Vào thời nhà Minh, có một người trường thọ tên là Vương Sĩ Năng. Theo ghi chép trong cuốn “Canh Tị Biên”, Vương Sĩ Năng là người vùng Hải Châu. Ông sinh vào năm Chí Chính thứ 24 triều Nguyên (năm 1364), đến năm Canh Mão Thành Hóa triều Minh (năm 1483), thì ông đã 120 tuổi. Vua Hiến Tông triều Minh hạ chiếu mời Vương Sĩ Năng vào cung, thỉnh giáo ông về đạo dưỡng sinh.
Vương Sĩ Năng từ nhỏ đã có hứng thú với thuật dưỡng sinh và trường sinh, ông từng rời quê hương chu du bốn phương để tìm kiếm danh sư.
Một năm nọ, Vương Sĩ Năng đến vùng đất Tứ Xuyên, nghe nói có một ông lão thần kỳ sống trên núi tuyết, ông bèn đến viếng thăm để tỏ lòng ngưỡng mộ. Vương Sĩ Năng thấy ông lão khoác chiếc áo nỉ, nằm trên giường đá. Ông lão thân hình không cao, nhưng tướng mạo ngũ quan cho đến tay chân đều trẻ trung hệt như đứa trẻ. Vương Sĩ Năng liền cung kính chào hỏi, nhưng ông lão chẳng buồn đáp lời. Vương Sĩ Năng một lòng tìm đạo nên đã nguyện hết lòng phụng dưỡng ông lão.
Ông lão rất ít khi ăn, cạnh ghế ngồi có một cái túi, trong đó có đựng thứ gì đó giống như sợi mì khô; thỉnh thoảng ông lại lấy một chút ra ăn, hoặc uống một, hai lít nước suối trong khe núi. Vương Sĩ Năng sống ở đó mấy hôm đã ăn hết số lương thảo mang theo người, bèn quỳ xuống xin ông lão thức ăn. Ông lão lấy mấy thứ trong túi ra đưa cho ông. Sĩ Năng nếm thử một miếng, cảm thấy vừa đắng vừa chát, thật không thể nuốt nổi, đành phải lên núi hái quả dại, đào rễ củ rau rừng để ăn cho đỡ đói.
Sống trong núi 3 năm, Vương Sĩ Năng phụng dưỡng ông lão rất tận tụy, tuy vất vả nhưng lại không bao giờ chểnh mảng. Ông lão thương mến ông, một ngày nọ nói với ông rằng: “Ta có thể truyền đạo cho con rồi, con cuối cùng cũng sẽ phải xuống núi. Mai này nếu không phải là người có căn cơ tốt thì con không được tùy tiện truyền thụ cho người ta”. Ông lão liền truyền thụ phương pháp tu đạo trường sinh cho ông. Sau khi học thành, Vương Sĩ Năng liền từ biệt ông lão và rời đi.
Sau đó một thời gian rất lâu, Vương Sĩ Năng đến Tế Ninh và sống trong một con hẻm hẻo lánh ở phía đông thành thị, ngày thường ông rất ăn đồ ăn nơi nhân thế, mà chỉ ăn vài quả táo, vài cọng rau xanh, thậm chí rất ít uống nước. Vương Sĩ Năng dù đầu tóc bạc trắng, nhưng làn da lại non mịn giống như da em bé vậy, mọi người đều cảm thấy ông rất khác với người bình thường.
Chỉ huy sứ tỉnh Tế Ninh là Vương Tuyên cũng là người Hải Châu, nghe nói có một người đồng hương thần kỳ như vậy liền đặc biệt đến thăm. Khi biết tên của Vương Sĩ Năng, Vương Tuyên đã rất kinh ngạc, nói rằng: “Cháu có nghe tổ tiên kể lại rằng cháu có một người chú tên là Vương Sĩ Năng, từ nhỏ đã xuất gia tầm Đạo, về sau không ai biết chú ấy đã đi đâu. Chẳng lẽ chính là chú hay sao?”. Khi được hỏi về chuyện nhà khi xưa, câu trả lời của Vương Sĩ Năng hoàn toàn khớp với những gì Vương Tuyên biết được. Về sau, ngày nào Vương Tuyên cũng đến viếng thăm Vương Sĩ Năng. Người dân trong vùng biết chuyện đều lũ lượt mang quà cáp đến tặng, Vương Sĩ Năng đều từ chối không nhận.
Một hôm , Vương Tuyên dẫn theo một quan viên đến thăm Vương Sĩ Năng. Vị quan này muốn học chút Đạo thuật, Vương Sĩ Năng nhìn tướng mạo của ông ta và nói: “Ông đang đắm chìm trong thanh sắc, hàng ngày đều làm những điều lố bịch, ông làm sao có thể làm đệ tử của tôi đây!”. Vị quan đó xấu hổ không thôi.
Về sau, vị quan này đã viết một tấu chương lên triều đình, tiến cử Vương Sĩ Năng. Triều đình hạ lệnh cho các quan viên tỉnh Sơn Đông bố trí xe ngựa nghênh đón Vương Sĩ Năng vào kinh thành yết kiến hoàng đế. Minh Hiến Tông dùng lễ tiếp đãi Vương Sĩ Năng, và trọng thưởng cho ông.
Vương Sĩ Năng sống trong hẻm sâu, hàng ngày dành lượng lớn thời gian nhắm mắt dưỡng thần, an nhiên tĩnh tọa. Mỗi khi có khách đến thăm, ông thường chia sẻ với họ về những chủ đề liên quan đến tĩnh tọa, thanh tâm quả dục.
Năm Bính Ngọ (năm 1486), Dương Nam Phong tiên sinh bởi công vụ mà đi ngang qua Tế Ninh, ông mặc thường phục đến thăm Vương Sĩ Năng, thấy ông ấy đang mặc chiếc áo thiền màu trắng, ngồi ngay ngắn trên giường gỗ.
Lúc này, Vương Sĩ Năng đã 123 tuổi, nhưng trông ông như đang ở độ tuổi 40, 50. Dương Nam Phong thỉnh giáo ông về đạo trường thọ, Vương Sĩ Năng nói: “Cũng không có phương cách đặc biệt nào cả, chỉ cần đừng ăn thịt, đừng cưới vợ, đừng so đo tính toán, đừng tranh đấu tức giận là được”. Dương Nam Phong nghe vậy liền cảm khái thở dài, đành phải từ giã ra về.
Thanh Hoa biên dịch.
<
p style=”text-align: right”>Nguồn: Sưu Tập