Chương 64: Quẻ PHONG TRẠCH TRUNG PHU

64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Kinh Dịch – Đạo Của Người Quân Tử” của học giả Nguyễn Hiến Lê.

64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Dịch Kinh Đại Toàn” của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê.

64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Bát Tự Hà Lạc – Lược Khảo” của Học Năng.

Quẻ PHONG TRẠCH TRUNG PHU

“Kinh Dịch – Đạo Của Người Quân Tử” của học giả Nguyễn Hiến Lê.

||::|| Phong Trạch Trung Phu (中孚 zhōng fú)

Quẻ Phong Trạch Trung Phu, đồ hình ||::|| còn gọi là quẻ Trung Phu (中孚 zhong1 fu2), là quẻ thứ 61 trong Kinh Dịch.

* Nội quái là ☱ (||: 兌 dui4) Đoài hay Đầm (澤).

* Ngoại quái là ☴ (:|| 巽 xun4) Tốn hay Gió (風).

Giải nghĩa: Tín dã. Trung thật. Tín thật, không ngờ vực, có uy tín cho người tin tưởng, tín ngưỡng, ở trong. Nhu tại nội nhi đắc trung chi tượng: tượng âm ở bên trong mà được giữa.

Đã định tiết chế thì người trên phải giữ đức tín để người dưới tin theo, cho nên sau quẻ Tiết tới quẻ Trung phu. Trung phu là có đức tin (phu) ở trong (trung) lòng.

Thoán từ

中孚: 豚魚吉, 利涉大川, 利貞.

Trung phu: Đồn ngư cát, lợi thiệp đại xuyên, lợi trinh.

Dịch: trong lòng có đức tin tới cảm được heo và cá, tốt như vậy thì lội qua sông lớn được, giữ đạo chính thì lợi.

Giảng: quẻ này ở giữa có hai hào âm (hai nét đứt), như trong lòng trống rỗng (hư tâm) không có tư dục, tư ý; còn 4 hào dương là nét liền, đặc, thực (trái với hư), mà hào 2 và hào 5 lại đắc trung (ở giữa nội và ngoại quái), vậy là có đức trung thực. Do đó mà đặt tên quẻ là Trung phu.

Theo nghĩa thì trên là Tốn, thuận với người dưới; dưới là Đoài, phục tòng người trên; như vậy là cảm hoá được dân.

Lòng chí thành cảm được những vật ngu, không biết gì như heo và cá. Lấy lòng chí thành, hư tâm mà ứng phó với nguy hiểm thì vượt được hết, như qua sông lớn mà ngồi chiếc thuyền trống không (hư chu), không chở gì cả, thật là an toàn. Phải giữ chính đạo mới tốt.

Đại Tượng truyện giảng: gió ở trên, chằm ở dưới, là gió (làm ) động được nước như lòng thành thực cảm động được người. Nên tuy lòng trung thành mà xử việc thiên hạ; như xử tội thì sét đi xét lại, tìm cách cứu tội nhân, tha cho tội chết.

Hào từ

1. 初九: 虞吉, 有它, 不燕.

Sơ cửu: Ngu cát, hữu tha, bất yến.

Dịch: Hào 1, dương: liệu tính cho chắc chắn rồi mới tin thì tốt; có lòng nghĩ khác thì không yên.

Giảng: Hào này mới vào thời Trung phu, tuy ứng với hào 4, âm nhu, đắc chính là người đáng tin, nhương bước đầu, phải xét cho kỹ lưỡng xem 4 có đáng tin không, khi đã tin rồi thì đừng đổi chí hướng, lòng phải định rồi mới tĩnh mà yên được.

2. 九二: 鶴鳴在陰.其子和之.我有好爵.吾與爾靡之.

Cửu nhị: Minh hạc tại âm, kỳ tử hoạ chi;

Ngã hữu hảo tước, ngô dữ nhĩ mĩ chi.

Dịch: Hào 2, dương: Như con hạc mẹ gáy ở bóng râm, con con nó hoạ lại; lại như tôi có chén rượu ngon, tôi cùng anh chia nhau.

Giảng: Hào này ứng với hào 5 ở trên, cả hai đều có đức dương cương , lại đắc trung đều có lòng thành thực, đều là những hào quan trọng trong quẻ Trung phu; hai bên cảm ứng, tương đắc với nhau như hạc mẹ gáy mà hạc con hoạ lại, hoặc như một người có chén rượu ngon mà chia với bạn.

Theo Hệ từ thượng truyện, Chương VIII, số 5, Khổng tử giải thích ý nghĩa hào này như sau:

“Người quân tử ở trong nhà mà nói ra, nếu lời nói hay thì người ngoài nghìn dặm cũng hưởng ứng, huống chi là người ở gần; . . hành vi từ gần phát ra thì ảnh hưởng hiện ngay ở xa . . như vậy chẳng nên thận trọng lắm ư?”

Khổng tử đã hiểu rộng “tiếng gáy của con hạc” là lời nói hay; và “chén rượu ngon’ là hành vi đẹp, mà khuyên chúng ta phải thận trọng về ngôn, hành.

3. 六三: 得敵, 成鼓, 或罷, 或泣, 或歌.

Lục tam: Đắc dịch, hoặc cổ, hoặc bãi, hoặc khấp, hoặc ca.

Dịch: Hào 3, âm: gặp được bạn (địch) lúc thì đánh trống vui múa, lúc thì chán nản mà ngừng, lúc thì khóc, lúc thì hát.

Giảng: Hào này âm nhu bất chính, bất trung, ứng với hào ở trên cùng, dương cương mà bất trung, bất chính, như hai người ăn ở với nhau mà không thành thực, tính tình thay đổi luôn luôn, vui đó rồi khóc đó “Hoặc cổ hoặc bãi”, (có người hiểu là: lúc thì cổ võ, lúc thì bỏ đi).

4. 六四: 月幾望, 馬匹亡, 无咎.

Lục tứ: Nguyệt cơ vọng, mã thất vong, vô cữu.

Dịch: Hào 4, âm: Trăng mười bốn (gần tới rằm), con người bỏ bạn mà tiến lên, không lỗi.

Giảng : Hào này đắc chính, thân cận với hào 5, được vua tín nhiệm sự thịnh vượng đã gần tới tuyệt đỉnh rồi, như trăng mười bốn gần đến ngày rằm. Nó ứng với hào 1, hai bên cặp kè nhau như cặp ngựa, nhưng nó biết phục tòng đạo lý, nên sau bỏ 1, để chuyên nhất với 5, như vậy không có tội lỗi gì.

5. 九五: 有孚攣如, 无咎.

Cửu ngũ: Hữu phu luyến như, vô cữu.

Dịch: Hào 5, dương: có lòng chí thành ràng buộc, không lỗi.

Giảng: Như trên đã nói, hào này ở ngôi chí tôn, có đủ đức trung chính, thành tín buộc được lòng thiên hạ.

6. 上九: 翰音登于天, 貞凶.

Thượng cửu: Hàn âm đăng vu thiên, trinh hung.

Dịch: Hào trên cùng, dương: tiếng gà lên tận trời, dù có chính đáng cũng xấu.

Giảng: Hào này dương cương, không đắc trung lại ở vào thời thành tín đã cùng cực, đức tin đã suy, vậy là có danh mà không có thực. Lại thêm không biết biến thông, muốn cố giữ đức tín (vì có tính dương cương, cho nên ví với con gà không là loài bay cao được mà muốn lên tới trời.

Vậy lòng thành tín vẫn là tốt, nhưng phải đừng thái quá mà biết biến thông, Phan Bội Châu nhắc truyện ngụ ngôn anh chàng họ Vĩ (có sách nói là họ Vi) thời Xuân Thu hẹn với một người con gái ở dưới cầu; người đó không tới, nước lên cao, anh ta cứ ôm cột cầu chịu chêt. Tín như vậy là ngu, không biết biến thông.

“Dịch Kinh Đại Toàn” của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê.

61. 風 澤 中 孚 Phong TrẠch Trung Phu

Trung Phu Tự Quái 中 孚 序 卦
Tiết nhi tín chi. 節 而 信 之
Cố thụ chi dĩ Trung Phu. 故 受 之 以 中 孚

Trung Phu Tự Quái

Có chừng, có mực, rõ rồi.

Mực chừng, tiết độ, người người sẽ tin

Trung Phu, vì thế tiếp thêm. 

Sau quẻ Tiết là quẻ Trung Phu, vì lẽ đã lập ra tiết chế, kỷ cương, thì trên dưới đều phải thực thi áp dụng, như vậy mới vẹn tín nghĩa. Trung Phu có nhiều nghĩa:

1. Trung Phu được hiểu là sự Tín thành. Các nhà bình giải cho rằng Trung Phu dạy ta thủ tín, tức dạy ta giữ chữ tín.

2. Trung Phu được hiểu là sự Tinh thành, tức là một trạng thái tâm thần siêu việt, sống động, hùng dũng tuyệt vời, có năng lực cảm hóa được vạn hữu.

Người xưa nói: Tinh thành sở chí, kim thạch vi khai. Nghĩa là: Đạt tới tinh thành, đá vàng sẽ mở.

Nơi quẻ Trung Phu, ta thấy trên có quẻ Tốn là phía Đông, là mùa Xuân. Dưới có quẻ Đoài là phía Tây, là mùa Thu. Tốn cũng có nghĩa là gỗ. Gỗ cần được kim đẽo gọt, mới thành khí cụ hữu dụng. Đoài cũng có nghĩa là kim.

Quẻ Trung Phu có:

– Hai Hào 3, 4 là Âm ở giữa chỉ sự hư linh bất muội. Hào 2, 5 đều là Dương chỉ sự minh chính, tinh thuần.

Muốn đạt tới trạng thái Trung Phu, trạng thái Tinh thành, tâm hồn chúng ta phải hư linh, không để cho dục tình phát động, và son sắt, không để cho ngoai cảnh lôi cuốn.

Thánh hiền đạt được mức tinh thành, sẽ sai khiến được vạn hữu. Thánh kinh Công giáo viết: Nếu ngươi có đức tin bằng hạt cải, ngươi có thể bảo núi này: hãy rời đi nơi khác, và nó sẽ rời đi. Và chẳng có gì mà ngươi không làm được. (Xem Mat, 17, 19; Luc 17, 6). Các Thánh hiền Á đông xưa nay cũng đã dùng sức mạnh này mà hàng long, phục hổ. 

I. Thoán.

Thoán từ.

中 孚 . 豚 魚 吉 . 利 涉 大 川 . 利 貞 .

Trung Phu. Đồn ngư cát. Lợi thiệp đại xuyên. Lợi trinh.

Dịch.

Trung Phu là nghĩa tín thành, 

Làm cho vạn vật an lành, mới hay.

Cá, heo còn cảm đức dày,

Thời cho sông rộng, sóng dầy vẫn qua,

Vượt sông vẫn lợi mới là,

Một niềm trung chính, lợi cơ mới nhiều.

Khi lòng đã tinh thành, sẽ cảm động được đến những loài vật hạ đẳng như heo. cá. Lúc ấy dầu có phải vượt gian hiểm cũng không sao, trái lại vẫn hay, vẫn lợi.

Thoán Truyện. Thoán viết.

彖 曰 . 中 孚 . 柔 在 內 而 剛 得 中 . 說 而 巽 . 孚 乃 化 邦 也 . 豚 魚 吉 . 信 及 豚 魚 也 . 利 涉 大 川 . 乘 木 舟 虛 也 . 中 孚 以 利 貞 . 乃 應 乎 天 也 .

Trung phu. Nhu tại nội nhi cương đắc trung. Duyệt nhi tốn. Phu nãi hóa bang dã. Đồn ngư cát. Tín cập đồn ngư dã. Lợi thiệp đại xuyên. Thừa mộc chu hư dã. Trung Phu dĩ lợi trinh. Nãi ứng hồ thiên dã.

Dịch.

Trung Phu mềm ở bên trong,

Cứng ngoài, vả lại đắc trung, mới tài.

Vui hòa, tốn thuận với người,

Tinh thành sẽ đổi được đời, được dân.

Cá, heo phúc trạch thấm nhuần,

Cá, heo mà cũng thừa ân tín thành.

Vượt sông, mà vẫn lợi hanh,

Thuyền không, chèo lái mặc tình thỏa thuê.

Trung trinh, sau trước vẹn bề,

Đạo Trời ứng hợp, việc gì cũng hay.

 Thoán Truyện, trước hết nhìn theo hình dáng quẻ Trung phu, mà giải quẻ Trung phu. Quẻ Trung phu có 2 Hào Âm ở giữa, thế là Nhu tại nội. Lại có Hào Cửu nhị và Cửu ngũ dương cương đắc trung, nên nói: Nhi cương đắc trung. Các nhà bình giải cho rằng: đó là trạng thái của một tâm hồn hư linh, không bị vật dục chia phối, ngoại dụ lôi cuốn. Quẻ Trung phu dưới có quẻ Đoài là duyệt; trên có quẻ Tốn là thuận, cho nên Thoán nói Duyệt nhi Tốn.

Nếu người trên từ tốn, khéo xử, thuận theo người dưới; nếu người dưới vui vẻ vâng phục người trên; nếu đôi đàng mà thành khẩn đối xử với nhau, thì quốc gia sẽ đi đến chỗ hóa thành thịnh trị. Thoán tiếp: Phu nãi hóa bang dã.  

Thứ đến, Thoán Truyện giải thích lời lẽ của Thoán từ, cho rằng Tinh thành mà hay, mà lợi, chính là vì đã có thể cảm được đến cả những loại vật hạ đẳng như heo, như cá (Đồn ngư cát. Tín cập đồn ngư dã). Lúc đã có lòng tinh thành, dẫu có gặp nguy biến cũng không sao. Cuối cùng Thoán Truyện nghị luận rằng: Nếu mình mà tinh thành theo được chính lý, chính đạo, thì sẽ cảm ứng được với trời. Thế tức là: Chí thành cảm thần vậy. 

II. Đại Tượng Truyện.

Tượng viết.

象 曰 . 澤 上 有 風 . 中 孚 . 君 子 以 議 獄 緩 死 .

Trạch thượng hữu phong. Trung phu. Quân tử dĩ nghị ngục hoãn tử.

Dịch. Tượng rằng:

Trung Phu gió lộng mặt hồ,

Trị dân, quân tử phải lo, phải lường.

Án mình xét xử cho tường,

Chém người chớ vội, phải nương, phải chờ.

Gió thổi mặt hồ là Trung phu. Người quân tử phải lo bình nghị hình án cho sáng suốt, và đừng nên vội vàng xử tử người. Đem lòng chí thành mà đối với dân, dĩ nhiên là phải thương dân. Lòng thương xót của nhà cầm quyền, không những là đối với chúng dân lương thiện, mà còn phải phổ cập cho đến những người bị tù tội, hình án nữa. Thánh hiền xưa rất lưu tâm đến vấn đề hình án. Trong Đại Tượng của 64 quẻ Dịch, có 5 quẻ nói về hình án, đó là quẻ: Phệ Hạp, Bí, Phong, Lữ, Trung phu. Dị Sử thị khi bình Truyện Oan Ngục trong Liễu Trai có viết: Xử án là nhiệm vụ đầu tiên của người làm quan. Bồi đắp hoạ phúc hay diệt mất lẽ Trời, đều do đấy mà ra, không thể không thận trọng.

-Vội vã, táo bạo trong việc xử án, tức là làm trái với lẽ cầu hòa của trời.

-Để việc dây dưa không xét xử cho chúng, cũng là làm thương tổn đến cái mạng của người dân.

Thế cho nên, một vụ kiện hại bằng mấy vụ mất mùa. Xây một cái thành, tất mấy mươi nhà phá sản, như thế há sao không cẩn thận được? Ta thường cho rằng kẻ làm quan mà biết dè dặt, không quá lạm trong văn án, tức là đức đã dầy lắm rồi (Xem Liễu Trai chí dị, Nguyễn Hoạt dịch, quyển 11, trang 65).

Lễ ký, Thiên Vương Chế, đã cho ta thấy rõ sự thận trọng của người xưa về hình án. Một vụ hình án, trước khi phán quyết, đã phải qua bao nhiêu tòa, xem đi, xét lại. Mới đầu nơi Quan Sử (lục sự), kế Quan chính (quan án trong mỗi phủ), rồi Đại Tư Khấu (Tổng trưởng Tư pháp), Tam công (3 quan Thượng thư xét xử lại), cuối cùng mới đệ lên Vua. Vua xét rồi mới tuyên án phạt. Như vậy là hết sức cẩn trọng, và không dám tuyên án hấp tấp. 

III. Hào từ & Tiểu Tượng Truyện

Đặc biệt trong phần giải thích các Hào, tôi (tác giả) muốn hiểu Trung phu là Tinh thành, thay vì hiểu Trung phu là Thủ tín.

1. Hào Sơ Cửu.

初 九 . 虞 吉 . 有 他 不 燕 .

象 曰 . 初 九 虞 吉 . 志 未 變 也 .

 Sơ Cửu. 

Ngu cát. Hữu tha bất yến.

Tượng viết:

Sơ Cửu ngu cát. Chí vị biến dã.

Dịch.

Chưa tin, cân nhắc mới hay,

Tin rồi, đừng có đổi thay dễ dàng.

Nếu mà đi trái lối đường,

Rồi ra sẽ thấy tâm xoang bồi hồi.

Tượng rằng:

Hào Sơ cân nhắc mà hay,

Là vì tâm trí chưa thay, chưa rời.

Sơ Cửu. Muốn đạt tới Tinh thành, cần phải biết đề phòng, ngăn chặn tà tâm, dục vọng và giữ lấy tấm lòng sắt son của mình (Ngu cát). Nếu có tà niệm, tạp niệm (Hữu tha), tự nhiên chúng ta sẽ bất định, bất an (Bất yến). Nếu ta giữ được như vậy, mọi sự sẽ tốt lành, vì lòng ta vẫn tinh tuyền chưa bị ngoại cảnh làm biến đổi (Sơ Cửu ngu cát. Chí vị biến dã).

2. Hào Cửu nhị.

九 二 . 鳴 鶴 在 陰 . 其 子 和 之 . 我 有 好 爵 . 吾 與 爾 靡 之 .

象 曰 . 其 子 和 之 . 中 心 愿 也 .

Cửu nhị.

Minh hạc tại âm. Kỳ tử họa chi. Ngã hữu hảo tước. Ngô dữ nhi mỹ chi.

Tượng viết:

Kỳ tử hòa chi. Trung tâm nguyện dã.

Dịch.

Hạc kêu khuất nẻo đâu đây,

Mẹ kêu, con hát, cả bầy hòa minh.

Ta đây có rượu thần linh,

Ta đem ta xẻ, ta dành cho ai.

Tượng rằng:

Hạc con ứng tiếng kêu theo,

Là vì trong dạ tin yêu, chí tình.

Hào Cửu nhị nói lên lẽ đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu. Hạc kêu nơi khuất nẻo, vẫn có hạc con hoạ lại (Minh hạc tại âm. Kỳ tử họa chi). Ta có rượu ngon, vẫn có người đến chia xẻ với ta. Ta hay, thời ảnh hưởng sẽ dần lan ra xa mãi (Ngã hữu hảo tước. Ngô dữ nhi mỹ chi).

Khi mình đạt mức tinh thành, sẽ ảnh hưởng đến người, ảnh hưởng ấy sẽ hết sức tự nhiên, sẽ được người chấp nhận một cách thực tình, không gò bó, miễn cưỡng (Kỳ tử hòa chi. Trung tâm nguyện dã). 

 3. Hào Lục tam.

六 三 . 得 敵 . 或 鼓 或 罷 . 或 泣 或 歌 .

象 曰 . 可 鼓 或 罷 . 位 不 當 也 .

Lục tam.

Đắc địch. Hoặc cổ hoặc bãi. Hoặc khấp hoặc ca.

Tượng viết:

Hoặc cổ hoặc bãi. Vị bất đáng dã.

Dịch.

Để người mặc sức cuốn lôi,

Lúc thời vồ vập, lúc thời bỏ bê.

Lúc thời khóc lóc ủ ê,

Lúc thời hát xướng, đam mê, vui đùa.

Tượng rằng:

Khi vồ vập, lúc bỏ bê.

Là vì địa vị có bề dở dang.

Lục tam. Những người không có lòng tinh thành, không có sức mạnh tinh thần, sẽ đua đòi chúng bạn (Đắc địch), sống một cuộc đời phù phiếm, hốt hỉ, hốt nộ, lúc hứng khởi, lúc mất tinh thần (Hoặc cổ hoặc bãi); lúc khóc lóc, lúc ca xoang (Hoặc khấp hoặc ca). Đó là đời sống của đại đa số quần chúng.

Thánh kinh Công giáo cũng đã nói: Ta biết sánh thế hệ này với ai? Nó giống như một bầy trẻ ở những nơi công cộng, đang kêu la cùng chúng bạn. Ta đã thổi sáo, sao chúng bay không nhẩy múa; ta đã hát bài bi ai, sao chúng bay không đấm ngực than van? (Mat, 11, 16 – 17).

Sống như vậy đâu xứng đáng? (Hoặc cổ hoặc bãi. Vị bất đáng dã).

4. Hào Lục tứ.

六 四 . 月 几 望 . 馬 匹 亡 . 無 咎 .

象 曰. 馬 匹 亡 . 絕 類 上 也

Lục tứ. 

Nguyệt cơ vọng. Mã thất vong. Vô cữu.

Tượng viết:  

Mã thất vong. Tuyệt loại thượng dã.

Dịch.

Vầng trăng sắp sửa tới rằm,

Ngựa quên bầu bạn, lỗi lầm chi đâu.

Tượng rằng:

Ngựa quên bầu bạn, cặp kè,

Tuyệt tình đồng loại, theo về với trên.

Lục tứ là một trọng thần, gần gũi quân vương. Ở vào địa vị này, phải đem hết lòng tinh thành, chân thực mà thờ vua.

– Phải khiêm cung, đừng có mong quá thịnh mãn (Nguyệt cơ vọng).

– Phải như vầng trăng chưa tròn mới hay; thần tử mà như vầng trăng tròn, tức là muốn cạnh tranh, đối địch với vua. Mà muốn đối địch với vua, tức là chiêu lấy tai hoạ.. Lại không được hợp bầy, kết đảng, phải một lòng vì vua như con ngựa hay, khi kéo xe trên đường trường, chỉ biết ruổi rong, đến nỗi quên cả những con ngựa bạn (Mã thất vong. Vô cữu).

Tượng nhắc lại: người ở ngôi trọng thần, phải biết quên bầy bạn, một lòng phục vụ quân vương (Mã thất vong. Tuyệt loại thượng dã). 

5. Hào Cửu ngũ.

九 五 . 有 孚 攣 如 . 無 咎 .

象 曰 . 有 孚 攣 如 . 位 正 當 也 .

Cửu ngũ. 

Hữu phu luyến như. Vô cữu.

Tượng viết:

Hữu phu luyến như. Vị chính đáng dã.

Dịch.

Lấy lòng thành tín cảm dân,

Khát khao, ràng buộc lỗi lầm khỏi lo.

Tượng rằng:

Lấy lòng thành tín cảm dân,

Khát khao ràng buộc, đáng phần xứng ngôi.

Ở ngôi Cửu ngũ, đấng quân vương phải biết đem dạ chí thành để cảm thông thiên hạ. Được vậy, muôn dân sẽ gắn bó để phục vụ mình (Hữu phu luyến như. Vô cữu). Bậc quân vương mà xử sự được như vậy, thực là khéo léo, tốt đẹp, và xứng đáng (Hữu phu luyến như. Vị chính đáng dã).

6. Hào Thượng Cửu.

上 九 . 翰 音 登 于 天 . 貞 凶 .

象 曰 . 翰 音 登 于 天 . 何 可 長 也 .

Thượng Cửu. 

Hàn âm đăng vu thiên. Trinh hung.

Tượng viết:

Hàn âm đăng vu thiên. Hà khả trường dã.

Dịch.

Gà kêu tưởng thấu đến trời,

Khăng khăng tưởng thế, thế thời chẳng hay.

Tượng rằng:

Gà kêu đòi thấu đến trời,

Làm sao có thể lâu dài được đâu. 

Thượng Cửu. Gà mà muốn kêu thấu tận trời sao được? Hoa hoét, loè loẹt bên ngoài, mà không có thực chất tinh thành bên trong, làm sao mà hay được?

Không tinh thành làm sao mong cảm hoá được người? Gà muốn kêu thấu trời, làm sao mà đến được? Không tinh thành, làm sao cảm hóa người khác về lâu, về dài được? (Hàn âm đăng vu thiên. Hà khả trường dã).

ÁP DỤNG QUẺ TRUNG PHU VÀO THỜI ĐẠI

Quẻ Trung Phu có hai cách giải: Thứ nhất, con người sinh ra đời, phải biết giữ chữ tín, nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy tức một lời nói ra bốn ngựa không theo kịp.

Đúng vậy, ra đời muốn buôn bán hay làm gì cũng vậy, ta cần phải giữ chữ Tín, nghĩa là khi đã nói hoặc đã hứa với ai điều gì, thì phải giữ lời, chứ đừng bạ đâu hứa đấy, hứa cho đẹp lòng người nghe lúc đó, sau rồi lại chối hoặc nuốt lời, không thực hiện đúng lời hứa, điều này người quân tử, hoặc đàng hoàng, đứng đắn không bao giờ làm.

Thứ hai, là dạy con người phải tiến đến chỗ Tinh hoa hoàn thiện, tức là phải tiến đến chỗ tinh thành. Ai trong chúng ta, cũng đã có mầm mộng thần linh sẵn có trong con người. Nhưng ít người hay biết chuyện đó, và ít người làm cho mầm mộng thần linh đó triển dương được tới chỗ tinh hoa, hoàn thiện.

Tinh thành là ta phải có lòng thành khẩn một cách sáng suốt. Làm việc hay xử sự gì, thì phải chuyên tâm, nhất trí làm cho được việc đó và phải làm một cách sáng suốt. Muốn đạt tới trạng thái Tinh thành, tâm hồn ta phải hư linh, không để cho dục tình phát động, không để cho ngoại cảnh chi phối. Muốn tiến tới chỗ tinh hoa, hoàn thiện, phải biết tẩy rửa tâm hồn cho sạch mọi lỗi lầm, phải biết hiếu sinh, phải biết thương yêu đồng loại, phải biết thương dân như con. Vì thế quẻ Trung Phu dạy phải thận trọng về hình án.

Những người đạt tới Tinh thành, có thể hàng long, phục hổ, sai khiến vạn vật. Thánh Francois d’ Assise xưa đã thu phục được lang sói, đã giảng đạo cho cá nghe vv… thật là phi thường

Một đấng quân vương mà có lòng Tinh thành, phải thương dân như con đỏ. Trung Hoa, về đời nhà Đường, sau loạn An Lộc Sơn, rất nhiều người bị bắt oan. Vua Đường Túc Tôn sai Tô Kỳ đi trọng nhậm Lư Châu ở phiá Tây Bắc để thanh tra các việc hình án. Trước khi Tô Kỳ đi, vua có dụ rằng: Nhân dân đều là con đỏ của triều đình, vì đói rét hay vì ngu dốt mà phạm tội, trẫm rất lấy làm thương xót. Vậy trừ những kẻ cùng hung, cực ác ra, còn thảy đều nên khoan thứ, khiến cho chúng được có dịp sửa mình. Khanh ra đó, nên thể theo ý Trẫm, cứu vớt lấy hàng vạn lương dân. (Xem Trung Bắc chủ nhật, số Tết Quí Mùi (1943). Các vua nhân đức như Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn, Võ, Thang vv… đều thương dân như con cả. Ở nước ta, có vua Lê Thánh Tôn cũng thương dân như con vậy.

Ta đừng nói rằng: chuyện con người sinh ra là để tiến tới hoàn thiện, là một điều không tưởng, vì xưa nay mấy ai làm được như vậy. Sở dĩ như vậy, vì xưa nay ít sách vở bàn về chuyện này mà thôi. Con người sinh ra, không thể mãi sống vô định hướng, mà chúng ta cần phải vạch cho đồng loại một hướng đi nghĩa lý.

Nếu con người sinh ra không phải để tiến hóa, thì để làm gì ? Để sinh con, đẻ cái, để sống một cuộc đời lo nhiều hơn là bình thản, hay để nuôi con cho chúng thành danh, thành tài, rồi sau đó sẽ ra sao?. Nếu ta cứ đặt ra những câu hỏi như vậy, chúng ta sẽ đi vào vòng luẩn quẩn hết sức là vô lý. Ta thấy Dịch, khi thì dạy ta những bài học thấp như sống cần phải thích ứng với hoàn cảnh, khi thì dạy ta những bài học rất cao, như là con người sinh ra phải tiến tới Tinh thành hoàn thiện. Còn ba quẻ nữa là hết Kinh Dịch, mà nay đưa ra vấn đề là Con người phải tiến đến Tinh Hoa, thật là quá đẹp đẽ.

“Bát Tự Hà Lạc – Lược Khảo” của Học Năng.

61.Phong trạch trung phu

Ðại cương:

Tên quẻ: Trung Phu là Tín (chí thành, hòa hoãn, thong thả).

Thuộc tháng 8

Lời tượng

Trạch thượng hữu phong: Trung Phu. Quân tử dĩ nghị ngục hoãn tử

Lược nghĩa

Trên đầm có gió là quẻ Trung Phu (chí thành). Người quân tử lấy đấy mà nghị bàn việc hình ngục để hoãn tội tử hình.

Hà Lạc giải đoán

Những tuổi nạp giáp:

Đinh: Tỵ, Mão, Sửu

Tân: Mùi, Tỵ, Mão

Lại sanh tháng 8 là cách công danh phú quý.

THƠ RẰNG:

Tín thành báo hỷ thường ngay

Hầu, Long (Thân, Thìn) mà đến, đường mây nhẹ nhàng.

Hào 1:

Ngu, cát, hữu tha, bất yến. Ý HÀO: Ðiều thiện nên theo một đường lối.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Nhu nhuận mà trung, tín thành mà sáng, được người vây cánh, sự nghiệp vẻ vang.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Ðộng tĩnh vô thường, xu hướng bất nhất, mưu vọng không đúng, thân thế bất an.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Ðược đề bạt. _Giới sĩ: Có tin tốt lành hấp dẫn. _Người thường: Có quí nhân đề cử, mưu vọng toại ý, nhưng trong mừng có lo, có thể người vật hao tổn.

Hào 2:

Minh hạc tại âm, kỳ tử họa chi, ngã hữu hỏa tước, ngô dữ nhĩ my chi. Ý HÀO: Cùng đức tính giúp nhau nên việc.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Chí đồng tâm khế, làm đẹp cho trước, làm vượng cho sau.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Ðược tọn về đức, trọng về tài, một đời thanh cao, không tai không hại.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Thăng tiến. _Giới sĩ: Ðược toại ý. _Người thường: Ðược lợi, hoặc sanh con, duy người già có ám tật.

Hào 3:

Ðắc địch, hoặc cổ, hoặc bãi, hoặc khấp, hoặc ca. Ý HÀO: Không có chủ định.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Không cha anh, không thầy bạn, đức nghiệp chẳng thành, cử chỉ bất định, dù có giàu sang, cũng là hạng bê bối.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Thành tín, nhưng tiến thoái thành bại bất thường, lại quan quả cô độc.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Ðồng liêu bất hòa, trước tiến sau lùi. _Giới sĩ và người thường: Trong vui có buồn, trong buồn có vui, cầu danh mưu lợi, khi được khi mất.

Hào 4:

Nguyên cơ vọng, mã thất vong, vô cữu. Ý HÀO: Quên riêng tư để phục vụ việc lớn.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Bỏ bè đảng riêng để làm việc nước, tấm lòng tinh bạch, chẳng triệu tập mà bách liêu phải tôn kính, quyền chẳng cần khuếch trương mà hóa to.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Có cơ mưu nhưng khó toại chí, dù có khi thành, rồi lại tổn hại, hoặc việc hôn nhân lận đận, hoặc phụ thân thương tổn.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Có vinh thăng, _Giới sĩ: Nội tháng có vui mừng, _Người thường: Ðược đề bạt, hoặc mất ngựa ve.

Hào 5:

Hữu phu loau như, vô cữu. Ý HÀO: Nguyên thủ và người cộng tác tin nhau hết lòng.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Chí thành thiện đức vì nước, thì dã cảm, vật ứng, trời giúp, công thành, phú quí xiết kể.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Cũng có đức, trên quý, dưới phục, hưởng dụng phong túc, tuổi thọ dài lâu.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Trên dưới một lòng, tín nhiệm hơn. _Giới sĩ: Tiến thủ thành danh. _Người thường: nhân tình hòa hợp, mưu tính thành việc, có lợi.

Hào 6:

Hàn âm đăng vu thiên, trinh hung. Ý HÀO: Không đáng tin mà có tin là có hại.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Tuổi thanh niên đã có bằng cao, làm nên chức lớn, nhưng chỉ vì cố chấp không biết thông biến, nên chẳng được lâu.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Hàn vi mà lên nhanh quá, câu chấp không thông nên bị tai hại, duy chỉ ở nơi hang động, thanh hư như nơi tiên cảnh thì tốt lành.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Yết kiêu Nguyên thủ. _Giới sĩ: Danh lên cao. _Người thường: Tranh cao,, cậy nạnh nên khốn bách. Buôn bán tổn thiệt. Số xấu giảm thọ.

(Dẫn theo trang huyenhocvadoisong.com)

Trusted by some of the biggest brands

spaces-logo-white
next-logo-white
hemisferio-logo-white
digitalbox-logo-white
cglobal-logo-white
abstract-logo-white
white-logo-glyph

We’re Waiting To Help You

Get in touch with us today and let’s start transforming your business from the ground up.