NHỮNG ĐIỂM CẦN LƯU Ý KHI ĐI VÀO LUẬN GIẢI LÁ SỐ:
Lão Nông
1. Về cái “Tôi” của người luận giải
Như ta đã biết, lá số Tử Vi được lập thành theo những Dữ liệu Năm, Tháng, Ngày, Giờ sinh trong Lục thập Hoa Giáp (trong 60 năm), và như vậy trong một ngày, có 12 giờ sinh, ta chỉ có thể lập được 12 lá số. Nếu ta cho rằng mỗi cá thể trong số 12 cá thể đó, cứ có giờ sinh giống nhau thì có số phận như nhau thì thật duy lí, dẫn đến khiên cưỡng và sai lầm. Bởi vì mỗi cá thể đó có những khác nhau về bố mẹ, về cục đất, về môi trường xã hội, về thời tiết…Ngay tại một nơi sinh, một bệnh viện, cũng đã có nhiều trẻ cùng sinh trong một giờ, nhưng số phận chúng rất khác nhau. Ta chỉ có thể xác định mỗi lá số là dành cho một nhóm người, giống như những hạt thóc cùng gieo trên một mảnh ruộng, vào cùng một giờ, từ tay một người chủ. Xác định như thế không phải để hạn chế kiến thức luận giải, mà là để hạn chế cái “Tôi” của người luận giải. Người luận giải Tử vi mà muốn khoe tài thì thật sai lầm. Chẳng qua anh ta tìm thấy một chút cái diễn biến lô-gic trên cõi trần, giúp người biết một số điều có thể tránh và không thể tránh, biết được một hạt thóc trong trăm ngàn hạt thóc cùng gieo trong một lúc, vậy mà thôi!
2. Nói “thật” hay nói “dối”:
Con người dù là bậc Thiên tử hay chỉ là thứ dân, mỗi người ai cũng có cái riêng, mỗi cuộc đời là một pho sử, vì vậy nhất nhất là phải thật thận trọng, thật trân trọng khi luận giải lá số cho người, đặc biệt khi đưa ra những lời khuyên giải, vạch ra những hướng xử lí cho người. Có những lúc không thể nói đúng y hệt theo lá số được. Có rất nhiều tình huống khó xử, ví dụ: có cặp vợ chồng mới cưới, vợ hoặc chồng đào hoa, lăng nhăng… Hoặc có người khi xem lá số biết họ thành công, giàu có nhờ vào những việc phi pháp, những thủ đoạn bất lương… Hoặc khi xem thấy vận đã hết… Nhưng cũng không thể nói dối được, nói thế nào là do sự thành tâm, sự trong sáng, và đức độ khi giải. Còn rất nhiều điều mà người học bộ môn này cần lưu tâm.
3. Những chú ý trước khi xem các cung, các sao trên lá số:
3.1- Phần giữa lá số đều thuộc về Thiên (gồm Ngũ hành nạp âm hay còn gọi là Mạng, Cục, Tứ Trụ).
Phần 12 cung thuộc về Địa. Lại tách ra:
– Bản Mệnh, tức là phần Ngũ hành nạp âm thuộc về Thiên định, được coi là cái Gốc của Cây con người, và cũng là con người phần Hồn.
– Thiên can (ngày sinh) thuộc Nhân định, là con người phần Xác, cùng với Thiên can – Địa chi của năm – tháng – ngày – giờ sinh, được coi là phần Thân của cái Cây con người.
– Cục trên lá số thuộc phần Địa định, và đây được ví như đất để trồng cái Cây con người.
– Phần 12 cung chứa các sao, gọi là phần Lá của cái Cây con người, nên cũng gọi là Lá Số, đây là phần dễ thấy, và là hệ quả, kết quả được hiển thị.
– Các quẻ Dịch được tàng chứa trong 12 cung số, là phần giúp người luận giải có thêm tiêu chí lý giải những điều tàng ẩn mà phần lá chưa biểu thị ra hết.
– Các điểm này vận vào 12 cung trên Địa Bàn, để xem ngôi nào nhập Cục (các cục của Ngũ hành) mà lý giải thì mới thấy sự lô gích
3.2- Tứ Trụ và Ngũ hành
Trong phần Tứ trụ, ta xem có đầy đủ Ngũ hành không? người mà Tứ Thiên – Tứ Địa (4 can, 4 chi) có mặt đủ Ngũ hành, thì trên lá số các sao trong các cung có kém, số phận vẫn hanh thông vì thuận Thiên. Sau đó xem kỹ sự sinh – khắc của Ngũ hành trong Tứ Trụ, xem có tam phương hội, tam hợp cục, nhị hợp, tương hình, tương hại không.
3.3. Những thông tin cần biết về người muốn xem lá số
Khoa Tử Vi cũng như các môn khác trong Kinh Dịch, là môn dự báo về cuộc đời con người, dự báo và trả lời các câu hỏi đặt ra. Thông thường phần luận giải hay đưa tới chỗ hiểu sai lầm là “Số nó như thế”, coi chuyện số phận là không thay đổi được. Hiểu như vậy là sai với tinh thần của Kinh Dịch. Khi lập thành một lá số Tử Vi, các tiêu chí dự báo trong lá số là thông tin HƯỚNG DẪN chứ không phải là thông tin ẤN ĐỊNH, AN BÀI. Chính vì thế muốn có những dự đoán tương lai sát thực, cần phải có những thông tin từ người có lá số. Trong thực tế, có những người có cuộc đời hết sức phức tạp, các dự báo trên lá số như cãi nhau vậy, làm người luận giải nhiều khi thấy bối rối, mù mờ, đấy chính là vì thiếu những thông tin từ phía đối tượng.
Ví dụ 1: Một lá số có cung Tật ách xấu: có sao Thái Dương gặp Tiểu Hao – Địa Kiếp – Hỏa Tinh… Như vậy khi luận về Tật họa của đương sự, nếu chỉ giải theo sách thì người này tất dễ bị bệnh hệ thần kinh, bị tật nơi mắt, mắt bị lệch, tuổi thọ không cao, dễ bị bỏng, dễ bị mắc nghiền ma túy…
Nhưng nếu cung Phụ mẫu xấu, và cung Ngôi của Bố kém, thì ở đây có thể xảy ra những trường hợp: Hoặc bố bị mất sớm, hoặc bố hai, ba vợ, hoặc bố bị bệnh nan y, hoặc bố bị mắc nghiện ngập.. Như vậy người luận giải Tử Vi nên hỏi để biết bố người này gặp nạn gì? Nếu bố bị mất sớm thì tất bố đã gánh nạn mất sớm cho người này, nếu bố đã mắc nghiện ma tuý thì có thể đã hóa giải nạn nghiện nghập cho người này… Đây là một ví dụ dễ thấy khi có sao Thái Dương cư cung Tật. Trong thực tế còn nhiều trường hợp nhạy cảm khác, vì vậy người luận giải phải nên thận trọng, không được áp đặt một chiều cứng nhắc.
Các dự báo trong lá số đều là thông tin hướng dẫn cho đương sự nên làm gì thì gặp kết quả thế nào, đây chính là mấu chốt trong dự đoán của khoa Tử Vi. Có thể hiểu nôm na thế này: một người có số giàu có – ta tạm hình dung như người đó phải đi 200 km để tới một nơi (giàu có), trên con đường 200 km đó có rất nhiều con đường rẽ, theo các con đường rẽ này cuối cùng cũng về tới đích. Như vậy nếu người này đi thẳng thì sao? Đến tuổi này rẽ trái thì sao? Nếu rẽ phải thì gặp chuyện gì?
Phải gắn chặt lá số với thời mà người đó sống, sự ảnh hưởng của môi trường xã hội là tối quan trọng. Các tiêu chí dự báo (các sao) trong lá số có tính khái quát rất cao, từ trong cấu trúc Thiên-Địa-Nhân chỉ rõ các tín hiệu đúng trong quá khứ – hiện tại và cả tương lai, nó như một bộ mã số mà người luận giải phải biết vận dụng vào thực tế thời mình đang sống mới giải quyết được, cả những nhạy cảm thuộc về vấn đề đạo đức xã hội.
Ví dụ: Nếu tại Việt Nam vào thời phong kiến, thế kỷ 18, một người đàn ông mà chỉ có một vợ thì…ngồi chiếu dưới, thời đó “Trai năm thê bảy thiếp” mới đúng đạo. Nếu vào thế kỷ 21 mà như vậy thì phạm luật hôn nhân, và khi đã phạm luật pháp thì tất là vi phạm đạo đức.
Bản thân tôi cho rằng: tuân thủ luật pháp của thời mình sống là đạo đức, vì mỗi chế độ chính trị của từng thời, thì cũng do Thiên định cả.
(Dẫn theo trang hoc-tuvi.blogspot.com)