Chương 38: Quẻ HỎA ĐỊA TẤN

64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Kinh Dịch – Đạo Của Người Quân Tử” của học giả Nguyễn Hiến Lê.

64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Dịch Kinh Đại Toàn” của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê.

64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Bát Tự Hà Lạc – Lược Khảo” của Học Năng.

Quẻ HỎA ĐỊA TẤN

“Kinh Dịch – Đạo Của Người Quân Tử” của học giả Nguyễn Hiến Lê.

:::|:| Hỏa Địa Tấn (晉 jìn)

Quẻ Hỏa Địa Tấn, đồ hình :::|:| còn gọi là quẻ Tấn (晉 jin4), là quẻ thứ 35 trong Kinh Dịch.

* Nội quái là ☷ (::: 坤 kun1) Khôn hay Đất (地).

* Ngoại quái là ☲ (|:| 離 li2) Ly hay Hỏa (火).

Giải nghĩa: Tiến dã. Hiển hiện. Đi hoặc tới, tiến tới gần, theo mực thường, lửa đã hiện trên đất, trưng bày. Long kiến trình tường chi tượng: tượng rồng hiện điềm lành.

Đã tráng thịnh thì tất nhiên phải tiến lên, cho nên sau quẻ Đại tráng tới quẻ Tấn [晉], Tấn có nghĩa là tiến [進] lên.

Thoán từ

晉: 康侯用錫馬蕃庶, 晝日三接.

Tấn: Khang hầu dụng tích mã phồn thứ, trú nhật tam tiếp.

Dịch: tiến lên, bậc hầu có tài trị nước được thưởng ngựa nhiều lần, ban ngày được tiếp tới ba lần.

Giảng: Quẻ này có tượng mặt trời (ly) lên khỏi mặt đất (Khôn), càng lên cao càng sáng, tiến mạnh.

Lại có thể hiểu là người dưới có đức thuận (Khôn) dựa vào bậc trên có đức rất sáng suốt (☲); cho nên ví với một vị hầu có tài trị dân (Khang hầu) được vua tín nhiệm, thưởng (tích) ngựa nhiều lần, nội một ngày mà được vua tiếp tới ba lần.

Thoán truyện giảng thêm: quẻ này hào 5 có cái tượng một hào âm nhu tiến lên địa vị vua chúa: nhu tiên nhi thượng hành. Theo Chu Hi, như vậy là vì quẻ Tấn do quẻ Quán biến thành: hão quẻ Quán là âm, nhảy lên trên, thành 5 quẻ Tấn. Phan Bội châu hiểu khác: hào 5 vốn là hào dương giữa quẻ Càn, biến thành hào âm ở giữa ngoại quái Ly của quẻ Tấn. Theo tôi, cách hiểu của Chu Hi dễ chấp nhận hơn.

Đại tượng truyện khuyên người quân tử xem tượng quẻ Tấn này nên tự làm cho đức của mình càng ngày càng sáng như mặt trời hiện lên khỏi mặt đất rồi tiến mãi lên.

Hào từ

1. 初六: 晉如, 摧如, 貞吉, 罔孚, 裕. 无咎.

Sơ Lục: tấn như, tồi như, trinh cát, võng phu, dụ, vô cữu.

Dịch: Hào 1 âm: muốn tiến lên mà bị chắn lại, giữ đạo chính thì tốt; nếu người chẳng tin mình thì nên khoan thai, bình tĩnh, như vậy sẽ không có lỗi.

Giảng: Âm nhu ở dưới cùng, ứng với hào 4, mà 4 lại bất trung, bất chính, nên chẳng giúp mình được gì, mình muốn tiến lên mà như thể bị chặn lại. Trong hoàn cảnh đó, nếu có người không tin mình thì mình chỉ nên khoan thai, bình tĩnh tu thân là sẽ không có lỗi.

2. 六二: 晉如, 愁如, 貞吉; 受茲介福于其王母.

Lục nhị: Tấn như, sầu như, trinh cát;

Thụ tư giới phúc vu kì vương mẫu.

Dịch: Hào 2, âm: Tiến lên mà rầu rĩ, giữ đạo chính thì tốt; sẽ được nhờ phúc lớn của bà nội.

Giảng: Hào này có đức trung chính, đáng lẽ tiến lên được nhưng trên không có người ứng viện (vì hào 5 cũng âm nhu như 2), phải tiến một mình, nên rầu rĩ. Nhưng cứ giữ đạo chính thì chẳng bao lâu sẽ gặp cơ hội tốt: hào 5 ở trên, cũng là hào âm như mình, tuy không giúp được mình trong công việc, nhưng cũng đắc trung như mình, sẽ ban phúc lớn cho mình, và mình sẽ được nhờ hào 5 như được nhờ phúc của bà nội (vương mẫu tức như tổ mẫu) mình vậy.

Sở dĩ ví hào 5 với bà nội vì 5 là âm mà ở trên cao, cách 2 khá xa.

3. 六三: 眾允, 悔亡.

Lục tam: chúng doãn, hối vong.

Dịch: hào 3, âm: mọi người tin cẩn, thì mọi sự hối tiếc sẽ mất đi.

Giảng: hào âm này ở trên cùng nội quái Khôn, bất trung chính, đáng lẽ có điều hối hận, nhưng có hai hào âm ở dưới đều muốn tiến lên với mình, đều tin mình, mình được lòng họ, thì còn gì phải hối tiếc nữa đâu?

4. 九四: 晉如, 鼫鼠, 貞厲.

Cửu tứ: Tấn như, thạch thử, trinh lệ.

Dịch: hào 4, dương : tiến lên, tham lam như con chuột đồng, cứ giữ thói đó thì nguy.

Giảng: Hào này bất chính, bất trung, ở địa vị cao, tham lam muốn giữ ngôi mà lại sợ một bầy âm ở dưới dương hăng hái dắt nhau tiến lên, nên ví với con chuột đồng, vừa tham vừa sợ người .

Nếu nó giữ thói đó (trinh ở đây là bền vững chứ không phải là chính đáng, vì hào 4 vốn bất chính) thì sẽ nguy, bị tai hoạ mà mất ngôi.

5. 六五: 悔亡, 失得勿恤, 往吉, 无不利.

Lục ngũ: hối vong, thất đắc vật tuất, vãng cát, vô bất lợi.

Dịch: Hào 5, âm: không có gì ân hận cả; nếu đừng lo được hay mất, mà cứ tiến thì tốt, không gì là không lợi.

Giảng: Hào này làm chủ quẻ Tấn, có đức sáng suốt (vì ở giữa ngoại quái Ly), lại được ba hào âm ở dưới thuận giúp mình, nên không có gì phải ân hận.

Nhưng nó là âm nhu, e có lòng ham được, sợ mất, cho nên Hào từ khuyên thành bại chẳng màng, cứ giữ đức sáng suốt thì sẽ thành công.

6. 上九: 晉其角, 維用伐邑, 厲吉, 无咎, 貞吝.

Thượng cửu: Tấn kì giác, duy dụng phạt ấp, lệ cát, vô cữu, trinh lận.

Dịch: Hào trên cùng, dương: chỉ tiến cặp sừng thôi, lo trị cái ấp riêng của mình thôi thì dù có nguy, kết quả cũng tốt, không tội lỗi, nhưng dù được điều chỉnh thì cũng đáng thẹn.

Giảng: Dương cương mà ở trên cùng quẻ Tấn, có nghĩa là cứng đến cùng cực, mà ham tiến cũng cùng cực, không khác con thú hung hăng chỉ húc bằng cặp sừng. Như vậy không làm được việc lớn, chỉ giữ được cái vị của mình, như trị được cái ấp riêng của mình thôi, dù có nguy thì cũng vẫn thành công đấy. Có điều là ở thời đại Tiến lên mà chỉ làm được vậy, chứ không thành sự nghiệp lớn thì cũng đáng thẹn đáng tiếc.

“Dịch Kinh Đại Toàn” của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê.

35. 火地晉 HỎA ĐỊA TẤN

Tấn Tự Quái  序 卦
Vật bất khả dĩ chung tráng      
Cố thụ chi dĩ Tấn     
Tấn giả tiến dã.    

Tấn Tự Quái

Mạnh rồi, chẳng lẽ mạnh suông,

Cho nên quẻ Tấn vẽ đường tiến lên,

Tấn là tiến lên, sáng láng, rục rỡ, như mặt trời mọc lên dần dần, tỏa ánh quang huy ra khắp mọi nơi.

Dịch Kinh có 3 quẻ đề cập đến sự tiến triển.

– Một là Tấn, là mặt trời tiến lên. Hai là Thăng, là cây từ lòng đất vươn lên. Ba là Tiệm, là cây từ sườn non vươn lên. Trong ba quẻ, thì Tấn là phát triển, thẳng tiến mạnh nhất. Quẻ Tấn trên là Ly, có nghĩa là quang minh, dưới là Khôn, có nghĩa là nhu thuận. Thượng minh, hạ thuận, tức là ứng vào một hoàn cảnh mà vua thời minh, tôi thời hiền, dưới trên tương đắc.

I. Thoán.

Thoán Từ.

晉:康侯用錫馬蕃庶,晝日三接。

Tấn. Khang hầu. Dụng tích mã phồn thứ. trú nhật tam tiếp.

Dịch. Thoán Từ.

Tấn như một vị khang hầu

Được ban nhiều ngựa, ngày chầu ba phiên.

Thoán đề cập đến một vị khang hầu, giúp vua trị an đất nước, được vua hết sức sủng ái, ban cho ngựa xe đầy rẫy, lại còn cho vào triều kiến một ngày mấy lần. Kinh Thi, Đại nhã, Thiên hàn Dịch có tả cảnh Hàn Hầu, dòng dõi vua Đại Võ, về triều yết kiến vua Chu Tuyên Vương (827-781), được vua này hết sức trọng đãi, và ban cho cờ, xe, và nhiều đồ quý giá để trang hoàng cho xe ngựa.

Xuân Thu Tả Truyện có chép rằng: năm Hi Công thứ 28, Tấn Hầu là Tấn văn Công Trùng Nhĩ về triều kiến vua Bình Vương, cũng đã được vua này phong cho làm bá và đã được vào triều yết tất cả là ba lần.

Thoán Truyện.

彖曰: 晉,進也。 明出地上,順而麗乎大明,柔進而上行。

是以康侯用錫馬蕃庶,晝日三接也。

Thoán viết:

Tấn. Tiến dã. Minh xuất địa thượng. Thuận nhi lệ hồ đại minh.

Nhu tiến nhi thượng hành. Thị dĩ khang hầu. Dụng tích mã phồn thứ.

Trú nhật tam tiếp dã.

Dịch.

Thoán rằng: Tấn ấy tiến lên,

Sáng từ mặt đất, sáng lên rõ ràng.

Thuận thừa nương ánh dương quang,

Mềm từ dưới thấp, nhịp nhàng tiến lên.

Nên rằng: hầu tước uy quyền,

Được ban nhiều ngựa, ba phiên ngày hầu.

Thoán Truyện, giải Tấn là Tiến. Vừng Dương từ chân trời, lừng lững tiến mãi lên, tung tỏa quang huy, chiếu soi cùng muôn vật, vì thế nên gọi là Tấn. Tấn, về phương diện nhân sự, ứng vào thời có quân minh, thần trung; thần thì một lòng thần phục đấng minh quân; đấng minh quân thời biết khuất kỷ, hạ hiền. Vì thế mới nói: Tấn. Tiến dã. Minh xuất địa thượng. Thuận nhi lệ hồ đại minh.

Quẻ tấn là từ quẻ Quan biến thành. Hào Lục tứ quẻ Quan tiến lên thành Hào Lục ngũ quẻ Tấn; vì thế nên nói: Nhu tiến nhi thượng hành. Những quẻ kép, mà có Ly ở trên, thường hay có chữ Nhu tiến nhi thượng hành. Nơi quẻ Phệ Hạp, thì lại nói: Nhu đắc trung nhi thượng hành, nhưng ý cũng như vậy.

II. Đại Tượng Truyện.

象曰: 明出地上,晉﹔君子以自昭明德。

Tượng Viết:

Minh xuất địa thượng. Tấn. Quân tử dĩ tự chiêu minh đức.

Dịch. Tượng rằng:

Lửa từ mặt đất tấn cao.

Nên người quân tử chuốt chau tính Trời.

Người quân tử thấy mặt trời từ lòng đất mọc lên, cũng bắt chước làm cho tàn lửa thiên chân trong mình ngày một thêm sáng tỏ.

– Mặt trời, vốn quang minh; bị trái đất che khuất mới không sáng soi được.

– Thần trong ta, vốn quang minh; bị dục tình che khuất mới không sáng soi được.

Vậy chúng ta phải khử nhân dục, thì vừng Dương thiên lý trong ta mới bừng sáng lên được.

Dịch muốn cho chúng ta, đi đến chỗ phối thiên huyền hóa. Cho nên mới khuyên ta tự cường bất tức, để theo gương trời tự chiêu minh đức, làm rạng tỏ vầng sáng thiên chân trong tâm hồn ta, để tranh huy với vùng dương của Trời đất.

Mới hay lời khuyên của Dịch vừa hay, vừa sâu sắc.

III. Hào Từ & Tiểu Tượng Truyện.

1. Hào Sơ lục.

初六: 晉如,摧如,貞吉。 罔孚,裕無咎。

象曰: 晉如,摧如﹔獨行正也。 裕無咎﹔未受命也。

Sơ lục. Tấn như tồi như. Trinh cát. Võng phu. Dụ vô cữu.

Tượng viết:

Tấn như tồi như. Độc hành chính dã. Dụ vô cữu. Vị thụ mệnh dã.

Dịch. Sơ lục.

Tiến lên, mà bị cản lui,

Lòng luôn minh chính, âu thời mắn may.

Ví bằng đấy chửa tin đây,

Lâng lâng, thanh thản lòng này quản chi,

Vậy thời nào có lỗi gì?

Tượng rằng:

Tiến lên, mà bị cản lui,

Thi hành chính đạo, âu thời riêng ta.

Lâng lâng, thanh thản khoan hòa,

Là vì lộc nước, mệnh vua chưa từng.

Hào Sơ lục là bước đâu tiên của một hiền thần, trên con đường tiến thân. Muốn tiến lên, mà lại bao khó khăn, trắc trở còn đang chờ đợi. Vì thế Hào từ mới nói: Tấn như tồi như, tiến lên mà bị ngăn chận, bắt phải lui.

Trong trường hợp ấy, hãy biết chờ thời, ăn theo lẽ phải, ung dung, thanh thản, sống cho qua ngày, đừng nóng lòng vội, tiến như vậy mới khỏi lỗi lầm.

Hàn Tín từ Hàm Dương băng rừng, vượt suối, để về thần phục Bái Công. Tuy Hàn Tín có thư của Trương Lương tiến cử với Bái Công để lãnh chức Nguyên Nhung nhưng Hàn Tín không chịu đưa bức thư ấy ra vội.

Bái Công mới đầu không tin Hàn Tín có tài, nên chỉ cho làm một chức quan nhỏ coi lương hướng; nhưng Hàn Tín không lấy thế làm buồn, vẫn ra sức làm phận sự cho chu toàn. Thật là Võng phu. Dụ vô cữu.

Khi người chưa tin mình, mình cứ sống ung dung, thanh thản, mới tránh khỏi lỗi lầm. Vả lại mình chưa cơm nặng áo dầy của ai, thì việc chi mà chẳng sống cho tiêu sái (Dụ vô cư. Vị thụ mệnh dã).

2. Hào Lục nhị

六二: 晉如,愁如,貞吉。 受茲介福,于其王母。

象曰: 受之介福,以中正也。

Lục nhị.Tấn như sầu như. Trinh cát. Thụ tư giới phúc vu kỳ vương mẫu.

Tượng viết;

Thụ tư giới phúc. Dĩ trung chính dã.

Dịch. Lục nhị.

Tiến lên lòng những âu sầu,

Một niềm minh chính, trước sau tốt lành.

Rồi ra phúc lộc quân doanh,

Là vì trung nghĩa, phân minh đường hoàng.

Hào Lục nhị, tượng trưng những bậc thần tử có tài, muốn tiến lên, cho vua biết mặt, chủ biết tên, nhưng bị những quan chức triều đình úy kỵ, ghét ghen, cố dìm, không để cho xuất đầu lộ diện được. Trong trường hợp ấy, cũng vẫn phải cư xử cho phải phép, chóng chầy rồi sẽ được vinh hoa, quyền cao, chức trọng, vì thế Hào từ mới nói: Tiến như sầu như. Trinh cát. Thụ tư giới phúc vu kỳ vương mẫu. Chữ Giới đây nghĩa là lớn. Chữ vưong mẫu đây ám chỉ Hào Lục ngũ, tức là vua.

Tiết nhân Quý là một anh tài xuất chúng, ra đầu quân để đi Chinh Đông giúp vua Đường, chém tướng phá thành, mà bao công lao đều bị Trương Sĩ Quý gạt gẫm chiếm hết cho con rể là Hà Tôn Hiến. Mãi mãi, chỉ là một tên Hỏa đầu quân, đến nỗi một đêm phải nhìn trăng mà than rằng: Trăng ôi! Trăng có biết ta là Tiết Nhân Quý đứng đây; vì công danh nên bị khổ, bấy năm chày khóa hải Chinh Đông, biết bao công khó, chẳng hay chúa thượng có rõ nỗi lòng, chớ ở Nguyệt Tụ Hiệu này hoài, thì cực thân quá đỗi.

Nghĩ như bọn quân kia, có nhiêu người còn hớn hở, kẻ thì tiền công, người thì rượu thưởng, vui vầy, còn ta chịu khó nhọc phá thành này, lấy lũy nọ, suốt đòi làm Hỏa Đầu quân, mãi mãi vậy thôi. Biết ngày nào trả đặng ơn dầy, đền nghĩa nặng, còn vợ con nơi hang đá, ấm lạnh cũng chẳng hay. Trăng ôi! Trăng dẫu biết, cùng chẳng biết, lòng nghĩ riêng, bi thiết mà thôi. (Chinh Đông, trang 120).

Mãi sau này, khi một ngựa, một kích, đánh bại Cáp Tô Văn, cứu được vua Đường Thế Tôn, mới dần dần khôi phục được công lao. Lấy chuyện Tiết Nhân Quý, để giải thích Hào Lục nhị này, tưởng không gì thích hợp hơn.

3. Hào Lục tam.

六三: 眾允,悔亡。

象曰: 眾允之,志上行也。

Lục tam. Chúng doãn. Hối vong.

Tượng viết:

Chúng doãn chi. Chí thượng hành dã.

Dịch. Lục tam.

Mọi người ý hợp, tâm đầu,

Còn đâu hối hận, còn đâu phàn nàn.

Tượng rằng: Mọi người ý hiệp, tâm đầu,

Con đường tiến bộ, cùng nhau thượng hành.

Hào Lục tam. Khi một vị anh tài đã được mọi người kính phục, thì bấy giờ bước tiến sẽ thanh thản, và không còn gì bận lòng nữa. Khi Hàn Tín đã đem sở học của mình, làm cho Tiêu Hà, Đằng Công phục rồi, bấy giờ mới mang thư tiến cử của Trương Lương ra cho họ xem. Tiêu Hà, Đằng Công lại một phen nữa bảo tấu cho Hàn Tín.

Bái Công, sau khi đã rõ đầu đuôi, mới phục tài Hàn Tín, mới chịu lập đàn bái tướng, phong Hàn Tín làm Phá Sở Đại Nguyên Soái. Thế đúng là: Chúng doãn chi. Chí thượng hành dã.

4. Hào Cửu tứ.

九四: 晉如碩鼠,貞厲。

象曰: 碩鼠貞厲,位不當也。

Cửu tứ. Tấn như thạng thử. Trinh lệ.

Tượng viết:

Thạch thử trinh lệ. Vị bất đáng dã.

Dịch. Cửu tứ.

Tiến mà như chuột, hay chi,

Gian manh như chuột, ắt khi nguy nàn.

Tượng rằng:

Gian manh như chuột, ắt nguy,

Vị ngôi chẳng xứng, ắt khi lỡ làng.

Hào Cửu tứ là một Hào Dương, nằm sát ngay dưới Hào Lục ngũ, nhưng lại đè trên 3 hào Âm. Như vậy chẳng khác nào một gian thần che mắt vua, mà đè nén người có công ở dưới. Triều đình xưa nay, thường hay có hạng gian thần này. Dịch Kinh sánh họ với những con chuột đồng. Chuột đồng thì tham ăn, sợ người, sợ ánh sáng; ngày nấp, đêm ra. Những bọn gian thần cũng tham quyền cố vị; úy kỵ kẻ hiền tài, lại chuyên làm những điều ám muội.

Vì thế nói: Tấn như thạng thử. Trinh lệ.

Trong Kinh Thi, Ngụy Phong cũng có bài thơ Thạch Thử để mà chi; trích bọn tham quan này.

5. Hào Lục ngũ.

六五: 晉其角,維用伐邑,厲吉無咎,貞吝。

象曰: 維用伐邑,道未光也。

Lục ngũ. Hối vong. Thất đắc vật tuất. Vãng cát vô bất lợi.

Tượng viết:

Thất đắc vật tuất. Vãng hữu khánh dã.

Dịch. Lục ngũ.

Hết còn hối hận, phàn nàn,

Cuộc đòi thành bại, chẳng màng, chẳng lo,

Khi nên, trời sẽ giúp cho,

Rồi ra muôn sự tròn vo, êm đềm.

Tượng rằng: Đắc thất chẳng màng,

Việc gì rồi cũng muôn vàn mắn may.

Lục ngũ, tượng trưng bậc đại minh, mà người dưới đều thuận phục, như vậy làm gì chẳng nên, có việc gì mà phải ăn năn nữa. Vì thế nói: Lục ngũ, Hối vong.

Ngự Án cho rằng: Lục ngũ là vị khang hầu, và cũng là chủ quẻ Tấn này, vì Thoán Từ nói đến một vị khang hầu được đãi ngộ hẳn hoi. Thoán Truyện lại nói: Nhu tiến nhi thượng hành. Thoán Từ đòi hỏi vị khang hầu phải là người hoàn hảo. Những người tiến lên, mà còn nhỏ nhen, bo bo chuyện đắc thất, Ngự Án coi họ như là con chuột đồng, hay những kẻ phàm phu. Còn những bậc đại công thần, thì chỉ biết tận trung báo quốc, không màng đến chuyện được mất, lợi hại.

Ngược lại, các nhà bình giải lại cho rằng: Lục ngũ là một vị anh quân, khi đã tìm được hiền thần phụ bật rồi, thì đừng nên quá quan tâm về chuyện đắc thái, như vậy mới hay.

Chữ đắc thất vật tuất, đây phải hiểu là được, mất chớ lo. Người xưa cho rằng: mình hãy lo nghị luận chi xác đáng, đừng lo lợi lộc, hãy lo làm cho đạo nghĩa sáng tỏ, đừng kẻ công lao. (Nhân chính, kỳ nghị, bất mưu kỳ lợi, minh kỳ đảo, bất kể kỳ công).

Trương Trung Khê bình rằng: Lục ngũ là một vị quân chủ biết làm sáng tỏ đức sáng của mình, nên thiên hạ, thần dân ai cũng thuận phục, như vậy không còn gì phải phàn nàn.

Nếu mà lại có thể giữ cho lòng không bị hệ lụy, bởi những chuyện đắc thất, không để cho ưu tư làm hao tổn lao lung, rồi cứ đường ấy mà tiến, thì làm gì mà chẳng hay, chẳng lợi.

Vì thế mới nói: Thất đắc vật tuất. Vãng cát vô bất lợi

6. Hào Thượng cửu

上九: 晉其角,維用伐邑,厲吉無咎,貞吝。

象曰: 維用伐邑,道未光也。

Thượng Cửu. Tấn kỳ giác. Duy dụng phạt ấp. Lệ cát. Vô cữu. Trinh lận.

Tượng viết: Duy dụng phạt ấp. Đạo vi quang dã.

Dịch. Thượng củu.

Tiến mà tiến độc đôi sừng,

Ấp mình riêng trị, trị chừng ấy thôi.

Biết nguy, biết hiểm, may rồi,

Trị binh khéo léo, âu thời lỗi chi.

Nếu như sinh dụng quyền uy,

Ưa dùng võ lực, thế thì tiếc thay.

Tượng rằng: Đánh độc ấp mình,

Nghĩa là đạo đức chưa thành quang hoa.

Thượng Cửu nói: Tấn Kỳ giác. Tiến bằng sừng, tức là đã hết đường tiến rồi, đã tiến đến cùng rồi.

Lúc ấy Trình Tử cho rằng cần phải biết tự trị, tự xử cho hay, lại phải biết đề phòng nguy hiểm, mới tốt.

Chữ Duy dụng phạt ấp của Hào này được Trình Tử giải như sau: Chinh phạt tứ phương là trị ngoại, chinh phạt ấp mình là trị nội. Nói phạt ấp tức là nói tự trị phía bên trong. Ngự Án cũng cho rằng, khi đã tiến đến cùng rồi, hãy lo giữ mình, đừng làm điều sằng bậy; ở nhà thì lo giáo hóa con cái, cai trị tôi đòi, khi ra ngoài thì giao thiệp cho nghiêm cẩn. Bằng cứ một mức tiến nữa, dẫu may mà chẳng gặp hiểm nguy, nhiều khi vẫn thấy tự thẹn với lòng.

Có nhiều nhà bình giải lại cho rằng: lúc Tấn đã đến cùng cực, nếu cần phải dùng võ lực, để sửa trị ấp mình thì cũng được đi, không có gì đáng trách (Duy dụng phạt ấp. Lệ cát. Vô cữu). Tuy nhiên, khi mà đức độ chưa đủ cảm lòng người, còn phải dùng võ lực để chinh phục người, thì kể ra cũng đáng hổ thẹn vậy (Trinh lận).

Áp dỤng quẺ TẤN vào thỜi đẠi.

Con người sinh ra đời, luôn luôn phải tiến lên, để theo kịp đà tiến hóa của nhân loại.

* Khi còn ở học đường, ta tiến lên bằng các chăm chỉ học hành, có điều gì không hiểu thì hỏi thầy, hỏi bạn, tìm hiểu thêm trong sách vở ở ngoài, chứ đừng tiến lên bằng nhưng thủ đoạn gian manh, bề ngoài thì có bằng cấp, nhưng thực tế thì kiến thức thu thập được ở học đường không bao lăm, ra ngoài khó kiếm việc làm, tạo cảnh dở khóc dở cười.

* Khi đang làm việc, muốn tăng lương, tăng chức, thì phải chăm chỉ, nghiên cứu thêm để có nhiều sáng kiến mới, phải mang những sáng kiến đó lên thượng cấp của mình. Nhưng khi mình đã được trọng dụng rồi, thì phải tùy theo trí thông minh và sức khoẻ của mình mà tiến lên, chứ đừng cố gắng tối đa, (nhất là những người ở thành phần phát minh, phải cần có bộ óc cực kỳ sáng suốt), có thể gây ra sự suy nhược thần kinh, đó là điều quẻ Tấn muốn khuyên ta: Tiến nhưng đừng tiến vượt quá sức mình.

* Khi thấy mình là thành phần suất sắc, có khả năng đào tạo được một cơ sở độc lập, thì cứ mạnh bạo tiến lên, ví gặp khó khăn đừng nản chí, vì ở đòi có sự thành công nào mà không gặp khó khăn lúc ban đầu đâu.

Nhưng dù làm gì, cũng phải ngay thẳng, minh chính. Dùng mưu lược, thủ đoạn để bảo vệ mình thì không sao, nhưng để hãm hại người, mưu lợi cho mình, thì người quân tử không bao giờ làm.

“Bát Tự Hà Lạc – Lược Khảo” của Học Năng.

35.Hoả địa tấn

Ðại cương:

Tên quẻ: Tấn là Tiến (tiến bước, thời vận đến).

Thuộc tháng 2.

Lời tượng

Minh xuất địa thượng: Tấn. Quân tử dĩ tự chiêu minh đức.

Lược nghĩa

Ánh sáng lên trên mặt đất là quẻ Tấn (Tiến). Người quân tử lấy đấy mà tự làm sáng tỏ cái đức sáng cho mình.

Hà Lạc giải đoán

Những tuổi Nạp giáp:

Ất hoặc Quý: Mùi, Tỵ, Mão

Kỷ: Dậu, Mùi, Tỵ

Lại sanh tháng 2 là cách công danh phú quý.

THƠ RẰNG:

Thưởng công, nước dựng dân an

Tin xa tốt đẹp, trăm ngàn lộc vinh

Hào 1:

Tấn như, tồi như, trinh cát, võng phu, vô cữu. Ý HÀO: Nhờ có đức, dù bị ngăn, sau vẫn tốt.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Giữ nghĩa ở nơi mình, không phải uốn đạo để cầu hợp với người, biết mệnh ở trên trời, nên thong dong giữ chí công danh, sau được toại ý.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Có mưu trí nhưng bị trở ngại rất nhiều, quan chức hay sơ xuất, người thường vụng về, khó trường thọ.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Hay bị trở ngại bởi dư luận xuyên tạc. _Giới sĩ: Thường nhân đối đãi không tin nhau, vừa vui vừa buồn, tĩnh thì hơn.

Hào 2:

Tấ như, sầu như, trinh cát, thụ tư giới phúc, vu kỳ vương mẫu. Ý HÀO: Nhờ có đức, tuy buồn nhưng sau được phúc.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Nhờ phúc lớn của TỔ MẪU, nhưng vẫn buồn về đạo không hành được.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Cũng là đoan chính buồn vui bất thường, được mẹ hiền, hoặc âm quí nhân giúp.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Tiến được. _Giới sĩ: Trước lỡ sau được. _Người thường: Ðược toại ý. Ðược mẹ hiền, vợ giầu.

Hào 3:

Chú doãn, hối vong. Ý HÀO: Có chí cùng đi lên, không ai ức chế nổi.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Tìm người đồng đạo đồng khí để tiến tu, không làm điều gì để hối tiếc.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Cũng là người thành thật, chân chính, nhiều bạn ít thù, bình sinh an lạc vô ưu.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Có thăng chuyển. _Giới sỉ: Ðược tiến củ. _Người thường: Được bạn tốt cùng kinh doanh có lợi.

Hào 4:

Tấn như, thạch thử, trinh lệ. Ý HÀO: Ðức không đáng ngồi chỗ ấy.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Vị ngôi trên cả trăm đồng nghiệp làm nhiều ghen ghét.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Ngang ngạnh ngông cuồng, không đạt kết quả gì.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Bị trở ngại. _Giới sĩ: Khó tiến. _Người thường: Khó tránh kiện tụng, vu oan.

Hào 5:

Hối vong, thất đắc vật tuất, vãng cát vô bất lợi. Ý HÀO: Bậc vương giả vô tâm mà giáo hóa dân, nên thiên hạ trở nên thuận tình hết.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Văn chương đạo đức hơn đời, cô cao, việc làm không mưu lợi không kể công, mà danh lợi trọn vẹn.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Cũng là người óc sáng, chí rộng, biết xa, lo sâu, điều được mất mặc cho tự nhiên, tiến ngừng đều toại chí.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Ðược vinh thăng. _Giới sĩ: Tiến thủ thành danh. _Người thường: Ðược lợi.

Hào 6:

Tấn kỳ dốc, duy dụng phạt ấp, lệ cát, vô cữu, trinh lận. Ý HÀO: Vô đức, ngồi cao mà không miễn được sự trừng phạt ấp mình.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Cương ở ngôi cực, cùng thê rồi, không hiển lên được hoặc làm quận trưởng (huyện – tể) quân quan, có tượng là ấp thôn, dù gian nan nhưng không hại lớn.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Có tài không đức, ruột thịt không thân, hay đấu tranh, hoặc làm lính.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Ăn lộc ấp làng. _Giới sĩ: Tiến thủ, nhưng dương chưa rõ. _Người thường: Tu tạo nhà cửa. Số xấu có hình phạt, tang tụng.

(Dẫn theo trang huyenhocvadoisong.com)

Trusted by some of the biggest brands

spaces-logo-white
next-logo-white
hemisferio-logo-white
digitalbox-logo-white
cglobal-logo-white
abstract-logo-white
white-logo-glyph

We’re Waiting To Help You

Get in touch with us today and let’s start transforming your business from the ground up.