Đại học Harvard từng thực hiện một cuộc khảo sát: “Nếu một người học cách từ chối hợp lý, hơn 90% những rắc rối không cần thiết có thể được giảm bớt, đồng thời tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tinh lực của cá nhân”.
Có nhiều người khi đứng trước một lời mời mọc hoặc yêu cầu nào đó, thường hay lưỡng lự thay vì dứt khoát từ chối. Bởi nói ra được lời từ chối không phải là điều dễ dàng. Có muôn vàn lý do khiến chúng ta khó nói ra lời từ chối. Và người biết nói lời từ chối ắt hẳn phải là người vững tinh thần. Vì khi tinh thần vững vàng, mạnh mẽ, mới có thể quyết định từ chối.
Biết nói lời từ chối cũng là một nghệ thuật. Nó cần sự tế nhị, khéo léo; sự nhã nhặn, lịch sự và sự chân thành, rõ ràng trong lời nói.
Trong cuộc sống, đôi lúc cần phải biết nói lời từ chối, điều này sẽ giúp cho cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên thoải mái và thảnh thơi hơn nhiều.
Từ chối xã giao vô nghĩa
Không biết cạn có từng có trải nghiệm như vậy không?
Đôi khi vì để hòa nhập, bạn phải tham gia một vài bữa cơm vô nghĩa, miễn cưỡng uống một chút rượu và nói những lời trái với lòng mình.
Trên thực tế, khi mọi người không đúng, bạn không cần phải gồng mình phụ họa theo; khi không cùng hội nhóm, bạn không cần ép buộc bản thân hòa hợp.
Nam diễn viên Trần Đạo Minh luôn tỏ ra rất kín tiếng, ngoài đóng phim ra, anh chỉ ở nhà đọc sách, viết chữ, dọn dẹp nhà cửa.
Trong một cuộc phỏng vấn, anh đã đề cập: “Khi tôi nghĩ về những bữa tiệc thân mật, thì đó thật sự là một cực hình đối với tôi, nhất là khi một người đã uống say, một câu họ nói phải lặp đi lặp lại đến 4, 5 lần, đưa một tấm danh thiếp cho bạn cũng phải đưa đến 8 lần, bạn cảm thấy một loại uất nghẹn, một sự tức giận, thật là khó chịu”.
Còn những lúc ở một mình, anh không chỉ sống một cuộc sống đơn giản và hạnh phúc, mà còn có được nội tâm phong phú và dồi dào.
Có những lúc, khi bạn biết mình thực sự muốn làm gì và thực sự yêu thích điều gì trong cuộc sống, bạn sẽ không lãng phí thời gian cho những người và việc không quan trọng.
Đậu Văn Đào tiên sinh đã là người dẫn chương trình được gần 20 năm, ông quen biết và đã từng phỏng vấn những vị khách mời thuộc mọi tầng lớp xã hội, nhưng ông lại có rất ít bạn bè, ngoài việc dẫn chương trình ra, ông thậm chí có thể ở nhà trong hai tuần không ra ngoài, cũng không ra ngoài gặp gỡ bất cứ ai.
Anh từng đề cập: “Bạn bè ngoài tình cảm qua lại ra, còn cần có sự tinh tế, điều này rất quan trọng. Cái gọi là tinh tế, có thể hiểu là thân phận, tài học, ăn ý, hợp nhau, v.v.”.
Đôi khi nếu tam quan (thế giới quan, giá trị quan, nhân sinh quan) mà không hợp nhau thì dù có cố gắng nâng ly cạn chén thế nào, thì cũng chẳng khác gì người dưng, thậm chí trái nhau như gà với vịt vậy.
Nhiều khi, chúng ta luôn ngại từ chối những vòng tròn kết nối mà bạn không muốn gia nhập, những người mà bạn không muốn quen và những bữa cơm mà bạn không muốn tham gia.
Trên thực tế, nếu không phải là người đi chung đường, thì dù bạn có đón ý nói hùa và làm hài lòng họ bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng không có giá trị và ý nghĩa gì lớn cả.
Từ chối những yêu cầu hao mòn tinh lực của bạn
Nhà văn Giản Bình, từng viết trong cuốn “Gõ cửa” rằng ông đã chuyển nhà 5 lần trong một thành phố, nhưng lần nào nhà ông cũng bị những vị khách không mời đến thăm, thậm chí thường xuyên bị quấy rầy.
Mỗi lần ông đều bởi không chịu nổi những tiếng gõ cửa bên ngoài nên phải ra mở cửa, kết quả những vị khách này đều đến với đủ yêu cầu, hơn nữa đều là đến để “làm khó” ông. Những người này hoặc là đến tìm ông để viết thư pháp gửi tặng lên cấp trên, hoặc là trong nhà có sự kiện gì mời ông đến tham gia, thậm chí không có việc gì cả, đơn thuần đến để tìm người trò chuyện.
Đặc biệt mỗi khi nhóm người này đến, họ đều đến tay không, không chỉ hút thuốc, uống trà của ông, mà còn khiến công việc ông bị dở dang, căn bản không viết được bài nào.
Thực tế, trong cuộc sống, sẽ luôn có những người khiến bạn bị hao mòn, nếu không học cách từ chối, cuối cùng bạn sẽ tự rước vô số rắc rối và phiền phức về mình.
Họa sĩ Tề Bạch Thạch, từng vì ngại từ chối những người yêu cầu ông vẽ tranh miễn phí hay mặc cả với ông, cuối cùng đã kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần, có lần còn phải nhập viện.
Về sau, ông không thể chịu đựng được nữa và đã viết hai tờ thông báo dán ngay trong phòng khách.
Một tờ viết: “Bán tranh không luận giao tình, là người quân tử có tự trọng thì hãy trả tiền theo giá nhuận bút”.
Một tờ khác viết: “Hoa cỏ cộng thêm côn trùng và chim, mỗi thứ thêm 10 đồng, dây leo cộng thêm con ong, mỗi thứ thêm 20 đồng. Người xin giảm giá là hạng thiệt người lợi mình, tôi không rảnh tiếp”.
Sau đó, rất ít người đến làm khó, cũng không thể kiếm trác trên người ông được nữa.
Trên thực tế, khi bạn tỏ rõ thái độ và nguyên tắc của mình, người khác sẽ khó có cơ hội lợi dụng, và họ càng sẽ không lợi dụng bạn một cách không kiêng dè.
Có người nói: “Tại sao người ta càng ngày càng không coi trọng bạn? Bởi vì bạn quá dễ dãi, người khác nhờ vả việc gì cũng đều đồng ý; họ muốn điều gì từ bạn, bạn liền đáp ứng ngay”.
Trên đời này có quá nhiều người mà bạn không cần để ý đến, khi họ đối xử với bạn bằng thái độ hao mòn bạn, kỳ thực chính là họ đang không tôn trọng bạn.
Nếu bạn hùa theo một cách mù quáng, cuối cùng họ sẽ tìm kiếm lợi ích cá nhân trên người bạn mà không chút kiêng dè gì, còn bạn sẽ hoàn toàn bị họ kéo xuống.
Từ chối sự giúp đỡ vượt quá khả năng
Có lẽ, có rất nhiều người ngại từ chối khi đứng trước lời thỉnh cầu giúp đỡ của người khác.
Vì họ đã quen làm người tốt, nên luôn nghĩ rằng nếu không cố gắng hết sức giúp đỡ thì không chỉ dễ dàng làm tổn thương sự hòa khí của nhau, mà cũng không cứu vãn được thể diện.
Trên thực tế, tất nhiên bạn có thể cố gắng hết sức để giúp đỡ nhiều nhất có thể. Nhưng nếu việc đó thật sự vượt quá khả năng và giới hạn của bản thân, cuối cùng bạn sẽ lôi đi và chịu thiệt thòi mà thôi.
Trong bộ phim truyền hình “Hoan Lạc Tụng”, Quan Quan là một người không biết từ chối người khác. Có lần, một đồng nghiệp không khỏe và yêu cầu cô ấy giúp đỡ phần việc còn lại, và ký tên vào hồ sơ công việc.
Thực ra, lúc đó Quan Quan vẫn có những việc quan trọng và nhiệm vụ chưa hoàn thành, nhưng vẫn miễn cưỡng nhận lấy.
Sau đó, công việc có chỗ sai sót, mà sai sót đó lại ở phần công việc mà đồng nghiệp đó làm dở, khiến Quan Quan bị cấp trên khiển trách. Quan Quan cảm thấy rất oan ức, nhưng đồng nghiệp đó từ đầu đến cuối thậm chí không một lời an ủi cô.
Đôi khi, sự phó xuất vượt quá giới hạn của bạn lại bị người khác coi là đương nhiên.
Đôi khi, lòng tốt vượt quá giới hạn sẽ bị người khác lợi dụng như con dê thế tội.
Trong bộ phim truyền hình Nhật Bản “Cuộc đời của Nagi”, nhân vật nữ chính Nagi Oshima là một người tốt tính ở nơi làm việc. Nếu đồng nghiệp không thể hoàn thành công việc, chỉ cần nhờ vả cô ấy, dù có phải ở lại tăng ca, cô cũng sẽ giúp đối phương hoàn thành.
Vốn dĩ, cô nghĩ rằng mình sẽ nhận được sự ưu ái của đồng nghiệp bằng cách làm này, nhưng một lần tình cờ cô phát hiện ra mọi người sau lưng đang cười nhạo cô, thậm chí còn tỏ ý coi thường cô.
Đôi khi, chúng ta nghĩ rằng ủy khuất bản thân giúp đỡ người khác, chúng ta sẽ nhận được sự công nhận và biết ơn từ người khác, nhưng thực tế, bạn chỉ đang cho người khác cơ hội để bắt nạt mình.
Có đoạn văn như vậy: “Người đã quen làm người tốt nhiều khi cũng như một loại thuốc độc. Nó không chỉ khiến bản thân bị nghiện mà còn khiến đối phương mắc nghiện trong việc không ngừng đòi hỏi bạn. Mãi cho đến cuối cùng, mọi người đều trở thành kẻ thù, và mối quan hệ có tính độc hại giữa các cá nhân mới kết thúc”.
Thực tế, sau khi thành niên, chúng ta phải học cách từ chối giúp đỡ những người không thuộc về mình nhưng lại đẩy hết mọi áp lực và trách nhiệm lên vai mình.
Rất nhiều lúc, vì nhiều lý do khác nhau, chúng ta không dám, không hiểu, cũng ngại từ chối người khác.
Như Tam Mao đã từng nói: “Nếu lý do của bạn là chính đáng, đừng ngại từ chối người khác. Khi một người mở miệng đưa ra yêu cầu, anh ta đã có sẵn hai câu trả lời trong lòng, vì vậy bất kỳ câu trả lời nào được đưa ra cho anh ta đều nằm trong dự liệu”.
Tất nhiên, từ chối một người, ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến tình bạn giữa hai bên; từ chối một hội nhóm, ít nhiều cũng sẽ làm mất đi một vài người bạn; từ chối một vài sự giúp đỡ, ít nhiều cũng sẽ bị người chỉ trích và phàn nàn.
Nhưng khi bạn biết bản thân thật sự muốn gì, điều gì bạn nên trân trọng và ưu tiên hơn, đặc biệt ai là người đáng để bạn phó xuất, bạn cũng có thể đưa ra những lựa chọn mang tính quyết định.
Vũ Dương.
Nguồn: Sưu Tập