[ad_1]
Hệ Từ Thượng nói: «Cho nên Dịch có Thái Cực. Thái Cực sinh lưỡng nghi. Lưỡng nghi sinh tứ tượng. Tứ tượng sinh Bát Quái. Bát Quái định cát hung, cát hung sinh ra sự nghiệp lớn.» Mấy câu đầu của Thái Cực Đồ thuyết sử dụng thuyết «Thái Cực sinh lưỡng nghi». Nhưng sau đó Chu Liêm Khê đề cập ngũ hành, chứ không phải Bát Quái. Tuy cuối bài ông khen ngợi Kinh Dịch, nhưng kỳ thực Thái Cực Đồ không hoàn toàn căn cứ trên Kinh Dịch.
Vì lý do đó, nguồn gốc của Thái Cực Đồ đáng cho chúng ta nghiên cứu. Thượng Phương Đại Đỗng Chân Nguyên Diệu Kinh Phẩm Đồ 上 方 大 洞 真 元 妙 經 品 圖 trong Đạo Tạng có nhiều hình đồ, trong đó có Thái Cực Tiên Thiên Đồ như sau:
Thái Cực Tiên Thiên Đồ(hình trên)
Hình đồ này khá giống Thái Cực Đồ của Chu Liêm Khê. Tuy không biết tác giả của quyển kinh này là ai, nhưng trong đó có lời tựa của Đường Minh Hoàng 唐 明 皇 (còn gọi là Đường Vũ Hoàng 唐 武 皇 , tức Huyền Tông 玄 宗 hay Lý Long Cơ 李 隆 基 , tại vị 712-755), cho nên nó xuất hiện trước đời Tống. Có lẽ nó là nguồn cảm hứng cho Chu Liêm Khê viết ra Thái Cực Đồ chăng?
Tống Sử (Nho Lâm Truyện) có chép truyện của Chu Chấn 朱 震 (1072-1138) rằng: «Cái học về kinh điển của Chu Chấn rất thâm hậu. Ông viết trong Hán Thượng Dịch Giải rằng: Trần Đoàn 陳 摶 (871-989) lấy Tiên Thiên Đồ 先 天 圖 truyền cho Chủng Phóng 種 放 (?-1014); Chủng Phóng truyền cho Mục Tu 穆 修 (979-1032); Mục Tu truyền cho Lý Chi Tài 李 之 才 (?-1045); Chi Tài truyền cho Thiệu Ung 邵雍 (1011-1077). [Chu Chấn còn nói rằng] Chủng Phóng lấy Hà Đồ và Lạc Thư truyền cho Lý Khái 李 溉 (?-?); Khái truyền cho Hứa Kiên 許 堅 (khoảng 976-984); Hứa Kiên truyền cho Phạm Ngạc Xương 范 諤 昌 (?-?); Ngạc Xương truyền cho Lưu Mục. Mục Tu lấy Thái Cực Đồ truyền cho Chu Đôn Di.»
[ad_2]
Nhịp Cầu Giáo Lý – Lê Anh Minh