Ngũ Hoàng
(Nguyễn Tiến Dũng phụ chú)
Ngũ Hoàng tinh danh Liêm Trinh, hiệu là Chính Quan, thiên can Mậu Kỷ, vị trí Ngũ Hoàng đóng tại trung ương, thiên tâm chính vị, tối tôn tối thượng, hiệu lệnh bát phương. Đóng đô ở trung ương, Ngũ Hoàng uy trấn thiên hạ, đại cát đại lợi. Vi hành bát quốc, hoàng cung trống trải, tiểu nhân lạm quyền, Ngũ Hoàng trở thành “Đô thiên sát thần” (đô=kinh đô, thiên=di chuyển chăng?), hoặc xưng “Chính quan sát”, “Ngũ hoàng đại sát”, “Mậu kỷ sát”…
Tại nguyên đán bàn, Ngũ Hoàng chính vị, khí thuận bát phương vì thế cát lợi. Khí Ngũ Hoàng chỉ phát động khi thay thế cho cung tinh nhập trung, mang khí của nó phi ra bát quốc tạo thành sát. Nguyên tắc tạo thành khí sát của Ngũ Hoàng đời nay chắc không mấy người tường tận. Nay giải thích rõ để sáng tỏ.
– Nhất nhập trung – Ngũ đại diện cho khí thủy của Nhất cư Ly, thủy hỏa xung khắc thành sát
– Nhị nhập trung – Ngũ đại diện cho khí âm thổ của Khôn cư Cấn, âm dương thổ khí xung khắc thành sát
– Tam nhập trung – Ngũ đại diện cho khí mộc của Chấn cư Đoài, kim mộc xung khắc thành sát
– Tứ nhập trung – Ngũ đại diện cho khí mộc của Tốn cư Càn, kim mộc xung khắc thành sát
– Lục nhập trung – Ngũ đại diện cho khí kim của Càn cư Tốn, kim mộc xung khắc thành sát
– Thất nhập trung – Ngũ đại diện cho khí kim của Đoài cư Chấn, kim mộc xung khắc thành sát
– Bát nhập trung – Ngũ đại diện cho khí dương thổ của Cấn cư Khôn, âm dương thổ xung khắc thành sát
– Cửu nhập trung – Ngũ đại diện cho khí hỏa của Ly cư Khảm, thủy hỏa xung khắc thành sát.
Như vậy các cung của nguyên đán bàn khi gặp khí của cung đối xứng do Ngũ Hoàng mang từ trung cung đến cũng như vua rời kinh đô thì phải mang theo bá quan văn võ về địa phương sinh ra xung đột. Khí sát được tạo ra do xung đột của âm dương, của ngũ hành đối xứng.
– Khôn gặp Cấn (và ngược lại) cùng hành, nhưng xung đột âm dương đối xứng ở mức sát nhẹ
– Càn gặp Tốn (và ngược lại), xung đột âm dương ngũ hành kim – mộc đối xứng, sát nặng vừa
– Chấn gặp Đoài (và ngược lại), xung đột âm dương ngũ hành kim-mộc đối xững đông tây, sát nặng
– Ly gặp Khảm (và ngược lại), xung đột âm dương ngũ hành thủy-hỏa đối xứng nam bắc, sát nặng
Ngoài ra trong tinh bàn huyền không còn xảy ra trường hợp Ngũ Hoàng nghịch phi tạo ra khí phục ngâm trở thành hung sát.
– Nhất nhập trung nghịch phi – Ngũ đại diện cho khí thủy của Nhất cư Khảm thành phục ngâm
– Nhị nhập trung nghịch phi – Ngũ đại diện cho khí thổ của Nhị cư Khôn thành phục ngâm
– Tam nhập trung nghịch phi – Ngũ đại diện cho khí mộc của Tam cư Chấn thành phục ngâm
– Tứ nhập trung nghịch phi – Ngũ đại diện cho khí mộc của Tứ cư Tốn thành phục ngâm
– Lục nhập trung nghịch phi – Ngũ đại diện cho khí kim của Lục cư Càn thành phục ngâm
– Thất nhập trung nghịch phi – Ngũ đại diện cho khí kim của Thất cư Đoài thành phục ngâm
– Bát nhập trung nghịch phi – Ngũ đại diện cho khí thổ của Bát cư Cấn thành phục ngâm
– Cửu nhập trung nghịch phi – Ngũ đại diện cho khí hỏa của Cửu cư Ly thành phục ngâm
Như vậy nguyên lý thành sát của Ngũ Hoàng đã rõ, trong huyền không chỉ có vận 5, hoặc những năm niên phi tinh Ngũ Hoàng đáo trung là Ngũ Hoàng vô sát khí. Chính vì vậy cổ nhân mới gọi nó là “Đô thiên sát” (tác giả cho rằng chữ “thiên” ở đây không phải là “trời”, mà nó là chữ thiên=di chuyển). Bất kể vận bàn hay niên bàn, các tinh nhập trung nếu thuận phi thì tạo thành khí xung sát, nghịch phi thì trở thành khí phục ngâm. Độc lực của Ngũ Hoàng gia tăng khi cung vị của nó giá lâm đang kỳ tử khí, tổ hợp cùng sát khí của vận tinh, sơn tinh, hướng tinh, hoặc nó hội cùng Lực sỹ,Thất sát, Tam sát, Thái tuế, Mậu kỷ đô thiên…hung chồng hung tai họa khó bề giải cứu. Lại nữa, Ngũ Hoàng chỉ vượng khí khi cư ở thiên tâm chính vị, khi phi ra bát quốc là trở thành sát khí. Vì vậy đặc tính của nó là ưa tĩnh không ưa động, phương vị của nó đóng nên hạn chế động tượng. Tác hại của Ngũ Hoàng mọi người đều rõ, không bàn đến nữa.