LUẬN ÂM DƯƠNG HỌC LÝ

Tác giả Hà Chiêu Khuông trong cuốn “Huyền không thái dịch quái phong thủy bố cục pháp ” có đoạn viết “Sơn biểu diện bất động cố vi âm, thủy lưu động cố vi dương , đột vi dương, ao vi âm”. Sách “Phong thủy bố cục theo huyền không thái dịch”, tổng hợp và biên dịch Chu Tước Nhi, Nguyên Vũ – Nguyên Vũ hiệu đính, nxb Hồng Đức 2016 có dịch đoạn này như sau: “núi bên ngoài không động cho nên là âm, nước lưu động cho nên là dương, lồi lên là dương, lõm xuống là âm”.

Không hiểu tác giả họ Hà nhầm lẫn hay cố tình, nhưng khi đọc đoạn văn viết “Sơn biểu diện bất động cố vi âm, thủy lưu động cố vi dương , đột vi dương, ao vi âm”, ngu mỗ thấy họ Hà kia hiểu về âm dương có vấn đề.

Xin thưa trong phong thủy Dịch, trạng thái hình thái của âm dương được quy ước như sau: Càn là trời là dương, Khôn là địa là âm; mặt trời là dương, mặt trăng là âm; sáng là dương, tối là âm; cương là dương, nhu là âm; động là dương mà tĩnh là âm; trước là dương, sau là âm; trái là dương, phải là âm; nam là dương, nữ là âm; phía trên là dương, phía dưới là âm; chính là dương, tà là âm; thủy là dương, núi là âm; thấp bằng là dương, cao khởi lên là âm. Bởi thế trong “Thanh nang kinh” mới viết rằng.

“Địa đức thượng tải, thiên quang hạ lâm,

Âm dụng dương triều, dương dụng âm ứng,

Âm dương tương kiến, phúc lộc vĩnh trinh.”

Thiên là dương, Địa là âm, khí thiên (dương) giáng xuống, khí địa (âm) thăng lên, âm dương tương ứng, thiên địa giao hòa.

Còn trong “Táng pháp đảo trượng” của Dương Quân Tùng viết:

“Dương khí nguyên tòng đại hạ thăng,

Hạ đầu sinh thượng thị chân hình,

Hoặc oa, hoặc ngưỡng phân tiêu tức,

Tiền súc hậu nghênh hữu trọng khinh”

Vậy là oa, ngưỡng, tiền (dương) súc, hậu (âm) nghênh đã đủ nói nên hình thái của âm là phải lồi, dương là phải lõm thì âm dương mới tương kiến được.

Để phân biện hình tượng âm dương, trong sách “Địa lý toàn thư” có trích dẫn đoạn vấn đáp giữa Tăng Nhất Hạnh và Dương Quân Tùng như sau:

Tăng công hỏi: “Âm là gì? Dương là gì?”

Dương công đáp: “Hai chữ âm dương là cốt lõi của phong thủy, là hình và khí được tạo rồi hóa mà thành. Hình là để thể hiện khí, khí dựa vào tượng mà thành hình. Hình và khí đã phân minh, thì có thể khảo sát được sự biến hóa trong đó. Dương khí có hình dạng lõm (ao), âm khí có hình dạng lồi (đột). Âm biến hóa thành dương là ao, yêm, kiên kiềm. còn dương biến hóa thành âm là phì, đột, mãn, nhũ. Nếu là dương long lai đến thì âm thụ huyệt, âm long lai đến thì dương thụ huyệt. Lai tức là từ phía trên nghiêng đổ xuống, thụ tức là ngưỡng ngửa mặt lên đón. Âm dương hình khí, đạo lý chính của tạo hóa là như vậy”

Tăng công lại hỏi:

“Âm lai dương thụ là gì?”

Dương công đáp:

“Khi mạch lai có tích (sống lưng), khi tiến nhập vào huyệt có ao (lõm), thì gọi là âm lai dương thụ.”

Lại hỏi tiếp:

“Dương lai âm thụ là gì?”

Đáp:

“Thế đến của mạch tương đối bình hòa, ở chỗ nhập huyệt có chỗ đột (lồi) lên, thì gọi là dương lai âm thụ”

Như vậy nói như họ Hà, dương đột (lồi), âm ao (lõm) thì âm lai âm thụ, dương lai dương thụ ư?

“Phát vi luận” lại viết: “ Phàm địa hình có thể thụ huyệt thì nếu giống ao (lõm), kềm (kẹp), phi (mở), tinh khí phát ra bên ngoài ắt thành dương. Nếu giống nhũ (lồi), như cái ngực của người phụ nữ, đột,nhô lên, tinh khí ắt đọng lại bên trong ắt thành âm. Nhưng trong ao có chỗ đột, như vậy gọi “dương lai âm thụ”, phần đầu của nhũ (chỗ lồi), có ao (lõm), như vậy gọi là “âm lai dương thụ” vậy.”

Trong “Tuyết tâm phú” có nói: “Phàm là hình thể khí thế của long mạch khi chạy đến giống như sống kiếm, thì gọi là “cô âm”, nếu khi chạy đến như giống như bàn tay ngửa thì gọi là “cô dương”.

“Ngọc xích kinh” thì khẳng định như thế này: “Các nhà phong thủy cho rằng cao là âm, thấp là dương, địa thế cao vút là âm, bằng phẳng tròn trặn là dương, sấp xuống là âm, ngửa lên là dương (giống như gieo quẻ Dịch 6 hào). Vật có mũi nhọn là âm, vật có chỗ lõm xuống là dương. Như vậy coi tĩnh là âm, động là dương là xuất phát từ phương tiện thể chất và tính tình của sơn thủy mà ra.”

Có kẻ còn lý luận lấy cái sinh thực khí của người đàn bà và đàn ông ra để phân biện hình tượng âm dương, thật là một ý tưởng điên rồ và phàm tục, thể hiện là người không hiểu đạo lý âm dương của trời đất. Như trên đã nói, nam là dương, nữ là âm cho nên cái “vật” ấy của người nữ người ta gọi là “âm vật”, còn cái của người nam gọi là “dương vật” chứ đâu phải âm dương ở đây quy lý ra hình tượng âm dương trong phong thủy.

Trong “Đảo trượng thi” viết: “âm nhũ giống như dương vật của nam, dương oa giống như sản môn của nữ, nếu giống như âm nhũ của nam thì không được làm thương tổn phần đầu, nếu giống như dương oa của nữ thì không được làm thương tổn 2 môi”

“Phát vi luận” lại viết: “Âm nhũ có hình úp xuống, khí vận hành từ trên xuống dưới, hình thể trôi nổi mà khí trầm uất. Hình thế của dương oa ngửa lên, khí vận hành thừ dưới lên trên, nên hình thể trầm mà khí thì phù”. Đó chẳng phải nói vể trạng thái, hình thái sinh thực khí của người nam và người nữ sao?

Như vậy là đã rõ về hình tượng âm dương, ngu mỗ xin xin hạ bút. Chân thành cảm ơn đã quý vị “Ngự lãm!”

Nguyễn gia tịnh xá

Mạnh đông Mậu Tuất niên 2018 (chỉnh sửa)

Nhàn cư trảm phong!

(Chép lại từ facebook Nguyễn Tiến Dũng)

Trusted by some of the biggest brands

spaces-logo-white
next-logo-white
hemisferio-logo-white
digitalbox-logo-white
cglobal-logo-white
abstract-logo-white
white-logo-glyph

We’re Waiting To Help You

Get in touch with us today and let’s start transforming your business from the ground up.