Chương 19: Chiêm Về Thời Tiết
I.- CHIÊM VỀ THỜI TIẾT
Phàm chiêm về thời tiết chẳng cần phân Thể Dụng, chỉ xem toàn quái lấy ngũ hành hợp lại mà suy như: nhiều Ly thì trời tạnh; nhiều Khảm thì trời mưa; nhiều Khôn thì trời âm u. Càn chủ tạnh ráo; nhiều Chấn ở vào mùa Xuân, Hạ thì có tiếng vang; nhiều Tốn thì gió dữ; nhiều Cấn thì mưa lâu rồi sẽ tạnh; nhiều Đoài trời chẳng âm u cũng thì có mưa.
Mùa Hạ mà chiêm được nhiều quẻ Ly mà không có Khảm thì trời nắng hạn chang chang; mùa Đông mà thấy nhiều Khảm mà không có Ly thì trời vần vũ tuyết ủ ê.
Xem toàn quái nên gồm cả Hổ quái, Biến quái, còn ngũ hành là: Ly thuộc Hỏa chủ trời tạnh; Khảm thuộc Thủy chủ trời mưa; Khôn thuộc Thổ là khí đất chủ u ám; Càn là trời chủ tạnh ráo; Chấn là sấm; Tốn là gió.
Mùa thu và mùa Đông có nhiều Chấn tuy không phải thời tiết, nhưng cũng có sấm lạ thường; nếu có Tốn giúp thêm thì gió lớn làm chấn động kinh hồn. Cấn là khí của sơn vân, nên mưa lâu mà gặp Cấn thì trời tạnh. Cấn là thôi (dứt) lại có nghĩa là Thổ khắc Thủy vậy. Đoài tượng trưng cho cái hồ, cái đầm, nên nếu không mưa thì trời cũng u ám.
Ôi! Biệt luật của Tạo hóa rất khó giải; Lý số cũng phải dựa vào cái lý cho thật kỳ diệu; Càn tượng trưng cho Trời,
bốn mùa tạnh ráo; Khôn tượng trưng cho đất, là một khí tiết bi đát. Càn Khôn lưỡng đồng, tạnh mưa biến đổi; Khôn Cấn gồm đôi, nhâm tối bất thường.
Quái số có âm có dương, Tượng số(1) có chẳn có lẽ. Âm thời mưa, Dương thời tạnh, chẳn lẽ chồng chất bí ẩn (kín ngầm) huyền vi. Khôn là ngôi lão mẫu, tạnh lâu ắt phải mưa, âm khí nặng nề, mưa lâu ắt phải tạnh. Nếu gặp Trùng Khảm (hai quẻ Khảm), Trung Ly (hai quẻ Ly) khi mưa khi tạnh.
Khảm là Thủy thì phải mưa; Ly là Hỏa thì phải tạnh. Càn Đoài là Kim, về mùa Thu thì tạnh ráo; mùa Đông tuyết sa lạnh buốt; Khôn cấn thuộc Thổ, về mùa Xuân thì mưa thấm nhuần, mùa Hạ lại nắng gắt.
Dịch viết:
Vân tòng long, Phong tòng Hổ và,
Cấn vi vân, Tốn vi Phong.
Cấn Tốn trùng phùng thì gió mây giao hiệp, cát bay đá dậy khuất che mặt trời, tối tăm rừng núi, bất chấp thời tiết cả hai chẳng nài.
Khảm trên Cấn dưới (quẻ Khảm nằm trên quẻ Cấn) bủa giăng mây mù; nếu Khảm nằm trên Đoài, sương động thành tuyết; Càn Đoài là tuyết sa, mưa đá; Ly là Hỏa biểu hiệu chớp, cầu vồng; Ly là điện, Tốn là Lôi cả hai giao hợp thì sấm chớp vang rền.
Khảm là vũ, Tốn là phong bỗng nhiên tương ngộ, thì gió mưa nổi trận lôi đình; Quẻ Chần mà trùng phùng thì sấm vang ngàn dậm; hai Khảm chồng nhau thì mưa nhuận thấm muôn trùng.
Ấy là cái nguyên nhân của quái thể trùng phùng, nay lại suy tường Hậu tượng mà quyết đoán.
Thiên Địa Thái, Thủy Thiên Nhu là tượng mưa dây dưa, hôn ám.
Thiên Địa Bỉ, Thủy Địa Tỷ là hình dáng tối tăm mịt mù. Nếu Thuần Ly (hai quẻ Ly), về mùa Hạ thì hạn hán; tứ quý đến tạnh ráo.
Thuần Khảm (hai quẻ Khảm), về mùa Đông thì rét lạnh, mưa dầm dề, khó bề tạnh ráo; gặp Cấn thì mưa dứt ngay, nắng luôn luôn trương nhựt, cơ ấy là như vậy.
Lại như Thủy Hỏa Ký Tế, Thủy Hỏa Vị tế, thì phong vân biến cố bất thần; Phong Trạch Trung Phu, Trạch Phong Đại quá, ba tháng mùa Đông mưa sa tuyết rụng; Thủy Sơn Kiển, Sơn Thủy Mông, đi đâu phải lo sấm lấy dù; Địa phong Thăng, Phong Địa Quan, không nên đi thuyền đề phòng tai biến.
Ly nằm trên Cấn: sáng mưa chiều tạnh; Ly Hổ thành Cấn: sáng tạnh chiều mưa. Tốn Khảm Hổ Ly tất thấy ráng, cầu vồng; Tốn Ly Hổ Khảm cũng chung một cuộc.
Cần nên dò xét kỹ càng, không chấp nê một lý. Chấn Ly có chớp, sấm, ứng vào mùa Hạ. Càn Đoài có sương tuyết, thiết nghiệm với mùa Đông.
Tạo Hóa chi lý, rộng vậy thay, Số Lý chi diệu, rất sâu, rất kín, hiểu thấu đạo thánh hiền xưa truyền để lại, ta đáng cung, đáng kính mà thọ báu truyền.
Ghi chú:
(1) Tượng số là hình vẽ Bát quái, có hào 2 vạch là chẳn, có hào 1 vạch là lẽ.
(Dẫn theo trang huyenhocvadoisong.com)