LUẬN TAM HỢP HÓA (BIẾN) TAM TAI
Ngũ hành phương vị của can chi là: Hợi Tý Sửu hội bắc phương thủy, Dần Mão Thìn hội đông phương mộc, Tỵ Ngọ Mùi hội nam phương hỏa,Thân Dậu Tuất hội tây phương kim. Nhâm Quý thủy bắc phương, Giáp Ất mộc đông phương, Bính Đinh hỏa nam phương, Canh Tân kim tây phương, Mậu Kỷ thổ trung tâm. Can chi ngoài các tổ hợp về phương vị chúng còn kết hợp với nhau tạo ra các cặp như: tam hợp, lục hợp, lục hại, lục xung… trong đó tam hợp cục thường được dùng trong trạch cát phong thủy, nó được kết hợp với ngũ hành phương vị cùng với các khí sinh vượng, tử tuyệt… luân chuyển trong không gian để định cát hung. Sự tương tác của tam hợp cục với ngũ hành của phương vị tạo ra trạng thái mà người ta gọi là tam sát, tam tai. Nói về tam sát các nhà trạch cát đều hiểu nguyên lý vận hành của nó, riêng về tam tai tuy cũng được dùng khá phổ biến ở VN nhưng rất ít người biết đến nguyên lý của chúng vận hành ra sao trong không gian của Dịch học. Đã có nhiều ý kiến bình luận cho vấn đề này, nhưng vẫn chưa thỏa đáng dưới cách nhìn của khoa học Dịch.
Đơn cử dưới đây là một vài cách luận tam hợp hóa tam tai của một số tác giả (trích dẫn nguyên văn):
“Ba tuổi tam hợp khi gặp ba năm liên tiếp “ấy” thì sẽ có sơ tai-trung tai-mạt tai. Chữ Xưa cô đọng, ngắn gọn nên phải diễn ra cho đủ. Câu xưa chính xác là: Tam Hợp biến Tam tai” – (Tam hợp là tuổi của người nằm trong bộ tam hợp; Tam tai là tai hại của ba năm liên tiếp)”
“tuổi của con người nó cấu thành bởi 2 thứ đó là thiên can và địa chi
ở đây xét tam hợp là khi đó chỉ nói đến địa chi mà thôivì thế nếu xét tổng thể là xét xung hợp cả thiên can và địa chi vào thì sẽ xuất hiện trường hợp xung chiếu thiên can ( do thiên can cũng luân chuyển trên ngũ hành)nên mới có câu tam hợp hóa tam tai”
“Tam hợp biến Tai là kinh văn, nên cô đọng quá, dễ gây hiểu lầm. Thực ra, chữ “Biến” có cả tiền ngữ và trợ ngữ là “Khi thay đổi đến … thì gặp” – nói cách khác, thì chữ Biến hàm nghĩa: sự biến thiên, thay đổi (về thời gian). Do đó phải hiểu “T.H.B.T.T” là Ba tuổi trong bộ tam hợp khi gặp sự biến thiên năm tháng trong đời sẽ có tai hại ở Ba năm đó”
“Nếu chỉ xét đơn thuần về ngũ hành thì, ví dụ, tam hợp thủy cục Thân Tý Thìn hóa Dần Mão Thìn là hội của hành mộc, sinh xuất nên hao tán”
“Lý thuyết cụ thể hóa hạn Tam tai theo từng năm (3 năm)
1. Tam hợp Dần Ngọ Tuất – hạn Tam Tai là 3 năm Thân Dậu Tuất
+ Vào năm Thân thì gặp Thiên Hoàng Tinh Quân tắc bị thiên hành chi hữu, khủng cụ chi họa
+ Vào năm Dậu thì gặp Thiên Đối Tinh Quân tắc hữu đối thủ hoặc đối thủ dĩ hoàng thiên
+ Vào năm Tuất thì gặp Địa Tai Tinh Quân tắc hữu tai hại vi thổ địa” v.v.v…
(đó là một vài ví dụ của các tác giả luận về tam tai, theo ngu mỗ, luận như vậy chưa thỏa đáng, không có tính thuyết phục.)
Vậy tam tai là gì?
Vòng trường sinh, đó là trạng thái tiêu trưởng của vật chất mà đại diện là ngũ hành được quy thành 12 giai đoạn – Trường sinh, mộc dục, quan đới, lâm quan, đế vượng, suy, bệnh, tử, mộ, tuyệt, thai, dưỡng. Ngũ hành của can chi cũng không nằm ngoài sự vận hành của trạng thái đó. Ví như Mão mộc trường sinh ở Hợi, mộc dục ở Tý, quan đới ở Sửu, lâm quan tại Dần, đế vượng ở Mão, suy ở Thìn, bệnh ở Tỵ, tử ở Ngọ, mộ ở Mùi, tuyệt ở Thân, thai tại Dậu và dưỡng ở Tuất. Tại phương vị thì Mão sinh ở bắc phương thủy, vượng ở đông phương mộc, tử ở nam phương hỏa, tuyệt tại tây phương kim. Như thế Mão mộc được sinh vào mùa đông, vượng vào mùa xuân, tử ở mùa hạ và tuyệt tại mùa thu, mà Mão chính là mộc của tam hợp cục Hợi Mão Mùi, Ngọ là hỏa của tam hợp cục Dần Ngọ Tuất, Tý là thủy của tam hợp cục Thân Tý Thìn v.v.v. Vậy là ngũ hành của các tổ hợp này chịu sự chi phối của các khí sinh, vượng tử mộ tuyệt… tại các phương vị trong không gian và ngược lại. Nếu ngũ hành của phương vị bị ngũ hành của tam hợp cục khắc chế tạo ra khí sát, thì đó là tam sát. Ví dụ như tọa tam sát, phương tam sát, sơn gia tam sát, niên tam sát nguyệt tam sát v.v.v. được ứng dụng rất nhiều trong phong thủy. Như trên đã nói, địa chi hội ở phương vị nào thì mang thuộc tính ngũ hành của phương vị đó. Đơn cử Tỵ Ngọ Mùi hội ở phương nam nên mang thuộc tính của hỏa, tại sao Mùi lại mang khí hỏa, vì Mùi khi đó đang là cuối tứ quý nên khí của hỏa còn dư nên hỏa viêm thổ táo vì vậy Mùi vẫn mang khí của hỏa tuy lúc này đã suy yếu. Nếu mộc ở phương đông vận hành qua các phương vị thì gặp Hợi là sinh khí, gặp Mão là vượng khí, gặp Thìn là suy khí, Tỵ là bệnh khí, Ngọ là tử khí, Mùi là mộ khí, Thân là tuyệt khí… Như vậy nếu ngũ hành của tam hợp cục vận hành đến phương vị nào thì sẽ chịu sự chi phối của khí ngũ hành của phương vị đó, cho nên tam hợp cục Hợi Mão Mùi gặp Tỵ Ngọ Mùi là gặp khí bệnh, tử, mộ. Dần Ngọ Tuất gặp Thân Dậu Tuất là cũng gặp khí bệnh, tử, mộ,tương tự các cục khác khi gặp các địa chi hội ở các phương vị cũng đều chịu sự chi phối như vậy. Căn cứ vào đó trong trạch cát người ta mới ứng dụng điều này, khi mà các tuổi nằm trong bộ tam hợp cục vận hành đến các năm có khí bệnh, tử, mộ thì sẽ gặp những chuyện bất lợi nên dân gian mới gọi là “Tam hợp hóa(biến) tam tai” là thế. Dưới đây là tổ hợp của chúng:
– Dần Ngọ Tuất tam tai tại Thân Dậu Tuất ứng với khí bệnh, tử, mộ.
– Tỵ dậu Sửu tam tai tại Hợi Tý Sửu ứng với khí bệnh, tử, mộ.
– Thân Tý Thìn tam tai tại Dần Mão Thìn ứng với khí bệnh, tử, mộ.
– Hợi Mão Mùi tam tai tại Tỵ Ngọ Mùi ứng với khí bệnh, tử, mộ.
Ngoài ra trong Huyền không còn quy định ngũ hành sinh khắc được phân chia khách thể và chủ thể tạo thành trạng thái gọi là sinh nhập, sinh xuất, khắc nhập khắc xuất. Khách sinh chủ sinh nhập là tốt (sinh khí), chủ gặp đồng loại là vượng khí, nếu chủ sinh khách là thoái khí bất lợi, chủ khắc khách là tử khí, khách khắc chủ là sát khí, đó là 5 trạng thái “sinh, vượng, thoái, sát, tử”. Như vậy nếu tam hợp cục Hợi Mão Mùi vận hành đến phương nam nơi hội của Tỵ Ngọ Mùi, mộc sinh hỏa thành thoái khí bất lợi, và đó cũng là một yếu tố nữa để tạo ra tam tai.
Cuối cùng tam tai, tam sát cũng không nằm ngoài lý luận của Dịch, và cả bộ môn trạch cát nói chung.
(Nguyễn Gia Phong Thủy – bộ môn trạch cát)