Chương 15: Quẻ THIÊN ĐỊA BĨ
64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Kinh Dịch – Đạo Của Người Quân Tử” của học giả Nguyễn Hiến Lê.
64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Dịch Kinh Đại Toàn” của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê.
64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Bát Tự Hà Lạc – Lược Khảo” của Học Năng.
“Kinh Dịch – Đạo Của Người Quân Tử” của học giả Nguyễn Hiến Lê.
:::||| Thiên Địa Bĩ (否 pǐ)
Quẻ Thiên Địa Bĩ, đồ hình :::||| còn gọi là quẻ Bĩ (否 pi3), là quẻ số 12 trong Kinh Dịch.
* Nội quái là ☷ (::: 坤 kun1) Khôn hay Đất (地).
* Ngoại quái là ☰ (||| 乾 qian2) Càn hay Trời (天).
Giải nghĩa: Tắc dã. Gián cách. Bế tắc, không thông, không tương cảm nhau, xui xẻo, dèm pha, chê bai lẫn nhau, mạnh ai nấy theo ý riêng. Thượng hạ tiếm loạn chi tượng: trên dưới lôi thôi.
Trong vũ trụ không có gì là thông hoài được, hết thông thì tới bế tắc, cùng, cho nên sau quẻ Thái tới quẻ Bĩ.
Thoán tử.
否之匪人, 不利君子貞, 大往小來.
Bĩ chi phỉ nhân, bất lợi quân tử trinh, đại vãng tiểu lai.
Dịch: Bĩ không phải đạo người (phi nhân nghĩa như phi nhân đạo), vì nó không lợi cho đạo chính của quân tử (Tượng của nó là) cái lớn (dương ) đi mà cái nhỏ (âm) lại.
Giảng: Bĩ trái với Thái. Thái thì dương ở dưới thăng lên, giao với âm ở trên giáng xuống; bĩ thì dương ở trên đi lên, âm ở dưới đi xuống không giao nhau. Âm dương không giao nhau thì bế tắc, ở đạo người như vậy mà ở vạn vật cũng như vậy. Thời đó không lợi với đạo chính của quân tử, vì dương đi nghĩa là đạo của người quân tử tiêu lần, mà âm lại nghĩa là đạo của tiểu nhân lớn lên.
Đại tượng truyện – Khuyên: gặp thời bĩ thì người quân tử nên thu cái đức của mình lại (đừng hành động gì cả, riêng giữ các đức của mình) để tránh tai nạn, đừng màng chút lợi danh nào cả. (Quân tử dĩ kiệm đức tị nạn, bất khả vinh dĩ lộc). Nghĩa là nên ở ẩn.
Gặp thời Truân, thời khó khăn, gian truân, người quân tử nên tập hợp nhau lại mà hành động; còn thời đã bĩ, đã bế tắc cùng cực rồi thì hành động chỉ vô ích, cốt giữ cái đức và cái thân mình thôi.
Hào từ.
1. 初六: 拔茅茹, 以其彙, 貞吉亨.
Sơ lục: Bạt mao nhự, dĩ kỳ vị, trinh cát hanh.
Dịch: Hào 1 âm: Nhổ rễ cỏ mao mà được cả đám, hễ chính thì tốt mà hanh thông.
Giảng: Hào này rất giống hào 1 quẻ Thái: cũng “bạt mao dĩ kỳ vị” vì quẻ Thái hào 1 cặp với hai hào trên, quẻ này cũng vậy, cũng có đồng chí, làm việc dễ có kết quả; chỉ khác quẻ thái hào 1 là dương, quân tử, quẻ này hào 1 là âm, tiểu nhân; cho nên quẻ Thái khuyên cứ tiến lên (chính) sẽ tốt; còn quẻ này thì khuyên phải “trinh” chính đáng (trinh – khác nhau ở hai chữ chính [正] và trinh [貞] thì sẽ tốt và hanh thông.
Hào 1 quẻ Bĩ là tiểu nhân nhưng mới bước đầu, cái ác chưa hiện rõ, lại ứng hợp với hào 4 ở trên là quân tử, cho nên còn có hy vọng cải hóa được. Ðại tượng truyện bảo: nếu để tâm giúp nước (chí tại quân – quân là vua, là quốc gia) như hào 4 thì sẽ tốt. Như vậy là có ý khuyên tiểu nhân nên đứng vào phe quân tử .
2. 六二: 包承, 小人吉;大人否, 亨.
Lục nhị: Bào thừa, tiểu nhân cát; đại nhân bĩ, hanh.
Dịch: Hào 2, âm: Tiểu nhân chịu đựng và vâng thuận người quân tử thì tốt: đại nhân (có đức lớn) nên giữ tư cách trong cảnh bế tắc (khốn cùng) thì hanh thông.
Giảng: Hào này tuy là tiểu nhân, nhưng đắc trung đắc chính, chung quanh là tiểu nhân cả, mà ứng hợp với hào 5 quân tử ở trên, cho nên hào từ khuyên nó nên vâng thuận quân tử thì tốt. Còn kẻ đại nhân được bọn tiểu nhân vâng thuận – vì chúng muốn mua danh – thì cũng đừng theo chúng, cứ giữ khí tiết của mình trong thời khốn cùng, như vậy sẽ hanh thông.
3. 六三: 包羞.
Lục tam: Bao tu .
Dịch: Hào 3, âm: Chứa chất sự gian tà, xấu hổ.
Giảng: Hào này, không trung, không chính, là kẻ đứng đầu bọn tiểu nhân (vì ở trên cùng nội quái khôn), cho nên rất xấu, đáng ghét.
4. 九四:有命, 无咎.疇離祉.
Cửu tứ: Hữu mệnh, vô cữu. Trù li chỉ.
Dịch: Hào 4 dương : có mệnh trời (tức như thời vận đã tới) thì không lỗi mà bạn của mình cũng nhờ cậy mình mà được hưởng phúc.
Giảng: Hào này ở quá nửa quẻ Bĩ, có mòi sắp hết bĩ rồi, cho nên nói là thời vận đã tới; nó là dương ở trong ngọai quái Càn, chính là người quân tử thực hiện được chí của mình. Bạn của nó, tức hai hào 5, 6 cùng là dương cả – cũng sẽ được hưởng phúc.
5. 九五: 休否, 大 人吉.其亡, 其亡, 繫于苞桑.
Cửu ngũ: Hưu bĩ, đại nhân cát.
Kỳ vong, kỳ vong, hệ vu bao tang.
Dịch: Hào 5, dương : làm cho hết bĩ, đó là đạo tốt của bậc đại nhân (tuy nhiên, phải biết lo). Có thể mất đấy, (đừng quên điều đó thì mới vững như buộc vào một cụm dâu (dây dâu nhiều rễ, ăn sâu dưới đất, rất khó nhổ).
Giảng: Hào này có đức dương cương trung chính, lại ở vào ngôi chí tôn, trong thời Bĩ sắp hết, cho nên lời đoán là tôt. Những vẫn phải thận trọng, đừng sai sót.
Theo Hệ từ hạ chương V thì Khổng tử đọc tới hào này, bàn thêm rằng: “Người quân tử khi yên ổn thì không nên quên rằng sẽ có thể nguy; khi vững thì không quên rằng có thể mất, khi trị thì không quên rằng sẽ có thể loạn. Nhờ vậy mà thân an nước nhà giữ vững được.”
6. 上九: 傾否, 先否, 後喜.
Thượng cửu: Khuynh bĩ, tiên bĩ, hậu hĩ.
Dịch: Hào trên cùng, dương: đánh đổ được cái bĩ, trước còn bĩ, sau thì mừng.
Giảng: Đây là thời cuối cùng của Bĩ mà bĩ cực thì thái lai; người quân tử có tài sẽ dắt cả bạn bè (trỏ hào 4 và 5) mà đánh đổ dược bĩ. Nhưng mới đầu còn phải lo lắng (tiên bĩ) sau mới mừng là bước lên được cảnh Thái rồi.
Chúng ta để ý: Quẻ Thái, mới đến hào 3, còn thịnh cực mà Dịch đã khuyên phải giữ được chính đáng trong cảnh gian nan (gian trinh); còn quẻ Bĩ, khi mới tới hào 4, mới có mòi sắp hết bĩ mà Dịch đã khuyên là thời đã tới, người quân tử nên thực hiện chí của mình đi. Nghĩa là luôn luôn phải sẵn sàng để nắm ngay lấy cơ hội.
“Dịch Kinh Đại Toàn” của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê.
12. 天 地 否 THIÊN ĐỊA BĨ
Bĩ Tự Quái | 否 序 卦 |
Thái giả thông dã. | 泰 者 通 也 |
Vật bất khả dĩ chung thông. | 物 不 可 以 終 通 |
Cố thụ chi dĩ Bĩ. | 故 受 之 以 否 |
Bĩ Tự Quái
Thái là thông suốt, thông lầu,
Muôn loài hồ dễ gót đầu hanh thông.
Cho nên Bĩ khởi lao lung…
Bĩ là Âm Dương cách trở, trời đất cách trùng, cho nên vạn vật lâm cảnh bế tắc.
Bĩ là thời kỳ tiểu nhân lũng loạn chính quyền, mặc tình làm mưa, làm gió; còn người quân tử thì lại bất đắc dụng, bất phùng thời. Cái gì xui nên sự bế tắc, sự chia ly ấy? Chính là sự thái thịnh. Tại sao? Vì khi thịnh, con người dân dần bớt cố gắng, bớt đề phòng, bớt giữ ý, và bắt đầu đi vào con đường xa hoa hưởng thụ.
Nói rằng: Bĩ tự Thái sinh, cũng y như Dostoievski đã viết: Căn nguyên của sự chiến tranh chính là cảnh thái bình (Max Scheller, L’Idée de la Paix et le Pacifisme, p. 71).
Quẻ Bĩ ứng vào thời kỳ mà con người lấy vật chất làm trọng tâm, lấy sự đấu tranh làm phương châm hàng động, lấy sự thỏa mãn thị hiếu, thị dục làm cứu cánh, lấy sự thành công bên ngoài làm tiêu chuẩn mà đánh giá con người. Thời ấy tất cả cái đẹp đẽ đều phô ra ngoài, con người trở nên phù phiếm, phiến diện. Đạo đức, nhân nghĩa cũng hời hợt nơi đầu môi, cửa miệng, và được lồng vào những lễ nghi bên ngoài, được giăng mắc nơi đâu đường, xó chợ, dưói hình thức bích chương và biểu ngữ… nhưng trên thực tế, đạo đức, nhân nghĩa đã rời khỏi lòng con người.
Người quân tử khi thái bình, thì phải biết đề phòng họa hoạn; lúc gặp cơn đen, vận túng, thời phải biết ẩn dật, chờ thời, cố giữ lấy lề xưa, cách cũ, cố tài bồi cho văn hóa khỏi suy vong, chờ cho đến khi thời cơ xoay chuyển đem đại vận, đem hanh thông trở lại.
Thái, Bĩ là hai quẻ tương phản nhau. Nhân tâm tốt hay xấu, thiên vận sẽ xoay theo. Tích thiện thời cho gặp may, tích ác thời cho gặp dở. Nếu muốn biết thời vận Bĩ, Thái ra sao, thì chỉ xem lòng người tốt hay xấu là rõ. Ta thấy, trong Thái có Bĩ, trong Bĩ có Thái, đó là lẻ Ỷ Phục của Trời đất.
I. Thoán.
Thoán Từ.
否 . 否 之 匪 人 . 不 利 君 子 貞 . 大 往 小 來 .
Bĩ: Bỉ chi phỉ nhân. Bất lợi quân tử trinh. Đại vãng tiểu lai.
Dịch.
Thoán Từ.
Bĩ là lúc con người chia rẽ,
quân tử trinh bền, sẽ chẳng may.
Lớn đi, nhỏ lại từ đây…
Thoán Truyện.
Thoán viết.
否 之 匪 人 . 不 利 君 子 貞 . 大 往 小 來 . 則 是 天 地 不 交 . 而 萬 物 不 通 也 . 上 下 不 交 . 而 天 下 無 邦 也 . 內 陰 而 外 陽 . 內 柔 而 外 剛 . 內 小 人 而 外 君 子 . 小 人 道 長 . 君 子 道 消 也 .
Bĩ chi phỉ nhân. Bất lợi quân tử trinh. Đại vãng tiểu lai. Tắc thiên địa bất giao nhi vạn vật bất thông dã. Thượng hạ bất giao nhi thiên hạ vô bang dã. Nội Âm nhi ngoại Dương. Nội nhu nhi ngoại cương. Nội tiểu nhân nhi ngoại quân tử. Tiểu nhân đạo trưởng. Quân tử đạo tiêu dã.
Dịch.
Thoán rằng: Bĩ, vì người chia rẽ,
Quân tử trinh bền, sẽ chẳng may,
Lớn đi, nhỏ lại từ đây,
Là vì Trời đất, đôi nơi quải gàng.
Quần sinh bế tắc trăm đàng,
Dưới trên ly cách, suy tàn quốc gia.
Âm trong, Dương bị đẩy xa.
Trong mềm, ngoài cứng, phô ra mẽ ngoài.
Tiểu nhân lên mặt thầy đời,
Lòng thời ti tiện, mặt thời cao sang.
Tiểu nhân thi triển lối đường,
Còn người quân tử, mối giường ai hay.
Thoán Từ & Thoán Truyện cho rằng Bĩ là thời kỳ đảo điên, chia rẽ, thời kỳ mà nhân nghĩa, đạo lý của người quân tử trở nên lỗi thời, lạc hậu, thời kỳ mà tiểu nhân làm chủ chốt, quân tử đứng chầu rìa; thời kỳ mà tiểu nhân lên hương, quân tử xuống dốc; thời kỳ mà giang sơn, gấm vóc mất ý nghĩa cao đẹp của nó, trở thành những chiêu bài cho tiểu nhân mưu cầu danh lợi. Dịch nói: Thiên hạ vô bang, cũng như Á Nam Trần Tuấn Khải than:
Giang san này vẫn giang san,
Mà nay sẻ nghé, tan đành vì ai?
Tóm lại, Bĩ là thời kỳ mà con người không còn thực thi nhân đạo nữa (Bĩ phi nhân).
II. Đại Tượng Truyện.
象 曰 . 天 地 不 交 . 否 . 君 子 以 儉 德 辟 難 . 不 可 榮 以 祿 .
Tượng viết: Thiên địa bất giao. Bĩ. Quân tử dĩ kiệm đức tị nạn.
Bất khả vinh dĩ lộc.
Dịch.
Tượng rằng: Trời đất quải gàng,
Mỗi bên, mỗi ngã, đôi đàng chẳng giao.
Hiền nhân đức cả, tài cao,
Liệu bề che dấu, cốt sao thoát nàn.
Đừng mong lợi lộc, vinh quang.
Tiểu nhân đắc thế, ẩn tàng là hơn.
Gặp thời kỳ đảo điên, lòng người đổi trắng, thay đen như vậy, người quân tử hãy nên quy ẩn, đừng để cho bả lợi danh làm hoen ố lý tưởng và đạo nghĩa của mình.
III. Hào Từ & Tiểu Tượng Truyện.
1. Hào Sơ lục.
初 六 . 拔 茅 茹 . 以 其 彙 . 貞 吉 亨 .
象 曰 . 拔 茅 貞 吉 . 志 在 君 也 .
Sơ lục. Bạt mao như. Dĩ kỳ vị. Trinh cát hanh.
Tượng viết.
Bạt mao trinh cát. Chí tại quân dã.
Dịch.
Hào Sơ lục, cỏ gianh khi nhổ,
Nhổ một cây, cụm bủa lên theo.
Chính mình sẽ được may nhiều.
Tượng rằng: Cỏ gianh nhổ được tốt lành,
Là vì tâm trí vẫn dành thờ vua.
Theo đà tư tưởng ấy, Trình tử khi bình giải Hào Sơ đã cho rằng khi đã cần phải rút lui, người quân tử phải rút lui toàn bộ, với tất cả mọi đồng chí mình, như vậy mới hay.
Chu Hi thì giải ngược lại, mà cho rằng: Kẻ tiểu nhân mới ra cầm quyền, cũng chưa có dịp làm gì ác lộ liễu, nên Thánh nhân mới khuyên họ hãy theo chính đạo mà trị dân, trị nước, nếu được như thế sẽ hay, vì như vậy tiểu nhân sẽ trở nên quân tử, mà giang san, đất nước sẽ có phần nhờ.
2. Hào Lục nhị.
六 二 . 包 承 . 小 人 吉 . 大 人 否 亨 .
象 曰 . 大 人 否 亨 . 不 亂 群 也 .
Lục nhị. Bao thừa. Tiểu nhân cát. Đại nhân bĩ hanh.
Tượng viết:
Đại nhân bĩ hanh. Bất loạn quần dã.
Dịch.
Hào hai: bao bọc, nghe theo,
Tiểu nhân như vậy, có chiều hay ho.
Khi người quân tử sa cơ,
Cố cùng, nhưng vẫn chẳng lo khốn cùng.
Rồi ra sẽ được hanh thông.
Tượng rằng:
Đại nhân khi bĩ, vẫn hanh,
Không hề cẩu thả, liên minh cùng người.
Hào hai cho rằng tiểu nhân cầm quyền, nếu còn biết nể nang, nghe theo, đỡ đầu người quân tử thời cũng hay, cũng tốt. Tuy nhiên, người quân tử không nên làm gì để đến nỗi tổn thương đến thanh danh, giá trị, lý tưởng của mình, và cũng không thể như phượng hoàng thất thế phải theo đàn gà được.
3. Hào Lục tam.
六 三 . 包 羞 .
象 曰 . 包 羞 . 位 不 當 也 .
Lục tam. Bao tu.
Tượng viết.
Bao tu. Vị bất đáng dã.
Dịch.
Lục tam: mang lấy nhuốc nhơ.
Tượng rằng: mang lấy nhuốc nhơ,
Là vì ngôi vị đang là dở dang.
Hào ba cho rằng tiểu nhân cầm quyền, tuy bên ngoài thì cao kiêu, ngất ngưỡng như vậy, nhưng thực ra họ vẫn tự thẹn với lòng, vì biết mình không xứng đáng với chức vị.
4. Hào Cửu tứ.
九 四 . 有 命 無 咎 . 疇離 祉 .
象 曰 . 有 命 無 咎 . 志 行 也 .
Cửu tứ. Hữu mệnh. Vô cữu. Trù ly chỉ.
Tượng viết:
Hữu mệnh. Vô cữu. Chí hành dã.
Dịch.
Mệnh Trời đã có trong thân,
Nên không vấp vướng, lỗi lầm, đơn sai.
Đến Hào bốn, ta thấy cơ Trời đã bắt đầu xoay chuyển. Người anh hùng trị Bĩ đã bắt đầu lộ diện. Đó là bậc cương minh chi tài, có sứ mệnh phục hưng lại thời cuộc, và có đông bè bạn vui lòng phụ bật, để làm nên đại cuộc.
5. Hào Cửu ngũ.
九 五 . 休 否,大 人 吉 . 其 亡 其 亡 . 繫 于 苞 桑 .
象 曰 . 大 人 之 吉 . 位 正 當 也 .
Cửu ngũ. Hưu bĩ. Đại nhân cát. Kỳ vong kỳ vong. Hệ vu bao tang.
Tượng viết:
Đại nhân chi cát. Vị chính đáng dã.
Dịch.
Cơn đen, vận bĩ đã lui,
Đại nhân đã gặp được hồi hay ho.
rằng nguy, rằng hỏng mới là,
Khóm dâu vững chãi, thiết tha buộc ràng.
Tượng rằng:
Đại nhân được tốt, được lành.
Là vì địa vị phân minh, đàng hoàng.
Đối với người hùng có tài kinh bang, tế thế, có tài đem lại an bình, khang thái và đạo đức lại cho nhân quần đó, Dịch kinh khuyến cáo hãy biết lo lường, biết thận trọng, thì mới tạo nên được những thành quả vững bền.
Hệ Từ quảng luận hào này như sau:
Nguy thay, kẻ tưởng vững ngôi,
Táng vong, kẽ ngỡ thảnh thơi, trường tồn.
Loạn là, kẻ tưởng trị an,
(Tưởng an, khinh thị, ly loàn mới sinh)
Cho nên quân tử giữ mình,
Đương yên, mà vẫn nhớ dành cơn nguy.
Đương còn, vẫn sợ mất đi,
Nước yên, mà vẫn phòng khi ly loàn.
Biết lo, thân mới được an,
Biết lo, nên mới bảo toàn quốc gia.
Dịch rằng:
Rằng nguy, rằng hỏng mới là,
Khóm dâu vững chãi, thiết tha buộc ràng.
6. Hào Thượng Cửu.
上 九 . 傾 否 . 先 否 後 喜 .
象 曰 . 否 終 則 傾 . 何 可 長 也 .
Thượng cửu. Khuynh bĩ. Tiên bĩ hậu hỉ.
Tượng viết:
Bĩ chung tắc khuynh. Hà khả trường dã.
Dịch.
Cơn đen, vận bĩ hết rồi.
Trước thời bế tắc, sau vui mới là.
Tượng rằng: Bĩ cực, Thái lai,
Có gì trường cửu ở đời này đâu?
Thánh nhân kết thúc quẻ Bĩ bằng một niềm vui, bằng chữ Hỉ, và cho rằng cơn đen, vận bĩ cũng có lúc phải cùng. Đó là một bài học dạy cách xử thế hết sức là thâm thúy, nó là phản ánh đường lối chung của Dịch Kinh., mà ta có thể tóm tắt như sau: Lúc thái thịnh, thì chớ nên kiêu sa, buông thả, lúc nguy bĩ thì chớ nên thất vọng, chớ nên nạn lòng. Thế mới là:
Khi hay phải biết lo toan,
Khi cùng phải biết thi gan với đời.
ÁP DỤNG QUẺ BĨ VÀO THỜI ĐẠI
Bĩ vào thời kỳ tiểu nhân lên cầm quyền. Tiểu nhân cầm quyền thì chỉ có lớp người thống trị là sung sướng, còn dân con sẽ điêu linh. Đi vào lòng con người lúc ấy, ta chỉ thấy dâm bôn, uế tạp, thấy ác độc, đố kỵ. Lòng con người trở nên đêm trường tăm tối, vì đã vắngười bóng mặt trời nhân nghĩa, lòng con người đã trở nên sa mạc khô khan, vì đã làm khô cạn hết nước suối thương yêu.
Lúc ấy, xã hội cũng như cá nhân ưa lấy thiên lý, thiên đạo làm phấn sáp tô điểm cho vẻ bên ngoài thêm lộng lẫy, mà bên trong là cả một bãi tha ma nhân dục, là cả một hang ổ trộm cướp.
Cái xã hội, cái cảnh đời mà quẻ Bĩ muốn nói ra ấy, đã được tác giả (Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ) tả ra bằng những vần thơ sau đây:
Đời là chi, đời là một hý trường,
Lấy áo mão, đem thay chân giá trị.
Mới thoạt nhìn, tưởng ngọc ngà thanh quý,
Để tâm dò mới thấy rặt bùn đen,
Vỏ nhân nghĩa, mà ruột chặt kim tiền,
Mặt đạo đức , nhưng lòng đầy gươm giáo.
Đời là chi, mà sao đầy giả tạo,
Bán tài tình, bán cả đến phấn son,
Bán khoé mắt, bán cả trái tim non,
Đem cao thượng mà tô lòng đen bạc.
Chén rượu đời, pha phách bao chua chát,
Tấm kịch đời, chan chứa cảnh đoạn trường,
Phiên chợ đời, tan, hợp, mấy tang thương,
Đường lối đời, rắc reo đầy cạm bẫy,
Đời nói đẹp, nhưng đời chuyên làm bậy,
Hứa trăm voi, không được bát sáo suông.
Mặt thần thánh, mà lòng dạ chim muông,
Khéo luồn cúi, huênh hoang, thôi cũng khéo.
Lý tưởng ngầm là khéo vơ, khéo đẽo,
Đem văn minh, khoác lốt sống kiêu sa,
Lòng con người nhem nhọ bụi phù hoa,
Thích phù phiếm, thích lợi danh và tàn bạo.
Ôi giả tạo, biết bao là giả tạo,
Sau bức tranh, thế sự đẫm vàng son.
“Bát Tự Hà Lạc – Lược Khảo” của Học Năng.
12.Thiên địa bĩ
Ðại cương:
Tên quẻ: Bĩ là tắc (Bế tắc, mắc kẹt).
Thuộc tháng 7
Lời tượng
Thiên địa bất giao: Bĩ: Quân tử dĩ kiệm đức tỵ nạn, bất khả vinh dĩ lộc.
Lược nghĩa
Trời đất chẳng giao thông là quẻ Bĩ (Bế tắc). Người quân tử lấy đấy mà dè dặt cái đức của mình để tránh nạn, chẳng nên lấy lộc làm vinh.
Hà Lạc giải đoán
Được quẻ, 3 hào trên là đạo quân tử thì tốt, 3 hào dưới là đạo tiểu nhân thì xấu.
Những tuổi Nạp Giáp:
Ất hoặc Quý: Mùi, Tỵ, Mão.
Nhâm hoặc Giáp: Ngọ, Thân, Tuất
Lại sanh tháng 7 là công danh phú quý.
THƠ RẰNG:
Có lộc mà cũng không màng lộc.
Vị tuy cao chẳng lấy làm cao,
Chí người quân tử bền sao,
Tiến lên đĩnh đạc anh hào thanh danh.
Hào 1:
Bạt Mao nhự, dĩ kỳ vị, trinh cát, hanh. Ý hào: Trở lại với điều chính thì tốt.
MỆNH – HỢP – CÁCH: Người có danh dự, dời tổ đi lập nghiệp bên ngoài, bỏ gần theo xa, chí để vào việc công, đừng tư kỷ thì hưởng phúc.
MỆNH – KHÔNG – HỢP: Liệu tời hãy tiến, tri cơ nên lui, thời gian nan. Khó hành chí, giữ lấy thân gia cho khỏi tai nguy.
XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: chờ bổ nhiệm, đương tại chức bị dèm pha. _Giới sĩ: khò gặp cơ hội. _Người thường: nên thủ cựu, phòng có việc liên quan lôi thôi.
Hào 2:
Bao thừa, tiểu nhân cát, đại nhân bĩ hanh. Ý hào: Phận nhỏ nhưng không làm hại điều thiện thì vẫn tốt lành.
MỆNH – HỢP – CÁCH: Trung chính, khoan dung, ở yên đợi phúc trạch. Sau có thể đổi bĩ thành thái, hưởng phúc trạch.
MỆNH – KHÔNG – HỢP: Toe thói thường, danh không chính, lợi không bền, thủ Phận thì đỡ tai họa.
XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: có cơ hội thì làm. _Giới sĩ: nên đợi thời. _Người thường: đành nuốt nhục để giữ thân gia, nếu không thì khó tránh thị phi, tai họa.
Hào 3:
Bao tu. Ý hào: Tiểu nhân muốn làm ác mà chưa làm được.
MỆNH – HỢP – CÁCH: Dù được quí nhân đùm bọc, hoặc có chức Phận nhỏ nhưng cũng chỉ có tiếng không miếng. Chỉ có tăng ni là tốt.
MỆNH – KHÔNG – HỢP: Không giữ được nề nếp lúc cùng.
XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: xin về hưu. _Giới sĩ: phòng bị tai tiếng. _Người thường: bị điều tiếng thưa kiện.
Hào 4:
Hữu mệnh vô cữu, trù ly chỉ. Ý hào: Có cơ hội ngộ.
MỆNH – HỢP – CÁCH: Có công danh phúc thọ, được đãi như quốc khách để thực hiện chí hướng.
MỆNH – KHÔNG – HỢP: Cũng được hưởng phúc, ruộng vườn, hay hoạt động, ít tĩnh.
XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: có đồng liêu giúp, lộc vị tiến. _Giới sĩ: được tiến cử, danh dự lên. _Người thường: ruộng vườn lợi tức tăng tiến, nhiều dịp vui mừng, con cháu đề huề.
Hào 5:
Hữu bĩ, đại nhân cát, kỳ vong, hệ vu bao tang. Ý hào: Làm sáng tỏ con người của hào bình, để biết cái thuật giữ nghiệp lớn.
MỆNH – HỢP – CÁCH: Có đức lớn, công bằng, cẩn thận, không bỏ cơ hội, phú quí bền được.
MỆNH – KHÔNG – HỢP: Có tài đức, không gặp thời, bình sinh an vui, chẳng vinh, chẳng nhục.
XEM -TUẾ – VẬN: _Quan chức: ngôi chính vị. _Người thường: họa đi phúc sắp lại. Kẻ thù lùi dần. Ruộng vườn thâu hoạch. Lo hóa mừng, mất thành được. Số xấu tổn vong hình khắc.
Hào 6:
Khuynh bĩ, tiên bĩ, hậu hỷ. Ý hào: Bĩ đỗ, hưởng phúc.
MỆNH – HỢP – CÁCH: Chí lớn cương quyết, sắp đặt hơn người, trước gian truân sau nhàn lạc.
MỆNH – KHÔNG – HỢP: Danh lợi khó thành, cốt nhục hình thương, tăng ni tốt.
XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: mất chức thì được phục hồi. Chờ việc thì được bổ. _Giới sĩ: bị đình trệ thì phục hoạt, khốn lâu ngày được cởi mở. Kiện tụng lâu được giải. Số xấu có biến cố, kém thọ.
(Dẫn theo trang huyenhocvadoisong.com)