Trinh
Từ thường dùng trong Lời quẻ và Lời hào của Dịch, nghĩa của từ này là “chính”, bao hàm cả ý “trinh chính kiên cố” (giữ vững trinh chính). Lời Thoán truyện quẻ Sư nói : “Trinh là chính vậy”. Khổng Dĩnh Đạt, Lý Đỉnh Tộ khi giải thích Lời quẻ của quẻ Càn đều dẫn Tử Hạ truyện nói: “Trinh là chính vậy”. Thiên Huấn Hỗ – Nhĩ nhã giải thích cũng giống như vậy.
Về “nhân sự”, thì chữ Trinh có nghĩa là hành vi đúng đắn, tâm chí vững vàng, sự việc ắt sẽ hanh thông, mà dẫn tới thành công. Cho nên, Văn ngôn truyện quẻ Càn nói: “Trinh có nghĩa là công việc được làm”. Song nếu phân tích cụ thể chữ Trinh xuất hiện trong Lời quẻ, Lời hào, thì ý nghĩa của chữ này còn chỉ Hào đó ở ngôi vị có “đắc chính” hay không mà hơi có sự khác biệt.
Khi hào Dương ở các ngôi Sơ – Tam – Ngũ, hào Âm ở các ngôi Nhị – Tứ – Thượng, thì đều đắc “chính vị”, ý nghĩa của chữ Trinh sẽ là “tiếp tục giữ gìn đức trinh chính kiên cố”.
Khi hào Dương ở các ngôi Nhị – Tứ – Thượng, hào Âm ở các ngôi Sơ – Tam – Ngũ, lúc này nếu Lời quẻ hay Lời hào nói Trinh, thì ý nghĩa của chữ Trinh sẽ là “cố gắng lấy đức trinh chính mà giữ mình”.
Nghĩa thứ nhất như “Lợi cư trinh” của hào Sơ quẻ Truân, nghĩa thứ hai như trong “trinh cát” của hào Tứ quẻ Tụng. Các chỗ khác có thể căn cứ vào đây mà suy ra ý nghĩa khi luận giải Học dịch.
Sự khác nhau rất nhỏ của hai loại ý nghĩa này, phải căn cứ vào Hào vị, Lời hào mà xác định cẩn thận. Tả truyện phần Lỗ TươngCông năm thứ 7 ghi lời Mục Tử: “Chính trực là chính, chính khúc là trực”. Bất kể là khúc hay trực, thì đều quy phạm ở chính. Như vậy, quả thật là khế hợp với hai nghĩa trên của chữ Trinh.
Dịch học của Ngu Phiên thời Tam quốc có thuyết “Chi chính”, nhằm mục đích khiến các Hào “thất chính” đều “biến thành chính”, về nghĩa lý có thể thông với nghĩa thứ hai của chữ Trinh.
TRINH HẠ KHỞI NGUYÊN
Lời Thoán truyện quẻ Càn, để giải thích nghĩa của các chữ Nguyên Hanh Lợi Trinh trong Lời quẻ. Các nhà Dịch học cho rằng, trong đó mượn 4 mùa xuân hạ thu đông để dụ ý chỉ diễn giải ý nghĩa của Nguyên Hanh Lợi Trinh. Thoán truyện giải thích nghĩa của chữ Trinh xong, cuối cùng lại dùng hai câu “thủ xuất thứ vật, vạn quốc hàm ninh” (đứng đầu sinh ra các vật, muôn nước đều được an ninh), để quay trở lại thuyết minh thêm nữa về nghĩa của chữ Nguyên, giống như Đông hết Xuân sang, dương mới hồi lại, muôn vật thịnh vượng.
Xét về bốn đức Nguyên Hanh Lợi Trinh của quẻ Càn mà nói, đây là từ Trinh mà quay trở về Nguyên. Nhà Dịch học gọi ý nghĩa bao hàm ở trong ý này là “Trinh hạ khởi nguyên”. Trùng dịch Chudịch Phí thị học – Mã Kỳ Sưởng viết: “Trinh hạ khởi nguyên, muôn vật thế là nhờ đó bắt đầu”. Chu dịch Thượng thị học – Thượng Bỉnh Hoà viết: “Trinh là gốc của Nguyên, Nguyên là thể hiện nổi bật của Trinh; đứng đầu sinh ra các vật, đó là nghĩa của Trinh hạ khởi Nguyên vậy”. Lại nói “Trinh chẳng phải là tịch diệt vô vi, mà đó chính là thứ để xây nền móng của Nguyên Hanh. Cho nên đông hết xuân sang, Trinh lâu rồi thì Nguyên tới, đứng đầu sinh ra các vật đó là Nguyên vậy, dụ ý chỉ quay trở lại cái ban đầu”.
TRINH CỐ TÚC DĨ CÁN SỰ
Lời Văn ngôn truyện của quẻ Càn, mục đích để suy luận diễn giải nghĩa của chữ Trinh trong Quái từ quẻ Càn, có nghĩa là: kiên trì, tiết tháo, ngay chính, vững vàng, thì có thể làm tốt công việc. Chu dịch tập giải – Lý Đỉnh Tộ viết: “Trinh là căn bản của công việc để phối hợp với Trí, Trí chủ về mùa đông ẩn tàng, thuộc Thuỷ phương Bắc vậy”. Chu dịch bản nghĩa – Chu Hi viết: “Trinh cố có nghĩa là “chính” đang tồn tại mà cố giữ lấy, đó gọi là biết mà chẳng đi vậy, cho nên đủ để làm căn bản của công việc”. Xét, câu này là phát triển nghĩa căn bản của chữ Trinh mà Văn ngôn truyện đã giải thích.
“Cán” là thân cây, đây nghĩa như căn bản. Chu Hi nói: “Trinh là sự hoàn thành việc sinh ra các vật, nên về thời là mùa Đông, ứng với người thì là Trí, và là căn bản của các vật. Cán là thân cây, cành lá phải nương tựa vào đó thì mới đứng vững được”.
TRINH – HỐI
Thể lệ Dịch học thời tiên Tần, trong 64 quẻ thì, gọi Nội quái là Trinh, gọi Ngoại quái là Hối. Tả truyện phần Hy Công năm thứ 9 chép việc Trần Bá đánh Sở, thầy bói Đồ Phủ bói được quẻ Cổ, nói: “Trinh của Cổ là gió, Hối của Cổ là núi. Quốc Ngữ – Tấn Ngữ chép: “Tấn công tử Trùng Nhĩ đích thân bói Dịch nói: Vẫn còn nước Tấn? được quẻ Trinh Truân – Hối Dự, đều tám”. Vi Chiêu chú thích: “Chấn tại Truân là Trinh, tại Dự là Hối, 8 là chỉ hai Hào âm của Chấn tại Trinh và tại Hối đều bất động, nên nói là “đều tám” (8 là âm)”. Đây là lấy Nội quái của Truân, và Ngoại quái của Dự đều là Chấn để mà thuyết minh. Lại nữa, Đường Lục Điền nói: “Phàm Nội quái gọi là Trinh, bói buổi sớm dùng nó. Ngoại quái gọi là Hối, bói buổi chiều dùng nó”.
Xét, trong Lời quẻ và Lời hào, thường hay có các chữ Trinh Hối, Hồ Bính Văn giải thích riêng về các chữ này, nói: “Hào Thượng quẻ Càn là ngôi cùng của Ngoại quái, nói Hữu hối; hào Tam quẻ Khôn ở ngôi cực của nội quái, nói Khả trinh. Hai chữ Trinh Hối há chẳng phải đề ra phàm lệ của các lệ ư”.
(Dẫn theo trang khaotapdich.blogspot.com)