Thế giới chúng ta đang sống này là do những thứ “hữu hình” và “vô hình” cấu thành. Hiểu rõ quy luật vận hành của vũ trụ, chúng ta mới có thể kiểm soát tốt hơn cuộc đời của chính mình.
Ví như có một ngày, bạn lái xe đến gặp một khách hàng quan trọng, trên đường trông thấy chiếc xe của một cặp vợ chồng già bị nổ lốp. Bởi vì bạn đang vội nên không muốn quản sự việc này, nhưng trong tâm lại day dứt không yên, cảm thấy nhất định phải quản, thế là bạn dừng xe lại giúp họ thay lốp.
Bạn thay lốp xong rồi, người ta muốn gửi bạn chút tiền để tỏ lòng cảm ơn, bạn lại khéo léo từ chối, và chúc hai cụ thượng lộ bình an, sau đó bạn tiếp tục lên đường.
Khi bạn đến điểm hẹn thì phát hiện ra là vị khách hàng đó còn đến muộn hơn bạn, hơn nữa vị khách đó lại rất vui mừng ký hợp đồng với bạn.
Lúc đó, liệu bạn có cảm thấy mình rất may mắn không? Đây không phải là vận may, mà là quy luật của vũ trụ.
Dưới đây là 11 định luật mạnh gấp 100 lần phong thủy, giúp bạn hiểu rõ được phần nào quy luật của vũ trụ.
1. Định luật nhân quả
Trên đời không có việc gì xảy ra là ngẫu nhiên, việc gì cũng có nguyên nhân của nó. Vận mệnh con người đương nhiên cũng tuân theo định luật này. Tư tưởng, lời nói và hành vi của con người đều là Nhân, và nó sẽ sinh ra Quả tương ứng. Gieo Nhân lành thì sẽ gặt Quả lành, gieo Nhân ác thì sẽ gặt lấy Quả ác.
Con người chỉ cần có tư tưởng là đã không ngừng “gieo trồng nhân”, còn như gieo trồng “nhân thiện” hay “nhân ác” đều do bản thân quyết định cả.
2. Định luật hấp dẫn
Tâm niệm (tư tưởng) của con người và hiện thực nhất quán với nó luôn luôn hấp dẫn lẫn nhau.
Một người nếu cho rằng đường đời đầy rẫy chông gai cạm bẫy, ra khỏi cửa thì sợ ngã, ngồi xe sợ tai nạn giao thông, kết giao sợ bị lừa gạt, thế thì hiện thực mà người đó sống trong đó sẽ là hiện thực nguy cơ tứ bề, hễ không cẩn thận thì thực sự gặp ngay tai họa.
Một người nếu cho rằng thế giới này có rất nhiều người coi trọng nghĩa khí, thế thì người đó sẽ luôn gặp những người bạn nghĩa hiệp, luôn biết quan tâm giúp đỡ lẫn nhau.
Tại sao vậy? Hiện thực sở tại của con người là do tâm niệm của con người hấp dẫn đến, con người cũng bị hấp dẫn bởi hiện thực nhất quán với tâm niệm của bản thân. Loại hấp dẫn lẫn nhau này không lúc nào là không diễn ra theo phương thức tiềm thức mà con người khó lòng quan sát phát hiện ra được.
Tâm niệm một người mà tiêu cực, xấu ác, thế thì hoàn cảnh mà người đó ở trong đó cũng tiêu cực, xấu ác, người xung quanh người đó cũng cùng loại như vậy.
Tâm niệm một người mà tích cực, thiện lương, thế thì hoàn cảnh xung quanh cũng tích cực, thiện lương, người đó cũng hấp dẫn những người tích cực, thiện lương đến với mình.
3. Định luật tin tưởng
Nếu con người hoàn toàn tin tưởng một sự việc nào đó sẽ xảy ra, bất kể là việc tốt hay việc xấu, lành hay dữ, thì việc này rất có khả năng sẽ xảy ra trên thân họ.
Một người hoàn toàn tin tưởng vào những điều tích cực nhất định sẽ xảy ra với mình, thế thì sự tình tích cực sẽ thực sự xảy ra. Còn như một người hoàn toàn tin là tuổi thọ của mình không còn bao lâu nữa, thế thì người đó sẽ qua đời mau chóng.
Nguyên tắc thay đổi vận mệnh là: Dùng niềm tin tốt đẹp thế chỗ cho niềm tin không tốt.
Có niềm tin tốt là một loại phúc báo, muốn gieo trồng phúc lành cho mình thì trước hết cần phải xây dựng được niềm tin tốt đẹp. Như thế sẽ hình thành một vòng tuần hoàn tốt đẹp, cuộc sống sẽ càng ngày càng thuận lợi.
4. Định luật thả lỏng
Chỉ khi trong tình trạng tâm thái thả lỏng thì con người mới có thể có được thành quả tốt nhất. Bất kể tâm thái lười nhác hay sốt ruột nào đều sẽ đưa đến kết quả không tốt.
Tâm thái thế nào mới là tốt nhất đây? Đáp án chính là càng vô tư trong sáng thì càng tốt.
Ngắm chuẩn mục tiêu vào những thứ bạn mong muốn như nhân cách lý tưởng, cảnh giới lý tưởng, quan hệ giao tiếp lý tưởng, cuộc sống lý tưởng… sau đó thả lỏng tâm thái, tinh tấn nỗ lực làm những việc bạn muốn làm.
Đừng cứ khăng khăng lo lắng rằng khi nào chúng đến, nếu thế thì chúng sẽ đến với tốc độ nhanh đến mức khiến bạn phải giật mình kinh ngạc. Nếu bạn càng lo nghĩ, sốt ruột về kết quả thì bạn càng không đạt được kết quả như mong đợi, thậm chí còn nhận lấy kết quả ngược lại.
Lấy thí dụ: Đêm hè nóng nực bị mất điện, bạn nằm trên giường mồ hôi ướt sũng, không sao ngủ được, cảm thấy rất là khó chịu, luôn nghĩ khi nào mới có điện đây.
Trong khi bạn sốt ruột thì điện mãi vẫn không có. Nhưng cuối cùng khi bạn chịu đủ rồi, đầu óc an tĩnh xuống, không còn sốt ruột suy nghĩ nữa, lúc này tự nhiên cũng cảm thấy mát mẻ, và sắp đi vào giấc ngủ, lúc này đột nhiên có điện, căn phòng bừng sáng, quạt gió thổi vù vù.
Đây không phải là trùng hợp, không phải là mê tín, mà đây chính là định luật thả lỏng.
Thiền sư Vân Cốc trong “Liễu Phàm Tứ Huấn” yêu cầu Liễu Phàm tiên sinh niệm chú Chuẩn Đề phải đạt đến cảnh giới không nghĩ không tưởng, chính là đạo lý này.
Cái gọi là “vô niệm” không phải là không có niệm đầu nào trong tâm, mà là có niệm đầu nhưng không trụ lại, “vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm”, tức là không có chỗ trụ, thì cái tâm ấy mới xuất hiện.
5. Định luật hiện tại
Con người không thể thay đổi được quá khứ, cũng không nắm giữ được tương lai, chúng ta chỉ sống ở hiện tại.
Điều mà chúng ta có thể quyết định, có thể thay đổi được chỉ là bản thân mình, tâm niệm, lời nói và hành vi của chính mình ngay trong giờ phút này. Quá khứ và tương lai đều không tồn tại, chỉ có thời khắc hiện tại mới là chân thực.
Theo định luật hấp dẫn, nếu cứ mãi tiếc nuối quá khứ thì sẽ bị những dằn vặt và hối hận buộc chặt, không thể nào dứt ra được. Nếu cứ mãi lo lắng tương lai thì sẽ tự chiêu mời những sự tình không muốn xảy ra trong đời người.
Tâm thái đúng đắn mà ta nên có là: Vận mệnh dẫu tốt hay xấu cũng vậy, chúng ta không cần phải để ý đến chúng nữa, chỉ tích cực chuyên tâm điều chỉnh tốt những tư tưởng của bây giờ, sửa đổi tốt những lời nói và hành vi của bây giờ, thì vận mệnh sẽ rẽ sang chiều hướng tốt một cách không tự biết.
6. Định luật đáng có được
Thứ mà bạn có được đều là những thứ bạn đáng được nó.
Mỗi người chúng ta đều sẽ có được tất cả những gì đáng nên được, chứ không phải là tất cả những gì muốn có được.
Cái “đáng được” này chính là chúng ta làm gì, nghĩ gì, phát ra niềm tin như thế nào, thì chúng ta sẽ được hồi báo như thế ấy.
Hết thảy những gì chúng ta có được đều không phải là tự nhiên có được, mà đều là đáng có được. Cũng như vậy, nếu chúng ta không thể có được, điều đó chứng minh những thứ chúng ta muốn có đó không phải là những thứ chúng ta đáng được có.
Câu cổ ngữ: “Người có ngàn vàng thì sẽ có được ngàn vàng, người phải chết đói ắt sẽ phải chết đói”, chính là đạo lý này. Vậy nên nhất định phải nâng cao giá trị của bản thân, sau khi giá trị bản thân nâng cao rồi thì những thứ mà chúng ta đáng được, bất kể là về lượng hay về chất, đều sẽ được nâng cao.
7. Định luật làm lợi cho người
“Làm lợi cho người” chính là: thành toàn điều tốt đẹp cho người, để người khác có được chỗ tốt. Nếu mọi việc mọi nơi bạn đều nghĩ cho người khác, tạo phúc cho người khác, thế thì cuối cùng người được ích lợi lại là chính bạn.
Làm lợi cho người không phải là hy sinh bản thân, cũng không phải xem nhẹ bản thân, mà là tuần hoàn năng lượng của sự cho đi và nhận được, xây dựng được giá trị lớn hơn cho bản thân thông qua các mối quan hệ của sinh mệnh.
Người xung quanh bạn đều vui vẻ hạnh phúc, thế thì cuối cùng người hạnh phúc nhất chắc chắn sẽ là chính bạn. Bạn thành toàn thành tựu và thành công cho người khác, thế thì cuối cùng người thu được thành tựu lớn nhất cũng là chính bạn.
Có những công ty được thành lập với mục tiêu trần trụi là chạy theo lợi nhuận tối đa, những công ty này thường tồn tại trong thời gian ngắn, chỉ trong một hoặc hai năm đã lụi tàn; còn những công ty cố gắng cam kết cung cấp cho khách hàng những dịch vụ chất lượng cao và sản phẩm chất lượng cao cho xã hội thường tồn tại lâu dài, càng làm càng lớn.
Đây chính là định luật gián tiếp khởi tác dụng.
Nếu chúng ta chỉ chăm chăm làm lợi cho mình, thì cuối cùng sẽ tổn hại chính mình. Điều đáng nói là: Trong định luật làm lợi cho người, nâng cao giá trị của người khác và nâng cao giá trị bản thân thường là xảy ra đồng thời. Tức là khi bạn nâng cao giá trị của người khác thì giá trị của bạn cũng đồng thời được nâng cao.
8. Định luật cho và nhận
Định luật cho và nhận chính là định luật bảo toàn năng lượng. Tức là: Bạn cho đi bất kỳ thứ gì, cuối cùng ông trời sẽ hồi báo cho bạn gấp bội.
Bạn cho đi tiền bạc hoặc vật chất, thì sẽ nhận được hồi báo tiền bạc hoặc vật chất gấp bội. Bạn cho đi niềm vui, khiến người khác vui vẻ thì sẽ được người khác cho lại niềm vui gấp bội. Bạn cho đi sự yên bình, khiến người khác yên lòng, thì sẽ nhận được sự an lạc gấp bội. Trái lại nếu điều mang đến cho người khác là sự bất an, chán ghét, tức giận, ưu sầu, thì bạn cũng sẽ nhận lại những báo ứng này gấp bội.
Khi bạn trao tặng một trái tim thuần chính thuần khiết cho người khác, hoàn toàn không có tư dục và vọng niệm, thì thứ quay trở lại với bạn cũng chính là sự hồi báo thuần chính dồi dào nhất.
9. Nguyên tắc yêu bản thân
Học biết thực sự yêu bản thân.
Yêu bản thân không phải là tự luyến, cũng không phải là tự tư tự lợi, mà là bất kể giàu hay nghèo, bệnh tật hay khỏe mạnh, đều yêu quý bản thân mình, tiếp nhận bản thân mình.
Khởi đầu của hết thảy tư tưởng, lời nói và hành vi làm lợi cho người khác đều là chấp nhận hết thảy của bản thân, và thật sự yêu quý bản thân mình. Điểm này vô cùng quan trọng.
Một người ngay cả bản thân mình cũng không yêu, thế thì người đó cũng không thể thật sự yêu thương bất kỳ ai.
Chỉ khi bạn yêu chính mình, thì mới có thể yêu thương người khác, yêu thương thế giới này, mới có thể thật sự có được niềm vui, bình yên và không sợ hãi, mới có thể có được tấm lòng rộng mở thật sự.
Nếu bạn không yêu mến, không hài lòng với chính mình, thế thì bạn không thể nào thực sự yêu thương người khác, điểm này vô cùng quan trọng. Có một số người đánh đồng yêu bản thân với tự tư tự lợi, đây là kiến giải sai lầm.
Thể nghiệm kỹ lưỡng sẽ phát hiện ra, nếu bạn không yêu quý, không hài lòng với chính bản thân mình, thế thì rất dễ nảy sinh tâm đố kỵ và tâm oán hận. Bạn cũng là một thành viên trong tất cả chúng sinh, trong khi yêu quý chúng sinh thì tại sao lại loại trừ bản thân mình?
Do đó trước tiên cần phải nhận thức rõ bản thân, trước tiên phải làm người bạn tốt của chính mình, rồi mới nói đến chuyện yêu thương người khác.
10. Nguyên tắc khoan thứ
Nếu ví tư tưởng tiêu cực như một cái cây, thế thì rễ cây chính là cái tâm sân hận, chặt đứt rễ cây này thì cái cây đó không sống được nữa. Muốn chặt đứt rễ cây này thì ắt phải hiểu được thế nào là khoan thứ.
Khoan dung và tha thứ không phải là vì bất kỳ người nào khác, mà là vì chính bản thân bạn.
Khoan dung là khiến cho bản thân mình trong cuộc đời này không phải lúc nào cũng mang gánh nặng của sự thống khổ và oán hận, để bản thân mình có được sự giải thoát thực sự, để bản thân mình không còn từng giờ từng phút bị oán hận và tâm trạng tiêu cực nuốt chửng.
Tinh thần dằn vặt nặng nề gông cùm sẽ khiến bạn không thể nào đạt được thành công, trái lại còn ngăn cản bạn, khiến bạn trở thành một con người hoàn toàn khác.
11. Nguyên tắc chịu trách nhiệm
Làm người, mỗi người chúng ta đều phải chịu hết thảy trách nhiệm đối với bản thân. Khi lựa chọn thái độ chịu trách nhiệm đối với bản thân, thì chúng ta sẽ nhìn về phía trước, xem mình có thể làm được những gì.
Người mà nếu tâm ỷ lại quá nặng, họ thường sẽ nhìn lại quá khứ, nhìn chằm chằm vào những chuyện đã xảy ra trước đây và sự thật đã không thể thay đổi mà thở ngắn than dài. Trên thực tế, người duy nhất chịu trách nhiệm đối với bạn cũng chỉ có thể là chính bạn mà thôi.
Chúng ta cần hiểu rõ rằng, sinh mệnh của chúng ta là của chính chúng ta, không phải của bất kỳ người nào khác.
Chúng ta cần chịu trách nhiệm đối với sinh mệnh của chúng ta, chịu trách nhiệm đối với sự lựa chọn của mình, chịu trách nhiệm đối với sai lầm của mình, chịu trách nhiệm đối với hành vi, lời nói, tâm tư và ý niệm của mình.
Khi một người có trách nhiệm đối với bản thân, thì người đó sẽ tràn đầy sức mạnh, sẽ không ngừng đi sang chiều hướng tốt đẹp hơn. Cũng chỉ có chịu trách nhiệm với bản thân, thì mới có thể sống một cuộc đời chân chính, sẽ không việc gì, chỗ nào cũng ỷ lại người khác, sẽ không đặt mình ở vị trí người bị hại chờ đợi sự cứu giúp, sẽ không dậm chân một chỗ mà oán trời trách người.
Vậy nên cần thời thời khắc khắc nhắc nhở bản thân rằng, mình phải chịu trách nhiệm hoàn toàn đối với tất cả lời nói, hành vi, cảnh ngộ và cuộc sống của chính mình.
Vũ Dương.
<
p style=”text-align: right”>Nguồn: Sưu Tập