Một số câu hỏi khó chịu
Bài viết này tôi viết cách đây hơn 2 năm (9/5/2007), giờ gom về đây cho tiện.
Những người xem bói thường bị hỏi những câu hỏi khó. Một số là người ta thắc mắc thật tình nhưng cũng có những câu khiêu khích hay bắt bí. Dưới đây tôi xin kể một số câu hỏi mà tôi từng bị hỏi. Một số thì tôi trả lời được, số khác thì không, viết ra đây mong được chỉ giáo và để quí vị đọc chơi.
1. Những người sinh đôi thường là cùng giờ sinh, vậy số mệnh họ có giống nhau không?
Thực tế cho thấy nhiều cặp sinh đôi cùng giờ nhưng cuộc đời không mấy gì giống nhau, nếu không muốn nói là chỉ giống nhau hình dáng và chung cha mẹ (như 2 người em họ của tôi mà tôi chắc chắn là sinh cùng giờ).
Cái này thì tôi từng giải thích trong bài “Bàn về số mệnh và các phương pháp đoán số”. Chúng ta phải chấp nhận cuộc đời con người có những điểm đến hạn mà tại đây tùy vào cá nhân mà số mệnh có thể bước sang những ngã rẻ rất khác nhau. Tử vi chỉ định tính mà cuộc đời thì nhiều khi cần định lượng. Như 15,5 điểm thì rớt, 16 điểm thì đỗ nhưng trên mặt định tính thì thật là chẳng khác nhau bao nhiêu.
Tôi từng được đọc một bài báo của một thầy tử vi nổi tiếng nói về 2 sĩ quan có cùng một lá số (sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm và cùng giờ) nhưng không cùng cha mẹ. Theo ghi nhận của ông này thì 2 người này có biến cố cuộc đời khá giống nhau nhưng ở các cấp độ khác nhau như năm thăng cấp thì giống nhau như cấp bậc thì khác nhau. 2 người mất cùng năm nhưng trước sau nhau 6 tháng và cái chết cũng khác nhau chút ít.
Như vậy, thì cũng trấn an phần nào cho dân xem số dựa trên ngày tháng năm sinh!
2. Nhiều trường hợp người mẹ được tiên lượng là sinh khó và bác sỉ chỉ định là sinh mổ. Vì đằng nào thì cũng mổ nên thường người ta cho phép chọn ngày giờ. Nhiều người nhờ thầy xem dùm trong khoảng thời gian đó (cũng khoảng năm ba ngày), ngày giờ nào là đẹp nhất … rồi mổ. Thế thì tử vi trong trường họp này có giá trị gì không?
Tôi có được yêu cầu xem và chọn ngày sinh như vậy một lần và tôi đã từ chối. Sau đó người mẹ này nhờ một người khác xem và định ra giờ mổ. Tuy nhiên, đúng giờ đúng ngày thì phòng mổ bị kẹt do có ca cấp cứu rất khẩn, thế là giờ mổ (cũng là giờ sinh của đứa bé) bị dời đi mấy giờ. Nhờ vậy có thể nói rằng thiên định vẫn cứ là thiên định. Dù vậy, tôi nghĩ vẫn có người thành công trong việc sinh con theo ngày giờ đã định và như vậy, lá số này có chính xác không?
Một chi tiết nhỏ là sau đó, vì tò mò, tôi lập cả 2 lá số, một theo giờ đã định trước và một theo giờ đã mổ thì không thấy lá số nào khả dĩ là đẹp cả?!
3. Có người hỏi rằng khi máy bay rơi thì hàng trăm người chết cùng lúc, chẳng lẽ ngần ấy người có cùng số chết năm đó, tháng đó, giờ đó sao?
Tôi đã từng trả lời người chất vấn rằng (cũng là theo trong sách thôi), cũng có khi máy bay rơi, hàng trăm người chết, nhưng vài người sống sót hy hữu. Điều này chứng tỏ là có số.
Dầu vậy, trong thâm tâm tôi, nếu có ai đó mà sưu tầm hết lá số của những người bị nạn trên máy bay, tôi nghĩ cũng khó mà biện luận cho thông cái lý ngần ấy lá số chết vào năm, tháng đó.
Phía tướng số thì có ghi chép rằng có thầy tướng nọ, đến vùng kia thấy sắc mặt người nào cũng u ám. Sau đó ít lâu, quả nhiên vùng đó bị giặc dã tàn phá. Hy vọng là cũng có hiện tượng tương tự cho trường hợp rơi máy bay.
4. Trong phép bói tung đồng tiền, nhiều người được quẻ không như ý bèn gieo tiếp và cứ gieo hoài cho tới khi được quẻ tốt. Như vậy thì sao?
Câu này thì sách có trả lời nhưng mãi sau này tôi mới được đọc. Đó là cuốn “Tăng san bốc dịch” của Dã Hạc Lão Nhân. Ông này cho rằng nếu bói một lần đã rõ nghĩa thì không nên bói lại, còn như chưa rõ thì thành tâm làm lại cũng được. Khi gieo quẻ thì thành tâm, trong lòng trống rỗng thì mới nghiệm, chứ cứ mong quẻ theo ý mình thì quẻ sẽ không ứng nghiệm.
Dù vậy, nhiều người cũng không chịu lý luận này.
5. Ta thấy một số sách bói nói, vd: người mạng kim thì hợp với màu vàng vì vàng thuộc thổ. Có anh bạn tôi, quyết lòng làm theo sách, đã chọn mua chiếc xe màu vàng. Nhưng mua rồi, đem về nhà ngắm thì thấy xe không hoàn toàn màu vàng (dĩ nhiên rồi, vì toàn vàng thì … xấu quá) mà có chỗ xanh chỗ đỏ lung tung. Anh lại nghe nói “thiểu thắng đa” và càng lo lắng hơn. Tôi bèn giải thích cho anh là “thiểu thắng đa” là như chữ trên tờ giấy, phần chữ chỉ chiếm vài phần trăm diện tích tờ giấy nhưng người ta nhìn, đọc là ở phần này, nên nó là chủ đạo; tương tự, trong một viên thuốc, phần lớn là chất độn, chỉ có chút xíu dược chất nhưng lại là phần tạo ra công dụng chính của thuốc …. Trong trường họp chiếc xe thì lại khác, đập ngay vào mắt người ta là màu sơn chính của thân xe, ai mà chú ý các họa tiết khác. Ngay trên giấy tờ xe cũng ghi màu vàng đó thôi, nếu anh có bị police đuổi bắt, người ta cũng sẽ nói trên bộ đàm “Một chiếc xe màu vàng đang chạy về ….”. Anh bạn tôi nhờ vậy mới yên tâm.
Tuy nhiên, trong thâm tâm tôi, tôi nghĩ rằng lấy hạp năm sinh âm rồi suy ra màu này hợp màu kia không xem chừng vô lý quá, chắc không có tác dụng gì. Đồng đô la nào cũng màu xanh, nhưng tôi không nghĩ những người mạng thổ thì kỵ chúng?!
6. Nhiều người đặt vấn đề, giả sử anh X năm nay vận xấu nhưng anh quyết tâm làm cái gì cũng coi ngày, làm toàn vào những giờ hoàng đạo của những ngày “Đại cát, đại lợi … tiểu tác tiểu phát, đại tác đại phát” thì sao, anh ta có thành công không?
Theo tôi thì xem ngày tốt xấu cũng như xem thời tiết, nó cũng chỉ là một yếu tố phụ trợ cho công việc thêm thuận tiện thôi. Chủ yếu vẫn là khí vận của người đó. Ví như anh đi cắm trại với gia đình, nếu trời đẹp thì cuộc đi chơi càng vui, nếu trời xấu mất vui đôi chút. Tuy nhiên, nếu anh phải đi với bà vợ lắm mồm, một bầy con ngổ nghịch thì dù trời có đẹp cũng chẳng vui nỗi. Ngược lại, nếu anh đi với người yêu mới, xinh đẹp dịu dàng, có khi trời càng giống tố càng … hay.
7. Lão tử khi tiễn Khổng tử ra về có nói “Những gì ông nghiên cứu thuộc về người xưa, người xưa thì chết rồi, thời đại của người xưa cũng qua rồi, vì vậy những điều này không nên xem là bất di bất dịch”. Các khoa xem bói cũng có vấn đề này và liệu ngày nay cần điều chỉnh ra sao? Ôm nguyên khuôn của người xưa thì chắc là không ổn rồi.
Đành rằng phải đồng ý ngay là phải có điều chỉnh, nhưng điều chỉnh ra sao thì khó quá. Một ví dụ: có những bệnh như ruột thừa chẳng hạn, ngày xưa bị là chết, nhưng ngày nay thì chữa không khó khăn gì. Nếu cho rằng lá số có phản ánh các quá trình vượng, suy sinh học của cơ thể thì cái hạn lớn này trên lá số ra sao, chắc là sai chăng?
Vấn đề gay go nhất là phía nữ giới. Mọi lý luận của các khoa bói đều đặt trên nền tảng: đường chồng con có giá trị to lớn trong cuộc đời người đàn bà. Thêm nữa, vấn đề tiết hạnh rất được xem trọng. Những điều này ngày nay giảm giá trị đi rất nhiều. Trong tướng thuật thì mũi của đàn ông là cung quan, của đàn bà là cung phu. Ngày nay có cần sửa chữa điều này không?
Trong tử vi thì có những sao chỉ sự thất tiết của đàn bà như kình – kỵ, cự – kỵ, đào-riêu mà ngoài ý nghĩa tiết hạnh ra còn mang nhiều ý nghĩa rất xấu. Lưu ý rằng ngày xưa để đàn ông ngoài chồng, cha ra nắm tay đã là “thất tiết”. Trong khi ngày nay, bạn khác giới cũng có thể hôn nhau.
Như vậy có 3 cách hiểu trong bối cảnh ngày nay:
a. Những bộ sao này không còn ý nghĩa dữ dội nữa.
b. Nếu có những sao này, người phụ nữ sẽ có đời sống tình ái rất dữ dội để gánh tai tiếng và rắc rối tương đương như ngày xưa. Hoặc có thể hiểu là không bị ý nghĩa xấu này sẽ bị ý xấu khác.
c. Nhìn chung, lá số không chỉ sự vật mà chỉ cảm giác, cảm nhận của đương số đối với sự vật. Như vậy thì không phụ thuộc văn hóa và đạo đức xã hội nữa nhưng cách luận đoán diễn thành sự việc thì phải thay đổi. Điều này tùy vào vốn sống và kiến thức xã hội của ông thầy.
Thật sự tôi chịu không dám chắc hiểu thế nào là đúng. Ý cuối cùng có vẻ khả chấp hơn cả nhưng cũng có cái kẹt. Ví dụ 2 câu phú rất nổi tiếng:
Sao Thai mà ngộ Đào hoa
Tiền dâm, hậu thú mới ra vợ chồng.
Trong bối cảnh mà chuyện con đi theo ôm váy cưới cho mẹ trong lễ thành hôn còn là chuyện thường thì … bộ sao này có còn ý nghĩa gì? Có thể là nó sẽ chỉ một hiện tượng gì đó khác trong chuyện hôn nhân. Cái cảm giác, cảm nhận của những người “tiền dâm, hậu thú” ngày xưa ra sao, diễn dịch trong bối cảnh ngày nay thì như thế nào?
8. Gieo quẻ để đoán vật.
Cách đây hơn 10 năm, trong khi đi cắm trại với một nhóm bạn, tôi đem theo quyển sách chỉ cách xem Mai hoa dịch. Một anh bạn tò mò đọc được lỏm bỏm đoạn “Đoán vật” bèn đánh cá tôi đoán vật mà anh ta bí mật cầm trong tay trong khi tôi phải đi ra ngoài. Tôi nhớ tới chuyện Thiệu Khang Tiết bảo con mình đoán vật khi có hàng xóm sang gõ cửa và nghĩ rằng việc đoán vật là 1 bài tập hay nên nhận cá. Trong lúc tôi ra khỏi lều, bạn tôi bèn chọn một món đồ và cầm trong tay. Tôi trở vào và phải xủ quẻ để đoán vật ấy.
Tôi ghi lại chính xác những gì tôi đã nghĩ lúc đó, mặt dù có thể đối với nhiều người đọc bài này thì thật là mông muội và bậy bạ.
Tôi bấm lục nhâm đại độn và được Đại cát lâm Tý tức trạch thủy Khổn. Vừa đoán vừa nói ra thành lời cho tất cả mọi người nghe. Vì trạch là kim nên có lẽ vật sẽ tròn và có màu trắng và bằng kim loại. Không tính Thủy vì thủy thì không nằm trong lòng bàn tay được mà có lẽ vật này liên quan đến nước. Tôi đoán chắc là nắp chai bia (bằng kim loại) màu trắng và đã cong vênh không còn dùng được nữa.
Khi bạn tôi mở nắm tay ra thì đó là nắp chai nước suối đã bị tét và có màu trắng, bằng nhựa. Dù theo quan điểm lý số, tôi thất bại thảm hại trong biện luận ngũ hành nhưng các bạn tôi thì đâu có rành nên cũng tròn mắt thán phục và cho tôi được “thủ hòa”. Tuy nhiên, họ bắt tôi làm lại lần nữa. Họ thấy tôi biện luận dựa nhiều vào cái lý “nằm trong bàn tay” nên lần này họ lấy cái nón úp lên vật mà tôi phải đoán.
Lần này tôi không dùng Lục nhâm nữa mà tính một quẻ tiên thiên, được thiên sơn Độn, biến ra phong sơn Tiệm. Tôi lại cho đó là vật tròn, màu trắng. Sở dỉ tôi bỏ qua hành thổ vì cho rằng thổ là căn bản, cái gì mà chẳng có thể về với đất. Tôi lại thấy có hành mộc, chắc là thứ gì dễ cháy như giấy. Vậy là lần này họ làm khó tôi bằng cách chọn thứ có 2 chất liệu khác nhau. Tôi hối hận đã biện luận cho họ nghe ở lần trước. Trong hổ quái có thêm hành hỏa, vậy chắc là vật bằng kim loại được rèn đúc. Tuy nhiên, như đã nói, lần này vật cần đoán nằm dưới cái nón to, không thể loại các vật to được. Tôi nghĩ: “hay xét thêm ý của quẻ xem sao”. Tiệm là tiến từ từ, và như có ai nhắc, trong đầu tôi chợt lóe lên: đồng hồ. Kim đồng hồ tiến từ từ, bằng kim loại, dây đồng hồ bằng da, dễ cháy. Thấy rằng có nghĩ thêm cũng không sáng hơn được, tôi bèn nói liều luôn: “đồng hồ đeo tay, có dây da”. Những tưởng sẽ nghe một tràng cười chế giểu, không ngờ bạn tôi dở nón lên, dưới nón là đồng hồ dây da thật và họ nhìn tôi thán phục.
Họ có yêu cầu tôi làm lần thứ 3 nhưng tôi chào thua vì biết rằng may mắn không thể lặp lại 3 lần. Bây giờ, có ai cá thách tôi làm như vậy nữa, tôi sẽ không nhận dù bây giờ kiến thức của tôi về ngũ hành vững vàng hơn trước nhiều.
(Theo Blog SimonPham)