Mệnh cung Thiên Can phối thuyết Tam Tài

I. Mệnh cung Thiên Can

Mệnh cung (MC), cung an Mệnh trên lá số tử vi, nó bao gồm cả Thiên Can và Địa chi, nhưng lâu nay chúng ta thường sử dụng phần của Địa chi nhiều hơn trong phép luận đoán trên lá số mà lại quên mất các tính chất quan trọng của Thiên can. Nay, tôi (Ma y cung) xin nêu lại vấn đề của Thiên Can và phụ bổ một số tính chất thuộc về Thiên Can của Mệnh cung. Như vậy, chỉ cần biết MC Thiên can của một người là ta có thể đoán sơ sơ được vài cá tính căn bản của họ mà chưa cần phải nhìn vào lá số. (Người soạn – Ns: Việc này cũng có thể sử dụng như một công cụ rất hữu ích cho việc phối hợp với các thông tin khác để kiểm chứng giờ sinh của đương số trước khi bắt tay vào việc giải đoán lá số tử vi).

a, Làm thế nào để xác định được Mệnh cung Thiên Can?

– Dùng Lịch của Năm sinh mà truy cứu, ví dụ sinh năm 1980, Mệnh cung tại cung THÌN thì Mệnh Can (Mệnh cung Thiên Can) sẽ là CANH. Như vậy, Can Chi của Mệnh cung sẽ là Canh Thìn, mà Canh Thìn thì có Hành của Nạp Âm là KIM, và Kim ở đây chính là CỤC số. (Ns: việc này có mối liên quan chặt chẽ với việc xác định Cục khi thành lập một lá số tử vi, xem chi tiết xin tham khảo trang 21, 22, sách của tác giả Trừ Mê Tín).

– Nếu không dùng lịch thì dùng bài thơ Ngũ Hồ độn:

GIÁP/KỶ chi niên BÍNH tác đầu. (BÍNH là Thiên can Tháng Giêng)

ẤT/CANH = MẬU (MẬU là Thiên can Tháng Giêng, từ đó suy ra những tháng tiếp theo)

BÍNH /TÂN = CANH

ĐINH/NHÂM = NHÂM

MẬU/QUÝ = GIÁP

b, Mệnh cung Thiên Can có những đặc tính sau:

1/ GIÁP:

Giáp – Mộc có khuynh hướng phát triển vươn lên theo chiều cao (chẳng hạn như vị trí, cấp bậc), có cá tính kiên cường khí phách, có thể đủ dung lượng che chở cho kẻ yếu thế (vì có bóng mát), có tâm địa nhân hậu và chính trực, nhưng Giáp lại khiếm khuyết (thiếu) tính mềm dẻo, thiếu khả năng ứng biến và thích nghi với hoàn cảnh. (Ns: các tính chất trên có thể hình tượng hóa như sau “Giáp = dương mộc, nên có tượng là cây lớn, cây đại thụ, thuộc họ thân gỗ, cứng cáp, có tán lá tỏa rộng”). GIÁP = Là người có cá tính độc lập, độc lai độc vãng (đến 1 mình, đi 1 mình), không thích ai bao che cho mình, giúp ai thì cũng thích giúp nhưng cũng không muốn vướng bận.

2/ ẤT:

Ất – Mộc có tính cách mềm yếu, dù nội tâm có xung động cũng ít khi biểu lộ cực đoan, có khuynh hướng phát triển ảnh hưởng theo bề ngang, bề rộng (ví như có nhiều vây cánh), ngoại biểu thường tùy hòa, hiền lành, đối với ai cũng được lòng lại dễ thích ứng một khi hoàn cảnh bị thay đổi và dễ tùy cơ ứng biến. (Ns: các tính chất trên có thể hình tượng hóa như sau “Ất = âm mộc, nên có tượng là cây thân leo, cây bụi hoặc cây thuộc họ thân cỏ, mềm dẻo”). ẤT = Thường được phái nữ xung quanh bao che và ủng hộ, nhưng vẫn thích tính cách độc lập, cuộc sống thường dễ chịu, có thể khắc Mẹ hoặc khắc Vợ.

3/ BÍNH:

Bính – Hỏa thường là mẫu người nóng tính, cả nội tâm và sức sống đều mãnh liệt, dễ bị xung động, trọng những biểu hiện có tính hình thức bề ngoài,… Tâm tính tuy quang minh lỗi lạc nhưng lại hay cố chấp, nóng nảy. Có tính vội vã và ưa hoạt động, có khi quá đáng thành ra kẻ bận rộn và lao lực. (Ns: các tính chất trên có thể hình tượng hóa như sau “Bính = dương hỏa, nên có tượng là đám cháy, cây đuốc,… tính cấp, vội, nóng, có sự lan tỏa ra môi trường xung quanh”). BÍNH = Đàn ông thường được Mẹ / Vợ / Tình nhân / bạn bè nữ giới / nữ chủ nhân giúp đỡ. Nhưng lại cũng dễ bị hiềm khích, hiểu lầm.

4/ ĐINH:

Đinh – Hỏa là những người Nhu trung hữu cương, trông cá tính bề ngoài thì mềm dẻo nhưng có quyết tâm, cứng rắn bên trong, là kẻ có tính cách ôn hòa bên ngoài nhưng có khi bên trong như bị lửa đốt (cấp tháo, kiểu như nói chuyện với khách mà cứ nhìn đồng hồ như muốn chấm dứt nhanh chuyện để làm việc khác, mà thực ra cũng chẳng phải là việc gì quan trọng phải làm cả), kiêm tính tế nhị nhưng lại hay đa nghi, ưa quan sát kín đáo đối phương (để thẩm định giá trị hoặc nhận xét về một khía cạnh nào đó) và nhiều Tâm cơ (đầu óc hay tính toán, suy tính lung tung).(Ns: các tính chất trên có thể hình tượng hóa như sau “Đinh = âm hỏa, nên có tượng là lửa trong lò, lửa trong đèn lồng,… bên ngoài thì tĩnh mà bên trong thì động, để lâu có thể sẽ bộc phát”).ĐINH = Có tính cách độc lập, lầm lì nhưng quyết liệt, dám làm dám chịu, không sợ hậu quả cũng như hậu hối (làm thì quyết không hề hối hận sau này).

5/ MẬU:

Mậu – Thổ là mẫu người cá tính ổn trọng, trung hậu, thành thật và giữ chữ Tín, hay trọng danh dự, mặt mũi, cho nên thường là người hay tự ái, cố chấp ý kiến của họ, không thích những kẻ ưa thay đổi và sống kiểu phù du, không thích những người hứa rồi không bao giờ đến. Họ rất hay thích những gì cổ điển và có tính xưa cũ, không thích nghi với những cái thay đổi quá đáng, họ có tính bảo thủ, lại hơi tiêu cực và khó thích ứng với hoàn cảnh mới (vì cứ nhớ lại những hình bóng, kỷ niệm thời xa xưa). (Ns: các tính chất trên có thể hình tượng hóa như sau “Mậu = Dương thổ, nên có tượng là vùng đất cao, hơi nhô lên (lộ thiên),…có tính ổn định vững chắc, kiên cố”). MẬU = Giúp đỡ, che chở cho người thì nhiều, mà thọ lãnh sự giúp đỡ của người thì ít, hay nể sợ đàn bà, cá tính ổn trọng thâm trầm, nhiều cao vọng.

6/ KỶ:

Kỷ – Thổ là dạng người nội hàm (có nội tâm được hàm dưỡng tốt), tư cách không nóng vội, chịu đựng và nhẫn nhịn, thường thì các biểu hiện vui, buồn, ưa, ghét, v.v… ít khi để lộ quá rõ ràng ra bên ngoài, đối với công việc thì xử sự linh động, thông minh, đa biến hóa nhưng lại cẩn thận.(Ns: các tính chất trên có thể hình tượng hóa như sau “Kỷ = Âm thổ, nên có tượng là vùng đất ẩn tàng bên trong, phía dưới,…vừa có tính ổn định vừa có tính mềm dẻo, bền bỉ”). KỶ = Cũng thường bao che người khác, nhưng bị người khác làm hao phí tiền bạc của mình, hoặc dễ bị lường gạt, quịt nợ về tiền bạc. Nhưng là người đạt chữ nhẫn tốt nhất nên cuộc sống thường bình ổn và ít gặp phải sóng gió, bôn ba.

7/ CANH:

Canh – Kim thường có cá tính cương nghị, cương quyết, quả đoán, khảng khái, có tính cách hiệp nghĩa, hay giúp người khi người ta gặp khốn khó. Ngoài ra, còn mang tính hiếu thắng, thích xuất đầu lộ diện đứng mũi chịu sào, có đảm lược và hào sảng, cương trực, nhưng cũng cả tính cách công kích, phá hoại cùng dã tâm to lớn. (Ns: các tính chất trên có thể hình tượng hóa như sau “Canh = Dương kim, nên có tượng là thiết trụ kình thiên, thanh bảo kiếm,… có tính rắn chắc, kiên cố nhưng cũng có tính chống đối, tranh thắng”). CANH = Thích tư thế độc lập, giúp người mà không mong người giúp.

8/ TÂN:

Tân – Kim có tính cách nhu hòa, ôn nhã, minh mẫn và khí chất thanh cao, hào sảng, thích thể diện và ít muốn va chạm xông xáo với giới phàm tục (vì e chén ngọc đụng phải chén sành chứ không phải nhút nhát) vì thế có thể bị hiểu lầm là thiếu khí phách, cũng là loại người trọng cảm tình, ý chí không được kiên định. (Ns: các tính chất trên có thể hình tượng hóa như sau “Tân = Âm kim, nên có tượng là đồ trang kim thanh cao, những kim loại mềm và mỏng,…có tính cao quý, trang nhã, đẹp đẽ”). TÂN = Thích thể diện, hình thức, trọng tình cảm, có tâm hồn nghệ thuật.

9/ NHÂM:

Nhâm – Thủy có tính cách nhiệt tình cuồng cuộn như dòng sông đang trôi chảy, là kẻ đa tài đa nghệ, kiêm bị văn võ muốn chơi đằng nào cũng được, thường xuyên lạc quan yêu đời và ngoại hướng (thích hòa mình với sinh hoạt của dòng đời, dễ bị sự quyến rũ từ bên ngoài) có mưu lược và biết nắm lấy thời cơ, tuy thông minh nhưng hay làm theo ý của mình (ít chịu khuất phục kẻ khác). (Ns: các tính chất trên có thể hình tượng hóa như sau “Nhâm = Dương thủy, nên có tượng là thác nước, mưa bão, những con sóng lớn,…có tính mạnh mẽ lôi cuốn nhưng không ổn định”). NHÂM = Tính cách độc lập và tự phụ rất cao, nắm được Thiên thời nên dễ chiếm được tiện nghi trong nhiều hoàn cảnh.

10/ QUÝ:

Quý – Thủy là kẻ thanh t*o, êm thắm, ôn nhu, bình tĩnh và hướng nội (sống thiên về nội tâm), là kẻ trọng tình cảm và có nhiều mơ mộng, ảo tưởng, tuy có tâm nhẫn nại, nhường nhịn nhưng đôi khi cũng bị nổi cộc nếu bị khiêu khích quá đáng. (Ns: các tính chất trên có thể hình tượng hóa như sau “Quý = Âm thủy, nên có tượng là chén nước trà quý, rượu ngon,…có tính thi vị, lan toả hương thơm”). QUÝ = Dễ bị hao tổn, thích biến động, bởi Quý là Can duy nhất không muốn dựa vào thế lực của Thiên / Địa / Nhân mà chỉ trông mong vào sự nỗ lực của chính mình, cho nên ưa thích những ngành nghề tự do, khởi phục cao độ.

II. Thuyết Tam Tài (rút gọn)

TAM TÀI: THIÊN, ĐỊA, NHÂN (Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa).

NGUỒN GỐC phát sinh của TAM TÀI:

THIÊN: Khai tại TÝ 

ĐỊA: Khai tại SỬU 

NHÂN: Khai tại DẦN

Tý, Sửu, Dần, 3 Cung đó là nơi khai thủy của Tam Tài (Thiên, Địa, Nhân), khoa Tử vi là môn nghiên cứu về Nhân, mà Dần là cung khởi thủy của Nhân, do đó lấy Dần làm Chính cung để định Thân / Mệnh. 

CHỖ SỞ CƯ CỦA TAM TÀI:

Trong 12 địa chi thì được phân chia thành 4 bộ Tam hợp và bộ Tứ hành xung, trong đó:

THIÊN cư tại TÝ NGỌ MÃO DẬU = ứng với Thượng Hào.

NHÂN cư tại DẦN THÂN TỴ HỢI = Ứng với Trung Hào.

ĐỊA cư tại THÌN TUẤT SỬU MÙI = Ứng với Hạ Hào.

Do vậy, cứ theo Địa Chi mà nói thì nói thì cứ mỗi TAM HỢP đều có đủ Tam Tài.

ỨNG DỤNG CỦA TAM TÀI:

Mệnh Cung Tam Tài dùng xem xét số phận của người được xem cái cách người đó sẽ được hưởng Thiên thời / Địa lợi / Nhân hòa như thế nào, mức độ ra sao, nhằm giúp quyết đoán Cách cục của 1 lá số. (Ns: Đối với những người mới học Tử Vi có thể dùng như một căn cứ để bổ khuyết cho phép hội sao khi chưa có kinh nghiệm).

Tại Vận trình (Đại / Tiểu Hạn), Tam Tài dùng để xem xét Thời Thế như thế nào, có nên lộ mặt ra (làm ăn, hoạt động…) hay không, hay nên ẩn nhẫn, nên / không nên làm gì trong Đại / Tiểu Hạn này, mức độ thành công / thất bại cao thấp như thế nào, v.v…

Theo địa chi thì cứ trong mỗi TAM HỢP MỆNH CUNG đều có bao hàm các yếu tố THIÊN / ĐỊA / NHÂN. Có nghĩa là mỗi con người khi sinh ra đều phải chịu 3 loại Tác động rất quan trọng trong cuộc sống, đó là:

THIÊN THỜI = Tự giúp mình (độc lập, tự lập) nhưng nắm được thời cơ, điều kiện thuận lợi.

ĐỊA LỢI = Mình giúp người, nhưng chiếm vị thế nên hoàn cảnh, môi trường sẽ giúp lại cho ta.

NHÂN HÒA = Người xung quanh giúp mình, nhưng chưa chắc được hưởng Thiên thời, Địa lợi. 

Nắm được Thiên thời là hay nhất (Ns: hay gặp may mắn, gặp thời), cho nên lá số nào có MỆNH CAN là GIÁP / ĐINH / CANH thuộc THIÊN thì thường được thành công và chiếm nhiều trong số lượng danh nhân / Vĩ nhân. Thiên can là QUÝ cũng có khả năng thành công và là Danh / Vĩ nhân, nhưng dễ bị Hao / Phá.

Qua những Tượng ý bên trên, chúng ta có thể đại lược suy ra được Tính cách của từng lá số, ví dụ như các trường hợp sau đây:

– Chẳng hạn Mệnh cung Thiên Can = BÍNH, thì thường được Mẹ / Vợ chu cấp, lo lắng, chăm sóc, v.v… nhưng cũng dễ bị xung khắc. 

– TÀI BẠCH cung CAN tọa NHÂM = phải tự lực phấn đấu và phải dựa vào Thiên thời / Thiên ý (có nghĩa là phải đi hỏi Thầy bói khi nào làm ăn được, he he! – Ns: chỗ này tác giả hài hước cho vui vậy thôi, độc giả cần xem lại tính chất của can Nhâm).

– QUAN LỘC cung CAN tọa MẬU = Sự nghiệp của mình có thể dùng để bao bọc, giúp đỡ hay làm lợi cho kẻ khác, cho nên thường dễ bị phí tổn tâm sức mà cái lợi không có là bao. 

Hoặc giả như trường hợp:

– Mệnh cung THIÊN CAN tọa NHÂM = Tính cách cao ngạo, tự thị, nếu giàu có thì cũng chia xẻ cho họ hàng hay người nghèo. 

Lập lá số xong, xem đại khái sư kết hợp của Tinh tú, rồi dùng TAM TÀI, TỨ TƯỢNG (Tứ Hóa) quan xét thì gọi là XÉT VỀ KHÍ TƯỢNG (3 TÀI / 4 HÓA) để định CÁCH CỤC. Đây là chiêu thức CAO CẤP mà các Đại sư ngày xưa đã sử dụng, ngày nay bộc lộ ra thì ắt có kẻ coi thường, nhưng chỉ cần vài người hiểu giá trị và tự tìm biết cách ứng dụng.

III. Mệnh cung Thiên Can phối Thuyết Tam Tài (rút gọn)

Các Lý Thuyết liên quan tới TAM TÀI lâu nay bị bưng bít, một vài Trưởng lão thủ đắc được chiêu Tam Tài cứ lâu lâu đem ra HÙ 1 tiếng làm bọn Hậu bối giựt mình, chơi như vậy là không công bằng, nên hôm nay tui xin được công bố, vì thế quý vị không nên xem thường Chiêu này, nếu không có chỗ dùng tại sao người ta lại giấu kỹ như vậy?

GIÁP / ẤT / BÍNH = Thuộc THIÊN .

ĐINH / MẬU / KỶ = Thuộc ĐỊA .

CANH / TÂN / NHÂM = Thuộc NHÂN.

QUÝ là can có vị trí không chịu nhiều tác động của các thế lực THIÊN / ĐỊA / NHÂN.

TAM TÀI = THIÊN – ĐỊA – NHÂN (THEO THỨ TỰ 1-2-3).

GIÁP – ẤT – BÍNH (theo Thứ tự A – B – C)

Lấy A-B-C áp đặt lên trên 1- 2- 3 ta sẽ có:

1/ 

GIÁP thuộc THIÊN, nên GIÁP là THIÊN chi THIÊN (Trời của Trời / tầng Trời cao nhất).

ẤT thuộc ĐỊA, nên ẤT là THIÊN chi ĐỊA.

BÍNH thuộc NHÂN, nên BÍNH là THIÊN chi NHÂN.

2/ 

ĐINH thuộc THIÊN, nên ĐINH là ĐỊA chi THIÊN.

MẬU thuộc ĐỊA, nên MẬU là ĐỊA chi ĐỊA.

KỶ thuộc NHÂN, nên KỶ là ĐỊA chi NHÂN.

3/ 

CANH thuộc THIÊN, nên CANH là NHÂN chi THIÊN.

TÂN thuộc ĐỊA, nên TÂN là NHÂN chi ĐỊA.

NHÂM thuộc NHÂN, nên NHÂM là NHÂN chi NHÂN.

Can QUÝ đứng độc lập, không phụ thuộc THIÊN / ĐỊA / NHÂN, gọi là Ngoại Hóa chi Vị (Vị trí có Hóa thể Ngoại thuộc).

Để dễ hiểu có thể đưa về dạng bảng kiểu của bảng lập thành quẻ dịch, sau khi xác định được thiên can, muốn biết tính chất của nó khi phối vào thuyết Tam Tài thì chỉ cần: Nhìn vào bảng thấy can đó nằm ở đâu và chiếu từ trái qua phải, rồi chiếu lên trên, sẽ biết ngay:

QUÝ THIÊN ĐỊA NHÂN

THIÊN GIÁP ẤT BÍNH

ĐỊA ĐINH MẬU KỶ

NHÂN CANH TÂN NHÂM

VD: Giáp = Thiên chi Thiên, Kỷ = Địa chi Nhân, Tân = Nhân chi Địa, Nhâm = Nhân chi Nhân,…

Mời cung chủ MYC tiếp tục ra tay, nhân tiện xin MYC chỉ giáo về sự liên hệ giữa thuyết Tam Tài MC TC và thuyết Tam Tài của Hạn.

– Ma Y Cung đáp:

VỀ TAM TÀI của Đại hạn liên quan đến Mệnh cung Tam tài theo tôi thì cũng tựa như Lưu Tứ Hóa của đại hạn đối với Tứ Hóa Mệnh cung mà thôi, ví dụ Mệnh cung thiếu Địa lợi mà địa lợi thấy xuất hiện tại đại hạn thì tại Hạn này có thể làm ăn dễ dàng và mát mặt với đời 1 tý, vì đã hội đủ Tam Tài, nếu thấy kết hợp Tinh diệu tại Hạn này tương đối không xấu.

Vấn đề là phải làm sao kết hợp được sư liên hệ giữa Tam Tài Của Mệnh cung / đại hạn với Tứ Hóa cũng như sự phối hợp Cát / bất Cát của Tinh diệu để đưa ra 1 giải đáp tương đối Chính xác. Lý thuyết là vậy nhưng khi áp dụng thì mỗi người mỗi ý, có người chủ trương lược bỏ Tứ Hóa và Tinh diệu, có người chủ trương loại bỏ Tinh diệu chỉ giữ lại Tam Tài và Tứ Hóa .v.v…

(TAM TÀI ỨNG DỤNG TRONG ĐẠ/ & TIỂU HẠN)

– Ví dụ:

LƯU ĐẠI HẠN cung QUAN có TC = ĐINH, Tức L.QUAN được hưởng Thiên thời, nhưng nếu Tiểu Hạn là các năm NHÂM / QUÝ thì Thủy sẽ khắc Hỏa của ĐINH làm cho GIẢM hoặc MẤT Thiên thời.

Như LƯU ĐẠI HẠN cung TÀI có TC = ẤT, tức L.TÀI hưởng được Địa lợi, nếu Tiểu hạn là năm TÂN, Kim khắc Mộc, làm giảm mất phần Địa lợi trong Cung Tài.

Cũng vậy, Tiểu Hạn tại Cung Dần có chữ BÍNH, tức được Nhân Hòa, nhưng nếu đó là năm 1992 = Nhâm Thân, thì Nhâm sẽ khắc Bính làm mất đi lợi thế Nhân hòa . (Phải an Thiên Can theo năm sinh, bắt đầu từ Cung Dần chạy thuận vòng cho đến cung Sửu).

Ngược lại, những năm nào SINH cho Tam Tài thì Tốt, cứ theo lý Ngũ Hành sinh khắc, chế hóa mà suy luận.

Như vậy, vấn đề này vẫn chưa thống nhất và cần nhiều thảo luận, trao đổi để khám phá thêm, vì đơn giản là từ trước đến nay chưa từng có những cuộc hội thảo kiểu này, vấn đề là phải có 1 hiểu biết tổng quát, mà mỗi người chỉ biết có khu vườn nhỏ của mình, như vậy cần có nhiều phát hiện khác để bổ sung và củ chính.

Về việc phối Tam Tài, Tui – Ma Y Cung – xin sắp xếp lại (cho có trật tự 1 tý):

GIÁP ẤT BÍNH = Thiên .

ĐINH MẬU KỶ = Địa

CANH TÂN NHÂM = Nhân .

—————————————

Thiên Địa Nhân

Ví dụ, muốn biết GIÁP là gì, ta thấy theo chiều NGANG thì GIÁP = Thiên .

Từ chữ GIÁP nhìn theo chiều DỌC xuống dưới cùng ta thấy chữ Thiên. Như vậy GIÁP = Thiên chi Thiên.

KỶ, theo chiều Ngang = Địa / theo chiều Dọc = Nhân.Vậy, KỶ = Địa chi Nhân.

Các Bạn FORGET giùm phần viết bên trên (1-2-3) và (A-B-C) đi vì thấy nó lủng củng quá.

4. Nick QuachAthanh: Bác Ma Y Cung, Mong bác có thể cho một vài ví dụ về cách luận. Như Mệnh cung là can Canh.

Canh đọc ngang là Nhân = Được người giúp, ỷ lại

Canh đọc dọc xuống là Thiên = Độc lập tính, nắm được thiên thời.

Như vậy cung Mệnh can Canh sẽ là Nhân Chi Thiên. Ý nghĩa của Nhân Chi Thiên là gì? Phải chăng là sự tổng hợp của hai yếu tố Nhân và Thiên?

– Đáp:

THIÊN = Thiên thời, ĐỊA = Địa lợi, NHÂN = Nhân hòa. Cứ dựa theo ý của 3 chữ trên mà diễn đạt. HÀNG NGANG LÀ CẤP SỐ, HÀNG DỌC LÀ BẢN VỊ.

* HÀNG DỌC = BẢN VI:

GIÁP / ĐINH / CANH = THIÊN THỜI (nắm được THIÊN THỜI vì có BẢN VỊ là chữ THIÊN).

ẤT / MẬU / TÂN = ĐỊA LỢI (nắm được ĐỊA LỢI vì BẢN VỊ là chữ ĐỊA).

BÍNH / KỶ / NHÂM = NHÂN HÒA (nắm được NHÂN HÒA vì BẢN VI là chữ NHÂN).

* HÀNG NGANG = CẤP SỐ.

Chữ THIÊN / ĐỊA / NHÂN theo hàng NGANG có thể hiểu là THƯỢNG / TRUNG / HẠ, vì dùng để chỉ CẤP SỐ.

* Điểm CHÍNH YẾU là HÀNG DỌC còn HÀNG NGANG chỉ là CẤP SỐ.

Như chữ ĐINH, Bản vị là THIÊN cho nên nắm được THIÊN THỜI, và có Cấp số là ĐỊA (TRUNG) nên gọi là ĐỊA chi THIÊN = Có được Thiên thời, nhưng chỉ ở mức TRUNG ĐẲNG. chưa phải là cao nhất (vì cao nhất là Thiên chi Thiên).

Như chữ TÂN = ĐỊA LỢI, nhưng Địa lợi ở CẤP ĐỘ nào thì xem HÀNG NGANG = NHÂN (có nghĩa chỉ ở mức HẠ ĐẲNG – thấp nhất).

Ví dụ: Mệnh cung Thiên can có NHÂM = Nhân chi Nhân, có nghĩa là người này nắm được, sở hữu được tính Nhân hòa, tức là được lòng người xung quanh (Bà con, hàng xóm… tuy rằng ở mức độ không cao vì chỉ có cấp số là NHÂN (Hạ đẳng).

Nếu QUAN có chữ NHÂM = Được cấp trên đề bạt / đồng nghiệp giúp đỡ, v.v… tuy nhiên những sự ưu ái đó vẫn chưa phải là cao nhất vì do cấp số chỉ ở mức thấp.

Nếu TÀI có chữ NHÂM = Tiền bạc làm ra là nhờ yếu tố nhân sự, nhân hòa, chẳng hạn như mở quán Phở, tài nghệ nấu nướng thì chỉ dưới trung bình, quán lại ở trong hẻm nhưng vẫn sống được vì cả xóm đa số đều ủng hộ.

Như vậy khi Mệnh cung Thiên Can = NHÂM, tức đương sự nắm được yếu tồ Nhân hòa.

5. Nick Khongtuong: Mong Cung chủ MYC tiếp tục tường minh giùm tôi và các độc giả ở một vài điểm nữa trong thuyết Tam Tài Mệnh Cung Thiên Can.

Do khởi từ Dần nên đến Hợi sẽ hết 10 TC, qua Tý & Sửu sẽ lần lượt lặp lại TC của Dần & Mão. Vì vậy, Hành của các cung này sẽ vượng hơn các Hành khác tại các cung còn lại. Ví dụ: năm 2010-Canh Dần thì TC Tháng Giêng – cung Dần là Mậu (thổ), Mão là Kỷ (thổ),… đến Tý là Mậu (thổ), Sửu là Kỷ (thổ). Như vậy:

a, Sự vượng quá của Thổ sẽ có vai trò như thế nào khi luận đoán?

b, Xét về Hành của các Địa Chi của cung thì Dần & Mão thuộc Mộc, nay thiên can của cung đều là Thổ. Tương tự, Tý thuộc Thủy, Sửu thuộc Thổ, nay thiên can đều là Thổ. Sự chế hóa của Ngũ hành có được áp dụng vào đây hay không?

c, Nếu tạm bỏ qua sự rắc rối về Hành của các Địa Chi, sau khi xác định được Thiên Can của các cung thì ghép ngay vào Địa Chi và dùng ngay Hành của Nạp Âm của nó liệu có thỏa chăng?

– Đáp:

a/ Khi qua những Cung Vượng THỔ, dĩ nhiên Hiện tượng Địa lợi nổi bậc, nhưng CÁI CHÍNH và QUYẾT ĐINH VẪN LÀ THIÊN CAN.

THIÊN CAN là Quyết định nhưng nhìn ĐỊA CHI có thể cho ta biết Mức độ Thịnh / Suy … của Thiên Can như thế nào. Vì thế, khi đã phối hợp Can và Chi thì không cần thiết dùng HÀNG NGANG – CẤP SỐ nữa.

b/ Tất nhiên là PHẢI CÓ sự Chế Hóa của Ngũ Hành ở đây,vì thế tôi mới đưa ra cái Hướng Kết hợp Can Chi. VẤN ĐỀ là tại sao người ta chỉ lấy Thiên CAN để luận?

Thứ nhất là Địa chi gồm nhiều Thành phần, không chuyên nhất.

Thứ nhì, kết hợp Can Chi nhiều khi rất khó cho người luận.

Thứ ba, Địa Chi cũng như gốc rễ (Địa chi = nhánh dưới đất = gốc rễ), Thiên Can cũng như thân cây, hoa lá cành. Thiên Can vì hiển lộ nên dễ thấy, Địa chi ẩn tàng nên khó nhìn.

Thiên Can ví như Thân cây /như HOA, duy chỉ nhìn HOA là có thể biết được Tổng thể của nó, chẳng hạn nhìn 1 đóa hoa là ta có thể biết giống Hoa gì, Quý hay tầm thường (Cách cục) nhìn lá có thể biết nó bị bệnh gì, nhìn Thân biết nó sống được bao lâu …

Từ trước đến nay, như tôi đã nói, chưa có ai dùng sự kết hợp giữa CAN và CHI để luận đoán về Tam Tài, người ta chỉ 1 mạch dùng THIÊN CAN mà thôi.

Cho nên Kết hợp giữa CAN và CHI để luận Tam Tài là 1 HƯỚNG quá mới mà tôi đã đề ra, nhưng vẫn có cái lý của nó. Và Các Bạn muốn đi Hướng này thì phải tự làm chủ chính mình, đây là 1 lối đi chưa ai đi, thì mình là người Pioneer phải đi thử và quan sát lấy kinh nghiệm, trước mặt của mình không là ai cả.

c/ Nếu Bạn dùng NẠP ÂM thì lại tạo dựng thêm 1 Hướng mới nữa, tại sao không thỏa chứ? Dùng Nạp Âm có nghĩa là bỏ Chính Ngũ Hành nhảy qua dùng Phản Ngũ Hành, dùng Nạp Âm có nghĩa là dùng SỐ / KHÍ SỐ để đoán, cũng tựa như dùng Quái số vậy. Tử bình xưa kia cũng có trường phái dùng Nạp Âm đoán rất chính xác.

Bổ xung thêm về LÝ THUYẾT: TAM TÀI có 2 phần: ÂM và DƯƠNG:

Tất cả Phần Lý thuyết về MC THIÊN CAN bên trên có thể gọi là DƯƠNG CỤC TAM TÀI, vì Thiên Can thuộc DƯƠNG.

Nửa phần còn lại là PHẦN nghiên cứu thêm về ĐỊA CHI TAM TÀI, hay gọi là ÂM CỤC TAM TÀI (Xem bảng CHỖ SỞ CƯ CỦA TAM TÀI).

Thực ra người ta chỉ dùng DƯƠNG CỤC Tam Tài để luận về THIÊN THỜI / ĐỊA LỢI / NHÂN HÒA, không mấy ai phối hợp DƯƠNG CỤC và ÂM CỤC, tức PHỐI HỢP THIÊN CAN và ĐỊA CHI để luận vì Âm cục Tàng Can rất hỗn Tạp, không được Tinh thuần như Thiên Can, đó là lý do người ta không dùng ĐỊA CHI TAM TÀI.

Nhưng phải chú ý một số trường hợp sau:

GIÁP TÝ = Giáp và Tý đều thuộc THIÊN, can Giáp – Mộc được chi Tý – Thủy sinh cho, nên nắm được Thiên thời rất mạnh.

ĐINH MÃO cũng vậy, ĐINH và MÃO = THIÊN, mà MÃO – Mộc sinh cho ĐINH – Hỏa nên Thiên thời rất mạnh.

CANH TÝ = Đều là THIÊN, nhưng CANH – Kim lại sinh xuất TÝ – Thủy, nên tính chất Thiên thời tuy khá mạnh, nhưng đang trên đà giảm sút.

CANH NGỌ = Đều là THIÊN, nhưng CANH đang ở Vị thế Mộc dục, có lực lượng yếu nhất trong Lục CANH. Nhưng dù sao CANH NGỌ ở vị thế Lưỡng THIÊN, nên khí thế vẫn mạnh, nhưng cuối cùng cũng chính vì quá ỷ vào Thiên thời mà có thể suy sụp sự nghiệp.

Ở ngay trên là nói về các trường hợp thuộc Thiên, còn các trường hợp khác (ĐỊA và NHÂN) thì cũng suy luận tương tự sẽ hiểu.

DÙ SAO, trong giai đoạn đầu để khỏi bối rối, quý vị cứ dùng THIÊN CAN là đủ.

Sau khi dùng TC thuần thục, thì mới đi thêm bước nữa là dùng Thiên can phối Địa chi, nhưng theo tôi biết thì trong THỰC HÀNH, hiện nay chưa có ai dùng chiêu này.

Nên nhớ trong Trường hợp nào thì cũng phải phối hợp với TINH DIỆU để luận, Ví dụ, bản cung có được Thiên thời, nhưng ngộ Không Kiếp / Mã ngộ Không vong / Thiên Không, Hình, Kỵ, v.v… thì coi như Tính chất Thiên thời bị tổn hại nặng, không còn bao khí lực.

6. Nick Cự Cơ: Mong được Bác ma y cung giải thích giúp Cháu tuổi Ất Sửu Mệnh cung ở Dậu. Cháu xin cảm ơn Bác nhiều!

– Đáp:

MC TC = ẤT (DẬU) = Thiên chi Thiên, Thiên thời có Khí thế rất mạnh, lại thêm Địa chi là chữ THIÊN, nên có đầy đủ khí lực, Thiên thời ở thế Cực mạnh, nhưng Địa chi Dậu Kim khắc Mộc nên có giai đoạn bị mất Thiên thời, Hậu vận hoặc trong 1 Đại vận nào đó có thể suy vi vì mất Thiên thời (kết hợp Tinh diệu ở các Đại vận để đoán).

QUAN CUNG Thiên Can = KỶ (SỬU) = Địa chi Nhân, tính cách Nhân Hòa chiếm mức Trung bình. Địa chi đồng Hành lại chiếm chữ Địa thì thế Nhân hòa trên mức trung bình (ở đây vẫn luận Nhân hòa là Chính).

TÀI CUNG Thiên Can = TÂN (TỴ) = Nhân chi Địa, Địa lợi ở thế thấp. Địa chi TỴ = Nhân, Tỵ Hỏa khắc Tân Kim, nhưng Kim không bị tiêu diệt (Trường sinh chi địa), như vậy Địa lợi của Tài cung ở mức rất thấp.

Làm ăn nên chú trọng ở mặt Địa lợi (vì mình bị yếu thế ở lãnh vực này), ví dụ chọn địa điểm kinh doanh tại những chỗ thuận tiện cho sự đi lại, đùng chọn trong hóc hẻm (ở Mỹ mở tiệm mà thiếu Parkings thì sụp liền), mua bán nhà đất cũng vậy, đừng chọn ở những nơi hẻo lánh, ngập nước .v.v .Nếu là Sĩ quan, thì phải học thêm về Địa hình.

MỆNH Cung Thiên Can có Địa lợi bị Hãm, đa Sát tinh, nếu có Hỏa Tinh đừng ở những tòa cao lâu có rào kín mít, Hỏa hoạn khó thoát, v.v…

* Nói về nguồn gốc của Thuyết “Mệnh Cung Thiên Can phối Tam Tài”:

Tôi xin minh định tôi không tạo lập ra Thuyết này, Tác giả Thuyết này là ai và có ghi chú trong các sách Tử vi Bí truyền hay không thì tôi cũng rõ, chỉ biết rằng đây là 1 Bảo bối và được Khẩu truyền (trước 1975, Chiêu này được ít người biết nhưng chỉ truyền trong gia đình/đệ tử ruột, nhà tui có mấy ông Chú, Bác chơi Tử vi trên 30 niên mà cũng không được ai dạy Chiêu này).

Chiêu Tam Tài này theo tui thì có lẽ là của NAM Phái HÀ LẠC, Trường phái này rất chuyên về KHÍ CÔNG, thường dùng CAN và CHI (Ngũ Hành) phối hợp với Cung vị / âM DƯƠNG để coi số. Nhưng thông thường thì thấy họ dùng CAN là CHÍNH / CHI là PHỤ.

Phái HÀ LẠC này có ảnh hưởng rất lớn ở miền Nam Trung Hoa và ngay cả VN.

Trong các sách Tử vi hiện hành thỉnh thoảng thấy tàn tích của Họ, thấy trong PhiTinh TVDDS, TÚ phái Tvds, Tử vi Áo Bí (Việt viêm Tử), Trường phái sư huynh đệ của Cụ Bala đều có sử dụng lý thuyết Hà lạc, nhưng tuyệt nhiên không ai đề cập đến Chiêu này.

Về BẰNG CHỨNG: Bằng chứng chính là Thời gian, tui không cần đánh bóng nhưng ai cũng biết đây là 1 chiêu cao tầng, đã là cao tầng thì Cao thủ lấy ra áp dụng (sau vài tháng cho đến 1 năm, vì mới đầu còn lọng cọng chưa thể đánh giá được) sẽ thấy thuận tay vừa ý hay không, vì còn tùy, chiêu này tui thích nhưng anh không thích thì sao? Và đã là Cao thủ thì có thể tự vận hành sử dụng khi đã biết kiếm quyết. Tự nghiệm mới thấy được cái hay của nó ở chỗ nào.

(Nguồn: bài viết của tác giả Ma Y Cung)

Trusted by some of the biggest brands

spaces-logo-white
next-logo-white
hemisferio-logo-white
digitalbox-logo-white
cglobal-logo-white
abstract-logo-white
white-logo-glyph

We’re Waiting To Help You

Get in touch with us today and let’s start transforming your business from the ground up.