Chương 67: Quẻ HỎA THỦY VỊ TẾ

64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Kinh Dịch – Đạo Của Người Quân Tử” của học giả Nguyễn Hiến Lê.

64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Dịch Kinh Đại Toàn” của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê.

64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Bát Tự Hà Lạc – Lược Khảo” của Học Năng.

Quẻ HỎA THỦY VỊ TẾ

“Kinh Dịch – Đạo Của Người Quân Tử” của học giả Nguyễn Hiến Lê.

:|:|:| Hỏa Thủy Vị Tế (未濟 wèi jì)

Quẻ Hỏa Thủy Vị Tế, đồ hình :|:|:| còn gọi là quẻ Vị Tế (未濟 wei4 ji4), là quẻ thứ 64 trong Kinh Dịch.

* Nội quái là ☵ (:|: 坎 kan3) Khảm hay Nước (水).

* Ngoại quái là ☲ (|:| 離 li2) Ly hay Hỏa (火).

Giải nghĩa: Thất dã. Thất cách. Thất bát, mất, thất bại, dở dang, chưa xong, nửa chừng. Ưu trung vọng hỷ chi tượng: tượng trong cái lo có cái mừng.

Bình luận: Kinh Dịch kết thúc bằng quẻ Vị Tế (chưa xong việc) mà trước đó lại là quẻ Ký Tế (đã xong việc). Ý nghĩa của nó là mọi sự việc tưởng chừng như đã kết thúc nhưng thực ra thì không bao giờ kết thúc. Suy rộng ra thì vạn vật trong vũ trụ cũng vậy. Sự chuyển động, thay đổi nói chung là không có đầu mà cũng chẳng có cuối.

Kí tế là qua sông rồi, cũng rồi, nhưng theo luật thiên nhiên, không có lẽ nào hết hẳn được, hết mùa này đến mùa khác, hết thời này đến thời khác, hết lớp này đến lớp khác, sinh sinh hoá hoá hoài, cứ biến dịch vô cùng, cho nên tuy xong rồi nhưng vẫn là chưa hết, chưa cùng, do đó sau quẻ Kí tế tới quẻ Vị tế: chưa qua sông, chưa xong, chưa hết.

Thoán từ

未濟: 亨.小狐汔濟, 濡其尾, 无攸利.

Vị tế: Hanh. Tiểu hồ ngật tế, nhu kì vĩ, vô du lợi.

Dịch: chưa xong, chưa cùng: được hanh thông. Con chồn nhỏ sửa soạn vượt qua sông mà đã ướt cái đuôi, không qua được, không có gì lợi cả.

Giảng: Quẻ này trái hẳn quẻ trên: lửa ở trên nước, nước và lửa không giao nhau, không giúp được nhau; cả 5 hào đều ở trái ngôi cả; dương ở vị âm, mà âm ở vị dương, cho nên gọi là vị tế: chưa xong.

Vị tế chứ không phải là bất tế, chưa qua sông được chứ không phải là không qua được, sẽ có thời qua được, lúc đó sẽ hanh thông. Thời đó là thời của hào 5, có đức nhu trung, biết thận trọng mà ở giữa quẻ Ly (thời văn minh). Vả lại tuy 5 hào đều trái ngôi, nhưng ứng viện nhau cương nhu giúp nhau mà nên việc: thêm một lẽ hanh thông nữa.

Thoán từ khuyên đừng nên như con chồn con, nóng nảy hấp tấp, mới sửa soạn qua sông mà đã làm ướt cái đuôi, không qua được nữa, không làm được việc gì lợi cả, không tiếp tục được đến cùng.

Đại tượng khuyên phải xem xét kỹ càng mà đặt người, vật vào chỗ thích đáng, thì mới nên việc, đừng đặt lửa ở trên nước chẳng hạn như quẻ này.

Hào từ

1. 初六: 濡其尾, 吝.

Sơ lục: nhu kì vĩ, lận.

Dịch: Hào 1, âm: để ướt cái đuôi, đáng ân hận.

Giảng: Âm nhu, tài kém, ở vào đầu thời Vị tế, mà lại bước chân vào chỗ hiểm (khảm), như con chồn sắp sửa qua sông mà đã làm ướt cái đuôi, không biết tính trước phải ân hận.

2. 九二: 曳其輪, 貞吉.

Cửu nhị: Duệ kì luân, trinh cát.

Dịch: Hào 2, dương: kéo lết bánh xe, giữ đạo trung chính thì tốt.

Giảng: dương cương là có tài, ở vị âm là bất chính, thấy hào 5 ở ngôi tôn, ứng với mình là âm nhu, có ý muốn lấn lướt 5, như vậy sẽ hỏng việc, cho nên hào từ khuyên nên giảm tính cương của mình đi (như kéo lết bánh xe, hãm bớt lại) và giữ đạo trung của mình (hào 2 đắc trung) thì tốt, vì hễ trung thì có thể chính được.

3. 六三: 未濟, 征凶, 利涉大川.

Lục tam: Vị tế: chinh hung, lợi thiệp đại xuyên.

Dịch: Hào 3, âm: chưa thành đâu, nếu cứ tiến hành thì bị hoạ, vượt qua sông lớn thì lợi.

Giảng: Âm nhu, vô tài, lại bất trung, bất chính, không làm nên việc đâu, nếu cứ tiến hành thì xấu. Nhưng đã cảnh cáo: tiến hành thì xấu mà sao lại bảo qua sông lớn thì lợi? Mâu thuẩn chăng? Vì vậy mà có người ngờ trước chữ lợi, thiếu chữ bất vượt qua sông lớn thì không lợi, mới phải.

Có thể giảng như vầy: xét về tài đức của 3 thì không nên tiến hành, nhưng xét về thời của 3: Ở cuối quẻ Khảm, là sắp có thoát hiểm, hơn nữa trên có hào 6 dương cương giúp cho, thì sắp có cơ hội vượt qua sông lớn được. Lúc đó sẽ có lợi.

4. 九四: 貞吉, 悔亡.震用伐鬼方, 三年. 有賞于大國.

Cửu tứ: trinh cát, hối vong. Chấn dụng phạt Quỉ Phương, tam niên. Hữu thưởng vu đại quốc.

Dịch: Hào 4, dương: giữ đạo chính thì tốt, hối hận mất đi. Phấn phát (Chấn) tinh thần, cổ vũ dũng khi mà đánh nước quỉ Phương, lâu ba năm, nhưng rồi được nước lớn thưởng cho.

Giảng: Có tài dương cương, mà ở vào thời thoát khỏi hiểm (nội quái Khảm), tiến lên cõi sáng của văn minh (ngoại quái Ly), trên có hào 5, âm , là ông vua tin vậy mình ,thì đáng lẽ tốt. Chỉ vì hào 4 này bất chính (dương ở vị âm) nên khuyên phải giữ đạo chính. Lại khuyên phải phấn phát tinh thần và kiên nhẫn mới làm được việc lớn cho xã hội, như việc đánh nước quỉ phương thời vua Cao Tôn (coi hào 3, quẻ Kí tế) ba năm mới thành công.

5. 六五: 貞,吉,无悔.君子之光有孚.吉.

Lục ngũ: trinh, cát, vô hối. Quân tử chi quang hữu phu, cát.

Dịch: Hào 5, âm: Có đức trung chính, tốt, không có lỗi. Đức văn minh của người quân tử do chí thành mà rực rỡ, tốt.

Giảng: Hào này âm ở vị dương là bất chính, nhưng vì âm nhu, đắc trung (trung còn tốt hơn chính) ở vào giữa ngoại quái Ly, là có đức văn minh rực rỡ, lại ứng với hào 2 đắc trung, dương cương ở dưới, nên hai lần được khen là tốt; lần đầu vì có đức trung, văn minh lần sau vì có lòng chí thành, hết lòng tin ở hào 2.

6. 上九: 有孚于飲酒, 无咎.濡其首, 有孚, 失是.

Thượng cữu: Hữu phu vu ẩm tửu, vô cữu

Nhu kì thủ, hữu phu, thất thị.

Dịch: Hào trên cùng, dương: tin tưởng chờ đợi như thong thả uống rượu chơi thì không lỗi, nếu quá tự tin mà chìm đắm trong rượu chè (ướt cái đầu) thì là bậy.

Giảng: Dương cương ở trên cùng quẻ là cương tới dùng cực, cũng ở cuối ngoại quái Ly là sáng đến cùng cực, đều là quá cả. Sắp hết thời Vị tế rồi, mà hào 4 và 5 đã làm được nhiều việc rồi, hào 6 này chỉ nên tự tín, lạc thiên an mệnh, vui thì uống rượu chơi mà chờ thời, như vậy không có lỗi. Nếu quá tự tín đến mức chìm đắm trong rượu chè (như con chồn ướt cái đầu), không biết tiết độ thì mất cái nghĩa, hoá bậy.

***

Kinh Dịch bắt đầu bằng hai quẻ Càn, Khôn, gốc của vạn vật; ở giữa là hai quẻ Hàm và Hằng, đạo vợ chồng, gốc của xã hội, tận cùng bằng hai quẻ Kí tế và Vị tế đã xong rồi lại chưa xong; như vậy là hàm cái nghĩa việc trời đất cũng như việc của loài người, không bao giờ xong, cái gì tớt chung rồi lại tiếp ngay tới thủy. Mà đạo Dịch cũng vậy không bao giờ hết. Dịch cho ta niềm hy vọng ở tương lai. Thật là một triết lý lạc quan.

“Dịch Kinh Đại Toàn” của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê.

64. 火 水 未 濟 HỎA THỦY VỊ TẾ

Vị Tế Tự Quái 未 濟 序 卦
Vật bất khả cùng dã. 物 不 可 窮 也
Cố thụ chi dĩ Vị Tế 故 受 之 以 未 濟
Chung yên. 終 焉

Vị Tế Tự Quái

Sự đời hồ dễ có biên, có cùng.

Nên đem Vị Tế làm chung,

Tuy chung, mà vẫn vô cùng, mới hay. 

Quẻ Vị Tế ở sau quẻ Ký Tế, và cuối cùng 64 quẻ Dịch, có một ý nghĩa sâu sa. Thánh Hiền không để quẻ Ký Tế kết thúc bộ Kinh Dịch, mà lại để quẻ Vị Tế, là cốt cho ta thấy sự đời vô cùng, vô tận, trí con người khó mà lường được, mà giới hạn được. Sự đời biến dịch chẳng cùng: Trị mà sơ hở, sẽ sinh loạn. Cho nên, cuối quẻ Dịch, Thánh nhân để quẻ Vị Tế, muốn khuyên ta đừng bao giờ ngừng cố gắng, đừng bao giờ quên lo liệu, đề phòng.

Ngự Án bình rằng: Vị Tế là công việc còn dang dở chưa thành tựu. Sự dang dở sở dĩ có là vì các Hào chẳng đúng vị ngôi. Hào Âm ở vị Dương, Hào Dương ở vị Âm, cũng y như trong xã hội, sự dang dở sẽ sinh ra là vì người hay ở địa vị dưới, người dưới ở địa vị trên, thành thử mọi người đâm ra ngỡ ngàng khó xử. 

I. Thoán. 

Thoán từ.

未 濟 . 亨. 小 狐 汔 濟. 濡 其 尾 . 無 攸 利 .

Vị Tế. Hanh. Tiểu hồ ngật tế. Nhu kỳ vĩ. Vô du lợi.

Dịch.

Vị Tế là việc chưa thành,

Chưa thành, vẫn thấy tiến trình hanh thông. 

Cáo con hùng hổ vượt sông,

Để cho đuôi ướt, thời không lợi gì.

Vị Tế mà hanh, là vì ngày nay mọi sự còn bế tắc, dang dở, nhưng rồi đây, nhờ sự cố gắng, mọi sự lại trở nên thông suốt, xuôi xắn, hẳn hoi (Vị Tế. Hanh). Nhưng muốn ra tay gây dựng cơ đồ, không thể hăm hăm, hở hở, mà phải có mưu lược, phải biết ước lượng những gian nguy, những khó khăn, mình sẽ gặp, và phải trù liệu trước những phương cách, để lướt thắng những khó khăn đó.

Hăm hở, liều lĩnh, chỉ chuốc lấy thất bại, y thức như con hồ con, thiếu kinh nghiệm, thấy sông đã đóng băng, liền hăm hở vượt qua; nó có biết đâu nhiều chỗ sông hãy còn là nước, vì thế mà hụt chân, đến nỗi ướt cả đuôi, như vậy làm sao mà hay được (Tiểu hồ ngật tế. Nhu kỳ vĩ. Vô du lợi). 

Thoán Truyện. Thoán viết.

彖 曰 . 未 濟 . 亨 . 柔 得 中 也 . 小 狐 汔 濟 . 未 出 中 也 . 濡 其 尾 . 無 攸 利 .不 續 終 也 . 雖 不 當 位 .剛 柔 應 也 .

Vị Tế. Hanh. Nhu đắc trung dã. Tiểu hồ ngật tế. Vị xuất trung dã. Nhu kỳ vĩ. Vô du lợi. Bất tục chung dã. Tuy bất đáng vị. Cương nhu ứng dã.

Dịch. Thoán rằng: 

Vị Tế mà được hanh thông,

Là vì Nhu được ngôi trung đàng hoàng. 

Cáo con sông vội vượt sang,

Cái vòng gian hiểm, nguy nàn chưa qua.

Ướt đuôi, mọi chuyện bê tha,

Dở dang, dang dở, khó mà nên công.

Tuy rằng ngôi vị long đong,

Cứng mềm ứng hợp, vả không quải gàng.

Thoán. Vị Tế mà hanh là vì Hào Lục ngũ là nhu đắc trung (Vị Tế hanh. Nhu đắc trung dã).

Ví dụ: Như thời Vương Mãng chiếm ngôi nhà Hán, có Lưu Tú muốn phục hưng cơ đồ. Lưu Tú là con người hết sức khéo léo, mềm mỏng, lại là dòng dõi tôn thất nhà Hán, vì thế nên Lưu Tú qui tụ được nhiều anh tài, và sau khôi phục được cơ đồ nhà Hán. Nhưng lúc mới bắt đầu thời kỳ Vị Tế, không nên hăm hở làm liều, y như con hồ con qua sông, mà vẫn chưa thoát được vòng nguy hiểm (Tiểu hồ nhật tế. Vị xuất trung dã). Nếu mới đầu mà sơ xuất như hồ ướt đuôi, thì khó mà tiếp tục công việc đến kỳ cùng vậy (Nhu kỳ vĩ. Vô du lợi. Bất tục chung dã). Vị Tế tuy dang dở, vì chẳng có Hào nào xứng ngôi, xứng vị, nhưng sẽ hanh thông, vì các Hào đều ứng hợp nhau. Trở lại trường hợp Lưu Tú, hay các vua chúa lập quốc, ta thấy buổi đầu mọi sự còn dở dang, chếch mác, nhưng nhờ có hiền tài, lương tướng phụ bật, nên cuối cùng cũng thành công, thành sự. 

II. Đại Tượng Truyện.

Tượng viết.

象 曰 . 火 在 水 上 . 未 濟 . 君 子 以 慎 辨 物 居 方 .

Hỏa tại thủy thượng. Vị Tế. Quân tử dĩ thận biện vật cư phương.

Dịch. Tượng rằng:

Vị Tế nước dưới, lửa trên,

Quân tử biện vật, phải nên rạch ròi.

Biện phân cẩn thận, hẳn hoi.

Xếp cho đâu đấy, cơ ngơi rõ ràng.

Hỏa trên, nước dưới, là Vị Tế. Quân tử nhân đó cẩn thận biện phân sự vật cho đâu ra đấy. Thủy Hỏa không liên lạc, mỗi bên hoạt động một chiều, nên không thành công. Muốn làm nên sự việc, ta phải xem xét, học hỏi tính chất mỗi vật, để dùng cho đúng lúc, đúng nơi. Muốn đảo lộn thời cuộc cho Vị Tế trở thành Ký Tế, chính là chỗ biết dùng người, chỗ biết đặt người cho đúng ngôi, đúng vị.

Khi vua Câu Tiễn đi hàng Ngô Phù Sai, đình thần nghị luận cho Phạm Lãi theo hầu, còn Văn Chủng ở nhà làm Tướng quốc trị dân; Khổ Thành chịu trách nhiệm về tư pháp; Duệ Dũng giữ việc ngoại giao; Học Tấn đảm trách việc đàn hạch; Chư Trình thống lĩnh ba quân; Cao Như lo phủ ủy dân tình, tích trữ lúa gạo vv…Vì ai đáng vào ngôi đó, cho nên nước Việt không bị diệt vong, và dần dần lại phục hồi được.

Cho nên dùng người đúng nơi, đúng chỗ, dùng vật cho phải chốn, phải thời, chính là yếu tố sẽ mang lại thành công. 

III. Hào từ & Tiểu Tượng Truyện

1. Hào Sơ Lục.

初 六 . 濡 其 尾 . 吝 .

象 曰 . 濡 其 尾 . 亦 不 知 極 也 .

Sơ Lục. 

Nhu kỳ vĩ. Lận.

Tượng viết:  

Nhu kỳ vĩ. Diệc bất tri cực dã.

Dịch.

Cái đuôi đã ướt mất rồi,

Sự tình như thế, vậy thời hổ thay.

Tượng rằng: Đuôi đã ướt rồi,

Cũng vì chẳng biết đến nơi, đến cùng.

Sơ Lục. Hồ qua sông, mà để ướt đuôi là đáng trách, người bắt tay vào việc mà để hỏng chuyện, cũng là đáng trách (Nhu kỳ vĩ. Lận). Lưu Tú, tức Quang Võ, muốn phục hưng nhà Hán, ông xuống kinh đô để dự thi võ nghệ, lập kế. Nhưng khi vào trường thi, thấy Vương Mãng, đã nổi xung lên, dương cung định bắn. Ông liền bị Vương Mãng bắt, may có Đậu Dung xin tha cho, không thì làm gì còn đời Quang Võ, và làm gì có nhà Đông Hán.

Nhu kỳ vĩ. Diệc bất tri cực dã, làmới đầu vụng xử, đến nỗi hỏng việc, như hồ qua sông để ướt đuôi thì dốt vậy.

2. Hào Cửu nhị.

九 二 . 曳 其 輪 . 貞 吉 .

象 曰 . 九 二 貞 吉 . 中 以 行 正 也 . 

Cửu nhị. 

Duệ kỳ luân. Trinh cát.

Tượng viết:

Cửu nhị trinh cát. Trung dĩ hành chính dã.

Dịch.

Hãm cho bánh chạy bớt đà,

Mới là minh chính, mới là phải hay. 

Tượng rằng: Cửu nhị phải hay,

Đã hùng, lại xử cho ngay, cho lành.

Cửu nhị. Mặc dầu là thời cơ đã thuận tiện, nhưng lượng sức mình chưa đủ, phải biết kiềm chế mình, như vậy mới hay. (Duệ kỳ luân. Trinh cát).

Khi nước Ngô, đã bắt đầu suy yếu, Việt Vương Câu Tiễn muốn khởi binh đi đánh Ngô. Phạm Lãi can rằng: Thời cũng gần tới rồi, nhưng xin Chúa công dạy tập quân lính thêm, vì đánh hay phải có quân giỏi, mà muốn cho quân giỏi, phải tập đủ nghề, nào là kiếm kích, nào là cung võ. Nếu không có thầy hay dạy tập, thì không rành nghề được. Việt Chúa nghe lời, bèn cho đi rước thầy về rèn binh sĩ, và hoãn đánh nước Ngô (Đông Châu liệt quốc, Võ minh Trí dịch trang 962).  Tượng Truyện cho rằng: Cửu nhị sở dĩ hay, là vì đã biết xử phải (Cửu nhị trinh cát. Trung dĩ hành chính dã).

3. Hào Lục tam.

六 三 . 未 濟 . 征 凶 . 利 涉 大 川 .

象 曰 . 未 濟 征 凶 . 位 不 當 也 . 

Lục tam. 

Vị tế. Chinh hung. Lợi thiệp đại xuyên.

Tượng viết:

Vị Tế chinh hung. Vị bất đáng dã.

Dịch.

Trong khi mọi chuyện dở dang,

Mà còn vồ vập, lam làm thời hung.

Còn như vượt sóng, qua sông,

Tính bề thoát hiểm, thời không hại gì.

Tượng rằng:

Trong khi mọi chuyện dở dang,

Mà còn vồ vập, lam làm thời hung.

Vị ngôi lóng ngóng, lung tung.

Vị ngôi chẳng xứng, nên không ra gì.

Lục tam là Hào nhu mà cư Dương vị, nên không đúng ngôi, đúng vị; lại còn ở nội quái là Khảm,là nguy hiểm, tức là còn trong vòng nguy hiểm. Đã kém tài đức, ở trong vòng nguy nan, mà đã vội vẫy vùng, thời chẳng hay (Vị tế chinh hung). Trên nói là Chinh hung, mà tiếp theo lại nói là Lợi thiệp đại xuyên, thì ý nghĩa tương phản nhau. Có lẽ phải nói rằng Bất lợi thiệp đại xuyên mới phải.

Các nhà bình giải chia làm hai phái. Một phái như Trình tử, thì để nguyên câu Vị Tế chinh hung. Lợi thiệp đại xuyên mà giải, và cho rằng Chinh hung (dở dói chẳng hay), là vì tài chẳng đủ, còn Lợi thiệp đại xuyên (qua sông vẫn lợi), là vì lúc này là lúc có thể hoạt động được.

 Một phái như Chu Hi, Bồ Dương Lưu, Hồ vân Phong thì hiểu câu này như là Vị Tế chinh hung. Bất lợi thiệp đại xuyên. Bồ dương Lưu bênh vực quan điểm này như sau: Lục tam ở vào cực điểm của hiểm nạn, nên chưa có thể thoát hiểm, lại Âm nhu thất vị, không đủ tài để đối phó với hoàn cảnh, thế mà lại cầu tiến, như vậy ắt là hung, thì làm sao mà còn có thể vượt qua gian nguy được. Đã nói rằng: không thể hoạt động; hoạt động là hung, mà lại nói có thể vượt sông lớn (Vượt gian hiểm được),như vậy là phản nghĩa nhau. Chu Hi cho rằng trước chữ Lợi phải có chữ Bất, thế mới đúng.

Đại khái ba Hào dưới quẻ Vị Tế đều chưa thể thoát hiểm, Hào tam cũng như Hào Sơ đều là Âm nhu chi tài không đủ sức thoát hiểm, chỉ có Cửu nhị là có tài, nhưng lại chưa được thời, nên biết kiềm chế mới hay. Suy ra thì chắc chắn là Lục tam không thể nào vượt gian nguy được (Phi lợi thiệp đại xuyên khả tri dĩ).

Vị Tế chinh hung. Vị bất đáng dã,  chưa đúng ngôi vị, thì sao hoạt động cho hay được.

4. Hào Cửu tứ.

九 四 . 貞 吉 . 悔 亡 . 震 用 伐 鬼 方 . 三 年 有 賞 于 大 國 .

象 曰 . 貞 吉 悔 亡 . 志 行 也 . 

Cửu tứ.

Trinh cát hối vong. Chấn dụng phạt Quỉ phương.

Tam niên hữu thưởng vu đại quốc.

Tượng viết:

Trinh cát hối vong. Chí hành dã.

Dịch.

Bền lòng, vững chí mới hay,

Chính trinh, mới khỏi đơn sai, lỗi lầm.

Quỉ phương chinh phục ba năm,

Rồi ra đại quốc thưởng công, thưởng tài.

Tượng rằng:

Bền lòng, vững chí mới hay,

Chính trinh, mới khỏi đơn sai, lỗi lầm.

Thế là công việc xứng tâm.

Thế là chí nguyện đang tầm thực thi.

Cửu tứ là một trọng thần, trên được vua tin dùng, lại gặp thời cơ thuận tiện hơn, vì bước gian nan lúc đầu đã vượt qua đươc rồi (đã ra khỏi quẻ Khảm, đã tiến đến quẻ Ly), nên dĩ nhiên là có thể dẹp loạn, cứu đời. Tuy nhiên vẫn phải minh chính, mới hay, mới tốt (Trinh cát hối vong). Lúc ấy phải hết sức gắng công, mà dẹp loạn tứ phương, dầu phải đến nước xa xôi, hiểm trở như Hung Nô cũng chẳng từ (Chấn dụng phạt quỷ phương). như vậy rồi ra sẽ được triều đình tưởng thưởng (Tam niên hữu thưởng vu đại quốc). Đó là trường hợp Quang Võ. Khi đã đủ binh hùng, tướng mạnh, liền giết Vương Mãng, rồi đánh Vương Lãng ở Hàn Đan, dẹp Xích My ở Trường An vv… Lưu Tú vất vả lắm, rồi sau mới được phong làm Tiểu vương, và cuối cùng mới lên ngôi Hoàng Đế. Trinh cát hối vong. Chí hành dã Cửu tứ hay, chính vì toại được chí nguyện. Như ta đã thấy Vua Quang Võ chinh đông, dẹp bắc , thu gồm giang sơn về một mối. Đó là thực hiện được chí nguyện vậy.

5. Hào Lục ngũ.

六 五 . 貞 吉 無 悔 . 君 子 之 光 . 有 孚 . 吉 .

象 曰 . 君 子 之 光 . 其 暉 吉 也 . 

Lục ngũ. 

Trinh cát vô hối. Quân tử chi quang. Hữu phu. Cát. 

Tượng viết:

Quân tử chi quang. Kỳ huy cát dã.

Dịch.

Theo đường tốt đẹp, thẳng ngay,

Rồi ra sẽ hết đơn sai, lỗi lầm,

Quang huy, quân tử rỡ ràng,

Thực tài, thực đức, hiên ngang tốt lành.

Tượng rằng: Quân tử quang hoa,

Quang hoa chiếu rõ, thật là lành thay.

Lục ngũ mà minh chính, ngay lành, là vì người quân tử đã phát quang huy, lại có thực tài, thực đức (Trinh cát vô hối). Khi Quang Võ đã dẹp xong Vương Mãng, chư tướng đều muốn cho ông lên ngôi. Trong một bữa tiệc, Cảnh Nhĩ dâng lên một biểu chương, có những lời sau đây: Nay Chúa công sớm nối giang sơn cho chư tướng được phỉ dạ đợi trông, cứu sinh dân nơi đồ thán, giải lê thứ lúc đảo điên. Rõ ràng Quang Võ đã gây được tín nhiệm và uy thế đối với chư tướng. (Quân tử chi quang . Hữu phu. Cát).

Quân tử chi quang. Kỳ huy cát dã là tài đức mà đã như hào quang chói lọi ra ngoài, thì làm gì mà chẳng tốt.

6. Hào Thượng Cửu.

上 九 . 有 孚 于 飲 酒 . 無 咎 . 濡 其 首 . 有 孚 失 是 .

象 曰 . 飲 酒 濡 首 . 亦 不 知 節 也 .

Thượng Cửu.

Hữu phu vu ẩm tửu. Vô cữu. Nhu kỳ thủ. Hữu phu thất thị.

Tượng viết:

m tửu nhu thủ. Diệc bất tri tiết dã.

Dịch.

Hãy tin tài đức của mình,

Uống ăn, tiêu sái, mặc tình lỗi chi.

Vùi đầu, chìm đắm, đam mê,

Thế là tự tín. có bề quá đa.

Tượng rằng: chè chén, vùi đầu,

Thế là tiết độ, còn đâu nữa là.

Thượng Cửu. Khi đã làm cho thời Vị Tế, trở thành Ký Tế rồi, thời công trình hầu như đã hoàn thành, thì cũng có thể sống vui vẻ. Còn như phóng túng say sưa, thì là tự tín quá mức, và không còn hợp lẽ phải nữa.

Dịch kinh luôn luôn dạy con người cảnh giới, đề phòng, dầu thịnh mấy cũng không được buông lung, theo dục vọng Đại Tướng Ngô Hánlâm bệnh nặng gần chết. Vua Quang Võ đến thăm và hỏi: Tướng quân có lời chi mà nói với trẫm chăng? Ngô Hán đáp: Tôi ngu muội không có trí thức bao nhiêu, duy muốn cho bệ hạ phải dè dặt mà thôi. Nói xong liền qua đời. (Xem Đông Hán Diễn nghĩa. Thanh Phong dịch, trang 255). Thế là Ngô Hán muốn khuyên vua dẫu đã bình trị được thiên hạ, cũng vẫn phải luôn cẩn trọng.

Lại một hôm, Quang Võ cùng quần thần tổ chức đi vào núi săn hổ, đến đêm mới về. Khi về đến thành, quan giữ cửa lớn là Chất Huân, nhất định không cho vào, vua đành phải đi một cửa nhỏ khác mà vào thành. Hôm sau, Chất Huân vào triều tâu rằng: Xưa vua Văn, vua Võ chẳng dám đi săn bắn, chơi bời, là vì lấy muôn dân làm trọng. Nay Bệ hạ lại săn bắn xa xôi, nơi chốn rừng núi luông tuồng, lấy đêm mà làm ngày, vậy thì lấy chi cho vững bền xã tắc. Vua khen Chất Huân là hiền sĩ, và thưởng cho một trăm cây gấm vóc, và giáng chức vị quan đã mở cửa cho vua vào thành. .(Xem Đông Hán diễn nghĩa, Thanh Phong dịch trang 250)

m tửu nhu thủ. Diệc bất tri tiết dã,  vùi đầu vào rượu chè, thế là không biết tiết độ vậy. Xưa Nghi Địch làm rượu ngon, một hôm dâng lên vua Đại Võ. Vua nếm xong, liền đuổi Nghi Địch ra khỏi triều ca, và nói rằng sau này sẽ có vua chúa mất nước vì rượu.

Cả quẻ Vị Tế này, Thánh nhân không ngớt khuyên ta thận trọng và cố gắng. Cuối cùng lại khuyên ta đừng làm gì trái nghì, trái tiết, trái lý vậy. 

ÁP DỤNG QUẺ VỊ TẾ VÀO THỜI ĐẠI

Vị Tế là 1 quẻ có những ý nghĩa sâu sa, trí con người khó mà đo lường được. Thánh nhân làm quẻ Vị Tế chỉ muốn khuyên ta: Đừng bao giờ ngừng cố gắng, đừng bao giờ quên lo liệu đề phòng.

Tôi (tác giả mục Áp dụng vào thời đại), đã suy tư nhiều, nay mang tất cả những kinh nghiệm gởi lại cho quí vị (những người bạn thân, cùng chí hướng là nghiên cứu Dịch, ở thời đại này, hoặc mai sau cùng thưởng lãm).

Thật vậy, nhiều khi ta thấy mọi sự trên đời, mới đầu diễn tiến rất đẹp, vì người chủ chốt đã suy tư nhiều trước khi tạo dựng ra nó, thế mà bỗng nhiên thấy sụp đổ, và đi đến tan vỡ, không còn cứu vãn được nữa. Tại sao?

Chỉ tại ta khi đắc chí, thì tự mãn, không còn cố gắng, hoặc đề phòng mọi sự việc sẽ có thể xẩy ra sau đó mà thôi, và tại ta không theo đà tiến hóa của nhân loại.

I. Về phương diện 1 Quốc gia. Một nước mà quá lạc hậu vì người cầm đầu kém tài, hoặc óc còn bảo thủ, cầu an, thì trước sau gì cũng đưa dân, nước vào sự suy sụp, nghèo nàn, lạc hậu, trước sau gì cũng bị nước láng giềng mạnh hơn xâm chiếm, hoặc bị các Liệt Cường xâu xé, bắt nạt (Ví dụ: Trung Hoa về cuối đời Mãn Thanh). 

II. Về phương diện thương mại. Một cơ sở thương mại rất lớn, đã đứng vững cả nửa thế kỷ, thế mà tại sao đùng một cái lại tuyên bố bị phá sản. Tại sao? 

Theo thiển ý của tôi, vì thiếu những lý do sau đây:

Vì những người cầm đầu, cứ theo nếp cũ làm, không chịu cải tiến cho hợp với nhu cầu, vừa với túi tiền của dân chúng ( điều này rất quan trọng).

a/. Nên hàng tháng, hoặc ít nhất 6 tháng 1 lần, phải lấy ý kiến của nhân viên trong hãng và cho giải thưởng tượng trưng, để khuyến khích những ai có ý kiến hay, và để biết trong đám nhân viên ai là người có tài năng thật sự, ai là người có thể cộng tác lâu dài với mình, để mình biết sử dụng người đúng cách. Lâu lâu, độ 3, 4 năm lại xin ý kiến cải cách của dân chúng, để xem trào lưu lúc đó dân chúng muốn gì, thích loại hàng gì, để mình cải tiến cho hợp thời, và để cho mình đừng mua vào những hàng có thể ứ đọng không bán được sau đó không xa.

b/. Phải tìm người giỏi để cộng tác . Những người này có thể thay mình mà điều khiển hãng, nên phải là người mưu trí, nhưng lương thiện. Nên lấy người từ cấp dưới trở lên, vì họ có nhiều kinh nghiệm. Đừng nên thu nạp nhân viên vào cấp cao, vì cảm tình, hoặc vì liên hệ anh em, họ hàng.

c/. Xử dụng nhân viên phải có tình, đừng vắt chanh bỏ vỏ, khiến người ta lúc nào cũng lo sợ bị sa thải, thì làm sao họ có thể tận tụy với mình được.

III. Về phương diện gia đình. Trong gia đình, khi khá giả, cũng đừng nên tiêu xài hoang phí, phải luôn đề phòng lúc thất thế, hoặc hoạn nạn có thể xẩy ra. Phải luôn học hỏi thêm, để theo kịp đà tiến hóa của nhân loại, và để bảo đảm cho đời sống trong gia đình được vững bền.

Tóm lại, sự thành bại trong đời ta là do ta, chứ không phải do Trời; nên nếu ta biết đề phòng, và luôn cố gắng thì coi như ta đã theo đúng lời dậy của quẻ Vị Tế vậy.

“Bát Tự Hà Lạc – Lược Khảo” của Học Năng.

64.Hỏa thủy vị tế

Ðại cương:

Tên quẻ: Vị Tế là Thất (Mất thăng bằng, chưa thành đạt, nhưng chớ bi quan, có hy vọng).

Thuộc tháng 7

Lời tượng

Hỏa tại thủy thượng: Vị Tế. Quân tử dĩ thậu biện vật cư phương

Lược nghĩa

Lửa ở trên nước là quẻ Vị Tế (chưa thành đạt). Người quân tử lấy đấy mà cẩn thận phân biệt mọi vật để đặt vào cho đúng phương (đúng chỗ).

Hà Lạc giải đoán

Những tuổi nạp giáp:

Mậu: Dần, Thìn, Ngọ

Kỷ: Dậu, Mùi, Tỵ

Lại sanh tháng 7 là cách công danh phú quý.

THƠ RẰNG:

Cưỡi rồng phòng thất lạc

Đuôi ướt cứ loanh quanh

Nếu được cao nhân giúp

Còn gì sợ với khinh

Hào 1:

Nhu kỳ vĩ, lận Ý HÀO: Vô tài đức lại không gặp thời, nên an Phận, không vinh nhục gì.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Dù có tài kinh tế cũng không gặp thời, nên an Phận, không vinh nhục gì.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Thân nhỏ, vận yếu, mà vọng động, nên việc có đầu không đuôi, không biết tri túc, khó miễn gian nan.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Gặp hiểm trở không lên được. _Giới sĩ: Ðược chọn, hoặc đỗ cuối bảng. _Người thường: Kinh doanh chẳng được như ý, Cẩn thận sông nước.

Hào 2:

Duệ kỳ luân, trinh cát. Ý HÀO: Nên giữ Phận dưới, đừng vội thân với trên.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Trung thuận, cẩn thận, trên mến dưới tin.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Cũng là kẻ sĩ cẩn hậu, hòa đồng với mọi người, không ham tài lộc,y thực phong túc.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Vất vả vì chức vụ nên được tin yêu. _Giới sĩ: Ði lên, cẩn thận khéo mắc lỗi. _Người thường: Cứ an thường thì toại ý, nếu vọng động sẽ khốn.

Hào 3:

Vị tế, chinh hung, lợi thiệp đại xuyên. Ý HÀO: Tài không đủ làm, phải dựa người thì nên việc,

MỆNH – HỢP – CÁCH: Tài vụng, một mình không đủ làm, phải dựa vào người để múa may cổ võ mới hay được.

MỆNH – KHÔNG – HỢP Âm hiểm, cùng hoạn nạn thì được chứ không cùng an hưởng, một bước cũng khó tiến.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Nhờ người mà nên mỹ mãm. _Giới sĩ: Có lo kẻ bị đùn đẩy. Buôn bán phải hạn. _Người thường: Thích tiến, chỉ thêm thẹn mặt, sông nước gian nan mới kiếm được lợi, Không nên chèo núi qua đông.

Hào 4:

Trinh cát, hối vong; chấn dụng phạt, Quỉ phương lam niên, hữu thưởng vu đại quốc. Ý HÀO: Có gắng theo chính đạo, thành công gian nan.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Biến chất thiện lệch để trở về trung hòa, khoan danh chậm nhưng ân quang cũng lớn.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Cũng đổi lỗi theo thiện, được người thiện đề cử, mưu toại chí hành.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Vũ thì đi chinh phạt nơi ngoài, văn thì vị cao tột mực, công lớn vẻ vang. _Giới sĩ: Ðỗ ưu hạng. _Người thường: Hoạch lợi, có quí nhân đề cử.

Hào 5:

Trinh, cát vô hối, quân tử chi quang, hữu phu, cát. Ý HÀO: Bực nguyên thủ được phụ tá thành đức nghiệp mỹ mãn.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Cầu hiền để giúp việc chính trị, gặp người ủy thác được, sự nghiệp rực rỡ đương thời.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Cũng là quang minh chính đại, nghiệp lớn giàu thịnh, phúc đẹp.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Vinh thăng vượt bậc. _Giới sĩ: Văn chương xán lạn. _người thường: Ðược quang hiển, vàng lụa tích nhiều.

Hào 6:

Hữu phu vu ẩm tửu, vô cữu, nhu kỳ hữu, thủ phu thất thị. Ý HÀO: Thuận mệnh trời để làm hết nhân sự.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Có tài cứu vớt, đổi loạn thành trị, công lập đương thời tiếng để mai sau.

MENH – KHÔNG – HỢP: Túng dục không tiết độ, trái nghĩa, đổ dễ thành khó.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Thăng chuyển, giữ chức trông coi tế lễ (hoặc giám sát ngày nay). _Giới sĩ: Tiến thủ, được lựa chọn đứng đầu. _Người thường: Thoát được hiểm. Người già có tiệc mừng yến lão. Số xấu thì chết đuối.

(Dẫn theo trang huyenhocvadoisong.com)

Trusted by some of the biggest brands

spaces-logo-white
next-logo-white
hemisferio-logo-white
digitalbox-logo-white
cglobal-logo-white
abstract-logo-white
white-logo-glyph

We’re Waiting To Help You

Get in touch with us today and let’s start transforming your business from the ground up.