Tháng Chạp, tháng cuối cùng của năm, nghe trong gió đã thấy vị Tết Nguyên đán tới trước cửa.

Vì sao tháng 12 âm lịch được gọi là tháng Chạp?

Tháng Chạp, hay còn gọi tháng “củ mật” chỉ tháng cuối cùng của năm âm lịch. Tháng Chạp luôn bắt đầu sau ngày Đông chí.

Tháng Chạp, tháng cuối cùng của năm để mọi bộn bề công việc dần được khép lại và chuẩn bị đón Tết Nguyên đán. Tháng Chạp đến là lúc người ta thấy làm cả ngày cũng không hết việc. 

Trong văn hoá xưa của người Trung Quốc, tháng Chạp còn được gọi là tháng Quý đông (tháng cuối cùng của mùa đông) hay tháng Lạp Nguyệt. Tại sao lại gọi là Lạp Nguyệt?

Sở dĩ, ”lạp” mang nghĩa chuyển tiếp giữa cái cũ và cái mới, “lạp” cũng có nghĩa là thịt. Người Trung Quốc xưa kia, bắt đầu từ tháng Chạp đã ướp thịt khô vào mùa đông để dành ăn Tết.

Đồng thời, ”lạp” cũng là lúc người Trung Quốc thực hiện lễ tế cuối năm. Lạp ở đây còn có nghĩa là ”lạp mả” – thăm nom, sửa sang phần mộ của tổ tiên, mời các cụ về ”đón Tết” cùng cháu con. Ở Trung Quốc, tháng Chạp còn diễn ra lễ hội cầu may đó là Tết Lạp Bát. 

Người Á Đông coi trọng nông nghiệp bởi vậy người xưa quan niệm rằng, mùa màng bội thu là nhờ trời đất ban cho nên cúng trời đất để tạ ơn. Người ta gọi đó là Lạp Tế.

Người Trung Quốc thực hiện lễ này vào ngày 8/12 âm lịch, sau khi nghi lễ kết thúc, người ta nấu cháo bằng các loại đậu, kê mới để cúng bái tổ tiên và chiêu đãi mọi người. 

Đối với người Việt ta, đức hiếu sinh và sự hiếu thảo với các bậc tổ tiên được thể hiện rõ qua việc thờ cúng. Bởi vậy, tháng Chạp là tháng quan trọng trong năm mà người dân cả nước hướng về một cái Tết đoàn viên, sum vầy bên gia đình.

Tháng ”củ mật” cuối năm, ai nấy đều hối hả, tất tả cố hoàn tất các công việc còn dang dở, dốc sức ”cày cuốc” để có thể sắm một cái Tết ấm. Trước khi đón đêm Giao thừa thiêng liêng, tháng Chạp là tháng có nhiều lễ nhất. 

Tết Nguyên đán thiêng liêng và quan trọng trong tâm thức người Việt. Chỉ cần sau vài ngày đầu tiên của năm mới, các lễ hội truyền thống của mùa xuân sẽ bắt đầu. Và tháng Chạp chính là khúc dạo đầu của các lễ hội mùa xuân ấy.

Người dân khắp cả nước rộn ràng sắm sửa, đi chợ Tết, dọn dẹp nhà cửa, mua tranh, làm cỗ cho đến đêm Giao thừa. 

Tháng Chạp – tháng bận rộn nhất trong năm

Có lẽ, cái ”mùi Tết” bắt đầu xộc đến nhanh chóng khi qua ngày cúng ông Công ông Táo. Những phiên chợ Tết rốt ráo trình làng những thứ tươi thắm, thơm ngon nhất. Nói như cụ Nguyễn Văn Huyên về Tết Nguyên đán của người Việt Nam thì tháng Chạp là thời kỳ hoạt động kinh tế khẩn trương. 

Việc mua bán phát triển một cách lạ thường ở tất cả các chợ trong nước. Người ta tranh nhau trả giá cao nhất củ thuỷ tiên nở bông hoa đầu tiên đúng trong đêm giao thừa, cái cây trĩu quả đỏ, cành đào hoặc hải đường với vô số nụ hồng hay đỏ,...”.

Đi chợ Tết

Phải chăng, đi chợ Tết ngoài mua sắm đồ lễ, thực phẩm, lá dong, gạo nếp,… người ta còn phải sắm cho kỳ được những bó lay ơn sắc thắm, những bó thược dược bông to nhất hay những cành đào nhiều nụ nhiều lộc.

Ở phía Nam, người ta chọn những chậu mai vàng căn ke cho sao nở vào dịp Tết, chứ nở bung trước Giao thừa thì cũng hụt hẫng lắm. 

Tất cả những thứ ấy nhằm để “bên trong mỗi ngôi nhà cần phải có bầu không khí nhuốm màu sắc rực rỡ là biểu tượng của hạnh phúc, điềm báo trước những sự kiện tốt lành, những cành đào biểu tượng của sức sống và trường thọ” như cụ Nguyễn Văn Huyên đã nhắc trong Hội hè lễ Tết của người Việt vậy.

Hay như Vũ Bằng có nói: “Người vợ ngày nào cũng dậy từ tinh mơ đi chợ để bắt đầu mua các thứ đồ nấu cất sẵn một chỗ, vì sợ để đến Rằm tháng Chạp mới mua thì đã kém ngon mà lại đắt. Hầu sì, bong bóng, bào ngư, bột ngọt, măng tây, vây cá,… tất cả những thứ đó cất sẵn cả vào trong chạn. Tuy vậy, cũng chửa yên tâm. Nhiều khi sực nhớ ra điều gì lại lấy cuốn sổ ra ghi”. 

Thế mới thấy, việc đi chợ Tết phải tỉ mẩn và chu đáo như nào để cả nhà đón Tết vui vẻ, đầm ấm. 

Cúng ông Công ông Táo

Mùng 1 hay ngày Rằm như mọi tháng đều không quá đặc biệt, nhưng vào tháng Chạp còn có lễ cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp như một ngày hội toàn dân vậy.

Như đã nói ở trên, dân ta trọng phần thờ cúng thể hiện tấm lòng thành của phận cháu con, nên dù gia đình giàu có, khá giả hay chỉ đủ ăn cũng cố thực hiện lễ cúng ông Công ông Táo, lễ cúng tất niên chiều 30 Tết, lễ cúng Giao thừa trước thềm năm mới. 

Các chị, các mẹ sau khi lau dọn bàn thờ, tỉa chân nhang thì cúng đưa ông Công ông Táo, các vị thần bếp lên chầu trời.

Theo quan niệm dân gian, vị thần trông coi đời sống của gia đình lên trời để tâu trình với Ngọc Hoàng về cách ăn ở của các thành viên của gia đình trong năm qua. Ấy thế nên chuyến đi lên trời này được mọi người quan tâm hơn cả. Việc bày biện mâm cỗ cúng chu toàn cũng là cách để lấy lòng các vị thần ấy.

Những chiếc mũ bằng hàng mã rực rỡ sắc màu xanh, đỏ, vàng lấp lánh giữa đống thoi vàng được đốt. Người ta cũng chuẩn bị những con cá vàng đẹp, khoẻ để thả xuống sông hồ gần nhất để cá ấy làm phương tiện cho các vị thần cưỡi vượt qua ngàn trùng mây. 

Và đây cũng là cội nguồn của sáng tạo của chương trình Táo quân được chiếu vào đêm 30 Tết. Những vị thần cầm cánh sớ tâu về mọi việc tốt xấu dưới thế gian dưới dạng hài hước, châm biếm gây thích thú cho khán giả mọi lứa tuổi.

Dọn dẹp nhà cửa

Cúng ông Công ông Táo xong thì thời gian như vút bay, ngoảnh đi ngoảnh lại đã hết ngày. Ngày hội toàn dân nhiều người trẻ “khiếp sợ” cũng đã đến.

Dường như việc năm nào cũng phải oằn mình lau từng kẽ của bộ bàn ghế rồng phượng cũng khiến ai cũng cảm thấy Tết nay không nhạt, mà bận ơi là bận. Nhà cửa được dọn dẹp gọn gàng, trước khi trang hoàng các đồ trang trí. 

Trang trí đón Tết

Nhà văn Vũ Bằng có đôi dòng nói về Tết Nguyên đán: “Ở Hà Nội, đến Tết, nhà nào cũng phải có một cành đào hay cây mai, một chậu cúc, cụm hồng nhung hoặc một cặp đỗ quyên có hoa nở đỏ chói để cho vui nhà vui cửa; nhưng có những nhà đặc biệt quan niệm rằng Tết mà không có hai chậu lan chân cua để trưng bày thì cái Tết kém hẳn phần rực rỡ”. 

Đấy là Tết xưa, Tết nay thì vẫn cành đào, cây mai hay chậu quất sum sê, trĩu quả. Thêm vào đó, người dân giờ còn yêu thích cả những chậu địa lan, lan hồ điệp to sang trọng nữa kìa. 

Quanh quẩn đâu đó, là những bình hoa lay ơn đỏ rực hay thược dược to nhiều màu. Rồi thì mâm ngũ quả đầy đặn hương sắc. Những quả dưa hấu to tròn viên mãn được khắc chữ tốt lành cũng được bày biện. Những thứ ấy phả lại “mùi Tết” đã làm sao.

Những câu đối, tranh dán đủ màu sắc cũng được trang hoàng trước cửa. Có nhiều nhà treo đèn lồng hai bên cửa. Việc trang trí coi như xong khi những dây kim tuyến lấp lánh, dây chữ Phúc, Lộc, Thọ, Vạn sự như ý,… được treo lủng lẳng trên những cành đào, cành quất.

Làm cỗ cúng tất niên

Sáng 30, nhiều gia đình đi “lạp mộ”, nhổ cỏ, lau chùi dọn dẹp phần mộ tổ tiên, thắp hương và cúng lễ mời Gia tiên về sum vầy hưởng Tết cùng con cháu. 

Sau đó trở về nhà làm cơm tất niên và cỗ cúng đêm Giao thừa. Những con gà cánh tiên luộc da căng bóng ngậm hoa hồng trêm mâm xôi gấc, bát canh măng bóng tỉ mỉ rắc lên trên vài nhánh mùi,… Mọi thứ đều được chuẩn bị tươm tất cả. 

Nói theo Phan Kế Bính thì: “Tục ta tin rằng mỗi năm có một ông Hành khiển coi việc nhân gian, hết năm thì thần nọ bàn giao công việc lại cho thần kia, cho nên cúng tế để tiễn ông cũ và đón ông mới“.

Tại nhà, khi làm lễ cúng giao thừa, chủ nhà bày hương án ở giữa sân. Mâm lễ gồm bánh trái, trong đó phải có bánh chưng, hương hoa đăng quả thực. Cúng lễ xong người ta đốt một tràng pháo. Tiếng pháo mang sự vui mừng lại, tăng sự hân hoan cho ngày Tết, và tiếng pháo cũng trừ được ma quỷ.

Tết xưa thì có đốt pháo, Tết nay không còn nữa. Cúng xong là lúc sum vầy cùng gia đình đón Giao thừa sang. 

Lễ “tẩy uế” trước đêm Giao thừa

Sau khi các công việc chuẩn bị xong xuôi, trước khi người lớn tuổi nhất trong nhà thắp hương cúng Gia tiên, thường là ông hoặc bố, các bà các mẹ sẽ nấu một nồi nước thơm cực to để tắm và rửa mặt. Những bó mùi già được mua từ 29 hoặc sáng 30 Tết, thêm vỏ bưởi, sả và hương nhu vào. 

Thứ nước thơm ấy tục xưa tin rằng có thể gột bỏ những điều cũ, xui rủi đeo bám trong năm, giúp cơ thể thơm tho, sạch sẽ, tràn ngập năng lượng tích cực để chuẩn bị đón năm mới. Và khi được “tẩy uế” xong, con người thơm tho, sảng khoái sẽ tiến hành cúng đêm Giao thừa.

Tháng Chạp kiêng gì?

Tháng Chạp tuy chưa đến Tết hẳn nhưng cũng đã ”mon men” đến gần hơi thở của năm mới. Bởi vậy, tục ta có nhiều điều kiêng kỵ trong tháng này. 

Chẳng hạn như đã năm cùng tháng tận, ai nấy đều nhanh nhanh chóng chóng hoàn thành công việc, nhiều áp lực hơn nên cũng không tránh khỏi âu lo và nổi nóng nhưng kiêng không gây gổ, xung đột.

Bởi tháng Chạp cũng là tháng làm ăn năng suất cuối cùng của năm, cãi cọ mâu thuẫn sẽ khiến đường tài lộc không được thuận lợi.

Thứ đến là kiêng vay mượn. Dù xưa hay nay thì thời điểm cuối năm ai cũng cần tiền để giải quyết công việc và sắm sửa, trang hoàng nhà cửa đón Tết nên có nợ nần ai, người ta cố gắng trả hết để tránh nợ vắt sang năm mới. Cũng vì thế mà người ta kiêng đi vay lúc cuối năm, tránh báo hiệu một năm mới nợ nần.

Tiếp nữa là kiêng để nhà cửa bừa bộn, lộn xộn. Một năm cũ sắp qua, dù ăn Tết nhỏ hay to, nhà nào cũng cần dọn dẹp cho sạch sẽ, gọn gàng. Cho nên, trong tháng Chạp không thể thiếu được ngày lễ dọn nhà.

Nhà cửa bừa bộn, ẩm mốc chưa kể đến việc xui xẻo trong năm mới hay không, sống trong môi trường như vậy cũng dễ khiến ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Một điều kiêng kỵ nữa là tránh làm việc quá sức và tiệc tùng vô tội vạ. Mặc dù tháng cuối cùng của năm, nhiều người phải tăng ca, cũng đi Tết người này người nọ, các buổi tất niên, liên hoan diễn ra nhiều nhưng vẫn cần giữ gìn sức khỏe bản thân thật tốt.

Việc rượu bia nhiều, ngộ độc rượu, lái xe sau khi uống rượu bia,… đều là những điều không may mắn.

***
Giữa mưa xuân mưa bay nhè nhẹ, lúc ấy nhà cửa trang trí xong xuôi, đèn nến thắp sáng cả không gian, khói hương nghi ngút trên bàn thờ, mâm cỗ bày biện đẹp đẽ, ai nấy lòng đầy hứng khởi đón giây phút thiêng liêng của năm mới. Đó là khi tháng Chạp đã trọn vẹn. 

Cả tháng Chạp tất bật, khẩn trương để đón khoảnh khắc Giao thừa, giao thoa giữa năm cũ và năm mới, giữa quá khứ và tương lai. Muôn nẻo đường của cuộc sống vẫn diễn ra và tất cả chúng ta đều sẽ ước nguyện trong chính ngôi nhà của mình, hy vọng sẽ gặp nhiều may mắn hơn trong năm mới.

* Thông tin trong bài mang tính tham khảo.

<

p style=”text-align: right”>Nguồn: Sưu Tập

Trusted by some of the biggest brands

spaces-logo-white
next-logo-white
hemisferio-logo-white
digitalbox-logo-white
cglobal-logo-white
abstract-logo-white
white-logo-glyph

We’re Waiting To Help You

Get in touch with us today and let’s start transforming your business from the ground up.