Thiên Cơ, chả biết nên khen hay chê
Chẳng là tôi ăn vào con Thiên Cơ, các sách khen lắm các bạn ạ. Nào là một mình một danh xưng thiện tinh, rồi thì đa mưu túc trí, khôn ngoan cơ xảo…nhưng tôi thì lại không ưa bạn Thiên Cơ này. Mà trong nhà tôi 11 người thì 6 người ăn mạnh Thiên Cơ, đâm ra cũng khổ tâm dữ lắm.
Tôi sẽ không viết ra đây những điều sách đã viết vì những cái ấy các bạn đọc sách là có, trong hơn chục năm qua, tôi đã gặp không biết bao nhiêu người mệnh ăn Thiên Cơ đủ qua các vị trí, gặp đủ các loại phụ tinh và tôi thấy rằng, rõ ràng Thiên Cơ giống như một loại gene trội mà dù pha tạp thế nào thì đặc tính ấy vẫn được giữ gìn. Trong đó nổi trội lên một vài tính cách mà không lẫn với bất cứ chính tinh nào khác, trước nhất là sự tự tin thái quá. Nhiều vị tử vi gia luận rằng thiện tinh ở đây là lương thiện, nên Thiên Cơ tất là người tử tế, tôi lại không đồng tình. Thiên Cơ trời sinh giỏi giang nhưng đa đoan, chữ thiện này chính là nói đến sự thiện xảo cơ trí, lắm mưu mẹo và tinh khôn của Thiên Cơ. Thiên Cơ có đồng đều cả khối óc và bàn tay nên ra đời, Cơ làm nghề gì cũng được cả dù rằng để thăng hoa thì làm việc trí óc phù hợp hơn. Chính vì điều này nên Cơ rất tự tin. Năng lực của Cơ nằm ở khâu xử lý và liên kết thông tin cực hữu hiệu kết hợp với nắm bắt tâm lý rất nhanh nhạy khiến Cơ luôn tự tin vào nhận định có phần thiếu chữ tình của mình. Cơ quá sắc, sắc đến mức khiến người xung quanh ái ngại khi tiếp xúc, nhất là khi Cơ gặp một số sát tinh khiến cho đương số trở nên nóng nảy và căng thẳng mỗi khi bị động chạm lợi ích. Mỗi khi tranh biện, Cơ dễ dàng phủ quyết ý kiến của đối phương nếu không giống ý kiến bản thân và sẽ tỏ ra trên cơ, thể hiện lối tư duy toàn diện hơn nếu đối phương có ý kiến na ná của Cơ. Điều này khiến cho hình ảnh của Cơ khá xấu trong mắt người khác dù Cơ có tài thật.
Cơ và Lương ở 2 thái cực giống như Cự với Nhật vậy, nhưng tầm mức cuộc chiến ở tầng cao hơn nhiều vì cả 2 đều giỏi. Nếu Lương là người tôn trọng lễ nghĩa, đề cao chữ tình và tham thiền tu đạo thì Cơ lại rành rọt lẽ đời, nắm vững mọi kỹ năng cần thiết để trở thành yếu nhân của tập thể. Vì 2 sao này ở 2 cực đối lập nhau nhưng lại đồng hành Mộc nên ai ăn được sao này tất sẽ ăn được sao kia chứ không phân tranh đối lập hoàn toàn như Nhật Hỏa và Cự Thủy. Ấy cũng là cái trí và cái thuần thục hơn hẳn của những vị thầy, họ không đồng đạo nhưng cũng không ra mặt bài xích nhau như 2 “đứa trẻ” kia. Vậy thì khi đã ăn cả Cơ và Lương, biểu hiện gay gắt của Cơ hay hài hòa của Lương sẽ chỉ do vị thế của 2 sao này, sao nào mạnh hơn, gần hơn tất sẽ trở thành tính cách nổi bật của đương số. Còn khi đồng cung ở La-Võng thì đất La là đất Cơ đắc ý, đất Võng là đất Cơ phải thu liễm trước Lương vậy. Lý do thì là do vòng chạy đồ hình tạo ra các hoàn cảnh khác nhau làm vị thế chính tinh lúc thăng lúc giáng.
Đến một người hài hòa tình cảm như Lương mà Cơ cũng ganh ghét đua chen được, cho thấy tính bon chen và đố kỵ của Cơ nặng nề thế nào. Chấp niệm cùng với sự tự tin thái quá khiến Cơ 3 lần đều là yếu tố then chốt kích động chiến tranh. Các bạn học tử vi tất nhiên là biết, Cơ phò tá Tử Vi, còn chiến tranh đều do Phá Quân dấy binh làm loạn. Nhưng khi Tử Vi cư Ngọ, đất nước thái bình thế, Phá Quân được phong tước vị, đại khái là cho ăn chơi làm cùn nhụt ý chí thì tại sao đột nhiên lại dấy binh làm loạn? Các bạn hẳn cũng biết, Cơ luôn nhị hợp Phá Quân nhỉ!? Tính tranh cường háo thắng không để Cơ yên vị tại đất Tốn, vốn là đất của những vị đạo trưởng tu đạo, nơi này buồn chán không một chút kích thích, uổng phí tài năng của Cơ, vậy nên để đáp trả sự “bạc bẽo” (nhưng thực ra là quá sáng suốt khi đề phòng Cơ) của Tử Vi, Cơ âm thầm xúi giục Phá Quân làm loạn để bên trong dễ bề xử lý Thiên Lương, kẻ mà Cơ cho rằng cướp mất oai phong của Cơ khi ấy đang rực sáng ở Mão.Lần 2 là đưa Phá Quân và giết chết Tử Vi ở Sửu, tạo ra chính biến, trở thành tiền đề khiến Tham Lang nắm quyền từ Tỵ sang tới Mùi. Và lần thứ 3, bất mãn khi “nữ nhân ngu dốt” là Tham Lang cầm quyền, Cơ lại âm thầm chỉ dẫn ấu chúa là Tử Vi cư Tý, hỗ trợ Tử Vi từng bước giành lại ngôi vua. 3 lần âm thầm kích động, cả 3 lần đều vì bất mãn với người lãnh đạo mà sẵn sàng lập kế hoạch bất chính, đó là tâm cơ, là trí dũng hơn người nhưng cũng cho thấy bản tính không biết yên phận, vì tư ý sẵn sàng đạp kẻ khác để vươn lên của Cơ.
Cơ là cỗ máy của trời, tính toán, sắp xếp cho kẻ khác lại chẳng thể tự định đoạt cho bản thân. Cơ không có bản lĩnh lao ra tranh đoạt như Phá hay Tử Vi nhưng Cơ có tham vọng thống lĩnh thiên hạ thông qua 1 vị minh chủ. Sau 3 lần đại biến, Cơ vẫn chỉ có thể đi theo Tử Vi bởi lẽ duy có Tử Vi mới là chân mệnh thiên tử, mới có thể xứng danh minh chủ của Cơ. Cơ đã thử cố gắng dựng Cự Môn lên, âm mưu chọn thứ bỏ trưởng nhưng Cự quá non, Cơ lại thử đầu tư vào Phá Quân nhưng Phá lại để Tham Lang qua mặt. Để rồi khi Tử Vi trở về Ly cung thì Thiên Cơ lại lần nữa khoác áo thanh tu, buồn chán ở đất Tốn. Như vậy, người Cơ chọn lại không chọn Cơ, càng không hề tin Cơ. Sau khi hết lợi ích liền o bế Cơ, thực ra điều Cơ muốn chỉ là được trọng vọng, danh lợi được đảm bảo thôi. Nhưng ai biết được, nếu không o bế thì với tài trí và tham vọng ngất trời như thế, Cơ sẽ bành trướng đến thế nào?! Ấy là cái tài nhìn xa trông rộng của Tử Vi vậy.
Cơ là người có những quyết định cực kỳ táo bạo và luôn cố gắng vượt xa người khác. Ví dụ, Cơ cần gì khái niệm trung quân ái quốc đâu, khi cần cũng có thể giở mặt, phò minh chúa cũng chỉ vì muốn thiên hạ phải biết đến Cơ mà thôi. Những điều kẻ khác sợ Cơ lại không hề sợ, sâu trong lòng, Cơ luôn muốn nổi loạn, muốn chọc trời khuấy nước, muốn vang danh, muốn được trọng vọng vậy. Thế nên phụ nữ ăn Thiên Cơ không sợ xấu mặt, chẳng ngại chà đạp lễ giáo, sẵn sàng cam tâm làm vợ lẽ nếu cần vì đàn ông thành đạt thường đã kết hôn. Tất nhiên phụ nữ Thiên Cơ cũng chả sợ gì mẹ chồng, còn sợ mẹ chồng hiền quá không có cơ hội cho Cơ thi triển tài năng. Cơ cũng rất xứng đáng là thầy của Cự Môn, thay vì cần chỉ bảo và điểm hóa, Cơ chỉ tự ngộ, tự hiểu rồi mới ghi nhận. Còn mọi ý kiến đóng góp, chỉnh sửa đều động chạm đến tôn nghiêm của Cơ. Cộng đồng nào đón nhận, tin yêu thì Cơ ở lại, còn nếu sân chơi nhỏ lại hay sửa lưng Cơ thì thôi, chia tay nhau từ đây 😁
Cơ là một sao cơ trí hiểu biết nhưng không thường hướng đến sự ổn định dài lâu, không thích yên phận và không chịu được buồn chán. Thế nên căn bản, Cơ chỉ sợ thiên hạ không loạn mà thôi. Ví như năm xưa Khổng Minh không chọn Tào Tháo bởi lẽ dưới trướng Tào Tháo đã quá nhiều nhân tài, binh hùng tướng mạnh, bóp chết Lưu Bị chỉ là chuyện sớm muộn, về bên đó dẫu thắng cũng chẳng vẻ vang. Chưa kể Tào Tháo lại bị ô danh vì lấn quyền vua, nơi như vậy không có chút nào phù hợp với tiêu chí của Khổng Minh. Lưu Bị tự xưng con cháu họ Lưu nhưng ai có thể kiểm chứng? Quan trọng là Lưu Bị được lòng dân, sân chơi lại rộng rãi và đầy kích thích, nên Khổng Minh mới giúp Lưu Bị tạo thế chân vạc, chia 3 thiên hạ bất kể kéo dài chiến tranh, con dân điêu linh cả. Nhờ thế Khổng Minh được lưu danh sử sách, nhưng ngẫm kỹ sẽ thấy, cũng chỉ là phường ti bỉ. Kết cục của tam quốc cũng như Khổng Minh hẳn mọi người cũng đã biết rồi, xin phép không bình luận thêm nữa. Chỉ muốn các bạn hiểu, kẻ rao giảng đạo lý giỏi nhất, mê mị lòng người thành thạo nhất lại là kẻ không cam tâm và chán ghét khái niệm “số phận” nhất, chính là Thiên Cơ. Ước mơ “nhân định thắng thiên” hẳn là từ 1 Thiên Cơ mà ra vậy.
Nguồn: Kỳ duyên tháng sáu
(Dẫn theo trang bocdich.com)