Gieo tính cách, gặt số phận. Tính cách của một người bị ảnh hưởng bởi phương thức đối nhân xử thế, từ đó ảnh hưởng quan trọng đến sự vận mệnh. Nếu một người có những đức tính tốt, số phận của họ sẽ không bị thiếu hụt.
* Hiền hòa
“Thượng thiện nhược thuỷ” nguyên là câu nói được bắt nguồn từ cuốn “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử. Có lẽ, đa số chúng ta đều biết “thượng thiện nhược thủy” (nước là thiện nhất), nước tuy mềm yếu nhưng có thể dung chứa vạn vật. Cảnh giới tối cao của việc hành thiện chính là đối nhân xử thế giống như nước, nước nuôi dưỡng vạn vật nhưng lại không tranh lợi với bất kỳ ai.
“Bách luyện cương bất như nhiễu chi nhu”, ý rằng thép cứng trăm lần tôi luyện cũng không bằng thứ mềm yếu uốn quanh ngón tay. Đạo Đức Kinh thuyết: “Phu duy bất tranh, cố vô vưu”; chính bởi không tranh, nên không chê trách oán thán. Người hiền hòa như nước, ngắm trông có vẻ mềm mại nhưng lại ẩn chứa sức mạnh vô hạn.
Người hiền từ khi nói chuyện hay làm việc cũng tìm cách mở đường lui cho người khác. Trong đối nhân xử thế hay làm bất kể việc gì nên giữ tâm thái hiền hòa, đừng để tâm vào việc vụn vặt thì người khác mới có ấn tượng tốt đối với bạn, một khi đã có ấn tượng tốt về bạn sẽ tự nhiên gieo nhân duyên tốt, nhân duyên mà tốt lên chút rồi con đường phía trước liền rộng mở.
* Giản dị
Châm ngôn xưa có câu: “Sỏa nhân hữu sỏa phúc”, rằng kẻ ngốc có phúc của kẻ ngốc; người càng giản đơn thì số mệnh càng tốt.
Những người đơn giản thường nhớ ít chuyện trừ phi đại sự đáng lưu tâm, nhưng lại thật lòng dốc tâm đối đãi với bất kỳ ai hay sự việc nào đó và không vòng vo tam quốc. Người đơn giản chẳng bao giờ để ý đến đánh giá của người khác, họ chỉ làm theo những gì tự lương tâm mình mách bảo.
Trong Đạo Đức Kinh giảng: “Ngũ sắc lệnh nhân mục manh, ngũ âm lệnh nhân nhĩ lung, ngũ vị lệnh nhân khẩu sảng”; ý là ngũ sắc làm người ta mờ mắt, ngũ âm làm người ta ù tai, ngũ vị làm người ta tê lưỡi. Nghĩ càng nhiều mưu tính càng lớn, trái lại cuộc sống mưu sinh sẽ ngày càng trở nên u buồn mỏi mệt.
Hồng Lâu Mộng không chỉ là tiểu thuyết ái tình, đằng sau danh tác còn ẩn chứa vô số nội hàm. Chẳng hạn: “Ky quan toán tẫn thái thông minh, phản ngộ liễu khanh khanh tính mệnh” (mưu kế tính toán thông minh quá, ngược lại sai lầm ảnh hưởng tới tính mạng). Ám chỉ chuyện ‘ngấm ngầm’ của Vương Hy Phượng cuối cùng đã phải trả giá đắt bằng mạng sống chôn vùi trong đất, ả chết vì sự thông minh tột đỉnh của mình, đến nỗi tính mạng của mình không thể giữ nổi. Phượng Thư rất hiểu chuyện khi nhờ một người không có quyền thế nhất là Già Lưu đặt tên cho con mình. Về sau, người cứu con gái Phượng Thư khỏi hố lửa chính là Già Lưu. Già Lưu tuy đơn giản nhưng kết cục lại có hậu nhất.
Thế nên, càng đơn giản càng tốt!
* Ẩn mình
Trung Quốc lưu truyền một câu nói: “Thương đả xuất đầu điểu”, được hiểu rằng phát súng bắn trúng con chim thò đầu ra; đúng là tài năng quá lộ liễu dễ dẫn tới tai họa.
Lão Tử giảng: “Trì nhi doanh chi, bất như kỳ dĩ, sủy nhi nhuệ chi, bất khả trường bảo”; ý nói giữ chậu đầy hoài, chẳng bằng thôi đi, mài cho bén nhọn thì không bén (giữ được) lâu. Người tài cán quá sắc sảo thường hay thiếu chú tâm trong lời nói và hành động, nên rất dễ làm tổn thương người khác, mà loại tổn thương này cũng là một thứ gây thù chuốc oán.
Dương Tu bị Tào Tháo giết cũng chỉ vì một câu nói. Cậy tài, khoe tài, ngạo mạn sẽ tự rước họa vào thân; ngay cả người quý trọng nhân tài và có tấm lòng khoan dung như Tào Tháo cũng không dung nhẫn nổi, huống chi người thường. Hắn dùng tài thể hiện mình ý muốn được ban tước vị cao, dùng tài để phá mưu kế thượng cấp, lại còn dùng tài của mình can thiệp vào kết quả đánh giá người khác; tất cả những điều đó đều là đại kỵ trong thuật xử thế. Kẻ lắm tài hay đanh đá, không coi ai ra gì cả. Vậy nên, tiết chế thu mình sẽ khiến bạn trở thành một người điềm tĩnh, ung dung tự tại và rộng lượng.
Hãy là một người biết kiềm chế, giữ mồm giữ miệng, bảo trì một tấm lòng bình dị và khiêm tốn, không cố tình phô trương hay khoe khoang khoác lác.
* Ba loại đức hạnh mang tới phúc khí
Đức hạnh liên quan đến phẩm chất con người. Đối với một người, cái gì đều cũng có thể bỏ, nhưng nhân phẩm nhất định không thể đánh mất. Đức hạnh là ‘phong thủy bảo địa’ của một người, đức hạnh tốt thì tự khắc phúc khí dày.
Đại trí nhược ngu
‘Đại trí nhược ngu’ ngụ ý chỉ người tài thường trầm tĩnh, khiêm tốn nên trông bề ngoài có vẻ đần độn, ngốc nghếch.
‘Đại trí nhược ngu’ không phải chỉ người ngu ngốc, mà để chỉ kiểu người thực tế. Những người như vậy chưa bao giờ biết ‘đầu cơ trục lợi’, khi gặp chuyện họ sẽ dụng chiêu “bổn công phu” (bản lĩnh của kẻ ngốc). Và chính ‘bổn công phu’ này đã mang lại phúc khí may mắn cho họ.
Xã hội hiện đại bây giờ chuộng “nhanh”, làm gì cũng nhanh, khiến tôi tớ đều trở nên xốc nổi, nóng vội với nhịp độ xoay chóng mặt. Trong khi phần lớn chỉ chú trọng đến kết quả chứ không phải quá trình, lại có những người giậm chân từng bước chậm rãi một cách thực tại; họ làm tốt công việc và trong quá trình đó có thể bộc lộ tài năng của họ.
Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử giảng: “Thánh nhân hậu kỳ thân nhi thân tiên, ngoại kỳ thân nhi thân tồn. Phi dĩ kỳ vô tư dả?”; đại ý rằng, thánh nhân đặt thân mình ở sau mà thân lại được ở trước, đặt thân mình ra ngoài mà thân mới tồn. Chẳng phải vì thánh nhân không tự tư? Thánh nhân không nghĩ tới mình, chỉ lo giúp người thì lại có lợi cho mình.
Người “đại trí nhược vong’ chưa bao giờ quan tâm đến đau khổ và mệt mỏi, cũng chẳng hề so đo tính toán được mất nơi thế gian. Như bạn lặng lẽ âm thầm cởi mở tấm lòng, tự khắc bất ngờ một làn gió đến tưới mát tâm hồn bạn ngay.
Bảo trì bình thản
Đôi khi có một ranh giới nhỏ giữa thành công và thất bại. Làm người cần giữ nội tâm bình thản, chớ hành động theo cảm tình hay nhất thời tranh giành chỉ vì chút lợi nhỏ nhoi.
Trong Đạo Đức Kinh có câu: “Sinh nhi bất hữu, vi nhi bất thị, công thành nhi bất cư”; vạn vật tự nhiên sinh trưởng mà không can thiệp vào, khéo nuôi dưỡng vạn vật mà không chiếm làm của mình, làm mà không cậy khéo, việc thành mà không quan tâm tới. Dẫu làm người hay làm việc gì đều nên giữ tâm thái bình thản, đừng sợ tịch mịch, chớ sợ thất bại, đôi khi bạn chỉ thiếu một chút nữa là cán đích thành công rồi.
Khi gặp chuyện không hoảng sợ, người mà hoang mang rối loạn rất dễ thấp thỏm, bất ổn định và có thể đưa ra những lựa chọn sai lầm. Tình huống càng cấp bách càng không được phép nóng vội, muốn ổn trụ cần phải đi từ từ chắc từng bước một.
Lúc gặp phải chuyện phiền não hoặc điều gì không thuận tâm, hãy thật bình tĩnh cố gắng đừng phát cáu, lắng hạ tâm xuống, để mọi chuyện xoay trở ba vòng trong đầu rồi tiêu tán, dưới sự kích động bốc đồng rất dễ gây nên đại họa.
Kính già yêu trẻ
Kính già yêu trẻ là đức tính tối thiểu của con người. Nếu một người thậm chí không thể kính già yêu trẻ, thì nhân phẩm của người đó đương nhiên là đáng nghi ngờ.
Đạo Đức Kinh có thuyết: “Lục thân bất hòa, hữu hiếu từ”; tạm dịch là gia đình (cha mẹ, anh em, vợ chồng) bất hòa rồi mới sinh ra đạo hiếu và tình yêu.
Mỗi người trong chúng ta đều từ một em bé mà trưởng thành lớn lên, và một ngày nào đó ai rồi cũng sẽ già đi. Quả thực, bạn biết tôn trọng người già và yêu thương con trẻ, thì khi bạn về già, bạn có thể được đối xử tốt giống như bạn đã từng đối đãi với người khác.
Hiếu là phong thủy tốt nhất đời người, “bách Thiện hiếu vi tiên”, trong trăm điều Thiện thì hiếu đứng đầu; nếu một người ngay cả tâm hiếu cũng không có nữa, đối với cha mẹ con cái đều chẳng thể thành tâm phó xuất, thì làm sao bạn có thể trông mong vào kẻ mà đối với người khác không nỡ cho đi thật lòng?
Ai không có lòng kính già yêu trẻ sẽ mất đi phẩm đức và lương tri tối thiểu nhất của một con người, tự hỏi làm sao có phúc chứ?
Mỹ An biên dịch.
Nguồn: Sưu Tập