Thiên Di II
Cung Thiên Di ở đối cung Mệnh, thường được cho là để mô tả việc đi ra ngoài của con người. Di là di động, chuyển dịch, du di, Di mô tả hoàn cảnh bên ngoài, hạn đến Di hay xảy việc thay đổi, biến động của ngoại cảnh.
Do đối cung Mệnh nên Di còn được xem là đối phương, đối tác, đối thủ. Quan niệm này khiến nhiều học phái, như Thiên Lương nhấn mạnh rằng Di là đối thủ, tuyệt đối không phải là mình. Vì thế khi xem số nhiều người có khuynh hướng chỉ xem qua cung Di, coi đó không có gì liên quan đến mình. Quan điểm này hiện nay rất phổ biến, nhưng thực ra nó sai.
Ngay từ đầu, cung Di không có chữ nào để gọi đó là đối thủ cả, nó chỉ có nghĩa hoàn cảnh khi đi ra bên ngoài của chủ thể mà thôi. Đối tác đối phương chỉ là một trong những điều ta gặp ở bên ngoài, cung Di thật ra chứa những thông tin đa dạng nhiều mặt.
Di là môi trường xã hội xung quanh, là hoàn cảnh của cá nhân khi ra khỏi nhà. Đó là những điều ta gặp ngoài xã hội, là cách thức tác động của xã hội đối với cá nhân ta.
Di là chỗ ta đi đến, là cái ta gặp gỡ với hoàn cảnh, cách ta gặp hoàn cảnh. Di là hoàn cảnh chủ quan riêng có đối với cá nhân ta. Di chứa đối tác, đối phương vì đó là một trong những điều ta gặp gỡ ngoài hoàn cảnh.
Di là di động, đi lại, là hoạt động gắn liền với các cử động của ta. Như vậy không chỉ đi xa mới là Di, ngay các hành động thường ngày cũng là Di, cứ có hoạt động dù đứng ngồi, làm việc, đi lại đều là Di. Di là cái ta tạo ra, là các vật ta chạm vào, các thứ ta gặp phải. Di là cách ta tương tác với đồ vật, hoàn cảnh.
Di là con người trong xã hội, là hành vi biểu hiện ra bên ngoài. Di là con người trong đối đãi với xung quanh, với hoàn cảnh, với tha nhân, với tất cả các thứ dính vào mình. Di là hoạt động của ta, là cái ta đạt được trong hoàn cảnh.
Như vậy, Di vừa là hoàn cảnh xã hội, vừa là bản chất cá nhân thể hiện ra, là cách thức tương tác, kết quả hoạt động của cá nhân với xã hội. Di là chỗ bộc lộ ra của con người bên trong, nên Di cũng là mình. Cung Di có thể coi như cung Thân thứ hai của con người. Giống như cung Tật có thể coi như cung Mệnh thứ hai. Tật chứa các đặc điểm tâm tính thể chất bên trong. Di chứa cái bộc lộ ra bên ngoài.
Đặc điểm con người không chỉ ở Mệnh. Mệnh là mặt tĩnh, Di là mặt động. Nếu Mệnh tốt mà Di xấu là bên trong tâm tưởng tốt nhưng hành động bên ngoài lại khác. Tự cho mình là Phật nhưng thấy cái lợi bên ngoài là phát cuồng lên, xông vào giành giật bất chấp thủ đoạn rồi đổ cho đời như thế, ta cũng thế. Mệnh xấu Di cũng xấu là bản chất và hoàn cảnh đều hạn chế. Mệnh xấu Di tốt chính là trường hợp mình kém nhưng gặp hoàn cảnh thuận lợi. Thường giỏi che mắt thiên hạ, có khi tiêu cực hạng nặng nhưng mồm lại hô chống tiêu cực to nhất !
Việc coi Di là cung Thân thứ hai giải thích được việc con người hay có những hành vi không giống mình. Ta không như thế nhưng ta lại làm thế, ta định thế này nhưng rồi lại làm theo kiểu khác, đó chính là do cung Di. Nếu mệnh yếu thì càng rõ, dễ bị xuôi theo ngoại cảnh mà hành động mất tự chủ. Mệnh vô chính diệu luôn coi trọng cung Di vì bản chất vô chủ kiến nên cái gì cũng nhất nhất theo ngoại cảnh. Cung Di đối với mệnh vô chính diệu quan trọng ngang Mệnh, Thân !
Đối với các chính tinh đi thành cặp xung chiếu thì sao ở cung Di tạo ra hành vi đối nghịch với bản chất sao ở Mệnh. Nên Tướng cũng có khi ngang ngược phá phách, Phá cũng có khi trung hậu bình ổn, Phủ cũng có khi lạnh lùng sắt máu, Sát cũng có khi mềm mỏng ôn hòa.
Mệnh và Di là một cặp không thể tách rời. Không có cung Di thì không có Mệnh. Ngay cả người đi tu như Phật vẫn có cái hoàn cảnh xung quanh khi ông ta còn di động, tới chỗ này chỗ khác để thuyết pháp. Chỉ có người đi tu trong hang núi là vô hiệu hóa hoàn toàn được cung Di.
Coi Di hoàn toàn là đối thủ là sai lầm. Để phản ánh đối tác, bạn bè thì cung Nô cho thông tin cụ thể hơn. Nô là kẻ thiên hạ trong quan hệ với tôi, không hề có tôi ở đó.
Di có sát tinh thì đi ra ngoài gặp xấu hoặc chính mình khi đối đãi với xung quanh sẽ biểu lộ ra, tạo ra điều xấu cho hoàn cảnh. Di có cát tinh như Khoa Quyền là đi tới chỗ danh giá, hoặc chính mình có danh tiếng, có uy thế trong giao dịch với xã hội.
Nếu Di là cung Thân thứ hai thì nó khác cung Thân ở đâu ? Thân là hình ảnh bản thân cụ thể, thân chính là thân xác của ta, cái của ta. Di là cái trong hoàn cảnh có phần nào là ta nhưng không phải tất cả là ta. Như đi làm ra cả đống kem lạnh thì kem đó không hẳn là ta. Như phát biểu ủng hộ ai đó để theo số đông là cung Di, nhưng lúc bỏ phiếu kín lại chống thì đó là cung Thân.
Thân là thân phận ta dính vào đó, nằm ở đó, là bản thân ta ra thế đó. Thân có tính nghiệp lực mạnh, trước sau rồi cũng sẽ đến như thế. Cung Di ít tính ràng buộc hơn, nếu Di xấu thì có thể xa cách, làm tĩnh nó để hạn chế điều xấu.
Với cách hiểu cung Di là con người trong hoàn cảnh, có thể đưa ra một phản biện mạnh mẽ đối với thuyết Thái Tuế là có nhân phẩm tư cách của phái Thiên Lương…