Chương 65: Quẻ LÔI SƠN TIỂU QUÁ

64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Kinh Dịch – Đạo Của Người Quân Tử” của học giả Nguyễn Hiến Lê.

64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Dịch Kinh Đại Toàn” của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê.

64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Bát Tự Hà Lạc – Lược Khảo” của Học Năng.

Quẻ LÔI SƠN TIỂU QUÁ

“Kinh Dịch – Đạo Của Người Quân Tử” của học giả Nguyễn Hiến Lê.

::||:: Lôi Sơn Tiểu Quá (小過 xiǎo guò)

Quẻ Lôi Sơn Tiểu Quá, đồ hình ::||:: còn gọi là quẻ Tiểu Quá (小過 xiao3 guo4), là quẻ thứ 62 của Kinh Dịch.

* Nội quái là ☶ (::| 艮 gen4) Cấn hay Núi (山).

* Ngoại quái là ☳ (|:: 震 zhen4) Chấn hay Sấm (雷).

Giải nghĩa: Quá dã. Bất túc. Thiểu lý, thiểu não, hèn mọn, nhỏ nhặt, bẩn thỉu, thiếu cường lực. Thượng hạ truân chuyên chi tượng: trên dưới gian nan, vất vả, buồn thảm.

Tin (Trung phu) mà làm ngay, không xét đều tin đó phải hay không , thì có thể mắc lầm lỗi, cho nên sau quẻ Trung phu tới quẻ Tiểu quá. Quá có hai nghĩa: lỗi; ra ngoài cái mức vừa phải thoán từ dưới đây dùng nghĩa sau.

Thoán từ

小過: 亨, 利貞. 可小事, 不可 大事.飛鳥遺之音, 不宜上, 宜下, 大吉.

Tiểu quá: Hanh, lợi trinh. Khả tiểu sự, bất khả đại sự.

Phi điểu di chi âm, bất nghi thượng, nghi hạ, đại cát.

Dịch: Cái nhỏ nhiều: Hanh thông hợp đạo chính thì lợi. Có thể làm việc nhỏ, không thể làm việc lớn. Con chim bay mà để tiếng kêu lại, không nên lên cao mà nên xuống thấp. Người quân tử biết được như vậy thì tốt.

Giảng: Quẻ này trái với quẻ Đại quá số 28. đại quá có 4 hào dương ở giữa, 2 hào âm ở dưới cùng và trên cùng, như vậy dương nhiều hơn âm, mà dương có nghĩa là lớn, âm là nhỏ, cho nên Đại quá có nghĩa là cái lớn (dương) nhiều hơn. Tiểu quá có 2 hào dương ở giữa, 4 hào âm ở trên và dưới, như vậy là âm – tức cái nhỏ – nhiều hơn dương tức cái lớn; cho nên đặt tên là Tiểu quá. Tiểu quá là cái nhỏ nhiều hơn; nhưng cũng có nghĩa là quá chút ít.

Bình thường thì vừa phải là hay. Nhưng cũng có khi quá một chút lại hay, chẳng hạn trong nhà, chồng tiêu pha nhiều quá, vợ chắt bóp một chút để được trung bình; hoặc khi thiên về bên tả quá, muốn lấy lại mức trung thì lại nên thiên về bên hữu một chút. Nhưng việc gì cũng phải hợp lẽ, hợp thời, hợp đạo chính thì mới được. Đó là ý nghĩa câu đầu.

Câu thứ hai” “Chỉ nên “quá” trong việc nhỏ, không nên “quá trong việc lớn; vì việc nhỏ, lỡ có quá một chút, hậu quả không tai hại, còn việc lớn mà lỡ quá một chút, một li có thể đi một dặm hậu quả rât nặng nề, như việc nước, lỗi lầm một chút có thể gây chiến tranh hoặc sự suy sụp về kinh tế. . . .

Thoán truyện giảng: Các hào dương (lớn) đều không đắc trung, là quân tử nhất thời, không làm việc lớn được.

Câu thứ ba tối nghĩa, không hiểu sao lại dùng tượng con chim bay ở đây. Mỗi nhà giải thích một khác: Chu Hi bảo “trong thực, ngoài hư như con chim bay”, có lẽ vì cho hai hào âm ở dưới như hai chân chim, hai hào âm ở trên như hai cánh chim xòe ra? Còn về ý nghĩa thì có người giảng: người quân tử ở thời Tiểu quá nên khiêm tốn, không nên có tiếng tăm lớn, chỉ nên như tiếng chim kêu khi bay, thoáng qua mà thôi; mà cũng không nên ở ngôi cao, như con chim không nên bay lên cao. Hai chữ “đại cát”, các sách đều dịch là rất tốt; Phan Bội Châu dịch là tốt cho người quân tử, nếu đừng có tiếng tăm, đừng ở ngôi cao “Đại” đó trỏ người quân tử.

Đại Tượng truyện giản: Chấn ở trên Cấn là tiếng sấm ở trên núi, bị nghẹt vì núi mà thu hẹp lại, nên gọi là Tiểu quá. Người quân tử ở thời này chỉ nên làm quá trong việc nhỏ, như có thể quá cung kính, quá thương cảm trong việc ma chay, quá tiết kiệm.

Hào từ

1 初六.飛鳥以凶.

Sơ lục: Phi điểu dĩ hung.

Dịch: Hào 1, âm: Chim (nên nấp mà lại) bay, nên xấu.

Giảng: Hào này âm nhu, bất tài, được hào 4, dương; giúp, lại ở thời “hơi quá” (Tiểu quá), nên hăng hái muốn làm việc quá, e mắc vạ, cho nên xấu. Chỉ nên làm chim nấp, đừng làm chim bay.

2. 六二: 過其祖, 遇其妣, 不及其君. 遇其臣, 无咎.

Lục nhị: Quá kì tổ, ngộ kì tỉ, bất cập kì quân.

Ngộ kì thần ,vô cữu.

Dịch: Hào 2, âm: Vượt qua ông mà gặp bà; không được gặp vua thì nên giữ phận bề tôi, như vậy không lỗi.

Giảng: Hào nay nhu thuận, trung chính ở vào thời Tiểu qua,1 có quá một chút mà không lỗi. Nó là âm đáng lẽ cầu dương mà nó lại vượt hai hào dương (3 và 4 ) để gặp (ứng với 5) nghĩa là gặp âm nữa, cho nên Hào từ nói là vượt ông mà gặp bà. Hào từ khuyên hào này ở thấp, là phận làm tôi, không gặp được vua thì cứ giữ phận bề tôi (đứng vào hàng những bề tôi khác) .

Hào này tối nghĩa, chúng tôi dịch theo Phan Bội Châu, Chu Hi giảng là: không gặp được vua thì gặp bề tôi, như vậy là giữ được trung, chính, tuy hơi quá (vì muốn gặp vua) mà không lỗi (sau gặp bề tôi). Cả hai cách giảng đều không xuôi.

3. 九三.弗過防之, 從或戕之, 凶.

Cửu tam: Phất quá phòng chi, tòng hoặc tường chi, hung.

Dịch: Hào 3, dương: Chẳng quá phòng bị (tiểu nhân) thì rồi sẽ bị chúng làm hại đấy.

Giảng: Thời Tiểu qua; tiểu nhân nhiều hơn quân tử, nên đề phòng quá cẩn thận thì tốt. Hào này dương cương đắc chính là quân tử, nhưng vì quá cương (dương ở vị dương), tự thị, không đề phòng cẩn thận nên bị vạ. Hào này xấu nhất trong quẻ vì bị 2 hào âm ở trên ép xuống, 2 hào âm ở dưới thúc lên, chỉ có mỗi hào 4 là bạn, mà chẳng giúp được gì.

4. 九四: 无咎, 弗過遇之, 往厲, 必戒; 勿用永貞.

Cửu tứ: vô cữu, phất quá ngộ chi, vãng lệ, tất giới; vật dụng vĩnh trinh.

Dịch: Hào 4, dương: không lỗi vì không quá dương mà vừa đúng với đạo lý thời Tiểu quá; nếu tiến tới thì nguy, nên răn về điều đó, đừng cố giữ đức cương của mình, mà nên biến thông.

Giảng: hoàn cảnh hào này y hệt hào 3; cũng bị 2 hào âm ép ở trên, 2 hào âm thúc ở dưới, và cũng ở chỗ chưa dứt được với nội quái, chưa lên hẳn được ngoại quái, đáng lẽ cũng xấu, nhưng nhờ 4 tuy dương mà ở vị âm, như vậy là hơi biết mềm dẻo, không quá cương như 3, đúng với đạo lý thời Tiểu quá, chi nên không có lỗi.

Tuy nhiên phải nhớ đừng tiến lên mà theo hai hào âm, như vậy là quá nhu mất, sẽ nguy; mà cũng đừng cố chấp giữ tính dương cương của mình, mà nên biến thông.

5. 六五: 密雲不雨, 自我西郊; 公弋,取彼在穴.

Lục ngũ: Mật vân bất vũ, tự ngã tây giao;

Công dặc, thủ bỉ tại huyệt.

Dịch: Hào 5, âm: mây kịt mà không mưa ở cõi tây của ta, công bắn mà bắt lấy nó ở hang.

Giảng: Âm dương tiếp xúc với nhau thì mới thành mua, nay âm lên quá cao rồi (hào 5), dương ở dưới, âm dương bất hoà, có cái tượng mây kịt mà không mưa ở cõi tây của ta (như thoán từ quẻ Tiểu súc số 9), đại ý là không làm được gì cả; vì là âm nhu, bất tài lại ở vào thời âm nhiều quá. Chỉ có một cách là xuống tìm hào 2, cũng âm, mà làm bạn. Chữ “cộng” (ông) ở đây trỏ hào 5, “bỉ” (nó) trỏ hào 2; hào 2 ở vị âm, tối tăm cho nên ví với cái hang.

6. 上六: 弗遇過之, 飛鳥離之. 凶, 是謂災眚.

Thượng lục: phất ngộ quá chi, phi điểu li chi. Hung, thị vị tai sảnh.

Dịch: Hào trên cùng, âm: không đúng với đạo mà lại sai quá, như cánh chim bay cao quá, xa quá, sợ bị tai vạ.

Giảng: Hào này âm nhu, mà biến động vì ở ngoại quái Chấn (động), lại ở vào cuối thời Tiểu quá,1 là thái quá, cho nên bảo là sai đạo quá; có cái tượng con chim bay cao quá, xa quá rồi; khó kéo lại được mà còn sợ bị tai vạ nữa. Hào 6 này âm là tiểu nhân, tiểu nhân mà vượt lên trên quân tử (dương hào 4), cho nên răn là sẽ bị tai hoạ.

Quẻ này khuyên quân tử ở vào thời tiểu nhân quá nhiều thì đừng nên quá cương như hào 3, mà nên mềm mỏng một chút, biến thông như hào 4.

“Dịch Kinh Đại Toàn” của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê.

62. 雷 山 小 過 Lôi Sơn TiỂu Quá

Tiểu Quá Tự Quái 小 過 序 卦
Hữu kỳ tín giả tất hành chi. 有 其 信 者 必 行 之
Cổ thụ chi dĩ Tiểu quá. 故 受 之 以 小 過

Tiểu Quá Tự Quái

Tin rồi, công việc tất nhiên thi hành.

Cho nên Tiểu Quá mới sinh. 

Tiểu Quá là một trong những quẻ khó giải. Muốn giải ta cần phải hiểu rõ hai chữ Tiểu Quá nghĩa là gì?

a). Có người dựa theo Đại Tượng Truyện giải: Tiểu Quá là quá mức đôi chút.

b). Có người lại phân tách quẻ Tiểu Quá và cho rằng: Tiểu Quá trong có 2 Hào Dương, bên ngoài có 4 Hào Âm. Âm quá nhiều hơn Dương, mà Âm là Tiểu, nên gọi là Tiểu Quá. Thời Tiểu Quá là thời mà Tiểu nhân giữ các chức vụ then chốt, còn Quân tử thì giữ những vai trò phụ thuộc. Wilhelm khi dịch Tạp Quái, dịch Tiểu Quá là thời buổi Giao Thời (Transition). Tôi (Tác giả) thấy rằng hiểu Tiểu Quá là thời buổi giao thời, sẽ giúp ta hiểu quẻ Tiểu Quá dễ dàng hơn. Vì thời buổi giao thời đúng là thời kỳ mà:

Trời làm một trận lăng nhăng.

Ông lại xuống thằng, thằng lại lên ông.

Lúc đó tiểu nhân đắc thế, mà quân tử thất thời. Thời buổi giao thời cũng là thời buổi lắm chuyện nhố nhăng, quá mức, quá lạm. Gặp thời buổi này, giữ được mình toàn vẹn là hay, chứ đừng mong gì làm được đại công, đại sự. Đó là mấy ý chính của quẻ Tiểu Quá.

I. Thoán.

Thoán từ.

小 過 . 亨 . 利 貞 . 可 小 事 . 不 可 大 事 . 飛 鳥

 遺 之 音 . 不 宜 上 宜 下 . 大 吉 .

Tiểu Quá. Hanh. Lợi trinh. Khả tiểu sự. Bất khả đại sự.

Phi điểu di chi âm. Bất nghi thượng nghi hạ. Đại cát.

Dịch.

Hào Âm nhiều quá hơn Dương,

Gọi là Tiểu Quá vẫn đường hanh thông. 

Nếu mà minh chính một lòng,

Rồi ra nên lợi, sinh công dễ dàng.

Sức vừa, liệu việc tầm thường,

Chớ nên đại sự, đảm đương chuốc mòng.

Chim bay, để lại dư âm,

Cao tầm chẳng tới, thấp tầm mới bay.

Thế thời tốt đẹp lắm thay.

Sống trong thời buổi giao thời, ta vẫn có lối thoát, ta vẫn được lợi, được hay, nếu ta theo được chính lý, chính đạo (Tiểu quá. Hanh. Lợi trinh). Trong thời buổi này, chỉ nên làm chuyện những chuyện nhỏ, không nên làm chuyện lớn (Khả tiểu sự bất khả đại sự). Quẻ Tiểu Quá, giữa có 2 Hào Dương, như là mình chim; Trên dưới đều 2 Hào Âm như hai cánh chim; Toàn quẻ trông ngang như hình chim bay. Vì thế Thoán từ mới nói: Con chim bay nhắc nhủ ta bài học này là: Không nên vươn quá cao, mà chỉ nên ở dưới thấp (Phi điểu di chi âm. Bất nghi thượng nghi hạ). Như vậy, mới được an lành (Đại Cát). 

Thoán Truyện. Thoán viết.

彖 曰 . 小 過 . 小 者 過 而 亨 也 . 過 以 利 貞 . 與 時 行 也 . 柔 得 中 . 是 以 小 事 吉 也 . 剛 失 位 而 不 中 . 是 以 不 可 大 事 也 . 有 飛 鳥 之 象 焉 . 有 飛 鳥 遺 之 音 . 不 宜 上 宜 下 . 大 吉 . 上 逆 而 下 順 也 .

Tiểu Quá. Tiểu giả quá nhi hanh dã. Quá dĩ lợi trinh. Dữ thời hành dã. Nhu đắc trung. Thị dĩ tiểu sự cát dã. Cương thất vị nhi bất trung. Thị dĩ bất khả đại sự dã. Hữu phi điểu chi tượng yên. Hữu phi điểu di chi âm. Bất nghi thượng nghi hạ. Đại cát. Thượng nghịch nhi hạ thuận dã.

Dịch. Thoán rằng:

Tiểu Âm mà quá hơn Dương,

Thế là Tiểu Quá, vẫn đường hanh thông.

Quá, nhưng minh chính một lòng,

Tùy thời xử thế, ung dung theo thời

Âm nhu, chốn giữa, chững ngôi,

Cho nên công việc nhỏ nhoi, tốt lành.

Dương cương, thất vị, chông chênh.

Kham sao được đại công trình, mà hay?

Quẻ trông mường tượng chim bay,

Chim bay, cánh vỗ đó đây xạc xào

Chẳng bay quá trớn, quá cao.

Theo bề thấp thỏi, thế nào cũng hay.

Cao là thế ngược, thế sai,

Thấp thời mới thuận, mới hay, mới lành.

Thoán giải thích: Tiểu Quá là những cái nhỏ quá mức mà vẫn hanh thông (Tiểu Quá. Tiểu giả quá nhi hanh dã). Lúc giao thời, mà vẫn theo được chính lý, chính đạo, mà vẫn thích ứng được với hoàn cảnh, thì mới hay, mới lợi. Có vậy mới là thức thời, mới là theo được đà thời gian (Quá dĩ lợi trinh. Dữ thì hành dã).

Phàm ở đời, tiểu nhân làm nên tiểu sự, quân tử làm nên đại sự. Nay tiểu nhân giữ các địa vị trọng yếu, then chốt, quân tử lại không có ngôi, có vị hẳn hoi. Như vậy, chỉ nên làm những chuyện nhỏ, đừng làm những chuyện lớn. (Nhu đắc trung. Thị dĩ tiểu sự cát dã. Cương thất vị nhi bất trung. Thị dĩ bất khả đại sự dã).

 Quẻ Tiểu Quá gợi nên hình ảnh con chim bay, nó nhắc nhủ ta là trong thời buổi giao thời, không nên vươn cao quá, mà chỉ nên ở dưới thấp, mới là hợp lý (Hữu phi điểu chi tượng yên. Hữu phi điểu di chi âm. Bất nghi thượng nghi hạ. Đại cát. Thượng nghịch nhi hạ thuận dã). 

II. Đại Tượng Truyện.

Tượng viết.

象 曰 . 山 上 有 雷 . 小 過 . 君 子 以 行 過 乎 恭 .

喪 過 乎 哀 . 用 過 乎 儉 . 

Sơn thượng hữu lôi. Tiểu Quá. Quân tử dĩ hành quá hồ cung.

Tang quá hồ ai. Dụng quá hồ kiệm.

Dịch. Tượng rằng:

Tiểu Quá, sấm động đầu non,

Hiền nhân quá mức, cũng còn có khi,

Quá khiêm trong lúc hành vi,

Quá sầu, khi gặp những kỳ tóc tang,

Quá ư cần kiệm, kỹ càng.

Tiêu pha, chẳng dám chuyện hoang phí tiền.

Tống Bản Thập Tam Kinh bình đại khái rằng:

Thường thì Sấm sinh từ đất, nay sinh trên núi (Lôi Sơn), thế là quá mức. Tiểu nhân thường hay quá mức, quá trớn trong hành vi, cử chỉ, hay cao ngạo, hay phung phí. Muốn sửa lỗi họ, người quân tử cần làm ngược lại, nhưng làm quá mức một chút, để cho họ thấy mà sửa mình. Cho nên người quân tử, có thể nhất thời, vì mục đích giáo hoá, nên trong hành động sẽ quá cung kính, trong tang lễ sẽ quá buồn rầu, trong tiêu dùng sẽ quá cần kiệm.

Ví dụ: Xưa Mạc Ngao có những cử chỉ cao ngạo, thì Chính khảo Phụ, vì muốn răn bảo, đã tỏ ra hết sức khiêm cung, đến nỗi đi đâu cũng nép vào ven tường. Hoặc như Tể Dư, muốn tỉnh giảm lễ để tang còn là một năm, thì Cao Sài khóc đến chảy máu mắt. Hoặc như trước đó, quân tử tiêu sài hết sức phung phí, vợ nọ con kia đầy dẫy, tân khách ra vào tấp nập, thì Án Anh, sau này có phản ứng ngược lại là suốt ba mươi năm, chỉ dùng một áo hồ cừu cũ. Như vậy, Chính Khảo Phụ đã hành quá hồ cung; Cao Sài đã tang quá hồ ai; và Án Anh đã dụng quá hồ kiệm với mục đích dạy đời.

Hoặc như hồi Trung Cổ ở bên Âu Châu, các giáo sĩ mải sống trong giầu sang, nhung lụa, thì thánh Francois d’Assise (1182 – 1226) đã lập ra một dòng khổ tu, cùng các đồng chí ngày ngày đi xin ăn để mà sống… Đó cũng chính là làm điều phải quá mức ít nhiều, để rung lên hồi chuông cảnh tỉnh.

 III. Hào Từ & Tiểu Tượng Truyện

1. Hào Sơ Lục.

初 六 . 飛 鳥 以 凶 .

象 曰 . 飛 鳥 以 凶 . 不 可 如 何 也 .

Sơ Lục.

Phi điểu dĩ hung.

Tượng viết.

Phi điểu dĩ hung. Bất khả như hà dã.

Dịch.

Chim bay hứng chí, bay cao,

Bay lâu cao quá, thế nào cũng hung.

Tượng rằng:

Cao bay, sẽ gặp hoạ hung,

Hoạ hung thời chịu, biết chừng làm sao?

Sơ Lục là Hào Âm, lại ở chỗ thấp nhất, đáng lý là phải biết an phận, đàng này Sơ Lục cậy có Cửu tứ, tức là người trên quyền thế đỡ đầu, nên xông xáo hăm hở muốn vươn lên. Sự vội vàng hấp tấp, muốn đi quá trớn ấy sẽ đem lại cho đương sự nhiều phiền nhiễu, y như con chim chưa đủ lông, đủ cánh, đã đòi bay bổng. Không thức thời, tiến lên liều lĩnh, bừa phứa như vậy, đến nổi gặp hung hoạ, thời biết làm sao bây giờ (Phi điểu dĩ hung. Bất khả như hà dã).

2. Hào Lục nhị.

六 二 . 過 其 祖 . 遇 其 妣 . 不 及 其 君 . 遇 其 臣 . 無 咎 .

象 曰 . 不 及 其 君 . 臣 不 可 過 也 .

Lục nhị. 

Quá kỳ tổ. Ngộ kỳ tỷ. Bất cập kỳ quân. Ngộ kỳ thần. Vô cữu.

Tượng viết.

Bất cập kỳ quân. Thần bất khả quá dã.

Dịch.

Qua ông , để gặp cụ bà,

Theo vua chẳng được, ở ra phận thần.

Vậy thời chẳng có lỗi lầm.

Tượng rằng:

Chẳng mong theo kịp quốc quân

Giữ sao không quá phận thần, mới hay.

Lục nhị. Hào từ chia làm hai phần:  Phần trên dạy xử sự cho hợp lẽ. Ví dụ: như vợ người cháu (Hào Lục nhị), khi vào lễ nơi tổ miếu, có thể đi qua nơi bài vị của ông Tổ (Hào Cửu tứ), mà đến van vái trước bài vị của bà cô Tổ (Hào Lục ngũ). Thế là Quá kỳ tổ. Ngộ kỳ tỉ. Còn như chính người cháu trai, thì phải đứng lễ về phía ông Tổ.

Phần dưới Hào này, dạy rằng: Bậc thần tử hãy nên biết thân phận mình, đừng nên đòi hỏi nhiều. Ví dụ như một thần tử (Lục nhị), muốn xin vào bệ kiên vua (Lục ngũ), để nhận mạng lệnh mà chẳng được, đành gặp một vị đại thần để nhận mạng lệnh cách gián tiếp. Thế là Bất cập kỳ quân. Ngộ kỳ thần. Cập là có ý muốn gặp, Ngộ là vô tình mà gặp, tình cờ mà gặp. Kinh Xuân Thu cũng phân biệt chữ Cập và chữ Ngộ như vậy.

Tượng Truyện nói rõ hơn, là thần tử không nên vượt quá phạm vi mình. Phải ăn ở sao cho vua ra vua, tôi ra tôi, mới khỏi lỗi lầm (Bất cập kỳ quân. Thần bất khả quá dã). 

3. Hào Cửu tam.

九 三 . 弗 過 防 之 . 從 或 戕 之 . 凶 .

象 曰 . 從 或 戕 之 . 凶 如 何 也 .

Cửu tam. 

Phất quá phòng chi. Tòng hoặc tường chi. Hung.

Tượng viết.  

Tòng hoặc tường chi. Hung như hà dã.

Dịch.

Chẳng lo, chẳng liệu đề phòng,

Nhỡ người hãm hại, họa hung đã đành.

Tượng rằng:

Chẳng lo, chẳng liệu đề phòng,

Nhỡ người hãm hại, họa hung vô chừng.

Cửu tam bị kẹt ở giữa một bày Âm, mà địa vị lại dở trăng, dở đèn (tam bất trung), cho nên phải hết sức gia ý đề phòng tiểu nhân. Nếu chẳng gia ý đề phòng (Phất quá phòng chi), mà lại còn đua đòi theo bầy tiểu nhân, thì trước sau cũng sẽ bị người hãm hại (Tòng hoặc tường chi). Như vậy là chẳng tốt (Hung). 

Theo bày tiểu nhân để đến nỗi bị gia hại, xấu biết chừng nào (Tòng hoặc tường chi. Hung như hà dã).

4. Hào Cửu tứ.

九 四 . 無 咎 . 弗 過 遇 之 . 往 厲 必 戒 . 勿 用 永 貞 .

象 曰 . 弗 過 遇 之 . 位 不 當 也 . 往 厲 必 戒 . 終 不 可 長 也 .

Cửu tứ. 

Vô cữu. Phất quá ngộ chi. Vãng lệ tất giới. Vật dụng vĩnh trinh.

Tượng viết.

Phất quá ngộ chi. Vị bất đáng dã.

Vãng lệ tất giới. Chung bất khả trường dã.

Dịch.

Tùy thời, xử thế cho hay,

Rồi ra mới khỏi đơn sai, lỗi lầm.

Thời nghi, thích hợp, vừa khăm,

Mà không quá trớn, lố lăng mới là.

Mưu đồ, sẽ gặp nguy cơ,

Phải nên thận trọng, đắn đo, suy lường.

Chớ nên cố chấp, thủ thường,

Phải nên quyền biến, đảm đương theo thời.

Tượng rằng:

Thời nghi, thích hợp vừa khăm,

Mà không quá trớn, lố lăng mới là,

Vị ngôi chẳng xứng, chẳng vừa,

Mưu đồ nguy hiểm, phải lo, phải lường.

Tiểu nhân đang lúc nhiễu nhương.

Làm sao quân tử có đường thịnh hưng ?

Cửu tứ là Dương Hào cư Âm vị , thế là tính cương, mà xử nhu, như vậy không có gì là quá, và cũng là hợp thời. Biết mình sống giữa bầy tiểu nhân, không thể làm gì được, nên cũng giả ngô, giả ngọng cho êm chuyện (Phất quá ngộ chi). Thế tức là: Phượng hoàng thất thế, phải theo đàn gà.

Sống vào thời buổi đảo điên, mà không thức thời, cứ tưởng mình có tài, có đức, là có có thể hoán chuyển được tình thế là lầm. Vì một con én làm sao làm nên được mùa xuân. Cho nên, nếu lo toan, sốc vác, tính chuyện đội đá, vá trời, sẽ gặp nguy lệ (Vãng lệ). Cho nên, cần phải đề cao cảnh giác (Tất giới), và đừng có đối xử cứng rắn với người (Vật dụng vĩnh trinh). Có như vậy, mới biết uyển chuyển theo thời.

Tượng Truyện giải rõ thêm rằng mình phải thích thời, khéo xử, không được đi quá trớn, quá mức (Bất quá ngộ chi), Bởi vì địa vị mình dở dang, bất xứng (Vị bất đáng dã). Nếu làm trái lại, thì không nên (Vãng lệ tất giới), và không thể lâu dài được (Bất khả trường dã).

5. Hào Lục ngũ.

六 五 . 密 云 不 雨 . 自 我 西 郊 . 公 弋 取 彼 在 穴 .

象 曰 . 密 云 不 雨 . 已 上 也 .

 Lục ngũ. 

Mật vân bất vũ. Tự ngã Tây giao. Công dặc thủ bỉ tại huyệt.

Tượng viết.

Mật vân bất vũ. Dĩ thượng dã.

Dịch.

Mây dầy, mà chẳng mưa rơi,

Mưa dầy, phủ kín cõi trời Tây ta.

Bắn chim trong động mới là,

Vương công bắn lấy, đem ra giúp đời.

Tượng rằng:

Mây dầy, mà chẳng mưa rơi,

Nghĩa là Âm đã cao ngôi quá chừng.

Lục ngũ. Sống trong buổi nhiễu nhương, giao thời, mà vị lãnh đạo không phải người tài cao, đức cả (Lục ngũ là Âm nhu chi tài), thì làm sao mà làm ơn, làm ích nhiều cho đời được, có khác nào như một áng mây dày, bồng bềnh bên phía trời Tây, không thành mưa rơi xuống mặt đất được (Mật vân bất vũ). Như vậy, hay hơn hết, là đi tìm hiền thần cộng tác. Mà hiền thần bây giờ còn ẩn náu nơi thôn dã, chưa xuất đầu lộ diện, phải khéo léo mới mời ra cộng tác được. Cầu được những bậc hiền tài này, cũng tỉ như bắn chim nấp trong hang động (Công dặc thủ bỉ tại huyệt).

Vua cũng không nên đi quá trớn. Vua mà quá trớn, thời như đám mây, bay quá cao, làm sao mà thành mưa được (Mật vân bất vũ. Dĩ thượng dã.

6. Hào Thượng Lục.

上 六 . 弗 遇 過 之 . 飛 鳥 離 之 . 凶 . 是 謂 災 眚 .

象 曰 . 弗 遇 過 之 . 已 亢 也 .

Thượng Lục. 

Phất ngộ quá chi. Phi điểu ly chi. Hung. Thị vị tai sảnh.

Tượng viết.

Phất ngộ quá chi. Dĩ kháng dã.

Dịch.

Quá chừng, chẳng biết thức thời,

Như chim vun vút, khung trời cao bay,

Thế là hung hoạ có ngày.

Rồi ra vạ gió, tai bay khôn chừng.

Tượng rằng:

Quá chừng, chẳng biết thức thời.

Là vì cao quá nóc rồi, còn chi ? 

Thượng Lục là kẻ tiểu nhân được thời thế đưa đẩy lên ngôi vị cao. Vì đang đà say danh lợi, không thể kiềm chế được mình, nên đã đi quá trớn, không còn chịu theo lẽ phải (Phất ngộ), và làm những điều ngang chướng, quá quắt (quá chi). Họ sẽ gặp tai ương, y như con chim bay quá cao sẽ bị tai họa (Phi điểu ly chi. Hung. Thị vị tai sảnh).

Tất cả những điều dở dang, trái khoáy đã sinh ra chính là vì đương sự đã đi quá trớn (Phất ngộ quá chi. Dĩ kháng dã). 

ÁP DỤNG QUẺ TIỂU QUÁ VÀO THỜI ĐẠI

Kể từ lúc tôi biết suy nghĩ điều hơn thiệt, đến nay thấm thoát đã 50 năm, lúc đó tôi còn nhớ là tôi chỉ là cô bé con, tuổi mới 13, và ngày hôm đó vào mùa xuân, khoảng 12 tháng 3 Âm lịch, là ngày đưa đám táng mẹ tôi. Mẹ tôi mất, tôi buồn lắm, nỗi buồn in sâu trong lòng tôi, đến nỗi bây giờ đã qua 50 năm, mà tôi còn nhớ rõ những hình ảnh để tôi viết bài này. Hôm ấy, lúc đầu vì còn nhỏ nên tôi được lên xe ngồi chung với người trong họ, để theo xe tang, nhưng khi đi đến khoảng hơn hai phần đường thì tôi xuống xe, và vượt từ từ lên nhập bọn chung với các anh, chị tôi, sát sau xe tang mẹ tôi. Tôi im lặng, lòng buồn khôn tả, đi theo xe chở người mẹ thân yêu, đã hy sinh suốt cuộc đời cho chồng con. Tôi bước theo mà người như mơ, như tỉnh, chợt tôi bừng tỉnh khi nghe tiếng các chị tôi khóc lớn, và nghe như có sự níu kéo ở gần tôi, tôi ngoảnh ra sau, thấy chị dâu trưởng của tôi, mặc sô gai như tôi, đang nằm lăn dưới đất, tóc tai rũ rượi, kêu khóc gọi mẹ tôi, và mọi người đang nâng chị dâu tôi dậy. Lúc đó, tôi bàng hoàng không hiểu tại sao chị dâu tôi lại thương mẹ tôi như vậy, vì cứ chốc chốc chị lại làm như vậy, làm khổ cho mấy người cứ phải ở bên cạnh chị, để nâng đỡ chị, mà tôi lúc ấy tuy còn nhỏ, nhưng cũng hiểu là chị không thương mẹ tôi nhiều như vậy. Sau này, tôi hỏi cô tôi về sự tại sao chị dâu tôi lại vừa khóc mẹ tôi, lại vừa lăn đường như vậy. Cô tôi trả lời vì tục lệ xưa, bắt người con dâu khi mẹ chồng chết phải lăn khóc như vậy.

Sau này, cách đó 48 năm, ở xứ Hoa Kỳ này, tôi lại đi dự một đám tang của một người bà con trong họ, (cũng người Việt Nam), thì tôi thấy khi bà cụ chết đi, thay vì mặc sô gai, hay mặc quần áo trắng thường, thì con cháu nội ngoại bà cụ, đã thuê đồ tang kiểu Âu Châu, ăn mặc sang, đẹp, như đi dự dạ hội, và không có cảnh u sầu khóc lóc như ngày xưa.

Vậy, thời gian đã thay đổi tập tục và con người quá nhiều, cả hai cảnh tượng trước và sau đó đều hơi quá đáng.

Và ai đã sống sau năm 1975, lúc Saigon đổi chủ, đã thấy cảnh hống hách của lũ tiểu nhân, mà dân lúc đó gọi chúng là tụi Cách mạng 30 (tức là ngày 30 Cộng Sản về, nó mới tự xưng là Cách mạng), và cảnh những nhà trí thức, khá giả, giả vờ túng thiếu, đi đạp xe xích lô, hoặc đi gánh rau muống để bán ngoài chợ. Thật là cảnh cười ra nước mắt. Những ai là người BắcViệt, nhất là dân Hà nội, đã sống trong cảnh gia đình khá giả, nho phong khi xưa, chắc còn nhớ là các bậc cha mẹ dạy con thật là nề nếp, cẩn thận. Đi ra đường, gặp ai dù quen thân hay quen sơ, đều phải chào hỏi lễ phép. Tiếng Cô, Cậu dùng để chào hỏi người ít tuổi hơn mình. Tiếng Ông, Bà dùng để chào hỏi người ngang mình, và mình xưng Tôi; nếu mình ít tuổi hơn họ thì mình xưng Con hay Cháu. Nếu người đó già cả khoảng trên 70 tuổi, thì phải dùng tiếng Cụ mà gọi người ta. Chỉ hơi quá đáng một chút, là ai có chút chức phận, thì người ngoài xưng họ là Quan lớn.

Sau 1945, Cộng Sản lên, muốn cho thân mật, họ đã dạy dân thay đổi danh từ Cô, Cậu, Ông, Bà ra Anh, Chị, và thay vì gọi người già cả là Cụ, họ thay thế bằng tiếng Chú, Bác, Cô, Dì vv… Nhưng các cán bộ, có một số cứ dùng danh từ Anh, Chị mà gọi những bậc đáng cha chú mình, nếu những người này là ở thành phần dân chúng.

Sau 1975, Cộng Sản vào Nam, đã nhập vào dân những tập tục thiếu lễ độ đối với các bậc trưởng thượng đó. Có nhiều người đã bị tiêm nhiễm, nên đã dùng danh từ Anh, Chị mà gọi những người trưởng thượng mà họ gặp, mặc dầu những người này đáng cha, chú họ.  Trên đây là những điều mà quẻ Tiểu Quá muốn sửa. Gần đây, có một bài báo đăng tin bên Trung Cộng, chắc giới trí thức cũng thấy dân tộc mình đã sai lầm trong vấn đề xưng hô, nên họ đã ra lệnh sửa lại.

Bao giờ người Việt trở lại nề nếp cũ? tuy nhiên danh từ Quan lớn cũng phải hủy bỏ, vì đã quá kiểu cách.

“Bát Tự Hà Lạc – Lược Khảo” của Học Năng.

62.Lôi sơn tiểu quá

Ðại cương:

Tên quẻ: Tiểu Quá (cái nhỏ đi quá một chút, bất hòa)

Thuộc tháng 2

Lời tượng

Sơn thượng hữu lôi: Tiểu Quá. Quân tử dĩ hạch quá hồ cung, tang quá hồ ai, dụng quá hồ kiệm

Lược nghĩa

Trên núi có Sấm là quẻ Tiểu Quá (cái nhỏ đi quá). Người quân tử nên lấy đấy mà nên giữ nết quá cung kính, làm tang quá buồn rầu, tiêu sài quá tiết kiệm (chỉ quá những việc nhỏ thôi chứ không quá việc lớn).

Hà Lạc giải đoán

Những tuổi nạp giáp:

Bính: Thìn, Ngọ, Thân

Canh: Ngọ, Thân, Tuất

Lại sanh tháng 2 là cách công danh phú quý.

THƠ RẰNG:

Việc trong năm Tý Ngọ (Tý Ngọ niên trung sự)

Lập gốc trước chờ heo (Phùng chư tiên lập căn)

Lộc tự trên trời xuống (Lộc tòng thiên thượng chi)

Hai voi chật cửa theo (Nhị tượng mãn môn lan)

Hào 1:

Phi điểu dĩ hung. Ý HÀO: Nên xuống thấp thì không hại.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Khoa danh chức vị đều lớn, mà chỉ vì kiêu mãn quá nên bị tai họa.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Kiêu thế, ngạo vật, gây thù oán, nhà phá thân nguy.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Muốn tiến gấp quá nên hận. _Giới sĩ: Có việc bay cao quá trời. _Người thường: Chỉ thêm tổn hại.

Hào 2:

Quá kỳ tổ, ngộ kỳ tỷ, bất cập kỳ quân, ngộ kỳ thần, vô cữu. Ý HÀO: Hết Phận mình đối với trên thì ít lỗi.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Ðầy mưu lược, vượt chúng, chùm đời mà vẫn giữ đủ lễ với người trên.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Cũng khiêm tốn, cẩn thận, nên mưu việc toại ý, nối nghiệp tổ, nên gia thanh tốt.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Tận tâm với chức vụ nên được thăng mau. _Giới sĩ: Có tiến thủ, được gặp gỡ. _Người thường: Ðược quý nhân dẫn dắt và mưu cầu được việc, được sức phụ nhân giúp đỡ, Số xấu mẹ hay bà bị tổn thương.

Hào 3:

Phất quá phòng chi, lòng hoặc tường chi, hung. Ý HÀO: Không đề phòng tất họa sẽ đến.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Phòng bị đủ cả, đức cương quyết làm người phục, lòng sáng suốt giữ được thân.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Phòng bị hại ngầm. _Giới sĩ: Lo đình giáng. _Người thường: Bị bọn gian tà làm tổn hại.

Hào 4:

Vô cữu, phất quá ngộ chi, vãng lệ tất giới, vật dụng vĩnh trinh. Ý HÀO: Nên quá khiêm cung, đừng kiêu ngạo có hại.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Vị cao mà xử nhũn, công lớn mà nhường nhịn, không lên mặt với trên, hách dịch với dân, nên phúc trạch thâm hậu.

MỆNH – KHÔNG – HỢP Cũng là người cẩn hậu, bình dị, an tĩnh, không vinh nhục gì.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: An thường thủ Phận. _Giới sĩ: Gặp nhiều dịp may, thi bằng nhỏ. _Người thường: An Phận, không tổn hại.

Hào 5:

Mật vân bất vũ, tự ngã tây giao, công đặc, thủ bị tại huyệt. Ý HÀO: Làm trái đạo =”” nên=”” không=”” thành=”” />

MỆNH – HỢP – CÁCH: Tài lớn thì cao nhưng không gặp thời, bị ngăm trở, nên chỉ làm được việc nhỏ,

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Kiêu ngông, phóng túng, trái nhân tình, và ở chỗ vắng, không đạt chí.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Cáo hưu. _Giới sĩ: Ở hang cùng, có triệu chứng lấy công nương. _Người thường: Thủ cựu thì tốt, chỉ có người già và bệnh nhân là xấu.

Hào 6:

Phất ngộ quá chi, phi điểu li chi, hung, thị vị tai sảnh. Ý HÀO: Ði quá rồi nên bị tai vạ.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Kiêu nạn, túng dục, không dằn được lòng mình, khoe khoang thích miệng, thị thế ngạo vật, tuy công danh được toại ý nguyện, nhưng phúc trạch khó bền.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Cậy mạnh làm liều, tham cao, mưu xa, tai họa đều đến, thân gia khó giữ.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Quá cương nên gẫy. _Giới sĩ: Có triệu chứng bay bổng (1). _Người thường: Ði quá Phận mình nên oán hối, có thể xảy việc tang phục.

(Dẫn theo trang huyenhocvadoisong.com)

Trusted by some of the biggest brands

spaces-logo-white
next-logo-white
hemisferio-logo-white
digitalbox-logo-white
cglobal-logo-white
abstract-logo-white
white-logo-glyph

We’re Waiting To Help You

Get in touch with us today and let’s start transforming your business from the ground up.