Luận về Ấn Quang – Thiên Quý
Ấn Quang theo cổ nghĩa là ân huệ đặc biệt. Ngày xưa chế độ thi cử cứ ba năm một lần thi hội, ba năm một lần thi hương. Bất chợt có một khoá đặc biệt gọi bằng “ân khoa”. Như vậy sao Ấn Quang chủ về sự đỗ đạt ân sủng thuộc quí chứ không phải phú. Ấn Quang cần Xương Khúc Khôi Việt đi bên mới hay. Vận gặp Thiên Khôi Ấn Quang lại thêm cả Lộc Tồn Hóa Lộc thì nhờ quí nhân đề bạt mà có tiền tài.
Thiên Quí đem đến cả quí lẫn phú. Nó hợp với Văn Xương nhất, thứ nhì mới tới Văn Khúc rồi sau là Khôi Việt, tăng gia khả năng thông tuệ. Thiên Quí vào Thê cung nhờ vợ mà được chức. Thiên Quí hợp Thái Âm và sợ Thái Dương hãm. Còn Ấn Quang ngược lại hợp Thái Dương và sợ Thái Âm hãm. Trường hợp cả Âm lẫn Dương hội lại cùng Quang Quí Khôi Việt thì lại chuyển thành cách rất tốt, tay trắng nên công danh phú quí.
Luận cứ cho rằng Quang Quí cũng như Long Phượng khả dĩ giải được tính trăng hoa của Đào Hoa, Thiên Riêu là sai. Trái ngược hẳn, nữ Mệnh đã có đào hoa tinh rồi còn gặp Quang Quí thì tính hư ngụy phù hoa quan hệ với nhiều người đàn ông. Chỉ có những kĩ nữ mới quen thuộc các đại quan quí nhân (tức Ấn Quang Thiên Quí đó). Quang Quí gặp Thai Phụ, Phong Cáo gọi bằng cách “tứ vinh” càng hanh thông trên hoạn lộ.
Quang Quí đứng với Tả Hữu, Thanh Long, Khôi Việt, Hoa Cái, Hồng Loan tại Mệnh hoặc chiếu rất tốt cho cả nam mạng lẫn nữ mạng.
“Quí Ân Thanh Việt Cái Hồng
Trai cận cửu trùng gái tác cung phi”
(Cung phi là nói về địa vị sang cả, chứ không phải cứ cung phi là tốt. Cung phi trong Cung oán ngâm khúc chỉ là một thứ nô lệ thời phong kiến)
Quang Quí đóng hai cung Sửu Mùi thật đẹp, nếu Mệnh hay Quan mà gặp được thì công danh thi cữ dễ dàng.
“Quí Ân Mùi Sửu hạn cầu
Đường mây gặp bước ân sâu cửu trùng”
Quang Quí gặp Đào Hồng ở cung Điền Trạch thường có may thừa kế di sản, ruộng vườn
“Quí Ân ngộ Đào Hồng Điền Trạch
Cô dì lưu tài bạch ruộng nương”
(Dẫn theo blog Trần Nhật Thành)