Chương 3: Dịch Kinh Giản Lược

Chương này được trích một phần từ sách Kinh Dịch Đại Toàn của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê.

Vấn đề bói Dịch, ta có thể tin hay không tin vì nó rất huyền bí, phải là người có căn cơ đặc biệt mới dễ cảm thông với các luồng điện siêu hình của vũ trụ. Nhưng phần triết lý của kinh Dịch thì khác, ai cũng có thể lĩnh hội được nếu chịu khó suy nghĩ. Đó có lẽ là quan niệm của cụ Sào Nam nên trong cuốn Chu Dịch của cụ không hề đả động đến cách bói mà chỉ trình bầy triết lý của kinh Dịch trong quẻ.

Và có lẽ, theo cụ Phan, ta chỉ nên nghiên cứu kinh Dịch, rồi có vấn đề nào nghi ngờ, khó quyết định, thì thay vì bói toán, chọn trong số 64 quẻ, quẻ nào liên quan đến vấn đề hiện tại của mình. Rồi tự xét mình và cảnh ngộ của mình trong vấn đề đang hỏi, đáng được tượng trưng bằng hào nào, từ Sơ đến Thượng trong quẻ đó. Việc lựa chọn này còn khó khăn hơn là việc bói toán máy móc, vì nó đòi hỏi ở ta một chính tâm thành ý tuyệt đối, không tự tôn mà cũng không hạ, rồi đọc lời giải trong quẻ đó.

Trước khi vào các quẻ, để cho dễ hiểu tôi xin nói về:

1) Ít nhiều nhận định về Quẻ, Thoán, Hào.

2) Áp dụng những nguyên tắc của Dịch Kinh vào cuộc đời.

 

I. Ít Nhiều Nhận Định Về “Quẻ”, “Thoán”, “Hào

(1) Nhận Định Về “Quẻ”

Quẻ có quẻ đơn và quẻ kép.

Quẻ Đơn. Quẻ Đơn gồm 8 quẻ; mỗi quẻ có 3 vạch (Hào): Kiền, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài

Quẻ Đơn tượng trưng cho Vạn Vật, Vạn Hữu

Quẻ Kép. Quẻ Kép gồm 64 quẻ, mỗi quẻ có 6 Hào.

Quẻ Kép tượng trưng cho hết mọi biến hóa, mọi tình trạng, mọi hoàn cảnh mà Vạn hữu và Nhân quần gây nên trong khi giao tiếp với nhau. Thượng Kinh và Hạ Kinh viết lại 64 quẻ , tức là đưa ra 64 hoàn cảnh tượng trưng, để dạy con người phương pháp xử sự cho khéo léo, tùy theo mỗi hoàn cảnh mình gặp.

Quẻ Kép gồm 2 quẻ đơn, ta gọi:

-Quẻ phía dưới là Nội Quái

-Quẻ phía trên là Ngoại Quái

Vì mỗi hoàn cảnh có nhiều khía cạnh, nhiều giai đoạn, nhiều nhân vật bị dính dấp ảnh hưởng, nên mỗi quẻ lại có 6 Hào. Sáu Hào cốt là để nói lên cho rõ ràng:

*Mọi khía cạnh, mọi trạng thái biến thiên của hoàn cảnh.

*Mọi giai đọan của một công trình.

*Mọi tầng lớp trong xã hội, đang cùng chia xẻ một hoàn cảnh

*Những trường hợp khác nhau, có thể xảy ra cho từng hạng người sống cùng chung một hoàn cảnh..

Bàn về mỗi quẻ Kép có:

A) Tự Quái. B) Thoán Từ. C) Thoán Truyện. D) Tượng Truyện. E) Hào Từ và Tiểu Tượng Truyện.

Muốn hiểu rõ mỗi quẻ, phải nghiên cứu tận tường:

A- Tự Quái có mục đích dạy ta khi gặp mỗi quẻ, tức là mỗi hoàn cảnh, phải xét xem nó duyên do tự đâu

B- Thoán bàn luận tổng quát về sự hay dở của mỗi quẻ, tức là của mỗi hoàn cảnh.

  1. Nguyên = chí thiện; nguyên thủy (gốc gác vạn hữu); lớn, mạnh, hào hùng, cao đại.
  2. Hanh = Thông suốt (hanh thông); Chí mỹ (Gia chi hội – Văn ngôn)
  3. Lợi = Lợi, thuận nhân tâm, thích nghi, thích đáng.
  4. Trinh = Chính, bền, thành đạt, bền vững, hằng cửu, chủ chốt, chủ đích của mọi việc.
  5. Cát = Tốt, được, thành công.
  6. Hung = Xấu, mất, thất bại.
  7. Hối = Hối lận, ưu lự, băn khoăn.
  8. Lận = Xấu hổ.
  9. Lệ = Nguy hiểm.
  10. & 11. Vô cữu là không có lỗi.

Tóm lại, một hoàn cảnh, một công tác hay, hay dở tùy ở chỗ thành hay bại, đắc hay thất, có làm cho mình phải hối hận, phàn nàn, xấu hổ hay không? Việc xấu mà không, hay chưa hối hận thời nguy hại, đã phàn nàn, cải quá thì không lỗi gì. Nhiều khi Dịch cũng dùng 2 chữ Trinh hung đi đôi với nhau. Chữ Vô Cữu nhiều khi phải giải là Không trách cứ ai được.

 

Thoán có Thoán Từ, Thoán Truyện

*Thoán Từ là của Văn Vương. Thoán Từ rất vắn tắt, cô đọng, nói đại ý toàn quẻ & sự hay dở tổng quát của toàn quẻ

*Thoán Truyện là lời của Khổng Tử, dùng để giải thích Thoán Từ. Thoán Truyện nhiều khi viết có âm vận, và thường theo phương pháp sau đây

1) Giải thích tên quẻ mỗi khi cần.

2) Phân tích quẻ thành 2 quẻ Đơn (Quái Thể), rồi lấy 2 quẻ đơn ấy mà phân tích Thoán Từ (Dĩ Quái Thể thích Quái Danh, Quái Nghĩa)

3) Lấy đức tính của 2 quẻ đơn ấy để cắt nghĩa Thoán Từ (Dĩ Quái Đức thích Quái Từ)

4) Dùng những hình ảnh do 2 quẻ đơn ấy gợi nên để cắt nghĩa Thoán Từ (Dĩ Quái Tượng thích Thoán Từ)

5) Xem quẻ đương cuộc đã do quẻ nào sinh ra, là biến thể của quẻ nào, rồi lấy đó mà giải thích Quái Từ (Dĩ Quái Biến thích Quái Từ)

6) Xem 2 quẻ đơn là Âm hay Dương, Cương hay Nhu, giao nhau hay không giao nhau để giải thích Quái Từ (Dĩ Quái Tài thích Quái Từ)

7) Tìm hào chủ chốt của quẻ ( Chủ Hào), rồi nhân đó cắt nghĩa Quái Từ, Quái Nghĩa. Hào chủ chốt thường là hào 2 và 5, nhưng cũng có khi là hào 1 như ở quẻ Truân, là hào 3 như ở quẻ Khiêm, hào 4 như ở quẻ Dự.

Có nhiều khi lời Thoán giống lời Hào chủ chốt.

Ví dụ: Thoán quẻ Truân có chữ Lợi kiến hầu, thì hào Sơ Cửu cũng có chữ Lợi kiến hầu.

8) Thoán Truyện thường nhắc lại để giải thích từng câu trong Thoán Từ.

9) Ngoài công việc chú giải Thoán Từ, Thoán Truyện còn đưa ra những nhận định tổng quát, những định luật của Trời Đất. Ví dụ:

  • Nơi quẻ Hàm, thì đề cập đến định luật cảm thông trong Trời đất
  • Nơi quẻ Khuê, thời nói về Âm Dương lưỡng dụng để đi tới đại thành.
  • Nơi quẻ Phong, thì bàn về lẽ Doanh, Hư, Tiêu tức của Trời đất.
  • Nơi quẻ Hằng thì bàn về sự bền vững là điều kiện để tiến tới vĩnh cửu, bất biến…

Vì vậy, hiểu được Thoán Từ là hiểu được quá 1/2 quẻ Dịch rồi (Trí giả quan kỳ Thoán Từ tắc tư quá bán hỹ – Hệ Từ hạ, Chương 9)

 

C- Hào

Trong 1 hoàn cảnh có nhiều khía cạnh, nhiều nhân vật liên hệ, quẻ là một hoàn cảnh, nên cũng lấy các Hào mà tượng trưng cho sự diễn biến của hoàn cảnh, những khía cạnh khác nhau của hoàn cảnh, những nhân vật liên hệ đến hoàn cảnh. Hào có Hào Tài & Hào Vị.

*Hào Tài là bản chất của từng Hào, tài đức của từng Hào. Hào Tài được diễn tả bằng Âm và Dương.

Âm Hào tượng trưng cho những kẻ tiểu nhân, hoặc những người bất tài, nhu nhược.

Dương Hào tượng trưng cho quân tử, người tài cán, cương nghị.

*Hào Vị . Mỗi quẻ Kép có 6 vị ngôi, tức là 6 Hào

Mỗi một hào mang một số thứ tự tính từ dưới lên trên : 1, 2, 3, 4, 5, 6 có tên là Hào Sơ, Hào Nhị, Hào Tam, Hào Tứ, Hào Ngũ và Hào Thượng. Số lẻ 1, 3, 5 là vị Dương. Số chẵn 2, 4, 6 là vị Âm. Tùy Hào tài là Dương hay Âm, ta dùng thêm chữ Cửu hay Lục. Từ dưới lên trên ta xưng danh như sau:

Nếu là Dương Hào ta có: Sơ Cửu, Cửu Nhị, Cửu Tam, Cửu Tứ, Cửu Ngũ, Thượng Cửu.

Nếu là Âm Hào ta có: Sơ Lục, Lục Nhị, Lục Tam, Lục Tứ, Lục Ngũ, Thượng Lục.

Hào Vị có nhiều công dụng:

a) Nó biểu dương không gian TRÊN, DƯỚI, GIỮA.

b) Thời gian: ĐẦU, GIỮA, CUỐI.

c) Các tầng lớp xã hội từ lê thứ, đến quan, vua, đến miếu mạo, triều ca.

d) Nó xác định ngôi vị của từng nhân vật.

e) Các giá trị tinh thần từ thấp đến cao.

f) Chiều hướng biến hóa từ trong ra ngoài, hoặc từ ngoài vào trong. Từ dưới lên trên là biến chuyển từ trong ra ngoài. Gặp trường hợp ấy nơi Thoán Truyện, dùng chữ Vãng. Biến chuyển từ trên xuống dưới là biến từ ngoài vào trong. Trường hợp này Thoán Truyện dùng chữ Lai.

Như trên đã nói, lối tính các Hào bao giờ cũng tính từ dưới lên trên, cho nên:

-Hào dưới là thấp, Hào trên là cao.

-Hào dưới thì là hạ tiện, là lê dân, Hào trên thời là tôn quí, là quan, là vua.

Đối với thân thể con người, thì dưới là chân, trên là mặt, là miệng, là đầu.

Đối với con vật, thì hào Sơ là đuôi, hào trên cùng là đầu, là sừngvv…

Đối với quá trình một công việc, thì dưới là khởi điểm công việc, khó biết, khó làm. Giữa là giai đoạn gian một vài qui ước đã được chấp thuận cho mỗi một Hào.

*Hào Thượng: Thái miếu, Thái thượng hoàng, Thượng phu, ẩn sĩ thoát trần. Đó là hào hưu tức, ngoại vị, vô vị.

*Hào Ngũ: Thiên tử, Quân vương.

*Hào Tứ: Đại thần, cận thần, chư hầu.

*Hào Tam: Công khanh, Tam công, là những người có thế lực trong nước.

*Hào Nhị: Công thần, Đại phu.

*Hào Sơ: Nguyên sĩ, là vạn dân, thứ dân. (Xem thêm nơi Hệ Từ hạ , Chương 9 )

 

TRUNG CHÍNH & BẤT TRUNG BẤT CHÍNH

  • Hào 2 và 5 là Trung Hào, nên gọi là Trung.
  • Hào 3, 4 chẳng hạn, không phải Hào giữa nên gọi là Bất trung.
  • Hào Dương cư Dương vị, hào Âm cư Âm vị gọi là Chính.
  • Hào Dương cư Âm vị, hào Âm cư Dương vị gọi là Bất chính.

Trung chính & Bất trung chính cốt để chỉ 2 sự kiện:

1) Trung là những người thành khẩn, trung thực, có lương tâm chức nghiệp, tận tụy vì công vụ.

2) Chính là những người được dùng vào những ngôi vị, những công việc xứng với tài đức của mình.

Bất trung chỉ những người gian ngoan, không thành khẩn.

Bất chính chỉ những người sống trong những địa vị bất xứng, không thích hợp với tài đức của mình, ví như dốt nát, bất tài mà lại ở địa vị cao (Âm cư Dương vị); hoặc có tài, có đức mà không được trọng dụng, không được đặt vào những chức vị xứng đáng (Dương cư Âm vị) Nhân đó ta suy ra được tình trạng hay dở rất nhiều.

 

ỨNG & TỈ

Mỗi người trong xã hội lại có một số người hỗ trợ, hay không hỗ trợ, Dịch kinh diễn tả sự kiện này bằng ỨNG HÀO . ỨNG HÀO thì

1 ứng với 4

2 ứng với 5

3 ứng với 6

*Âm ở dưới ứng Dương ở trên thì phải hiểu là tiểu nhân dựa thế quân tử, tiểu nhân dựa thế lực người có quyền thế ở trên, như vậy đâu có hay.

*Dương ở trên ứng với Âm ở dưới thì phải hiểu là người trên hay, mà người dưới dở, không giúp ích được bao lâu.

*Âm lại gặp Âm, Dương lại gặp Dương thì thường phải hiểu là một người hoạt động đơn độc, không người hỗ trợ.

*Nhưng ở Hào ngũ, Hào nhị, nếu Cửu Ngũ mà lại gặp Cửu Nhị thì có thể hiểu là Minh quân lại gặp Hiền thần. (Xem Kiền)

TỈ : là thân cận, là sống kế cận nhau.

ỨNG là nói 2 Hào cách xa nhau, TỈ là nói 2 Hào kề cận nhau. Phàm gần nhau phải giống tính, giống nết nhau mới tốt. Vì thế Âm cận Hào Âm mới tốt, Dương cận Hào Dương mới hay. Còn như Âm bên Dương, Dương bên Âm, vì một đằng Cương, một đằng Nhu, một đằng quân tử, một đằng tiểu nhân, một đằng hữu tài, một đằng vô tài, nên thường khủng khiểng, kèn cựa.

Nếu Âm ở dưới Dương, tức là kẻ bất tài nhường nhịn người có tài.

Nếu Âm ở trên Dương, tức kẻ vô tài mà lại trèo đầu, cưỡi cổ người có tài thì sẽ sinh lắm chuyện.

  • Trường hợp quị lụy, nhường nhịn, Dịch gọi là THỪA -Trường hợp đè đầu, cưỡi cổ, Dịch cũng gọi là THỪA.

Như vậy, để đoán định CÁT, HUNG, Dịch theo những tiêu chuẩn sau đây:

1) Địa vị phải xứng kỳ đức mới hay.

2) Làm việc gì phải có người hỗ trợ, hưởng ứng, phụ bật mới hay.

3) Không hợp nhau, mà xa nhau thì còn khả trợ, vì không giao tiếp với nhau. Nhưng đã không hợp nhau mà phải sống bên nhau, thật là căn cớ mọi hung họa.

4) Thành khẩn mà đối đãi nhau mới hay. Giả dối mà đối đãi với nhau thật là điều tai hại.

5) Và như vậy, cả bộ Dịch khuyên ta phải ở những nơi, giữ những công việc thích hợp với tài đức mình, giao thiệp với những người đồng tâm, đồng chí với mình.vv…

 

ÍT NHIỀU VÍ DỤ ĐỂ HIỂU VỀ 6 HÀO

(Ta đi từ Hào Sơ cho tới Hào Thượng)

(1) Ví dụ Quẻ Tỉnh: Sáu Hào ở đây mô tả các loại giếng, và các công dụng khác nhau của những giếng.

Hào 1) Đáy giếng bùn = Tiểu nhân không nên dùng.

Hào 2) Giếng có ngách ngang hông, để mất hết nước.= Người không lý tưởng, không ích lợi gì.

Hào 3) Giếng tốt bỏ hoang không ai dùng = Người tài đức không được trọng dụng.

Hào 4) Giếng được xây sửa lại, tạm thời không dùng được = Công bộc Quốc Gia nhiều khi phải ngưng phục vụ để tu nghiệp lại.

Hào 5) Giếng trong có người ăn = Vị quốc quân có tài đức, thực ích lợi cho quốc dân.

Hào 6) Giếng nước ngon, có nắp đậy, lại đầy nước = Ở trên càng làm ích cho đời, càng nhiều cái hay.

(2) Quẻ Đỉnh. (Mô tả các phần và công dụng của cái đỉnh, cái vạc dùng để nấu thức ăn)

Hào 1) Đỉnh chổng chân (để rửa bụi bậm bên trong: bất kỳ hoàn cảnh nào, nhân vật nào mà ta biết lợi dụng vẫn hay)

Hào 2) Vạc đầy thức ăn (Không nên thân cận tiểu nhân)

Hào 3) Tai đỉnh (Vạc thay tai: Quân tử lúc đầu không được trọng dụng, sau sẽ được hòa hợp với vua)

Hào 4) Đỉnh gãy chân: (Dùng tiểu nhân vào chức trọng, sẽ hỏng việc.

Hào 6) Khoen đỉnh (Ở đời mà cương nhu hòa hợp, trên đưới một lòng, thì hay biết mấy)

(3) Quẻ Hàm. (Dùng các phần mình trong người để diễn tả sự cảm xúc, cảm thông)

Hào 1) Cảm bằng ngón cái chân (Sức cảm hóa còn yếu ớt)

Hào 2) Cảm bằng bắp chân (Muốn cảm hóa người trên rất khó)

Hào 3) Cảm bằng vế đùi (Cảm hóa không phải là xu phụ quần chúng)

Hào 4) Cảm bằng tâm (Cảm hóa bằng cả tâm hồn mới tốt, không nên dùng thủ đoạn)

Hào 5) Cảm hóa bằng gáy vai (Cảm hóa mà hờn hợt sẽ không bền )

Hào 6) Cảm hóa bằng mép môi (Cảm hóa người bằng cửa miệng không hay)

(4) Quẻ Tiệm. (Dùng những cảnh trí thiên nhiên từ dưới bờ biển cho tới khung trời cao để mô tả sự tiệm tiến, tiệm thăng của chim Hồng hay của người Quân tử)

Hào 1) Chim Hồng đậu nơi bờ biển (Người quân tử mới vào đời, nếu chậm tiến chớ buồn)

Hào 2) Chim Hồng đậu nơi thạch bàn (Người Quân tử khi có địa vị vững chắc, đừng ăn không ngồi rồi, hãy làm điều gì ích quốc, lợi dân)

Hào 3) Chim Hồng đậu ở cao nguyên (Tiểu nhân muốn đốt giai đoạn mà tiến lên, vong ân bội nghĩa mà tiến lên thời đâu có hay. Quân tử sống kề cận với Tiểu nhân, nhưng nếu biết tự thủ, biết ngăn chặn tiểu nhân đừng bước vào đường tội lỗi, thời như ngăn được giặc vậy)

Hào 4) Chim Hồng đậu trên cây (Người ở địa vị cao mà biết nhu thuận, thì cao cũng không nguy)

Hào 5) Chim Hồng đậu núi cao. (Vua hay mà có hiền tài phụ bật, dầu gặp kẻ ly gián tạm thời hiểu lầm nhau, sau cũng sẽ hòa hợp)

Hào 6) Chim Hồng bay lên trên trời, lông rụng xuống vẫn có thể dùng (Thánh nhân siêu việt trần gian, nhưng vẫn làm ích cho đời)

(5) Quẻ Sư. (Mô tả mọi khía cạnh trong công cuộc hưng binh, động chúng)

Hào 1) Xuất quân phải có phép tắc.

Hào 2) Cầm quân phải có tướng tài.

Hào 3) Tướng dở cầm quân là đem quân vào chỗ chết, là đem xe chở thây.

Hào 4) Dùng binh có lúc phải biết thoái.

Hào 5) Điều động binh mã, có lúc là để bảo vệ sơn hà. Dùng tướng tài cầm quân, không được dùng tướng dở.

Hào 6) Khi đã khải hoàn, phải khen thưởng quân tướng cho hẳn hoi, nhưng không được dùng kẻ bất tài, dùng tiểu nhân vào chính quyền.

Cứ theo đường lối ấy mà nghiên cứu các Hào, ta sẽ thấy thường Hào nào cũng có nghĩa đen, nghĩa bóng. Tìm ra được thâm ý mỗi Hào, ta sẽ học được những bài học tiếp nhân xử kỷ rất là thâm thúy và khôn ngoan.

Thường mỗi quẻ chỉ nói đến một vấn đề, nhưng đôi khi cũng nói đến 2, 3 vấn đề. Cho nên gặp quẻ nào cũng phải hiểu xem quẻ ấy muốn đề cập đến vấn đề gì, nhiên hậu mới khỏi lạc lõng, khi nghiên cứu Thoán, Tượng, Hào.

Nếu ta đọc một quẻ mà không biết nó muốn nói những gì, nếu ta không tìm ra được mạch lạc nối liền Thoán, Tượng, Hào, mà ta chỉ hiểu nổi đại khái vặt vãnh, thì chắc chắn là ta chưa hiểu nổi Kinh Dịch.

 

II. Áp Dụng Những Nguyên Tắc Của Dịch Kinh Vào Cuộc Đời

Áp dụng nguyên tắc Dịch kinh để đoán định công việc ta làm hay, hay dở

Phàm một công việc ta làm, muốn biết là dở, hay hay, ta sẽ phân tách nó theo những tiêu chuẩn sau đây:

: Minh chính hay tà khuất.

Tình: Thành khẩn hay giả dối, đắc ý hay không đắc ý. Ta thích làm hay làm miễn cưỡng.

Tài: Ta là người có chân tài hay không?

Đức: Ta là người có đức hay không?

Thời: Công việc ta làm có hợp thời hay không?. Có hợp với tuổi ta không?.

Vị: Địa vị và hoàn cảnh của ta chính đáng, hay không?, thích hợp với ta hay không?

Sự hiểu biết của ta về công việc: Ta có am tường công việc này hay không?

Sự chuẩn bị của ta: Làm công việc này ta có chuẩn bị chu đáo hay không?

Ứng: Ta làm công việc này có người giúp hay không, có người hưởng ứng hay không? Có bị ai phá phách, gàng quải hay không?

Cát Hung: Ta làm công việc này để thành công, hay là để thất bại?

Hối lận: Ta làm công việc này có bị lương tâm phiền trách hay không? Có bị người đời đàm tiếu hay không. Ta sung sướng, hãnh diện mỗi khi nghĩ đến công việc ta làm, hay trái lại nó làm ta xấu hổ.

Lệ, Vô Cữu: Khi làm công việc này, mỗi khi ta thấy ta sai đường, lạc lối, mỗi khi ta thấy ta lầm lẫn, ta sẽ có thực tình sửa đổi đường lối hay không?

Nếu xét từng tiêu chuẩn, mà ta thấy phải trả lời là không, thì việc của ta là không hay, đừng có làm. Như vậy, là ta theo đúng đường lối của Trời Đất, theo đúng Mệnh Trời.

MỖI KHI TA TÍNH TOÁN MỘT CÔNG VIỆC GÌ, MỖI KHI TA LÂM VÀO MỘT HOÀN CẢNH NÀO, ta phải:

1) Nghiên cứu, tìm hiểu công việc hay hoàn cảnh ta cho tận tường.

-Tìm xem những yếu tố nào đã gây nên hoàn cảnh này.

-Xem ai làm chủ chốt, ai làm chốt, làm nọc trong hoàn cảnh này.

-Ta có can dự nào đối với hoàn cảnh. Trực tiếp bị ảnh hưởng, gián tiếp bị ảnh hưởng, hay không bị ảnh hưởng?

2) Nghiên cứu các lực lượng bạn và thù.

3) Nghiên cứu các vấn đề cần phải giải quyết.

4) Nghiên cứu xem các khó khăn vấp phải.

-Vượt tầm giải quyết của ta.

-Vừa tầm giải quyết của ta.

-Ta có thể giải quyết dễ dàng với tài sức ta.

5) Hoàn cảnh ta gặp, công việc ta tìm đang ở vào thời kỳ nào: đầu hay đuôi.

6) Hoàn cảnh ta đang gặp, thuận lợi hay không thuận lợi đối với ta.

Tóm lại, Dịch Kinh muốn dạy ta những điều chính yếu sau đây trong cuộc sống hàng ngày:

-Muốn làm việc gì phải thông suốt vấn đề, nghiên cứu tỉ mỉ, phân tách công việc ra thành từng giai đoạn, phải biết tiên liệu những đường đi, nước bước của mình, tiên đoán những trường hợp mình sẽ gặp phải, chương trình hoạt động của mình phải có mục phiêu sáng suốt rõ ràng, những phương thế để đạt mục phiêu ấy phải được hoạch định, nghiên cứu tỉ mỉ. Phải chọn người cộng tác có tài đức, khả dĩ thi hành được công việc cho đến thành công.

-Muốn đối phó hoàn cảnh cho xuôi xắn, phải biết tùy thời xử thế. Lúc cương, lúc nhu, khi mạnh thì cương, khi yếu thời nhu, phải luôn luôn theo đường lối tự nhiên, công chính và phổ quát.

-Trong khi hành sự, phải bình tĩnh, sáng suốt, bình dị, đừng có rối rắm, đừng có phức tạp cầu kỳ.

-Đừng làm gì để cho lương tâm, người đời chê trách. Đừng làm gì để di hại đến tinh thần, thể xác, hoàn cảnh, sự nghiệp, danh giá của mình.

-Gặp nguy biến, phải ẩn lánh để bảo toàn tấm thân.

-Gặp lúc thuận tiện, phải đem tài năng, đức độ ra giúp nước, giúp dân.

-Không cộng tác với bạo chúa, cường quyền.

-Chỉ cộng tác với người tài đức, vì dân, vì nước.

-Không thân cận với kẻ tiểu nhân, với người ác đức. Khi cần giao thiệp với họ, phải giữ gìn cho lắm.

-Phải tránh những sự giao thiệp giả dối.

-Đối với mọi người, cần sự thành khẩn.

-Không có tài, đừng ham địa vị cao.

-Không phải việc mình, đừng rây vào. Những nguy hiểm có thể tránh được thì nên tránh, đừng có dấn thân vào. Nếu chúng ta giữ được như vậy, thì công việc chúng ta thi hành thường được trôi chẩy, cuộc đời chúng ta luôn được vui tươi như ý.

Dịch Kinh đã dạy chúng ta những tôn chỉ chính xác, để hướng dẫn hành động chúng ta cho chúng ta trở nên hoàn bị. Có những tư tưởng sáng suốt, những tôn chỉ chính xác, mục phiêu cao cả, những hành vi, cử chỉ, tác phong hợp lý hợp nghĩa, tức là có những phương tiện để tiến tới hoàn thiện, trở thành Thánh Hiền.

(Dẫn theo trang huyenhocvadoisong.com)

Trusted by some of the biggest brands

spaces-logo-white
next-logo-white
hemisferio-logo-white
digitalbox-logo-white
cglobal-logo-white
abstract-logo-white
white-logo-glyph

We’re Waiting To Help You

Get in touch with us today and let’s start transforming your business from the ground up.