“Lòng tham” đúng là không chừa một ai, ngay đến con cá bé nhỏ cũng vì “tham mồi” mới sa phải lưới câu, thì hỏi rằng trước cám dỗ có được mấy người không dao động?
Rất lâu về trước, từng có một chàng thanh niên tìm thấy một chiếc thuyền nhỏ bị bỏ lại trên bờ biển. Cậu mang nó về nhà sửa chữa rồi hằng ngày chèo nó ra khơi đánh cá. Mỗi ngày, dù bắt được cá hay không, cậu cũng đều vui vẻ chèo thuyền ca hát, cuộc sống của cậu trôi qua thật thảnh thơi, êm đềm. Thế rồi một ngày nọ, chàng trai trẻ lại nhặt được một bọc tiền lớn bên bờ biển, cậu quyết định dùng nó đi mua một con thuyền chắc chắn hơn và thuê dân chài phụ giúp mình. Việc làm ăn càng lúc càng phát đạt, con thuyền của chàng trai ngày một lớn hơn, số nhân công cậu thuê cũng ngày càng nhiều. Chẳng mấy chốc, chàng trai đánh cá hôm nào giờ đã trở thành ông chủ thuyền có tiếng trong vùng. Cậu ngày đêm toan tính, kể cả khi ngủ cũng trằn trọc lo nghĩ cho giấc mộng trở thành người giàu có nhất vùng. Dần dần, người ta không còn nghe thấy chàng trai hát những bài hát vui vẻ năm xưa nữa, nụ cười cũng chẳng mấy khi xuất hiện trên khuôn mặt đăm chiêu của cậu.
Rõ ràng cuộc sống đã sung túc hơn, tại sao chàng trai lại có vẻ chẳng hề thoải mái? Đó là bởi khát vọng ‘trở thành người giàu có nhất vùng’ khiến cậu không buông được bàn tính lợi nhuận. Cậu không ngừng muốn có nhiều và nhiều của cải hơn nữa.
Chăm chỉ làm việc là đức tính tốt đẹp của con người, nhưng cân bằng giữa công việc và cuộc sống cũng quan trọng không kém. Nếu chúng ta có thể tiết chế tham vọng để dành ra một chút không gian cho sự yêu thương, mỗi ngày của chúng ta sẽ thật trọn vẹn.
Nhà triết học Aristoteles từng nói: “Nô lệ chính là kẻ để dục vọng chiến thắng lý tính”. Những người theo đuổi vật chất một cách mù quáng, không kể đạo đức, đúng sai sẽ tự biến mình trở thành nô lệ cho lòng tham. Họ bị dục vọng thao túng, vì nó mà bày mưu tính kế, vì nó gây tổn thương người khác, thậm chí vì nó bán đứng lương tâm. Họ tưởng rằng có nhiều của cải đồng nghĩa với hạnh phúc, nhưng trên thực tế, tiền bạc chỉ là công cụ giúp cho con người tận hưởng cuộc sống tốt hơn.
Nữ diễn viên Audrey Hepburn – một huyền thoại trong lịch sử chiếu bóng Mỹ do Viện Phim Mỹ bình chọn – từng nói: “Tiền bạc tự nó không bao giờ có thể khiến con người hạnh phúc. Tuy nhiên nó luôn mang đến cho tôi cảm giác về sự an toàn, cảm giác đó củng cố khả năng hạnh phúc của tôi”.
Vật chất đầy đủ là điều may mắn; một thái độ đúng đắn về tiền bạc sẽ giúp chúng ta thu được lợi ích tốt nhất từ nó.
Người xưa tin rằng: Mọi thứ phú quý, quan vị (chức quan) đều là nhờ ‘đức’ mang đến; vậy nên chúng ta cần biết trân trọng những gì mình đang có, đồng thời tu dưỡng bản thân để gìn giữ phúc phận cho con cháu đời sau.
Dưới đây xin được dẫn ra cốt truyện của bài thơ tự sự ‘Ông lão đánh cá và con cá vàng’ do nhà thơ Pushkin sáng tác.
Truyện kể rằng, có hai vợ chồng một ông lão đánh cá sống trong túp lều gỗ nhỏ xiêu vẹo bên bờ biển. Hàng ngày, ông lão đi thả lưới bắt cá, còn bà lão ở nhà dọn dẹp, kéo sợi.
Một ngày nọ, ông lão bắt được một con cá vàng xinh đẹp, con cá cầu xin ông lão thả mình đi và nói: “Tôi sẽ trả ơn cho ông bằng một món quà quý giá, xin ông hãy thả tôi đi, tôi sẽ cho ông bất kể thứ gì ông muốn.”
Thế nhưng, ông lão lương thiện đã thả con cá trở lại biển mà không đòi hỏi điều gì từ nó. Về đến nhà, ông lão đem toàn bộ sự việc kể cho vợ nghe; bà lão nghe xong vô cùng tức giận, bà mắng ông lão là đồ ngốc, bắt ông đi xin cá vàng một cái máng gỗ mới. Ông lão không còn cách nào khác, đành phải đi tìm con cá vàng. Đúng như lời hứa, con cá đã đáp ứng yêu cầu của vợ ông.
Tuy nhiên, bà lão vẫn chưa thỏa mãn, bà lại mắng chồng thậm tệ rồi ép buộc ông phải tới xin cá vàng một căn nhà gỗ. Như trước, con cá vẫn đáp ứng yêu cầu này của bà.
Song, bà lão vẫn chẳng thể vừa lòng, bà bảo chồng đi nói với con cá rằng bà không muốn làm một nông dân thấp hèn nữa, bà muốn làm nhất phẩm phu nhân. Lần này, con cá vàng vẫn làm theo yêu cầu của bà. Thế là, bà lão liền biến thành một nhất phẩm phu nhân, trên thân mang những thứ đồ sang trọng đắt tiền, đứng trước mặt ông lão, bên cạnh bà là một nhóm đầy tớ theo hầu. Sau khi đã trở thành phu nhân quyền quý, bà lão không những không chia sẻ cuộc sống sung túc, giàu sang với chồng mà còn sai ông lão tội nghiệp đi làm việc trong chuồng ngựa.
Cứ như thế qua một tuần, bà lão lại bảo ông lão đi nói với cá vàng rằng mình muốn làm nữ hoàng. Một lần nữa, con cá lại đáp ứng yêu cầu của bà. Tức thì, lớp lớp quan lại quý tộc đứng hầu hạ bà, rót mời bà lão những thứ rượu ngon được chuyển về từ ngoại quốc. Bà lão ăn những món điểm tâm hoa lệ kiểu cách, xung quanh bà là đoàn vệ sĩ oai phong lẫm liệt.
Mặc dù đã trở thành nữ hoàng nhưng bà lão dường như vẫn chẳng mấy hài lòng. Một thời gian sau, bà lão lại ra lệnh cho ông lão đi tìm cá vàng và bảo nó biến bà thành nữ vương của biển cả. Bà muốn cá vàng đích thân tới hầu hạ mình, sẵn sàng chờ mình sai bảo. Lần này, cá vàng không những không đáp ứng yêu cầu, mà còn thu hồi lại toàn bộ những gì trước đây nó đã trao cho bà. Khi ông lão đánh cá trở về, ông lại nhìn thấy căn nhà nhỏ cũ kỹ, và trước mặt bà lão vẫn là cái máng gỗ sứt mẻ ngày xưa.
Những thứ của cải, danh vọng cá vàng mang đến cho gia đình ông lão là sự trả ơn cho tấm lòng lương thiện của ông, ấy là nhờ ‘đức’ mà có được. Thế nhưng, vì bà vợ quá tham lam, đòi hỏi mỗi lúc một quá đáng nên mới khiến cho phần ‘đức’ ấy bị tiêu sạch cả, cuối cùng chẳng còn gì.
Còn về ông lão đánh cá, ông có thực sự không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì không? Đọc xong câu chuyện này, chúng ta dễ dàng phê phán sự tham lam của người vợ và cảm thông cho ông lão hiền lành xấu số, nhưng chẳng phải ông lão chính là nhân tố khiến cho tham vọng của bà vợ ngày một lớn hơn?
Nếu coi bà vợ là hiện thân cho lòng tham không đáy của con người, thì ông lão chính là con người chịu sự chi phối của lòng tham đó.
Biết đủ là một loại trí tuệ; vậy, bao nhiêu là đủ? Thực chất, dù một người phú quý đến đâu cũng sẽ có những lúc cảm thấy thiếu thốn, ông Trời không cho ai tất cả mọi điều trên thế gian. Vì thế, biết đủ ở đây không phải là về mặt vật chất mà là về tinh thần; xác định cho mình một giới hạn và lý trí suy xét trước cám dỗ của tiền tài (đâu là điều bạn thực sự mong muốn và thực sự trân trọng), bạn sẽ có thể thu được sự thỏa mãn tốt nhất từ cuộc sống hiện tại.
Trường Lạc.
<
p style=”text-align: right”>Nguồn: Sưu Tập