[ad_1]

Nói như thế, cái học về Tượng Số thời ấy bắt nguồn từ Trần Đoàn. Theo Tống Sử, Trần Đoàn là một Thần Tiên sống, rất nổi tiếng đầu đời Tống.Học giả đời Thanh là Mao Kỳ Linh 毛 奇 齡 (1623-1716) đã viết trong quyển Thái Cực Đồ Thuyết Di Nghĩa 太 極 圖 說 遺 義 của ông rằng: Các hình đồ vốn có trong Tham Đồng Khế 參 同 契 đã bị đa số học giả bỏ đi sau khi Chu Hi (1130-1200) chú giải nó. Bản Tham Đồng Khế của Bành Hiểu 彭 曉 chú giải có hai hình đồ: Thuỷ Hoả Khuông Khoách Đồ 水 火 匡 廓 圖 và Tam Ngũ Chí Tinh Đồ 三 五 至 精 圖 .Hình tròn thứ hai trong Thái Cực Đồ của Chu Liêm Khê chính là Thuỷ Hoả Khuông Khoách Đồ của Tham Đồng Khế. Hình thứ ba (có ngũ hành) trong Thái Cực Đồ của Chu Liêm Khê chính là Tam Ngũ Chí Tinh Đồ của Tham Đồng Khế.

Hai học giả Hoàng Tông Viêm 黃 宗 炎 (1616-1686) và Chu Di Tôn 朱 彝 尊 (1629-1709) đều cho rằng Thái Cực Đồ của Chu Liêm Khê vốn gọi là Vô Cực Đồ. Hai ông cho rằng Trần Đoàn cư ngụ ở Hoa Sơn, khắc Vô Cực Đồ lên vách đá. Hình đồ ấy bố trí từ dưới lên trên như sau:

(1) Hình tròn rỗng dưới chót gọi là «Huyền tẫn chi môn» 玄 牝 之 門 ;

(2) Hình tròn rỗng kế tiếp gọi là «Luyện tinh hoá khí, luyện khí hoá thần» 鍊 精 化 氣 鍊 氣 化 神 ;

(3) Hình chính giữa có ngũ hành liên lạc với nhau (bên trái là mộc và hoả, bên phải là thuỷ và kim, chính giữa là thổ) gọi là «Ngũ khí triều nguyên» 五 氣 朝 元 ;

(4) Hình tròn có phân đen trắng (tức Thuỷ Hoả Khuông Khoách Đồ) gọi là «thủ Khảm điền Ly» 取 坎 填 離 ;

(5) Hình tròn rỗng trên cùng gọi là «Luyện thần phản hư, phục quy Vô Cực» 鍊 神 返 虛 復 歸 無 極 .

Hoàng Tông Viêm nói: «Khi Chu Liêm Khê có được hình đồ này, bèn đảo ngược thứ tự và đổi tên hình đồ [là Thái Cực Đồ], phụ đề Đại Dịch, xem là bí truyền của Nho gia. Bởi vì khẩu quyết của phương sĩ nghịch chuyển thì thành Đan, cho nên nó mô tả chuyển động từ dưới lên trên. Còn chủ ý của Chu Liêm Khê là thuận chuyển sinh con người, cho nên mô tả sự chuyển động từ trên xuống dưới.» Lời lẽ của Hoàng Tông Viêm và Chu Di Tôn chưa rõ thực hư thế nào, nhưng chắc chắn là Thái Cực Đồ của Chu Liêm Khê có quan hệ mật thiết với Đạo giáo.

Chu Liêm Khê vay mượn hình Thái Cực Đồ mà các đạo sĩ dùng để tu luyện rồi đưa vào đó giải thích mới và ý nghĩa mới. Sự giải thích này (tức Thái Cực Đồ Thuyết) là một trong các trứ tác có hệ thống của Đạo học gia đời Tống và đời Minh. Khi giảng về sự phát sinh ra vũ trụ, đa số Đạo học gia đời Tống và đời Minh đều dùng thuyết này để suy diễn. Sau đây tôi luận chung về Thái Cực Đồ Thuyết và Thông Thư của Chu Liêm Khê. Thông Thư 通 書 (còn gọi là Dịch Thông 易 通 ) cũng là một trứ tác của ông giảng về Dịch.

3. Thái Cực Đồ Thuyết và Thông Thư

Thái Cực Đồ Thuyết nói: «Thái Cực động thì sinh ra Dương; động tới cực điểm thì tĩnh; tĩnh thì sinh ra Âm. Tĩnh tới cực điểm thì trở lại động. Một động một tĩnh, làm căn bản cho nhau. Phân ra Âm và Dương, thì lưỡng nghi thành lập.» Một động một tĩnh của Thái Cực có thể cùng lúc mà có. Thông Thư viết: «Động mà không tĩnh, tĩnh mà không động, đó là vật. Động mà không động, tĩnh mà không tĩnh, đó là thần. Động mà không động, tĩnh mà không tĩnh, chẳng phải là không động và không tĩnh. Vật không thông nhau, thần là cái linh diệu nhất của vạn vật.»

Một sự vật đặc thù, khi động thì chỉ có động chứ không có tĩnh, khi tĩnh thì chỉ có tĩnh chứ không có động. Một sự vật đặc thù khi nhất định là thế này thì nó không thể là thế kia, khi nó nhất định là thế kia thì nó không thể là thế này. Do đó mới nói «vật không thông nhau». Thái Cực động mà không động, tức là trong cái động cũng có cái tĩnh; tĩnh mà không tĩnh, tức là trong cái tĩnh cũng có cái động. Cho nên trong phần Âm của nó có Dương, trong phần Dương của nó có Âm. Do đó mới nói «thần là cái linh diệu nhất của vạn vật».

Thái Cực Đồ Thuyết nói: «Dương biến Âm hợp, thì sinh ra: thuỷ (nước), hoả (lửa), mộc (gỗ), kim (kim loại), thổ (đất). Ngũ khí (năm khí của ngũ hành) thuận hoà phân bố tạo ra sự vận hành của tứ thời (bốn mùa). Ngũ hành hợp nhất là Âm Dương. Âm Dương hợp nhất là Thái Cực. Thái Cực có gốc là Vô Cực.» Ở đây giảng rõ Thái Cực sinh Âm Dương và ngũ hành, nhưng Thái Cực kỳ thực lại nằm trong Âm Dương và ngũ hành. Thông Thư nói: «Hai khí Âm Dương và ngũ hành hoá sinh vạn vật. Ngũ hành khác nhau, Âm Dương là thực. Cả hai vốn là Một. Vạn là Một; Một phân làm vạn. Vạn và Một đều đúng đắn; cái lớn và cái nhỏ đều được quyết định.»

Thái Cực Đồ Thuyết gọi ngũ hành là ngũ khí, gọi Âm Dương là nhị khí. Tức là Chu Liêm Khê xem Âm Dương và ngũ hành đều là Khí. Trong Thông Thư gọi Một là Lý, cũng tức là Thái Cực. Thái Cực là Lý, Âm Dương và ngũ hành là Khí. Hai khái niệm Lý 理 và Khí 氣 chiếm địa vị rất quan trọng trong Đạo học đời Tống và đời Minh. Hai khái niệm Lý và Khí do Chu Liêm Khê nêu ra đầu tiên, nhưng ý nghĩa của chúng phải đợi đến Chu Hi (1130-1200) mới được thuyết minh tường tận. Theo Thông Thư, vạn vật đều do Một phân ra. Do đó Thái Cực tức là ở trong vạn vật, nên Thông Thư mới nói «vạn là Một; Một phân làm vạn».

Thái Cực Đồ Thuyết nói hai khí Âm Dương giao cảm, hoá sinh vạn vật. Những sự vật đặc thù như thế đều có cái được quyết định cho nên chúng không thông với nhau. Cho nên Thông Thư nói: «Vạn và Một đều đúng đắn; cái lớn và cái nhỏ đều được quyết định.» Thái Cực Đồ Thuyết nói: «Chỉ riêng con người có được sự ưu tú, nên tối linh. Hình thể con người đã sinh ra rồi thì thần trí phát ra mà có ý thức. Ngũ tính (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) cảm động mà phân biệt thiện và ác, và vạn sự xuất hiện.» Ở đây xem con người linh hơn vạn vật, được phú bẩm Lý của Thái Cực và có đủ các tính của ngũ hành. Lý của Thái Cực thì thuần tuý chí thiện Cho nên bản tính con người vốn là thiện. Tính bản nhiên của nhân tính gọi là thành 誠 (chân thành). Thông Thư nói: «Thành là gốc của thánh nhân. “Lớn thay sự khởi đầu của Càn, vạn vật bắt đầu từ nó,” đó là nguồn của thành. “Càn đạo biến hoá, mỗi thứ tự chỉnh đốn tính và mệnh của mình, sự chân thành được lập nên, thuần tuý chí thiện vậy.” Cho nên nói: “Một Âm và một Dương gọi là Đạo; cáikế tiếp là thiện; cái tạo thành [vạn vật] là tính.” Nguyên và hanh là sự thông suốt của thành; lợi và trinh là sự trở về gốc của thành. Lớn thay đạo Dịch, đó là nguồn của tính và mệnh vậy.»

Một Âm và một Dương gọi là Đạo; Đạo tức là một tên gọi khác của Thái Cực.

Về nguồn gốc của cái ác, Thông Thư nói: «Thành vô vi, cơ thiện ác.» 誠 無 為 幾 善 惡 (Chân thành nằm trong trạng thái vô vi, hơi lay động thì tạo ra thiện và ác). Chữ «cơ» 幾 ở đây nghĩa là lay động rất nhỏ nhặt. Cho nên Thông Thư giảng: «Động nhi vị hình, hữu vô chi gian giả, cơ dã.» 動 而 未 形 , 有 無 之 間 者 , 幾也 (Động mà chưa có hình, cái nằm giữa hữu và vô gọi là cơ). Nhân tính vốn thiện, nhưng khi nó phát động ra để thi hành sự việc thì chưa chắc nó hợp với trung dung. Nếu nó phát ra mà không hợp với trung dung, thì cái không hợp với trung dung ấy gọi là ác. Thông Thư nói: «Trong tính có cương nhu, tạo ra thiện ác. Chỉ cần trung dung mà thôi. [Bởi con người] không thấu đạt, [nên ta] nói: Thiện phát xuất từ cương là nghĩa, thẳng thắn, quyết đoán, nghiêm nghị, kiên định. Ác [phát xuất từ cương] là hung hãn, hẹp hòi, mạnh bạo. Thiện phát xuất từ nhu là thuận tòng, từ tốn. Ác [phát xuất từ nhu] là nhu nhược, không quyết đoán, tà nịnh. Chỉ có trung là hài hoà và tiết độ, là sự đạt đạo của thiên hạ, là sự việc của thánh nhân. Cho nên thánh nhân chủ trương giáo lý này, khiến cho con người tự thay đổi cái ác của mình, tự đạt tới sự trung dung của mình và dừng lại ở đó.»


Dương thì cương, Âm thì nhu. Con người được phú bẩm hai khí Âm Dương, nên bản tính cũng có cương và nhu. Cương và nhu mất chính đáng cho đến ngũ tính (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) cảm động và không hợp với trung dung, như vậy đều là ác. Cho nên ác là cái tiêu cực, thiện là cái tích cực. Chu Liêm Khê nói: Bởi hơi bị lay động giữa thiện và ác, nên quân tử phải thận trọng khi hành động.

Thái Cực Đồ Thuyết nói: «Thánh nhân tự xác định mình theo: trung, chính, nhân, nghĩa, và chủ về tĩnh, lập thành chuẩn mực tối cao của con người.» Thông Thư nói: «Đạo của thánh nhân chỉ là nhân, nghĩa, trung, chính mà thôi.» (Thánh nhân chi đạo, nhân nghĩa trung chính nhi dĩ hĩ 聖 人 之 道 , 仁 義 中 正 而 已 矣 ).

Như vậy, chuẩn mực tối cao của con người tức là trung, chính, nhân, nghĩa. Thông Thư nói: «Trời lấy Dương để sinh ra vạn vật, lấy Âm để tựu thành vạn vật. Vật được sinh, đó là nhân ái; được tựu thành, đó là nghĩa. Cho nên thánh nhân ở trên cao, lấy nhân ái để dưỡng dục vạn vật, lấy nghĩa để chỉnh đốn vạn dân.»

Thái Cực Đồ Thuyết nói: «[Thánh nhân] xác lập: đạo trời thì có Âm và Dương; đạo đất thì có nhu và cương; đạo người thì có nhân và nghĩa.» Tổng hợp lại mà xét, chúng ta phải lấy trung chính để uốn nắn bản thân, lấy nhân nghĩa để trị người; và phương pháp tu dưỡng để thành Thánh nhân chính là tĩnh 靜 . Theo chú thích của Chu Liêm Khê, «vô dục cho nên tĩnh» (vô dục cố tĩnh 無 欲 故 靜 ). Thông Thư nói: «Hỏi: “Người ta có thể học làm Thánh không?” Đáp: “Có thể.” Hỏi: “Có nguyên tắc quan trọng gì chăng?” Ta trả lời là có, người ấy hỏi đó là gì, ta đáp: “Điều quan trọng là duy nhất. Cái duy nhất ấy chính là vô dục. Cái vô dục ấy lúc tĩnh thì hư không, lúc động thì ngay thẳng. Tĩnh và hư không thì sáng suốt, sáng suốt thì thông hiểu; động và ngay thẳng thì công bình, công bình thì phổ quát. Hễ sáng suốt, thông hiểu, công bình, phổ quát, thì thứ dân thành Thánh nhân vậy!»

Vô dục thì tĩnh hư và động trực. Mạnh Tử nói: «Nay bỗng thấy một đứa bé sắp rơi xuống giếng, ai cũng sợ hãi và thương xót [mà đến cứu nó], chẳng phải vì họ quen biết cha mẹ nó, hay để làng xóm và bạn bè khen ngợi, hay vì sợ mang tiếng bất nhân.»Các Đạo học gia đời Tống và đời Minh thường trích dẫn câu văn này. Lòng trắc ẩn khiến người ta muốn cứu đứa bé, đó là trực khởi 直 起 . Từ lòng trắc ẩn dẫn tới hành vi cứu ngay đứa bé, đó là trực động 直 動 . Trực khởi và trực động, chẳng màng lợi hại đối với bản thân, chỉ cần cứu được đứa bé, đó là công bình. Cho nên Chu Liêm Khê nói «động và ngay thẳng thì công bình». Tuy nhiên, nếu «vì quen biết cha mẹ nó, hay để làng xóm và bạn bè khen ngợi, hay vì sợ mang tiếng bất nhân» mà ta chạy đến cứu đứa bé, thì đó là dục 欲 . Ý niệm ấy khởi lên không phải là trực khởi; hành vi cứu đứa bé không phải là trực động. Ý niệm và hành vi ấy có sự cân nhắc lợi hại đối với bản thân, nên gọi là tư dục. Ý niệm vô dục khởi lên đó là Thánh hiền, còn ý niệm có tư dục khởi lên đó là cầm thú. Nếu trong tâm ta vô dục và tĩnh lặng thì tâm ta giống như gương sáng. Vô sự thì tĩnh hư, hữu sự thì động trực. Thông Thư nói: «Vắng lặng bất động tức là thành. Cảm động mà thông suốt tức là thần.» (Tịch nhiên bất động giả, thành dã. Cảm nhi toại thông giả, thần dã. 寂 然 不 動 者 , 誠 也 . 感 而 遂 通 者 , 神 也 ). «Vắng lặng bất động» tức là tĩnh hư; «Cảm động mà thông suốt» tức là động trực. Đó là điều mà các Đạo học gia đời Tống và đời Minh về sau thường thuyết giảng. Tuy nhiên Chu Liêm Khê chỉ đề cập dục như vậy; còn địa vị của nhân dục ở phương diện siêu hình và luân lý thì ông chưa từng nói rõ.

«Sáng suốt thì thông hiểu» (minh tắc thông), khi chúng ta vô dục và tĩnh lặng thì tâm chúng ta như gương sáng. Vắng lặng mà thường chiếu. Hễ sáng thì có thể như thế, không sáng thì không thể như thế. Về «công bình thì phổ quát» (công tắc phổ), Thông Thư nói: «Đạo của Thánh nhân chỉ là chí công mà thôi. Có kẻ hỏi: “Vì sao nói thế?” Đáp: “Bởi Trời Đất chỉ là chí công mà thôi.”» (Thánh nhân chi đạo, chí công nhi dĩ hĩ. Hoặc viết: Hà vị dã? Viết: Thiên địa chí công nhi dĩ hĩ 聖 人 之 道 , 至 公 而 已 矣 . 或 曰 : 何 謂 也 ? 曰 : 天 地 至 公 而 已 矣 ).

Trời Đất chí công nên che chở tất cả, đó gọi là phổ 溥 (phổ quát, khắp nơi). Bởi công bình nên như thế. Nếu không công bình thì có sự che chở riêng tư cho mỗi loài. Đạo của Thánh nhân chỉ là chí công mà thôi. Cho nên, hễ sáng suốt, thông hiểu, công bình, và phổ quát, thì thứ dân trở thành thánh nhân vậy.

Muốn đạt tới cảnh giới «vô dục và tĩnh lặng» thì chúng ta cũng phải trải qua một giai đoạn đáng kể. Thông Thư nói: «Hồng Phạm viết: “Suy nghĩ phải thấu triệt. […] Thấu triệt sẽ thánh thiện.” Không suy nghĩ là căn bản. Suy nghĩ thông suốt là ứng dụng. Hơi lay động ở chỗ kia, thì chân thành động ở chỗ này. Không suy nghĩ mà chẳng gì không thông suốt, đó là Thánh nhân. Nếu không suy nghĩ, Thánh nhân không thể thông suốt cái tế vi. Nếu không thấu triệt, Thánh nhân không thể thông suốt khắp nơi. Do đó, thông suốt khắp nơi phát sinh từ thông suốt cái tế vi; ứng dụng cái tế vi phát sinh từ suy nghĩ. Cho nên suy nghĩ là căn bản của công việc của Thánh nhân và là sự lay động dẫn đến cát hung vậy.»

Vô tư (không suy nghĩ) tức là vắng lặng bất động. Suy nghĩ thông suốt tức là cảm động mà thông suốt. Muốn đạt tới cảnh giới «không suy nghĩ mà chẳng gì không thông suốt» (vô tư nhi vô bất thông) thì trước tiên phải có công phu suy nghĩ. Nhưng cái công phu suy nghĩ ấy phải như thế nào thì Chu Liêm Khê chưa hề nói rõ. Chúng ta có thể phỏng đoán rằng công phu ấy có lẽ là thường xuyên chú ý đến trạng thái trong tâm chúng ta, giống như Mạnh Tử nói «tất hữu sự yên» 必 有 事 焉 (luôn canh cánh bên lòng).

Thái Cực Đồ Thuyết nói: «Thánh nhân hợp nhất đức của mình với Trời Đất, hợp nhất vẻ sáng của mình với mặt trời và mặt trăng, hợp nhất thứ tự của mình với bốn mùa, hợp nhất cát hung của mình với quỷ thần.» Thông Thư nói: «Thánh nhân chỉ có chân thành mà thôi. Chân thành là gốc của ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín), là nguồn của trăm hạnh.» (Thánh thành nhi dĩ hĩ. Thành ngũ thường chi bản, bách hạnh chi nguyên dã 聖 誠而 已 矣 . 誠 五 常 之 本 , 百 行 之 源 也 ).

Thành 誠 (chân thành) là tính bản nhiên của nhân tính. Thánh nhân sở dĩ là Thánh bởi vì đã trở về với tính bản nhiên của nhân tính. Điều mà Lý Ngao nói, các Đạo học gia kể từ Chu Liêm Khê về sau đã nhất trí chủ trương.●

* Lê Anh Minh dịch và phụ chú

Nguồn: Phùng Hữu Lan 馮 友 蘭 , Trung Quốc Triết Học Sử中 國 哲 學 史 , Hương Cảng 1956. Trích dịch chương 11 của thiên thứ hai. Phụ chú của người dịch ghi là LAM chú.



[ad_2]
Nhịp Cầu Giáo Lý – Lê Anh Minh

Trusted by some of the biggest brands

spaces-logo-white
next-logo-white
hemisferio-logo-white
digitalbox-logo-white
cglobal-logo-white
abstract-logo-white
white-logo-glyph

We’re Waiting To Help You

Get in touch with us today and let’s start transforming your business from the ground up.