Thần Tài là ai?
Phàm là con người, dù ở đâu, ở thời đại nào, mưu cầu được giàu sang phú quý cũng là nhu cầu chính đáng và thường hằng. Do đó, tín ngưỡng thờ phụng thần tài, với ý nghĩa cơ bản nhất, là một vị Thần có thể tạo điều kiện, ban tiền tài, của cải … trở thành nhu cầu tất yếu, nhất là với người dân tham gia vào hoạt động kinh doanh, buôn bán.
Xét về mặt địa lý, người dân mỗi nơi đều kính ngưỡng một (nhiều) vị Tài Thần riêng; xét về mặt tôn giáo, tín ngưỡng, người dân lại có đức tin về một (nhiều) vị Tài Thần. Vì vậy, trả lời câu hỏi Thần Tài là ai, lại trở nên phức tạp và hóc búa, rất dễ gây nhầm lẫn, lệch lạc.
Việt Nam cơ bản là một nền văn hóa bản địa gắn với quan niệm “sỹ, nông, công, thương”, thiên về cư dân nông nghiệp với tín ngưỡng thờ phụng có phần nghiêng về các Phúc Thần – nhằm mong cầu sự bình an và phúc lành – hơn là tín ngưỡng Thần Tài – vốn thiên về câu mong gia tăng của cải của thương dân. Bên cạnh đó, qua mối liên hệ, giao lưu, dân ta còn có sự giao thoa với Trung Quôc, Ấn Độ và các nền văn hóa khác, nên tín ngưỡng thờ cúng Thần Tài cũng có đặc điểm giao kết, hòa biến rất phong phú. Một cách sơ lược có thể kể ra các vị Thần Tài theo tôn giáo, tín ngưỡng và địa bàn dân cư ở Viêt Nam và Trung Quốc:
a. Đạo Giáo
không chỉ đích danh một vị Thần tài với tư cách Thần tiên cụ thể, mà bao gồm 5 vị Thần cùng cai quản Tài Lộc trong cả Tam Giới (Thiên giới, Địa giới và Nhân giới), được gọi chung là “Ngũ lộ Tài Thần”…
b. Phật giáo
Thần tài Kubera trong văn hóa Phật giáo Ấn Độ, Ngũ Tính Tài Thần (五姓财神) trong Phật giáo Mật tông, Thần Tài Di Lặc – Bố Đại Hòa thượng Trung Hoa, Tế Công Hòa Thượng.
c. Tín ngưỡng dân gian Việt Nam
Ít nhất có thể liên hệ Thần Tài của Việt Nam là Thánh Gióng và Thánh Mẫu Liễu Hạnh.
Thần Tài Thánh Gióng với các tư liệu thành văn còn đến ngày nay, như: Việt điện u linh đề cập đến việc Lý Thái Tổ ban hiệu cho vị thần ở chùa Kiến Sơ, bộ Vũ Ninh (nay là làng Phù Đổng, Hà Nội) hiệu là Xung Thiên Thần Vương (tr.92). Thiền Uyển tập anh có ghi lại câu nói của một vị thần (tức Thánh Gióng) với Khuông Việt đại sư rằng “Ta là Tỳ Sa Môn thiên vương, những người theo ta là Dạ xoa. Thiên đế có sắc sai ta đến nước này để giữ gìn biên giới, khiến cho Phật pháp thịnh hành. Ta có duyên với ngươi, nên đến đây báo cho ngươi biết” (tr. 22). Trong Lĩnh Nam chích quái có đoạn: “Sau vua Lý Thái Tổ phong làm Xung Thiên Thần Vương lập miếu thờ ở Phù Đổng” (tr. 21). “là một “phiên bản” của Sóc Thiên Vương, Xung Thiên Thần Vương, Tì Sa Môn Thiên Vương, Đa Văn Thiên Vương và cũng chính là Vaisravana hay Kubera – vị Thần Tài có nguồn gốc từ Ấn Độ”, theo nghiên cứu của Đinh Hồng Hiệp [*].
Thần Tài Bà Thánh Mẫu Liễu Hạnh, là “vị Nữ thần Tài Lộc của tầng lớp nữ tiểu thương, gắn với nhu cầu về một vị nữ thần phù trợ, “ban tài phát lộc” cho những người làm nghề buôn bán”[**]. Đây là một tín ngưỡng xuất phát từ nền thương nghiệp tiền công nghiệp, khi mà sự nghiệp buôn bán của thương nhân nữ đã vượt ra ngoài lũy tre làng, tất bật xuôi dọc trên các con đường huyện, phủ. Các nữ thương nhân cần có một vị thần gần gũi, đồng giới tính, dễ cảm thông, che chở, phù hộ và ban tài phát lộc cho họ. Đây chính là nhân tố tích cực quảng bá và thu hút tín đồ thương nhân nữ của tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XXVII – XXVIII. Điều này lý giải tại sao tầng lớp phụ nữ ở các vùng nông thôn thuần nông rất hiếm ai biết đến Thánh Mẫu Liễu Hạnh và tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh chỉ phổ biến ở các vùng kẻ chợ, thuận lợi cho giao thương buôn bán.
d. Tín ngưỡng dân gian Trung Quốc
Rất phong phú, tùy nơi, tùy thời mà có các Nhóm Thần Tài, nhìn chung được ghép với 4 phương/lộ ( hoặc 8 phương/lộ), kết hợp với phương / lộ Trung ương, như sau: ( xem ảnh 1)
Theo bảng trên, dễ thấy trong văn hóa Trung Quốc thì Bỉ Can, Triệu Công Minh và Quan Vũ là các vị Thần Tài có độ phủ hơn cả. Chính vì tính phức tạp và đa dạng các vị Thần Tài như trên, cho đến nay, các tài liệu thành văn chưa thể xác định được chính xác tín ngưỡng thờ cúng Thần Tài ra đời từ khi nào. Tạm ghi nhận:
– Vị Thần Tài đầu tiên được biết đến trong truyền thuyết là Bỉ Can (hay Tỉ Can) từ đời Thương1075-1046 Tr.CN, không rõ ngày vía.
– Triệu Công Minh là vị Thần Tài có gốc từ Đạo Giáo, Triệu Công Minh được sắc phong là: Kim Long Như Ý Chính Nhất Long Hổ Huyền Đàn Chân quân có bốn bộ hạ là Chiêu Bảo Thiên tôn Tiêu Thăng (招寶天尊蕭升), Nạp Trân Thiên tôn Tào Bảo (納珍天尊曹寶), Chiêu Tài Sứ giả Trần Cửu Công – 招財使者陳九公, Lợi Thị Thiên quan Diêu Thiếu Tư (利市仙官姚少司), có chức trách liên quan đến tài phú, có ngày sinh là mồng 5 tháng Giêng.
– Tài Bạch Tinh Quân Đô Thiên Chí Phú Tài là vị Thần Tài có gốc từ Đạo Giáo hay từ tín ngưỡng dân gian thì còn nhiều tranh cãi, được xem là Văn Thần Tài trong dân gian, có chức năng quản lý của cải vàng bạc trong thiên hạ, có ngày sinh là 17 tháng Chín.
– Thần Tài Quan Vũ (Quan Vân Trường), vị tướng nổi tiếng của nhà Thục Hán, thời Tam Quốc (220 – 280, TCN), vía ngày mồng 5 tháng Giêng.
– Ngoài ra, một vị Thần Tài mới xuất hiện trong tín ngưỡng dân gian có hình tướng béo tốt, đầu hói, mặc áo phanh ngực hở bụng được đặt trang trọng ở những vị trí trung tâm và gọi là Thần Tài, một số người gọi là Di Lặc hoặc gọi bằng một cái tên ghép là Di Lặc – Thần Tài, không rõ ngày vía.
Tóm lại, tín ngưỡng thờ cúng thần tài là rất đa dạng và phức tạp, khó truy nguyên gốc gác và hành trạng các vị Thần Tài, tâm thức dân gian thì tín vị nào khắc thờ vị đó.
Lập ban thờ Thần Tài như thế nào?
Như đã nói ở phần trên, nước ta vốn có quan niệm coi nhẹ thương nghiệp, nên tín ngưỡng thờ thần tài chỉ diễn ra trong một bộ phận nhỏ giới kinh doanh buôn bán, tùy nơi, tùy chốn mà có sự thực hành thờ phụng. Tuy nhiên, việc thờ cúng Thần, cần lấy kính sợ làm trọng thị, lấy nghiêm cẩn làm lễ nghi. Riêng với ban thờ Thần Tài + Thổ Thần đặt dưới đất, sàn nhà…. như đang phổ biến là do hiểu lầm tập tục của nhóm người Hoa nhập cư vào miền Nam nước ta, xin xem cụ thể tại đây shorturl.at/anKZ7 và shorturl.at/dfUZ1, không nên tùy tiện đặt ban thờ nơi ô uế. Cần thiết phải lựa chọn Trạch nhật và vị trí để lập là tốt hơn.
Vía Thần Tài là ngày nào?
Theo nhiều tài liệu và chứng thực trong dân gian Trung Quốc, thì ngày Vía thần tài phổ biến nhất là mồng 5 tháng Giêng, trừ những nơi thờ cúng các vị Thần Tài khác. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy có tục mua bán vàng vào ngày Vía Thần Tài, và cũng không tìm thấy ghi nhận ngày vía của vị Thần Tài nào là mông 10 tháng Giêng. Đây là một lệ tục do các nhà buôn vàng phát sinh.
Chú thích:
[*]: Xem Đinh Hồng Hải (2014), Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo số 6 (132). ISSN 1859-0403, tr.108-129.
[**]: xem Cao Thế Trình (2020), Tạp chí khoa học Đại học Đà Lạt Tập 10, Số 1, tr. 115-129
Tác giả: Nguyễn Chí Long – Group: Hội yêu trang trí gian thờ theo nghi thức truyền thống