Bạn đã từng đến Tây Hồ ở Hàng Châu, Triết Giang chưa? Bạn đã biết góc nào có tầm nhìn đẹp nhất trong cung đường du lãm Tây Hồ chưa? Bạch Cư Dị, một nhà thơ lớn vào giữa triều đại nhà Đường từ ngàn năm trước, đã để lại chúng ta một kế hoạch du lãm Tây Hồ đầy thi vị.
Bạch Cư Dị khi năm mươi tuổi, từng làm thứ sử Hàng Châu. Trong vòng chưa đầy hai năm, ông đã nhiều lần tản bộ ở Tây Hồ, rồi cảm thán: “Vị năng phao đắc Hàng Châu khứ, nhất bán câu lưu thị thử hồ”, ý tứ là không thể rời bỏ Hàng Châu đi nơi khác, một phần là vì nhớ Tây Hồ phong cảnh như họa này. Ông rất yêu thích Tây Hồ, lại càng giỏi khám phá vẻ đẹp của nơi đây. Trong một lần đi xuất du, ông men theo bờ bắc, từ phía bắc Cô Sơn, xuất phát từ một địa điểm nào đó ở phía tây bắc đình Cổ Công, cứ thế đi hướng đông, vừa đi vừa ngắm.
Bạch Cư Dị dắt theo tuấn mã, thong dong thưởng ngoạn, cảnh tượng điển hình của đầu mùa xuân tuần tự triển khai trước mắt ông. Mặt nước hồ dâng lên, mây trắng nối nhau, chim vàng oanh hót, én bay từng đàn, hoa xuân chen nở, cỏ xuân xanh non mơn mởn. Hướng mắt ra xa, bờ kè cát trắng đang ẩn hiện trong những bóng cây màu bích lục, khiến người không thể không say trong mỹ cảnh mông lung.
Ông đã ghi lại chuyến du ngoạn trong một bài thơ có tên “Tiền Đường hồ xuân hành” (Du xuân hồ Tiền Đường), đồng thời lưu lại một cung đường lý tưởng để thưởng ngoạn Tây Hồ:
Cô sơn tự bắc Cổ đình tây, thủy diện sơ bình vân cước đê.
Kỉ xứ tảo oanh tranh noãn thụ, thùy gia tân yến trác xuân nê.
Loạn hoa tiệm dục mê nhân nhãn, thiển thảo tài năng một mã đề.
Tối ái hồ đông hành bất túc, lục dương âm lí Bạch Sa đê.
Tạm dịch:
Cô sơn tự bắc Cổ đình tây, mặt hồ đã chạm đến chân mây.
Xứ nao chim sẻ tranh noãn thụ, nhà nao tân én đắp tổ đầy.
Vạn hoa như muốn mê nhân nhãn, móng ngựa cỏ nhú vẫn chưa đầy.
Yêu quá hồ đông đi chẳng nỡ, mà đê Cát Trắng ẩn bóng cây.
Thưởng thức thi cảnh
Thời tiết đầu xuân, băng tuyết dần tan, cỏ mọc chim bay, trong một ngày xuân kiều diễm, nhà thơ lên đường thưởng ngoạn Tây Hồ. “Cô Sơn tự bắc Cổ đình tây”, câu mở của bài thơ tổ thành bởi hai địa điểm và phương vị đặc hữu của hồ Tiền Đường (tức Tây Hồ), định vị chính xác nơi ông bắt đầu xuất hành. “Hoành khán thành lĩnh tắc thành phong”, chính là mỗi góc nhìn khác nhau sẽ có cảm quan khác nhau, thi nhân đứng tại vị trí thích hợp nhất mới có thể hân thưởng phong cảnh đẹp nhất của hồ, vì vậy ông dùng câu này để dẫn dắt toàn bài thơ, phô diễn cảnh sắc Tây Hồ độc đáo được mô tả phía dưới. Việc sử dụng hai địa điểm này cùng nhau trong hành văn hiển thị ra động cảm, bước chân nhanh nhẹn và tâm tình của thi nhân dường như hiện ra trên trang giấy.
Du hồ, điều đầu tiên nhà thơ quan tâm là sự biến hóa của mặt nước hồ sau xuân. Đứng trên bờ, ông vô cùng ngạc nhiên phát hiện, do băng tuyết tan chảy cộng với mưa xuân không ngớt, nên mặt nước Tây Hồ đã gần như ngang với bờ kè. Mặt hồ đầy hơi sương, màn mây buông xuống thấp, ông hướng về mặt hồ mênh mông phóng tầm mắt ra xa, nơi ấy ranh giới giữa mây và nước đã lờ mờ, như liền như đứt. Câu đối tiếp theo vừa ám thị thời tiết buổi du hồ, lại đồng thời miêu tả tinh tế phong cảnh tráng lệ nơi mây và nước gặp nhau, thủy thiên nhất sắc.
Nhà thơ vừa dạo chơi vừa ngắm cảnh, đột nhiên bị tiếng chim hót trong trẻo, du dương thu hút. Ánh mắt của ông từ xa bị kéo lại, tập trung bút mực triển hiện cảnh vật cục bộ quanh Tây Hồ. Vài chú chim vàng oanh rời tổ từ sớm, tranh nhau đậu trên những cây hoa hướng dương; đàn én nhà ai cũng bay đến làm khách, vội vã ngậm bùn về làm tổ trên cây. Ở phần câu đối của bài thơ, nhà thơ chọn hai chủ thể là tảo oanh, tân én, vẽ nên một bức tranh hoa lá và chim muông tràn đầy sức sống, thanh sắc tốt tươi, biểu hiện linh động và hoạt lực của đầu xuân.
Về bút pháp, cách dùng từ của nhà thơ cũng rất tài tình, cân nhắc kỹ lưỡng. Ông dùng từ “kỷ xứ”, “thùy gia” (chốn nao, nhà nào) để hình dung số lượng én oanh, mà không dùng từ “xứ xứ”, “nhà nhà” ý vị rằng khí hậu mới ấm lên, vạn vật mới sinh trưởng, ẩn ý truyền tải ra những thông điệp của đầu xuân một cách chuẩn xác. Các từ trong câu thơ như tảo, noãn, tân, xuân cũng là những từ khóa chỉ ra mùa xuân, cùng với nhau tạo ra bầu không khí đầu xuân ấm áp ôn hòa.
Nhà thơ tay cầm cương ngựa chậm rãi dạo bước, lại phát hiện ra một xuân cảnh nồng đậm khác của Tây Hồ. Những nụ hoa mong manh dần hiển lộ màu sắc tim tím hồng hồng, thảm cỏ non mới nhú cao chưa đầy móng ngựa, nửa đi nửa dừng theo gót chân. Hoa còn chưa nở, cỏ còn chưa dày, đó chính là tiết trời đầu xuân đơn thuần và mỹ hảo nhất.
Nhà thơ nhìn thấy điều đó trong mắt, hoan hỉ trong tâm. Trong câu này, ông hân thưởng cảnh sắc thanh tân khả ái bên hồ, đồng thời thông qua những cụm từ như “mê nhân nhãn”, “một mã đề” v.v. dung nhập vào cảm thụ thưởng cảnh độc đáo của thi nhân, làm phong phú nội dung thi tác. Đồng thời, lòng yêu thích của ông đối với Tây Hồ cũng chuyển từ ẩn sang hiện, đưa cảm xúc của buổi du hồ ngày xuân này lên đến cao trào.
Hồ Tây đẹp như một bức tranh, nhà thơ di chuyển đổi cảnh, thưởng thức những thắng cảnh khác nhau của Tây Hồ, không hay không biết mà đi về phía đông của Tây Hồ, cuộc du ngoạn này sắp đến lúc kết thúc. Ở câu thơ cuối cùng, ông tiếp tục tình cảm vui xuân trong câu đối, bộc lộ trực tiếp cảm xúc của mình: “Tối ái hồ đồng hành bất túc”, hồ quang sơn sắc quá mỹ lệ, không cách nào rời mắt, như bảo tàng có vô cùng báu vật, thi nhân dùng từ “tối ái” hữu lực nhất, trực tiếp nhất để biểu đạt tình cảm thiết tha của mình, “hành bất túc” (đi chưa đã) đã khắc họa rõ nét hình bóng không nỡ rời đi của ông.
Ông ngước mắt nhìn quanh, hồi cố lại cả chặng đường, chợt thấy bờ kè cát trắng vắt ngang qua Tây Hồ. Dưới hàng dương xanh, bờ đê dài lúc ẩn lúc hiện quyến luyến thi nhân, khiến ông cảm thấy thi ý còn chưa tận. Toàn bài thơ, khởi bút từ cảnh mông lung mây nước tương giao, kết thúc bằng hình bóng mờ ảo của bờ kè trắng ẩn xanh, phác họa một Tây Hồ như chốn bồng lai tiên cảnh, tạo nên thi vị bằng vần điệu luyến láy. Sau cả nghìn năm, thấu qua văn tự, ta vẫn có thể nhìn thấy bóng dáng thi nhân đang lưu luyến không rời, ngâm nga cảm khái.
Câu chuyện đằng sau bài thơ Đường
Bạch Cư Dị, tự Lạc Thiên, là một thi nhân nổi tiếng vào giữa triều đại nhà Đường. Ông tích cực xướng đạo “Vận động Tân Lạc Phủ”, nhấn mạnh “Thi ca hợp vi sự nhi tác” (thi ca sáng tác hợp với sự vật), vì vậy các tác phẩm của ông nổi tiếng về phản ánh hiện thực, thường dung dị dễ hiểu, đạt đến trình độ già trẻ đều hiểu được. Bạch Cư Dị cũng là một nhà văn nhiều sáng tác, với gần 3.000 bài thơ còn lưu lại, nhiều nhất thời nhà Đường.
Những bài thơ của Bạch Cư Dị nổi tiếng vì phản ánh hiện thực và dễ hiểu, có thể đạt đến mức già trẻ đều hiểu được. Chân dung Bạch Cư Dị trong Bộ sưu tập Cung điện nhà Thanh.
Trong nhóm văn nhân thời Đường, Bạch Cư Dị tương đối may mắn, sinh ra trong một gia đình làm quan theo nghiệp Nho ở Thế Đôn. Ông đỗ tiến sĩ năm 19 tuổi, cuối đời làm quan đến tam phẩm, có thể nói là thực hiện được lý tưởng Nho gia “học nhi ưu tắc sĩ” (học giỏi thì ra làm quan) của văn nhân cổ đại. Tuy nhiên đằng sau hào quang của công thành danh toại, là một Bạch Cư Dị lưu ly thăng trầm, lúc khởi lúc lạc của nhân sinh tế ngộ. Mà điều trùng hợp là, ông vì thế mà một đời đã ba lần đi xuống miền nam, mang theo mối duyên bất giải với Giang Nam, thì mới có bài thơ “Tiền Đường hồ xuân hành” trên thế gian.
Vào giữa triều đại nhà Đường, khi phiên trấn cát cứ (chư hầu đòi ly khai), Bạch Cư Dị khi 11 tuổi đã gặp phải chiến loạn, gia đình ông phải chuyển đến Việt Trung (nay là Thiệu Hưng) tị nạn. Tám năm sau, ông phẫn lực học tập, du lịch đến Giang Nam, trải qua những năm tháng tuổi trẻ ở Việt Trung. Đoạn thời gian này, những bài thơ còn lưu tồn của Bạch Cư Dị không nhiều, nhưng ông đã lưu lại danh tác thiên cổ “Phú đắc cổ thảo nguyên tống biệt”, hiển lộ thiên phú hơn người của ông.
Sau khi có tên trong bảng vàng, Bạch Cư Dị tâm hoài nhiệt tình và lý tưởng, lần đầu tiên bước vào sự nghiệp sĩ đồ. Thời còn đảm nhiệm chức tả thập di, ông được hoàng đế sủng ái vì văn chương xuất chúng. Bạch Cư Dị được cổ vũ, dám lên tiếng tại triều đình, trong thi ca đề xướng thời sự, thậm chí chẳng sợ long nhan mà chỉ thẳng những sai lầm của hoàng đế. Lòng cương trực và trung thành của ông khiến hoàng đế phiền não, quyền quý oán hận, cuối cùng đã mang đến tai họa cho ông. Năm Nguyên Hòa thứ 10 (815), Bạch Cư Dị bị vu hãm tội danh ngôn sự vượt chức, làm hại danh giáo, bị giáng làm tư mã Giang Châu.
Từ một thiên tử ngôn quan đến quan lại nhàn rỗi, đó là một bước ngoặt cực đại đối với Bạch Cư Dị trong sự nghiệp và cuộc đời ông. Tuy nhiên, sau khi vượt qua những gian nan cay đắng và bi lương của chuyến lưu đày, ông đã phát hiện ra niềm vui sơn thủy ở Giang Châu, tìm ra cách để giải tỏa những muộn phiền và thất vọng. “Mộc lạc thiên tình sơn thúy khai, ái sơn kị mã nhập sơn lai”, ông du lãm sơn tự, lưu luyến suối đá, tìm đến nơi tâm linh được nghỉ ngơi. “Phiếm liễm vi vũ triêu, hoằng trừng minh nguyệt tịch”, ngay cả một cái ao trong phủ xá cũng có thể gột rửa bụi trần, khơi dậy thi tâm vô hạn của ông.
Ông sống ở Giang Châu hơn ba năm, và để lại hơn 300 bài thơ. Ông viết nên cảnh đẹp tú lệ của sơn thủy, mô tả việc tham thiền, kết giao sự tích của tăng lữ, cũng bày tỏ sự mâu thuẫn và tiếc nuối sự nghiệp trầm luân, chí hướng khó vươn. Tác phẩm đại biểu “Tì bà hành” của ông chính là được sáng tác lúc đó. “Giang Châu tư mã thanh sam thấp”, ở điểm thấp nhất của cuộc đời, nhưng lại sinh ra thi ca phồn hoa diễm lệ, luyện tạo tâm chí và linh hồn của Bạch Cư Dị. Về sau, ông đối với vinh nhục được mất, hoạn hải thăng trầm, đều có thể ứng đối bình tĩnh, cảnh giới nhân sinh từ đó càng bác đại thoáng đãng.
Sau đó, Bạch Cư Dị trở lại triều đình, được thăng quan ngũ phẩm. Trước thế cục trong ngoài triều chính, ông thâm cảm bản thân khó làm được việc gì, lại manh nha ý muốn thoái ẩn, nên đã tự thỉnh đến nhận chức ở Hàng Châu. Với tư cách thứ sử Hàng Châu, Bạch Cư Dị trước hết là một vị quan phụ mẫu cần mẫn chính sự, yêu dân như con. Ông chủ trì khơi thông các giếng cổ, giải quyết vấn đề nước sinh hoạt; tu bổ đê bao để trữ nước, nhằm nâng cao năng lực tưới tiêu của Tây Hồ; viết “Tiền Đường hồ thạch ký” để truyền lại kinh nghiệm trị thủy cho đời sau. Trước khi rời nhiệm sở, ông còn dùng lương bổng để lưu lại một “ngân quỹ” chính phủ.
Ngoài việc chính sự, Bạch Cư Dị còn bước vào sơn thủy của Hàng Châu, đặc biệt yêu thích cảnh đẹp Tây Hồ, để lại nhiều thi tác về Tây Hồ. “Thùy khai hồ tự tây nam lộ, thảo lục quần yêu nhất đạo tà” là cảnh trí yêu kiều của những rặng liễu trên bờ đê trắng; “Tùng bài sơn diện thiên trọng thúy, nguyệt điểm ba tâm nhất khỏa châu” là hàng tùng khiến sơn sắc xanh thêm ngàn lần, bóng trăng trong nước hồ như ngọc châu.
Ông thường xuyên du ngoại Tây Hồ, không những “hành bất túc”, cảm thấy đi chưa đã, mà còn “câu lưu”, nấn ná mãi không thôi. Có lẽ, lý tưởng phục quốc, giúp dân đều dồn vào đó, cũng được nuôi dưỡng bởi tâm cảnh khoáng đạt ung dung, nhờ thế Bạch Cư Dị có thể bằng huệ nhãn thi tâm tìm ra vẻ đẹp tối ưu mỹ của Tây Hồ, và nhờ đó kiệt tác “Tiền Đường hồ xuân hành” đã ra đời.
Hương Thảo biên dịch.
<
p style=”text-align: right”>Nguồn: Sưu Tập