Chương 32: Quẻ THUẦN KHẢM
64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Kinh Dịch – Đạo Của Người Quân Tử” của học giả Nguyễn Hiến Lê.
64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Dịch Kinh Đại Toàn” của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê.
64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Bát Tự Hà Lạc – Lược Khảo” của Học Năng.
“Kinh Dịch – Đạo Của Người Quân Tử” của học giả Nguyễn Hiến Lê.
:|::|: Thuần Khảm (坎 kǎn)
Quẻ Thuần Khảm, đồ hình :|::|: còn gọi là quẻ Khảm (坎 kan3), là quẻ thứ 29 trong Kinh Dịch.
* Nội quái là ☵ (:|: 坎 kan3) Khảm hay Nước (水).
* Ngoại quái là ☵ (:|: 坎 kan3) Khảm hay Nước (水).
Giải nghĩa: Hãm dã. Hãm hiểm. Hãm vào ở trong, xuyên sâu vào trong, đóng cửa lại, gập ghềnh, trắc trở, bắt buộc, kìm hãm, thắng. Khổ tận cam lai chi tượng: tượng hết khổ mới đến sướng.
Lẽ trời không thể quá (cực đoan) được mãi, hễ quá thì sẽ phải sụp vào chỗ hiểm. Vậy sau quẻ Đại quá, tới quẻ Thuần khảm. Khảm có nghĩa là sụp, là hiểm.
***
Thoán từ
習坎: 有孚, 維心亨, 行有尚.
Tập Khảm: Hữu phu, duy tâm hanh, hành hữu thượng.
Dịch: Hai lớp khảm (hai lớp hiểm), có đức tin, chỉ trong lòng là hanh thông, tiến đi (hành động) thì được trọng mà có công.
Giảng: Tập Khảm có nghĩa là trùng khảm, hai lần Khảm. Nhìn hình quẻ Khảm ta thấy một hào dương bị hãm vào giữa hai hào âm, cho nên Khảm có nghĩa là hãm, là hiểm.
Ta lại thấy ở giữa đặc (nét liền), ngoài rỗng (nét đứt), trái với quẻ Ly ☲ giữa rỗng trên dưới đặc, như cái miệng lò; chỗ rỗng đó là chỗ không khí vô để đốt cháy than, củi, cho nên Ly là lửa. Khảm trái với Ly, chỗ nào trống thì nước chảy vào; Ly là lửa thì Khảm là nước. Nguy hiểm không gì bằng nước sâu, không cẩn thận thì sụp xuống, chết đuối, nên bảo nước là hiểm.
Xét theo ý nghĩa thì hào dương ở giữa, dương là thực, thành tín, vì vậy bảo là Khảm có đức tin, chí thành (hữu phu) ở trong lòng, nhờ vậy mà hanh thông. Gặp thời hiểm , có lòng chí thành thì không bị tai nạn, hành động thì được trọng mà còn có công nữa.
Thoán truyện giảng thêm: Nước chảy hoài mà không bao giờ ứ lại (lưu nhi bất doanh) chỗ hiểm trở nào cũng tới, cho nên bảo là có đức tin.
Lòng được hanh thông vì hai hào giữa (hào 2 và 5), đã cương mà đắc trung.
Trời có tượng hiểm (vì không lên trời được) ; đất có tượng hiểm, tức núi sông. Các bậc vương công theo tượng trời và đất mà đặt ra những cái hiểm (tức đào hào, xây thành, đạt ra hình pháp) để giữ đất đai và sự trật tự trong xã hội. Cái công dụng của hiểm nếu hợp thời thì cực lớn.
Đại tượng truyện khuyên nên theo cái đức chảy hoài không ngừng của nước mà giữ bền đức hạnh mà tu tĩnh không ngày nào quên.
Hào từ
1. 初六: 習坎, 入于坎窞, 凶.
Sơ lục: Tập khảm, nhập vu khảm năm ( có người đọc là đạm, hạm, lăm), hung.
Dịch: Hào 1, âm: Hai lần hiểm, sụp vào hố sâu, xấu.
Giảng: hào 1 đã âm nhu, lại ở dưới cùng quẻ Thuần Khảm hai lần hiểm, nên rất xấu.
2. 九二: 坎有險, 求小得.
Cửu nhị: khảm hữu hiểm, cầu tiểu đắc.
Dịch: Hào 2, dương: ở chỗ nước (hiểm) lại có hiểm, mong làm được việc nhỏ thôi.
Giảng: Hào này dương cương, đắc trung, có tài trí, nhưng ở giữa thời trùng hiểm, trên dưới bị hai hào âm nhu bao vây, chưa thóat được; cho nên chỉ mong làm đựơc việc nhỏ thôi.
Hào 4 quẻ Dư (số 6) cũng là dương ở vị âm; cũng bị hai hào âm bao vây, còn kém hào 2 quẻ Khảm vì không đắc trung,vậy mà Hào từ cho là “đại hữu đắc” (thành côn lớn); còn hào 2 quẻ Khảm này chỉ cầu được “tiểu đắc” thôi; chỉ vì thời khác; thời quẻ Dự là thời vui vẻ, hanh thông, thời quẻ Khảm là thời gian nan, nguy hiểm.
3. 六三: 來之坎坎, 險且枕, 入于坎窞, 勿用.
Lục tam: Lai chi khảm khảm, hiểm thả chẩm, nhập vu khảm năm, vật dụng.
Dịch: Hào 3, âm : tới lui (chử chi ở đây nghĩa là đi) đều bị hãm, trước mặt là hiểm mà sau lưng lại kê (dựa) vào hiểm, chỉ càng sụp vào chỗ sâu hơn thôi, chớ dùng (người ở hoàn cảnh hào 3 này, không được việc gì đâu).
Giảng: Hào này âm nhu, bất trung, bất chính, ở trên cùng quẻ nội khảm, mà tiến lên thì gặp ngoại khảm, trước mặt là khảm, sau lưng là khảm, toàn là hiểm cả, cho nên chỉ sụp vào chỗ sâu hơn thôi.
4. 六四: 樽酒簋, 貳 用缶, 納約自牖, 終无咎.
Lục tứ: Tôn tửu quĩ, nhị dụng phẫu, nạp ước tự dũ, chung vô cữu.
Dịch: Hào 4, âm: Như thể chỉ dâng một chén rượu, một quĩ thức ăn, thêm một cái vò dựng vài thức khác nữa (không cần nhiều, hễ chí thành là được); (có thể tùy cơ ứng biến) dứt khế ước qua cửa sổ (chứ không đưa qua cửa chính), như vậy không có lỗi.
Giảng: Lời hào này gọn quá, khó hiểu. Phan Bội Châu giảng như sau: tôn là chén rượu, quĩ là đồ đựng thức ăn; nhị là thứ nhì, phó (trái với chánh) là thêm sao, phẫu là cái vò. Tôn tữu quí, nhị dụng phẫu nghĩa là rượu chỉ một chén, thức ăn chỉ một quĩ, các thức khác thêm vào chỉ dùng một cái vò cũng đủ. Ý nói không cần nhiều, miễn lòng chí thành là được. “Nạp ước tự dũ” Nghĩa là khế ước (để làm tin) đáng lẽ phải nộp qua cửa lớn, nhưng lại dứt qua cửa sổ (dũ), như vậy là không chính đại quang minh, nhưng gặp thờ ihiểm, khó khăn, có thể “bất đắc dĩ nhi dụng quyền” (quyền này không phải là quyền hành, mà là quyền biến: tùy cơ ứng biến), miễn là giữ được lòng chí thành.
Hào này như một vị đại thần, nhưng âm nhu, vô tài, không cứu đời ra khỏi cảnh hiểm được; cũng may mà đắc chính, chí thành, cứ giữ đức chí thành đó mà đối với vua, với việc nước, nếu lại có chút cơ trí, biết tòng quyền , thì rốt cuộc không có lỗi.
5. 九五: 坎不盈, 祗既平, 无咎.
Cửu ngũ: Khảm bất doanh, chỉ kì bình, vô cữu.
Dịch: Hào 5, âm: Nước (hiểm) chưa đầy, nhưng đến lúc nước đầy rồi, lặng rồi, thì sẽ khỏi hiểm, không có lỗi.
Giảng: Hào này dương cương, có tài, đắc trung, đắc chính, ở ngôi chí tôn, mới trải qua già nữa thời Khảm, hiểm chưa hết, nước còn dâng lên nữa, đến khi nào nước đầy rồi mới bình lại, mà dắt dân ra khỏi hiểm được. Chữ Kì ở đây nghĩa là bệnh, tức hiểm nạn, trỏ chữ khảm.
6. 上六: 係用黴纆, 寘于叢棘, 三歲不得, 凶.
Thượng lục: Hệ dụng huy mặc, trí vu từng cức, tam tuế bất đắc, hung.
Dịch: Hào trên cùng, âm: đã trói bằng dây thừng to, lại đặt vào bụi gai, ba năm không được ra , xấu.
Giảng: Hào này âm nhu, ở trên cùng quẻ Khảm, chỗ cực kì hiểm, đã không có tài ra khỏi cảnh hiểm, lại không biết hối mà sửa mình, nên bị họa rất nặng.
***
Quẻ này là cái tượng quân tử bị tiểu nhân bao vây, chỉ có hai hào là tạm tốt (hào 2 và 5), còn các hào khác đều xấu. Lời khuyên quan trọng nhất gặp thời hiểm, phải giữ lòng chí thành, và biết tòng quyền.
“Dịch Kinh Đại Toàn” của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê.
29. 坎 為 水 KHẢM VI THỦY
BÁT THUẦN KHẢM
Khảm Tự Quái | 坎 序 卦 |
Vật bất khả dĩ chung Quá. | 陷 必 有 所 麗 |
Cố thụ chi dĩ Khảm. | 故 受 之 以 離 |
Khảm giả hãm dã. | 離 者 麗 也 |
Khảm Tự Quái
Sự đời tiến mãi được sao,
Cho nên quẻ Khảm đón, rào, vây, ngăn.
Khảm là gặp bước gian truân…
Khảm là hãm, là mắc kẹt y như quẻ: một Hào Dương kẹt giữa hai Hào Âm. Vì thế Khảm cũng có nghĩa là nguy hiểm. Khảm là nước. Nước giữa giòng thời trong y như một Hào Dương tinh toàn, thanh khiết ở giữa hai hào Âm hai bên.
Khảm là do Hào giữa của Kiền mà thành. Như vậy Khảm là tinh hoa của Trời = Thần = Đạo tâm. Còn Ly là tinh hoa của Đất = Tâm = Hồn = Nhân tâm.
Con người sinh ra, ai cũng có tinh hoa của Trời tàng ẩn trong xác thân, y như một Hào Dương quẻ Khảm kẹt giữa hai hào Âm. Dầu sao Khảm, Ly cũng là trọng tâm của Trời Đất, cũng như Thần và Hồn là trọng tâm của vũ trụ.
I. Thoán.
Thoán Từ.
習 坎 . 有 孚 . 維 心 亨 . 行 有 尚 .
Tập Khảm. Hữu phu. Duy tâm hanh. Hành hữu thượng.
Dịch.
Hiểm nguy, sau, trước, chập chùng,
Nếu ta thành khẩn, mới mong thoát nàn,
Chân thành, nên thoát nguy nan.
Việc làm như vậy, biết làm sao khen?
Thoán Truyện.
彖 曰 : 習 坎 . 重 險 也 . 水 流 而 不 盈 . 行 險 而 不 失 其 信 . 維 心 亨 . 乃 以 剛 中 也 . 行 有 尚 . 往 有 功 也 . 天 險 不 可 升 也 . 地 險 山 川 丘 陵 也 . 王 公 設 險 以 守 其 國 . 坎 之 時 用 大 矣 哉 .
Thoán viết.
Tập Khảm. Trùng hiểm dã. Thủy lưu nhi bất doanh. Hành hiểm nhi bất thất kỳ tín. Duy tâm hanh. Nãi dĩ cương trung dã. Hành hữu thượng. Vãng hữu công dã. Thiên hiểm bất khả thăng dã. Địa hiểm sơn xuyên khưu lăng dã. Vương công thiết hiểm dĩ thủ kỳ quốc. Hiểm chi thời dụng đại hĩ tai.
Dịch.
Thoán rằng: Nguy hiểm trập trùng ,
Nước vì trôi chảy, nên không tràn đầy.
Trong nguy, lòng vẫn thẳng ngay,
Thẳng ngay, may sẽ có ngày thoát nguy.
Gắng công, đáng được nể vì,
Gắng công, rồi sẽ thoát kỳ vận đen.
Trời cao, hiểm trở, khó lên,
Đất kia hiểm trở, sơn xuyên trập trùng.
Vương công dụng hiểm, bố phòng,
Giữ gìn bờ cõi, núi sông an bình.
Biết dùng hiểm, cũng lợi hanh,
Công trình dụng hiểm, âu đành lớn lao.
Trong Thoán quẻ Khảm, Thánh nhân dạy:
1) – Phương pháp xử trí khi lâm hiểm.
2) – Phương pháp lợi dụng sự hiểm trở.
1) Phương pháp xử trí khi lâm hiểm:
Ở đời, hiểm nguy ai cũng thường gặp, nhưng khi gặp nguy hiểm phải xử trí ra sao? Thưa: ta phải thành khẩn, phải bình tĩnh. Gặp nguy mà giữ được lòng thanh thản, không rối rít, sẽ thoát hiểm. Vì thế Thoán nói: Dẫu gặp nguy hiểm trập trùng (Tập hiểm), mà thành khẩn (Hữu phu), mà tâm hồn thanh thản (Duy tâm hanh), thì hành động sẽ có kết quả
(Hành hữu thượng). Như nước chẩy, sẽ thoát qua mọi ngóc ngách, con người mà thành khẩn sẽ thoát qua mọi gian nguy (Thủy lưu nhi bất doanh. Hành hiểm nhi bất thất kỳ tín). Khi gặp hiểm nguy, hãy giữ cho lòng thanh thản, sắt son. (Duy tâm hanh. Nãi dĩ cương trung dã.) Thế tức là:
Sơn hà gặp buổi lao lung,
Càng cao tiết ngọc, càng bừng vẻ son.
Đã sắt son, đã thành khẩn, thì hiểm nguy gì mà không vượt (Hành hữu thượng. Vãng hữu công dã).
2) Phương pháp dụng hiểm để bảo vệ mình, bảo vệ quốc gia.
* Nơi cá nhân: Trung tín chính là giáp trụ, lễ nghĩa chính là can qua, để bảo vệ nhân cách con người.
* Trong xã hội: Chính, Hình, Uy, Thưởng là
những hiểm trở để bảo vệ xã hội.
* Trong Quốc gia: (trong nước) thì lũy cao, hào sâu, núi cao, sông rộng, chính là những hiểm trở để bảo toàn bờ cõi, bảo vệ thành trì. Nhìn vào bản đồ Trung Quốc, ta thấy giới hạn của 3 nước được định bằng những hiểm trở thiên nhiên.
– Nước Ngụy ở phía Bắc, được giới hạn bằng dẫy núi Tần Lĩnh, và sông Dương, sông Hoài.
– Nước Ngô ở phía Đông Nam, giới hạn cũng bằng sông Dương, sông Hoài, ngăn Ngô và Ngụy. Và dẫy núi phía Tây ngăn Ngô và Thục.
– Nước Thục ở phía Tây đã có tiếng là hiểm trở, trập trùng.
– Các Kinh đô xưa, như Kiểu Kinh, Hàm Dương, Lạc Dương cũng thường ở vào những chổ nhiều sông, lắm núi để làm thế ỷ dốc, bên ngoài muốn tiến đánh rất là khó khăn.
DÙNG HIỂM CÓ 2 CÁCH:
1) Lợi dụng mọi hiểm trở thiên nhiên, để bảo vệ mình (Hiểm chi dụng).
2) Lúc gặp ngoại xâm, lại phải tạo thêm hiểm trở (Hiểm chi thời).
Nước nào càng lắm hiểm trở thiên nhiên, càng ít bị ngoại xâm. Nước nào có nhiều đường lối xâm nhập, càng dễ bị chinh phục, (đó là Hiểm chi dụng).
Chiêm Thành xưa đã triệt để xử dụng Đèo Ngang, đèo Hải Vân, đèo Cả để bảo vệ đất nước.
Cho nên Dịch mới nói: Hiểm chi thời dụng đại hĩ tai. Biết dùng hiểm trở, lại biết khi nào phải dùng hiểm trở, để bảo vệ cho dân, cho nước, thì cao siêu biết chừng nào.
II. Đại Tượng Truyện.
象 曰 : 水 洊 至 . 習 坎 . 君 子 以 常 德 行 . 習 教 事 .
Tượng viết:
Thủy tấn chí. Tập Khảm. Quân tử dĩ thường đức hạnh. Tập giáo sự.
Dịch.
Tượng rằng: Nước chẩy liên hồi,
Đợt này, đợt khác, chẳng ngơi, chẳng ngừng.
Nên người quân tử soi gương,
Đường nhân, nẻo đức, thời thường chẳng sai.
Dạy người liên tục, không ngơi.
Thường xuyên nhắc nhở, chẳng rời phép khuôn.
Dòng nước chẩy liên tục, cho ta một bài học khác. Nước chẩy không ngừng, vì thế soi mòn được núi non, soi mòn được vàng đá. Vậy nếu con người cũng cố gắng học hỏi, tu thân, tiến đức, dạy dỗ người không ngừng, thì con đường tiến hóa làm gì có hạn định. Thế tức là: Nước chẩy lâu, đá cũng phải mòn, hay Có công mài sắt, có ngày nên kim.
III. Hào Từ & Tiểu Tượng Truyện
Sáu Hào toàn bàn về cách xử hiểm.
1. Hào Sơ Lục.
初 六 . 習 坎 . 入 于 坎 窟 . 凶 .
象 曰 . 習 坎 入 坎 . 失 道 凶 也 .
Sơ Lục. Tập Khảm. Nhập vu Khảm lãm. Hung.
Tượng viết:
Tập Khảm. Nhập Khảm. Thất đạo hung dã.
Dịch. Sơ Lục:
Ỷ mình quen với gian nguy,
Sa hầm, sụp hố, hèn gì chẳng hung.
Tượng rằng:
Ưa nguy, thời sẽ gặp nguy,
Không theo chính đạo, hèn gì chẳng hung.
Hào Sơ dạy không nên đùa rỡn với hiểm nguy. Nếu mình cứ xông liều vào nguy hiểm (Tập Khảm), ắt sẽ sa vào những hiểm nạn ghê gớm (Nhập vu khảm hạm). Như vậy là dở hết sức (Hung). Thế tức là: Chơi dao có ngày đứt tay.
Tiểu Tượng bình thêm: đùa rỡn với hiểm nguy là đi sai đường lối của Trời Đất, vì vậy nên hung (Thất đạo hung dã).
2. Hào Cửu nhị.
九 二 . 坎 有 險 . 求 小 得 .
象 曰 . 求 小 得 . 未 出 中 也 .
Cửu nhị. Khảm hữu hiểm. Cầu tiểu đắc.
Tượng viết:
Cầu tiểu đắc. Vị xuất trung dã.
Dịch.
Anh hùng gặp bước gian nan,
Dần dà, từ tốn, tính toan, gỡ lần.
Tượng rằng:
Tính toan nho nhỏ được rồi,
Giữa cơn hoạn nạn, đừng đòi hỏi hơn.
Hào hai Cương mà lại đắc trung, tức người quân tử biết xử hiểm, biết bảo vệ được mình. Khi gặp gian nguy, đừng vội liều lĩnh để thoát hiểm. Trong giữa cơn biến, mà thâu nhập được thắng lợi, dù nhỏ cũng đã quí, đừng nên quá nóng, quá hấp tấp, quá tham lam. Cũng như nước suối vừa tuôn, tuy còn ít oi, nhưng rồi ra sẽ lan tràn khắp nơi.
3. Hào Lục tam.
六 三 . 來 之 坎 坎 . 險 且 枕 . 入 于 坎 窟 . 勿 用 .
象 曰 . 來 之 坎 坎 . 終 無 功 也 .
Lục tam. Lai chi Khảm Khảm. Hiểm thả chẩm. Nhập vu Khảm lạm. Vật dụng.
Tượng viết:
Lai chi Khảm Khảm. Chung vô công dã.
Dịch.
Tiểu nhân mà gặp gian nan,
Tiến lui cũng dở, ở càng nguy tai,
Nguy nan chồng chất bên ngoài,
Dẫu rằng vùng vẫy, cũng hoài công toi.
Tượng rằng: Lên xuống, đều nguy,
Cố công, rút cuộc ích gì cho cam.
Khi gặp gian nguy trập trùng, tiến lên cũng nguy, lui bước cũng nguy, thời đừng nên rối rít, đừng nên vọng động, kẻo sẽ nguy khốn thêm.
4. Hào Lục tứ.
六 四 . 樽 酒 簋 貳 . 用 缶 . 納 約 自 牖 . 終 無 咎 .
象 曰 . 樽 酒 簋 貳 . 剛 柔 際 也 .
Lục tứ. Tôn tửu quĩ nhị dụng phẫu. Nạp ước tự dũ. Chung vô cữu.
Tượng viết:
Tôn tửu quĩ nhị. Cương nhu tế dã.
Dịch.
Lòng thành, chén rượu, giỏ cơm.
Đồ sành lại lấy mà đơm, mà mời.
Chuyền qua lỗ cửa dâng người,
Chân thành, đạm bạc, ai cười, ai chê.
Tượng rằng: Chén rượu, giỏ cơm,
Cứng mềm, trên dưới, đôi đường giúp nhau.
Đại khái, Hào này nói: lúc hoạn nạn, lúc nguy nan, vua tôi giao tiếp nhau, nên tỉnh giảm lễ nghi hình thức bên ngoài, nên lấy lòng thành khẩn, chân thực, đối đãi với nhau. Lúc hiểm nàn, thời tặng nhau một bầu rượu, vài giỏ cơm, dùng bát đĩa sành, lại đưa qua cửa sổ, cũng vẫn được, miễn là thành khẩn cùng nhau.
5. Hào Cửu ngũ.
九 五 : 坎 不 盈 . 只既 平 . 無 咎 .
象 曰 : 坎 不 盈 . 中 未 大 也 .
Cửu ngũ. Khảm bất doanh. Kỳ ký bình. Vô cữu.
Tượng viết:
Khảm bất doanh. Trung vị đại dã.
Dịch.
Công trình trị hiểm còn vơi,
Nhưng mà hiểm sắp thoát rồi, lỗi chi?
Tượng rằng: Trị hiểm chưa xong,
Là vì tài đức chưa trung, chưa tuyền.
Tuy chưa thoát hiểm, nhưng tình thế đã bớt căng thẳng, y như sông Hoàng Hà, ở Long Môn thì nước còn chảy ào ào, nhưng đến bến Mạnh Tân, thì nước đã phẳng lặng hơn, thuyền bè đã có thể qua lại được.
Hào Năm, sở dĩ chưa thoát hiểm, là vì tuy đương sự có tài đức, có ngôi tôn, nhưng vì thiếu hiền thần phụ lực, phò nguy (Hào nhị cũng là Dương nên không ứng). Chưa thoát được hiểm, nghĩa là vẫn còn có khuyết điểm, hoặc về chính sách, hoặc về nhân sự, hoặc chưa gặp cơ hội (Khảm bất doanh. Trung vị đại dã).
6. Hào Thượng Lục.
上 六 : 係 用 徽 . 置 于 叢 棘 . 三 歲 不 得 . 凶
象 曰 : 上 六 失 道 . 凶 三 歲 也 .
Thượng Lục. Hệ dụng huy mặc. Trí vu tùng cức. Tam tuế bất đắc. Hung.
Tượng viết:
Thượng Lục thất đạo. Hung tam tuế dã.
Dịch.
Đã thừng, đã chão trói trăng,
Trói rồi, còn đặt giữa vùng góc gai.
Hung mà đến thế, thời thôi.
Ba năm hồ dễ có mòi thoát nguy.
Tượng rằng: Thượng Lục lầm đường,
Không theo chính đạo, tai ương bấy chầy.
Ba năm âu cũng đáng đời . . .
Hào 6. Gặp hiểm nguy cùng cực, mà không biết khéo xử, không biết hối quá lỗi lầm, thì làm sao thoát hung họa. Lưới tội khiên lúc ấy như thừng, như chão, trăng trói mình, như gai góc vương mắc mình, nếu không biết tìm đường rũ bỏ, thì làm sao mà chẳng gặp họa hung.
ÁP DỤNG QUẺ KHẢM VÀO THỜI ĐẠI
Quẻ Khảm trước hết có nghĩa là Nước, thứ đến Khảm có nghĩa là nguy hiểm.
1. Khảm có nghĩa là Nước. Dịch dạy ta tiến đức tu thân, bắt chước nước soi mòn vàng đá, và không bao giờ ngưng nghỉ.
2. Khảm có nghĩa là Nguy hiểm. Nói đến nguy hiểm, Dịch dạy ta phải biết dùng mọi nguy hiểm của cuộc đời để bảo vệ mình, bảo vệ Quốc Gia.
Khi có chiến tranh, người ta đào đường, đắp ụ, tiêu thổ kháng chiến, đó là gây khó khăn cho bên địch. Ta thấy trong chiến tranh Trung Nhật, thì chính phủ Tưởng Giới Thạch đã bỏ Nam Kinh, Bắc Kinh, là những nơi gần biển dễ chiếm, mà rút về Trùng Khánh (Vân Nam), là nơi khó khăn, hiểm trở hơn. Còn khi Quốc Cộng Trung Hoa giao chiến, thì Mao Trạch Đông đã chọn vùng Thiểm Tây hiểm trở ở phía Bắc, để làm Thủ Đô.
Ta cũng thấy, trước kia Liên Sô đã biết dùng thời tiết băng giá để chống với đại quân của Napoléon, và Hitler, và đã toàn thắng.
Ở Việt Nam, thời Đệ Nhị Cộng Hòa, chỉ cách Saigon vài chục cây số, tại Củ Chi, Việt Cộng đã đào nhiều đường hầm, nằm ngay dưới các cơ sở Quân đội Cộng hòa và Mỹ. Tuy biết là có, nhưng Việt Nam và Mỹ, không làm sao mà tìm ra cách phá được. Vì thế Việt Cộng gọi Củ Chi là Tường Đồng, Vách Sắt. Mới hay, cái nhìn của người xưa thật là sâu sắc. Người xưa còn dạy ta: Khi gặp nguy cơ, phải bình tĩnh giải quyết thời sẽ thoát hiểm.
Những bài học thực tế trên, có giá trị muôn đời, và bao giờ đem áp dụng cũng thấy hợp thời, hợp thế.
“Bát Tự Hà Lạc – Lược Khảo” của Học Năng.
29.Thuần khảm
Ðại cương:
Tên quẻ: Khảm là Hãm (hiểm, mắc kẹt, linh lạc, gian nan)
Thuộc tháng 10.
Lời tượng
Thủy tấu chí, tập Khảm. Quân tử dĩ thường đức hạnh tập giáo sự.
Lược nghĩa
Nước đều tiến đến là quẻ Khảm Kép. Người quân tử lấy đấy mà luôn giữ đức hạnh, tập rèn việc giáo huấn.
Hà Lạc giải đoán
Những tuổi nạp giáp:
Mậu: Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tuất, Tý; lại sanh tháng 10, là cách công danh phú quý.
THƠ RẰNG:
Hiểm nghèo Khảm muốn thông,
Giữ nước, phải tương dung,
Sẻ quạ đương bày trận,
Cùng trời chiếc nhạn tung.
Hào 1:
Tập KHẢM, nhập vu KHẢM hãm, hung. Ý hào: Không biết cách trừ hiểm, nên không ra được chỗ hiểm.
MỆNH – HỢP – CÁCH: Tri cơ giữ đạo, tuy đi đến chỗ hiểm mà không vào chỗ hiểm.
MỆNH – KHÔNG – HỢP: Tài xoàng chí mọn, không gặp thời không đúng chỗ., lối bùn lầy lội, không cách vượt lên.
XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức và giới sĩ: Phòng khiển trách, truất giáng. _Người thường: Phòng đắm đuối. Chỉ có tăng ni ẩn dật là yên ổn.
Hào 2:
KHẢM hữu hiểm, cầu tiểu đắc. Ý hào: Ðương gian nan, tìm cách thoát hiểm.
MỆNH – HỢP – CÁCH: Lúc biến cố, tuy chưa thành việc lớn, nhưng cũng cứu được cái nguy đổ sụp.
MỆNH – KHÔNG – HỢP: Chỉ làm được việc qui mô nhỏ.
XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Trải chức vụ nhỏ. _Giới sĩ: Thi bằng nhỏ thôi. _Người thường: Kinh doanh nhỏ Nữ mạng làm vợ nhỏ, nô tỳ. Vận xấu phòng bệnh tim, bụng, khí huyết.
Hào 3:
Lai chí khảm khảm, hiểm thả chẩm, nhập vu khảm hãm vật dụng. Ý hào: Qua lại đều hiểm không thoát được hiểm.
MỆNH – HỢP – CÁCH: Không đến nỗi chìm đắm, cũng bảo vệ sinh tồn, nen thân và nhà không đến nỗi suy sụp.
MỆNH – KHÔNG – HỢP: Tài nhược chí đoản, nghèo khó mãi.
XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: nên lui bước. _Giới sĩ: Ðợi thời. _Người thường: Gian nan thêm kiện tụng nữa.
Hào 4:
TÔN Tửu quỹ, nhị dụng phẫu, nạp ước tự dũ, chung vô cữu. Ý hào: Lấy điều thiện cẩm được nguyên thủ, thành công.
MỆNH – HỢP – CÁCH Lòng thành cứu được hiểm, dẹp được khó, nên đức nghiệp thịnh.
MỆNH – KHÔNG – HỢP: Dễ thành dễ phá, bỗng vinh bỗng nhục, ăn mặc kiệm ước, phúc trạch thường.
XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Giữ việc nghi lễ. _Giới sĩ: Khó tiến. _Người thường: Có sự giao ước, phòng tang phục.
Hào 5:
KHẢM bất doanh, kỳ kỳ bình, vô cữu. Ý hào: Có cách cứu hiểm, thì thành công cứu hiểm.
MỆNH – HỢP – CÁCH: Ðổi nguy ra an, cứu vớt được dân, công nghiệp không nhỏ.
MỆNH – KHÔNG – HỢP: Tài nhỏ, giải được ách, bình an.
XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Phận nhỏ nhưng không nguy. _Giới sĩ: Lợi nhỏ. _Người thường: Bình thản, không nguy gì.
Hào 6:
Hệ dụng huy mặc, chí vu tùng cức, tam tuế bất đắc, hung. Ý hào: Vô tài mà ở chỗ cực hiểm tất nguy vong.
MỆNH – HỢP – CÁCH: Nên ẩn cư nơi sơn lâm, hoặc làm tăng đạo.
MỆNH – KHÔNG – HỢP: Tổn thân, phá tổ, cốt nhục khó yên, tuổi thọ kém, hình khắc nhiều.
XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Lo chăng chối hoặc an trí. _Giới sĩ: Ðấu tranh gây cấn. _Người thường: Phòng tù ngục.
(Dẫn theo trang huyenhocvadoisong.com)