Chương 30: Quẻ SƠN LÔI DI

64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Kinh Dịch – Đạo Của Người Quân Tử” của học giả Nguyễn Hiến Lê.

64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Dịch Kinh Đại Toàn” của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê.

64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Bát Tự Hà Lạc – Lược Khảo” của Học Năng.

Quẻ SƠN LÔI DI

“Kinh Dịch – Đạo Của Người Quân Tử” của học giả Nguyễn Hiến Lê.

|::::| Sơn Lôi Di (頤 yí)

Quẻ Sơn Lôi Di, đồ hình |::::| còn gọi là quẻ Di (頤 yi2), là quẻ thứ 27 trong Kinh Dịch.

* Nội quái là ☳ (|:: 震 zhen4) Chấn hay Sấm (雷).

* Ngoại quái là ☶ (::| 艮 gen4) Cấn hay Núi (山).

Giải nghĩa: Dưỡng dã. Dung dưỡng. Chăm lo, tu bổ, thêm, ăn uống, bổ dưỡng, bồi dưỡng, ví như trời nuôi muôn vật, thánh nhân nuôi người. Phi long nhập uyên chi tượng: rồng vào vực nghỉ ngơi.

Súc là chứa, có chứa nhóm vật lại rồi mới nuôi được, cho nên sau quẻ Đại súc là quẻ Di. Di có hai nghĩa: nuôi nấng và cái cằm. Nhìn hình quẻ, chúng ta thấy như cái miệng mở rộng, hai nét liền ở trên và dưới như hai cái hàm, toàn bộ gợi cho ta ý cái cằm (thay cái mép) lại gợi cho ta sự ăn uống để nuôi sống.

Thoán từ

頤: 貞吉. 觀頤, 自求口實.

Di: Trinh cát. Quan di, tự cầu khẩu thực.

Dịch: Nuôi: hễ đúng chính đạo thì tốt. Xem cách nuôi người và tự nuôi mình.

Giảng: Nuôi tinh thần hay thể chất, cũng phải hợp chính đạo thì mới tốt. Xem cách nuôi người và tự nuôi mình thì biết tốt hay xấu.

Thoán truyện suy rộng ra: Trời đất khéo nuôi vạn vật mà vạn vật sinh sôi nảy nở về mọi mặt; thánh nhân dùng những người hiền giúp mình trong việc nuôi dân chúng; cái đạo nuôi nấng lớn như vậy đó.

Đại tượng truyện đưa thêm một ý nữa: theo cái tượng của quẻ, thì dưới núi có tiếng sấm, dương khí bắt đầu phát mà vạn vật trong núi được phát triển như vậy là trời đất nuôi vật. Người quân tử tự nuôi mình thì phải cẩn thận về lời nói để nuôi cái đức, và tiết độ về ăn uống để nuôi thân thể (Quân tử dĩ thận ngôn ngữ, tiết ẩm thực). Là vì đời, “họa tòng khẩu xuât, bệnh tòng khẩu nhập” Phải giữ gìn nhất cái miệng.

Hào từ

1. 初九: 舍爾靈龜, 觀我朵頤, 凶.

Sơ cửu: Xã nhỉ linh qui, quan ngã đóa di, hung.

Dịch: hào 1, dương: chú bỏ con rùa thiêng (tượng trưng phần tinh thần quí báu) của chú đi mà cứ ngó ta, tới xệ mép xuống, xấu.

Giảng: Chúng ta nên để ý: nội quái là Chấn, có nghĩa là động, cho nên cả ba hào đều diễn cái ý mình đi cầu cạnh người .

Hào 1 này dương cương, khôn lanh, nhưng ứng với hào 4 âm, có thế lực ở trên hăm hở theo âm đến nỗi bỏ thiên lí, thèm thuồng cầu ăn ở người khác (hào 4) để nuôi xác thịt, mà quên phần tinh thần của mình (nó quí như con rùa thiêng chỉ sống bằng khí trờii) như vậy rất xâu. Hai chữ “đóa di”, thòng mép xuống, cực tả sự bỉ ổi của bọn người chỉ ham ăn, nói rộng ra là bọn bị tư dục mê hoặc đến mất cả liêm sỉ.

2. 六二: 顛頤, 拂經, 于丘 頤, 征凶.

Lục nhị: điên di, phất kinh, vu khâu di, chinh hung .

Dịch: Hào 2, âm: Đảo lộn cách nuôi mình, trái với lẽ thường, cầu sự nuôi dưỡng ở gò cao, tiến lên thì xấu.

Giảng: Hào này âm nhu, không tự sức nuôi mình được, nên phải cầu ăn với hai hào dương 1 và 6. nhưng hào 1 ở dưới mình, như vậy là người trên xin ăn người dưới, đảo lộn rồi, trái lẽ thường (kinh) rồi; còn như cầu ăn ở hào trên cùng (ví như cái gò cao), tì hào này không ứng với 2, 2 sẽ bị từ chối, bị khinh mà mắc nhục.

Nên để ý: theo thường lệ, hào 2 này đắc trung, chính thì tốt mà đây lại xấu, vì ý nghĩa của quẻ nuôi dưỡng, mà hào này lại không đủ sức tự dưỡng được.

3. 六三: 拂頤, 貞凶.十年勿用无攸利.

Lục tam: Phật di, trinh hung. Thập niên vật dụng vô du lợi.

Dịch: Hào 3 âm: Cách nuôi trái hẳn với chính đạo, xấu. Mười năm (có nghĩa là tới cùng) cũng không tốt được không làm nên gì.

Giảng: hào này âm nhu, bất trung, bất chính, lại hay động (vi ở trên cùng nội quái Chấn) không chịu ngồi yên, thấy đâu có ăn là đâm đầu vào. Rất xấu – Về hai chữ “thập niên” chúng ta đã giảng ở hào cuối cùng của quẻ Phục.

4. 六四: 顛頤, 吉.虎視眈眈, 其欲逐逐, 无咎.

Lục tứ: điên di, cát. Hổ thị đam đam, kì dục trục trục, vô cữu.

Dịch: Hào 4, âm: Đảo lộn cách nuôi mà tốt. Mắt hổ nhìn đăm đăm, lòng ham muốn day dứt không ngớt, không có lỗi.

Giảng: Hào này âm nhu đắc chính, ở vào địa vị cao, được hào 5 chí tôn tương đắc với mình (cùng là âm cả) lại thêm có hào 1 dương ứng với mình, như vậy là người trên biết trọng đạo nghĩa, biết hạ mình cầu người dưới (hào 1) nuôi mình; tuy là điên đảo, trái lẽ thường đấy, nhưng vì là người tốt (đắc chính), cầu 1 giúp mình để mình lập nên sự nghiệp san sẽ giúp đỡ dân chúng, cho nên vẫn là tốt.

Nhưng phải chuyên nhất, không gián đoạn (như mắt hổ nhìn đăm đăm, ham muốn không ngớt), cứ tiếp tục cầu 1 giúp hoài thì mới có kết quả, không có lỗi.

Cầu nuôi ở hào này là cầu nuôi về tinh thần, chứ không phải về thể xác.

5. 六五: 拂經, 居貞, 吉.不可涉大川.

Lục ngũ: Phật kinh, cư trinh, cát. Bất khả thiệp đại xuyên.

Dịch: Hào 5, âm: Trái lẽ thường, bền chí giữ đạo chính thì tốt. Không thể vượt sông lớn được.

Giảng: Hào này như một vị nguyên thủ, có trách nhiệm nuôi người, nhưng vì âm nhu, kém tài, nên phải nhờ người (tức hào trên cùng) nuôi mình (giúp đỡ mình); tuy là trái lẽ thường, nhưng cứ bền chí, giữ đạo chính thì tốt; vì nhờ người khác giúp đỡ để mình làm trọn nhiệm vụ nuôi dân.

Tuy nhiên, vì tài kém (âm nhu), làm việc lớn gian hiểm không nổi, nên Hào từ khuyên: không thể qua sông lớn được.

Cầu nuôi ở hào này cũng là cầu nuôi về tinh thần.

6. 上九: 由頤, 厲吉, 利涉大川.

Thượng cửu: do di, lệ cát. Lợi thiệp đại xuyên.

Dịch: Hào trên cùng, dương. Thiên hạ nhờ mình mà được nuôi, trách nhiệm mình lớn như vậy, mình phải thường lo lắng, sợ hãi thì được tốt. Qua sông lớn được.

Giảng: Hào này dương cương mà ở trên cùng, như bậc làm thầy cho vị nguyên thủ, vị nguyên thủ nhờ mình mà nuôi được thiên hạ, thì cũng như chính mình nuôi thiên hạ. Trách nhiệm lớn như vậy nên mình phải thường lo lắng, sợ hãi, rất thận trọng thì mới được tốt lành, mà thiên hạ được phúc lớn (lời Tiểu tượng truyện).

Hào này dương cương có tài, không như hào 5, cho nên làm được việc lớn gian hiểm.

***

Tóm lại ba hào cuối đều có nghĩa là nuôi về tinh thần, giúp đỡ dân chúng nên đều được “cát” hết. Ba hào đầu có nghĩa là nhờ người nuôi thể xác của mình, cho nên đều xấu .

“Dịch Kinh Đại Toàn” của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê.

27. 山 雷  SƠN LÔI DI

Di Tự Quái 頤 序 卦
Vật súc nhiên hậu khả dưỡng.  物 畜 然 後可 養
Cố thụ chi dĩ Di. 故 受 之 以 頤
Di giả dưỡng dã. 頤 者 養 也

Di Tự Quái

Một khi súc tụ, lo đàng dưỡng nuôi.

Cho nên Di mới nối đuôi.

Di là di dưỡng, muôn loài trước sau. 

Di trên dưới có 2 Hào Dương, giữa 4 Hào Âm, trên là Cấn = Núi, là đứng yên. Dưới là Chấn = Sấm = là cử động, tượng trưng cho cái mồm, trên dưới có 2 hàm răng cứng, giữa là miệng, lưỡi trống hoặc mềm; lại có 2 hàm: hàm trên không cử động, hàm dưới cử động.

Trong quẻ Di có Tượng mồm miệng, Thánh nhân mới nghĩ đến vấn đề di dưỡng, chứ không nói rằng ăn uống, vì chữ di dưỡng bao quát hơn vấn đề ăn uống. Ta có thể nói: Di dưỡng tinh thần, đức hạnh, thân xác, tha nhân.

I. Thoán.

Thoán Từ.

頤 : 貞 吉 . 觀 頤 . 自 求 口 實 .

Di: Trinh cát. Quan Di. Tự cầu khẩu thật.

Dịch.

Hay thay công cuộc dưỡng nuôi.

Hãy xem lề lối người đời kiếm ăn.

Di là dưỡng: dưỡng kỷ, dưỡng nhân, nhưng phải cho hợp lý, hợp nghĩa mới hay. Vì thế mới nói Di. Trinh cát. Di có 2 phương diện. Trình tử cho đó là: Dưỡng kỷ và Dưỡng thân. Chu Hi cho là Dưỡng đức và Dưỡng thân.

Chu Hi giải 2 chữ: Quan Di là xem mình chú ý di dưỡng cái gì nơi con người, Tự cầu khẩu thực = Cách thế sinh nhai. 

Thoán Truyện.

彖 曰 : 頤. 貞 吉 . 養 正 則 吉 也 . 觀 頤 . 觀 其 所 養 也 . 自 求 口 實 . 觀 其 自 鄱 也 . 天 地 養 萬 物 . 聖 人 養 賢 . 以 及 萬 民 . 頤 之 時 義 大矣 哉 .

Thoán viết: 

Di. Trinh cát. Dưỡng chính tắc cát dã. Quan Di. Quan kỳ sở dưỡng dã. Tự cầu khẩu thực. Quan kỳ tự dưỡng dã. Thiên địa dưỡng vạn vật. Thánh nhân dưỡng hiền. Dĩ cập vạn dân. Di chi thời đại hỹ tai. 

Dịch.

Dưỡng sinh, mà tốt, mà hay.

Tốt, vì hợp lẽ chính ngay đất Trời,

Xem nuôi, xem dưỡng những ai.

Lại xem cung cách sinh nhai mỗi người.

Đất trời nuôi dưỡng muôn loài

Thánh nhân dưỡng dục hiền tài, vì dân.

Dưỡng sinh, nghĩa rất cao thâm,

Tùy thời dưỡng dục, mười phân vẹn mười.

Trời đất sinh vạn vật, tức phải lo nuôi dưỡng vạn vật. Thảo mộc, cỏ hoa, ngũ cốc, nước nôi, không khí tràn đầy mặt đất, chẳng phải để dưỡng nuôi vạn vật là gì?

Thánh nhân cai trị thiên hạ, cũng phải lo nuôi dưỡng thiên hạ. Trị dân mà để dân đói, dân khổ, thời trị dân làm gì? Tuy nhiên, thiên hạ thời bao la, sức một người không sao gánh vác xuể, vì vậy Thánh nhân có bổn phận chiêu hiền, đãi sĩ, tìm những người hay, người giỏi về cộng tác với mình, cho họ bổng lộc, để họ cùng mình thi ân trạch xuống bá tánh, nuôi dưỡng bá tánh, như vậy mới là biết trị dân (Thiên địa dưỡng vạn vật. Thánh nhân dưỡng hiền dĩ cập vạn dân). Hiểu nghĩa chữ Di, biết tùy thời dưỡng kỷ, dưỡng nhân, thật là cao đẹp vậy. (Di chi thời đại hĩ tai). 

II. Đại Tượng Truyện.

象 曰 : 山 下 有 雷 . 頤 . 君 子 以 慎 言 語 . 節 飲 食 .

Tượng viết: 

Sơn hạ hữu lôi. Di. Quân tử dĩ thận ngôn ngữ. Tiết ẩm thực.

Dịch. Tượng rằng:

Ven non Sấm động là Di,

Hiền nhân ăn nói, hai bề vẹn hai,

Nói thời cẩn thận từng lời.

Ăn thời chừng mực, hẳn hoi, đường hoàng.

Đại Tượng nhân Tượng quẻ Di là mồm mép, khuyên ta nên: 1)- Thận trọng trong khi ăn nói. 2)- Tiết độ trong khi ăn uống. Đó là 2 bài học rất chí lý.

Thơ Bạch Khuê, trong Đại Nhã kinh Thi có 4 câu được Tạ Quang Phát dịch như sau:

Ngọc Bạch Khuê bị chầy, bị mẻ,

Mài láng trơn, có thể thành công.

Lời sai lầm, chót nói xong,

Chẳng làm gì được, răn lòng khắc ghi.

Ông Nam Dung thích đọc thơ này, và cố theo đó giữ gìn lời ăn, tiếng nói, nên Đức Khổng đã đem cháu gái gả cho (LN, XI, 5). Khi Đức Khổng vào thăm miếu của tổ tiên nhà Châu là Hậu Tắc, ngài thấy trước thềm bên phải, có một người vàng, miệng niêm phong 3 đợt, sau lưng có khắc những lời đại loại như sau:

Đây là Tượng một người xưa.

Lời ăn, tiếng nói, đắn đo giữ gìn.

Gương xưa, ta cũng nên xem,

Nói năng cẩn trọng, hãy nên lo lường.

(Khổng tử gia ngữ, chương Tắc miếu) 

III. Hào Từ & Tiểu Tượng Truyện

1. Hào Sơ Cửu.

初 九 : 舍 爾 靈 龜 . 觀 我 朵 頤 . 凶 .

象 曰 : 觀 我 朵 頤 . 亦 不 足 貴 也 . 

Sơ Cửu. Xả nhĩ linh qui. Quan ngã đóa Di. Hung.

Tượng viết:

Quan ngã đóa Di. Diệc bất túc quí dã.

Dịch.

Xấu thay người bỏ rùa linh (thần trong ta).

Trề môi, há miệng, mà rình xem ta. 

Tượng rằng: Trề miệng nhìn ta (thèm ăn),

Thời đâu còn đáng gọi là thanh tao.

Hào Sơ có thể giải 3 cách:

1) Đường đường tu mi, nam tử mà không tin vào tài trí mình, có thể tự lực, cánh sinh mà phải bám vào người để cầu thực, thì chẳng ra gì (Hào tứ). Vì thế Tứ mới chê Sơ: Người có rùa linh = Có trí huệ, mà trề môi, há miệng, thèm thuồng đứng nhìn ta, thời đâu có hay.

2) Mê dục tình, mà táng khí tiết, thời đâu có hay.

3) Mình có nguồn đạo đức, có tàn lửa Thiên Chân bên mình, tại sao cứ chạy đi tìm những điều giả tạo bên ngoài, thế là đóng cửa đi ăn mày, thế là Thần lửa mà phải đi xin lửa. Những người như vậy, làm sao mà đáng quí được. 

2. Hào Lục nhị.

六 二 : 顛 頤 . 拂 經 . 于 丘 頤 . 征凶 .

象 曰 : 六 二 征 凶 . 行 失 類 也 . 

Lục nhị. Điên Di. Phất kinh vu khưu Di. Chinh hung.

Tượng viết:

Lục nhị chinh hung. Hành thất loại dã.

Dịch.

Trên quay xuống dưới xin ăn,

Thế là trái với lẽ hằng thế gian,

Nhược bằng cầu cạnh người sang,

Người trên xa lạ, bắc quàng hay chi.

Tượng rằng: Cố vươn, cố với, hay gì,

Đôi bên đâu có tông chi, họ hàng.

Hào hai đề cập đến một hạng người không có óc tự tin, óc độc lập, không biết tự lực cánh sinh, mà những mong dựa vào người dưới, hoặc người trên để kiếm ăn.

Đáng lý mình nuôi người dưới mới phải, nay lại cầu người dưới nuôi mình (Cầu Sơ Hào), thế là đảo lộn nghĩa lý (Điên Di), thế là nghịch với lẽ thường (Phất kinh). Ngoài ra trông vào những người trên không có liên lạc gì với mình (Thượng lục) để cầu thực, thì làm sao mà hay, mà toại nguyện được (Vu khưu Di. Vãng hung). Cái không hay là đã dựa vào những người không đồng chí hướng với mình (Thất loại dã). (Hào Lục nhị Âm; Hào Sơ, Hào Thượng đều Dương, thế là thất loại). 

3. Hào Lục tam.

六 三 : 拂 頤 . 貞 凶 . 十 年 勿 用 . 無 攸 利 .

象 曰 : 十 年 勿 用 . 道 大 悖 也 .

Lục tam. Phất Di. Trinh hung. Thập niên vật dụng. Vô du lợi.

Tượng viết:  

Thập niên vật dụng. Đạo đại bội dã.

Dịch. 

Mưu sinh trái với đạo thường,

Mưu sinh mà đến bất lương, hay gì.

Cuối cùng sẽ chẳng ra chi,

Mưu toan dẫu lắm, chung kỳ cũng toi.

Tượngrằng: Chung cuộc cũng toi,

Là vì trái với đạo Trời quá đa.

Hào Ba đề cập đến một hạng người đi sai đường lối của Di. Phàm con người ta, phải lo di dưỡng tinh thần hơn là thể chất. Phải có những phương thế mưu sinh chính đáng, hẳn hoi, mới là đúng đạo lý của Di. Nếu phóng túng dục tình, chỉ lo thỏa mãn khẩu phúc, chỉ chìm đắm trong thanh sắc, lại có những đường lối sinh nhai bất chính, thì làm sao mà có một chung cuộc hay ho được (Lục tam. Phất Di. Trinh hung. Thập niên vật dụng. Vô du lợi).

4. Hào Lục tứ.

六 四 . 顛 頤 吉 . 虎 視 眈 眈 . 其 欲 逐 逐 . 無 咎 .

象 曰 . 顛 頤 之 吉 . 上 施 光 也 . 

Lục tứ. Điên Di cát. Hổ thị đam đam. Kỳ dục trục trục. Vô cữu.

Tượng viết: 

Điên Di chi cát. Thượng thi quang dã.

Dịch.

Hạ mình cầu cạnh với người,

Cầu hiền chỉ giáo, hay thời đã hay,

Đăm đăm, chăm chú bấy chầy,

Như hùm rình rập, khôn khuây tấc lòng. 

Luôn luôn, những ngóng, cùng trông,

Trông người phụ bật, ai hòng cười chê.

Tượng rằng:

Hạ mình cầu cạnh, là hay,

Vì mình muốn sáng soi người gần xa.

Lục tứ là người có trách nhiệm dưỡng nuôi dân chúng, tuy mình vô tài (Âm nhu), nhưng biết khuất kỷ, cầu hiền (Hào Sơ Cửu); lòng lại đăm đăm, bo thiết, (Hổ thị đăm đăm), lòng bao giờ cũng canh cánh (Kỳ dục trục trục), muốn dụng hiền cho hay, dưỡng dân cho phải, thì dẫu mình làm một điều ngược với lẽ Trời, là nương vào tài đức của người hơn là trông vào thực lực của mình, cũng chẳng có lỗi gì (Điên Di chi cát). Hơn thế nữa, đó là cách trị dân quang minh vậy (Thượng thi quang dã). 

5. Hào Lục ngũ.

六 五 . 拂 經 . 居 貞吉 . 不 可 涉 大 川 .

象 曰 . 居 貞 之 吉 . 順 以 從 上 也 . 

Lục ngũ. Phất kinh. Cư trinh cát. Bất khả thiệp đại xuyên.

Tượng viết:

Cư trinh chi cát. Thuận dĩ tòng thượng dã.

Dịch.

Hạ mình, chịu nhún nhờ người,

Thế là trái với lẽ đời xưa nay.

Bền lòng, vững chí, thì hay,

Nhưng tài sức ấy, khó ngày băng sông.

Tượng rằng:

Bền lòng, vững chí, hay thay,

Là vì theo được người hay trên mình.

Ở vào bậc quốc quân, mà cảm thấy mình còn tài thô, trí thiển, lại biết hạ mình để nhờ hiền tài (Thượng Cửu), chỉ vẽ cho mình biết cách trị dân cho hay, cho khéo, tuy là trái với thông lệ (Phất kinh), tuy là không mấy sĩ diện cho mình, nhưng thật ra là điều rất tốt cho thiên hạ, nhất là khi mình lại thật tâm dùng người hiền đức, nghe lời người hiền đức (Thuận dĩ tòng thượng dã).

6. Hào Thượng Cửu.

上 九 : 由 頤 . 厲 吉 . 利 涉 大 川 .

象 曰 : 由 頤 厲 吉 . 大 有 慶 也 . 

Thượng Cửu. Do Di. Lệ cát. Lợi thiệp đại xuyên.

Tượng viết:

Do Di lệ cát. Đại hữu khánh dã.

Dịch.

Đứng ra dưỡng dục muôn người,

Những lo, cùng lắng, hay thời đành hay.

Dẫu băng sông lớn, băng ngay.

Khó khăn dẫu mấy, có ngày thành công.

Tượng rằng:

Đứng ra dưỡng dục mọi người,

Những lo, cùng lắng, hay thời đành hay.

Thấm nhuần ân trạch, đó đây,

Xa gần, chung hưởng những ngày hân hoan.

Hào Thượng Cửu ám chỉ một bậc hiền tài như: Y Doãn, Phó Duyệt, Chu Công, Tử Nha, Khổng Minh đã vì Quân Vương mà gánh vác việc nước, tận tụy một lòng vì nước, vì dân. lo cho dân no ấm (Do Di), thì phúc khánh cho quốc gia biết là mấy mươi (Cát đại hữu khánh dã).

ÁP DỤNG QUẺ DI VÀO THỜI ĐẠI

Trong Kinh Dịch, Di là cái mồm, nên bàn về Quẻ Di là bàn về di dưỡng. Di dưỡng là một định luật phổ quát:

*Trời đất di dưỡng vạn vật.

*Thánh nhân dưỡng hiền, và qua trung gian các hiền tài, dưỡng vạn dân.

*Con người sinh ra đời chẳng những phải biết lo cho thể xác mình, mà còn phải biết lo cho tinh thần mình nữa: 

I. Lo cho thể xác.

1. Dưỡng sinh = động tác, nghỉ ngơi đúng chừng mực. Thật vậy, sống ở thời đại văn minh vật chất này, con người sống như một cái máy. Để kiếm cho được thật nhiều tiền, họ làm việc bất kể thời gian, giờ giấc. Có người vì phải làm công việc quá độ, cơ thể không chịu đựng được, nên sinh ra đủ mọi thứ bệnh.

2. Dưỡng hình: Ăn uống, phải thời, đúng lúc. Cũng như trên, vì mải lo kiếm tiền, nên sự ăn uống thì bạ đâu ăn đó, không có điều độ, không hợp vệ sinh, nên lúc chưa già mà cơ thể đã nhiễm đủ mọi thứ bệnh, mọi thứ ung thư.

3. Dưỡng đức: Thứ nhất là ta phải kiểm soát lời ăn, tiếng nói. Các cụ xưa dạy con cháu thường nói: Bệnh tòng khẩu nhập. Họa tòng khẩu xuất nghĩa là bệnh từ mồm vào, họa từ mồm ra. Bệnh tật phần lớn là do ăn uống, tai ương là do mồm sinh. Ta vì ăn nói xô bồ, chê bai, khinh khi mọi người, nên bị mọi người thù oán. Nên ta cần phải biết giữ mồm, giữ miệng. Cho nên, Esope xưa mới nói: Xấu nhất là cái lưỡi, tốt nhất cũng là cái lưỡi. 

II. Di dưỡng Tinh thần:

Nếu xác ta cần được nuôi, thì tinh thần ta cũng cần được dưỡng như vậy. Ta sống không phải nguyên vì cơm, gạo, bánh mì. Mà ta cần phải đọc thêm nhiều sách vở. Có như vậy ta mới là con người toàn diện. Ngày nay, nước Hoa Kỳ cho ta nhiều cơ hội được đọc sách của bất kỳ Đạo Giáo nào, và cũng không ai bắt ta phải tin gì, hoặc theo đạo nào. Đọc sách không cần đọc nhiều. Cần nghiền ngẫm quyển sách nào mà ta cho rằng đắc ý nhất. Và ta nên nhớ, Thánh Hiền sau trước, không phân Đạo Giáo, đều nói một thứ Chân Lý, đều bàn về Bản thể con người, về Đạo thể vô biên tế mà thôi. 

III. Dưỡng nhân: Lo lắng, nuôi dưỡng muôn dân.

Người làm Chính trị tuy không trực tiếp nuôi dân, nhưng thật ra vẫn gián tiếp nuôi dân. Thực vậy, họ đã lập ra pháp luật để mang an bình, trật tự lại cho mọi người. Nếu không có an bình, trật tự thì làm sao ta giữ nổi miếng ăn.

Hiện nay, ở Mỹ chính phủ đã lo thực phẩm cho dân quá đầy đủ, chẳng những thực phẩm do trong nước sản xuất, mà còn nhập cảng đủ thứ, từ nơi xứ người, nên người dân không bị thiếu thốn về thực phẩm, hay thua sút dân tộc khác. Nhưng nếu con người sinh ra mà chỉ để ý đến thân xác, hoặc ăn uống mà thôi, thì thật quá tầm thường.

Theo thiển ý của tôi, Vấn đề di dưỡng phải dung hòa đủ mọi mặt như trên đã nói, thì mới là quân bằng sự đòi hỏi về đời sống của con người. Tức là: Di dưỡng là: Dưỡng sinh, dưỡng đức, dưỡng hình, dưỡng nhân.

“Bát Tự Hà Lạc – Lược Khảo” của Học Năng.

27.Sơn lôi di

Ðại cương:

Tên quẻ: Di là Dưỡng (nuôi).

Thuộc tháng 8.

Lời tượng

Sơn hạ hữu lôi: Di quân tử dĩ thận ngôn ngữ, tiết ẩm thực.

Lược nghĩa

Dưới núi có sấm là quẻ Di (nuôi). Người quân tử lấy đấy mà cẩn thận nói năng, tiết độ ăn uống.

Hà Lạc giải đoán

Những tuổi Nạp Giáp

Canh: Tý, Dần, Thìn

Bính: Tuất, Tý, Dần

Lại sanh tháng 2 đến tháng 8 là cách công danh phú quý.

THƠ RẰNG:

Hương đan quế, áng công danh,

Người đi muôn dặm, cảnh tình vẫn thơm

Hào 1:

Xả nhĩ linh quy, quan ngã đóa di, hung. Ý hào: Bỏ tư cách của mình, đáng khinh bỉ.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Nhờ người để thành lập nơi khác nhưng được ít mất nhiều.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Bất nghĩa, tham ô, có hại.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Nhục vì tham nhũng. _Giới sĩ: Hoang dâm, bị chê cười. Học trò được lương ăn. _Người thường: Bội ngược, tranh của, có hại. Ðại để cứ giữ chính đạo là tốt.

Hào 2:

Ðiên di phất kinh: vu khâu di, chinh hung. Ý hào: Cầu người nuôi không phải chỗ.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Giữ điều chính mà kiên nhẫn nuôi thân dưỡng tính.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Thay đổi bất định, là kẻ dưới mà coi thường người trên, hoặc bị hoạn nạn câu thúc.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức và giới sĩ: Phòng truất giáng, khiển trách bị nhục. _Người thường: Tiến thoái, thị phi bất nhất, xấu quá có thể bệnh nặng đến nguy.

Hào 3:

Phất di trinh, hung; thập niên vật dụng, vô du lợi. Ý hào: Cách nuôi trái đạo.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Sửa lỗi, bỏ những thèm khát, thì có thể làm việc qui mô nhỏ.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Trái nghĩa, mất tin cậy, thân và nhà mất tin cậy.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức và giới sĩ: Mất tiếng vì làm liều, thất bại. _Người thường: Hoang đàng, hỏng việc, khổ sở.

Hào 4:

Ðiên di cá thổ thị đam đam, kỳ dục trục trục, vô cưu. Ý hào: Dùng người hiền để nuôi dân.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Tài lớn dựng nền hòa bình, cải cách. Ðuổi tà lập chính.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Ðiên đảo ham chơi, tổn tài phá gia, hoặc bị đuổi, sống vất vả.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Ðược trên mến. _Giới sĩ: Tiến thủ ,nên danh. _Người thường: Ðược quí nhân giúp đỡ, toại nguyện. Số xấu: Phòng bị đuổi (hoặc nhà cửa ..) luôn bị điều này tiếng kia.

Hào 5:

Phất kinh. Cư trinh cát, bất khả thiệp đại xuyên. Ý hào: Làm nguyên thủ mà phải cậy nhờ người nuôi dân giúp mình.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Hưởng phú quí sẵn có, hoặc nhờ tổ nghiệp.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Bình sinh tân khổ, được người giúp đỡ.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Nhờ người mà thành công mới giữ nổi địa vị. _Giới sĩ: Ðược đề cử, làm nhỏ. _Người thường: Có chỗ nhờ, đạt được chí. Phòng sông nước.

Hào 6:

Do di, Lệ cát, Lợi thiệp đại xuyên. Ý hào: Có quyền có vị, làm việc lớn đất nước.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Vị tôn đức trọng, chăm lo việc nước, công huân quán thế, phúc trạch bền lâu.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Cũng là người hưởng phúc thọ, được ngưỡng vọng.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Quyền cao chức trọng. _Giới sĩ: Ðỗ cao. _Người thường: Kinh doanh hoạch lợi.

(Dẫn theo trang huyenhocvadoisong.com)

Trusted by some of the biggest brands

spaces-logo-white
next-logo-white
hemisferio-logo-white
digitalbox-logo-white
cglobal-logo-white
abstract-logo-white
white-logo-glyph

We’re Waiting To Help You

Get in touch with us today and let’s start transforming your business from the ground up.