Bảng Khởi nguyên Tử vi và tính chất của các Chính tinh Thái âm | Tham Lang | Thiên Đồng Cự Môn | Vũ Khúc Thiên Tướng | Liêm Trinh Thiên Phủ | Thái Dương Thiên Lương | Thất Sát | Phá Quân | Tử Vi | Thiên Cơ |
Bảng trên là vị trí ban đầu 14 chính tinh, nằm trên 12 cung, liên quan rất chặt chẽ đến chữ Thời. Vị trí tương đối giữa các sao là không thay đổi, khi Tử Vi dịch chuyển một cung thì các sao cũng dịch chuyển 1 cung và Thời của Tử Vi được diễn giải như sau: Tử Vi (Vua): Được sinh ra từ Tí – Thủy, cũng như mọi sự sống, đều khởi sinh từ nước – từ nước nóng (Tý là cung Dương Thủy), mọi phát sinh, phát kiến của nền văn minh nhân loại…cũng đều khởi từ phương Bắc, nơi đâu có Nước là có sự sống Sao Phá Quân: Khi Vua mới sinh ra, Phá Quân lúc này được đóng tại cung Dần thuộc quẻ Cấn, các sách Tử Vi đều cho rằng Phá Quân tại cung Dần- Thân là hãm địa, nhưng nếu hiểu cho đúng thì phải coi Phá Quân lúc này ví như một tướng cướp trong núi, chưa được khai trí, còn đang mù mờ, làm giặc mà thôi! Sao Thiên Phủ – Liêm Trinh: Là Hoàng Hậu – Thứ Phi và còn đang ở trên trời (lưới Thiên La) chưa xuất khỏi cửa Lôi Môn để giáng Trần. Sao Thái Âm: Thái Âm là tượng của Tâm Linh, của Đạo học; lúc này Vua mới ra đời, Đạo chưa ra khỏi Chùa (Cung Tị tại quẻ Tốn là biểu tượng của chùa chiền). Sao Tham Lang: Được sinh ra tại chốn cung Vua (cung Ly là cửa Ngọ Môn) Sao Thiên Đồng – Cự Môn: Hai vị Thần giữ hai tính lý, một nhân hậu và một nhiều lời, một là trung thần (Thiên Đồng), một lại luôn luôn có ý chống đối cãi cự (Cự Môn); cũng như hai sao Liêm Trinh và Thiên Phủ, một đằng đào hoa phù phiếm, sắn sàng ăn chơi khi điều kiện cho phép (Liêm Trinh), một đằng luôn giữ đạo của đấng mẫu nghi thiên hạ (Thiên Phủ); hai tính lý khác nhau tất nhiên phải chia tay, hai người đi hai hướng, dù cùng sinh ra từ một nơi. Sao Vũ Khúc và Thiên Tướng: Đây là hai vị Thần lành tính, khi chưa có Vua thì cùng nhau lập đất, trấn giữ một miền, khi hữu sự thì Thiên Tướng có tài đánh giặc, tìm Vua để giúp Vua đánh giặc, sao Vũ Khúc giỏi về quân lương, tay tạo lập tiền bạc thì theo Hoàng Hậu lo quân lương, tiền bạc, hậu cần v. v… Sao Thái Dương và Thiên Lương: Một đi sau Vua để toả sáng đạo của Vua (Thái Dương), một theo Hoàng Hậu để lo chữa bệnh, lo chuyện văn chương… Sao Thất Sát Là Thần sát thủ, cấm vệ (công an, bảo vệ v. v..), lúc này còn ở trong dân, chưa được tuyển dụng, đào tạo… Khi Hoàng Hậu chạy giặc mới được tìm thấy và được tuyển dụng cho Vua dùng! Sao Thiên Cơ: Là Thần cơ mưu, cơ khí, võ nghệ v. v… luôn đi sau Vua. Trên đây là tính lí các sao, khi Tử Vi ở cung Tí và khi Tử Vi di dời một cung thì các sao khác cũng di dời một cung, theo nhóm 06 sao theo Tử Vi và 08 sao theo Thiên Phủ, nếu Tử Vi đi 2 cung, hoặc 3 cung… thì các sao khác cũng đi như vậy Luận chữ Thời của Tử Vi: Sau khi được sinh ra tại quẻ Khảm, cung Tý, Vua tất phải đi tìm sự nghiệp, vì thế tiếp sau là Tử Vi vào quẻ Sơn Thủy Mông (cung Sửu). Theo Kinh Dịch, ở quẻ này là thời mù mờ, non yếu, hiểu theo nghĩa là thời khai sơn lập nghiệp cũng đúng. Và vì thế ở thời này Vua cần sao Phá Quân để làm tướng tiên phong, dẫn đường dẹp lối… Và cũng lúc này, trên Trời mở cửa Thiên La để Hoàng Hậu giáng trần… Cứ theo cách như vậy mà luận về thời và tính lý các sao còn lại. Vào đến cung Dần thuộc quẻ Cấn, đây là đất sơn lâm, Vua gặp Hoàng Hậu và lập nghiệp, xưng Vương lần thứ nhất nhưng vì mới buổi đầu nên Tử Vi – Thiên Phủ ở cung này cũng chưa được coi là đắc địa lắm. Vua mới lập nghiệp nên nhiều kiêu hãnh, tuy nhiều sai lầm mà đã dám quấy động đến cửa Lôi Môn, dám ăn chơi sa đọa, cùng với sao Tham Lang đến cung Mão thuộc quẻ Chấn, đây là cửa Trời, vì vậy bị tội là lẽ đương nhiên! Vua sa vào lưới Thiên La (lưới nhàTrời) tại cung Thìn và lúc này Vua cần sao Thiên Tướng để phá lưới
Thiên La.Thoát được lưới Thiên La, Vua vào chùa học Đạo (Tử Vi tại Tị), đến lúc này Vua có bài học về mọi chuyện, vì thế, Vua cần thanh gươm báu để chỉnh đốn triều đình và sao Thất Sát được tận dụng, ở đây Thất Sát được coi là gươm báu của Vua, dùng để thanh trừng, dẹp bỏ những người không hữu dụng, những kẻ cản trở… Sau đó vào cung Ngọ đăng quang, lúc này mới là ông Vua sáng suốt, liêm chính. Vì thế các vua chúa mới hay xây dựng cung điện quay về hướng Nam, gọi là cửa Ngọ Môn, ý nói ta là ông Vua sáng suốt, minh bạch… Không ai giữ mãi được ngôi báu, vì thế nên có lúc phải gãy đổ sự nghiệp, cũng hiểu là không ai được mãi cái giàu có, không ai không có lúc vấp ngã, sai lầm trong cuộc đời… và đến lúc phải đi lánh nạn Vua lại vời sao Phá Quân giúp Vua đi lánh nạn và thầy trò bước vào cung Mùi, cung có tên theo Kinh Dịch là quẻ Địa Hỏa Minh Di, quẻ này ý nói nên lánh đi, giấu cái sáng suốt của mình đi. Đi lánh nạn, vẫn không quên sự nghiệp, khi thất bại vẫn không nản, biết được thăng trầm của thế sự, là người quân tử vậy. Và như thế tất sẽ làm lại được sự nghiệp hay nói cách khác là: cơ hội vẫn dành cho bạn rất nhiều để bạn làm lại, để sửa chữa sai lầm, vì thế Tử Vi lại gặp Thiên Phủ tại cung Thân và lập nên nghiệp mới. Lấy lại được cơ đồ sự nghiệp, lại quen thói ăn chơi, ở đây cũng có ý nhắc rằng dù được học Đạo rồi vẫn có thể bị ma dẫn như không, cũng có ý: lần trước ăn chơi còn có ý dè chừng, lo sợ (cung Mão thuộc quẻ Chấn) còn lần này, ỷ thế, cậy có Đạo rồi nên rất ư vui vẻ, cũng ở quẻ này, cung Dậu là đất Đế Vượng của Kim nên chớ cậy lắm vàng, nhiều bạc mà ăn chơi! Và kết quả tất yếu là gì, sẽ phải đến thôi. Tử Vi lại sa vào cửa Địa Võng, Vua lại phải vời Thiên Tướng tới phá lưới Địa Võng, dẹp loạn, nhưng đây là đất của dân nên khó thoát và phải kết thúc! Đến đây đã kết thúc vòng Trần rồi, xuống cõi giới khác, chuẩn bị luân hồi, nên vào cung Hợi thuộc quẻ Càn, Tử Vi cùng Thất Sát chấn chỉnh lại sau một chu kỳ, chuẩn bị bước vào một chu kỳ mới của luân hồi. Trên đây là chu kì qua 12 cung số, 12 thời của Tử Vi – Thiên Phủ, qua đó, ta hiểu các sao khác trong bộ chính tinh. Cũng từ chữ THỜI như trên ta rút ra những điểm sau: F Nếu làm Vua, khi mắc sai lầm thì Trời có thể tha, nhưng Đất không tha, vì vậy làm Vua phải biết: lấy dân làm gốc. F Là người thì trong đời có thể mắc sai lầm 1 lần, nhưng đừng để mắc sai lầm 2 lần trong một việc. Ở đời có Thịnh có Suy, có Thành có Bại, có Lên có Xuống… biết được như vậy ắt biết cách xử lí cho hợp Thời. Có thể nói học Tử Vi là học đạo làm Người, biết Mình, biết Người… Còn có nhiều điểm có thể rút ra làm bài học ở đời, nhưng xin hãy để dành cho mỗi người vậy!Như phần trên, ta đã xét chữ THỜI của sao Tử Vi an trên lá số, ở đây ta sẽ thấy một số tiêu chí liên quan giữa môn Tử Vi với các quẻ Kinh Dịch như sau: Theo các sách Hoàng Lịch, thì tại phương Bắc, có chòm sao Bắc Đẩu, chòm sao này có ảnh hưởng rất lớn tới cõi trần chúng ta, mỗi người sinh ra, đều chịu sự chi phối của chòm sao Bắc Đẩu. sao này được gọi là đế tinh – vua của các vì sao. Trong các sách Kinh Phật, thì đây chính là chòm Thất Tinh, gọi là “Thất Tinh Diên Mạng” chi phối tới tận giờ sinh cho mỗi con người, hiểu theo một nghĩa nào đó thì các sao này là quê hương xứ sở, cội nguồn của sự sống loài người… Các sách chiêm tinh gọi sao Bắc Đẩu là sao Tử Vi, tên đầy đủ là Tử Vi trung đế, được giao nhiệm vụ cai quản cõi người, cõi ngang với các cõi Phật và các cõi Trời…được phong là vua cõi người, xuất xứ từ hướng Bắc, nên nói sự sống khởi từ nước là vậy. Khi xét các quẻ Dịch thì cần chú ý hào Năm giữ ngôi vua, ngôi tôn quý nhất, và do đó có thể xem xét hào Năm trong các quẻ dịch trên 12 cung lá số: Ví dụ xét Cung Tý thuộc quẻ Thuần Khảm: Cung này chính hướng Bắc, Quẻ Khảm là nơi tái sinh cuộc sống, cho nên trong phần Quy Nạp của 64 quẻ Dịch, những người có chu kỳ cuối là quẻ Thuần Khảm thì phải chịu luân hồi tiếp “…Khảm lại là nước, số một bắt đầu ở giữa, là cái trước nhất của sự sinh, cho nên là nước…” ([1]). Vì mới sinh ra nên tất phải chịu hiểm trở, nhiều nguy hiểm, Tử Vi là ngôi vua, giữ hào Năm của quẻ này, phần tàng hào Năm quẻ Thuần Khảm chính là quẻ: Địa Thủy Sư, ý của quẻ này là việc dấy binh, tập trung quân, lời hào Năm quẻ Sư có ý khuyên nên dùng con cả, không dùng con em khác (con thứ)… vì vậy sau này các vua hay truyền ngôi cho con cả, triều nào làm trái việc này thì thường hay gặp họa Luận người có Tử Vi tại Tý: thường là người cầm đầu, nhưng không ra mặt mới tốt, rất dễ bị họa nếu không biết dùng người, hành sự khá tàn nhẫn, giống như đi săn bắt chim muông… nhưng không tàn nhẫn lại không được việc, sự tàn nhẫn này lại được coi là chính đáng (lời hào năm quẻ Sư). Thời của Tử Vi tại Tý là thời những mưu sự lớn. Tương tự, có thể xét hào Năm trên các cung còn lại để hiểu ý nghĩa của ngôi Tử Vi khi nằm tại các cung số trên lá số. Ví dụ xét Cung Sửu, thuộc quẻ Sơn Thủy Mông: Đây là thời mù mờ non yếu, thời mở mang sự mờ tối. Ở thời này “…hào Sáu Năm là chủ quẻ Mông, mà hào Chín Hai là người mở mang sự mờ tối…hào Năm đã nhún thuận vào hào Hai, hào Hai bèn mở mang sự mờ tối cho nó…” ([2]) cho nên tại đây sao Tử Vi gặp sao Phá Quân, hào Năm của quẻ này cần sự nhún nhịn mà cầu người… Tàng ẩn: khi động hào Năm sẽ được quẻ Phong Thủy Hoán, đây là thời thay đổi, trao đổi, thời vua đã có miếu, được lòng dân, đã qua được hiểm lớn… Sách Kinh Dịch của Ngô Tất Tố, nxb TP. HCM năm 1997 trang 716 có ghi “cái đạo cứu cuộc tan của kẻ làm vua, cốt ở được đạo giữa mà thôi….cúng trời dựng miếu là được lòng dân theo về…”. Luận người có Tử Vi tại Sửu: Cả một cuộc đời đi tìm sự nghiệp; là người rất đa mưu túc trí, biết dùng hoặc không dùng người đúng lúc đúng chỗ; biết lễ giáo có thể theo các đạo giáo; cũng biết lợi dụng, biết qui tụ, biết đức độ, bạo tàn đúng lúc, người có thành công lớn, phải là người có lúc giao toàn quyền bính cho kẻ dưới khi mình còn yếu, biết gạt bỏ chuyện tình cảm khi đã đủ lực (đã dựng được miếu, có đông dân theo về…). Đây là thời mù mờ, không được luôn luôn tỏ rõ sự biết của mình, không được để lộ mưu chước của mình, ý định của mình… thì đấy là người được hưởng tính lý của sao Tử Vi. Còn nếu hưởng tính lý của sao Phá Quân thì là người tự cho mình tài giỏi, hoặc nghe lời vợ, hoặc lên mặt dạy bảo người hơn tuổi, thì sau sẽ bị hối hận, đó là ý hào Hai của quẻ Mông và hào Hai của quẻ Hoán. Cứ thế, quý vị độc giả có thể quán xét trên cả 12 cung số, theo vòng biến thiên của ngôi Tử Vi trung đế Sau khi xét đủ vòng 12 cung, quý vị có thể hiểu cách biểu thị chữ Thời của Tử Vi, được hiểu tàng chứa trong các quẻ Kinh Dịch, 64 quẻ Kinh Dịch là biểu thị qui luật của vũ trụ, trên lá số 12 cung là biểu thị một tiểu vũ trụ, một cõi người trong vũ trụ bao la… điều này thật còn mênh mông cho chúng ta tìm hiểu. Môn Tử Vi được sinh ra từ Kinh Dịch, đấy là thánh nhân dùng môn Tử Vi để nói rõ nghĩa về chữ thời, cho mỗi nhóm người, ngay như sao Tử Vi, nếu lấy quan điểm của Kinh Dịch nói, thì phải hiểu đây là một nhóm sao (thất tinh) và trên Tử Vi, 12 cung số, thì các sao chính tính nắm thời của hào Năm trong các cung mà sao chính tinh đó cư đóng, tất cả có 110 sao trong môn Tử Vi, nếu hiểu một cách cứng nhắc máy móc, thì không thể hiểu được ý của thánh nhân, bởi vì các quẻ trùng quái thì cũng chỉ hiển thị qua sáu hào từ, điều này tùy tâm hiểu của mỗi người, có ý là: tùy sự cảm nhận của mỗi người, mới có thể lãnh hội phần nhạy cảm, phần mờ, tàng trong môn học, nhưng theo tôi, cái quan trọng là sự lô gích, nếu ta không thấy sự liên kết lô gích thì không được khiên cưỡng, gượng ép khi dự báo, luận giải, cái mà ta chưa hiểu, chưa biết, là bởi ta còn vô minh, cần phải học nữa, học mãi, đây là một trong những môn rất khó, với khối lượng kiến thức, thông tin đồ sộ, nên từ xưa tới nay mới không có ai dám tự nhận mình là người thông bác Kinh Dịch, người có duyên, để cả cuộc đời tâm huyết cũng chưa hẳn đã lãnh hội được phần nào, huống hồ với người lãng tử, chỉ lấy chuyện đọc, học Kinh Dịch làm thú giải trí, tiêu khiển, tham cứu.. thì khó lắm thay! cho nên người học chớ vội gặp sự khó một chút đã nản chí, mất thời gian chuyên tâm, dài ngày năm tháng mà vẫn chưa thấy được thông tỏ thì cũng đừng vội báng bổ, Kinh Phật nói “tu cả đời mà ngộ thì trong giây lát” ai không hiểu được điều đó thì tất lạc cõi u mê thôi.
[1] lời quẻ Tập Khảm – Kinh Dịch của Ngô Tất Tố, Nxb Thành phố HCM năm 1997, trang 397
[2] quẻ Mông – Kinh Dịch của Ngô Tất Tố, sđd trang 138 |