Một danh nhân đã từng nói: “Tôi từng nghĩ, người khác tôn trọng tôi vì tôi xuất sắc. Dần dần, tôi hiểu ra rằng, người khác tôn trọng tôi vì họ rất xuất sắc, những người xuất sắc lại càng hiểu việc tôn trọng người khác”. Tôn trọng người khác cũng là tôn trọng và thành tựu chính mình.
Có một ông lão ăn mày áo quần rách rưới, đầu tóc bù xù, cả người đều bốc mùi hôi khó chịu dừng chân trước một tiệm bánh ngọt nổi tiếng trong vùng. Sau một lúc băn khoăn, ông quyết định bước vào và xếp hàng. Nhiều vị khách đang đứng xếp hàng bên cạnh đều tỏ vẻ khó chịu. Có người còn bịt mũi và phàn nàn với nhân viên cửa hàng.
Thấy vậy, anh chàng nhân viên bán hàng quát to:“Ông kia, ông vào đây làm gì đấy? Đi ra ngoài đi!”.
Ông lão ăn mày run rẩy đáp: “Tôi đến mua bánh ngọt mà!”. Ông vừa vét trong túi những đồng tiền lẻ cáu bẩn, hỏi rằng: “Cậu ơi, loại bánh nào ở đây nhỏ nhất?”.
Tôn trọng khách hàng – bài học quý giá của ông chủ tiệm bánh
Đúng lúc này thì ông chủ tiệm bánh nhanh chân bước đến. Ông niềm nở lấy từ trong tủ kính ra một chiếc bánh ngọt nhỏ xinh, đặt vào trong túi giấy, gói ghém cẩn thận rồi đưa cho ông lão. Sau khi nhận số tiền từ ông lão ăn mày, chủ tiệm niềm nỡ tiễn ông lão ra ngoài cửa. Sau đó, ông chủ cúi gập người và nói: “Cảm ơn quý khách đã chiếu cố mua hàng! Hoan nghênh quý khách lần sau lại tới!”.
Ông lão ăn mày cầm chiếc bánh trên tay, nét mặt thể hiện rõ vẻ kinh ngạc, mắt rưng rưng lệ. Có thể đã lâu lắm rồi ông lão chưa được ai đối xử tôn trọng như vậy. Ông lão cười vui vẻ rồi quay người rời đi.
Cháu trai của ông chủ tiệm bánh cũng có mặt và chứng kiến toàn bộ sự việc. Cậu vô cùng thắc mắc nên gặng hỏi: “Ông nội! Sao ông lại niềm nở với ông lão ăn mày đó như vậy ạ? Ông ta có gì đặc biệt sao?”.
Ông chủ tiệm bánh mỉm cười, nói: “Điều đặc biệt nhất chính là ông ấy là khách hàng của chúng ta. Ông ấy đã phải chờ đợi rất lâu, chịu rất nhiều vất vả mới tích góp được những đồng tiền ấy. Sau đó, ông ấy dùng chúng để mua bánh ngọt của cửa hàng chúng ta. Sự ưu ái ấy không đáng để chúng ta niềm nở với khách hàng của mình hay sao?”.
Người cháu trai lại tiếp tục hỏi: “Nếu như vậy thì sao ông còn lấy tiền của ông ăn mày ấy làm gì? Nếu tặng miễn phí cho ông ấy có phải đặc biệt hơn không?”.
Ông chủ tiệm cười đáp: “Hôm nay, ông ấy đến đây với tư cách là khách hàng, chứ không phải đến để ăn xin, cháu ạ! Ông ấy hoàn toàn có đủ khả năng chi trả cho bản thân thì chúng ta phải tôn trọng điều đó. Nếu như cửa hàng chúng ta không lấy tiền thì chẳng phải đã làm nhục ông ấy rồi sao?”.
Sau đó, người ông cũng dạy cháu rằng: “Khi đã làm kinh doanh, nhất định cháu phải nhớ kỹ điều này: Hãy tôn trọng từng khách hàng, bất kể họ là ai, ngay cả đó là một người ăn mày. Bởi tất thảy những thứ chúng ta có được hôm nay đều là do khách hàng mang lại”.
Ông chủ tiệm bánh này chính là ông nội của tỷ phú Nhật Bản Yoshiaki Tsutsumi. Câu chuyện kinh doanh nhỏ chứa đựng bài học “đắt giá hơn vàng” đã giúp Yoshiaki Tsutsumi tìm được phương hướng đúng đắn để ngày một phát triển, khẳng định vị thế của mình trên thương trường.
Có thể thấy rằng, dù là ông lão ăn mày khó coi hay nhân vật sang trọng, họ đều xứng đáng được đối xử như một “Thượng đế”.
Và hơn thế nữa, sự tôn trọng cần được thể hiện bằng thái độ tận tâm thực sự, không phải vì nhắm đến lợi ích đằng sau đó. Vì khi đã có lòng tôn trọng khách hàng, lợi nhuận ắt tự đến.
Ông chủ của tiệm bánh đó chính là ông nội của Yoshiaki Tsutsumi, một doanh nhân Nhật Bản có tiếng (Trong thời kỳ bong bóng kinh tế Nhật Bản, Forbes đã liệt kê Tsutsumi là người giàu nhất thế giới trong giai đoạn 1987–1994 do các khoản đầu tư bất động sản lớn của ông thông qua Tập đoàn Seibu do ông điều hành). Yoshiaki Tsutsumi từng chia sẻ rằng, hành động năm đó của ông nội khiến ông khắc cốt ghi tâm, sau này, ông cũng thường chia sẻ câu chuyện này ở các buổi thuyết giảng, và yêu cầu nhân viên của mình luôn đặt tôn chỉ tôn trọng khách hàng lên hàng đầu.
Có thể thấy, sự “tôn trọng” ở đây, nó không phải là cái phép lịch sự trong xã giao nơi thương trường, mà nó bắt nguồn từ sự đồng cảm, sự thiện lương, sự quan tâm và sự chân thành từ sâu thẳm trong tâm của một người tử tế, sự tôn trọng ấy nó hoàn toàn là vị tha, không mang chút màu sắc vị tư hay lợi ích cá nhân nào trong đó cả, cũng không chịu ảnh hưởng của thân phận hay địa vị. Đây là cảnh giới đạo đức và sự giáo dưỡng của một người, nó vốn là điều không thể giả được, và nó sẽ luôn để lộ ra một mặt chân thật trong nhân cách của bạn.
Mạnh Tử từng nói: “Kẻ yêu người, người sẽ mãi mãi yêu lại. Kẻ kính trọng người, người sẽ luôn kính trọng lại”. Chỉ khi biết cách tôn trọng người khác, chúng ta mới có thể nhận được sự tôn trọng.
Người sống ở đời dựa vào hai chữ “tôn trọng” để đứng vững trong xã hội. Biết đánh giá đúng về lòng tôn trọng mới là người thực sự khôn ngoan. Vì thế, bất kể yêu mến hay chán ghét, mọi người vẫn cần phải dành cho nhau đủ sự tôn trọng.
Phương cách tốt nhất để hòa đồng với tất cả mọi người chính là: Với người ở trên mình thì không kiêu ngạo, với người ở dưới mình thì phải khiêm tốn. Tôn trọng người khác, kỳ thực cũng là đang thành tựu chính bản thân mình.
Tôn trọng người khác là đang thành tựu chính mình
Một người quen là quản lý cấp cao của một khách sạn từng chia sẻ với tôi về câu chuyện phỏng vấn của anh ấy như thế này:
Lần đó, anh ấy đi phỏng vấn cho vị trí trợ lý Tổng giám đốc khách sạn, trải qua vài vòng phỏng vấn, cuối cùng chỉ còn lại anh ấy và một cô gái khác, hai người được trực tiếp phỏng vấn với giám đốc.
Ngày hôm đó, hai người được gọi tới văn phòng của Tổng giám đốc, trên đường lên phòng thì gặp một bác lao công đang lau kính, xe làm vệ sinh của bác đặt ngay bên cạnh, khi bác quay xe không may chiếc xe va vào cô gái kia khiến nước bẩn ở trong xe văng vào hai người. Quần áo và giày của hai người đều bị dính nước.
Cô gái kia tức giận nói: “Bà có mắt không vậy hả? Rõ ràng biết là phía sau có người, hay là bà cố tình vậy? Lát tôi còn đi phỏng vấn, bà xem tôi như này đi gặp người ta, nếu chẳng may có trượt thì bà có chịu được trách nhiệm hay không? Đúng là đen đủi mà!”.
Nói xong, cô quay sang nói với người bạn của tôi: “Anh đợi tôi một tý nhé, tôi đi chỉnh lại quần áo một chút rồi mình cùng đi, đi một mình thì cũng không hay đúng không nào?”. Nói xong, còn chưa đợi đối phương trả lời, cô đã vội vàng đi về phía nhà vệ sinh.
Người anh nghe cô gái nói xong liền mất hết thiện cảm, trong lúc đợi cô ấy, anh ấy nói chuyện với bác lao công, thậm chí còn giúp bác ấy lau những chỗ kính ở trên cao.
Cuối cùng, khi cả hai vừa đặt chân vào phòng làm việc của Tổng giám đốc, vị Tổng giám đốc liền đưa tay ra bắt tay với người ứng tuyển nam và nói: “Chúc mừng, cậu đã được nhận rồi”. Thì ra, sự việc của bác lao công khi nãy chính là thử thách cuối cùng dành cho hai người.
Vị Tổng giám đốc nói: “Chúng ta làm trong ngành dịch vụ, trong lòng phải có người khác, biết cách tôn trọng người khác là điều vô cùng quan trọng”.
Vậy mới nói, tôn trọng người khác chính là biểu hiện quan trọng của một người có đạo đức, hiểu lý lẽ; để tâm tới cảm nhận và biết nghĩ cho người khác, có vậy bạn mới có được sự tin tưởng và ủng hộ của người khác.
Người khác tôn trọng bạn, là bởi vì họ rất xuất sắc
Tôn trọng người khác, chính là sự tu dưỡng của một người, cũng là cơ sở lập thân của một người.
Doanh nhân nổi tiếng Nhật Bản Matsushita trong một lần bị ốm, một vài người bạn đã đến thăm ông. Ông mời họ ra nhà hàng dùng cơm. Ông gọi cho mỗi người một phần bít tết, và mọi người đều ăn uống rất vui vẻ. Riêng bản thân ông chỉ ăn hết một nửa. Ông Matsushita đã nhờ người phục vụ gọi đầu bếp đến.
Người đầu bếp đến và cảm thấy có chút khó hiểu, ông Matsushita nói với đầu bếp rằng: “Mọi người đã ăn sạch miếng bít tết rồi, con tôi chỉ ăn được một nửa miếng này. Không phải bởi mùi vị không ngon, mà vì tôi đã ngoài 80 tuổi rồi, sức ăn cũng kém đi. Tôi muốn nói trực tiếp với cậu vì tôi lo rằng cậu có thể buồn khi nhìn thấy phần thừa của miếng bít tết này”. Sau khi nghe xong, người đầu bếp cảm động, cúi đầu chào ông Matsushita.
Một danh nhân đã từng nói: “Tôi từng nghĩ, người khác tôn trọng tôi vì tôi xuất sắc. Dần dần, tôi hiểu ra rằng, người khác tôn trọng tôi vì họ rất xuất sắc, những người xuất sắc lại càng hiểu việc tôn trọng người khác”.
Ông Matsushita là một trong những doanh nhân vĩ đại nhất Nhật Bản, ông đối xử với mỗi người đều bình đẳng, không vì thân phận mà khinh thường người khác. Ông không cho rằng, chuyện của người đầu bếp là chuyện nhỏ, Matsushita đặt mình vào vị trí của người đầu bếp, và dùng tấm lòng chân thành của mình để đối đãi với ông ấy, không tạo rắc rối cho vị đầu bếp này.
Người ta hay nói rằng đừng bao giờ nghĩ rằng người khác tôn trọng bạn có nghĩa là bạn vượt trội hơn họ. Chúng ta nên luôn biết rằng chính vì sự vượt trội của người khác mà họ tôn trọng chúng ta. Suy cho cùng, những người trí thức thường tôn trọng người khác hơn. Là một trong những doanh nhân vĩ đại nhất Nhật Bản, ông Matsushita đối xử bình đẳng với tất cả mọi người, không coi thường bất kỳ ai về địa vị xã hội của mình.
Chỉ sau khi người ta có thể tôn trọng những người địa vị thấp hơn thì người đó mới được coi là người vĩ đại. Bởi vậy mới nói, tôn trọng người khác, cũng chính là tôn trọng chính bản thân mình.
“Chu Dịch” giảng: “Thượng giao bất siểm, hạ giao bất độc”, nghĩa là không nịnh hót kẻ mạnh, không khinh mạn người yếu hơn mình. Đây là sự lương thiện trong trái tim của một người, cũng chính là nhân cách và sự tu dưỡng của người đó.
Hiểu được cách tôn trọng, sẽ biết đặt mình vào vị trí, hiểu được chỗ khó xử của họ.
Hiểu được cách tôn trọng, sẽ nâng cao sự tu dưỡng của mình, có thể trở thành ngọn đèn cho người khác.
Hiểu được cách tôn trọng, sẽ giúp thăng hoa trí tuệ cảm xúc của mình, khiến mình trở nên ưu tú hơn.
Vũ Dương.
Nguồn: Sưu Tập