Thiên Đồng ở cung Mệnh (Thân)
Thiên Đồng ở 12 cung đều có khuyết điểm, cổ nhân nói, “Thiên Đồng vào 12 cung đều là phúc trạch”, đây là nói rốt cuộc nó có thể khắc phục khuyết điểm. Như ở cung mệnh, chủ về tay trắng làm nên, tức là cần phải lưu ý cung phụ mẫu, xem cha mẹ của mệnh tạo có phá tán, thất bại hay không, hay vận trình lúc còn trẻ có phá tán, thất bại hay không.
Thiên Đồng chủ về tâm trạng, cho nên lúc có các sao phụ, tá tụ hội, chưa chắc đã cát lợi, bởi vì có thể xảy ra tính ỷ lại, khiến đời người dễ vì thành tựu nhỏ mà đã an vui không chịu tiến thủ.
Thiên Đồng thuần tuý là sao tinh thần, ưa được kích phát, mới có tinh thần phấn chấn. Vì vậy, gặp sát tinh và Hoá Kỵ, có lúc lại chủ về trải qua gian nguy sau mới có được thu hoạch lợi ích.
Thiên Đồng gặp các sao cát, hình trùng trùng, chủ về tinh thần rối rắm khó xử. Nếu gặp thêm các tạp diệu Thiên Hình, Thiên Hư, Đại Hao, Âm Sát, mà bản thân Thiên Đồng lại hoá làm sao kị, thì nên đề phòng bệnh tinh thần, hay tâm lý mất quân bình mà gây ra bệnh hoạn. Nếu gặp thêm cát tinh cũng chủ về tinh thần bị áp lực.
Do Thiên Đồng ưa được kích phát, trừ phi nguyên cục có các sao sát, kị, hình, hao trùng trùng, nếu không, thông thường nó ưa đến cung hạn Thất Sát tọa thủ. Cung hạn này hơi gặp cát tinh, mà tam phương tứ chính còn có sao lộc, tức là vận mệnh chủ về phát mạnh. Bất kể đại hạn hay lưu niên đều như vậy.
“Thiên Đồng, Thái Âm” đồng độ ở hai cung Tí hoặc Ngọ, ở cung Tí thì tốt hơn, vì ở cung Ngọ thì Thái Âm lạc hãm, còn gây ảnh hưởng khiến Thiên Đồng có tâm trạng không ổn định. Nếu lại gặp sát tinh, sẽ chủ về bệnh mang tính thần kinh, âm dương không điều hoà, nội tiết mất quân bình, âm hư, v.v… Không gặp sát tinh cũng chủ về thần kinh quá mẫn cảm.
“Thiên Đồng, Thái Âm” ở cung Ngọ, gặp cát tinh, nhưng có Kình Dương đồng độ, gọi là “Mã đầu đới tiễn”. Người sinh năm Bính, Thiên Đồng Hoá Lộc, tốt hơn người sinh năm Mậu, Thái Âm Hoá Quyền (ắt cũng gặp Thiên Cơ Hoá Kị). Người sinh năm Mậu phải trải qua gian nguy để lập nghiệp, lại thường vì nghi kị mà sinh phá tán, thất bại. Người sinh năm Bính, sau khi lập nghiệp thì nhiều phúc trạch.
“Thiên Đồng, Thái Âm” ở cung Tí tuy không tốt bằng ở cung Ngọ thuộc cách cục “Mã đầu đới tiễn”; nhưng lại hơn xa “Thiên Đồng, Thái Âm” ở cung Ngọ mà không thành cách. Vì có thể mượn “Thái Dương, Cự Môn” của cung Dần, nếu được cát hoá, chủ về được người ngoại quốc (hay người ở phương xa) đề bạt. Nữ mệnh thường kết hôn với người ngoại quốc (hay người phương xa). Nhất là cung Tí vô chính diệu, mượn “Thiên Đồng, Thái Âm” của cung Ngọ để an sao thì càng đúng; hoặc cung Ngọ vô chính diệu, mượn “Thiên Đồng, Thái Âm” của cung Tí cũng vậy.
“Thiên Đồng, Thái Âm” ở hai cung Tí hoặc Ngọ, rất kị Thiên Đồng hay Thái Âm Hoá Kị; khi đến cung hạn Thiên Tướng toạ thủ, bất kể lưu niên hay đại hạn đều có khuyết điểm, thông thường là niên hạn chủ về trắc trở. Nếu người sinh năm Đinh, Thiên Đồng Hoá Quyền, Thái Âm Hoá Lộc, thì cung phúc đức Cự Môn ắt sẽ Hoá Kị, thích hợp với các nghề nghiệp cần đến tài ăn nói. Nữ mệnh đến vận Thiên Tướng, chỉ cần đề phòng trắc trở trong hôn nhân.
Đối với “Thiên Đồng, Thái Âm” ở hai cung Tí hoặc Ngọ, gặp sát tinh, thì các cung hạn Thất Sát, Phá Quân, Tham Lang là những niên vận có tính then chốt; không gặp sát tinh mà gặp cát tinh, thì các cung hạn “Tử Vi, Thất Sát”, Thiên Tướng, “Thiên Cơ, Thiên Lương” là các niên vận có tính then chốt.
“Thiên Đồng, Cự Môn” ở hai cung Sửu hoặc Mùi, Cự Môn là ám tinh, ảnh hưởng đến sắc thái tâm trạng của Thiên Đồng. Cho nên bản thân các tổ hợp sao đã có khuyết điểm. Như Thiên Đồng Hoá Kị, thì tâm chí bạc nhược, hoặc có nỗi đau khổ thầm kín; Cự Môn Hoá Kị sẽ chủ về nỗi đau khổ thầm kín trong đời người thường là do bản thân mệnh tạo chủ động gây ra.
“Thiên Đồng, Cự Môn” ở hai cung Sửu hoặc Mùi, Hoá Lộc thì tài lộc dồi dào, nhưng vẫn không tránh được, có nỗi đau khổ thầm kín. Cần phải Cự Môn Hoá Quyền, hoặc hội các sao Hoá Khoa, Hoá Quyền mới chủ về tâm trạng ổn định, có thể tránh bị người ngoài gây ra nỗi đau khổ thầm kín.
Tổ hợp “Thiên Đồng, Cự Môn”, nếu Cự Môn Hoá Kị, thì Thiên Đồng ắt sẽ hoá thành sao quyền. Thiên Đồng Hoá Quyền có thể ổn định tâm trạng, Cự Môn Hoá Kỵ thì sinh lực kích phát; nhưng lúc này, nếu ở cung Sửu, thì bị Kình Dương, Đà La chiếu xạ; nếu ở cung Mùi, ắt sẽ có Kình Dương đồng cung, lực kích phát thái quá sẽ thành rối rắm khó xử. Vì vậy không tốt bằng Thiên Đồng ở hai cung Thìn hoặc Tuất đối nhau với Cự Môn.
Đối với “Thiên Đồng, Cự Môn”, ngoài trừ cung hạn Thất Sát là vận hạn có tính then chốt ra, còn có các cung hạn khác là “Thái Dương, Thiên Lương”, Thái Âm, Phá Quân, Thiên Cơ là những hạn có tính then chốt.
Hễ “Thiên Đồng, Cự Môn” đồng độ với Đà La, là chủ về buồn phiền, đời người ắt phải trải qua sóng gió lớn mới phát mạnh. Về vận phát mạnh, nam mệnh nên đến cung hạn Thất Sát, nữ mệnh đến cung hạn “Liêm Trinh, Thiên Phủ”.
“Thiên Đồng, Thiên Lương” đồng độ ở hai cung Dần hoặc Thân, thành cách “Cơ Nguyệt Đồng Lương”. Kết cấu này ổn định hơn “Thiên Cơ, Thái Âm” thủ mệnh thành cách “Cơ Nguyệt Đồng Lương”. Có điều, Thiên Đồng chủ về tâm trạng, Thiên Lương chủ về nguyên tắc, hai sao đồng cung, khó tránh mâu thuẩn, xung đột. Nhưng vẫn lấy trường hợp gặp Hoá Lộc, Hoá Quyền làm cách cục cát lợi; gặp Hoá Khoa thì chỉ sang quý thanh cao, có địa vị xã hội, nhưng không giàu có, thu nhập sẽ tuỳ theo địa vị mà định.
“Thiên Đồng, Thiên Lương” ở hai cung Dần hoặc Thân, chủ về bất lợi trong hôn nhân, cung phu thê là Cự Môn Hoá Kị thì càng đúng.
Đối với “Thiên Đồng, Thiên Lương” ở hai cung Dần hoặc Thân, các cung hạn “Vũ Khúc, Thất Sát”, Cự Môn, Thái Âm, Thái Dương là những lưu niên hay đại vận có tính then chốt.
Thiên Đồng độc toạ ở hai cung Mão hoặc Dậu, đối nhau với Thái Âm. Trường hợp Thái Âm ở cung Dậu thì tốt hơn. Nếu người sinh năm Đinh, có tứ hoá diệu tụ hội, do Cự Môn Hoá Kị ở cung tài bạch, nên không chủ về lực kích phát, mà chỉ chủ về dùng lời nói để kiếm tiền, nếu không sẽ thành điều tiếng thị phi.
Thiên Đồng ở cung Dậu, nếu đối cung là Thái Âm Hoá Kị, thì dễ thất chí, hoặc nhiều mặc cảm tự ti. Thiên Đồng ở cung Mão, đối cung là Thái Âm Hoá Kị, sẽ chủ về thủ đoạn.
Thiên Đồng ở hai cung Mão hoặc Dậu, nếu hội Cự Môn Hoá Lộc hoặc Cự Môn Hoá Kị, thì cũng dể sinh nỗi đau khổ thầm kín, nhất là đau khổ vì mối tình không bình thường, giống như “Thiên Đồng, Cự Môn” ở hai cung Sửu hoặc Mùi.
Đối với Thiên Đồng ở hai cung Mão hoặc Dậu, các cung hạn Thiên Cơ, Thất Sát, Thiên Lương, Cự Môn là những niên hạn có tính then chốt.
Thiên Đồng ở hai cung Thìn hoặc Tuất, đối nhau với Cự Môn, cũng có đặc tính của “Thiên Đồng, Cự Môn”. Có điều, Thiên Đồng ở cung Tuất ưa đối cung là Cự Môn Hoá Kị kích phát, gọi là cục “phản bối”, chủ về gian khổ sáng lập sự nghiệp, cần phải chú ý điều hoà quan hệ nhân tế, vì có ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp.
Thiên Đồng ở cung Thìn, đối cung là Cự Môn Hoá Kị, cho nên không thành cục “phản bối”, vì hội Thiên Lương có tính “cô kị” ở cung Tí không bằng hội Thiên Lương ở cung Ngọ, cho nên đời người khá thuận lợi toại ý, nhưng lại ít tính chất “qua cơn mưa trời lại sáng” để thành sự nghiệp lớn.
Thiên Đồng ở cung Thìn, thông thường đều độc đoán, có thành kiến. Vì vậy không nên hợp tác làm ăn với người khác.
Đối với Thiên Đồng ở hai cung Thìn hoặc Tuất, các cung hạn “Liêm Trinh, Thất Sát”, Thiên Lương, Cự Môn, “Thiên Cơ, Thái Âm” là những niên vận có tính then chốt.
Thiên Đồng ở hai cung Tị hoặc Hợi, ở cung Tị tốt hơn. Ở cung Hợi thì Thiên Lương của đối cung ở cung Tị, dễ mang lại thị phi, kiện tụnh, khắc hại.
Thiên Đồng đối nhau với Thiên Lương, có tính lười biếng. Vì vậy nên thận trọng trong việc kết bạn, dễ giao du với bạn xấu, khiến ảnh hưởng xấu đến cuộc đời.
Thiên Đồng ở hai cung Tị hoặc Hợi, rất ngại Hoá Kị, nhất là ở cung Hợi, chủ về cuộc đời vất vả, rời xa người thân, lưu lạc, không nơi nương tựa; ở cung Tị thì có thể tự lập, chỉ cần giữ ổn định, không được thấy mới nới cũ, mới có thể lập nghiệp.
Thiên Đồng ở hai cung Tị hoặc Hợi, lúc hơi thành tựu, nhất thiết không được hợp tác với người khác, nếu không sẽ có kết cục rất xấu.
Đối với Thiên Đồng ở hai cung Tị hoặc Hợi, các cung hạn “Thiên Cơ, Cự Môn”, Thất Sát, Liêm Trinh là những niên hạn có tính then chốt.
(Dẫn theo blog Trần Nhật Thành)