ra khỏi hiểm, tất phải có đường mới ra được. Muốn mà không có đường, sẽ càng khốn. Nên Dịch răn bảo trường hợp hào Lục tam thì không thể hành động gì”.

Lời hào Lục tứ: Một bình riệu nhạt, hai liễn cơn xoàng, dùng âu sành mộc mạc đựng lễ vật (thành kính dâng lên bề trên), đưa lời nguyện ước qua đường cửa sổ, cuối cùng tránh được tai hại.

[Lục tứ, tôn tửu, quỹ nhị, dụng phẫu, nạp ước tự dũ, chung vô cữu.]

Chú thích: Hào Lục tứ ở vào thời “hiểm”, ở dưới thượng Khảm trong quẻ Khảm, trước sau đều là “hãm huyệt”, nhưng nhu thuận đắc chính, trên thừa theo hào dương Cửu ngũ, lấy lòng thành kính kết giao, giống như dâng một bình riệu nhạt, hai liễn cơn xoàng, đựng lễ vật trong âu sành, tuy giản đơn mộc mạc nhưng có thể dâng lên bề trên. Lúc này, hai hào Cửu ngũ và Lục tứ đều không ứng với hào nào khác, nên có thể thẳng thắn chân thành kết giao với nhau, hệt như “trao lời nguyện ước qua cửa sổ”, thế là hào Lục tứ được sự giúp đỡ của dương cứng, không sa vào Khảm hiểm, và được “chung vô cữu”. Vương Bật nói: “Ở vào trùng hiểm mà làm theo chính đạo, thân phận nhu lại cư nhu, theo đúng ngôi vị thừa thuận Cửu ngũ. Cửu ngũ cũng đắc vị, cương nhu đâu ở vị đó, không xâm phạm nhau, cả hai đều không ứng và thừa theo hào nào, lòng tin sáng tỏ rõ ràng, không dấu giếm che đậy. Xử Khảm như thế, tuy chỉ một bình riệu, hai liễn cơm, đựng lễ vật trong đồ sành, đưa lời ước qua đường cửa sổ, cũng có thể dâng lên bậc vương công, cúng hiến tông miếu, nên “rốt cuộc không có lỗi” vậy”.

Lời hào đã dùng hình tượng “tôn tửu, quỹ nhị, dụng phẫu, nạp ước” để nói về hào Bốn. Từ Tử Hùng hiểu “ước” không phải là “nguyện ước” hay “tín ước” như nhiều dịch giả đã chú giải. Trong Chu Dịch nghĩa chứng loại toản, chữ “ước” được giải thích là “thu lấy”. Thuyết văn giải tự còn giải thích “ước” là “trộm cắp”. Như vậy, “nạp ước” không có nghĩa là “kết nạp tín ước”, mà chỉ hai động tác: “nạp” là giao (đồ ăn) cho, và “ước” là thu (đồ đựng thức ăn) lại, cả hai động tác giao và lấy lại đều qua đường cửa sổ (tự dũ). Ông dịch hào Lục tứ như sau: “Dùng chén đồng đựng riệu, dùng liễn tròn đựng thức ăn, nhưng đối với phạm nhân bị giam trong hầm sâu, chỉ cần dùng bồn đựng bằng sành là được, đồ ăn cho tù đưa ra ngõ cửa sổ. Người đã gặp phải cảnh ngộ này, kết cuộc không còn nguy hiểm nữa”. 

Ở ngôi đại thần đương thời hiểm nạn, dưới không viện trợ nên chẳng cứu được sự nguy hiểm của thiên hạ. Lời hào dụ ý chỉ chẳng nên lấy cái phù hoa bề ngoài mà nên dùng sự chất thực; Lấy lòng tin ở người trên, sự giao kết phải cho bền chớ nên gián đoạn. Lòng người có lúc bị che lấp, có lúc sáng suốt, cửa sổ để cho thông sáng tức là khai mở lòng sáng cho người trên. 

Tiểu tượng nói: “Một bình riệu nhạt, hai liễn cơm xoàng (dâng lên bề trên”, chứng tỏ rõ hào Lục tứ âm nhu giao tiếp thân mật hòa thuận với hào Cửu ngũ dương cương.

[Tượng viết: “Tôn tửu quỹ nhị”, cương nhu tế dã.] 

Thuyết minh: xét, hai hào Lục tam và Lục tứ quẻ Khảm đều ở giữa hai Khảm, mà hào Tam nói “vật dụng” (chớ thì thố tài năng), còn hào Tứ thì “vô cữu” (không có lỗi), nguyên nhân vì hào Lục tam thất vị vô ứng, hào Lục tứ đắc chính thừa dương. Vì vậy Tiểu tượng truyện nói hào Tam là “cuối cùng không thành công”, hào Lục tứ là “cương nhu giao tiếp”. Khổng Dĩnh Đạt nói: “Sở dĩ một bình riệu hai liễn cơm mà có thể dâng hiến, vì giữa hào Lục tứ nhu với hào Cửu ngũ cương có sự giao tiếp thân mật, nên có thể dùng lễ vật kiệm ước như vậy được”.

Lời hào Cửu ngũ: Hiểm hãm còn chưa tràn đầy, gò nhỏ đã bị san bằng, tất không có cữu hại.

[Cửu ngũ, Khảm bất doanh, chỉ ký bình, vô cữu.]

Thuyết minh: “chỉ”, Kinh điển thích văn dẫn lời Trịnh Huyền nói: “Chỉ, là cái gò nhỏ”. Nghĩa của ba chữ “chỉ ký bình” dẫn ba thuyết giải thích: 1.Lý Đỉnh Tộ dẫn lời Ngu Phiên cho là: “Đã bình an”; Lý Đạo Bình cũng nói tương tự: “Đã an và bình”. 2. Vương Bật cho chữ “chỉ” là một hư từ ngữ khí, không có nghĩa, nên câu “chỉ ký bình” có nghĩa “đã bình” nên không có cữu hại. 3. Trình Di, nói chữ “chỉ” nên theo nghĩa “tới”, và câu văn có nghĩa “đã tới chỗ bình” nên được vô cữu”. Thượng Bỉnh Hòa giảng: “Khảm vất doanh” là một việc, “chỉ ký bình” lại là một việc khác, hai vế đối nhau”. Lê Minh Anh dịch: “Hố vẫn chưa tràn đầy, nhưng (chân) đã đạp xuống được đất bằng (nguy hiểm nhất đã qua), không phải nguy hiểm nữa”.

Lời hào nói rõ tượng của hào Cửu ngũ ở vào thời “hiểm”, dương cương trung chính, dưới cạnh hào âm Lục tứ có tượng ở ngôi cao biết cách khắc phục hiểm hãm, nên tuy chỗ hố sâu hiểm hãm chưa được lấp đầy, nhưng gò nhỏ cạnh hố đã bị san bằng, cứ thế tiến tới sẽ dần lấp đầy hố hiểm, mở thông đường tiến, thoát khỏi cảnh hiểm, nên được “vô cữu”.

Nước chẳng đầy đến đã bằng phẳng, không lỗi. Ở giữa khảm mà nước chẳng đầy tức là sắp ra khỏi hiểm, nhưng dưới không có viện trợ tức là chưa đem thiên hạ thoát khỏi thời cảnh hiểm họa, ắt phải đến bằng phẳng mới không lỗi.

Tiểu tượng nói: “Hố sâu chưa được lấp đầy”, chứng tỏ hào Cửu ngũ tuy cư trung vị, nhưng công lao bình hiểm vẫn chưa lớn lao, sáng láng.

[Tượng viết: “Khảm bất doanh”, trung vị đại dã.]

Thuyết minh: về câu “trung vị đại”, Nguyễn Nguyên và Lý Đỉnh Tộ cho rằng trước chữ “đại” còn thêm chữ “quang”, đồng thời chỉ ra rằng Khổng Dĩnh Đạt cũng nói: “Vị đắc quang đại”. Theo đó cũng nên thêm chữ “quang” trước chữ “đại”.

Ngũ có tài cương trung đáng nên cứu hiển nạn cho thiên hạ, nhưng chỗ trũng chẳng đầy nên chưa làm cho phẳng được hiểm nạn, đó là đức cương trung chưa sáng. Vua tôi phải hiệp lực mới cứu được hiểm nạn, Ngũ không có bầy tôi nên không cứu được hiểm cho thiên hạ, đó là đạo chưa lớn. Đức chưa sáng, đạo chưa lớn, đó là không xứng ngôi vậy. Ở quẻ Đại hữu thì nhu thống cương, ở trùng Khảm thì cương bị hãm ở nhu.

Lời hào Thượng lục: Bị dây dợ trói buộc, giam hãm trong đám gai góc, ba năm không được giải thoát, có hung hiểm.

[Thượng lục, hệ dụng huy mặc, trí vu tùng cức, tam tuế bất đắc, hung.]

Chú thích: “huy”, “mặc”, đều là tên các loại dây thừng; “tùng cức”, theo Ngu Phiên nói: “Ngoài nhà tù ngục trồng chín cây gai, nên gọi là “tùng cức”. Từ Tử Hùng giải thích thêm: “Tùng cức” chỉ cảnh ngục tù, trong thời cổ, bên ngoài ngục, chung quanh có trồng cây gai, để phòng tù nhân vượt ngục”.

Lời hào nói rõ tượng hào Thượng lục ở vào thời hiểm hãm, nhu cư cực hiểm, bị hãm rất sâu, giống như bị trói giam trong nhà lao đầy gai góc lâu tới ba năm, không được giải thoát, cho nên “hung”. Trình Di nói: “Là âm nhu, lúc ở vào chỗ cực hiểm, là bị hãm rất sâu nên lấy nhà lao để ví dụ, cũng như bị trói buộc giam vào gai góc. Âm nhu mà bị hãm sâu như vậy, thì không thể ra được, nên nói “lâu đến ba năm”, không thoát được khỏi, đủ biết là hung”.

Xét, về chữ “ba năm” trong lời hào Thương lục, Vương Bật cho rằng có hàm nghĩa “hiểm đến cùng cực thì trở lại thoát hiểm”. Chỉ hào Thượng lục bị giam vào cũi để suy nghĩ về lỗi lầm của mình, tự xét mình trong ba năm thì có thể xin ra được khỏi ngục. Chu Dịch chiết trung cũng cho rằng: “Nếu hối tội thấy sai thì sẽ đắc đạo, và kỳ hạn khốn khổ u tù sẽ chỉ là ba năm thôi”. Tham khảo thêm.

Tiểu tượng nói: Hào Thượng lục không đúng chính đạo, nên hung hiểm sẽ còn kéo dài ba năm.

[Tượng viết, Thượng lục thất đạo, hung tam tuế dã.]

Thuyết minh: Trình Di nói: “Lâu tới ba năm, mà không được thoát, ý nói rốt cuộc vẫn là hung vậy”.

(Dẫn theo trang khaotapdich.blogspot.com)

Trusted by some of the biggest brands

spaces-logo-white
next-logo-white
hemisferio-logo-white
digitalbox-logo-white
cglobal-logo-white
abstract-logo-white
white-logo-glyph

We’re Waiting To Help You

Get in touch with us today and let’s start transforming your business from the ground up.