Thơ văn của Lý Bạch tỏa sáng thiên cổ, truyền thế hơn nghìn bài, nhưng bút tích thư pháp của ông lại chỉ có duy nhất một bài “Thượng Dương Đài thiếp”. Vậy thì, 25 chữ mực tàu vang danh thiên hạ ấy đến tột cùng là viết nội dung gì? Đằng sau nó liệu có ẩn chứa câu chuyện nào cảm động lòng người?

Cõi bồng lai đệ nhất thiên hạ 

Năm 744 sau Công Nguyên, Lý Bạch cùng với Đỗ Phủ, Cao Thích du ngoạn đến Dương Đài quán ở núi Vương Ốc. Tại đây, Lý Bạch đã viết tác phẩm “Thượng Dương Đài thiếp” – tác phẩm thơ thư pháp duy nhất được lưu truyền đến ngày nay của ông. 

Núi Vương Ốc tọa lạc tại thành phố Tế Nguyên, tỉnh Hà Nam. Có một Đạo gia từng ca ngợi nơi này là ‘cõi bồng lai đệ nhất thiên hạ’, là vùng đất Ngu Công dời núi trong truyền thuyết. Liên quan đến tên gọi của ngọn núi này, có hai cách giải thích đang được lưu truyền. Cách giải thích thứ nhất là theo nội dung của ‘Đạo Tạng’: ‘Trong núi này có động, sâu đến mức không thể đi vào, trong động giống như cung điện của bậc vương giả, vậy nên mới có tên gọi là Vương Ốc’. Cách lý giải thứ hai là theo ‘Vũ Cống’ – ghi chép địa lý thời kỳ đầu của Trung Quốc: ‘Núi có ba tầng, hình dáng của nó trông giống ngôi nhà (ốc), nên mới có tên như vậy’. 

Năm xưa, Đường Huyền Tông xây dựng Dương Đài quán tại núi Vương Ốc cho tông sư Đạo giáo – Tư Mã Thừa Trinh. Sau khi Đạo quán hoàn thiện, Tư Mã Thừa Trinh tới đó cai quản, cư trú tại nơi này cho đến năm 735 thì quy tiên về Trời. Theo các ghi chép trong tài liệu lịch sử, Tư Mã Thừa Trinh đã sáng tác ra một bức bích họa cảnh sông nước khổng lồ dài 95 mét, cao 16 mét ở Dương Đài quán. Trong bức họa có núi, mây, suối, khe đá, hang hốc, sếu hạc… tựa như một khung cảnh thần tiên xa xôi, bay bổng, mỹ diệu.  

Nhắc đến mối liên quan giữa Lý Bạch và tông sư Tư Mã Thừa Trinh, năm 725, Tư Mã Thừa Trinh gặp gỡ Lý Bạch tại Giang Lăng, tỉnh Hồ Bắc. Thấy Lý Bạch khí vũ hiên ngang, nghe thơ Lý Bạch lại càng không khỏi cảm khái, khâm phục, Tư Mã tông sư đã tán thưởng Lý Thái Bạch (Lý Bạch) là người ‘có tiên phong đạo cốt, có thể cùng Thần du ngoạn ngoài Bát cực’. Nhận được sự khen ngợi từ Tư Mã tông sư, Lý Bạch viết ra tác phẩm trứ danh ‘Đại bằng ngộ hy hữu điểu phú’ (Bài phú đại bàng gặp chim quý). Trong bài phú, Lý Bạch tự ví mình với chim đại bàng, lấy loài chim quý hiếm ví với Tư Mã Thừa Trinh. Hai người cùng kết thành bạn tốt không phân tuổi tác. Một đoạn duyên với Đạo giáo này của Lý Bạch sau được lưu truyền thành giai thoại. 

Gần hai mươi năm sau, Lý Bạch tới Dương Đài quán, trong lòng tưởng niệm tông sư Tư Mã Thừa Trinh, liền lấy bút lông viết rằng: ‘Sơn cao thủy trường, vật tượng thiên vạn, phi hữu lão bút, thanh tráng khả cùng. Thập bát nhật, Thượng Dương Đài thư, Thái Bạch’. Nghĩa là: ‘Núi cao và nước chảy dài xa tận chân trời (câu này mang ý ca ngợi phẩm chất đạo đức và tài vẽ tranh của Tư Mã Thừa Trinh), trên núi Vương Ốc cảnh vật kỳ vĩ có cả ngàn vạn; nếu như không có bút pháp lão luyện, thông thạo (của Tư Mã tông sư), thì sao có thể diễn tả lại tường tận cảnh sắc tươi mới và hùng tráng nơi đây. Ngày 18, bài viết ‘Lên Dương Đài’, Thái Bạch’. (Lý Bạch đề ngày viết bài này là ngày 18 có thể hiểu là ông đang tưởng nhớ đến tông sư Tư Mã Thừa Trinh, vì Tư Mã tông sư từ trần vào ngày 18 tháng 6).

Những bản thư pháp viết thơ của Lý Bạch đều bị thất truyền 

Tống Huy Tông là người đầu tiên chép lại tác phẩm ‘Thượng Dương Đài thiếp’ của Lý Bạch, trên giấy viết chính văn từ trên xuống dưới từ phải qua trái, trong đó có một hàng đề tựa bằng thể chữ Sầu Kim thư của Triệu Cát (hay Tống Huy Tông) viết rằng: ‘Đường Lý Thái Bạch thượng Dương Đài’ (Lý Thái Bạch nhà Đường tới Dương Đài). Bên dưới còn có một phần lời bình ngắn ghi: ‘Tác phẩm thư pháp theo lối Hành thư của Thái Bạch ‘như cưỡi gió ngồi trăng, như đi về phương tây vào tửu quán, bất giác quên hết cả người lẫn vật, thân ở bên ngoài trần thế’. Nét chữ phiêu đãng bay bổng, khí thế hào hùng, khỏe mạnh; thế mới biết Lý Bạch không chỉ lấy thơ để tỏ lòng (không chỉ nổi tiếng về thơ)’.

Mặc dù các bản Hành thư của Lý Bạch đều đã thất truyền, nhưng dựa vào lời của Tống Huy Tông cũng có thể thấy được, lối viết Hành thư và Thảo thư của Lý Bạch đều ưu mỹ phi thường. Cả thơ và thư pháp của ông đều bộc lộ ra sự phóng khoáng, thanh nhàn thoát tục.    

Tác phẩm ‘Thượng Dương Đài thiếp’ trong ‘Bình sinh tráng quán’ của Cố Phục thời Thanh, ‘Thạch cừ bảo cấp’ của nội phủ nhà Thanh, ‘Mặc duyên hối quán’ của An Kỳ thời Thanh, ‘Ngô thức thư họa ký’ của Ngô Hồ Phàm, v.v… đều có ghi chép. Người đời sau lấy giấy Tuyên Thành lót ở sau tấm thiếp để đề chữ hoặc khắc dấu. Người đầu tiên dùng chữ Khải thư đề tựa ‘Thanh Liên dật hàn’ (bút tích thanh nhàn thoát tục của Thanh Liên cư sĩ) là vua Càn Long thời Thanh. Ngoài ra còn có rất nhiều người đề lời bình, khắc lên đó con ấn của người lưu giữ, sưu tầm hoặc phục chế lại tác phẩm, v.v… 

Bức thư pháp này của Lý Bạch viết đến thoải mái uyển chuyển, sắp xếp tự do tùy ý, chữ to chữ nhỏ không giống nhau; vừa bất ngờ, hàm súc lại vừa linh hoạt, nhẹ nhàng. Từ trong đó có thể thấy rõ bản tính thẳng thắn, chân thật của thi nhân. Hành gia từng bình luận: Ngòi bút chuyển động trôi chảy, buông thả phóng khoáng, tự do như ý, trong mạnh mẽ lại có thể nhìn thấy sự duyên dáng, ngàn vạn tâm tư nguyện vọng đều ẩn bên trong.   

Hoàng Đình Kiên thời Tống khi bình luận về thơ và thư pháp của Lý Bạch đã viết: ‘Xem những bản thư pháp của ông, đa số là viết thơ của ông, càng khiến cho người ta không khỏi miên man suy tưởng, bồi hồi xúc động. Lý Bạch từ những năm Khai Nguyên cho đến những năm Trí Đức, không truyền những bản viết của mình, những bức Hành, Thảo thư của ông đều không hề thua kém cổ nhân’ (‘Sơn cốc đề bạt’). 

Trương Yến thời Nguyên đề rằng: ‘Từng chữ của ông như từ trong lòng chảy ra, không phải thứ mà người khác nếu nỗ lực học tập là có thể đạt đến được. Nhìn tâm thái phiêu diêu tự tại như cưỡi gió đạp mây của ông, đạt đến sự tuyệt diệu cao hơn cả có được vật chất nơi trần thế. Thưởng thức những bản in thư pháp thời Tấn thời Đường, mà đột nhiên mở ra bài thư pháp này của Lý Bạch, sẽ bất giác khiến cho người ta nhẹ nhàng khoan khoái’.   

Nhà thư pháp thời Nguyên – Âu Dương Huyền đề thơ rằng: 

‘Đường gia công tử cẩm bào tiên
Văn thái phong lưu lục bách niên.
Khả kiến ốc lương minh nguyệt sắc
Không dư hàn mặc hóa vân yên.’ 

Dịch nghĩa:

Công tử thời Đường mặc áo gấm của tiên
Thần thái văn chương phong lưu sáu trăm năm
Có thể thấy sắc trăng sáng trên xà nhà
Bút, mực dư thừa để không bỗng hóa thành mây khói 

Trương Bá Câu quyên hiến ‘Thượng Dương Đài thiếp’ 

Sau khi ‘Thượng Dương Đài thiếp’ ra đời, hơn một nghìn năm qua, tác phẩm này được lưu truyền luân chuyển từ quan phủ cho đến dân gian. ‘Thượng Dương Đài thiếp’ từng được đưa vào trong nội phủ Tuyên Hòa thời Bắc Tống, sau đó quy về Giả Tự Đạo thời Nam Tống, vào triều Nguyên thì được truyền đến chỗ của Trương Yến, đến thời Minh được cất giữ tại ‘Thiên Lại Các’ của Hạng Nguyên Biện. Triều Thanh do một người tên là An Kỳ thu được, một lần nữa được đưa vào trong nội phủ. Sau đó, khi nhà Thanh kết thúc, tác phẩm thư pháp của Lý Bạch được truyền ra ngoài cung đình. Thời Dân Quốc, ‘Thượng Dương Đài thiếp’ do một người tên là Trương Bá Câu sưu tập được, sau này được Trương Bá Câu hiến tặng cho quốc gia. Đến ngày nay, tác phẩm đang được lưu giữ tại Bảo tàng Cố cung ở Bắc Kinh. 

Về Trương Bá Câu, ông là một nhà sưu tầm dân gian nổi tiếng, vì để các bảo vật quốc gia ‘vĩnh viễn tồn tại trên lãnh thổ chúng ta’ mà ông không tiếc hiến dâng cả tính mạng của bản thân và gia đình. Năm 1956, Trương Bá Câu đem hết toàn bộ những vật phẩm văn hóa quý giá mà ông sưu tầm được quyên góp vào Cố cung thuộc Bảo tàng Cát Lâm. Những bức họa thư cao cấp nhất tại viện bảo tàng Cố cung, có đến gần một nửa là do Trương Bá Câu quyên tặng. Thế nhưng, đến năm 1957, Trương Bá Câu bị Đảng Cộng sản Trung Quốc quy thành phần tử cánh hữu. Và đến năm 1969, ông lại bị gán mác là phần tử ‘phản cách mạng hiện hành’, rồi bị bắt tới huyện Thư Lan, tỉnh Cát Lâm để gia nhập vào quân đội. Bị công xã chối bỏ, Trương Bá Câu tuổi đã ngoại thất tuần cùng với vợ của mình sau đó phải dựa vào tiếp tế từ người thân và bạn bè để sống qua ngày.  

Tháng Giêng năm 1982, Trương Bá Câu đột nhiên mắc cảm mạo nên được đưa vào bệnh viện. Thế nhưng, vì lý do ‘cấp bậc không đủ’, ông không thể ở phòng bệnh đơn hay phòng bệnh dành cho hai người. Đợi đến khi con gái của ông cuối cùng cũng cầm được tờ ‘lệnh phê duyệt’ đồng ý cho ông được điều chuyển bệnh viện thì Trương Bá Câu đã bất hạnh qua đời. 

Thời gian trôi qua như nước chảy, lịch sử xoay chuyển tựa hoa rơi. ‘Thượng Dương Đài thiếp’ biểu lộ ra cung cách tiên phong đạo cốt của Lý Bạch, biểu lộ ra vẻ đẹp quý hiếm huy hoàng của thi thư Trung Hoa, cùng với tài văn chương và sự chân thành của các nhà văn, nhà thơ. Biết bao nhiêu thứ hiếm lạ, quý giá; biết bao nhiêu tiếng thở than cùng suy tưởng, tất cả đều được gửi vào trong đó!

Trường Lạc biên dịch.

Nguồn: Sưu Tập

Trusted by some of the biggest brands

spaces-logo-white
next-logo-white
hemisferio-logo-white
digitalbox-logo-white
cglobal-logo-white
abstract-logo-white
white-logo-glyph

We’re Waiting To Help You

Get in touch with us today and let’s start transforming your business from the ground up.