Đời người là một hành trình trả nợ, người khác thản nhiên cho ta thứ gì đó mà không mong cầu báo đáp, đó không phải là nghĩa vụ của họ mà là ân huệ, chúng ta phải ghi nhớ mối ân huệ đó và tìm cách đền đáp nó kịp thời. Phương thức tốt nhất để báo đáp ân huệ chính là suốt cuộc đời phải lấy “Nhận ơn một giọt, báo ân một dòng” làm chỉ đạo, từng chút từng chút hòa tan nó vào cuộc sống.
1. Cuộc đời của mỗi người đều là tiến về phía trước trong sự cho đi
Cha mẹ cho ta sinh mệnh, nuôi dưỡng ta nên người. Bạn đời cho ta sự ấm áp, cùng ta đi qua những mưa gió gập ghềnh. Con cái cho ta sự viên mãn, gia tăng thêm niềm vui trong cuộc sống. Bạn bè cho ta sự phong phú, sưởi ấm sinh mệnh ta.
Cõi hồng trần dọc ngang trăm mối, mỗi cuộc gặp gỡ đều là do trời cao đã ban tặng, cũng là bởi vì có duyên chúng ta mới có thể quen biết nhau.
Có người đi cùng ta một chặng đường; có người giúp ta một lần; có người lại khiến ta tăng thêm sự từng trải; có người trở thành ánh sáng chỉ đường cho ta; cũng có người sẽ hóa thành mặt trời trong cuộc đời của ta…
Mỗi người đều là ân nhân, do đó chúng ta cần biết cảm kích và báo đáp lại ân tình của họ vào đúng thời điểm.
Trong cuộc đời mỗi người, biết cách cho đi cũng đồng nghĩa với đang tiến về phía trước. Và cần phải xem “Nhận ơn một giọt, báo ơn một dòng” là mục đích của cuộc đời mình, xem cuộc đời như một hành trình hoàn trả những gì mình đã mắc nợ.
Chỉ có kịp thời báo đáp ân tình, chúng ta mới có thể tích được phúc phần, tích đủ công đức cho chính mình. Đến một lúc công đức ấy sẽ như những đóa hoa nở rộ khắp nơi, hương thơm tỏa ra ngào ngạt.
Người nhà đều vì ta mà cho đi không chút tư lợi, ta cần phải dùng trái tim để thương yêu, cố gắng hết sức chăm sóc tốt cho họ, đó chính là cách để duy trì hạnh phúc của chính mình.
Bạn bè cho ta sự ấm áp, ta không chỉ phải dùng trái tim khắc ghi, mà còn phải báo đáp lại ân tình của họ bằng những hành động ý nghĩa, đừng chỉ nói lời cảm ơn cho qua chuyện, hành động càng thực tế thì thể hiện được thành ý càng nặng sâu.
Biết ơn mới có thể duy trì được tình bạn, giúp đỡ mới có thể khiến tình bạn càng lúc càng vững chắc.
Người ta thường nói: “Trên gấm thêu hoa không ai nhớ, trong tuyết tặng than tình nghĩa sâu”. Thế mới nói, có thể giúp đỡ người trong lúc khó khăn tuyệt vọng mới là đáng quý nhất.
2. Cuộc đời là một quá trình “trả nợ” ân tình
Cuộc đời là một quá trình “trả nợ” ân tình, khi ai đó cho ta sự ấm áp, ta nên báo đáp họ bằng sự chân thành; nếu có được sự giúp đỡ ta nên ra tay tương trợ; nếu được người khác cổ vũ ta cần phải vững bước kiên trì; nhận được sự chỉ dẫn phải luôn ghi nhớ; tìm được người đồng hành thì phải cùng nhau nhanh chóng tiến về phía trước…
Nhận được bao nhiêu thì trả lại bấy nhiêu, không trì hoãn không mắc nợ, như vậy mới có thể bảo đảm thứ có được sẽ không bao giờ mất đi, mà vẫn luôn luôn ở bên cạnh. Bởi không có thói quen cho đi, nên trước giờ mới không nhận lại được.
Nếu không biết cách cho đi thì trái tim sẽ dần dần nguội lạnh, mà khi trái tim đã nguội lạnh thì nó sẽ làm đóng băng luôn cả tâm hồn, đến lúc đó dù bạn có làm thế nào cũng không thể trở lại như trước được nữa, chân tình chịu không được thử thách, hiện thực không thể cải biến nổi quá khứ.
Dẫu cho bạn có than thở thế nào, níu kéo ra sao thì cũng sẽ khắc lại trong tâm mình đoạn ký ức đó. Đây chính là cái giá mà bạn phải trả cho những sai lầm của bản thân.
Tiền bạc phú quý, danh lợi địa vị… mất đi rồi còn có thể cố gắng kiếm lại, nhưng trái tim đã tổn thương thì chỉ còn lại sự thờ ơ, làm sao có thể quay lại từ đầu?
Trong Hồng Lâu Mộng có một câu nói: “Làm quan hiển hách, gia nghiệp tàn lụi. Làm kẻ giàu có, tiền bạc mất trắng. Làm người có ơn, đại nạn không chết. Làm người vô tình, báo ứng rõ ràng. Nợ mệnh, trả mệnh. Nợ nước mắt, nước mắt cạn…”. Chính là nói với mỗi người khi đến thế giới này đều là để hoàn trả nợ, gieo mầm lương thiện thì nhận lại được sự ấm áp, còn nếu ấp ủ rượu đắng thì đành tự mình nếm đau khổ mà thôi.
Trời cao rất đỗi công bằng, cho mỗi người đều không quá nhiều, người vinh hiển thì phải vượt dòng nước xiết, người thành công thì luôn phải kết thân với những người có địa vị cao hơn mình, làm gì có vùng đất bằng phẳng cho kẻ tầm thường chẳng chịu cố gắng?
Trong bữa tiệc thịnh soạn của cuộc đời này, ăn vội ăn vàng thì sẽ bị nghẹn, ăn nhiều thì sẽ căng bụng, chê ít thì tâm thần không yên, cuối cùng thì không ai có thể chiếm được món hời cả.
Điều duy nhất có thể làm là cầu cho một đời bình an, lấy đạo đức làm ngọn đuốc chỉ đường, dĩ hòa vi quý, xem cảm ân và báo đáp là nghĩa vụ của mình.
Làm người chỉ cần coi trọng nhân nghĩa đạo đức, làm việc chỉ cần sao cho không thẹn với lòng, không hẳn sẽ đắc được đại phú đại quý nhưng ắt hẳn là có thể sẽ đắc được sự bình an trong tâm hồn.
3. “Kim vô túc xích, nhân vô thập toàn”
Kẻ trí nghìn lần suy tính cũng sẽ có một lần sai, ai rồi cũng sẽ có lúc phạm sai lầm. Tuy nhiên nếu cần xin lỗi thì hãy xin lỗi, dù cho có mất hết thể diện, danh tiếng có tổn thất thì có hề gì đâu.
Sai lầm nhỏ có thể xin lỗi nhưng không phải tất cả mọi sai lầm đều có thể nói một câu xin lỗi là xong. Do đó, làm người cần phải luôn luôn thận trọng, tránh phạm phải sai lầm.
Thiếu nợ thì phải hoàn trả, dẫu cho cái giá của nó là rất lớn, bởi vì đó là bạn đang bù đắp cho những thiếu sót của bản thân, lấp đầy những chỗ trống trong cuộc đời mình, đồng thời khiến cho tâm hồn trở nên tỏa sáng thanh khiết. Trên đời này cái gì rồi cũng sẽ mất đi, chỉ có ánh sáng của linh hồn mới là thứ tồn tại vĩnh viễn.
Đời người là một hành trình trả nợ ân tình, người khác thản nhiên cho ta thứ gì đó mà không mong cầu báo đáp, đó không phải là nghĩa vụ của họ mà là ân huệ, do đó chúng ta phải ghi nhớ và hoàn trả mối ân huệ đó.
Làm người thì đừng có hết lượt này đến lượt khác không chịu hoàn trả, để đến ngày nào đó nợ như chúa chổm thì không sao hoàn trả được. Khi nợ nần đã không thể trả được nữa thì những thứ đã từng có sẽ đều tan biến thành mây khói, những thứ từng đạt được cũng đều sẽ mất đi.
Đời người là một quá trình trả nợ, nhận lấy phần có thể hoàn trả và phần không thể hoàn trả một cách thoải mái, nhưng điều mất đi là chính là đức, điều hao tổn lại chính là phúc phận.
Do đó, hãy lấy báo đáp ân tình làm kim chỉ nam xuyên suốt hành trình của cuộc đời, nên lấy “Nhận ơn một giọt, trả ơn một dòng” làm phương thức hồi báo, từng chút từng chút hòa tan nó vào trong cuộc sống.
Khi bạn tỏ lòng biết ơn đối với người khác, đối phương cũng sẽ cảm nhận được, và họ càng thêm trân quý bạn hơn, khiến mối quan hệ đôi bên càng thêm bền chặt, cuộc sống sẽ càng trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều.
Vũ Dương.
<
p style=”text-align: right”>Nguồn: Sưu Tập