Vài kinh nghiệm xem lá số tử vi (Cự Vũ Tiên Sinh)
Dưới đây là một bài viết của một người bạn đã trên 40 năm coi tử vi, nhân dịp vừa qua trở về Việt Nam, TMT có dịp gặp lại và đã khuyến khích người bạn này chia xẻ kinh nghiệm coi số. Người bạn này tuy rất bận rộn nhưng cũng đã viết một số ý, nay TMT hơi rảnh nên đánh máy bài này, mong rằng các bạn có dịp biết thêm một số điều hữu ích
Vài kinh nghiệm xem lá số Tử Vi
Trong 32 năm qua (1972 – 2004), ở Việt Nam nhờ có máy điện toán (computer) phát triển trong giới tin học thế giới, nhiều thảo trình viên (programmer) người Việt mê Tử Vi Đẩu Số đã viết ra được các thảo trình cách lấy lá số Tử Vi, vừa nhanh, vừa tiện, đỡ công sức viết, kẻ, đếm cung, an sao, đổi giờ, ngày, tháng, năm Âm, Dương lịch ra cho hợp với nguyên tắc lập lá số (xưa gọi là chấm lá số). Rõ ràng đỡ cho người giải đoán khỏi mất thời giờ và bớt được có khi sơ ý an sao lầm lộn. Chỉ cần cho bốn dữ kiện (data): năm sinh, tháng sinh, ngày sinh, giờ sinh Âm Lịch là đã lập và in ra được một lá số đẹp, dễ xem, vô cùng tiện lợi. Nhất là trong 20 năm nay (1984 – 2004), từ giới Việt Kiều hải ngoại đến các tay thảo chương viên trong nước trau giồi kỹ thuật điện toán nhuần nhuyễn. Họ đã đua nhau viết các thảo trình Tử Vi Đẩu Số Đông Phương khá tiện lợi và dễ “bắt mắt” cho các “Thầy”. Tuy nhiên đa số các thảo trình viên chi giỏi lập trình thảo chương, thường thường biết rất yếu về một vài cách An Sao, nên có một số nhỏ Sao đã lập sai (như bộ Đà La, Kình Dương) chẳng hạn). Đấy là chưa nỏi đến kém chính tả Việt Ngữ, dấu hỏi, dấu ngã, dấu huyền, dấu sắc, chữ d và r viết loạn xà ngầu (Quan Phù, Quan Phủ, tuổi Kỹ Mẹo [Kỷ Mão], Thiên Riêu [Diêu = dâm] là các ví dụ)…. Đó là tuyệt đại đa số các người mê Tử Vi, xem Tử Vi trong 50 năm nay (1954 – 2004) đều mù chữ Hán Nôm nên đọc trật trẹo theo âm ngữ địa phương ở Miền Trung, Miền Nam, và nói trớt giọng của một số làng ở vùng ven biển Thái Bình và Nam Định. Điều này chỉ là tiểu tiết, có thể bỏ lỗi cho qua. Nhưng tên chữ Hán các sao, 80% các “Thầy tân thời” (chỉ học Tử Vi qua các sách quốc ngữ) và tự cao tự đại cho Mình là “Tử Vi đại tài”, nói thánh, nói tướng… Thực chất có nhiều tên sao đã hiểu sai ý nghĩa (sao Thiên Tài chẳng hạn).
Quan trọng nhất trong cách xem lá số Tử Vi ra sao? Đó là điều các bạn trẻ thường đặt câu hỏi những người lớn tuổi, có kinh nghiệm, xem nhiều, hiểu sâu (tất nhiên các Thầy Tử Vi mở tiệm xem công khai, hay các ông già thận trọng, kín đáo, dấu nghề, chẳng mấy ai hơi đâu mà trả lời rõ ràng, đúng đắn cả).
Gần đây, có nhiều thanh niên, trung niên nam, nữ trên 35 tuổi, đã có trình độ Đại Học, có óc tìm tòi say mê khoa Tử Vi Đẩu Số một cách khoa học và thành thật nghiên cứu. Đồng thời có niềm tin vào Khoa Học Nhân Văn Đông Phương này, sau khi tìm hiểu khá sâu về Tử Vi và có nghiệm chứng với đời sống hàng Năm, Tháng của bản thân, người nhà, bạn bè…. thấy kỳ diệu và “hay hay”. Nhưng càng đọc nhiều sách Tử Vi của các tác giả ấn hành bằng chữ Quốc Ngữ (soạn trong khoảng từ 1948 – 1974, đa số in ở Miền Nam), mỗi sách viết một cách, tuy Lập Mệnh, An Sao và đa số nguyên tắc sơ đẳng đều giống nhau, nhưng các soạn giả viết chỉ dẫn có nhiều điều mâu thuẫn và ông nọ cóp nhặt của ông kia, rồi “vẽ rắn thêm chân”! Trong hơn 40 năm tìm hiểu về Tử Vi, xem “miễn phí, làm phúc” cho hàng ngàn người nhờ, tôi học được một số nghiệm lý Tử Vi Đẩu Số qua các kinh nghiệm giải đoán của các người cao tuổi, biết nhiều, nhưng khiêm tốn, giỏi chữ Hán cổ (phức thể), đã chỉ giáo cho. Đồng thời, nhờ biết chữ Hán Nôm, nên đọc hiểu các câu phú Tử Vi như “Mệnh Vô Chính Diệu đắc Tam Không, phú quí khả kỳ”. Vậy “Khả Kỳ” là nghĩa gì? Mà trong Hán Tự, có 15 chữ Kỳ viết khác nhau, và nghĩa khác nhau. Nhưng oái ăm ở chữ Quốc Ngữ, đều viết: “Kỳ” hết. Rõ ràng, “mù chữ Hán” là một điều thiếu sót trong việc nghiên cứu cổ học Đông Phương? Dù có đọc bản dịch, đã chắc gì người dịch đúng? Chưa kể các tác giả còn tỏ tài, đưa Toán Học, Triết Học Phật, Lão, Kiến Trúc, Vật Lý Học, Biện Chứng Học…. vào cách giải đoán lá số Tử Vi…. Thật là lố bịch và “dao to búa lớn”, ngông cuồng đáng phê bình?
Trong quá khứ tôi đã từng gặp mấy ông già võ vẽ chữ Hán, chữ Pháp, cũng nghiên cứu Tử Vi qua bàn đèn thuốc phiện. Mấy ông già này đã nói “một tấc lên Trời” rằng: “Mình đã phát hiện được 12 sao nữa đem áp dụng vào khoa Tử Vi, đoán đâu trúng đó! Tử Vi không phải chỉ có 110 sao mà là 122 sao mới đủng (sic). Tôi nghe chỉ tức cười và nhờ xem, càng thấy trật lất.
Gần đây, lại mới gặp mấy cháu ngoài 30 tuổi và vài anh hơn 40 tuổi đã thiếu tính khiêm tốn, tự tâng bốc là có “tuyệt chiêu” và “nhiều bí kiếp”? Họ huyên hoang, “bốc phét” (đôi anh còn lợi dụng xem Tử Vi để đòi tiền thù lao cắt cổ, và lợi dụng các bà, các cô mê tín, cả tin để chỉ dẫn mánh lới làm ăn bất chính (thậm chí còn tán tỉnh tình cảm, dụ dỗ dâm đãng…. phạm vào đạo đức con người). Gần đây tôi có gặp một anh sinh năm 1960, đạo mạo, áo quần bảnh bao, trịnh trọng, là “một Thầy tự hào nhất Sài Gòn”. Lúc trao đổi với tôi, đã bịp bợm nói chữ Nho: “-Chú đã thấy lá số cháu có Tam Mã Đồng Tầu không?” Tôi lắc dầu và nhẹ nhàng giải thích: “- Chỉ có Nhị Mã là chính Mã và lưu Mã, làm gì có Tam Mã? Mà phải nói là đồng tào chứ ai nói “Hán Nôm cọc cạch: ” đồng tầu?” Vì đang ăn trưa và gặp hắn lần đầu, tôi lịch sự không cho một bài học về sự dốt nát: ” xấu khoe tốt, dốt nói chữ “. Tơi lảng chuyện, không xem thêm lá số cho hắn nữa. Cười thầm ra về….
Trong 10 năm qua (1994 – 2004) nhiều cháu thanh niên độ tuổi 25 đến 30 năn nỉ xin học Tử Vi ở tôi. Nhưng tôi từ chối một cách khiêm tốn và khuyên: ” – nên để thì giờ học chuyên môn cao lên và lập chí lập nghiệp, tin ở số mệnh Tử Vi làm gì sớm vậy? Tam Thập Nhi Lập. Đang tuổi lập Thân đừng nên say mê Tử Vi Đẩu Số quá mà nhụt trí tuệ và khát vọng! Con trai lớn của tôi cũng có ý muốn học Tử Vi. Tôi lảng tránh, vì không muốn con tôi đam mê khoa này bạc nghệ, bạc phước lắm? Vì vi phạm đến “Thiên cơ bất khả lậu” chẳng hay gì?
NGUYÊN TẮC CĂN BẢN LÚC GIẢI LÁ SỐ
Muốn nói gì đi nữa thì khoa Tử Vi Đẩu Số của Việt Nam và Trung Hoa cổ đại cũng là bói toán vận mạng con người. Nó là một thứ Siêu Hình Học, trong ý nghĩa 110 Sao được an bài trên lá số. Nên sự chính xác của Tử Vi là tương đối? Theo tôi có lẽ chỉ 75% thôi?
Vì thế cũng làm cho người đoán giải lá số, dù tự tin, bạo nói, đôi lúc cũng phải dè dặt? Do đó phải thận trọng khi giải đoán!
Nhớ rằng có một số người nhờ xem lá số hay nhờ lấy dùm lá số, họ không thật thà đâu và cố ý cho giờ, ngày sinh sai để có ý đồ thử tài “Thầy”. Vì họ nghĩ, nếu Thầy kém, dở sẽ bị mắc lỡm? Còn nếu Thầy giỏi, tài phải biết là lá số đó sai? Thật ra, rất hiếm Thầy truy hỏi khi nghi ngờ lá số nhờ coi dùm? Vì cứ nghĩ thân chủ thực thà tâm địa. Đấy là chưa nói, nhiều người ham được xem ngay, đã nói “đại” giờ, ngày, tháng sinh, mặc dù họ không biết thật! Đã bịa ra, và nghĩ đơn giản là cứ biết tuổi gì? thì “Thầy” sẽ đoán được thôi! CHO NÊN NGƯỜI XEM PHẢI KIỂM TRA:
1/ Khi cầm lá số Tử Vi của ai nhờ xem, điều đầu tiên là phải kiểm tra lại giờ, ngày, tháng, năm Dương lịch và Âm lịch có đúng không? Đa số các người nhờ xem đều không biết nguyên tắc lập lá số Tử Vi như thế nào. Có người chỉ biết ngày, tháng, giờ Âm lịch và tuổi con gì? Không nhớ là năm Canh Tí, Mậu Tí, Giáp Tí, Bính Tí hay Nhâm Tí (ví dụ như thế). Có người chỉ rõ ngày, tháng Âm lịch, còn giờ và năm lại nói bằng Dương lịch (Ví dụ: 23 tháng Giêng năm 1959, 7 giờ 15′ tối). Điểm này người lập Tử Vi vô ý, thiếu thận trọng, cứ ngỡ lá số Tử Vi đó là ngày tháng Dương lịch luôn. Có nhiều người giải đoán vô tình, cứ căn cứ vào đó mà thao thao giải thích, hóa ra lầm lẫn hoặc lý giải sai, khiến người nhờ xem lại phản ứng: ” – thưa không đúng mấy “. Người xem dùm…. bẽ bàng, tự ái và mất niềm tin về Tử Vi? mà sách đã dạy, Thầy đã chỉ cho? Lỗi này đâu phải ở người có lá số nhờ “coi dùm”. Lỗi do người lập lá số thiếu sự cẩn trọng và người xem chủ quan đã không kiểm tra lại giờ, ngày, tháng, năm sinh Âm lịch. Đây là thường gặp không ít. Điều dặn này không thừa.
2/ Ở Việt Nam, từ ngày 1/1/ 1943 Viên Toàn Quyền Đông Dương Decoux đã ký một sắc lệnh đổi giờ 3 nước Việt, Miên, Lào. Nên những ai sinh vào giai đoạn sau 1/1/1943 cho tớij ngày 9/31945 phải đổi chậm đi một giờ. Thời đó thực tế chỉ có ở thành phố, thị xã, thị trấn mới có đồng hồ, biết mà đổi giờ theo lệnh quan Tây. Còn nhân dân địa phương cứ áng chừng, xem bóng mặt trời, chuông Chùa, chuông Nhà Thờ (vùng có người, có làng theo đạo Chúa), xe lửa kéo còi khi đi qua vùng đó, mõ điếm canh hay bóng mặt trăng mà ước đoán. Thật sự nhiều trường hợp đoán giờ sinh sai lệch, thì người xem hãy hỏi lại giờ sinh của họ cho thật kỹ. Tôi đã gặp nhiều bà mẹ già, đã đẻ nhiều con quá lâu năm, đâu nhớ chính xác, đã lẫn ngày, tháng, nhất là giiờ sinh con nọ qua con kia, làm người giải Tử Vi đi vào mê hồn trận. Có 40% – 50% người Việt sinh vào trước 1950, không biết giờ sinh là giờ nào? Người cha không trực tiếp đẻ (nhất là sinh con gái) nên không nhớ được. Mà người mẹ đau đẻ quá nên quên không để ý lúc đẻ đứa con là mấy giờ. Trước năm 1950, ở nông thôn và tỉnh lẻ không mấy nhà, mấy người có đồng hồ (thuở đó đồng hồ là vật quý, hiếm, đắt đỏ. Có khi cả phố, Huyện, hay cả làng xã mới có một nhà có đồng hồ quả lắc “cổ lỗ sĩ”). Vả lại, chỉ có các gia đình có văn hóa Nho học mới quan tâm đến “giờ sinh” để lập lá số Tử Vi. Chứ nhà có người học cao về Tây học chưa hẳn quan tâm tới giờ sinh. Rồi giờ ở Việt Nam rất lộn xộn từ 9/3/1945 đến ngày 2/9/1945. Và từ 1946 đến 1954 giờ Việt Nam cũng quá biến động, lung tung giữa các thành thị bị Tây tạm chiếm, cùng vùng “tề” thì nhanh hơn vùng kháng chiến 1 giờ. Còn giờ Nhật chiếm Đông Dương từ tháng 4 đến tháng 9/1945 đã nhanh lên hai giờ. Chi tiết này, nên xem thêm ở một số sách dạy lấy lá số Tử Vi. Giờ sinh từ 1946 đến năm 1975 (ngày 2/9) có nhiều thay đổi ở Việt Nam, nhất là dưới vĩ tuyến 17.
3/ Nếu kiểm tra thấy ngày, tháng, giờ, năm đúng rồi thì hãy để ý xem Hành của bản Mệnh thuộc gì? Kim, Mộc, Thủy, Hỏa hay Thổ? Xong nhớ xem đương số sinh ban ngày hay ban đêm? Và nhìn ngay cung Mệnh của đương số nằm ở vị trí nào? Cung đóng Mệnh thuộc hành gì? có hợp, khắc, sinh nhập, xuất với hành Bản Mệnh chăng? Tuổi Âm hay là tuổi Dương? có thuận lý hay nghịch lý? Cục Mệnh tương sinh hay là tương khắc? Bình hòa hay sinh nhập, sinh xuất? Khắc nhập hay là khắc xuất? Điều này rất hệ trọng đến diễn biến cuộc sống của đương số. Sinh ra ban ngày đóng Mệnh vào các cung đêm tối (từ Dậu đến Mão) thì “ưa may” và tốt hơn người sinh vào ban đêm. Vì giờ sinh thuộc Dương mà Mệnh đóng vào cung thuộc Đêm (= Âm) là hỗ tương ( hút, dính vào nhau vì đã khác cực). Còn ngược lại, đồng cực Âm hay Dương, sẽ đẩy nhau ra (chống đối). Đấy là kinh nghiệm mà nhiều người Thầy giỏi giữ bí truyền (dấu nghề). Tuy không quan trọng bằng Dương cư Dương vị và Mệnh Cục bình hòa, tương sinh (nhập, xuất). Hay Âm cư Âm vị, cũng thế. Đó là hai thế đại lợi cho lá số một cá nhân ở đời này. Nghịch lý và khắc nhập, xuất đều là xấu hay mâu thuẫn giữa nội tâm và cuộc sống! Bất hợp với thân nhân và xã hội.
4/ Xem kỹ thế đóng chốt của Tuần và Triệt ở vị trí nào? Và bộ Thái Dương, Thái Âm đóng ở cung nào? Quan trọng vô cùng. Lá số gọi là tốt thật sự phải có Âm Dương tịnh minh, đắc địa. Hoặc “phản vi kỳ cách” (Hãm địa ngộ Tuần, Triệt, Kỵ đồng cung, hoặc có Thiên Lương chính chiếu.
Phân chia âm dương
Phân theo cung (Tí Dương, Sửu Âm….) và phân theo trục Mão Dậu (từ Mão đến Dậu là Dương, từ Tuất đến Dần là Âm)
Âm phải gặp Dương, Dương phải gặp Âm thì mới có tác động mạnh (hút nhau), trái lại thì yếu (do đẩy nhau)
Phân theo cung quan trọng hơn theo trục
Vấn đề sinh khắc:
Cứ tương sinh (sinh nhập, sinh xuất) là tốt, tương khắc (khắc nhập, khắc xuất) là xấu
Trong các hành thì hành Thổ có ưu điểm hơn là cho dù bị khắc nhưng cũng đỡ hơn (ví dụ Mệnh Thổ bị cung Mộc khắc) vì khắc ít hơn. Do đó Mệnh Thổ thường có ưu thế hơn
Dương Nam (+, + => +), Âm Nữ ( -, – => +) thuộc Dương (người Dương), đi đến cung Âm (Sửu, Mão, Tỵ….) thì ăn mạnh (nếu tốt thì tốt thêm, tốt gấp hai, xấu thì xấu hơn, xấu thì xấu gấp hai), đi đến cung Dương thì ăn yếu (tốt thì không tốt nhiều, xấu thì không xấu thêm)
Âm Nam (-, + => -), Dương Nữ (+, – => -) thuộc Âm (người Âm), đi đến cung Dương thì ăn mạnh, đi đến cung Âm thi ăn yếu hơn
Dương Nam, Âm Nữ thuộc Dương, đi đến cung Âm (từ Tuất đến Dần, ban đêm) thì ăn mạnh hơn khi đi đến cung Dương (từ Mão đến Dậu, ban ngày)
Âm Nam, Dương Nữ thuộc Âm, đi đến cung Dương thì ăn mạnh hơn đi đến cung Âm
Nguyên tắc này được vận dụng khi coi đại vận, tiểu vận, vị trí cung Mệnh.
Ví dụ người Âm Mệnh đóng tại cung Dậu (Âm) thì không ăn mạnh, nhưng cũng được gỡ phần nào do cung Dậu thuộc Dương (phân theo trục Mão Dậu)
Ví dụ Âm Nam Mệnh đóng cung Thìn thì tốt hơn cung Tuất
Hỏa và Kim thuộc Dương, Thủy và Mộc thuộc Âm. Như vậy Mệnh Thủy, người Dương (Dương Nam, Âm Nữ) thì ăn hơn người Âm (Âm Nam, Dương Nữ)
Xem đại hạn
Cung là hoàn cảnh nuôi bản Mệnh
Khi xem thi sự sinh khắc giữa hành cung và hành Mệnh quan trọng hơn chính tinh nhập hạn có hợp hay không (chỉ ảnh hưởng 30%)
Sinh khắc giữa hành cung và hành Mệnh:
Đồng hành thì ăn 100%
Sinh nhập thì được hoàn cảnh nuôi dưỡng, ăn 90%
Sinh xuất thì vất vả, phải chạy theo hoàn cảnh, nuôi dưỡng hoàn cảnh (ăn 60%)
Khắc xuất thì tuy chống đối hoàn cảnh nhưng vẫn vượt qua được (ăn 30%)
Khắc nhập thì bị hoàn cảnh chống đối không cho hoạt động (không ăn gì cả 0%)
Ngoài ra nếu trên 37 tuổi thì xét thêm tương quan giữa hành cung và hành Cục để biết thêm hoàn cảnh có tốt hay không
Chú ý: hành của cung tính toán trên hai cơ sở kết hợp: hành chính cung và hành tam hợp cục (ví dụ cung Tí hành Thủy vì chính cung là Tí hành Thủy, tam hợp Thân Tí Thìn hành Thủy, còn cung Sửu thuộc Thổ đới Kim vì cung Sửu hành Thổ, tam hợp Tỵ Dậu Sửu hành Kim. Như vậy cung Tỵ là Hỏa đới Kim, nếu Mệnh Hỏa thì ăn 70%, Mệnh Kim thì ăn 30%, cung Ngọ hành Hỏa, Mệnh Hỏa ăn 100%)
Chính tinh đắc địa nhập hạn quan trọng hơn chính tinh hợp Mệnh. Đắc mà không hợp Mệnh thì cũng hơn hãm mà hợp Mệnh
Đắc nếu hợp Mệnh thì ăn 100%, nếu không hợp thì cũng còn ăn 40%
Hãm và không hợp Mệnh thì không ăn, nếu hãm mà đồng hành thì cũng ăn vì là của mình
Hạn gặp Thiên Không thủ thì không thể làm gì (đổ vỡ)
Người chính diệu đi vào hạn VCD thì lao đao ít hơn người VCD đi vào hạn VCD
Người VCD đi vào hạn có hung tinh đắc địa độc thủ thì phát. Gặp Không Kiếp Tỵ Hợi người tuổi Tỵ Hợi thì phát mạnh, nếu Mệnh Kim thì càng ăn mạnh
Mệnh Cơ Nguyệt Đồng Lương đi vào hạn Sát Phá Tham thì xấu (Trúc La hạn)
Xem tiểu hạn
Đại hạn tốt nếu tiểu hạn có xấu cũng hưởng 50%
Xem tiểu hạn khi xét sao thì chỉ quan trọng sao thủ trong cung
Các sao chiếu phải là sao đôi (như Khôi Việt, Quang Quí)
Sao chính chiếu quan trọng. Sao tam hợp không quan trọng
Cung nếu có Tuần, Triệt thì chiếu mạnh hơn (Triệt: câu vào, Tuần: đẩy ra), nhất là cung Vô Chính Diệu, nếu không có Tuần Triệt thì chiếu ăn 30%
Cung tiểu hạn là cung lưu Mệnh
Mệnh rơi vào cung nào thì cung đó quan trọng, dính dáng đến cung đó (ví dụ tại Tử Tức thì vấn đề con cái quan trọng)
Lưu niên đại hạn cũng quan trọng
Xem thêm cung có sao lưu Thái Tuế (ví dụ vào Phu Thê thì vợ chồng bất hòa? vào Điền Tài thì tranh chấp về Tài Sản? vào cung Tử thì đẻ con, khai sinh?)
Cần xem sinh khắc giữa hành cung và hành Mệnh để xét hoàn cảnh có nuôi dưỡng mình không?
Cần xét thêm sinh khắc giữa hành năm nhập hạn và hành Mệnh để biết tăng độ số hoặc giảm độ số (thêm hanh thông hoặc thêm trắc trở)
Trên 37 tuổi còn xét tương quan giữa hành Cục và hành sao tại cung Thân
Tiểu hạn là năm tam hợp với tuổi thông thường thì đàn bà tốt, đàn ông xấu, nếu là năm xung thì đàn bà xấu, đàn ông tốt (nhưng gặp xấu trước rồi mới tốt)
Vào năm xung lấy nhau thường dễ gặp khó khăn. Vào Năm tam hợp nếu gặp Đào Hồng Hỉ hoặc Tả Hữu Âm Dương đúng thế thì dễ lấy
Người Mệnh Âm thì ăn mạnh sao Dương hơn sao âm….
Thêm phần coi tiểu hạn
Xét tương quan sinh khắc giữa hành Chi của năm hạn và hành Mệnh
Chi và Mệnh đồng hành: bình thường
Hành Chi sinh hành Mệnh: thuận lợi, tốt
Hành Mệnh sinh hành Chi: hao tổn
Hành Mệnh khắc hành Chi: vượt qua được nhưng gian nan
Hành Chi khắc hành Mệnh: bế tắc, thất bại
Ví dụ năm Mùi (hành Thổ), Mệnh Kim ăn, Mệnh Hỏa thì hao….
Ví dụ Mệnh Mộc, năm hạn là Tỵ Dậu Sửu thì năm Dậu, xấu nhất (vì Dậu là chính Kim) còn năm Tỵ và Sửu bị nhẹ (vì Tỵ là Hỏa đới Kim, còn Sửu thì là Thổ đới Kim)
Xét sinh khắc giữa hành Can năm hạn và hành Mệnh, ví dụ tuổi Mộc đi đến năm Canh và Tân (hành Kim) thì không lợi
Nếu bị xấu khi xét cả hai mặt về Chi và về Can thì xấu nhất
Ngoài ra còn xét cung hạn với bản Mệnh….
Vấn đề an sao
Tuổi Canh luôn có Tam Hóa liên châu nghĩa là an Khoa với Thiên Đồng, Kỵ với Thái Âm
Kình Dương và Lực Sĩ luôn luôn đồng cung
Linh tinh
Âm Dương hãm gặp Hóa Kỵ đồng cung thì lại trở thành tốt (Vân ám tường vân), Âm Dương sáng sủa gặp Kỵ thì lại xấu
Mệnh giáp Âm Dương thì không tốt, cho dù Âm Dương sáng sủa (chủ về vợ chồng xa cách, biệt ly….) vì rơi vào thế Âm Dương cách trở
Âm Dương, Khôi Việt, Hồng Đào…cần chiếu hơn thủ
Song Hao đắc địa tại Tí Ngọ, Mão Dậu (thủy triều lên xuống), đóng tại Mệnh, Quan, Di thì hợp
Đại Hao hành Hỏa, đóng tại Mão và Ngọ tốt (tiền vào như nước)
Tiểu Hao hành Thủy, đóng tại Dậu và Tí thì tốt
Đóng ngược lại thì lại không tốt
Tuổi Tỵ Hợi thì Không Kiếp, Liêm Tham không luận
Kỵ gặp Tử Phủ Vũ Tướng bình hòa hoặc hãm địa, Âm Dương hãm địa
Bộ Thiên Không Đào Hoa đồng cung: chủ họa đến bất ngờ, nhanh chóng
Ví dụ: tại Di thì ra đi bất ngờ, làm gì cũng bất ngờ, tại Tật Ách thì chết bất đắc kỳ tử, chết vì đau tim bất ngờ, tại Điền thì mất nhà cửa bất ngờ, tại Tài thì vỡ nợ, bị giật tiền…., tại Quan Lộc thì quan trường gãy đổ bất ngờ, tại Tử Tức thì con cái chết bất ngờ tuổi thanh xuân, tại Nô thì vợ chồng chia tay bất ngờ, tại Huynh Đệ thì có anh chị em chết bất ngờ. Hạn gặp Không Đào thì xui xẻo tới bất ngờ, ví dụ như Không Đào tại Nô thì đề phòng chồng chết bất ngờ vì tim mạch, bạn bè chơi với nhau không bền….
Một điểm đặc biệt khi coi phu thê là cung phu thê chỉ cho ta coi hoàn cảnh khi gặp gỡ, còn khi sống chung đã thành lập gia đình thì phải coi cung Nô làm quan trọng hơn. Ví dụ như Nữ Mệnh có Đào Hoa Đế Vượng cư Nô thì chồng bay bướm… Coi ly dị khi vợ chồng đã có con thì coi cung Nô, ví dụ như Âm Dương lạc hãm cách cung và chiếu Nô thì hai đời….
Đào Hoa Thiên Không đồng cung: hoa rơi
Đào Hoa Địa Kiếp đồng cung: hoa héo
Đào Hoa thuộc Mộc, Mộc Dục thuộc Thủy, gặp nhau thi độ số gia tăng
Đào Hoa cư Dậu thì duyên phận bẽ bàng, cư Tí thì lẳng lo, cư Mão thì tốt đẹp
Đào Hoa tại Mệnh thì xấu (mê trai, gái), chiếu Mệnh mới đẹp (người khác mê mình). Gặp Thiên Không đồng cung càng xấu thêm. Đào Hoa cư Mão đẹp nhất (có duyên, lập gia đình sớm, tươi tắn…), kế đến là cư Ngọ (nhưng kỵ gặp Tử Vi đối với Nữ Mệnh). Còn tại Dậu và Tí thì xấu. Tại Dậu thì như hoa héo, là cách lấy vợ thừa, thất tiết, không đứng đắn, hoặc về già mới lập gia đình, lấy trễ. Xấu nhất là gặp Không Kiếp, kế đến gặp Linh Hỏa. Gặp Tuần Triệt ví như hoa bị ngắt. Gặp Thiên Hình Không Kiếp thì bị bề hội đồng. Đào Hoa tại Tí gọi là phiếm thủy, chủ dâm dật, đàn bà thì lãng mạn, dễ mắc vào tình ái, nếu gặp Thiên Không đồng cung thì tuy thông minh nhung đường chồng con không khá, bị chồng bỏ… Trên 50 tuổi nếu Đào Hoa thủ hạn thì cần chú ý vì dễ bị bệnh nặng, chiếu hạn thì không sao,chỉ bị bệnh mà thôi. Tử Vi cư Ngọ gặp Đào Hoa đồng cung, đối với Nữ Mệnh gọi là Đào Hoa phạm chủ, chủ dâm dật, chỉ cách lấy nhau trái luân thường đạo lý như cách thầy lấy trò, chủ lấy tớ, họ hàng lấy nhau….
Đào Hoa cư Nô thì đàn ông mới xấu (lấy tớ)
Âm Dương lạc hãm thì dễ bị lừa do thiếu sáng suốt, nhất là tại Thìn Tuất, và hơn nữa nếu Mệnh đóng tại Thìn Tuất
Âm Dương đồng cung: vợ chồng tranh quyền nhau, hạn đến thì sẽ có chuyện tranh chấp giữa vợ chồng khiến dễ đưa đến chia ly, nếu chưa có gia đình thì không thể lập gia đình trong giai đoạn này được
Âm Dương cách cung (như Nhật tại Dần, Nguyệt tại Tí) thì vợ chồng chia ly, hoặc ít gần nhau (do công vụ….)
Âm Dương Thìn Tuất lạc hãm: tuy vợ chồng cãi nhau nhưng khó bỏ nhau
Âm Dương lạc hãm chiếu hạn thì cần đề phòng bệnh về mắt (mắt đau, mắt bị mổ)
Nhật Nguyệt tranh huy ngộ Kỵ thì không tốt
Giải thế Âm Dương cách trở thì là Tam Hóa Liên châu cư ngoại địa….
Hạn gặp Âm Dương phản bối thì khó lập gia đình nhưng lại vương vấn tình cảm
Nhị hợp
Mệnh nhị hợp cung nào thì thường bận tâm lo lắng (khổ) về điều đó, mang nặng nợ về một điều gì đó
Mệnh nhị hợp Tử Tức thì lo lắng về con cái, khổ vì con cái hoặc mặc cảm trên vấn đề con cái (như không có con…)
Mệnh nhị hợp Huynh đệ thì khổ về anh em. Có Tuần nối thì anh chị em xa thì thương nhau, gần lại không hợp….
Mệnh nhị hợp Nô thì trẻ có bạn nhiều, hay chơi với bạn….
Nhị hợp với Phụ Mẫu thì con cái quan tâm cha mẹ, hoặc cha mẹ quan tâm đến con cái
Nữ Mệnh Thân nhị hợp với Phụ Mẫu thì gắn bó với cha mẹ chồng
Thân nhị hợp Nô thì thương chồng, lo cho chồng
Cung VCD
Phụ mẫu VCD thì cha mẹ thường sống lâu (xem thêm Nhật, Nguyệt)
Tật Ách VCD thì ít bệnh tật
Điền VCD thì khó giữ nhà đất bền vững, cho dù có sau giữ của như Quả Tú
Tử VCD thì khó có con, vẫn có con nhưng không nhờ được con
Huynh VCD thì không nhờ nhau
Phúc VCD thì lại tốt
Phụ Mẫu VCD thì không giúp đỡ được cho cha mẹ nhiều, hoặc cha mẹ cũng không giúp đỡ cho con nhiều
Điền VCD gặp Triệt đương đầu: ăn trong cảnh bất ngờ, náo loạn (bất thường, phản vi kỳ cách)
Nữ Mệnh VCD thì đỡ xấu hơn là Nam Mệnh VCD
Tam hợp chiếu tại cung VCD thì phải tại Tứ Mộ mới ăn, tại các cung khác thì lấy xung chiếu
Mệnh VCD, Tử Tức VCD thì xấu, cả đời không con hoặc khổ về vấn đề con
Phu Thê vô chính diệu thường lập gia đình bất ngờ
Tam Hóa, Lộc Tồn
Hóa Lộc tại Tứ Mộ thì Lộc bị chôn vùi, do đó chủ về phúc hơn là chủ về tiền tài. Hóa Lộc cư tại Tứ Mộ thì bị vùi, nhưng nếu gặp Triệt thì lại tốt, không bị chôn lấp
Hóa Lộc đóng tại Tứ Sinh thì tốt nhất, kế đến là tại Tứ Chính
Lộc Tồn Hóa Lộc đồng cung không tốt, chủ về họa đến bất ngờ do tiền tài gây ra
Lộc Tồn mang tính chất tồn đọng, chưa hẳn là tốt (như tại Tử thì chậm con, ít con, tại Phu Thê thì vợ chồng bất hòa, chiếu tốt hơn thủ (thủ bị giáp Kình Đà), hạn VCD có Lộc Tồn thủ thường không tốt
Lộc Tồn thủ Mệnh thì cố chấp, độc đoán, gia trưởng, làm theo ý mình không hỏi người khác, cô đơn….
Tam hóa liên châu cư ngoại địa, phúc tất trùng lai (không tai họa trong đời, đời ít tai họa, bệnh tật, tù tội)
Tam Hóa cư từ Dậu đến Sửu thì là mặc áo gấm đi đêm, không tốt bằng tại Dần đến Thân
Tam Hóa liên châu tại Mệnh không tốt bằng Tam Hóa thủ chiếu Mệnh, nhưng cần phải có một sao thủ tại Mệnh mới đẹp
Cũng cần chú ý đến Tam Hóa liên châu tại đại hạn
Cự Môn chủ về bất đắc chí, bất mãn, thêm Phá Toái thì càng bất mãn, cần có Tuần, Triệt, Song Hao, Thiên Hình…đồng cung. Cư Thiên Di thì hay nói, hay bất mãn, không bằng lòng, không nên ra nước ngoài dễ bất mãn…Quan Lộc có Cự Môn gặp Triệt thì làm việc lớn được, việc nhỏ không được, làm trong lúc loạn ly biến động thì rất giỏi, làm thẳng thì không được nhưng làm quanh co,lắc léo, khó khăn thì lại được.Tử Tức có Cự Môn thì bất mãn về con cái
Cự Môn không gặp Tuần, Triệt, Song Hao…. thì có tài nhưng bất đắc chí
Mệnh hay Tử Tức có Quả Tú thì thường là con một bề (hoặc toàn là trai, hoặc toàn là gái)
Khốc Hư
Khốc Hư Tí Ngọ, Nữ Mệnh thì tính tình mau mắn, nhanh lẹ, nói nhiều
Mệnh Khốc Hư Tí Ngọ Mão Dậu thì nói mau lẹ, làm mau lẹ, đời gặp may mắn
Khoa gặp Khốc Hư thì học hành nhanh
Khốc Hư hãm tại Tật thì bị ho, ho lao
Hư tại Mệnh thì hay ho, mắc bệnh phổi
VỊ TRÍ CUNG THÂN
Thân cư cung nào thì thông thường dễ khổ thân về cung đó, phải lo lắng về điều đó. Thân cư cung nào thi cuộc sống gắn liền với cung đó.
Thân cư Mệnh: không được thừa hưởng di sản cha mẹ để lại. Tính tình cương quyet, không chịu khuất phục trước người khác. Cha mẹ đẻ ra người con có Thân cư Mệnh là dấu hiệu phúc đức bị suy tàn.
Thân cư Tài: khổ vì tiền bạc nghĩa là phải lo lắng về tiền bạc, cung Tài tốt thì cũng khổ, cung Tài xấu thì càng khổ hơn.
Thân cư Di: sống ngoài đường hơn trong nhà, hay phải xa nhà hoặc tuổi nhỏ hay rong chơi ngoài đường, không hay ở nhà. Ly hương.
Thân cư Quan thì bôn ba vật lộn kiếm sống, vợ chồng góp gao thổi cơm chung (cả hai cùng nhau lo về kinh tế), nữ Mệnh dễ hai đời chồng nếu chồng về kinh tế yếu, trừ khi ly hương thì có khả năng giải được
Thân cư Phối: sống nhờ vợ hoặc chồng, vợ hoặc chồng chỉ lo ăn không ngồi rồi, hoặc rổ rá chắp lại, hoặc phải lụy vì chồng vợ, hoặc bất mãn vợ chồng, hoặc hai đời chồng. Nếu cả hai vợ chồng đều Thân cư Phu Thê thì lại sống lâu bền.
Thân cư Phúc: thì đối phó mặc theo sự may hay rủi tùy theo cung Phúc tốt hay xấu.
Thái Tuế
Thái Tuế thủ Mệnh thì tự hào, hãnh diện về bản thân, làm nghề liên quan đến ăn nói thì tốt nhất (như luật sư, thầy giáo, công an cảnh sát, thẩm phán…)
Thái Tuế mang tính chất tự hào, đóng tại Tử Tức thì tự hào về con cái, hay nói về con mình, tại Phu Thê thì tự hào về chồng hay vợ, hay khoe chồng vợ mình….
Thái Tuế tại Phu Thê thì lấy dễ, lấy nhanh, hài lòng, yêu thực sự….
Lưu Thái Tuế xung chiếu hạn thì dễ vướng vào cãi cọ, thị phi, hoặc kiện tụng…
Có Thái Tuế thủ Mệnh cũng có khả năng là con trưởng
Tuần Triệt đương đầu (xung chiếu Mệnh) thiếu niên tân khổ (vì bệnh, khổ tâm….)
Xem cung Phụ Mẫu thì phải là con trưởng hoặc út thì mới xem rõ được
Không Kiếp tại Tỵ thì phát nhanh, tàn nhanh, tại Hợi phát nhưng còn giữ lại được
Thiên Tài chủ sự cắt giảm, đóng tại Mệnh thì khó làm lớn (vì nghĩa cắt giảm), tại Tật thì lại tốt (cắt giảm bệnh tật)
Quả Tú hành Kim, Cô Thần hành Hỏa
Tang Hổ
Mệnh Tang Môn thì mặt buồn so, hiền lành
Mệnh Bạch Hổ thì có thể xinh nhưng rất dữ, gian nan, đáo để, vất vả, gian truân
Nữ Tang khổ hơn Hổ
Bạch Hổ Nữ Mệnh thì nhiều lo lắng, tại Phu thì khó lấy chồng
Bạch Hổ cư Dậu, Mệnh VCD Nữ Mệnh thì có tiếng tăm, tuy phát về sự nghiệp nhưng tình duyên, hạnh phúc gặp trục trặc, trắc trở
Bạch Hổ tại Phu Thê thì lập gia đình muộn màng, khó khăn
Các tuổi Dần Thân thì tác họa của Bạch Hổ giảm đi
Thiên Giải, Địa Giải, Giải Thần
Thiên Giải mang tai họa về tinh thần, Địa Giải mang tai họa về vật chất
Thiên Giải giải mạnh hơn Giải Thần, giải toàn bộ tai họa, tại Tài thì không tốt (giải hết tiền tài)
Địa Giải hành Thố (Địa), có lẽ bịa thêm, có lẽ tuổi Thìn Tuất Sửu Mùi và hành Thổ thì bị ảnh hương mạnh, giải sạch tốt xấu
Song Hao gặp Địa Giải đồng cung thì xấu
Song Hao Mão Dậu, sinh giờ Thìn và Dậu thì mới ăn
Tướng Quân chỉ về lãng mạn, gặp Đào Hoa, Mộc Dục, Hồng Loan…chủ về dâm
Hỏa Linh
Hỏa Linh tại cung Thủy thì không tác họa lắm
Tốt tại cung Mộc và Hỏa
Hỏa Linh cư cung Hỏa, Mộc thì tốt, ăn nói khúc triết, tại cung Thổ thì bình hòa, tại cung Kim thì ăn nói ẩu tả, thô lỗ hoặc cộc cằn….
Hỏa thì bộc phát nhanh
Linh thì phát chậm nhưng lâu bền
Mệnh Linh tinh, nếu có bệnh thì lâu khỏi
Thiên Mã gặp Tuần, Triệt không nhảy được như quan điểm của cụ Thiên Lương, và Mã tại Hợi là nơi cùng đường nên phải nhảy
Người nào đẻ vào tháng nhuận thì đời dư ăn
Cự Cơ tối hiềm Hóa Kỵ
Cự gặp Lộc Tồn thì kỵ, bất đắc chí
Cự gặp Kỵ thì bất đắc chí, bất mãn với hoàn cảnh, hay than thở, gặp Lộc Tồn thì càng xấu. Tại Tật gặp Kỵ thì có bệnh khó chữa
Hóa Kỵ hành Thủy, ở cung VCD thì lại tốt
Hung tinh
Hung tinh hãm địa thì cũng ăn nhưng ăn vào thời loạn, tranh tối tranh sáng, còn hung tinh đắc địa thì ăn vào cả thời bình lẫn loạn
Hung tinh ăn về hậu vận, về già mới ăn
Tuổi Tỵ Hợi ăn Không Kiếp rất mạnh
Phu thê có Thiên Không Địa Kiếp đủ bộ thì sát phu thê
Phu Thê tốt đẹp thì lập gia đình dễ dàng, vợ đẹp hoặc hiền,vợ chồng tốt….
Vợ chồng hạnh phúc hay không thì coi Nô, chủ về gia đình ăn ở, hoàn cảnh sinh sống
Vợ chồng bỏ nhau hay không thì cần coi thêm Nhật Nguyệt, nếu Nhật Nguyệt hãm thì dễ bỏ nhau, nhưng nếu tại Thìn Tuất thì lại khó bỏ. Âm Dương miếu vượng thì vợ chồng khó bỏ nhau
Lấy vợ bé thường thì phải có Đào, Hồng, Hỉ chiếu, cần Thiên Di có Đào Hoa và Tật Ách có dâm tinh như Tướng ngộ Thai….
Thiên Tài cư tại cung VCD hoặc tại Tật Ách thì lại tốt
Xương Khúc thì ham vui hát hò, văn nghệ…, không hay suy nghĩ, lãng mạn văn nghệ
Đà La thì lãng mạn, âu sầu, lì lợm
Kình Dương là gọng kìm, cần sao chủ vị
Tham Lang hành Hỏa
Hữu Bật là cây cung, ly hương, lập gia đình thì già kén kẹn hom, làm bé, làm lẽ
Giáp Xương Khúc thì là người ham vui, vì vui mà mang họa
Khi còn bé thì xét sinh khắc giữa cung và Mệnh để biết cha mẹ làm nên hoặc xuống dốc trong thời gian đó
Thiên Thọ
Thiên Thọ (Thọ chủ về lâu dài, bền) ở Tật thì bệnh tật lâu khỏi, bệnh tật triền miên, tại Mệnh thì sống lâu, tại Tài thì tiền của bền vững….
Song Hao làm giảm tác họa của Thiên Không, làm giảm bệnh tật….
Hóa Khoa, Tuần Triệt giải được Thiên Không
Thiên Tướng, Tướng Quân thì dâm &nb sp;
Nữ nhân có Thái Âm lạc hãm thì kinh nguyệt không đều, ít nhất là xảy ra trong một giai đoạn nào đó trong cuộc đời và thông thường sinh lý không mạnh, không có nhiều hứng cảm khi làm tình. Nếu Thái Âm sáng sủa thì kinh nguyệt điều hòa
Nam nhân có Thái Dương lạc hãm thì sinh lý yếu hoặc có vấn đề như xuất tinh sớm, không cương cứng, không thể làm tình nhiều lần hoặc thiếu kỹ thuật… Nếu Thái Dương sáng sủa thì sinh lý mạnh khoẻ
Tóm lại Âm Dương sáng sủa thì cuộc sống sinh lý vợ chồng tốt, một điều kiện đưa đến hạnh phúc.
Âm Dương đồng sáng sủa thì vợ chồng khó bỏ nhau, thông thường thì vợ chồng tương đắc trừ khi gặp sao khắc kỵ với Âm Dương. Âm Dương sáng sủa tại Thìn Tuất thì vợ chồng tương đắc về sở thích nhưng hay tranh cãi nhau. Âm Dương lạc hãm là một điều kiện để vợ chồng dễ xung khắc, dễ bỏ nhau, xa cách hoặc chia ly
Âm Dương đồng tranh Sửu Mùi: vợ chồng thông thường không nhường nhịn nhau, tranh đua nắm thế thượng phong, từ đó dễ đưa đến bất hòa, vợ muốn lấn chồng, chồng muốn lấn vợ
Mệnh giáp Âm Dương lạc hãm thì vợ chồng dễ xa cách hoặc chia ly, nếu gặp Tuần Triệt thì cũng bỏ nhau nhưng bỏ chậm
Hạn rơi vào Âm Dương thủ hạn cũng quan trọng, thông thường dễ liên quan đến chồng hoặc cha nếu gặp Thái Dương, và mẹ hoặc vợ nếu gặp Thái Âm
Hạn gặp Âm Dương phản bối thì khó lập gia đình nhưng lại vấn vương về tình cảm
Cung Tật có Âm Dương dù đắc hay hãm cũng dễ có tật về mắt như mắt bị cận thị, yếu
Âm Dương sáng sủa thì cha mẹ thông thường thọ, còn lạc hãm thì không thể kết luận về thọ yểu
Mệnh VCD
Nhạy bén
Có giác quan thứ sáu, linh cảm được chuyện gần xảy ra
Lúc còn nhỏ thường vất vả, lận đận, hoặc hay đau yếu, khó nuôi
Khi lớn lên, thường dễ giảm thiểu được bệnh tật, tai họa đo lường trước hoặc cảm nhận trước được sự việc sắp xảy ra
Thường hay mắc bệnh dị ứng hoặc trong đời có lần mắc bệnh dị ứng.
Rất nhạy cảm khi gần người khác phái
Dễ thích ứng được với hoàn cảnh
Không có lập trường tư tưởng vững vàng nếu không nằm trong các trường hợp đặc biệt đã nêu
Chỉ làm phụ tá thì bền, làm trưởng thì không bền, không thể đứng mũi chịu sào được, hoạt động trong bóng tối hoặc ẩn danh là hay nhất.
Cuộc sống không bền, trôi nổi, cho dù đắc cách thì thường thường phú qui cũng khả kỳ (phú quí chỉ trong một giai đoạn), hoặc đáng hưởng phú quí thì lại chết
Nếu là con trưởng thì không sống gần cha mẹ, nên làm còn nuôi họ khác, nếu gần cha mẹ thì dễ chết non hoặc nghèo (phi yểu tắc bần)
Mệnh VCD thì cần Hỏa mệnh và Kim mệnh vì mệnh VCD như nhà không nóc, cần bản mệnh có hành khí mạnh mẻ cứng cỏi làm nồng cốt. Các mệnh khác như Thổ, Thủy, Mộc mệnh chưa chắc ăn được
Thường là con vợ hai, vợ lẽ
Mệnh VCD mà cung Tử cũng VCD thì xấu, cả đời không con hoặc khổ về vấn đề con cái
Thân chào các bạn,
Các kinh nghiệm thu nhặt trên chỉ là những điều mà TMT góp nhặt trong quá trình trao đổi cũng như nhận thấy người bạn đã sử dụng khi giải đoán. Thật ra cũng khó vận dụng hoàn chỉnh nếu không phải tác giả viết và nêu lên những gì quan trọng, những gì thứ yếu khi coi. Ví dụ như khi coi hạn chẳng hạn, điều gì quan trọng nhất, điều gì thứ yếu, điều gì quyết định…..thì chỉ có tác giả mới nêu rõ được quan điểm mình. Có một điều tôi nhận thấy rất rõ là người bạn này có rất nhiều chiêu thế, chiêu thế về cách nhìn bộ Âm Dương, về luận giải cung VCD, về tác dụng của cung Nhị hợp, về các cách Thân cư cung nào, về giải đoán bệnh tật….Có nhiều điều phải nói khi nghe tôi thấy rất mới lạ, không hề đọc thấy trong sách vở nào cả, như Tham Lang là hành Hỏa chẳng hạn, hoặc VCD đắc hung tinh Thái Tuế hành Hỏa….. Còn về coi đúng hay sai thì tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp, ví dụ như là coi một lá số của một người người bạn đã nói ngay là hai đời chồng và năm sau sẽ bỏ chồng thôi (tuổi Canh, đại hạn có tam hóa liên châu), sự việc diễn biến đúng như vậy. Hoặc có lá số một phụ nữ tôi đã coi, đưa cho người bạn duyệt lại, anh ta nói ngay rằng “số người này thì bị chồng bỏ chứ làm gì mà có chuyện bỏ chồng như đã nói với em?” mà quả thật là đúng như vậy khi tôi liên hệ để biết thực hư ra sao. Rõ ràng là trình độ tôi coi chưa tới nên chưa phân biệt được điểm dấu diếm nói trên của thân chủ do ngại ngùng gây ra. Chính vì biết rõ người bạn tôi có nhiều kinh nghiệm thành ra tôi mới không ngần ngại đăng các điều tôi thu nhặt nói trên trong khi chờ đợi bài viết mới của bạn tôi. Mọi thắc mắc tôi sẽ ghi nhận và sẽ liên lạc với bạn tôi để trả lời nếu có dịp
Thân chào
Đọc link bài gốc: http://tuvilyso.org/forum/topic/1524-vai-kinh-nghiem-xem-la-so-tu-vi-cu-vu-tien-sinh/#ixzz45clacJPB
TuViLySo.Org