Cổ nhân có câu nói: “Tướng do tâm sinh, vận tùy tâm chuyển”, ý nói tướng mạo và vận mệnh của con người đều sẽ theo tâm cảnh mà có sự thay đổi. Dưới đây là câu chuyện mà nhân vật chính nhờ làm việc thiện mà tích được đại đức, nhờ đó mà cải biến vận mệnh của mình.
Những năm Quang Tự đời nhà Thanh, thành phố Hàng Châu, Trung Quốc có một thầy toán mệnh vô cùng nổi tiếng tên là Trần Thất. Do thuật xem tướng mặt của ông rất linh nghiệm, nên mọi người đặt biệt hiệu cho ông là Quỷ Nhãn Thất.
Bấy giờ, Hàng Châu có vị phú thương tên là Tiết Nhị. Tiết Nhị rủ hai người bạn cùng đi xem tướng. Quỷ Nhãn Thất nói với một người bạn của Tiết Nhị rằng: “Sau mùa thu anh sẽ thăng quan”, và nói với người bạn khác rằng: “Sau một tháng nữa anh sẽ phát tài”.
Đến lượt Tiết Nhị, Quỷ Nhãn Thất nhìn anh một cái rồi giật mình nói: “Sắc mặt cậu trông xám xịt như vậy, e rằng không quá 50 ngày sẽ mất mạng, có thể không sống qua Tết Trung thu nữa”.
Người bạn thứ nhất của Tiết Nhị phụ trách văn thư ở nha môn. Một ngày, nọ anh ta đang đi trên con đường núi, nghe nói Tuần phủ đại nhân vào trong núi săn bắn, anh bèn dừng chân quan sát. Một lúc sau, thấy một con gấu lớn đuổi theo một người. Vì để cứu người, anh vội nhặt lấy một khúc gỗ bên đường rồi vội vàng xông lên, chiến đấu với gấu. Được một lúc, lại có mấy quân lính chạy đến, mới hợp sức chế ngự được con gấu.
Sau sự việc, anh chàng này mới biết người mà bị gấu truy đuổi chính là Tuần phủ đại nhân. Để cảm tạ ơn cứu mạng, Tuần phủ đại nhân bèn đứng ra đề bạt anh làm tri huyện của một huyện nhỏ.
Người bạn thứ hai của Tiết Nhị là một tú tài, ông nội chàng ta bệnh nặng, thông báo cho con cháu trở về gặp ông lần cuối, đồng thời căn dặn người nhà rằng: “Ai về nhà đầu tiên thì sẽ tặng cho người đó 5000 lượng vàng chôn ở vườn hoa sau nhà”. Nguyên vị tú tài này là người rất có hiếu, nên anh ngay đêm đó khởi hành vội vã về quê. Về đến nhà, ông nội vẫn còn tỉnh táo, lập tức tặng cho anh 5000 lạng vàng như đã hứa.
Tiết Nhị thấy hai người bạn cùng mình đi xem tướng đều đã ứng nghiệm, thì cho rằng mình khó thoát khỏi ác vận, liền đem tiền của ra làm việc thiện, xây sửa cầu đường, giúp đỡ người nghèo khổ. Anh nghĩ: “Cái chết cũng là chuyện sớm muộn, vậy có gì phải lo lắng buồn phiền?”.
Một ngày nọ, Tiết Nhị đến bên sông Tiền Đường tản bộ, thấy một người có vẻ như chuẩn bị nhảy xuống sông. Tiết Nhị vội vàng chạy lên ôm chặt người đó lại, đồng thời hỏi nguyên nhân tại sao quyên sinh.
Người đó nói: “Tôi tên là Hồ Thụy, là người Dương Châu. Tôi tập trung tiền vốn của mấy huynh đệ lại rồi đi Hàng Châu mua hàng, không ngờ đêm qua có một cơn lốc khiến thuyền chở hàng đã bị chìm rồi. Tuy tôi giữ được cái mạng này, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, chẳng còn mặt mũi nào về quê nữa, chi bằng chết quách cho xong, vậy nên mới muốn nhảy xuống sông tự tận”.
Tiết Nhị nghe xong, dùng lời lẽ khuyên giải, đồng thời tặng cho 2500 lượng bạc. Hồ Thụy cảm ơn và hỏi danh tính Tiết Nhị, Tiết Nhị kiên quyết từ chối không chịu nói.
Sau Tết Trung thu chừng nửa tháng, Tiết Nhị đi dạo trên phố, lại gặp thầy tướng Quỷ Nhãn Thất. Quỷ Nhãn Thất kinh ngạc nói: “Tiết tiên sinh, màu xám trên mặt anh đã biến mất! Anh sẽ không chết nữa, nhất định là anh đã làm việc đại thiện, tương lai còn sống rất thọ nữa đó!”.
Lúc này, trong tâm Tiết Nhị mới hiểu rõ đạo lý “tướng mặt thay đổi theo tâm, làm việc thiện thì sẽ sống thọ”. Anh vui mừng nói với thầy tướng đầu đuôi ngọn ngành, đồng thời cảm tạ thầy tướng đã chỉ điểm.
Sau này, Tiết Nhị một lòng hướng thiện, sống đến 90 tuổi không bệnh tật mà mất.
Có rất nhiều những câu chuyện hành thiện cải biến vận mệnh như Tiết Nhị trong câu chuyện trên, ví như Bùi Độ thời Đường xem tướng khi còn trẻ nói rằng ông ta sẽ chết vì đói, chỉ bởi làm việc thiện mà về sau vào triều làm Tể tướng. Đậu Vũ Quân thời Tống trong mệnh vốn không có con cháu nối dõi, nhưng vì quyên tặng tiền bạc mà về sau có năm người con đề tên lên bảng vàng. Viên Liễu Phàm thời Minh vì tu thân hành thiện mà đã kéo dài thọ mệnh, đắc nhiều phúc báo.
Tuy nói vận mệnh của con người đã được định sẵn, nhưng nếu có thể tích đức hành thiện, duy trí thường hằng, thì tướng mạo, vận khí, gia đình, sự nghiệp của con người cũng sẽ biến chuyển theo chiều hướng tích cực, ngày một tốt hơn lên, có thể nói tích đức hành thiện là pháp bảo cải biến vận mệnh tốt nhất của con người vậy.
Vũ Dương biên dịch.
<
p style=”text-align: right”>Nguồn: Sưu Tập