Hoằng Nhất đại sư từng giảng: “Điều tối kỵ của sự vật là đạt đến đỉnh điểm của sự hoàn mỹ, điều tối kỵ của con người là phất lên như diều gặp gió”. Mỗi người chúng ta đều khao khát sự hoàn mỹ, nhưng cuộc đời mỗi người không ai là không có khoảng trống.
Hoằng Nhất đại sư từng giảng: “Điều tối kỵ của sự vật là đạt đến đỉnh điểm của sự hoàn mỹ, điều tối kỵ của con người là phất lên như diều gặp gió”. Mỗi người chúng ta đều khao khát sự hoàn mỹ, nhưng cuộc đời mỗi người không ai là không có khoảng trống.
Chạy theo sự hoàn hảo sẽ chỉ khiến bản thân tăng thêm phiền não; biết cách để lại khoảng trống mới có thể bảo trì được sự cân bằng, cuộc sống cũng sẽ ung dung và tự tại hơn.
Để lại một khoảng trống cho dục vọng
Lão Tử nói: “Không họa nào lớn bằng không biết đủ, không hại nào lớn bằng ham muốn có được”.
Người ta sở dĩ sống đau khổ không phải vì có được quá ít, mà vì dục vọng quá nhiều. Trong thế giới phồn hoa, người càng tham lam thì càng không biết đủ, cuối cùng lại càng mất đi nhiều thứ.
Hồ Tuyết Nham, một nhân vật huyền thoại chốn thương trường vào cuối triều đại nhà Thanh, đã khởi nghiệp và làm ra tài sản khổng lồ từ hai bàn tay trắng. Tuy nhiên, một doanh nhân giàu có tột cùng như vậy cuối cùng lại thất bại thảm hại, khuynh gia bại sản. Nguyên nhân suy cho cùng chính là vì bản tính đã bị dục vọng lấn át.
Thời những năm Quang Tự, Hồ Tuyết Nham vì trợ giúp Tả Tông Đường thu phục Tân Cương mà được phong quan, quyền thế áp đảo, phú quý tột cùng, sở hữu trong tay hàng loạt ngân hiệu, nhưng ông lại không thỏa mãn. Vì để độc quyền tơ lụa trong nội địa, thu lợi nhuận cao và tiếp tục mở rộng sản nghiệp của mình, ông đã dùng 20 triệu lượng bạc, tích trữ mấy triệu cuộn tơ lụa để bán cho thương nhân nước ngoài với giá cao ngất ngưởng.
Tuy nhiên, sự cố ngoài dự liệu buộc ông phải bắt đầu bán tháo cắt lỗ với giá thấp, và cuối cùng đã lỗ 10 triệu lượng bạc. Do số tiền thua lỗ lớn, doanh thu các hệ thống ngân hàng thuộc sở hữu của ông tạm thời bị ngưng trệ. Thêm vào đó, Lý Hồng Chương – người có thù riêng với ông đã cố tình tung tin ông sắp phá sản ra ngoài. Sau khi tin tức lan truyền, quan chức khắp nơi thi nhau rút tiền gửi, chỉ trong 3 ngày, Hồ Tuyết Nham phá sản, sự nghiệp huy hoàng sụp đổ chỉ trong nháy mắt.
Cuối đời, Hồ Tuyết Nham chết trong nghèo khó và ấm ức ở tuổi 62. Trước khi mất, ông đã dặn con cháu: “Không nên quá tham lam”, “không nên kinh doanh”, đây là một lời cảnh báo của ông cho con cháu đời sau không đi vào vết xe đổ của mình.
Khi một người rơi vào hố đen của dục vọng, thường sẽ đánh mất bản tính của mình, biến mình thành nô lệ của dục vọng. Mọi thứ có được nhờ lòng tham rồi cũng sẽ mất đi bởi lòng tham, thậm chí còn phải trả giá đắt hơn.
Đời người vốn không khổ, điều khiến người ta đau khổ là vì dục vọng quá nhiều; dục vọng vốn không sai, cái sai là bởi lòng tham không đáy. Chỉ khi khắc chế dục vọng, cuộc đời mới có thể có được sự viên mãn, nếu không, dù bạn có bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng chỉ là giả tướng hão huyền mà thôi.
Để lại một khoảng trống cho cuộc sống
Trong “Thái Căn Đàm” có nói: “Người quân tử những khi nhàn rỗi cần có tâm tư bận rộn, lúc bận rộn cần có cái thú an nhàn”. Trên đường đời, chúng ta thường bởi vội vàng đi đường mà bỏ qua cảnh vật dọc đường, thậm chí quên mất bản chất thật sự của cuộc sống.
Khi gặp thời thì hãy thả chậm bước chân, như vậy có thể giúp bạn tích lũy sức lực tốt hơn, vững vàng tiến về phía trước. Đời người không phải cứ ra roi thúc ngựa mới sống được tốt nhất, mà là sự kết hợp giữa công việc và nghỉ ngơi, bận rộn và nhàn hạ, bởi khi sợi dây căng quá sẽ dễ đứt nhanh hơn sợi dây chùng.
Khi còn trẻ, anh bạn tôi đã dành toàn bộ cơ thể và tâm trí của mình cho công việc và có được rất nhiều danh tiếng và tài sản. Nhưng khi lớn hơn, anh bắt đầu cảm thấy bất lực trước số phận, anh mắc bệnh cường giáp, bệnh tim, … nói chung sức khỏe gặp nhiều vấn đề. Anh trông già đi rất nhiều, đầu tóc hoa râm, thân hình gầy gò, hoàn toàn mất đi vẻ phong độ lịch lãm ngày trước.
Mặc dù bận rộn là trạng thái bình thường của đời người, nhưng đừng quên để lại khoảng trống trong cuộc sống và tô vẽ thêm màu sắc cho tâm trạng của bạn. Nếu không ngại trong những ngày tháng bận rộn này, bạn hãy dành ra một chút thời gian nhàn rỗi cho bản thân, thưởng trà, xem phim, nghe nhạc, đi dạo,… để bổ sung năng lượng cho cả thân tâm.
Bận rộn bôn ba chung quy cũng chỉ là vì cuộc sống, hãy tranh thủ giây phút nhàn nhã trong những lúc bận rộn, được vậy mỗi ngày của bạn sẽ tăng thêm niềm vui sống. Lương Thực Thu, nhà văn kiêm nhà giáo dục nổi tiếng Đài Loan, từng nói: “Lý tưởng cao nhất của con người là mọi người đều có thể có thời gian nhàn rỗi, ngoài công việc cần làm ra còn có thể nhàn rỗi làm người, có thể nhàn hạ làm công việc của con người và tận hưởng cuộc sống của con người”.
Để lại khoảng trống trong các mối quan hệ
Từng đọc qua câu chuyện như vậy: Có người đã từng tìm đến họa sĩ Hoàng Vĩnh Ngọc vẽ tranh, họa sĩ Hoàng yêu cầu trả tiền theo giá thị trường.
Người tìm vẽ tranh là bạn thân của nhà văn Kim Dung, còn Kim Dung và Hoàng Vĩnh Ngọc là bạn thân của nhau trong nhiều năm, người tìm vẽ tranh muốn mượn nhờ mối quan hệ này với mong muốn họa sĩ Hoàng có thể hạ giá sản phẩm. Nhưng bất ngờ là họa sĩ Hoàng không những không giảm giá mà ngược lại lại còn tăng giá.
Người tìm vẽ tranh vội vàng gọi điện cho Kim Dung, mong rằng ông có thể mở lời thay mình. Kim Dung biết chuyện liền nói rằng: “Hãy mau nhận lời đi, nếu ông còn nhắc đến tôi nữa, ông ấy còn sẽ tăng giá thêm đấy”.
Thì ra, họa sĩ Hoàng ghét nhất là những kẻ dùng quan hệ đến tìm ông vẽ tranh, nếu ai dùng quan hệ để tìm ông vẽ tranh, thì ông sẽ tăng giá. Dù Kim Dung và Hoàng Vĩnh Ngọc là bạn thân của nhau trong nhiều năm, nhưng cũng sẽ không vượt ngoài nguyên tắc này.
Chúng ta thường cảm thấy, rằng đã là bạn bè, thì nên đồng ý vô điều kiện với yêu cầu của nhau. Như mọi người đều biết, làm như vậy không chỉ khiến đối phương khó xử, mà còn khiến tình cảm của hai bên bị xa cách. Rất nhiều lúc, một mối quan hệ nguội lạnh chính xác là vì đã “vượt qua ranh giới”.
Nếu bạn nghĩ rằng đã quen biết lâu, bạn liền có thể coi đó là điều hiển nhiên; nếu bạn nghĩ rằng đối phương chẳng để bụng, bạn liền có thể muốn sao làm vậy. Nhưng trên thực tế, lòng người không thể chịu được nếu bị bào mòn, tình cảm cũng không thể chịu được nếu bị lợi dụng.
Chính như Tam Mao đã nói: “Dù là bạn bè thân thiết đến đâu thì cũng không thể vượt quá điểm giới hạn của nhau, nhiều người cứ tưởng là quen thân nên không sao, nhưng kết quả nhiều khi lại hoàn toàn ngược lại”.
Mối quan hệ dù thân quen đến đâu cũng đừng quên chừa khoảng trống cho nhau. Mỗi người nên hãy giữ tốt điểm giới hạn của mình, học biết từ chối mọi ràng buộc trong các mối quan hệ.
Mối quan hệ thoải mái nhất giữa người với người kỳ thực là không vượt qua lằn ranh đỏ của nhau, dẫu gần gũi cũng cần có khoảng trống. Đúng như nhà văn Lương Thực Thu đã viết trong cuốn sách “Nói về tình bạn”: “Quân tử kết giao nhạt như nước, chính vì nhạt nên mới không ngấy, chính vì nhạt nên mới có thể bền lâu”.
Để lại khoảng trống trong tâm hồn
Nhà văn Romain Rolland từng nói: “Mọi người cảm thấy mơ hồ, phiền não, chỉ vì góc nhìn của họ quá thiển cận và nghĩ ngợi quá nhiều”.
Nhiều rắc rối trong cuộc sống thường xuất phát từ việc nghĩ ngợi quá nhiều, thậm chí khiến bản thân suy tính thiệt hơn. Chỉ khi buông bỏ chấp niệm, để lại một khoảng trống trong tâm hồn, chúng ta mới có thể sống được thoải mái nhất.
Tăng Quốc Phiên, một vị tướng nổi tiếng vào cuối triều Thanh đã dốc cạn tâm huyết để thành lập Tương quân, nhiều lần vào sinh ra tử nơi sa trường để bình định Thái Bình Thiên Quốc. Tuy nhiên, điều không ngờ là mọi phó xuất toàn tâm toàn ý của ông chỉ đổi lại sự nghi ngờ của triều đình, một chiếu chỉ buộc ông về quê nhậm chức đã tước bỏ binh quyền của ông.
Tăng Quốc Phiên trở về nhà trong tuyệt vọng, dù có nghĩ thế nào cũng nghĩ không thông tại sao mình lại rơi vào hoàn cảnh như vậy. Ông tỏ ra phẫn uất, không cam tâm, thường hay nổi nóng và tự nhốt mình trong phòng không ra ngoài.
Chẳng bao lâu, ông bị ốm nặng không dậy nổi, vị tướng oai phong lẫm liệt ngày trước giờ đây đã biến thành một ông già gầy trơ cả xương, hai mắt gần như bị mù. Người nhà đi khắp nơi tìm kiếm danh y chạy chữa cho ông, nhưng cũng không có kết quả.
Mãi cho đến một ngày tình cờ gặp một đạo sĩ ẩn cư chỉ điểm, ông mới giật mình tỉnh ngộ, bệnh tật cũng dần thuyên giảm. Như có cảm ngộ, ông để lại lời cảnh tỉnh: “Chuyện đã qua đừng luyến tiếc, chuyện trước mắt hãy chú tâm mà làm, chuyện tương lai không cần phải nghĩ ngợi”.
Người sống ở đời, hiếm ai có thể mọi việc đều được như ý, và chúng ta sẽ luôn gặp đủ chuyện khiến ta phiền nhiễu tâm can. Trước những phiền não không thể tránh khỏi này, có người chỉ cười một cái là xong, có người thì mãi cứ canh cánh trong lòng. Những người sống rất mệt mỏi thường là những người thích dùi vào sừng bò, thường hay suy nghĩ lung tung.
Thay vì chìm đắm trong quá khứ, không thể cất bước tiến lên, chi bằng hãy xem nhẹ, buông bỏ quá khứ để giải thoát bản thân. Khi đã gỡ bỏ gánh nặng trong lòng, trút bỏ gánh nặng đè nặng trên người, ta mới có thể nhẹ nhàng tiến bước trên đường đời.
Nhà văn Mạc Ngôn viết trong cuốn “Đàm Hương Hình”: “Điều cấm kỵ nhất trong đời mỗi người chính là chạy theo sự hoàn mỹ”.
Hãy nhìn mặt trăng trên bầu trời kia, một khi đã tròn rồi, lập tức sẽ khuyết dần; quả mọc trên cây, một khi đã chín mọng rồi sẽ lập tức rụng xuống. Phàm là chuyện gì cũng cần chừa lại khoảng trống, có vậy mới tồn tại lâu dài được”.
Theo đuổi sự hoàn hảo luôn là thiên tính của con người, nhưng đời người không thể tránh khỏi những thiếu sót. “Vật cực tất phản”, một người thực sự yêu đời sẽ không bao giờ lấp đầy cuộc đời của mình. Đủ nhưng không đầy, mọi việc cần chừa lại khoảng trống, mới là đạo lý viên mãn của quãng đời còn lại.
Vũ Dương.
<
p style=”text-align: right”>Nguồn: Sưu Tập