Những niệm đầu trong tâm có thể mang tới phúc báo cho con người. Người nói chuyện không có khẩu đức, cả đời sẽ rất cực khổ, thê lương.
Người xưa giảng: “Tướng do tâm sinh, mệnh tùy tâm tạo”. Một người có vận mệnh tốt hay không, từ khẩu đức của họ có thể nhận ra. Vì vậy khẩu nghiệp là rất quan trọng. Cả đời người ta không thể ngày nào cũng làm việc thất đức, nhưng những lời nói thất đức, khó nghe, không đúng đắn có thể ngày nào cũng nói ra miệng.
Những lời nói này tích lũy lâu ngày đều có thể khiến phúc báo từ miệng tiêu tan. Vì vậy, người nói chuyện không có khẩu đức, cả đời sẽ cực khổ, thê lương. Nói mà không biết suy nghĩ, lời nói độc địa thốt ra, vừa hại mình lại hại người, chắc chắn vận khí sẽ ngày càng xấu đi, điều không may sẽ ập tới.
Tâm niệm mang lại phúc báo cho con người
Cổ nhân giảng “Ngôn do tâm sinh”. lời nói là do tâm mà sinh ra. Nếu miệng thường nói những lời không hay, bình luận tốt xấu của người khác, nguyền rủa người khác, thì sẽ gây tổn phúc báo rất nhanh. Tâm không tốt thì làm việc cũng lẫn vào những thứ không tốt mà bản thân không tự nhận thức ra. Hơn nữa bản thân lời nói sắc bén như dao kiếm, đôi khi còn làm tổn thương người khác hơn cả gươm đao. Bởi vậy một người luôn tạo “khẩu nghiệp” thì phúc báo sớm muộn gì cũng sẽ chạy hết.
Ác khẩu là điều mà một người bình thường dễ dàng phạm phải nhất, nó trực tiếp thể hiện sự tu dưỡng của người ta. Miệng muốn nói lời hay ý đẹp thì trong lòng phải thiện lương. Người nuôi dưỡng thiện niệm thì mới có thể tránh được việc hao tổn phúc báo.
Biết rõ một chuyện, không nhất thiết phải nói cho hết, hãy lưu lại cho người một đường lui, đây cũng là lưu lại chút thiện duyên cho bản thân mình. Trách một người không cần phải trách móc thậm tệ, hãy lưu lại cho họ một khoảng trống, đây cũng là lưu lại chút độ lượng cho bản thân mình. Đạt được thành quả cũng không cần đòi báo đáp chi li, hãy lưu lại cho người chút hảo cảm, đây cũng là lưu lại chút khiêm nhượng cho bản thân mình. Đúng lý cũng không cần phô trương, hãy lưu lại cho người chút bày tỏ, đây cũng là lưu lại chút khoan dung cho bản thân mình. Tài năng xuất chúng cũng đừng quá ngạo mạn, kỳ thực chính là lưu lại chút hàm dưỡng cho bản thân mình. Những lời đáng giá nhất là những lời mang tính đóng góp, khiến người nghe cảm thấy ấm áp, chân thành. Đây chính là “khẩu đức”.
Cẩn trọng với ác nghiệp
Trong kinh Phật có câu chuyện rằng: Có người nghe Đức Phật rất từ bi, có đạo hạnh, nên cố ý đến mắng nhiếc. Nhưng khi chửi mắng, Đức Phật đều lặng thinh, chẳng đáp.
Khi người ấy mắng nhiếc xong, Phật hỏi: “Ông đem lễ vật tặng người khác, người ấy không nhận thì lễ vật ấy cuối cùng sẽ thuộc về ai?” Người ấy đáp rằng, lễ vật vẫn là của ông ta.
Đức Phật liền nói “Nay ông mắng nhiếc ta, nhưng ta không nhận, ông tự mang vào thân ông vậy. Cũng giống như âm vang là do nương theo tiếng mà có, như bóng do hình mà thành, cuối cùng vẫn chẳng tránh được. Hãy thận trọng, chớ nói lời mắng nhiếc, ác ngữ!”
Luật nhân quả trong đạo gia quan niệm, một việc làm, một lời nói, một ý niệm suy nghĩ của thân, miệng, ý dù đó là thiện hay bất thiện đều đưa đến kết quả nhất định của nó.
Có những hành vi, lời nói, suy nghĩ được lập đi lập lại nhiều lần thì kết quả hiện hành rõ ràng hơn, chi phối mạnh mẽ hơn trong đời sống thường ngày của cá nhân đó.
Cho nên, có câu sách tấn rằng “Phàm làm việc gì, suy nghĩ đến hậu quả của nó”, hay “Bồ tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”, tức là người trí, người giác ngộ thì làm việc gì, nói lời gì, nghĩ điều gì luôn luôn cẩn trọng, cân nhắc đến hậu quả của nó.
Còn người mê thì cứ làm, cứ nói, cứ hành xử theo cảm tính, theo suy nghĩ cá nhân của mình cho thỏa dạ hả lòng, khi hậu quả đến thì lo âu sợ hãi.
Bảo Hân.
<
p style=”text-align: right”>Nguồn: Sưu Tập