Reagan, Tung Hoành Từ Hollywood Tới Washington

Đúng 1:09 giờ California chiều thứ bảy 5 tháng 6, 2004 vừa qua cựu tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan đã trút hơi thở cuối cùng sau 9 năm rưỡi trời đấu tranh với bệnh lẫn của người già (Alzheimer). Trước khi linh cữu được chuyển từ California lên thủ đô Washington ngày 9 tháng 6 để chuẩn bị cho lễ quốc táng ngày 11 tháng 6, tại đất nhà Cali đã có hàng trăm ngàn người đến tiễn ông về nơi vĩnh cửu. Một người phải đợi 8 tiếng mới được nghiêng mình trước linh cữu của ông đã chia sẻ cảm tưởng với giới truyền thông như sau: “Tổng thống Reagan đã tận tâm phục vụ đất nước 8 năm, thì tôi đợi 8 tiếng để tiễn ông ra đi cũng là hợp lý.” Câu nói này tóm gọn niềm kính trọng, nỗi tiếc thương mà dân chúng Hoa Kỳ dành cho vị tổng thống được gọi là “có một không hai”.

Mà nếu xét về tuổi tác thì quả ông Reagan có một không hai. Ở Hoa Kỳ tuổi chính thức về hưu là 66 (tức 65 tuổi tây). Khi đắc cử tổng thống lần thứ nhất năm 1980 ông đã quá tuổi về hưu bốn năm, là một kỷ lục mới của Hoa Kỳ. Bốn năm sau, tức năm 1984, ông lại phá kỷ lục này của chính mình bằng cách thắng nhiệm kỳ hai. Rời chức tháng 1 năm 1989 ở tuổi 78, ta có thể tin cái kỷ lục “tổng thống già gân” của ông Reagan sẽ đứng vững mấy mươi năm trong lịch sử chính trị Hoa Kỳ, nếu không lâu hơn nữa.

Trước khi nhảy vào chính trị ông Reagan là một tài tử điện ảnh, nhưng chính ông đã tự nhìn nhận mình chỉ là một tài tử hạng B “thỉnh thoảng đóng phim hạng A”. Yếu tố nào đã khiến anh tài tử hạng B này trở thành thống đốc tiểu bang lớn nhất nước Mỹ là California hai nhiệm kỳ (từ 1967 đến 1974) và rồi ở tuổi đáng lẽ phải về hưu lại được bầu làm tổng thống toàn thể nước Mỹ cũng hai nhiệm kỳ (từ 1981 đến 1988)” Ta hãy xem thử lá số Tử Vi của ông Reagan xem có manh mối gì không.

Lá số nhiều may mắn!

Rất may cho giới nghiên cứu số mệnh, năm tháng ngày giờ sinh của ông Ronald Reagan rất minh bạch. Một tài liệu là tuần báo Time số ngày 4 tháng 2 năm 2002, trang 4, trong đó cô con gái của ông Reagan tiết lộ “cha tôi được sinh ra ở nhà lúc 4:16 giờ sáng ngày 6 tháng 2 năm 1911”. Nhà đây là Tampico, tiểu bang Illinois, tây kinh tuyến 89 độ 47 phút. Vì giờ sinh cách giờ tiêu chuẩn GMT 6 tiếng, điều chỉnh lại là 4:15 giờ sáng (chỉ đổi 1 phút). Tính ra âm lịch địa phương là giờ Dần ngày 8 tháng giêng năm Tân Hợi.

Mệnh ông Reagan cư Tý có Đồng Âm Đào Không có Hồng Việt Tả Xương Khúc hội họp; thân cư quan Cơ Lương ngộ phụ Triệt có Tả Hữu Xương Kình Đà hội họp; mặc dù không phải là hạ cách vẫn thật khó kết luận là đặc sắc nếu xem theo cách cũ. Nhưng thêm các sao tự Hóa vào thì tình hình tức khắc rõ rệt, vì ta sẽ thấy sao hóa trùng trùng xuất hiện ở hết cả 6 cường cung. Theo thứ tự: Mệnh tự Khoa tự Kỵ, phúc Lộc tự Lộc tự Quyền, quan tự Lộc, di tự Khoa, tài Kỵ tự Khoa, thê tự Khoa. Tài tình hơn nữa là hai Kỵ lại cùng cung với hóa Khoa nên bị hóa giải. Hóa Khoa có danh “đệ nhất giải thần” đại biểu may mắn, hóa Lộc là cơ hội trời cho; có bốn Khoa ba Lộc nên đặc điểm của lá số này là may mắn lạ thường.

Giấc mộng tuổi thơ

Theo các tài liệu chính thức thì cha mẹ ông Ronald Reagan là một cặp di dân người Ái Nhĩ Lan. Người cha, John Reagan, là một ông thợ đóng giày có tật chè chén say sưa làm vợ con khổ sở không ít. Thật ứng hợp với cung phụ mẫu, bởi cung này có Tham Riêu, thêm Bệnh Phù Không Kiếp. Theo khoa tâm lý học, các trẻ em bị người lớn hành hạ thường nhìn đời bằng đôi mắt bi quan và dễ phát triển tâm lý “hận đời đen bạc” khi trưởng thành. Thật may cho cậu Ronald, bà Nelle mẹ của cậu là một người sùng đạo, dịu dàng chịu đựng bao dung. Nhờ ảnh hưởng của bà mà cậu không căm hận cha mình. Bà Nelle lại trọng nghệ thuật, luôn luôn khuyến khích con tham gia các bộ môn văn nghệ trình diễn, nên nhờ bà mà cậu Ronald đã có dịp diễn xuất từ khi còn nhỏ. Càng may cho cậu, lần diễn xuất đầu tiên cậu được khán giả nồng nhiệt hoan hô. Ấn tượng tốt đẹp này khiến cậu có ý theo đuổi con đường nghệ thuật trình diễn, và trở thành cái nhân đưa cậu đến Hollywood sau này.

Thái Âm vốn biểu tượng mẹ. Thái Âm đắc địa thêm Xương Khúc Lưu Niên Văn Tinh cư mệnh nên cậu Ronald chịu ảnh hưởng nhiều của mẹ là hợp lý. Bàn rộng thêm nữa thì đời cậu Ronald dễ bị chi phối mạnh mẽ bởi những phụ nữ có tâm lý hoặc khả năng bảo bọc. Có lẽ vì thế mà ngoài việc phát triển tính “yêu đời yêu người” nhờ ảnh hưởng của mẹ, mỗi khi ở nhà có chuyện không vui cậu lại tìm sự bình an bằng cách chạy sang nhà “cô Emma”, một người đàn bà hàng xóm lớn tuổi không con rất quý mến cậu. Nơi đây, như cậu kể lại sau này, “trong khủng cảnh bình lặng, giữa những hình tượng cổ quái và những kệ sách thoảng một mùi hương kỳ lạ” cậu say sưa đọc các tiểu thuyết thám hiểm không gian của tác giả Edgar Rice Burrough và mơ là vị anh hùng cứu loài người khỏi họa diệt vong. Chắc chính cậu cũng chẳng thể ngờ sau này cậu sẽ thành tổng thống Hoa Kỳ, rồi ký thỏa ước giảm vũ khí nguyên tử và tăng xác xuất sống còn của nhân loại.

Tây tiến về California

Tuổi thanh niên của cậu Ronald tương đối suông sẻ. Nhờ chơi thể thao cậu được học bổng nửa học phí, nửa còn lại và tiền ăn ở cậu hoàn toàn tự túc bằng cách tìm việc làm ngoài giờ học. Ra trường năm 1932 là lúc mà cuộc khủng hoảng kinh tế đang phủ trùm toàn thể nước Mỹ, với hai mảnh bằng về kinh tế học và xã hôäi học rất khó kiếm việc cậu lại được việc làm ít giờ mà trả khá tiền là tường thuật thể thao cuối tuần cho WOC, một đài radio địa phương ở Davenport, Iowa. Hai năm sau, tức 1934, cậu tiến lên một bước là chuyển về đài WHO thuộc hệ thống NBC ở De Moines. Thời ấy chưa có trực tiếp truyền thanh nên cậu phụ trách tái tạo lại các trận đấu dã cầu (baseball) và banh cà na (football) từ các tin tức nhận được qua điện tín và phát thanh ngay cho giới hâm mộ thể thao.

Nhìn lại lá số, thời gian này nằm trong đại hạn 15-24 tuổi, nhằm cung Hợi có Thiên Phủ là tài tinh, lại đắc vị trí Thái Tuế nên dễ thành tựu. Chỉ có điểm đáng tiếc là cung thê của đại hạn có Liêm Phá gặp Hình Riêu Không Kiếp và đủ cặp Quan Phúc, tình cảm khó được toại lòng. Truyện kể rằng cậu Ronald có mối tình đầu từ thời trung học với cô bạn học Margaret Cleaver. Hai người thề non hẹn biển và cậu đã tặng cô một kỷ vật cộng với chiếc nhẫn đính hôn. Hai vật này đột ngột bị gửi trả lại cậu bằng đường bưu điện khi cô Margaret quyết định bỏ cậu để lấy một nhân viên ngoại vụ. Biến cố này để lại cho cậu một vết thương lòng đau xót; nhưng lại khiến cậu có thêm lý do tìm tương lai ở một phương trời xa lạ. Phương trời ấy là đất hứa California.

Năm 1937, cậu Ronald thuyết phục được cấp trên trong đài radio cho cậu về California săn tin các cuộc tập luyện mùa xuân của đội dã cầu Chicago Cubs. Khi đến Cali, một người bạn cũ giới thiệu cậu đến “thử vai” ở Hollywood. Vừa thấy cậu người phụ trách tìm tài tử mừng quá nhận ngay. Thế là chỉ trong nháy mắt cậu đổi từ phóng viên tường thuật thể thao thành tài tử Hollywood. Sở dĩ thuận lợi như thế vì đại hạn 25-34 (ứng với các năm 1935-44) có Kình Dương nhập miếu độc thủ, thêm Tả Hữu tự Khoa Hồng Hỉ Khôi Việt và ba Lộc một Quyền một Khoa hội họp. Kình Dương là “hung tinh đắc địa phát dã như lôi” nên tiếp theo đó là một chuỗi diễn biến thuận lợi: Lấy nữ tài tử đẹp và nổi tiếng Jane Wyman năm 1940, sinh con gái đầu lòng Maureen năm 1941, đạt cao điểm diễn xuất với phim King’s Row năm 1942.

Chuyển mình thoát xác

Nhưng rồi Nhật ném bom Trân Châu Cảng, Mỹ nhảy vào thế chiến thứ hai, và tài tử Reagan phải đăng ký đi lính. Khi ông được giải ngũ năm 1945, lá số đã chuyển sang đại hạn 35-44 (tức thời gian 1945-54). Hãng phim cho ông lương khá cao so với thời tiền chiến có lẽ vì hạn có Lộc Tồn, nhưng phải chăng vì Liêm Phá hãm cư Dậu thêm Hình Riêu Không Kiếp mà những phim thời hậu chiến của ông đều thất bại trên mặt nghệ thuật. Điểm oái oăm là cùng lúc vợ ông bà Jane Wyman lại thành công hơn trước. Có lẽ vì sự khác biệt này mà hai người ly dị nhau năm 1949, cũng chính là năm bà Wyman được trao giải Oscar.

Hạn kế tiếp 45-54 (ứng với thời gian 1955-64) có Đà hãm địa độc thủ ở Thân con đường diễn xuất vẫn tuột dốc không phanh. Năm 1964, trong phim “The Killers” ông Reagan thủ vai một đàn anh găng tơ. Vì đây là vai “ác” đầu tiên trong cuộc đời điện ảnh của ông, giới theo dõi điện ảnh cho rằng nó là một dấu hiệu, cho thấy ông sắp sửa bị Hollywood đào thải.

Họ đoán đúng, nhưng chỉ phân nửa, vì phim “The Killers” đúng là một dấu hiệu, nhưng chẳng phải là dấu hiệu của sự đào thải, mà là dấu hiệu của một sự chuyển mình thoát xác. Vì cũng năm 1964 sẽ có một biến cố lớn. Biến cố ấy sẽ thay đổi cuộc đời của ông Reagan và ảnh hưởng vận mạng của cả thế giới sau này.

(còn một kỳ)

Ngày 11 tháng 6, 2004

Đằng Sơn

 

****

 

(tiếp theo và hết)

Hai mươi năm bộc phát

Tháng 10 năm 1964, thấy ông Barry Goldwater (Cộng Hòa) tiếp tục thua xa tổng thống Lyndon Johnson (Dân Chủ) trong mọi cuộc thăm dò dân ý, đảng Cộng Hòa vội vàng phổ biến rộng rãi một chương trình quảng cáo, trong đó tài tử Ronald Reagan kêu gọi dân Mỹ chọn ông Goldwater. Nhờ bài diễn văn này mà đảng Cộng Hòa thu được 8 triệu Mỹ kim tiền ủng hộ tranh cử, là kỷ lục của thời ấy. Kết quả ông Goldwater vẫn thua to, nhưng ông Reagan đột ngột trở thành một tên tuổi được giới theo dõi chính trị của toàn quốc chú ý.

Năm 1964 vẫn còn trong đại hạn Đà hãm địa độc thủ nên tiếng chưa thành miếng; nhưng chẳng phải đợi lâu vì năm 1965 đột nhiên một nhóm triệu phú tự tìm đến đề nghị ông Reagan ra tranh cử thống đốc California và hứa tận lực ủng hộ tài chánh giúp ông thắng cử. Cơ hội ngàn năm một thuở này dễ gì có được, vậy mà ông Reagan lại từ chối, bảo rằng nghề của ông là tài tử, và ông không có ý đổi nghề. Đám triệu phú phải khổ công thuyết phục, cuối cùng ông mới chịu.

Chuyện đám triệu phú phải ra công nài nỉ ông Reagan mới chịu tranh cử thống đốc California đã khó tin, nhưng chưa khó tin bằng chuyện ông thắng cử; vì ông chẳng có kinh nghiệm chính trị gì cả. Trước tiên ông phải hạ một đối thủ dạn dày kinh nghiệm là cựu tỉnh trưởng San Francisco George Christopher trong cuộc bầu cử nội bộ của đảng Cộng Hòa. Giả như thắng -và rất khó thắng- ông sẽ phải đụng độ thống đốc hai nhiệm kỳ Pat Brown, một đối thủ nặng ký với thành tích là đã oanh liệt hạ ông tổng thống tương lai Nixon trong cuộc bầu cử năm 1962. Rút ngắn câu chuyện, ông Reagan hạ ông Christopher, rồi hạ ông Brown dễ dàng như lấy đồ trong túi! Khỏi cần nói, chiến thắng quá dễ dàng này khiến mọi người cùng sửng sốt, kể cả những người đã đặt hết niềm tin nơi ông.

Ông Reagan nhậm chức thống đốc năm 1967 nhằm lúc phong trào hippy lũng loạn đại học Berkeley. Những sinh viên cực đoan liên miên bãi khóa đòi hỏi đủ chuyện. Xui thay cho họ năm này tiểu hạn của ông vào cung Dậu có Liêm Phá Hình Không Kiếp. Chẳng ngần ngại dùng biện pháp mạnh, ông hạ lệnh cho vệ binh quốc gia đến nơi dùng võ lực vãn hồi trật tự, bất chấp lời cảnh cáo rằng như vậy có thể gây ra cảnh đổ máu. Nhờ quyết định cứng rắn này, vấn đề Berkeley được giải quyết, uy tín của ông Reagan càng tăng cao và ông thắng nhiệm kỳ 2 năm 1970 một cách dễ dàng.

Năm 1974 nhờ một chuỗi diễn biến không tiền khoáng hậu, ông Gerald Ford trở thành tổng thống Hoa Kỳ. Lúc ấy đang làm thống đốc năm cuối cùng nhiệm kỳ 2 ở California, ông Reagan hai lần được mời làm tổng trưởng đều từ chối. Lý do dễ hiểu, vì bấy giờ ông đã tính chuyện tranh chức tổng thống! Năm 1976 ông thua đương kim tổng thống Ford đau đớn khi tranh chức đại diện đảng để ra đối đầu với Jimmy Carter. Nhưng sau bước vấp ngã này ông sẽ hạ ông Carter một cách dễ dàng năm 1980 và ông Mondale dễ dàng hơn nữa năm 1984 để trở thành một trong những vị tổng thống được dân chúng yêu thương nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Thảm hại nhất là ông Mondale, các cơ quan truyền thông địa phương phải kêu gọi cử tri “đừng để người con yêu của chúng ta hoàn toàn mất thể diện”; nhờ đó ông mới được dân chúng đất nhà là tiểu bang Minnesota ra sức dồn phiếu cho để thắng suýt soát. Dĩ nhiên 49 tiểu bang còn lại đều lọt vào tay ông Reagan.

Quan vận đến nơi, phát như sấm sét

Tính từ lúc đám triệu phú thuyết phục ông Reagan ra tranh cử thống đốc California năm 1965 đến lúc ông thắng tổng thống nhiệm kỳ 2 năm 1984, thời gian kéo dài đúng 20 năm. Lý do gì mà trong hai mươi năm này ông bộc phát dữ dội như thế” Để trả lời chúng ta thử nhìn lại lá số của ông.

Có thể gượng nói rằng hạn 1965-74 tốt đẹp vì vào vị Bạch Hổ đúng vòng Thái Tuế, lại đắc Thanh Long thành cách “Long Hổ tương phùng”; nhưng lập luận này lung lay vì hạn 1975-84 vào vị Long Đức của vòng Thái Tuế chỉ tốt cho việc tu tâm dưỡng tính mà bất lợi cho việc đấu tranh, tại sao vẫn phát” Có thể thấy rằng việc luận đại hạn chẳng thể nào chỉ dựa vào vòng Thái Tuế.

Vậy đáp án ở đâu” Xin thưa, đây là một trường hợp hiếm hoi mà lý ngũ hành chiếm vị trí trung tâm trong bài toán tử vi. Ông Reagan bản mệnh kim, có cách cục nguyên thủy tốt đẹp, nên khi đại vận chuyển đến phương Nam, tức các cung Tỵ Ngọ Mùi, là đắc cách “vượng kim nhập hỏa hương”, và vì hỏa là hành quan của mệnh kim nên công danh sự nghiệp đột phát.

Hạn 1965-74 hết sức đặc biệt vì có Hỏa Tinh độc thủ ở Mùi. Hỏa Tinh dĩ nhiên thuộc Hỏa nên hoàn toàn ứng hợp với quan vận, chính là “hung tinh đắc thế phát dã như lôi”, cung Mùi lại được cách “Phủ Tướng triều viên” là có quý nhân phù trợ, thành ra chẳng cần mưu sự mà vẫn được người bày cỗ cho ăn, thành đạt to tát hơn xa bao kẻ tài ba, thức đêm toan tính. Hạn 1975-84 được Ngọ là chính phương của hỏa, được cặp trung thiên đế tinh Âm Dương hội họp nên dễ mưu chuyện lớn, nhưng nòng cốt hỏa gồm các sao Song Hao Khôi Việt không phải là hung tinh nên phát triển không đột ngột như hạn trước, và có bước vấp ngã là thua ông Ford năm 1976 khi đại tiểu hạn trùng phùng như đã nói trên. Bù lại, cung quan của đại hạn này ở Tuất được đủ cặp Tả Hữu, cả hai lại cùng tự hóa Khoa, đúng là cách làm ít hưởng nhiều nhờ công lao hãn mã của những người phù tá.

Triệt phùng Quan Phúc, xấu tốt chất chồng

Đại hạn 75-84 tuổi ứng với thời gian 1985-94 vào Tỵ vẫn là phương nam thuộc hỏa, có Tử Sát Binh Hình Tướng Ấn là thượng cách cho kẻ nắm quyền uy. Nhưng đế tinh Tử Vi vốn rất kỵ Triệt; cung gặp chính Triệt lại thêm Quan Phúc ở vị Tuế Phá xung vòng Thái Tuế thì rất khó vẹn toàn; bởi vậy hạn này chứa đủ hai mặt cực đoan tốt xấu. Mặt tốt là thành công rực rỡ trong việc hóa giải cuộc “chiến tranh lạnh” với khối Sô Viết. Họp thượng đỉnh lần đầu với tổng bí thư Liên Sô Gorbachev năm 1985, ký hiệp ước hủy bỏ vũ khí hạch nhân tầm trung năm 1987, giảm mối nguy diệt chủng cho toàn thể nhân loại.

Năm 1987, trong một cuộc họp thượng đỉnh với Gorbachev, khi đến cổng Brandenburg ở bức tường ô nhục Bá Linh ông Reagan dõng dạc bảo đối phương: “Ông Gorbachev, hãy mở cái cổng này ra, hãy phá bức tường này xuống!” Câu nói đầy thách thức này bị nhiều chuyên gia chính trị lúc ấy chê trách là “phản ngoại giao”. Nhưng như chúng ta đều biết, chỉ hai năm sau bức tường Bá Linh bị phá tan trong khi trận cuồng phong dân chủ 1989 xô ngã các chính phủ cộng sản Đông Âu như các con bài domino. Cuộc đổi thay vĩ đại này khiến lời tuyên bố “phản ngoại giao” ngày xưa của ông Reagan trở thành lời tiên tri lưu danh hậu thế.

Mặt xấu là vụ án “Iran contra” bùng nổ năm 1986. Người viết sẽ không đi vào chi tiết, chỉ ghi nhận rằng có lúc các chuyên gia chính trị tưởng vụ này sẽ làm ông Reagan bay chức tổng thống. Mãi đến năm 1988 là năm cuối cùng đương nhiệm tổng thống, nhờ đề đốc Poindexter đứng ra nhận hoàn toàn trách nhiệm, ông Reagan mới thoát.

The Great Communicator!

Điểm lạ lùng là mặc dầu bị vết nhơ “Iran contra” ám ảnh 3 năm sau cùng, khi ông Reagan từ giã tòa bạch ốc, nhường quyền lại cho tân tổng thống George Bush Sr. để trở lại đời sống dân sự đầu năm 1989, niềm tin yêu mà quần chúng dành cho ông chẳng hề giảm sút. Người ta bảo sở dĩ thế là vì ông là “the Great Communicator” có biệt tài đánh động trái tim quần chúng khiến người ta không thể nào không thương ông được. Vì yêu thương ông nên người ta “chín bỏ làm mười”, chỉ để ý đến ưu điểm và chẳng buồn chê trách khuyết điểm của ông. Cứ xem chuyện gia đình của ông là đủ rõ. Ông xiển dương “giá trị gia đình”, nhưng chính ông là vị tổng thống đầu tiên -và đến khi bài này được viết vẫn là vị tổng thống duy nhất- của Hoa Kỳ đã ly dị vợ. Con cái cũng chẳng thân thiết gì với ông, và hay than phiền rằng ông chẳng có thời giờ cho họ. Nhưng nếu theo dõi các phương tiện truyền thông, ta chỉ nghe nói đến mối tình lãng mạn thi vị như tiểu thuyết giữa ông và bà vợ thứ hai, thấy những tấm hình đầy tình yêu thương mà ông chụp chung với con cái ở một thời xưa cũ.

Lý thú làm sao, ngay cả cái số “nói hay trời thưởng” này cũng có thể thấy qua lá số của ông. Sao Khoa quá nhiều bảo sao chẳng được đời ưu đãi, hai Kỵ bị Khoa trấn ngay hông thì muốn ghét cũng chẳng được, lục cát Tả Hữu Xương Khúc Khôi Việt tam minh Đào Hồng Hỉ đều tụ ở sáu cường cung, thiên di lại thêm Cự Lộc Quyền Quang Quý hội, Khốc Hư giáp; thảo nào mỗi lời nói ra đều được người chờ đón hoan hô. Giả như ngược lại bị Hình Riêu Không Kiếp đóng ở cường cung thì cũng những lời nói ấy e sẽ bị người nghe lấy sợi tóc chẻ làm tư tìm phương phỉ báng. Thế mới biết dẫu có tài là quý, nhưng “hay không bằng hên” nên có tài vẫn phải thêm số tốt nữa mới được.

Lưu danh hậu thế

Đại hạn cuối cùng 85-94 tuổi (ứng với thời gian 1995-2004) vào cung Thìn, tức quan lộc nguyên thủy, có Cơ Lương Đế Vượng Tả Hữu Thai Cáo Xương một Lộc bốn Khoa hai Kỵ và đủ bộ tam minh Đào Hồng Hỉ hội họp. Với người tuổi trẻ chính là hạn vẫy vùng đắc chí, nhưng ở tuổi gần đất xa trời thì chính cung Đế Vượng Hồng Loan, hội Đào Hỉ thật khó mà qua khỏi.

Nhưng tại sao ông Reagan lây lất “sống như đã chết”, đến năm cuối cùng của đại hạn mới ra đi” Phải chăng vì cung Thìn là nhuận thổ (đất ướt) có thể sinh bản mệnh kim nên ông không chết ngay được” Cũng hợp lý, nhưng người viết không cho rằng đó là nguyên nhân chính. Một đặc điểm trong đời chính trị của ông Reagan là ông luôn luôn ở đúng chỗ đúng lúc nên được hưởng hết mọi ánh hào quang rực rỡ. Cứ nhìn lại các thành tích của ông thì rõ. Thái độ cương quyết của ông đối với Liên Sô dĩ nhiên là can đảm, nhưng ông nắm quyền đúng lúc anh khổng lồ Sô Viết với đôi chân bằng đất sét sắp ngã sụm nên được coi là tác nhân chính trong việc làm sụp đổ Sô Viết và khối cộng Đông Âu. Cái nhìn lạc quan của ông về tương lai nước Mỹ dĩ nhiên là hợp thời; nhưng vì tổng thống Carter trước ông đã sai lầm đẩy nước Mỹ đầy sức sống xuống tận cùng vực thẳm của bi quan nên ông được coi là tác nhân kéo nước Mỹ lên trở lại vị trí hùng cường.

Khi ông Reagan trút hơi thở sau cùng, ở Âu Châu là đêm khuya 5 tháng 6, 2004; đúng ngay lúc nhiều lãnh tụ thế giới tụ tập ở Pháp để chuẩn bị lễ kỷ niệm 60 năm ngày quân đội đồng minh đổ bộ ở bãi biển Normandie giải phóng nước Pháp (6 tháng 6, 1944). Sự trùng hợp khít khao này khiến người ta không muốn cũng phải nhớ lại bài diễn văn bất hủ khiến bao người rơi lệ mà ông đã đọc ở Normandie 20 năm trước khi ông còn là tổng thống Mỹ. Thì ra ngay khi chết, trời vẫn cho ông Reagan cái may mắn là người đúng lúc. Nhờ vậy, sự ra đi của ông thay vì chỉ là một biến cố ở Hoa Kỳ đã nghiễm nhiên hóa thành một biến cố của toàn thế giới.

Suốt tuần lễ sau khi ông Reagan chết nước Mỹ như lắng đọng, cờ treo nửa cột. Thứ sáu 11 tháng 6 tức ngày chôn cất ông được tuyên bố là ngày “toàn quốc khóc thương”, các cơ quan chính phủ và thị trường hôái đoái đóng cửa. Hôm ấy, sau lễ quốc táng ở Washington với đầy đủ các nhân vật trọng yếu của toàn thế giới, chiếc quan tài chứa di thể ông Reagan được bay trở lại California, và rồi y như đoạn kết bi hùng của một cuốn phim Hollywood, người ta hạ ông xuống lòng đất lạnh ngay lúc mặt trời chìm xuống phương tây. Những tia nắng quái hoàng hôn như muốn nhắc lại một đoạn trong bức thư ông Reagan viết tháng 11, 1994 để loan báo mình bị bệnh Alzheimer:

“Giờ đây tôi bắt đầu cuộc hành trình dẫn đến buổi hoàng hôn của đời tôi, nhưng tôi biết rằng nước Mỹ luôn luôn có một bình minh rực sáng”*

Cuối cùng cuộc hành trình của ông Reagan đã chấm dứt, và ông đã đến nơi. Nhưng nếu quả đúng là định mệnh đã an bài cho một người luôn luôn đúng thời đúng chỗ, có lẽ ông sẽ không biến mất trong bóng tối theo sau buổi hoàng hôn của cuộc đời 93 năm, mà sẽ sống mãi như một trong những biểu tượng quan trọng nhất của chính trị thế giới trong thế kỷ 20./

Ngày 18 tháng 6, 2004

Đằng Sơn

* Nguyên văn lời dịch của học giả Nguyễn Ngọc Bích

Phụ lục: Yếu tố Quan Phúc trong lá số của cố tổng thống Reagan

Như đã nhấn mạnh nhiều lần trong loạt bài Tử Vi và thế cuộc, theo cách xem của người viết Quan Phúc ở đâu là thử thách đã an bài ở đó, tùy cái nhân gieo mà quả ngọt đắng khác nhau. Lá số nguyên thủy của ông Reagan có Quan ở tử tức, Phúc ở Nô. Hãy nói về Quan ở tử tức trước, vì có vài dữ kiện tương ứng với Quan Phúc ít được giới truyền thông phổ biến. Ông Reagan và người vợ đầu mất một cô con gái là Christine, ngoài ra hai người nhận một cậu con nuôi là Michael. Ngoại trừ cô con gái đầu lòng là Maureen (chết năm 2001), những người con khác đều than phiền là có một khoảng cách giữa họ và ông Reagan. Mãi đến khi ông bị bệnh Alzheimer rồi khoảng cách này mới được các người con tự nguyện thu ngắn lại rồi bỏ hẳn. Những sự kiện này ứng với Hình Quan Phúc ở Tử Tức. Điểm đáng chú ý là ông Reagan chưa từng lên tiếng trách lại con cái mình; thế là ông đã vô tình hoặc cố ý hành xử đúng một đòi hỏi của Quan Phúc. Phải chăng vì vậy mà khi ông bị bệnh nan y, trời cho ông sống lây lất kéo dài để con cái có thời giờ đổi thay quan điểm, cho tình cha con được trở thành sâu đậm trước khi ông từ giã cõi đời.

Bấy nhiêu đã đủ cho tử tức, nay luận sang Nô Bộc. Năm 1976 đại tiểu hạn trùng phùng ở Ngọ, nên đại hạn nô bộc và tiểu hạn nô bộc cũng trùng phùng có Thiên Phúc xung chiếu. Ông Reagan thua tổng thống Ford đau đớn trong cuộc bầu cử nội bộ đảng Cộng Hòa. Theo nguồn tin thông thạo thời ấy thì một nhân vật có thế lực của đảng (tạm gọi là ông A.) hứa ủng hộ ông Reagan rồi lại xoay sang ủng hộ ông Ford, nên ông Reagan thay vì thắng suýt soát thành thua đau đớn.

Chuyện kể rằng sau khi mọi sự đã ngã ngũ, ông A. tìm đến gõ cửa phòng khách sạn của ông bà Reagan, vừa khóc nức nở rằng “Thống đốc ơi. Tôi đã phạm lỗi lầm lớn nhất của đời tôi nên đến đây để nghe ông trách mắng”. Bà Nancy, vợ ông Reagan, giận quá ngoảnh mặt đi không nói lời nào cả. Nhưng ông Reagan thì rất bình tĩnh. Ông ôn tồn vỗ về ông A. rồi nói nửa đùa nửa thật rằng: “Không sao cả. Miễn là lần sau anh chịu đoái công chuộc tội!” Khi nói những lời này ông Reagan đã 66 tuổi ta, làm gì có “lần sau”; nhưng nghe thế ông A biết là mình đã được ông Reagan tha tội phản bội.

Ai ngờ lại có “lần sau” thật. Đoạn kết của câu chuyện kể rằng nhờ cảm cái khí lượng quân tử của ông Reagan mà ông A. là một trong những người đắc lực nhất của phe Reagan trong cuộc bầu cử 1980. Vì mọi phản ứng của giới lãnh đạo được đồn xa rất lẹ ở nước mà giới truyền thông quá tự do và đói tin như nước Mỹ, giả như ông Reagan không dằn nổi đau đớn nóng giận, hạ nhục ông A trong năm 1976 thì rất có thể nhiều người theo ông đã chém vè bỏ cuộc -như trường hợp ông Howard Dean đầu năm 2004- và nước Mỹ đã chẳng có hai nhiệm kỳ của tổng thống Reagan.

Còn một sự kiện đáng chú ý nữa là năm 1981 ông Reagan bị gã khùng John Hinckley mưu sát một cách lãng xẹt (để làm nổi với nữ tài tử Jodie Foster mà hắn chưa từng gặp bao giờ). Nhìn lại tiểu hạn năm này thiên di có Thiên Phúc trấn giữ cùng Tuế Phá Tử Sát Tướng Ấn Mã ngộ chính Triệt, hội họp có Quan Hình Riêu Không Kiếp. Tật ách thì đại hạn có Vũ Tham Hình Riêu Không Kiếp, tiểu hạn vô chính diệu có Song Hao Khôi Việt Kình Linh; thật không hiền lành một chút nào. Nếu ông Reagan trúng đạn tử nạn chẳng thể nói là không đúng số.

Thực tế là ông trúng đạn, nhưng may mắn làm sao viên đạn cách tim vài centimét, nên ông thoát chết một cách ly kỳ. Sự bình tĩnh hiếm có của ông sau khi thọ nạn đã thành giai thoại của làng báo. Sau khi tỉnh dậy trong phòng cấp cứu, chuẩn bị mổ ông còn tỉnh bơ giỡn đùa với các bác sĩ “Tôi hy vọng quý vị đều là người của đảng Cộng Hòa”. Sau khi hồi phục, một lần nữa tỏ khí độ quân tử ông ngỏ ý muốn gặp mặt kẻ đã bắn ông, hy vọng cuộc gặp gỡ này giúp hắn giảm bệnh tâm lý. Vì các chuyên gia tâm lý sợ cuộc gặp gỡ này gây áp phê ngược khiến Hinckley khùng thêm, ông mới đành bỏ ý định.

Tóm lược lại; ông Reagan thua đau đớn năm 1976, thắng dễ dàng năm 1980, thoát chết trong đường tơ kẽ tóc trong cuộc mưu sát năm 1981, rồi thắng dễ dàng lần nữa năm 1984. Vì tất cả những dữ kiện này đều ở trong đại hạn 1975-84 có Phúc xung chiếu nô bộc, và hai lần bị thử thách ông đều dung thứ cho kẻ đã gây hại cho mình, ta có thêm bằng cớ để tin rằng Quan Phúc quả là hai dấu hiệu đánh dấu hai phương mà trời muốn thử thách con người.

Trusted by some of the biggest brands

spaces-logo-white
next-logo-white
hemisferio-logo-white
digitalbox-logo-white
cglobal-logo-white
abstract-logo-white
white-logo-glyph

We’re Waiting To Help You

Get in touch with us today and let’s start transforming your business from the ground up.