Giáo dưỡng là gì? Có người nói: “Giáo dưỡng là sự tu dưỡng bén rễ từ nội tâm, là sự tự giác mà không cần phải nhắc nhở, là sự tự do lấy ước thúc làm tiền đề, là sự thiện lương biết nghĩ cho người khác”.Trong “Tam Tự Kinh”, có nói rằng “dưỡng bất giáo, phụ chi quá; giáo bất nghiêm, sư chi đọa”, tạm hiểu là: Nuôi con mà chẳng dạy dỗ, ấy là lỗi của người cha. Dạy học mà chẳng nghiêm, ấy là sai quấy của ông thầy.
Giáo dưỡng giảng ra thì có vẻ rất to tát, nhưng trong cuộc sống thực tiễn đều chỉ là những chuyện nhỏ nhặt. Nó là sự chừng mực trong lời nói hành vi, sự khoan dung trong giao tiếp, sự nhẹ nhàng trong cách cư xử và sự thiện lương xuất phát từ tận đáy lòng của một người. Đó là một hành động giữa lúc vô ý, một sự bộc lộ trong lúc lơ đãng, là chiều sâu trong tâm hồn không thể che giấu hay giả vờ được. Một điểm cơ bản nhất của giáo dưỡng là: Trong tâm biết nghĩ cho người khác.
Câu chuyện của nữ sinh đại học
Một người bạn của tôi, tên Ngọc, rất yêu quý căn phòng mà cô ấy thuê, căn phòng được bài trí hết sức đẹp mắt và dễ chịu. Bởi công việc cần đi công tác ở thành phố khác trong một thời gian dài, nên Ngọc muốn cho thuê căn phòng của mình, nhưng cô lại lo rằng người thuê không biết gìn giữ, làm hỏng căn phòng thì cô sẽ rất đau xót. Chọn đi chọn lại, cuối cùng Ngọc chọn trúng một nữ sinh đại học mới ra trường, cô nữ sinh này trông rất sạch sẽ gọn gàng, cả hai nói chuyện lại rất hợp gu, vậy là cô sinh viên đã thuận lợi thuê được căn phòng xinh xắn này. Ngày tháng tươi đẹp chẳng kéo dài được lâu, vấn đề không phát sinh ở chỗ này thì là phát sinh chỗ kia, Ngọc phải thường xuyên tìm người đến sửa chữa, cái này tạm không nói nữa.
Ngọc khi còn ở đó có mối quan hệ rất tốt với cô hàng xóm ở căn phòng tầng dưới, cô hàng xóm không ngừng gọi điện đến mách rằng chỗ phòng Ngọc thường có tiếng nhảy nhót, hơn nữa âm thanh trên lầu rất tạp loạn, phải có đến mấy người ở phòng đó, thường lớn tiếng nói đùa đến khuya, khiến cô ấy không sao chịu nổi.
Ngọc đã mấy lần trao đổi với nữ sinh đó, khuyên cô ấy đi đứng nhẹ nhàng, nói chuyện nhỏ tiếng để không làm phiền đến hàng xóm xung quanh, nhưng vẫn không hiệu quả, cô bạn chỉ còn biết xin lỗi hàng xóm hết lần này đến lần khác. Cuối cùng cũng đã đến hết thời hạn thuê nhà, Ngọc không đồng ý yêu cầu gia hạn hợp đồng và quyết định lấy lại phòng. Căn phòng được thu hồi khiến Ngọc không khỏi chết lặng, căn phòng sạch sẽ ngày trước giờ đã thay đổi bộ mặt hoàn toàn, bừa bộn không khác gì căn nhà ổ chuột, chỗ bếp bị làm cho tan hoang, bếp gas và mặt tường phủ lên một lớp mỡ dày.
Ngọc chỉ biết thở dài, nói rằng lựa đi lựa lại, cuối cùng đã chọn một nữ sinh đại học, không ngờ một cô gái mặt mũi xinh xắn, áo quần sạch sẽ, ăn nói dễ thương như vậy, mà phòng ở lại bừa bộn đến thế. Đó không phải là lối sống cẩu thả, mà là vấn đề giáo dưỡng.
Đúng vậy, người có giáo dưỡng khi đi thuê căn phòng của người khác, sẽ gìn giữ cho nó sạch sẽ và ngăn nắp như chính căn phòng mình vậy. Người không có giáo dưỡng sẽ cảm thấy rằng, dù sao thì mình cũng đã bỏ tiền rồi, quản chi cho mệt. Tuy nhiên, một người thật sự có giáo dưỡng không nằm ở chỗ anh ta giàu có đến đâu, hoặc trình độ văn hóa cao thế nào, mà ở những chi tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống. Chín chi tiết trong cuộc sống này ẩn chứa sâu sắc giáo dưỡng của một người.
1. Tôn trọng người khác và không quên nói “cảm ơn”
Một phụ nữ ăn mặc sang chảnh tiện tay ném rác xuống đường, nhân viên vệ sinh bên cạnh thấy vậy vội chạy đến dọn dẹp, và nhắc nhở người phụ nữ rằng thùng rác ở gần ngay bên cạnh. Người phụ nữ không những không nói tiếng cảm ơn, càng không bày tỏ sự xin lỗi và xấu hổ, trái lại còn ném chai nước đang uống dở xuống, nói một cách khinh bỉ rằng: “Nếu tôi không vứt rác thì mấy bà có việc để làm ư?”. Trong cuộc sống có rất nhiều người như vậy, họ không thiếu địa vị, học thức và tiền bạc, nhưng lại thiếu sự giáo dưỡng cơ bản nhất, người có giáo dưỡng thật sự sẽ không ỷ vào thân phận, bạc tiền mà coi thường người khác, trái lại thường ôm giữ thiện lương để lòng tốt được lan tỏa và sưởi ấm những người xung quanh.
Có một nữ chủ nhà hàng rất sắc sảo và có năng lực, nhưng lại thường quát mắng nhân viên, thái độ đối với nhân viên càng là dáng vẻ cao cao tại thượng, chứ không trân trọng và đánh giá chính xác về năng lực và phó xuất của nhân viên. Hễ cấp dưới có chút sai sót là bà chỉ trích thậm tệ, thậm chí đòi trừ lương, khiến nhân viên đều không muốn gắn bó lâu dài với nhà hàng. Cuối cùng người đầu bếp làm lâu nhất, có tay nghề tốt nhất làm nên tiếng tăm của nhà hàng cũng chủ động xin nghỉ, ông nói, chúng tôi không sợ mệt cũng không sợ vất vả, nhưng chúng tôi cần được người khác tôn trọng.
Giáo dưỡng thật sự không phải là cao cao tại thượng đối đãi với người khác, mà là học biết tôn trọng người khác. Một người có giáo dưỡng thật sự, cho dù anh ta ở trong quần thể nào, đều sẽ bảo trì giáo dưỡng của tự thân, ngoại hình và nội tâm đều như một, khiêm tốn lịch sự. Một người muốn được người khác thừa nhận thì trước hết phải đối xử chân thành với người khác, chỉ có đối xử chân thành với người khác mới nhận lại được sự chân thành như vậy.
2. Chú ý đến ngoại hình, làm hài lòng bản thân, tôn trọng người khác
Có người nói: “Vẻ ngoài của một người là bức tranh biểu thị nội tâm, tướng mạo biểu đạt và tiết lộ toàn bộ đặc trưng vận mệnh của một người”. Một hình ảnh tốt không chỉ phản ánh thái độ sống của một người, mà càng có thể thấy được giáo dưỡng của người đó.
Một nữ học giả theo nghề dạy học xuất thân từ dòng họ Diệp Hách Na Lạp nổi tiếng của triều Mãn Thanh. Bà đã dạy học 40 năm và đã quyên góp được tổng cộng 35,68 triệu Nhân dân tệ. Dù tuổi đã gần 100, nhưng chỉ cần đứng trên bục giảng, bà nhất định sẽ chăm chút thật tốt vẻ ngoài của mình. Mỗi lần trước khi lên lớp, bà đều chải tóc thật kỹ và ủi phẳng quần áo, hơn nữa bà đều đứng trong suốt quá trình giảng dạy. Bởi rất thích thơ ca, bà càng tôn trọng những học sinh nghe giảng, chính vì biểu hiện này mà đám học trò sau nhiều năm vẫn nhớ như in dáng vẻ của bà trên bục giảng.
Đúng vậy, những người chú ý đến ngoại hình không chỉ làm hài lòng bản thân mà còn thể hiện sự tôn trọng đối với người khác.
3. Đặt mình vào vị trí của người khác mà nghĩ cho họ
Một ông lão tên là Matsushita Konosuke, năm ông 80 tuổi, một ngày nọ ông đến một nhà hàng nổi tiếng để ăn bít tết cùng với 5 người bạn. Những người bạn ăn rất thỏa mãn, và họ đều ăn sạch hết miếng bít tết, riêng ông Matsushita đã yêu cầu người phục vụ gọi đầu bếp đến. Người đầu bếp đến và cảm thấy có chút khó hiểu, ông Matsushita nói với đầu bếp rằng: “Mọi người đã ăn sạch miếng bít tết rồi, còn tôi chỉ ăn được một nửa miếng này thôi. Không phải bởi mùi vị không ngon, mà vì tôi đã ngoài 80 tuổi rồi, sức ăn cũng kém đi. Tôi muốn nói trực tiếp với cậu vì tôi lo rằng cậu có thể buồn khi nhìn thấy phần thừa của miếng bít tết này”.
Ông Matsushita Konosuke là một trong những tỷ phú nổi tiếng thế giới, nhiều lần đứng đầu bảng xếp hạng người giàu nhất Nhật Bản, ông được mọi người xưng là Ông thần quản lý, Ông thần kinh doanh, nhưng ông lại không vì bản thân là nhân vật lớn mà tỏ ra cao ngạo, thay vào đó ông rất khiêm tốn, luôn nghĩ ra những chi tiết mà người khác không để ý đến, đối xử thận trọng với mọi người.
Có một chủ nhà lớn tuổi nhìn thấy người thuê nhà đã ném những mảnh thủy tinh vỡ vào thùng rác, ông lão đã đổ hết rác trong thùng ra, để riêng những mảnh thủy tinh vào một túi rác khác, và kèm theo lời nhắn: “Bên trong có mảnh vỡ thủy tinh, hãy cẩn thận!”. Nhìn hành động của ông lão, người thuê nhà thở dài rằng, người có giáo dưỡng khi mở cửa sẽ nhìn về phía sau, khi đưa cái kéo cho người khác sẽ hướng đầu nhọn về phía mình, ở cùng với người thì luôn cân nhắc đến cảm thụ của người khác.
Một người có giáo dưỡng nhất định biết đặt mình vào vị trí của người khác mà suy xét vấn đề từ góc độ của họ, có lòng thiện lương biết nghĩ cho người khác.
4. Đừng nổi giận với những người thân thiết
Có một câu chuyện nhỏ khiến nhiều người không khỏi suy nghĩ, có đôi vợ chồng già gia cảnh nghèo khó quyết định bán con ngựa duy nhất trong nhà để lấy tiền mua mấy món đồ hữu dụng hơn. Sau khi ông lão cưỡi ngựa đi ra chợ, ông đổi con ngựa lấy con bò, rồi đổi con bò lấy con cừu, rồi con ngỗng, con gà, cuối cùng lại đổi con gà lấy một giỏ táo. Khi này, có hai người nghe được chuyện này, liền lấy thỏi vàng đánh cược với ông lão, nói rằng khi về nhà ông nhất định sẽ bị vợ mắng, nhưng ông lão lại tin chắc rằng mình sẽ được hôn.
Quả nhiên sau khi nghe ông lão kể lại quá trình bán ngựa, bà lão không hề phàn nàn hay chỉ trích, mà còn khen ngợi ông lão nhiều hơn. Bị thua, hai người đánh cược đã đưa cho ông lão một thỏi vàng như đã hứa.
Trong cuộc sống, nhiều người sẽ thông cảm, bao dung và rộng lượng với lỗi lầm của người khác, trong khi lại hay soi mói, chỉ trích những người quanh mình. Sự giáo dưỡng tốt nhất không chỉ giống như làn gió xuân với người ngoài, mà còn có thể bảo trì tâm thái ổn định đối với những người trong nhà.
Như người ta thường nói, cái lưỡi mềm không xương, nhưng lại có thể khiến cõi lòng tan nát. Những lời nói vô tình, giống như một tảng đá lớn ném vào trong ao, gợn sóng cả một vùng rộng lớn. Nhà tâm lý học người Mỹ Louis Guttman, đã khảo sát 700 cặp vợ chồng trong 40 năm với kết luận có được là: Việc chỉ trích đổ lỗi sẽ khiến tình cảm vợ chồng trở nên xa cách.
Càng chỉ trích, càng đổ lỗi cho nhau, càng tạo nên những vết sẹo khó có thể liền lại. Sau khi tích lũy nhiều rồi, tình cảm vợ chồng tự nhiên sẽ nặng nề và có sự gián cách, khó trở lại ban đầu, cuối cùng sẽ không bền lâu. Dù bản thân có lý thì bỏ qua được cho người cũng nên bỏ qua. So đo tính toán, được lý không bỏ qua cho người cũng sẽ khiến mọi thứ không thể vãn hồi được. Để duy trì một mối quan hệ cần phải bỏ ra rất nhiều nỗ lực, nhưng để phá hủy nó thì lại quá đơn giản, nổi giận một cái là xong.
5. Ước thúc bản thân ở nơi công cộng
Tính cách của con người quả thực rất khác nhau, có người thì không lo không nghĩ, có người thì sạch sẽ ngăn nắp, có người thì tùy tiện cẩu thả, có người thì dịu dàng như ngọc, ăn nói nhỏ nhẹ, phong cách hoàn toàn khác nhau. Nhưng ở bất kỳ trường hợp nào đều ăn to nói lớn, ảnh hưởng đến người khác, đây không phải là vấn đề tính cách nữa, mà là biểu hiện không có tu dưỡng, không có tố chất.
Khi bạn đọc sách trong thư viện, bạn có thể chọn những gì bạn thích để đọc, nhưng bạn không thể gây ồn ào lớn tiếng, đây là giáo dưỡng cá nhân của bạn. Khi ai đó nghỉ ngơi ở nơi công cộng, bạn gây ồn ào và ảnh hưởng đến người khác, đây chính là tố chất của bạn thấp, rất không có giáo dưỡng.
Có những người coi không gian công cộng như nhà của mình, muốn sao làm vậy mà không chút đắn đo. Ở nơi mua sắm khi tính tiền, họ tự ý chen ngang giữa hàng lối. Khi xe buýt đến trạm dừng, họ lao vào trong xe giành chỗ ngồi, trong toa xe một mình chiếm đến mấy chỗ ngồi để tiện cho mình nghỉ ngơi. Ở chốn đông người, họ tự ý hút thuốc mà không quan tâm đến cảm giác của mọi người xung quanh.
Trên thực tế, qua cách một người tự ước thúc bản thân và cách họ đối xử với người khác ở nơi công cộng là có thể nhìn thấy bộ mặt chân thật của một người. Nơi công cộng giống như một tấm gương phản chiếu, một người có hay không có giáo dưỡng, chiếu một cái là hiện ngay nguyên hình. Những lúc không có người giám sát mà có thể tự ước thúc bản thân, mới là người có giáo dưỡng thật sự. Có thể nói, tự ước thúc bản thân thực chất là sự tu dưỡng.
6. Lắng nghe người khác nói chuyện
Có một câu nói: “Im lặng khi lắng nghe có thể đánh động lòng người hơn cả nghìn câu nói”. Lắng nghe là cách biểu đạt trong sự im lặng, càng là đặt mình trong hoàn cảnh của người khác, thể hiện sự chấp nhận và thấu hiểu. Nó có thể rút ngắn khoảng cách giữa người với nhau và đôi lúc còn có sức mạnh hơn tài ăn nói thao thao bất tuyệt, nó cũng là sự tôn trọng với người khác, là hàm dưỡng bản thân và là sức hấp dẫn không bao giờ lỗi thời của một người.
Kevin Briggs, một nhân viên tuần tra trên Cầu Cổng Vàng ở San Francisco, đã gặp một thanh niên muốn tự tử, thay vì không ngừng khuyên giải cậu ta, ông lại kiên nhẫn lắng nghe câu chuyện của chàng trai trẻ, cậu ta cuối cùng quyết định sống tiếp và sống sao cho có ý nghĩa. Kevin sau đó hỏi cậu ta điều gì đã khiến cậu hủy bỏ ý định tự sát, cho bản thân mình hy vọng cũng như cơ hội sống. Chàng trai chỉ nói một câu, vì ông đã chịu lắng nghe tôi.
Trên thế giới có rất nhiều người giỏi ăn nói, nhưng lại có rất ít người biết cách kiên nhẫn lắng nghe người khác nói chuyện, người thật sự có giáo dưỡng biết cách lắng nghe người khác một cách chân thành, đây là một sự ấm áp, càng là thiện ý mà không cần dùng lời để biểu đạt.
7. Không hỏi về chuyện riêng tư của người khác
Có một loại giáo dưỡng gọi là: Để lại không gian cho sự riêng tư của người khác.
Có một bác gái vì chồng đứng ra bảo lãnh vay tiền cho người khác mà cuộc sống trong nhà trở nên khó khăn, bà muốn vay tiền từ cô bạn giàu có, hai người họ ngày trước là bạn học thân thiết của nhau, chỉ là sau khi lấy chồng thì mỗi người mỗi cảnh, nhưng bác gái lại không biết mở lời thế nào. Người bạn nhìn ra được chỗ khó xử của bạn mình, không hỏi thêm nữa, mà đi vào trong phòng lặng lẽ bỏ tiền vào trong hộp bánh, rồi trao tặng hộp bánh cho bạn mình.
Người có giáo dưỡng sẽ không khiến người khác cảm thấy xấu hổ, ngượng ngùng. Giáo dưỡng cao độ nhất ẩn chứa trong sự thấu hiểu với mọi người xung quanh. Hỏi ít hoặc không hỏi về chuyện riêng tư của người khác là tố chất và thuật xử thế cơ bản, cũng là ý thức mà người trưởng thành nên cần có.
8. Đừng giễu cợt chỗ khó xử của người khác
Có một cô gái lần đầu tiên đi máy bay, không biết làm sao để mở dây an toàn, cô cứ ngồi im đó mà mồ hôi nhễ nhại, bên cạnh có người nhìn thấy chỗ khó của cô, liền bật cười và chế nhạo rằng: “Không biết chứ gì? Sao lại có người đến cả dây an toàn cũng không biết mở cơ chứ”.
Cô gái xấu hổ đến mức sắp khóc thì người đàn ông ngồi cùng hàng ghế với cô vốn đã đứng dậy, thấy cảnh này đã quay lại chỗ ngồi, thắt dây an toàn lại rồi đưa tay ra gọi tiếp viên hàng không và nói một cách thản nhiên rằng: “Thật ngại quá! Vui lòng mở dây an toàn giúp tôi, đây là lần đầu tiên tôi đi máy bay”. Chỉ một câu nói đã giải quyết được sự bối rối của cô gái.
Trên đời không bao giờ có hai chiếc lá giống nhau, hoàn cảnh sống của mỗi người khác nhau cũng sẽ tạo nên lối sống khác nhau, vậy nên đừng cười nhạo người khác bằng chính nhận thức của mình, hành vi như vậy chỉ chứng tỏ bạn là người thấp kém, vô vị. Người có giáo dưỡng biết quan tâm đến cảm nhận của người khác, có thể ra tay giúp đỡ kịp thời, và không để người khác rơi vào tình huống xấu hổ.
9. Tôn trọng sở thích của người khác
Khi giá nhà cao nhất, một ông bạn đã bán căn nhà hiện đang ở và mua một căn nhà ở gần trường học để tiện cho con cái đi học, nhưng căn nhà mới mua cũng kéo theo nhiều chỗ bất tiện cho cuộc sống. Sau khi vào ở mới phát hiện rất nhiều thứ trong nhà đều phải thay mới và tu sửa lại, khiến bạn bè xung quanh rất khó hiểu. Khi công việc sửa sang nhà cửa kết thúc, do một số vấn đề cá nhân, ông bạn đã từ chức. Điều này khiến những người bạn xung quanh bàn tán đủ thứ, cảm thấy đầu não ông ấy có vấn đề.
Trên thực tế, ai cũng có những suy nghĩ và những chuyện riêng tư không tiện công khai. Đối với những vấn đề cá nhân này, ta nên tôn trọng, nghĩ đến cảm xúc và sở thích của người khác, đừng vì sự quan tâm của mình mà gây rắc rối cho người ta. Đôi khi không làm phiền người khác cũng là một loại giáo dưỡng. Một người có độ chín chắn hay không phụ thuộc vào việc người đó có đủ bao dung và thấu hiểu người khác hay không.
Vũ Dương.
Nguồn: Sưu Tập