Quẻ Ly
Ly: lợi trinh, hanh; súc tẫn ngưu cát.
Quẻ Ly tượng trưng cho sự phụ bám: lợi về sự giữ vững chính bền, hanh thông; nuôi trâu cái thì được tốt lành.
Chú thích: Thích văn viết: “Ly, là lệ thuộc, bám víu lẫn nhau, là sáng, là quẻ thuần thứ tám, tương trưng cho mặt trời, tượng trưng cho lửa”. Lợi trinh, hanh – câu này có nghĩa: sự vật khi bị phụ thuộc, thì có lợi về sự giữ chính, sau sẽ thông; chủ quẻ Ly là hào âm mềm, cho nên lời hào hàm nghĩa ‘lấy mềm làm chính’. Vương Bật nói: “Quẻ Ly, lấy mềm làm chính, cho nên tất phải chính bền, rồi sau mới hanh thông, cho nên nói ‘lợi trinh, hanh’ vậy”. Súc tẫn ngưu cát – Câu này nêu rõ ‘phụ bám’ thì nên giữ sự mềm thuận, mới có thể được cát, cho nên ví với việc ‘nuôi trâu cái’. Vương Bật nói: “Mềm ở bên trong mà ‘dẫm’ chính giữa, là điều tốt của giống cái; ngoài mạnh mà trong thuận, là chỗ tốt của trâu. Ở thể của Ly là lấy mềm thuận làm chủ, cho nên không thể nuôi loài cứng, mạnh được, ‘cát’ là chỗ nuôi trâu cái vậy”.
Lý Đỉnh Tộ dẫn Tuân Sảng viết: “Âm lệ thuộc dương, lệ thuộc lẫn nhau vậy, cũng có nghĩa là biệt li, tách âm và dương vậy. Ly có nghĩa là lửa, do mộc mà có, tức là phải lệ thuộc mộc vậy. Nhưng khi đã cháy xong, thì khói bay lên trời, tro than xuống đất, đó là chuyện chia cách âm dương vậy”. Bạch thư Chu dịch chép là ‘la’, có nghĩa là ‘gặp nạn’ (ly nạn tao họa). ‘La’ hay ‘Ly’ đều có nghĩa gặp nạn.
Trong hào từ Cửu Tam, nói về hình tượng mặt trời khi nghiêng về phía Tây, mặt trời bản chất có dư ánh sáng, nhưng nay rơi vào cảnh hôn ám vô quang, tức là mặt trời đã gặp nạn, cũng như hiện tượng Nhật thực, gây nên tình trạng u ám tối tăm.
Người xưa soạn Dịch, đặt Càn Khôn Khảm Ly ở thượng Kinh; Càn Khôn thì thuần âm dương, Khảm Ly thì ở trong âm dương; còn như Chấn Tốn Cấn Đoài thì ở lệch bên âm dương. Thiên địa là gốc của tạo hóa, Khảm tàng dương của trời, trong chịu sáng làm mặt Trăng; Ly bám vào âm của đất, trong có sáng làm mặt Trời. Khảm làm mặt trăng chủ về đêm, Ly làm mặt trời chủ về ngày. Sáng, trưa, chiều, tối, đêm, ngày, mưa. nắng, đó là sự vận hành của ngày đêm – đó là huyền diệu của tạo hóa. Muôn vật đều có chỗ phụ bám dựa vào để mà có hình, có hình ắt có phụ bám. Ở người là chỗ thân tình phụ bám dựa vào, người ta đã bám vào đâu, lợi ở chỗ chính, có chính mới được hanh thông. Nói ‘nuôi trâu cái’ là nói hàm nghĩa nuôi dưỡng lấy ‘đức thuận’, người có đức thuận là do sự nuôi dưỡng mà nên.
Chu Hy nói: “Quẻ Khảm nói trong thực ngoài hư, thì biết Ly trong hư ngoài thực. Ở quẻ Ly nói thể âm mà thời dương, thì biết Khảm thể dương mà dụng âm, coi ở hào Năm thì biết. Vả chăng, sự phụ bám thường dẫn đến chỗ bất chính. Bám vào mà chính thì hanh. Sao lại lấy nuôi trâu cái làm tốt? Vì quẻ Khảm thì sáng ở trong, lấy cương kiên mà đi ra ngoài; quẻ Ly thì sáng ở ngoài, nên nhu thuận để nuôi dưỡng ở trong. Tính thủy thì thấm xuống, càng xuống càng hãm, cho nên lấy sự đi làm khen. Lửa thì tính bốc lên, càng lên thì càng mất nóng, cho nên lấy nuôi làm tốt”.
Thoán viết: Ly, lệ dã; nhật nguyệt lệ hồ thiên, bách cốc thảo mộc lệ hồ thổ; Trùng minh dĩ lệ hồ chính; nãi hóa thành thiên hạ; nhu lệ hồ trung chính, cố hanh, thị dĩ súc tẫn ngưu cát dã.
Thoán truyện nói: Ly, có nghĩa là phụ bám, ví như mặt Trời mặt Trăng phụ bám vào Trời; trăm giống lúa thóc, cây cỏ phụ bám vào đất. Hai lần sáng phụ bám vào chính đạo, từ đó hình thành sự giáo hóa, thúc đẩy sự thịnh vượng trong thiên hạ; mềm thuận bám vào chỗ trung chính, do đó hanh thông, vì vậy nuôi trâu cái thì được tốt lành.
Chú thích: trùng minh, chỉ thể trên và thể dưới đều là quái Ly, tức là ‘hai’ sáng trồng lên nhau, câu này biểu thị hàm nghĩa nếu ‘hai sáng’ khi phụ thuộc vào chính đạo, thì có thể ‘hóa thành thiên hạ’. Khổng Dĩnh Đạt giảng: “Trùng minh, có nghĩa là trên dưới đều sáng”, Vương Bật giảng: “Ly là sáng, mọi nơi đều được sáng”; lệ hồ chính, có nghĩa hai hào âm ở trong quẻ, đã có đức của ‘hai sáng’, lại bám vào chính đạo, cho nên ‘hóa thành thiên hạ’; nhu, chỉ hào Hai và hào Năm mềm, thuận, ở ngôi giữa, nằm ở chỗ chính. Vương Bật nói: “Mềm, ở nơi trung chính, do đó được hanh thông; ‘cát’ của sự mềm thông đến nuôi trâu cái là bậc tốt, chứ không thể nuôi các vật cứng mạnh quá được”. Khổng Dĩnh Đạt nói: “Sự mềm của hào Năm, Hào hai đều bám vào giữa, giữa thì không thiên lệch, cho nên nói ‘trung chính’; Tuy có hào Năm, là âm ở ngôi dương vốn mất chính về âm dương, nhưng là chính về sự lý, cho nên chung quy vẫn là ‘phụ bám vào chính’ vậy”.
Vật mà phụ bám vào thì có hình, hình của lửa thì không thường. Con người sinh ra được Thủy làm ‘tinh’, được Hỏa làm ‘thần’, ‘tinh’ và ‘thần’ hợp lại khí tụ mà thành có hình. ‘Tinh’ làm nên hình, ‘thần’ phụ bám vào hình, khí tan thì ‘thần’ trở về chỗ không. Trời vô cùng lớn, mặt Trời và mặt Trăng phụ bám vào Trời, thóc lúa cỏ cây phụ bám vào đất. Hào Năm là ngôi trời, cho nên thể quẻ Ly ở trên có tượng ‘nhật nguyệt lệ hồ thiên’; hào Hai là ngôi đất, cho nên thể quẻ Ly ở dưới có tượng ‘bách cốc thảo mộc lệ hồ thổ’.
‘Trùng minh’, theo nghĩa quái tài mà nói, vua tôi đều phụ bám vào đức sáng, mà ở được nơi trung chính, có thể hóa thiên hạ thành thời văn minh. Học biết chữ “thời” thì khảo chứng về Dịch vậy.
Tượng viết: Minh lưỡng tác, ly; đại nhân dĩ kế minh chiếu vu tứ phương.
Tượng truyện nói: Ánh sáng kế tiếp nhau (rọi bám vào không trung) nối tiếp nhau vươn lên, tượng trưng cho sự “phụ bám”; bậc đại nhân do vậy liên tiếp không ngừng chiếu rọi ánh sáng tới khắp bốn phương.
Chú thích: lưỡng như nói liên tiếp, nối tiếp; ly theo nghĩa ‘treo giữa trời cao’; kế minh Quách Dương nói cũng đồng nghĩa với ‘minh lưỡng tác’ và giảng là: ‘mặt trời mặt trăng theo nhau mà tỏa sáng’. Khổng Dĩnh Đạt nói: “Ly là mặt trời, mặt trời là sáng. Nay có hai thể trên và dưới, cho nên nói ‘minh lưỡng tác, ly’ vậy”; và ông giảng: “ánh sáng kế tiếp nhau sẽ chiếu ra khắp được bốn phương; nếu sáng không liên tục thì chiếu không được lâu”.
Khổng Dĩnh Đạt nêu rằng: “Tám quẻ thuần luận bàn về tượng không giống nhau; mỗi quẻ đều từ thể của quẻ, nghĩa của việc, lời văn diễn tả mà bàn. Quẻ Càn quẻ Khôn, bất kể là thể trên thể dưới, đều trực tiếp nói một cách tổng quát là thiên hành kiện, địa thế khôn; bởi trời đất lớn nên gọi chung cả hai thể trên và dưới vậy. Sấm thì liên tục, nước thì tuôn chảy không ngừng, nghĩa đều lấy liên tục theo nhau, cho nên quẻ Chấn nói Chấn lôi, quẻ Khảm nói tấn chí. Gió là vật thể theo nhau lay động, cho nên nói tùy phong, tốn. Núi, đầm là hai thể khác nhau, không phải là hai vật nhập được với nhau, cho nên nói kiêm sơn, cấn, lệ trạch; đoài, đó là vật nào đi theo đường ấy. Nay thể ‘sáng’ trước sau đều chiếu cả, cho nên nói minh lưỡng tác, ly, là tích tụ hai lần sáng, do đó viết là ‘ly’, nếu một ‘sáng’ tạm bị đứt thì ‘ly’ không lâu được. Do vậy, tất phải làm cho hai sáng trước sau kế tiếp, thì mới tạo nên vẻ đẹp của quẻ Ly”. Trùng minh là trên dưới đều sáng; kế minh là trước sau đời đời nối sáng; Trùng minh là tượng vua tôi, minh lưỡng là chỉ tượng vua.
Sơ Cửu, lý thác nhiên, kính nhi, vô cữu.
Hào Chín Đầu, làm việc cẩn trọng không cẩu thả, giữ thái độ cung kính, cẩn thận thì tất không cữu hại.
Chú thích: thác nhiên là cẩn trọng, từ tốn; Vương Bật chú “Thác nhiên, vẻ mặt kính cẩn thận trọng”; Thượng Bỉnh Hòa chú “Thác nhiên, có ý nghiêm túc, không cẩu thả”; Từ Tử Hùng chú “Thác nhiên, là lộn xộn, tạp loạn”.
Hào Đầu dương cứng, ở ngôi dưới, ở vào thời hành động phải ‘phụ thuộc’, làm việc trịnh trọng không cẩu thả, cung kính cẩn thận, cho nên được không lỗi. Vương Bật nói: “Ở ngôi đầu quẻ Ly, sẽ tiến lên trong sự hưng thịnh, cho nên khi ‘dẫm’ phải thận trọng, cần phải cung kính, sẽ tránh được lỗi vậy”.
Hào Đầu ở dưới thì không có ngôi, tự mình phải sáng suốt về sự tiến thoái, đây là đạo để ‘bám vào’; dương cương cư dương vị, có chí bám vào trên, chí đã động mà thiếu kính cẩn thì dẫn tới vọng động, đó là sự bám vào chưa được ‘sáng’. Hồ Song Hồ nói: “Thác nhiên có ý nói sự vật rối loạn, nếu biết kính cẩn thì lòng có chủ định, sự thủ ứng không loạn, vì là hào Đầu sự biết còn nông cạn chưa được sáng suốt, nên dễ dẫm càn”.
Tượng viết: “Lý thác chi kính”, dĩ tị cữu dã.
Tượng truyện nói: “Làm việc cẩn trọng, giữ thái độ cung kính”, nói lên ý hào Đầu có như vậy mới tránh được tội lỗi.
Thuyết minh: ‘phụ bám’ quý ở chỗ ‘mềm chính’, hào Đầu dương cứng, vốn có ‘lỗi’, nhưng ở vị dưới, khiêm, mềm, kính, thận, do đó tránh được lỗi. Lý thác theo nghĩa là muốn động, sợ rằng tà chính thiện ác, còn phân vân tạp loạn, chưa biết là nên theo đường nào, cái tự nhiên đến mà chót ‘xéo’ bậy, nếu biết kính cẩn thì có thể vẫn tránh được lỗi. Hồ Ái nói: “Ở ngôi đầu quẻ Ly, như mặt trời mới mọc. Mới vào việc phải luôn cẩn trọng, kính sợ để tiến đức sửa nghiệp, như vậy sẽ tránh được lỗi”.
Xác định nguyên nhân “lý thác nhiên” hào Đầu quẻ Ly: Căn cứ vào nguyên tắc xác định quẻ hỗ phản phục – khi hào biến tới cùng cực
– Quẻ Ly [101-101], hào Đầu được xét, biến hào Đầu dương thành âm, được quẻ Hỏa Sơn Lữ [101-100]
– Xác định quẻ phục cho quẻ Lữ – được quẻ Thủy Trạch Tiết [010-011]
– Theo nguyên tắc hỗ phản phục: hào Đầu quẻ Lý sẽ đối ứng với hào Trên quẻ Tiết. Cặp hào 1 – 6.
– Lời hào Sáu Trên quẻ Tiết: khổ tiết; trinh hung, hối vong Sự tiết chế quá mức mà đạo ‘tiết chế’ cùng cực; sự ‘khổ tâm’ của việc hành ‘tiết’, tới mức khô kiệt, vắt kiệt, làm cho nó dễ bị hóa mất hoàn toàn. Đây là hình tượng: tình trạng gỗ tươi chuyển dần sang tình trạng gỗ khô kiệt để biến thành lửa. Dân gian có câu “gầy như que củi”.
– Ta nhận thức được tại sao người xưa soạn Dịch, lại có ghi thêm chữ nhiên của hào Đầu quẻ Ly, thật ít thấy có sự chú giải này !
– Cùng cực của khổ tiết, phản lại lý thác nhiên.
Lục Nhị, hoàng ly, nguyên cát.
Háo Sáu Hai, giữ được sắc hoàng trung chính phụ bám vào vật, cực tốt.
Chú thích: hoàng, sắc mầu ở giữa của ngũ sắc, tượng trưng cho đạo ‘trung’; Thuyết văn giải tự giảng: “ly, là một loài chim vàng anh mầu vàng, khi hót thì con tằm sinh ra”; Cao Hanh cho rằng ly có nghĩa là khí mây giống như hình con rồng, tức là một loại cầu vồng; Trương Lập Văn giảng: “hoàng ly, là thần núi hình thú”. Ở đây mầu vàng ví với hào Hai ở ngôi giữa, có thể lấy đạo mềm thuận, trung chính bám vào vật, cho nên được ‘nguyên cát’. Hai câu hoàng ly, nguyên cát có nghĩa “Mềm thuận bám vào chỗ trung chính, do đó hanh thông”. Vương Bật nói: “Ở ngôi giữa, được ngôi, lấy chất mềm ở ngôi mềm ‘dẫm’ vào sự thịnh của văn minh mà được ngôi giữa, cho nên nói ‘hoàng ly, nguyên cát’ vậy”. Hồ Vân Phong nói: “Nhị ở Ly lấy mầu vàng mà nói, thấy Nhị và Ngũ đều từ Khôn lại, mà Ngũ chẳng lấy ‘hoàng ly’ để nói, là vì năm hào ở Khôn là đạo bầy tôi, nên ở Ngũ nói ‘hoàng thường nguyên cát’; ở Ly thì Ngũ là vua còn Nhị là bầy tôi, cho nên Nhị nói ‘hoàng ly nguyên cát’; vả lại tính của Ly là bốc lên, cái trung của thượng chẳng bằng cái trung của hạ”.
Tượng viết: “Hoàng ly, nguyên cát”, đắc trung đạo dã.
Tượng truyện nói: “Giữ được sắc vàng trung chính phụ bám vào vật, cực tốt”, nói lên ý hào Hai đạo hợp giữa không lệch.
Thuyết minh: ở quẻ Ly chẳng nói ‘chính’ mà lấy ‘trung’ làm trọng, cho nên lời tượng nói ‘trung đạo’, được ‘trung’ mà lại có ‘chính’ ở trong ‘trung’, thì văn minh sẽ thành. Thời dụng của quẻ Khảm, hào Hai và hào Năm đều được ‘trung’, hào Năm thì đáng ngôi còn hào Hai thì chẳng đáng ngôi, cho nên thắng ở hào Năm; Thời dụng của quẻ Ly, thì hào Hai và hào Năm cũng ở ‘trung’, hào Hai đáng ngôi còn hào Năm không đáng ngôi, cho nên thắng ở hào Hai. Ở quẻ Khảm hào Năm được ‘trung’ mà ‘trung’ ấy chưa lớn, cho nên Đại tượng mới nói: “Thủy tấn chí”; còn ở quẻ Ly nói: ‘Minh lưỡng tác’, Đại nhân chí muốn hướng về đạo ‘trung’ của hào Hai.
Lưu Mục nói: “Ly là tượng lửa, ngọn lửa mạnh mà dễ thành tro, đó là hào Chín Bốn vậy; quá thịnh thì có hung vì suy kiệt, đó là hào Chín Ba; duy có hào Hai được giữa, nó là hào được nguyên cát của quẻ Ly”. Thuyết này so sánh về các tượng của hào Hai, hào Ba, hào bốn thật đáng chấp nhận.
Cửu Tam, nhật trắc chi ly, bất cổ phẫu nhi ca, tác đại điệt chi ta, hung.
Hào Chín Ba, mặt trời sắp lặn, ngả dần bám về phía trời tây, lúc này nếu không tự gõ vò, vui vẻ ca hát, tất sẽ than thân già ốm yếu, có hung hiểm.
Chú thích: nhật trắc có nghĩa là ‘mặt trời sắp lặn’; Cao Hanh nói: “Ly, là thú của thần núi, xuất hiện vào lúc mặt trời lặn”; phẫu, là đồ bằng sành, có thể dùng để gõ, khác với thứ dùng để chứa (hào Sơ quẻ Tỷ), Thuyết văn nói người đời Tần gõ vào đó để làm nhịp mà hát. Từ Tử Hùng giảng: “cổ phẫu nhi ca, trong thời cổ, khi thấy vào lúc mặt trời xế chiều, trên bầu trời xuất hiện cầu vồng, thì xem đó là điềm xấu, cho nên phải ca hát gõ trống để tống tiễn”, tống khứ điềm hung, hình thức cầu giải hung; điệt, Mã Dung giảng là ‘bảy mươi tuổi’; Vương Túc giảng ‘Tám mười tuổi gọi là điệt’, “Đại điệt” như nói ‘người rất già’.
Những câu này lấy mặt Trời ngả dần về phía Tây để ví, để làm tượng, ý nói lên hào Ba ở cuối thể dưới quẻ Ly, dương cùng cực sẽ suy, không thể bám lâu dài vào vật được nữa; vào thời điểm này nếu không ‘gõ mõ’ hát cho vui, mà gắng gượng tiến thủ, thì đến lúc ‘than thân già nua’, tất có hung hiểm. Vương Bật giảng: “Ở ngôi cùng cực của quẻ Ly dưới, biết rằng sẽ mai một, cho nên nói ‘nhật trắc chi ly’. Biết là sẽ đến lúc cùng, nếu không phó thác việc cho người, dưỡng chí vô vị, thì sẽ đến lúc than thân già nua, hung vậy”.
Xét quẻ bát thuần theo nghĩa từ hai thể. Càn trong ngoài đều kiện; Khôn trên dưới đều thuận; Chấn uy Chấn kế tiếp; Tốn trên dưới thuận theo; Khảm trùng hiểm dồn tập; Ly hai sáng kế tiếp mà chiếu; Cấn trong ngoài đều chỉ (dừng); Đoài người và ta đều đẹp; Nhưng riêng đối với quẻ Ly, thì ứng với người là nghĩa rất lớn, người thì có trước có sau, mà thời thì có thay đổi như ánh sáng mặt trời. Hào Ba ở vị cùng hạ thể, ví như ánh sáng trước hầu hết đang dần tàn lụi, ánh sáng sau là thời đương kế tiếp. Theo lý mà nói, thịnh ắt có suy, trước ắt có sau, là đạo thường hằng vậy. Người đạt thời thì lấy thuận lý làm vui, kẻ không đạt thời thì lấy tuổi tác quá già làm lo sợ, đó là đạo sinh tử vậy. Cho nên, Chu Hy nói: “Sinh tử là lẽ thường, nếu chẳng yên ở lẽ thường, lấy thường để làm vui, thì phải than thở vậy. Có ngày ắt có đêm. Người ta chẳng biết lẽ thường như vậy, đến lâm thời, tự lấy làm chẳng yên”.
Hào Ba đang xét là ở thời chiều tà, sự hôn ám trỗi dậy đang nổi lên tranh chấp với mặt trời đang ở vị yếu thế; nếu như không tích cực tìm cách lưu giữ sự sáng đã qua và đón nhận ánh sáng kế tiếp, thì bóng tối hôn ám sẽ tràn ngập, dẫn tới vị thế chờ đợi sự suy bại đến.
Tượng viết: “Nhật trắc chi ly”, hà khả cữu dã.
Tượng truyện nói: “Mặt trời sắp lặn ngả dần bám về phía trời tây”, tình trạng này thì làm sao mà giữ được cho lâu dài !
Thuyết minh: Tự vấn rằng: ánh sáng mặt trời có được lâu chăng ? ánh sáng đã như vậy, thì phải cầu người kế tiếp thay mình vào việc, yên thường ở thuận, lui ẩn giữ mình là giải pháp hữu hiệu, thì có gì làm hung. Tuân Sảng nói: “Hào Đầu là mặt trời mọc, hào Hai là mặt trời đứng bóng, hào Ba là mặt trời sắp lặn”, lời này biểu thị rõ ràng tượng của ba hào thể dưới quẻ Ly, lời hào khẳng định sự răn bằng chữ ‘ta’, thực muốn nói rõ về nghĩa: sự vật nào cũng có lúc “ngày tối đường cùng”, nhằm khơi dậy sự kiềm chế trong ta, không thể tiến quá mức mà chẳng dừng, vì biết rằng sự đe dọa đang xuất hiện ở phía trước.
Cửu Tứ, đột như kì lai như, phần như, tử như, khí như.
Hào Chín Bốn, đột nhiên ánh sáng đỏ rực xuất hiện, như ngọn lửa mạnh đang thiêu đốt, nhưng trong khoảnh khắc sẽ tiêu tán, tận diệt, không còn lại gì.
Chú thích: đột như, là ‘tai nạn đột nhiên giáng xuống’; phần như là đốt sạch; tử như là giết sạch; khí như là đem vứt bỏ. Câu này có nhiều thuyết chú giải khác nhau. Trương Lập Văn dịch: “Kẻ thù bất ngờ tấn công, đốt nhà, phá hoại, giết hết người, không còn một thứ gì”. Hào Bốn ở thể trên quẻ Ly, là nghĩa mới đầu ở bên ngoài, ở trên, theo nghĩa nối tiếp cái sáng, cũng theo nghĩa kế thừa.
Hào Bốn lấy tượng ráng trời khi mặt trời mọc để ví, nói lên hào Bốn ở vào khoảng giữa hai thể trên dưới của quẻ Ly, muốn nhanh chóng đi lên ‘bám’ vào hào Năm, nhưng lấy chất dương ở ngôi âm nên mất chính, ‘dục tốc bất đạt’ cũng như mặt trời mới mọc ở phía đông đột nhiên vọt lên cao, có thế của ‘lửa rực đốt cháy’; nhưng sự cuối cùng của ánh sáng đã lụi tàn không thể ‘bám’ nối tiếp ở trời cao, mà bị tiêu tán không còn gì, rơi vào kết cục ‘sẽ chết, bị mọi người bỏ’. Vương Bật nói: “Ở vào hoàn cảnh đường sáng bắt đầu thay đổi, tối mà trời bắt đầu sáng, mất đi mà bắt đầu xuất hiện, cho nên nói ‘đột như kì lai như’. Cái sáng bắt đầu tiến, cái nóng bắt đầu bốc, cho nên nói ‘phần như’; tiến sát tới bậc tôn quý, ‘dẫm’ không phải ngôi, muôn tiến mạnh để bức người trên, mệnh nó tất không có chung cục, cho nên nói ‘tử như’; phạm vào nghĩa ‘ly’, không ứng không đội, mọi người đều không tha, cho nên nói ‘khí như’ vậy”.
Hồ Vân Phong nói: “Quẻ Ly lấy hào Hai và hào Năm làm chủ, nên nói trước sáng sau sáng. Hào Ba gần hào Hai là cái sáng trước hầu hết, hào Bốn gần hào Năm là cái sáng sau sắp nối. Đột như là hào Bốn bức bách hào Năm. Quẻ Khảm hào Ba và quẻ Ly hào Bốn đều là trên dưới giao nhau, hai quẻ như vậy là có thâm ý; Tính Khảm hạ xuống mà hào Ba ở trên hạ quái, nên nói là ‘đến’, đến mà ở thể dưới. Tính Ly bốc lên, lên mà ở trên, hào Bốn ở dưới thượng quái, nên nói ‘kì lai’, đến mà ở thể trên. Nước chảy xuống vào đến hố sâu mới thôi, lửa cháy bốc lên, đến cháy, đến chết, đến bỏ mới thôi. Quẻ Khảm hào Ba có tượng là gối, hào Ba gối vào hiểm, mà hào Bốn lại gối vào hào Ba, nên hào Ba càng đi sâu vào hiểm. Quẻ Ly hào Bốn có tượng ‘đột nhiên’, mà hào Bốn đột như đến bức bách hào Năm, thì hào Hai cũng đột như lên bức bách hào Bốn, nên hào Bốn càng thêm bị cháy”.
Tượng viết: “Đột như kì lai như”, vô sở dung dã.
Tượng truyện nói: “Đột nhiên ánh sáng đỏ rực xuất hiện”, nói lên ý cái hư thế của hào Bốn, tất sẽ làm nó không nơi ‘phụ bám’, chứa chấp.
Thuyết minh: sự xuất hiện của ráng sớm, đột nhiên đến lại mất ngay, chỉ có thể bất chợt lóe sáng ở chân trời phía Đông, không có cách nào để bám vào bầu trời; lời hào lấy hiện tượng này để ví với tình trạng của hào Bốn nóng lòng muốn phụ bám vào hào Năm, cuối cùng khó toại nguyện, hình tượng này rất sát đúng. Chiết trung cho rằng hào Bốn “không thể lấy sự thuận đức để nuôi cái sáng của nó, không phải là người ta không bao dung nó, mà là không có nơi nào để bao dung”. Trên thì lấn vua là chẳng thuận theo, đây là tượng ‘vô sở dung’ vậy.
Lục Ngũ, xuất thế đà nhược, thích ta nhược, cát.
Hào Sáu Năm, nước mắt chảy ròng ròng, ngậm ngùi than thở, (ở nơi tôn quý, được giúp dập, về cuối sẽ) tốt lành.
Chú thích: thế có nghĩa là ‘nước mắt’ (nhãn lệ); đà có nghĩa là ‘nước mắt rơi như mưa’; thích có nghĩa là ‘lo lắng ưu sầu, buồn thương’. Những câu này có nghĩa chỉ về hào Năm là âm ở ngôi dương, bị thế của hào Bốn gây áp lực, bức bách, khống chế, dẫn tới mà buồn thương khóc lóc; nhưng do ‘bám’ chắc vào nơi tôn quý, cuối cùng được mọi người giúp, cho nên trước thì than khóc sau thì cát. Vương Bật nói: “Dẫm không phải ngôi mình, thì không đảm đương nổi nhiệm vụ của ngôi mình. Lấy chất mềm cưỡi cứng, thì không thể kiềm chế được kẻ dưới. Hào Bốn đứng đầu sự nghịch. Kẻ dưới cứng mà tiến lên, sau sẽ hại mình, quá buồn thương đến mức than thở khóc lóc. Tuy nhiên, đã phụ bám ở nơi tôn quý, mọi người đều giúp dập, cho nên tuy ‘đà’, ‘ta’ mà được cát”.
Âm nhu mà giữ được ‘trung’, thì có thể gọi được là thuận; lại cưỡi lên trên kẻ cương nghịch mà dưới không có ứng trợ, cô độc phụ bám vào địa phận nơi mình ở. Dương gặp âm thì thông, hào Bốn đi lên gặp hào Năm vậy. Hồ Vân Phong nói: “Trong Khảm có Ly là tượng hư minh từ cửa sổ; hào Ba là bậc đại lão than lo về sự chết sống, là việc không đáng lo mà lo; Hào Năm biết lo sợ như vậy, là việc đáng lo, nên được cát”.
Lý Quá cho rằng hào Năm có tượng vua mới ‘kế đời đổi vị’. Vương Phu Chi nói: “Sáng sau kế tiếp sáng trước là hưng thịnh, lấy đạo mềm ở ngôi tôn quý, Cao Tông buồn rầu ba năm không nói, Thành Vương lên nắm chính sự mà ưu tư thống khổ”. Sử tích về Ân Cao Tông và Chu Thành Vương cũng khá tương hợp với ý nghĩa tượng trưng của hào Năm.
Trương Lập Văn dịch hào này như sau: “Gào khóc lệ rơi, đau xót than vãn, hết thời bĩ đã đến thời thái, kết quả may mắn”. Có thể Trương Thiện Văn căn cứ vào quẻ “hỗ tượng” [1-2-3-4] , quẻ “ước tượng” [3-4-5-6] và quẻ “trung hào” [2-3-4-5] lập ý nghĩa tượng trưng cho hào Năm. Thiên-Nhân-Địa = Tiết-Đại quá-Gia nhân.
Tượng viết: “Lục Ngũ chi cát”, ly vương công dã.
Tượng truyện nói: “Sự tốt lành của hào Năm”, nói lên ý được phụ bám vào nơi tôn quý của đấng vương công.
Thuyết minh: Khổng Dĩnh Đạt nêu rằng “Hào Năm ở ngôi vua, mà nói chữ ‘công’, đây là nói liền chữ ‘vương’ với chữ ‘công’, cốt cho tiện lời văn, để vần được hợp nhau”, như vậy cho ‘vương công’ là từ chệch nghĩa, ý chỉ ‘quân vương’. Nhưng Thái Thanh cho rằng “Ngẫm về câu ‘ly vương công dã’, thì thấy hào Năm trong các quẻ đều nói về ngôi tôn quý, không cứ đều phải nói về ‘thiên vương’; Phàm các vua chư hầu làm vua nước mình, là đủ để nói là ở ngôi hào Năm”. Hai thuyết này đều có thể tham khảo, nên theo với cả ‘lý thuyết nhóm’. Cần nhất là giữ được thế ở trên, xét sự lý sáng suốt, biết lo sợ và học cách biết chấp nhận.
Thượng Cửu, vương dụng xuất chinh, hữu gia chiết thủ, hoạch phỉ kì xú, vô cữu.
Hào Chín Trên, vua xuất quân chinh phạt, lập được công lớn, chém đầu quân địch, bắt những kẻ dị kỉ không chịu lệ thuộc, không có lỗi.
Chú thích: hữu gia Từ Tử Hùng giải thích là ‘tên nước thời Chu Sơ; Khổng Dĩnh Đạt giảng ‘gia, là làm cho tốt đẹp hơn’; Trương Lập Văn giảng là ‘chuyện vui mừng’; chiết thủ là chặt đầu; xú theo Lý Đỉnh Tộ dẫn Ngu Phiên giảng là ‘loại’ có nghĩa là ‘bắt được tù binh’; Hoàng Kỳ Thọ giảng ‘phỉ kì xú, là dị kỉ, không phải cùng loại với mình, không chịu phục tùng’.
Vương dụng xuất trinh – câu này có nghĩa hào Trên lấy chất dương ở ngôi cùng cực quẻ Ly, đại thành đạo ‘phụ bám’, mọi người đều phải phụ bám; nhưng có những kẻ không chịu lệ thuộc, thì phải đem quân đi hỏi tội. Khổng Dĩnh Đạt nói: “Ở ngôi cùng cực quẻ Ly, đạo ‘ly’ đã thành, mọi vật đều phải phụ bám, cần trừ khử những kẻ phi loài để trừ hại cho dân. Xuất chinh để trừ kẻ có tội, việc tất thắng lợi, cho nên đã lập công lớn, chặt đầu kẻ có tội, bắt những kẻ bất chính, do vậy được không lỗi”. Trình Di giải thích chữ ‘thủ’ là ‘đầu sỏ’ (khôi thủ), cho câu ‘hoạch phi kì xú’ là ‘hoạch phi kì thủ’, cũng là một thuyết của tiền nhân.
Mục đích của việc thanh trừng, không phải là áp đặt sự trừng phạt một cách mù quáng, mà là để tạo ra kỷ cương. Tội lỗi phải được chữa trị tận gốc. Với bản thân, điều tốt nhất là loại bỏ những thói quen xấu và dung thứ cho những thói quen vô hại. Vì sự khổ hạnh quá nghiêm khắc, giống như các bản án quá nặng, sẽ thất bại không đạt được mục đích nào của nó.
Tượng viết: “Vương dụng xuất trinh”, dĩ chính bang dã.
Tượng truyện nói: “Vua xuất quân chinh phạt”, nói lên ý hào trên làm như vậy là để cho đất nước yên ổn, trị vì được thiên hạ.
Thuyết minh: hào Trên lấy đức cứng sáng ở ngôi cao cùng cực quẻ Ly; kẻ dưới phụ bám tất đông, kẻ di dịch bội nghịch tất ít; cho nên khi chinh phạt những kẻ ‘dị kỉ’, thế tất sẽ không lỗi. Câu ‘hóa thành thiên hạ’ và câu ‘dĩ kế minh chiếu vu tứ phương’ của Đại tượng, đã thể hiện được toàn bộ ý của hào này. Cực sáng thì không chỗ nhỏ mọn nào mà chẳng soi đến, cực đoan thì không có lòng khoan dung, sợ có lỗi về sự tàn bạo. Hào đầu và hào cuối quẻ Ly đều là hào dương, hào đầu thì sáng ở trong, nên biết kính mà tránh được lỗi; hào cuối thì cương ở ngoài, nên lấy chinh phạt để làm chính việc của mình.
LỜI BÀN
Tả truyện năm Hy Công thứ 14 ghi lời Quách Xạ nói: “Da mà không có, thì lông làm sao mọc lan ra được”, nói lên ý mọi vật bao giờ cũng phải phụ bám vào một vật nhất định. Xét về mọi vật thể trong thiên nhiên, thì mặt trời phải dựa vào không gian mà chiếu rộng khắp nơi, lửa phải dựa vào nguồn nhiên liệu mới phát quang, thật rõ ràng ! Quẻ Ly biểu lộ được nghĩa của nó, chính là do lấy lửa và mặt trời làm dụ tượng. Lời quẻ nói ‘nuôi trâu cái’ thì được tốt lành, là muốn nhấn mạnh ý ở thời ‘phụ bám’, tất phải nuôi và dưỡng sự ‘mềm thuận’, gắng đạt tới ‘chính’ và gìn giữ sự ‘chính’, thì mới có thể hanh thông thoáng đạt.
Phân tích về tình trạng của sáu hào: hào Hai và hào Năm, âm mềm ở tại ngôi giữa giữ chính đạo, coi sự ‘phụ bám’ làm phương tiện, lấy đà tiến để biến vẻ đẹp của sự ‘phụ bám’ thành hữu công; hào Ba và hào Bốn đều hung, đều là dương cứng, không trung, không chính, hào thì trước mặt là sự cùng khốn suy vi, hào thì ở hư thế ‘không chốn dung thân’, đều không thể toại chí trong thời ‘phụ bám’; Với hào Đầu và hào Trên, thì hào Đầu ở ngôi dưới, cung kính thận trọng, dần dần có thể phụ bám vào mọi vật; hào Trên thì đạo ‘ly’ đã thành, mọi vật đều phụ bám, mà cả hai hào đều được ‘vô cữu’.
So sánh hai quẻ đối cực Khảm Ly – nước lửa với nhau, ta thấy ý nghĩa cốt lõi tương phản giữa hai quẻ, đó là: ‘hành hiểm’ thì nên lấy ‘cứng giữa’ làm chủ, ‘phụ bám’ thì nên lấy ‘mềm thuận’ sao cho thích hợp.
Dụ ý tượng trưng của quẻ Ly cũng hết sức rộng, nó lấy việc đời làm thuyết: bất kể địa vị của người ta cao thấp ra sao, cũng đều phải phụ thuộc vào thời đại, vào xã hội đang sống; còn thứ bậc khác nhau giữa người với người, lại tồn tại trong mối quan hệ phức tạp giữa phụ thuộc và bị phụ thuộc. Cơ cấu xã hội loài người, chắc chắn phản ánh một kiểu tổ hợp đặc biệt.
Trình Di nói: “Trong khoảng trời đất, không có sự vật nào mà không lệ thuộc, người mà lệ thuộc, nếu sự lệ thuộc đó là chính, thì có thể hanh thông. Vua tôi, người trên kẻ dưới, đều có đức sáng, nếu như có được trung, giữ được chính, thì có thể hình thành sự giáo hóa, thúc đẩy sự thịnh vượng trong thiên hạ, tạo thành tập tục văn minh”.
(Dẫn theo trang khaotapdich.blogspot.com)