Quẻ Bĩ

Quẻ Bĩ, một trong 64 quẻ, là quẻ thứ 12 trong Kinh, do hạ Khôn thượng Càn hợp thành, tượng trưng cho sự bế tắc. Tượng của quẻ là Trời ở trên, Đất ở dưới, thể hiện âm dương không hội, không hợp, trên dưới không giao hòa, giữa các vật không ứng họa nhau, do vậy quẻ Bĩ nói rõ cái lẽ bế tắc.

Lời quẻ nói: Trong thời bế tắc, đạo người không thông, thiên hạ không lợi, người quân tử nên giữ gìn ngay chính. Lúc này, cái cương đại đi ra ngoài, cái nhu tiểu đi vào trong.

[Bĩ], Bĩ chi phỉ nhân, bất lợi, quân tử trinh; đại vãng tiểu lai.]

Giải: ‘phỉ nhân’ tức là ‘phi nhân’ là nói đạo người không thông. ‘Đại vãng’ chỉ 3 hào dương ở quẻ Bĩ đều ở ngoại quái. ‘Tiểu lai’ chỉ 3 hào âm ở nội quái.

Lời quẻ nói đây là thời ‘Bĩ’, nhân loại trên dưới không hòa thông, vạn vật bế tắc, thiên hạ không lợi, duy người quân tử không được hùa theo đạo Bĩ, mà riêng giữ gìn ngay chính. Nhưng lúc này đã là ‘bế tắc’, thì dương cương suy vong mà đi ra ngoài, âm nhu thịnh vượng mà tiến vào trong. Khổng Dĩnh Đạt nói: “Ở thời bế tắc, không phải là thời đạo người hòa thông, nên nói ‘phỉ nhân’. ‘Dương khí đi mà âm khí lại’, nên nói ‘đại vãng tiểu lai’. Dương chủ về việc sinh sôi này nở, nên gọi là ‘đại’, âm chủ về tiêu hao nên gọi là ‘tiểu’.

Tư tưởng căn bản của Dịch là nói: Vào thời thịnh trị, người quân tử không kiêu căng vì biết quy luật phản phục. Thời suy vi, người quân tử cũng không xu thời phụ thế, vẫn giữ được tinh thần “độc hành kỳ đạo”. Thành trai dịch truyện – Dương Vạn Lý nói: “Không nói ‘lợi’, mà nói ‘không lợi’. Tại sao ‘không lợi’ ? Đạo người không thông, cái lợi của tiểu nhân là cái bất lợi cho thiên hạ. Nói ‘trinh’ là nói sự ‘trinh chính’ của người quân tử. Tại sao riêng người quân tử trinh chính ? Người quân tử trinh chính là lúc thiên hạ không trinh chính vậy”. Lại nói: “Người quân tử lúc Bĩ, lấy sự ngay chính trong thiên hạ để giữ ngay chính cho riêng mình, không phải là không muốn ngay chính cho thiên hạ, mà vì thời thế không cho phép vậy, nên nói ‘quân tử trinh’ là lấy ngay chính để giữ mình vậy”.

Thoán truyện nói: Trong thời bế tắc, đạo người không thông, thiên hạ không lợi, người quân tử nên giữ gìn ngay chính. Lúc này cái cương đại đi ra ngoài, cái nhu tiểu đi vào trong, chứng tỏ trời đất âm dương không giao hòa, đạo dinh dưỡng của vạn vật không thông suốt, vua tôi trên dưới không hòa hợp, thiên hạ rã rời không thành quốc gia. Âm ở trong, dương ở ngoài; nhu nhược ở trong, cương kiện ở ngoài; tiểu nhân ở trong, quân tử ở ngoài. Do đó đạo tiểu nhân tăng trưởng, đạo quân tử tiêu vong.

[Thoán viết: Bĩ chi phỉ nhân, bất lợi, quân tử trinh; đại vãng tiểu lai, tắc thị thiên địa bất giao nhi vạn vật bất thông, thượng hạ bất giao nhi thiên hạ vô bang dã. Nội âm nhi ngoại dương, nội nhu nhi ngoại cương, nội tiểu nhân nhi ngoại quân tử, tiểu nhân đạo trưởng, quân tử đạo tiêu dã.]

Giải: lấy hiện tượng của trời đất, thông qua âm dương không giao hòa, dẫn đến ‘bế tắc’, để giải thích về đạo người không thông, đó là trách ở người, cho nên nói người quân tử nên giữ gìn ngay chính. Ở quẻ Thái nói ‘chí đồng’, trong quẻ Bĩ nói ‘vô bang’ dụ ý nói chí người ta bất đồng tất sẽ dẫn đến ly tán và đất nước sẽ loạn. Cái ‘nhu tiểu’ đi vào trong mà bị hãm, cái ‘cương đại’ đi ra ngoài mà ở xa, đó là dùng tượng ngoại Càn nội Khôn của quẻ, chỉ ra việc vào thời ‘bế tắc’, tiểu nhân thịnh vượng mà hãm, quân tử suy vong mà ở xa. Thôi Cảnh nói: “Quân tử tại dã, tiểu nhân tại vị”, theo đó Mã Trấn Bưu giảng là: “Quân tử đạo tiêu vì là ở thời Bĩ. Đạo không thành được, chẳng qua chỉ lúc này tiểu nhân mới thịnh trưởng; kỳ thực đạo quân tử là tự tại, chứ chưa từng bị tiêu, nếu như đạo quân tử mà bị tiêu thật, thì vận Bĩ làm sao mà trở thành Thái được. Ở đây chẳng qua là Thoán truyện phân tích sâu về ý ‘tiểu nhân đạo trưởng’ mà thôi”. Thái thì bởi tại trời, Bĩ thì trách ở người.

Tiên thiên quẻ Thái lấy quẻ Bĩ làm Dịch đối, theo Hậu thiên thì quẻ Bĩ (12) kế tiếp quẻ Thái (11). Dịch đối thì xa mà kế tiếp thì gần, Tiên thiên thì Thái dễ mà Bí khó, Hậu thiên thì Thái khó mà Bĩ dễ, đó là cơ trời ẩn hiện vậy.

Đại tượng nói: Trời đất không giao hòa tượng trưng cho sự bế tắc. Người quân tử do đó lấy tiết kiệm làm đức, để tránh tai nạn hiểm nguy, không nên chạy theo vinh hoa mưu cầu lộc vị.

[Tượng viết: Thiên địa bất giao, bĩ; quân tử dĩ kiệm đức tỵ nạn, bất khả vinh dĩ lộc.]

Giải: ‘Kiệm đức’ như nói lấy tiết kiệm làm đạo đức.

Lời Đại tượng truyện trước hết nói rõ tượng quẻ Bĩ trên Càn là trời, dưới Khôn là đất, nói trời ở trên, đất ở dưới, không giao hòa thông suốt với nhau, chính là tượng trưng cho sự bế tắc. Chu dịch tập giải – dẫn lời Tống Trung nói: “Trời đất không giao hợp, cũng như vua tôi không giao tiếp nhau; khí trời bốc lên mà không giáng xuống, khí đất trầm xuống mà lại không bốc lên; hai khí ngăn cách nhau, cho nên gọi là Bĩ”.

Sau đó mở rộng ra trình bầy việc người quân tử xem tượng đó, cần hiểu rằng, ở vào thời Bĩ nên ‘kiệm đức tỵ nạn’, không nên theo đuổi danh lợi địa vị. Khổng Dĩnh Đạt nói: “Khi việc người quân tử ở thời Bĩ, không nên ở ngôi có tước lộc để thân được vinh hoa. Đó là nói về công khanh chư hầu, xa cái nạn tiểu nhân thì không thể cứ giữ quan tước. Về bậc vương giả thì phải lấy tiết kiệm làm đức, để tránh nạn âm dương ách vận, không thể tham giầu sang mà kiêu xa dâm dật”.

Hình của của Bĩ là trời ở trên, đất ở dưới, trong con mắt người ta thì là bình thường hợp lý, nhưng đối với Dịch thì lại là không bình thường. Qua đó có thể thấy quan niệm về ‘biến dịch’ và ‘giao dịch’ trong Dịch lý.

Lời hào Sơ lục: Nhổ cỏ tranh, nhổ gốc rễ cả đám; giữ gìn ngay chính sẽ được tốt lành.

[Sơ lục, Bạt mao nhự, dĩ kỳ vị; trinh cát, hanh.]

Giải: Lời hào nói hào Sơ lục ở vào thời Bĩ, mọi vật đều bế tắc, là âm nhu ở ngôi vị đầu tiên của quẻ, cùng với hai hào âm Lục nhị và Lục tam ở hạ quái không ứng với dương ở thượng quái, mà đều ở vào lúc thoái; ví như nhổ cỏ tranh rễ của nó kết thành búi với nhau. Do vậy không thể tiến liều, nên đặc biệt răn giới phải giữ gìn trinh chính, chớ tà khuất thì mới thu được tốt lành và hanh thông. Vương Bật nói: “Ở vào thời Bĩ, nếu động sẽ rơi vào chỗ tà, 3 âm cùng đường, đều không thể tiến. Nên ví như việc ‘nhổ cỏ tranh’, trinh chính mà không siểm nịnh thì tốt lành, hanh thông”.

Hào Sơ quẻ Bĩ và hào Sơ quẻ Thái đều lấy tượng “Nhổ cỏ tranh, nhổ cả búi rễ”, nhưng nghĩa ẩn dụ của hai hào khác nhau rất nhiều. Hào Sơ quẻ Thái ở vào lúc bắt đầu thông thái, 3 hào dương ở quẻ dưới đồng chất, cùng tiến ứng hợp với các hào âm ở quẻ trên, nên gọi là ‘chinh cát’ (tiến tới thì được tốt). Hào Sơ quẻ Bĩ ở vào lúc bắt đầu bế tắc, vốn ứng với các hào dương ở thượng quái nhưng lại không ứng (?), nên răn phải ngay chính thì sau đó mới tốt lành. Nói tóm lại, hào Sơ quẻ Thái kéo bè với Nhị và Tam cùng tiến lên, còn hào Sơ của quẻ Bĩ kéo bè với Nhị và Tam cùng lui. “Vị” động ở hào Sơ quẻ Bĩ thì lùi xuống. Sơ, Nhị, Tam đồng âm chuyên nhất, kết thành khối chuyên quyền. Quẻ Khôn giờ đây chiếm vị trí nội quái, ‘nội vi chủ, ngoại vi khách’, cho nên đúng là thời ‘phỉ nhân’.

Thành trai dịch truyện – Dương Vạn Lý nói: “Nhổ cỏ tranh’ là tượng kẻ tiểu nhân kéo bè tiến lên; ‘giữ chính thì được tốt lành’ là lời răn người quân tử phải xử sự theo đạo chính đáng”, cũng là một thuyết. Đây là tượng ‘Tương liên nhi thoái’ (liên kết nhau lùi lại), nhằm chỉ rõ về ngôi vị khi thời ‘bạt mao nhự’ là thời tiến lên đắc chí của tiểu nhân, còn ‘dĩ kỳ vị’ là thời lui về giữ nguyên tắc của quân tử. Ở thời Thái thì lấy cùng đi làm tốt, ở thời Bĩ thì lấy ngay chính làm hanh. ‘Vị’ có thể hiểu như nói ‘vọng’, khi Sơ biến thành quẻ Vô vọng.

Khâu Kiến An nói: “Quân tử với tiểu nhân vốn không có định danh, chỉ có chính với tà. Bất chính là tiểu nhân ở thời Bĩ lớn thịnh không lợi cho đạo của người quân tử. Ba âm ở dưới là thời tiểu nhân, mà cái ác của Sơ chưa hình thành, có thể dễ trở về thiện, cho nên khuyên nó lấy ‘ngay chính’ thì có thể biến làm quân tử”.

Tiểu tượng nói: “Nhổ cỏ tranh cả đám gốc rễ, giữ gìn ngay chính sẽ được tốt lành”, nói rõ ý chí của hào Sơ lục là giữ gìn ngay chính, không cầu tiến vì nghĩ tới vị quân chủ.

[Tượng viết: “Bạt mao, trinh cát”, chí tại quân dã.]

Giải: ‘chí tại quân’, Khổng Dĩnh Đạt giảng: “Sở dĩ ở yên, giữ điều ngay chính, vì đặt chí hướng về đấng quân vương, không siểm nịnh cầu tiến, nên được tốt lành”. Ở chỗ miếu đường thì lo cho dân, ở chỗ giang hồ thì lo cho vua, cho nên lúc Thái thì chí ở ngoài lúc Bĩ thì chí ở vua.

Vương Tông Truyền nói: “Hào Sơ tuy có sự ứng của nó, nhưng đương ở thời Bĩ, trên dưới cách tuyệt không thông, cho nên hào Sơ không ứng trên được, duy chỉ cùng cả đám giữ chính mà thôi”. Thuyết này nói hào Sơ vốn có ứng với quẻ trên, thuyết này có thể chấp nhận.

Trình Di nói: “Người quân tử ở địa vị dưới giữ tiết của mình, không phải là vui ở chỗ không tiến, mà là giữ điều thiện cho riêng mình.Vì đạo vừa mới Bĩ, không thể tiến, nên ở yên. Nhưng lòng vẫn lo đến thiên hạ, chí hướng luôn đặt ở nơi quân vương, để tiến lên giúp thiên hạ, nên nói ‘chí tại quân dã”.

Quẻ Thái hào Sơ ứng hào Tứ, là dương ứng với âm, chí làm ơn cho dân không lấy ích một mình, mà giúp cho cả thiện hạ, nên nói chí ở ngoài. Quẻ Bĩ thì Sơ âm ứng Tứ dương, Sơ là âm thì chí chỉ vâng theo vua, không tự lập tư đảng, nên nói chí ở vua.

Lời hào Lục nhị: Được bao dung và vâng thuận người trên, kẻ tiểu nhân thì tốt, bậc quân tử không làm như vậy, thì được hanh thông.

[Lục nhị, Bao thừa, tiểu nhân cát, đại nhân phủ, hanh.]

Giải: ‘Bao’ là bao dung, chỉ hào Nhị được hào Ngũ bao dung. ‘Thừa’ là thuận thừa, thuận theo phục vụ, chỉ hào Nhị thuận thừa hào Ngũ. ‘Thừa’ là một danh từ chuyên môn trong Dịch: khi hào âm ở thượng vị, hào dương ở hạ vị, thì quan hệ hai hào này gọi là ‘thừa’. ‘Phủ’ là phủ định, theo Ngu Phiên giảng: “Phủ là không”.

Lời hào nói rõ hào Nhị ở ngôi vị giữa hạ quái, ở vào thời ‘bao thừa’, trên ứng với hào Ngũ, giống như lấy nhu thuận nên được được hào Ngũ bao dung mà thuận theo, nên có tượng ‘tiểu nhân hoạch cát’. Nhưng lúc này hào Ngũ là ‘đại nhân’ thì phải phủ định đạo của tiểu nhân, không thể cùng hào Nhị cùng bao dung, mới đạt được hanh thông. Vương Bật chú: “Ở vào thời bĩ bế, ở đúng ngôi của mình, dùng đạo chí thuận, được trên bao dung. Đường lối ấy của kẻ tiểu nhân sẽ được hanh thông, vì nội nhu ngoại cương. Bậc đại nhân thì không làm như vậy thì mới hanh thông”.

Kinh nghĩa thuật văn – Vương Dẫn Chi nói: “Hào Nhị được Ngũ bao dung, là đạo của kẻ tiểu nhân. Bậc đại nhân là Cửu ngũ, nếu cùng với Lục nhị cùng bao dung, là đem người quân tử nhập vào đám tiểu nhân, thì thành một đám hỗn độn. Vì vậy, không thể bao dung lẫn cả tiểu nhân thì đạo mới hanh thông”.

Lời hào Nhị dùng cả hình tượng của Tiểu nhân và Quân tử, thể hiện phương thức xử lý ở thời Bĩ, chính tà hoàn toàn khác nhau, hai bên hoàn toàn trái ngược nhau về mặt nguyên tắc đạo đức. Lời hào nhấn mạnh đến việc đại nhân cần phải lấy nhiệm vụ xoay chuyển thế Bĩ làm trọng, nên không thể lẫn lộn vào đám tiểu nhân, không thể để cho bọn ‘quần tiểu’ gây ra mối loạn.

Đã không giao sao còn vâng theo ? Ở dưới mà có chí bao chứa vâng thuận người trên, để cầu được che chở lúc Bĩ, mà làm lợi cho riêng mình cũng là cái tốt.

Lời hào Hai cũng là một lời răn về sự trung thành: trung thành với bản thân, trung thành với các nguyên tắc đạo đức, trung thành với đấng quân vương khi đang còn (lưu vong) chưa thành tựu đại nghiệp. Khi quá vội vã xu phụ theo người trên mới, thì chưa chắc đã có lợi, mà còn đánh mất cả sự trung thực với bản thân (hào Nhị biến thành Khảm được quẻ Tụng; hào Nhị vâng thuận người trên là tượng bao tàng âm mưu, đương thời Bĩ làm quan thì đều được phúc, cho nên nói tiểu nhân cát).

Tiểu tượng nói: “Đại nhân phủ định đạo của tiểu nhân, thì được hành thông”, vì nó không thể bị bè đảng tiểu nhân làm loạn.

[Tượng viết: “Đại nhân phủ, hanh”, bất loạn quần dã.]

Giải: ‘quần’ tức là ‘quần tiểu’ (bọn tiểu nhân), chỉ hào Ngũ không thể ứng với hào Nhị, đang thời bế tắc, hào Nhị tuy ứng với vào Ngũ ở trên, nhưng hào Ngũ lại không thể ứng với Nhị, nếu không như vậy sẽ nhập bọn với tiểu nhân, tất dẫn tới chỗ chính tà hỗn loạn. Thượng Bỉnh Hòa nói: “Bất loạn quần’, ý nói hào Ngũ không thể ứng với hào Nhị được”. Đây là tượng của sự lẫn lộn.

Lời hào Lục tam: Được bao dung mà làm điều sai trái, cuối cùng dẫn tới nhục.

[Lục tam, Bao tu.]

Giải: ‘tu’ là nhục nhã. Lời hào chỉ rõ hào Tam đang ở vào thời bĩ bế, ở ngôi trên cùng của hạ quái, bất trung bất chính, nhưng có ứng với hào Thượng cửu, giống như dựa dẫm vào sự bao dung của hào Thượng mà nịnh nọt, làm điều sai trái, cuối cùng gặp phải hổ nhục. Vương Bật nói: “Đều làm theo đạo kẻ tiểu nhân để bợ đỡ người trên, dùng đạo nhỏ nhen để thuận thừa, mà ngôi lại không thích đáng, nên đáng hổ thẹn mà nói ‘bao tu’ vậy”. Đây là hình tượng chức vụ và địa vị không cáng đáng nổi nhiệm vụ. Đã không đáng ngôi thì làm chẳng có đạo, chẳng giữ được đạo để yên thân mình lại còn bao chứa mưu lừa gian lạm, là đến lúc cùng thì quá bậc.

Lời hào Tam không nói ‘hung’ hay ‘cữu’, mà chỉ nói ‘tu’, tỏ rõ lúc bế tắc, thế lực kẻ tiểu nhân đang thịnh, nhưng xét từ góc độ người quân tử, đạo kẻ tiểu nhân cuối cùng là đáng hổ thẹn, vì chính người quân tử cũng không làm được gì. Mã Kỳ Sưởng nói: “Khi đạo của tiểu nhân thịnh, hành vi của hào Tam có thể không hung cữu, song người quân tử thì lấy làm hổ thẹn”.

Tiểu tượng nói: “Được bao dung làm điều sai trái cuối cùng dẫn đến nhục”, chứng tỏ hào Lục tam ở ngôi vị không chính đáng.

[Tượng viết: “Bao tu”, vị bất đáng dã.]

Giải: Trình Di giảng: “Âm nhu ở thời Bĩ mà bất trung bất chính, sở dĩ đáng hổ thẹn là do ở ngôi vị không thích đáng, ở ngôi vị không thích đáng là nói không hợp đạo vậy”. Tự bản tâm gây nên, không đúng với đường lối chung.

Lời hào Lục tứ: Thừa hành mệnh trời, xoay chuyển cục diện bế tắc thì không cữu hại. Những người cùng loại dựa vào nhau đều được hưởng phúc.

[Lục tứ, Hữu mệnh vô cữu, trù ly chỉ.]

Giải: ‘Mệnh’ ở đây chỉ thiên mệnh chuyển đạo Bĩ thành đạo Thái, đồng thời cũng chỉ quân mệnh của hào Ngũ. Chữ ‘trù’ nghĩa là bạn, tức là những hào âm ở dưới. ‘Ly’ là theo, dựa theo. ‘Chỉ’ là phúc. ‘Trù’ nghĩa là cùng bọn.

Lời hào Tứ chỉ rõ hào Tứ bắt đầu từ quẻ dưới tiến lên quẻ trên, cục diện bế tắc sắp được xoay chuyển, phụng mệnh xoay chuyển, nên không có cữu hại. Lúc này, cục diện Bĩ đang sắp chuyển, các hào âm của quẻ dưới dựa vào Cửu tứ, là người ‘quân tử xoay chuyển Bĩ’, nên sẽ cùng được hưởng phúc. Do vậy nói ‘trù ly chỉ’.

Chu dịch ngoạn từ – Hạng An Thế nói: “Thái tuy cực trị, do mệnh loạn mà thành tổn hại. Bĩ tuy cực loạn, do có mệnh mà thành ích lợi. ‘Mệnh’ là do trời ban ra, là lệnh của trời, là sự tạo tác của vua cùng người quân tử tạo ra. Sự phế hưng của đạo, chẳng phải do trời hay sao ? Việc trị loạn của đời chẳng phải do bậc quân vương hay sao ?”. Có tài gánh vác đảm đương việc lớn ắt phải có mệnh lệnh ban ra, thì quyền bính mới tập trung quy về một. Tái lập thời thịnh trị thì phải được các hoàn cảnh thuận lợi ủng hộ.

Chu dịch học thuyết – Mã Trấn Bưu nói: “Đời ‘bĩ’, tiểu nhân đắc chí, nhưng cái chí của người quân tử không thể không làm theo điều phải, không vào hùa với bọn tiểu nhân. Chí đó đem thực hiện, là cơ sở để chuyển Bĩ thành Thái. Đó tức là mệnh trời gửi gắm, tạo phúc cho thiên hạ, bọn tiểu nhân cũng dẫn đồng loại dựa dẫm theo. Cái chí của hào Cửu tứ là phò nguy cứu khốn, nên không nghi hoặc gì về hành động của mình”.

Tiểu tượng truyện hào Cửu tứ nói: “Cái chí được thực hiện vậy”. Chu dịch tập giải – Lý Đỉnh Tộ dẫn lời Tuân Sảng nói: “Đây là chí thực hiện với các hào âm vậy”, tức cho rằng chữ ‘trù’ trong Lời hào là để chỉ ba hào âm của quẻ dưới. Song, Khổng Dĩnh Đạt lại nói: ‘trù’ chỉ hào Sơ lục. Đây cũng là một thuyết cần khảo chứng thêm, tượng về sự ít – nhiều.

Lời hào Cửu tam quẻ Thái nói: “Không có cái gì đi mãi mà không quay lại” (vô vãng bất phục), đây là tượng của sự sắp chuyển sang Bĩ. Lời hào Cửu tứ quẻ Bĩ nói: “Có mệnh trời nên không lỗi” (hữu mệnh vô cữu), đây là tượng của sự sắp chuyển sang Thái. Chu dịch bản nghĩa thông thích – Hồ Bính Văn nói: “Sự biến đổi Bĩ – Thái, đều do trời. Song, Thái biến sang Bĩ dễ, được nêu ở nội quái đã nói tới. Bĩ biến sang Thái khó, nên đến ngoại quái mới nói”.

Tiểu tượng nói: “Thừa hành mệnh trời xoay chuyển đạo Bĩ thì không có tai họa”, nói rõ chí hướng xoay chuyển đạo Bĩ của hào Cửu tứ đang được thi hành.

[Tượng viết: “Hữu mệnh vô cữu”, chí hành dã.]

Giải: Trình Di nói: “Có mệnh vua nên không lỗi, có thể xoay chuyển được thế Bĩ, chí hướng được thì hành vậy”.

Lời hào Lục ngũ: Đã ngừng cục diện bế tắc, đại nhân có thể gặp tốt lành. Trong lòng luôn tự nhắc nhở: Sắp bị diệt vong ! sắp bị diệt vong ! Thì sẽ có thể được yên ổn như cây dâu được quấn quýt trong đám cây.

[Cửu ngũ, hưu bĩ, đại nhân cát; kỳ vong kỳ vong, hệ vu bao tang.]

Giải: ‘Hưu’ là từ chỉ động tác, do câu ‘hưu chỉ’ tức là ngừng, dừng lại. ‘Bao’ là bụi cây, có nghĩa là ‘chùm rễ cây quất quýt với nhau’, nguyên câu này dụ ý chỉ chính là một lời răn đe, nhắc nhở dành cho bậc đại nhân. ‘Vong’ có nghĩa là diệt vong, Chu Hi giảng: “Có lòng tự răn mình như vậy, thì ắt sẽ có tượng cây dâu quất quýt. Như thế, nếu có thể biết lo sợ đề phòng diệt vong, thì sẽ giống như chùm cây dâu rễ cây ăn sâu vào lòng đất, kiên cố vững vàng không thể lay đổ được”.

Lời hào Ngũ chỉ rõ hào Cửu ngũ ở ngôi quân vương, dương cương trung chính, vào thời Bĩ sắp chuyển sang Thái, coi việc chấm dứt bế tắc trong thiên hạ làm nhiệm vụ của mình, nên có tượng ‘đại nhân cát’. Nhưng lúc này, tuy Bĩ sắp chuyển sang Thái, mà vẫn phải răn sợ sự nguy vong, nên đặc biệt nhắc nhở hào Cửu ngũ phải luôn luôn tự răn ‘sẽ có thể diệt vong, sẽ có thể diệt vong’, mới khiến cho sự nghiệp của mình vững trãi, như cây dâu được quất quýt trong đám cây. Vương Bật nói: “Lòng buồn tự răn: sẽ nguy thì sẽ được vững bền”. Trình Di nói: “Hào Ngũ lấy đức dương cương trung chính ở ngôi cao, nên có thể ngăn chặn thế bĩ của thiên hạ, đó là điều tốt đẹp của bậc đại nhân”.

Lo nguy sẽ được yên, đó là tư tưởng cốt lõi của hào Cửu ngũ quẻ Bĩ. Hệ từ hạ dẫn lời bàn của Khổng Tử về vấn đề này: “Lo nguy thì được yên ngôi, lo mất thì giữ được thân, lo loạn thì mới trị được. Cho nên người quân tử yên mà không quên nguy, còn mà không quên mất, trị mà không quên loạn, như vậy thì dân được yên mà quốc gia được giữ vững vậy. Dịch thì nói ‘kỳ vong kỳ vong, hệ vu bao tang”.

Tượng truyện viết: “Bậc đại nhân được sự cát tường”, chứng tỏ hào Cửu ngũ được cư trung đắc chính vậy.

[Tượng viết: “Đại nhân chi cát”, vị chính đáng dã.]

Giải: Chu dịch tập giải – Lý Đỉnh Tộ dẫn lời Thôi Cảnh nói: “Là do đắc vị cư trung vậy”. Trình Di nói: “Có cái đức của bậc đại nhân, mà được ngôi chính vị chí tôn có thể ngăn được Bĩ của thiên hạ, nên được tốt lành vậy. Không có ngôi vị ấy, thì tuy có đạo cũng chẳng làm gì được. Cho nên, ngôi vị của thánh nhân được coi là ‘đại bảo’ (rất quý báu)”.

Lời hào Thượng cửu: Xoay chuyển cục thế bế tắc, lúc đầu còn Bĩ, sau cũng sẽ thông thái, vui mừng.

[Thượng cửu, Khuynh bĩ, tiên bĩ hậu hỷ.]

Giải: Tập giải dẫn lời Hầu Quả nói: “Khuynh nghĩa là đổ, bĩ đến lúc cùng là đổ”. Lại nói: “Cái bị đánh đổ là cái bĩ, cho nên nói ‘tiên bĩ’; đánh đổ rồi thì thông, nên nói là ‘hậu hỷ”. ‘Khuynh’ nghĩa giống như lật đổ.

Lời hào Thượng chỉ về Thượng cửu ở ngôi vị cuối cùng của quẻ Bĩ, là lúc đạo Bĩ tột cùng, nên có thể xoay chuyển cục thế bế tắc. Trong lúc xoay chuyển thế Bĩ, tuy vẫn còn tàn dư của Bĩ, nhưng cuối cùng sẽ xoay chuyển được triệt để, thiên hạ hanh thông. Triết lý ‘Bĩ cực Thái lai’ đã được hào Thượng cửu quẻ Bĩ nói lên rất rõ. Nhưng muốn triệt để xoay chuyển Bĩ, nếu không có thế lực cương kiện dũng mãnh thì không thể thực hiện được. Hào Thượng có đức tính Càn kiện thịnh nhất, là nhân tố quan trọng để xoay chuyển Bĩ thành công. Trình Di nói: “Hết Bĩ thì tất phải xoay chuyển, lẽ nào cứ Bĩ mãi. Đến cùng cực thì tất quay trở lại, đó là lẽ thường vậy. Song đổi nguy thành an, đổi loạn thành trị, tất phải có tài dương cương thì sau mới thành công được. Nếu hào Thượng cửu của quẻ Bĩ có thể xoay chuyển thế Bĩ, thì hào Thượng Lục quẻ Truân không thể biến đổi được quẻ truân vậy”.

Tiểu tượng nói: Cuối cùng bế tắc tất được khai thông, sao có thể bĩ bế mãi được.

[Tượng viết: “Bĩ chung tắc khuynh”, hà khả trường dã.]

Giải: Khổng Dĩnh Đạt nói: “Đạo bĩ bế đã hết, đạo hanh thông sẽ tới. Nên bĩ cuối cùng sẽ bị đảo lộn, Bĩ không thể lâu dài mãi được”.

Khâu Kiến An nói: “Quẻ Bĩ lấy lớn đi nhỏ lại làm nghĩa, cho nên ba hào âm ở trong thuộc về Bĩ, ba hào dương ở ngoài thuộc về Thái. Sơ nói ‘bạt mao’ là lúc tiểu nhân mới bắt đầu dụng sự, Nhị nói ‘bao thừa’ là thời tiểu nhân đắc chí, Tam nói ‘bao tu’ là lúc tiểu nhân muốn làm hại người thiện mà chưa làm, cả ba hào này đều nói về Bĩ. Tứ nói ‘hữu mệnh vô cữu” là thời bĩ đã quá giữa mà thái muốn trở lại, Ngũ nói ‘hệ vu bào tang’ là việc của nhân quân làm tất được cuộc bĩ, Thượng nói ‘tiên bĩ hậu hỷ’ là lúc bĩ đã nghiêng mà làm Thái, thiên hạ há có thời bĩ hoài ru”.

LỜI BÀN

Vật có Thái tất có Bĩ. Tạp quái truyện nói: “Quẻ Bĩ và quẻ Thái tương phản nhau”, tức nói lên nghĩa của hai quẻ này tương phản, trái ngược nhau. Quẻ Bĩ nêu rõ cái lẽ ‘bĩ bế’, thể hiện sự không ứng hợp nhau giữa hai mặt đối lập của sự vật, tức là trên dưới không giao tiếp, âm dương không hòa hợp.

Tượng của quẻ là trời ở trên đất ở dưới. Thoán truyện nói: “Trên dưới không giao hòa, thiên hạ không thành thể thống quốc gia”, đã thể hiện một cách xác đáng ý nghĩa của quẻ.

Sáu hào trong quẻ, ba hào dưới nói về âm nhu ở vào thời Bĩ. Hào Sơ, nếu biết thời, biết lùi thì được ‘chính cát’; Hào Nhị được bao dung thuận thừa và vâng thuận thì tạm thời được cát, nhưng bậc đại nhân không làm như vậy; Hào Tam được bao dung mà làm điều sai trái để đến nỗi bị hổ nhục. Đây chủ yếu là nhắc nhở ba hào âm giữ gìn ngay chính, chớ vội tiến tới, không tiến lên nữa.

Ba hào trên nói về dương cương cứu vãn sự Bĩ. Hào Tứ phụng mệnh xoay chuyển thế Bĩ, nên được vô cữu. Hào Ngũ ngăn chặn thế Bĩ, làm cho đạo Bĩ phải kết thúc, mà được cát. Hào Thượng lật ngược thế Bĩ, đánh đổ được đạo Bĩ, nên được ‘hỷ’. Đây chủ yếu khuyến khích ba hào dương ra sức thực hiện chí của mình. Qua đó có thể thấy, ở vào thời Bĩ, muôn vật tuy bế tắc không thông, nhưng ‘bĩ cực thái lai’ là quy luật tất nhiên trong sự phát triển của sự vật.

Do vậy, tư tưởng cốt lõi của quẻ Bĩ là dạy người ta ở vào thời Bĩ, cần có nghị lực và niềm tin, đây là hai điều kiện không thể thiếu, khi ở trong quá trình chuyển Bĩ thành Thái, và mang đến cho người ta điều kỳ vọng từ trong ‘bế tắc’ đi tới ‘hanh thông’.

Chu Thư – Tiêu sát truyện chép bài Mẫn thời phú của Tuyên đế Tiêu Sát đời hậu Lương, có câu: “Vọng bĩ cực nhi phản thái, hà diểu diểu nhi vô tân” (Mong bĩ cực sẽ quay lại thái, nhưng sao mà vời vợi không bờ bến), chính là biểu lộ tâm tình lo buồn lúc ở trong cảnh Bĩ mong cảnh Thái. Cũng như triết lý ‘sợ nguy thì có thể yên’ chứa đựng trong lời hào Cửu ngũ, đã có ảnh hưởng sâu sắc đối với người đời sau. Về điều này, Tiềm phu luận – Tư hiểu thiên có một đoạn nghị luận như sau: Lão Tử nói “Phù duy bệnh bệnh, thị dĩ bất bệnh’ (Nếu biết sẽ mắc bệnh thì sẽ không có bệnh). Dịch nói ‘Kỳ vong, kỳ vong, hệ vu bao tang’ (Biết là sắp mất, buộc chặt rễ dâu), cho nên những người gìn giữ tuổi thọ, phải dùng thuốc trước khi có bệnh; bậc quân vương giúp đời, phải dùng người hiền trước khi có biến loạn, như thế thì thân được yên mà nước mới bền vững”.

(Dẫn theo trang khaotapdich.blogspot.com)

Trusted by some of the biggest brands

spaces-logo-white
next-logo-white
hemisferio-logo-white
digitalbox-logo-white
cglobal-logo-white
abstract-logo-white
white-logo-glyph

We’re Waiting To Help You

Get in touch with us today and let’s start transforming your business from the ground up.