Lời Dẫn
Luận đoán một lá số phải căn cứ vào các sao đã an qua lề lối được ấn định bởi ngày giờ năm tháng sinh. Ta thấy hơn một trăm sao từ chính tinh đến phụ tinh như Tử Vi, Thiên Phủ, Kình Dương, Đà La, Văn Xương, Văn Khúc, Cô Thần, Quả Tú…
Như vậy có phải khoa Tử Vi liên hệ đến thiên văn không? Nhất là lại nhắc tới các hệ nam đẩu với bắc đẩu tinh.
Khoa Tử Vi không dính dáng gì đến thiên văn. Những sao ấy chỉ là những hư tinh dùng làm ký hiệu cho sự lập thành lá số, cũng như trong khoa kham dự (địa lý) dùng Phá Quân, Liêm Trinh, Cự Môn để chỉ hình thù của một trái đất. Nhiều người vẽ rắn thêm chân cho rằng tinh hệ của tử vi đẩu số còn liên quan cả đến từ trường…
Cuốn sách này chỉ diễn dịch cho rõ rằng cổ nghĩa đã ghi ở các bài phú của cổ nhân mà thôi. Tỉ dụ khi nói về Hỏa Tinh Linh Tinh, người xưa bảo “Hỏa Minh Linh Ám” thì thế nào là minh, thế nào là ám cho rõ trắng đen để người đọc dễ dàng nắm được then chốt. Ở đây cũng tìm hiểu thêm lý do tại sao Không Kiếp lại khởi từ cung Hợi mà tính đi, tại sao Xương Khúc lại từ Thìn Tuất, tại sao Tứ Hóa lại bắt đầu từ Hóa Lộc đến Quyền đến Khoa và sau cùng là Kị.
Số với lý phải gắn liền
Số thiếu lý thì số khó đứng vững
Ngoài ra là ít nhiều tìm tòi về những sao có ghi trong sách vở bên Trung Quốc mà không hề được nhắc tới khi Tử Vi truyền qua nước ta như: Âm Sát, Quan Sát, Tuế Dịch, Phan Án, Tức Thần, Thiên Sát, Chỉ Bối, Nguyệt Sát, Vong Thần….
Các cấp sao
Chư tinh có hai hệ: Bắc đẩu và Nam đẩu
Tử Vi dẫn đầu Bắc đẩu hệ
Thiên Phủ dẫn đầu Nam đẩu hệ
Rồi đến các sao cấp hai như Xương Khúc, Tứ Hóa, Kình Đà, Linh Hỏa, Tuần Triệt không vong, bộ tam minh Đào Hồng Hỉ…
Sao cấp ba là hệ Lộc Tồn, Tràng Sinh, Thái Tuế
Sao cấp bốn như Riêu Hình, Kiếp Sát, Long Phượng, Thai Tọa… Sao tính theo năm, theo tháng, theo ngày và theo giờ.
Sao tính theo năm còn chia ra Can với Chi, như Lộc Tồn theo Can, Linh Hỏa theo Chi.
Thời cổ lập luận lấy năm làm gốc rễ, tháng là mầm mống, ngày là hoa, giờ là quả, cho nên năm được coi làm thần dẫn đạo. Đến đời Tử Bình mới bác bỏ luận cứ trên vì năm làm thần dẫn đạo tính số không được chính xác, phải lấy ngày làm thần dẫn đạo mới đúng. Từ đấy đến nay không được thay đổi nữa.
Khoa Tử Vi cũng lấy ngày làm chủ như Tử Bình. Lập cục rồi tìm Tử Vi theo ngày. Cõi nguồn của lý số là Đạo gia không phải Nho gia vì Nho gia không đặt nặng lẽ chí huyền chí vi. Âm Dương Ngũ Hành gần với Đạo gia hơn Nho gia. Khi Khổng Khâu giảng Kinh dịch, ông bẻ công vào khuynh hướng chính trị và nhân luận vốn là tư tưởng căn bản của Nho. Dịch vào lý số lại đi theo con đường khác hẳn. Nhưng không phải Nho gia không ảnh hưởng vào lý số. Mười hai cung trên lá số gồm Mệnh, Bào, Tử, Tài, TẬt, Thiên, Nô, Quan, Điền, Phúc, Phụ chính là tổ chức của Nho gia. Ý nghĩa nhân luận của Nho gia được dùng làm cơ sở thực tế để luận về số mạng. Nho gia có lục nghệ: Lễ, Nhạc, Sạ, Ngự, Thư, Số để phân định văn với vũ, các sao của khoa Tử Vi cũng chia ra văn và vũ. Sự suy đoán một lá số Tử Vi xuất hiện khá nhiều sắc thái Nho.
(Dẫn theo trang www.huyenhocvadoisong.com)