Chữ Thời trong Tử Vi (phần 1)
Lão Nông
I – Luận chữ Thời của Tử Vi:
Sau khi được sinh ra tại quẻ Khảm, cung Tý, Vua tất phải đi tìm sự nghiệp, vì thế tiếp sau là Tử Vi vào quẻ Sơn Thủy Mông (cung Sửu). Theo Kinh Dịch, ở quẻ này là thời mù mờ, non yếu, hiểu theo nghĩa là thời khai sơn lập nghiệp cũng đúng. Và vì thế ở thời này Vua cần sao Phá Quân để làm tướng tiên phong, dẫn đường dẹp lối… Và cũng lúc này, trên Trời mở cửa Thiên La để Hoàng Hậu giáng trần… Cứ theo cách như vậy mà luận về thời và tính lý các sao còn lại.
Vào đến cung Dần thuộc quẻ Cấn, đây là đất sơn lâm, Vua gặp Hoàng Hậu và lập nghiệp, xưng Vương lần thứ nhất nhưng vì mới buổi đầu nên Tử Vi – Thiên Phủ ở cung này cũng chưa được coi là đắc địa lắm.
Vua mới lập nghiệp nên nhiều kiêu hãnh, tuy nhiều sai lầm mà đã dám quấy động đến cửa Lôi Môn, dám ăn chơi sa đọa, cùng với sao Tham Lang đến cung Mão thuộc quẻ Chấn, đây là cửa Trời, vì vậy bị tội là lẽ đương nhiên!
Vua sa vào lưới Thiên La (lưới nhàTrời) tại cung Thìn và lúc này Vua cần sao Thiên Tướng để phá lưới Thiên La.
Thoát được lưới Thiên La, Vua vào chùa học Đạo (Tử Vi tại Tị), đến lúc này Vua có bài học về mọi chuyện, vì thế, Vua cần thanh gươm báu để chỉnh đốn triều đình và sao Thất Sát được tận dụng, ở đây Thất Sát được coi là gươm báu của Vua, dùng để thanh trừng, dẹp bỏ những người không hữu dụng, những kẻ cản trở…
Sau đó vào cung Ngọ đăng quang, lúc này mới là ông Vua sáng suốt, liêm chính. Vì thế các vua chúa mới hay xây dựng cung điện quay về hướng Nam, gọi là cửa Ngọ Môn, ý nói ta là ông Vua sáng suốt, minh bạch…
Không ai giữ mãi được ngôi báu, vì thế nên có lúc phải gãy đổ sự nghiệp, cũng hiểu là không ai được mãi cái giàu có, không ai không có lúc vấp ngã, sai lầm trong cuộc đời… và đến lúc phải đi lánh nạn
Vua lại vời sao Phá Quân giúp Vua đi lánh nạn và thầy trò bước vào cung Mùi, cung có tên theo Kinh Dịch là quẻ Địa Hỏa Minh Di, quẻ này ý nói nên lánh đi, giấu cái sáng suốt của mình đi.
Đi lánh nạn, vẫn không quên sự nghiệp, khi thất bại vẫn không nản, biết được thăng trầm của thế sự, là người quân tử vậy. Và như thế tất sẽ làm lại được sự nghiệp hay nói cách khác là: cơ hội vẫn dành cho bạn rất nhiều để bạn làm lại, để sửa chữa sai lầm, vì thế Tử Vi lại gặp Thiên Phủ tại cung Thân và lập nên nghiệp mới.
Lấy lại được cơ đồ sự nghiệp, lại quen thói ăn chơi, ở đây cũng có ý nhắc rằng dù được học Đạo rồi vẫn có thể bị ma dẫn như không, cũng có ý: lần trước ăn chơi còn có ý dè chừng, lo sợ (cung Mão thuộc quẻ Chấn) còn lần này, ỷ thế, cậy có Đạo rồi nên rất ư vui vẻ, cũng ở quẻ này, cung Dậu là đất Đế Vượng của Kim nên chớ cậy lắm vàng, nhiều bạc mà ăn chơi! Và kết quả tất yếu là gì, sẽ phải đến thôi.
Tử Vi lại sa vào cửa Địa Võng, Vua lại phải vời Thiên Tướng tới phá lưới Địa Võng, dẹp loạn, nhưng đây là đất của dân nên khó thoát và phải kết thúc!
Đến đây đã kết thúc vòng Trần rồi, xuống cõi giới khác, chuẩn bị luân hồi, nên vào cung Hợi thuộc quẻ Càn, Tử Vi cùng Thất Sát chấn chỉnh lại sau một chu kỳ, chuẩn bị bước vào một chu kỳ mới của luân hồi.
Trên đây là chu kì qua 12 cung số, 12 thời của Tử Vi – Thiên Phủ, qua đó, ta hiểu các sao khác trong bộ chính tinh.
Cũng từ chữ THỜI như trên ta rút ra những điểm sau:
1/ Nếu làm Vua, khi mắc sai lầm thì Trời có thể tha, nhưng Đất không tha, vì vậy làm Vua phải biết: lấy dân làm gốc.
2/ Là người thì trong đời có thể mắc sai lầm 1 lần, nhưng đừng để mắc sai lầm 2 lần trong một việc.
3/ Ở đời có Thịnh có Suy, có Thành có Bại, có Lên có Xuống… biết được như vậy ắt biết cách xử lí cho hợp Thời. Có thể nói học Tử Vi là học đạo làm Người, biết Mình, biết Người… Còn có nhiều điểm có thể rút ra làm bài học ở đời, nhưng xin hãy để dành cho mỗi người vậy!
II – Sự liên quan giữa hệ Tử vi với Kinh Dịch
Như phần trên, ta đã xét chữ THỜI của sao Tử Vi an trên lá số, ở đây ta sẽ thấy một số tiêu chí liên quan giữa môn Tử Vi với các quẻ Kinh Dịch, cụ thể là xét đến Hào Năm của Quẻ Dịch và 12 cung số: Trong các quẻ của Kinh Dịch, thì hào Năm giữ ngôi vua, ngôi tôn Quý nhất, ta xét hào Năm này trong các quẻ dịch trên 12 cung lá số:
1. Cung Tý thuộc quẻ Thuần Khảm:
Cung này chính hướng Bắc, Quẻ Khảm là nơi tái sinh cuộc sống, cho nên trong phần Quy Nạp của 64 quẻ Dịch, những người có chu kỳ cuối là quẻ Thuần Khảm thì phải chịu luân hồi tiếp “…Khảm lại là nước, số một bắt đầu ở giữa, là cái trước nhất của sự sinh, cho nên là nước…” (lời quẻ Tập Khảm – Kinh Dịch của Ngô Tất Tố, Nxb Thành phố HCM năm 1997, trang 397). Vì mới sinh ra nên tất phải chịu hiểm trở, nhiều nguy hiểm, Tử Vi là ngôi vua, giữ hào Năm của quẻ này, phần tàng hào Năm quẻ Thuần Khảm chính là quẻ: Địa Thủy Sư, ý của quẻ này là việc dấy binh, tập trung quân, lời hào Năm quẻ Sư có ý khuyên nên dùng con cả, không dùng con em khác (con thứ)… vì vậy sau này các vua hay truyền ngôi cho con cả, triều nào làm trái việc này thì thường hay gặp họa.
Luận người có Tử Vi tại Tý: thường là người cầm đầu, nhưng không ra mặt mới tốt, rất dễ bị họa nếu không biết dùng người, hành sự khá tàn nhẫn, giống như đi săn bắt chim muông… nhưng không tàn nhẫn lại không được việc, sự tàn nhẫn này lại được coi là chính đáng (lời hào năm quẻ Sư). Thời của Tử Vi tại Tý là thời những mưu sự lớn.
2. Cung Sửu, thuộc quẻ Sơn Thủy Mông:
Quẻ Cấn trước, quẻ Khảm sau, theo cơ chế: Thiên tả hoàn, Địa hữu chuyển (bầu Trời xoay theo chiều kim đồng hồ, trái Đất quay ngược chiều kim đồng hồ). Đây là thời mù mờ non yếu, thời mở mang sự mờ tối. Ở thời này “…hào Sáu Năm là chủ quẻ Mông, mà hào Chín Hai là người mở mang sự mờ tối…hào Năm đã nhún thuận vào hào Hai, hào Hai bèn mở mang sự mờ tối cho nó…” (quẻ Mông – Kinh Dịch của Ngô Tất Tố, sđd trang 138) cho nên tại đây sao Tử Vi gặp sao Phá Quân, hào Năm của quẻ này cần sự nhún nhịn mà cầu người…
Tàng ẩn: khi động hào Năm sẽ được quẻ Phong Thủy Hoán, đây là thời thay đổi, trao đổi, thời vua đã có miếu, được lòng dân, đã qua được hiểm lớn… Sách Kinh Dịch của Ngô Tất Tố, nxb TP. HCM năm 1997 trang 716 có ghi “cái đạo cứu cuộc tan của kẻ làm vua, cốt ở được đạo giữa mà thôi….cúng trời dựng miếu là được lòng dân theo về…”.
Luận người có Tử Vi tại Sửu: Cả một cuộc đời đi tìm sự nghiệp; là người rất đa mưu túc trí, biết dùng hoặc không dùng người đúng lúc đúng chỗ; biết lễ giáo có thể theo các đạo giáo; cũng biết lợi dụng, biết qui tụ, biết đức độ, bạo tàn đúng lúc, người có thành công lớn, phải là người có lúc giao toàn quyền bính cho kẻ dưới khi mình còn yếu, biết gạt bỏ chuyện tình cảm khi đã đủ lực (đã dựng được miếu, có đông dân theo về…). Đây là thời mù mờ, không được luôn luôn tỏ rõ sự biết của mình, không được để lộ mưu chước của mình, ý định của mình… thì đấy là người được hưởng tính lý của sao Tử Vi. Còn nếu hưởng tính lý của sao Phá Quân thì là người tự cho mình tài giỏi, hoặc nghe lời vợ, hoặc lên mặt dạy bảo người hơn tuổi, thì sau sẽ bị hối hận, đó là ý hào Hai của quẻ Mông và hào Hai của quẻ Hoán.
3. Cung Dần, thuộc quẻ Thuần Cấn:
Đây là thời biết dừng lại, ổn định, biết nuôi dưỡng, chứa đựng đã, không được động, dù rằng trong lòng vẫn ham muốn hành động, theo ý của quẻ Cấn “…là nghĩa ngăn chế mà chứa lại, lấy sức mà làm cho đậu, cấn đậu là nghĩa yên ổn mà đậu, tức là đậu vào nơi chốn của nó…” (Kinh Dịch – Ngô Tất Tố, sđd trang 646 – quẻ Cấn.).
Tàng ẩn: động hào Năm quẻ này sẽ cho quẻ Phong Sơn Tiệm, hào Năm quẻ này nói “con sếu tiến chưng gò, vợ ba năm chẳng chứa, trọn chẳng gì thắng, tốt…” ( ). Ý của hào này là: tình cảm vợ chồng mới, chưa hiểu nhau bởi còn có sự ngăn cách, nhưng dù có ngăn cách cũng không cản được tình cảm chính đạo, chỉ cần có thời gian, cho nên làm vua phải biết tĩnh, không động cho đủ thời gian cần thiết. Đây cũng là thời của sao Tử Vi gặp sao Thiên Phủ, tức là vua gặp hoàng hậu, ta thấy lời ý quẻ này: “quẻ Tiệm, con gái về, tốt, lợi về chính bền” đây là thời tiến lên dần dần, tiến lên có thứ tự,
Luận người có Tử Vi tại Dần: Là người có chí lớn, biết nuôi dưỡng chờ đợi có lòng nhẫn nại để thành nghiệp lớn, biết tiến hành công việc có thứ tự, biết chấp nhận hoàn cảnh, nhất là chuyện hôn nhân, biết tích góp về vật chất biết qui tụ người tài, biết nuôi dưỡng nhân tài phục vụ cho ý đồ, sự nghiệp.
4. Cung Mão thuộc quẻ Thuần Chấn:
Ý của quẻ Chấn là: có động mà sinh ra sự kinh sợ, cũng có ý là ra oai phong cho thiên hạ kinh sợ, nhưng ra oai rồi (động rồi) thì lại thấy kinh sợ. Hào Năm quẻ Chấn nói “… hào Năm mà động, đi lên thì nó vốn là chất mềm, không thể ở chỗ cùng tột của cuộc động, đi xuống thì sẽ phạm vào kẻ cứng, thế là đi lại đều nguy, đương ngôi vua, làm chủ cuộc động. Tùy nghi ứng biến cốt ở trung đạo mà thôi…” (Sđd, trang 662) như vậy vào thời này, sao Tử Vi cùng sao Tham lang đang động cửa Lôi môn, có cái phải kinh sợ, nhưng nếu biết giữ đạo chính, tùy thời ứng biến thì mới không lỗi.
Tàng ẩn: hào Năm động chính là quẻ Trạch Lôi Tùy, ý của quẻ này “…là quẻ dương cương mà đến ở dưới quẻ âm nhu, ấy là người trên mà chịu nước dưới kẻ dưới, người sang mà chịu nước dưới kẻ hèn, có như thế, người ta mới đẹp lòng mà theo…” (Sđd, trang 643. ) như vậy ta thấy khi vua động tới cửa lôi môn, gặp sự biết kinh sợ, thì phải biết nhún nhường mới được, và phải biết tin theo điều lành mới được, lời ý hào Năm quẻ Tùy: “hào Chín Năm ở ngôi tôn, được chỗ chính, mà bên trong đầy đặc, ấy là thực bụng về sự theo điều lành…” (Sđd, trang 277.); và “ở ngôi chính trung, theo đạo trung chính, thật bụng tin kẻ mình theo là kẻ chính trung, tức là kẻ lành đủ biết là tốt, kẻ lành mà nó đã tin là hào Sáu Hai. Sự theo được vừa độ là phải. Cái mà sự theo phải ngăn ngừa là sự quá đáng. Bởi vì lòng mình vui đẹp mà theo, thì không biết là quá đáng” (Sđd, trang 283 – truyện của Trình Di). Như vậy sao Tham Lang ở thời này được ứng vào hào hai, khi có sự lo lắng kinh sợ, thì phải biết nhún thuận, biết theo điều lành điều thiện, nhưng không được theo sự sa đà ham chơi quá đáng, đây cũng chính là chữ Thời khi Tử Vi tại Mão vậy
Luận người có Tử Vi tại Mão: người dám làm những chuyện tày đình, làm việc lớn, táo bạo, đụng chạm tới luật pháp… rồi gặp sự kinh sợ, khi đó phải biết hướng thiện, tin vào điều thiện, điều lành mới thoát tội, còn nếu cứ ham chơi sa đà thì tất khó tránh họa, làm vua, làm quan thì cần cảnh giác kẻo bị người dưới tâng bốc, nịnh nọt, thấy “…lòng mình vui đẹp mà theo, thì không biết là quá đáng”.
5. Cung Thìn – thuộc quẻ Phong Lôi ích:
Lời quẻ là: làm lợi cho người và người làm lợi cho mình, quẻ này nói sự liên quan chính đáng, cùng mục đích của hào Năm và hào Hai, lấy bớt của trên mà đem cho bên dưới thì ai cũng theo, lời hào Năm: “có tin lòng ơn, chớ hỏi, cả tốt, có tin, ơn đức ta”(Sđd, trang 544) . Ý nói làm vua ngôi chí tôn, làm việc ơn đức cho thiên hạ, ai cũng biết, không nên nói ra, hào Hai cũng cùng chí chung chính với mình, đều có công cả, cho nên tại cung Thìn, sao Tử Vi cùng sao Thiên Tướng đều làm việc chính đáng, lợi cho thiên hạ mới tốt, nếu làm mà còn kể công thì mắc lỗi vậy. “… chớ hỏi…” liên quan đến sự tàng khi hào Năm động, sẽ thành quẻ Sơn Lôi Di, ý của quẻ này nói lên sự nuôi nấng, dù ở ngôi cao nhưng không đủ sức nuôi dân (hào Năm) phải nhờ bề trên nuôi hộ, thì phải biết im lặng, còn không sẽ bị cái họa do cái miệng mình sinh ra, và tất là bị tai tiếng, bị phạt, lại phải biết người cùng chí hướng với mình (hào Hai) cũng có công, thì chớ nói lời ra mà mang tiếng cướp công, không biết điều này thì bị phạt lỗi vậy.
Khi Tử Vi – Thiên Tướng cũng ở tại đây thì ta có thể hiểu là gặp thời hoạn nạn, phải biết đồng chung chí hướng, đã tin nhau thì phải trung thành, cẩn thận từng lời nói, nhất là với trời đất, không được xuất ngôn báng bổ, mình có công thì ai ai rồi cũng biết, nếu động ý khoe khoang xảo ngôn thì bị họa, có mưu ý cướp công của người trên, cướp công của người dưới tất cũng không thoát họa.
6. Cung Tỵ thuộc quẻ Thuần Tốn:
Quẻ này có tượng là nơi đền chùa, nên ở thời này có ý là vào theo, vào theo đạo, ở ngôi chí tôn, trên dưới đều phải giữ đức khiêm cung, nhún thuận, người trên ra mệnh lệnh cũng biết nhún thì lệnh mới được thi hành, lại phải giữ đạo chính thì không việc gì không lợi, hào Năm quẻ Tốn khi động thì tàng là quẻ Cổ – ý là vào thời cải cách, lời hào Năm quẻ Tốn viết: “…ở thì nhún ra mệnh lệnh, đều lấy trung chính làm tốt, nhún thuận mà không trinh, thì có ăn năn đậu được không gì không lợi. Mệnh lệnh ban ra, có chỗ phải thay đổi (không đầu) là lúc đầu chưa phải (có chót) là đổi đi cho phải….(trước canh ba ngày, sau canh ba ngày) tốt, nghĩa là: cái đạo ra lệnh canh cải nên như thế đó…” (Sđd – trang 703), đây cũng lại là lời ý của quẻ Cổ. Ta thấy có sự liên quan tàng chứa sẵn vậy, đây chính là thời học hỏi, nhún thuận của bậc chí tôn, là thời biết canh cải, biết nối nghiệp cha ông (gánh vác việc cha để lại – ý hào Năm quẻ Cổ) chính vì vậy Tử Vi – Thất Sát tại đây là dùng vào việc canh cải, sao Thất Sát được phong là thanh gươm báu của nhà vua, theo môn Tử Vi luận cũng từ ý này mà ra vậy.
Luận người có bộ Tử Vi – Thất Sát tại Tỵ: đây là người biết khiêm cung, nhu thuận khi cần thiết, có ý cầu tiến, biết nhún thuận học hỏi người khác, tính lại thích canh cải, cải tổ, hoặc có tài về việc cải tổ, có tài về việc tổ chức lật đổ, thay đổi, thanh trừng… nhưng đúng đạo, giữ được trung chính vậy
7/ Cung Ngọ thuộc quẻ Thuần Ly:
Quẻ thuần Ly nói về sự sáng, sự nhu thuận của thiên hạ, thiên hạ một lòng về theo, đều thuận “…tốt như nuôi trâu cái…” (Sđd, trang 243). Ở thời này thì đức sáng cả là trọng, vậy mà ý lời hào Năm lại nói: “…phía dưới không có kẻ giúp một mình bám phụ giữa bọn cương cường, đó là cái thế phải lo sợ, chỉ vì nó sáng, cho nên sợ hãi quá, đến chảy nước mắt, lo lắng quá đến ngậm ngùi than, vì thế mà giữ được tốt”(Sđd, trang 755.). Ta thấy ngày giữ thời thanh bình, thiên hạ nhu thuận cả, mà người ở ngôi chí tôn vẫn phải có lo lắng mới tốt, người thông thái quá, sáng quá mà không biết lo lắng vẫn hỏng sự, nhưng bởi vào thời thuận thiên hạ, lại là người thông thái, sáng, nên Tử Vi tại đây, dù chỉ có một mình vẫn biết cần phải làm gì.
Tàng ẩn khi hào Năm động là quẻ Thiên Hỏa Đồng Nhân, ý của quẻ này là người thiên hạ đều như trong một nhà, ấy là do tài đức của người giữ ngôi cao: “…thông được chí thiên hạ mới được sự đại đồng…”. Lời hào Năm của quẻ này: “… hào Năm tự cho mình là nghĩa phải, lý thẳng, không biết phẫn uất, đến phải kêu gào, nhưng mà kẻ cong không thể thắng được kẻ ngay, tuy bị ngăn cách, sau chót ắt được hợp nhau, cho nên về sau lại cười…”(Sđd, trang 110.). Thời của quẻ này cho ta thấy: dù Tử Vi ở ngôi chí tôn, vẫn phải biết lo lắng, sáng nhưng cũng rất cần sự nhẫn nại, thời thuận thời bình vẫn biết phòng thủ, thời Ly mà lại không được nóng nảy “…không biết phẫn uất…”
Luận người có Tử Vi tại Ngọ: đây là thời thiên hạ thái bình, thuận lòng người, lại là thời văn minh của thiên hạ, cung Ly tại chính nam, cho nên Kinh Dịch nói “sự sinh ra tại Khảm, rạng rỡ, thành tại Ly…” sự sống sinh ra từ nước, trưởng thành trong lửa cứng cáp, lớn lên trong lửa, mọi nền văn minh, kỹ thuật… được sinh ra ở phương Bắc, nhưng sẽ toả sáng, thành đạt tại phương Nam, vào thời này Tử Vi là người đứng đầu thiên hạ về sự sáng, biết dùng lý để thông lý thiên hạ mới được đại đồng, nhưng vẫn là người biết lo xa, phòng bị, mạnh mà không tư thù.
(Dẫn theo trang hoc-tuvi.blogspot.com)