Chương 42: Quẻ THỦY SƠN KIỂN
64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Kinh Dịch – Đạo Của Người Quân Tử” của học giả Nguyễn Hiến Lê.
64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Dịch Kinh Đại Toàn” của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê.
64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Bát Tự Hà Lạc – Lược Khảo” của Học Năng.
“Kinh Dịch – Đạo Của Người Quân Tử” của học giả Nguyễn Hiến Lê.
::|:|: Thủy Sơn Kiển (蹇 jiǎn)
Quẻ Thủy Sơn Kiển, đồ hình ::|:|: còn gọi là quẻ Kiển 蹇 (jian3), là quẻ thứ 39 trong Kinh Dịch.
* Nội quái là ☶ (::| 艮 gen4) Cấn hay Núi (山).
* Ngoại quái là ☵ (:|: 坎 kan3) Khảm hay Nước (水).
Giải nghĩa: Nạn dã. Trở ngại. Cản ngăn, chặn lại, chậm chạp, què, khó khăn. Bất năng tiến giả chi tượng: không năng đi.
Ở thời chia lìa chống đối thì tất gặp nỗi gian nan, hiểm trở, cho nên sau quẻ Khuê tới quẻ Kiển (gian nan)
Thoán từ
蹇: 利西南, 不利東北, 利見大人, 貞吉.
Kiển: Lợi Tây Nam, bất lợi đông Bắc, lợi kiến đại nhân, trinh cát.
Dịch: Gian nan: đi về Tây nam thì lợi, về đông Bắc thì bật lợi. Gặp đại nhân giúp cho thì lợi; bền giữa đạo chính thì mới tốt.
Giảng: Trước mặt là sông (Khảm), sau lưng là núi(Cấn), tiến lui đều gian nan hiểm trở nên gọi là quẻ Kiển. Phải bỏ đường hiểm trở mà kiếm đường bằng phẳng dễ đi, ở hướng Tây Nam, hướng quẻ Khôn, đừng đi hướng đông Bắc, hướng quẻ Cấn. Dĩ nhiên chúng ta không nên hiểu đúng từng chữ Tây Nam và Đông Bắc, chỉ nên hiểu ý thôi.
Ở thời gian nan này, phải nhờ có người có tài, đức (đại nhân) giúp cho thì mới thoát nạn (lợi kiến đại nhân), và phải bền giữ đạo chính.
Đại tượng truyện khuyên phải tự xét mình mà luyện đức (phản thân tu đức).
Hào từ
1. 初六: 往蹇, 來譽.
Sơ lục: vãng kiển, lai dự.
Dịch: Hào 1, âm: tiến lên thì gặp nạn, lui lại (hoặc ngừng) thì được khen.
Giảng: Vào đầu thời gian nan, hào 1 này âm nhu, không có tài, tiến lên hay hành động thì xấu, chỉ nên chờ thời.
2. 六二: 王臣蹇蹇, 匪躬之故.
Lục nhị: Vương thần kiển kiển, phỉ cung chi cố.
Dịch: Hào 2 âm: bậc bề tôi chịu gán hết gian nan này tới gian nan khác là vì vua, vì nước, chứ không phải vì mình.
Giảng: hào này cũng âm nhu, kém tài, nhưng đắc trung đắc chính, có đức, được vua (hào 5, dương mà cũng trung chính) phó thác việc nước, nên phải chống chỏi với mọi gian nan, không dám từ, mặc dầu tự biết không chắc gì cứu nước, cứu dân được trong thời khó khăn này. Hoàn toàn không vì mình, đáng khen.
3. 九三: 往蹇, 來反.
Cửu tam: Vãng kiển, lai phản.
Dịch: Hào 3, dương: Tiến tới thì mắc nạn, nên trở lại.
Giảng: hào này dương cương đắc chính, nhưng vẫn còn ở nội quái, tức chưa hết nửa thời gian nan, lại thêm hào trên cũng âm nhu, ứng với nó mà không giúp được gì, nên Hào từ khuyên đừng tiến, cứ quay lại với hào âm thì vui vẻ hơn; bề gì cũng là bạn cũ rồi.
4. 六四: 往蹇, 來連.
Lục tứ: Vãng kiển, lai liên.
Dịch: Hào 4, âm: tiến tới thì mắc nạn, nên trở lại mà liên hiệp với các hào dưới.
Giảng: Hào này âm nhu, kém tài, đã tiến lên ngoại quái, quá nữa thời gian nan, nhưng lại gặp hiểm trở (ngoại quái là Khảm) cũng không nên tiến lên, mà nên lùi lại với hào 3, liên hợp với ba hào ở dưới, để thêm thế lực.
5. 九五: 大蹇, 朋來.
Cửu ngũ: Đại kiển, bằng lai.
Dịch: Hào 5, dương: cực kỳ gian nan, nhưng có bạn tới giúp.
Giảng: Ở giữa ngoại quái khảm (hiểm) cho nên cực kỳ gian nan. Hào này như ông vua có tài, nhưng cũng khó thoát được hiểm. May có hào 2 đắc trung, đắc chính ứng với mình, sẳn lòng dắt các bạn tức các hào 1, 3, 5 tới giúp mình. Nhưng các hào ấy đều ít tài, trừ hào 3; như vậy là tay chân của 5 tầm thường cả, không làm nên việc lớn, nên Hào từ không khen là tốt. Cũng không dùng chữ lai, không bảo nên lùi vì địa vị nguyên thủ của 5 không cho phép 5 lùi được, lùi thì trút trách nhiệm cho ai?
6. 上六: 往蹇, 來碩, 吉.利見大人.
Thượng lục: Vãng kiển, lai thạc, cát, lợi kiến đại nhân.
Dịch: Hào trên cùng ,âm; tiến tới thì gian nan, lùi lại thì làm được việc lớn, tốt; nên tìm gặp đại nhân thì có lợi.
Giảng: ở cuối thời gian nan, có cảnh tượng đáng mừng; hào này âm nhu, không một mình mạo hiểm được nên quay lại giúp hào 5, bậc đại nhân (có tài đức), thì lập được công lớn (thạc), tốt.
***
Gặp thời gian nan, nên thận trọng đợi thời. Riêng vị nguyên thủ phải tìm người tốt giúp mình, liên kết mọi tầng lớp để cùng mình chống đỡ.
“Dịch Kinh Đại Toàn” của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê.
39. 水 山 蹇THỦY SƠN KIỂN
Kiển Tự Quái | 蹇 序 卦 |
Khuê giả quai dã. | 睽 者 乖 也. |
Quai tất hữu nạn. | 乖 必 有 難. |
Cố thụ chi dĩ Kiển. | 故 受 之 以 蹇. |
Kiển giả nạn dã. | 蹇 者 難 也. |
Kiển Tự Quái
Khuê là gàng quải, xốn xang, chia lìa
Quải gàng, hoạn nạn sẽ kề.
Cho nên, Kiển mới theo Khuê xen vào.
Tất cả những sự chia ly, bế tắc trên đời này, thường sinh ra là do sự chia ly, gàng quải. Vì thế sau quẻ Khuê, tiếp đến quẻ Kiển. Kiển là bế tắc, gian nan, cho nên ở chữ, thì Kiển là khập khiễng; ở quẻ thì trên là Khảm, là nguy hiểm; dưới là Cấn, là núi, là dừng lại. Sự bế tắc của quẻ Kiển do đó mà suy ra, chẳng khác nào một người kẹt ở giữa gian nan, phía trước là nước sâu, là vực thẳm; phía sau là núi cao chót vót, khó vượt, khó trèo. Vì nguy nan như vậy, nên còn tắc nghẽn chưa thoát ra được. Sự đình trệ được tượng trưng bằng quẻ Cấn; sự hiểm nguy được bày vẽ bằng quẻ Khảm.
Trong Kinh Dịch có 4 quẻ nói về nguy hiểm:
– Khảm là nguy hiểm nói chung
– Truân là nguy hiểm còn ít, còn đang thời sơ khởi.
– Khốn là nguy hiểm đến cùng cực, không có cơ cứu vãn
– Kiển là nguy hiểm, là tạm thời bế tắc trong nguy hiểm, nhưng vẫn có cách thoát hiểm được.
Quẻ Kiển đại ý dạy rằng:
– Gặp nguy hiểm chớ nên liều lĩnh mà tiến lên.
– Phải biết nén lòng, chờ đợi cơ hội thuận tiện.
– Gặp nguy, đừng mua thêm cái khó vào người.
– Phải tìm người lãnh đạo có tài, đức mà cộng tác.
I. Thoán.
Thoán từ.
蹇. 利 西 南. 不 利 東 北. 利 見 大 人. 貞 吉.
Kiển. Lợi Tây Nam. Bất lợi Đông Bắc. Lợi kiến đại nhân. Trinh cát.
Dịch.
Kiển là gian hiểm, nguy nàn,
Đông Bắc bất lợi, Tây Nam hữu tình.
Gặp người tài đức, công minh,
Một niềm trinh chính, mới rành, mới hay.
Thoán từ cho rằng: thời kiển nạn hãy đi đường quang, chớ quàng đường rậm. Kiển. Lợi Tây Nam. Bất lợi Đông Bắc. Tây Nam là phương Khôn, là nơi bình địa, Đông Bắc là phương Cấn là nơi núi non chập chùng. Thoán từ lại khuyên nên gặp đại nhân, nên theo chính đạo mới may, mới tốt. Lợi kiến đại nhân. Trinh cát.
Thoán Truyện.
彖 曰. 蹇. 難 也 . 險 在 前 也 . 見 險 而 能 止. 知 矣 哉 . 蹇 利 西 南. 往 得 中 也 . 不 利 東 北. 其 道 窮也 . 利 見 大 人 . 往 有 功 也. 當 位 貞 吉. 以 正 邦 也. 蹇 之 時 用 大 矣 哉.
Thoán viết:
Kiển. Nạn dã. Hiểm tại tiền dã. Kiến hiểm nhi năng chỉ. Trí hỹ tai. Kiển lợi Tây Nam. Vãng đắc trung dã. Bất lợi Đông Bắc. Kỳ đạo cùng dã. Lợi kiến đại nhân. Vãng hữu công dã. Đáng vị trinh cát. Dĩ chính bang dã. Kiến chi thời dụng đại hỹ tai.
Dịch.
Kiển là gian hiểm, nguy nàn,
Trước mắt hiểm hóc, gian nan tơi bời.
Thấy nguy, dừng lại đi thôi,
Mới là sáng suốt, thức thời tri cơ.
Cơn nguy, đường dễ mới vô,
Tránh điều rắc rối, mới là thời trung.
Gặp đường hiểm trở, cũng xông,
Âu đành bế tắc, khốn cùng chẳng sai.
Nếu may, gặp được hiền tài,
Ra tay tế độ, có bài nên công.
Hợp ngôi, mà lại chính trung,
Theo đường minh chính, mới mong tốt lành.
Nước non sẽ bớt điêu linh,
Phù nguy, cứu nạn, mới tình, mới hay.
Thời nguy, dùng được mới tài.
Thoán Truyện trước hết định nghĩa Kiển là nguy nan, trắc trở, và cho biết lý do: nguy nan, trắc trở vì hiểm nguy đang ở trước mắt (Kiển nạn dã. Hiểm tại tiền dã). Thoán Truyện cũng dạy cách sử xự trong thời kỳ kiển nạn: làm sao cư xử cho hay, cho khéo, tránh được cho mình phiền lụy, đừng có nhảy vào nguy hiểm, vào những đường núi, đường cùng, trắc trở, gian nan (Kiển. Lợi Tây Nam. Vãng đắc trung dã. Bất lợi Đông Bắc. Kỳ đạo cùng dã). Gặp thời loạn ly, phải như con chim, biết tìm cây mà đậu; phải như con người, biết tìm chúa mà thờ.
Trong những thời nhiễu nhương, có rất nhiều người nhẩy ra để phiêu lưu, mưu đồ đại sự, nhưng chỉ có bậc đại nhân, có tài, có đức, có đạo lý, có chủ trương, mới có thể hoạch định ra được một đường lối hẳn hoi, để đem lại an bình cho đất nước. Vì thế đoán ra được anh hùng giữa trần ai, mới là hay, là lợi (Lợi kiến đại nhân. Vãng hữu công dã. Đáng vị trinh cát. Dĩ chính bang dã).
Trong thời kiển nạn, mà biết sử xự cho hay, cho khéo, mà biết đường lối phò nguy, tế kiển thì thực là cao siêu vậy. (Kiển chi thời dụng đại hỹ tai).
II. Đại Tượng Truyện.
象 曰. 山 上 有 水. 蹇. 君 子 以 反 身 修 德.
Tượng viết:
Sơn thượng hữu thủy. Kiển. Quân tử dĩ phản thân tu đức.
Dịch.
Tượng rằng: Nước ở trên non,
Thế là kiển nạn, gian nan, cơ cầu.
Hiền nhân, quân tử, trước sau,
Quay về tu đức cho sâu, cho dầy.
Đại Tượng dạy chúng ta một bài học luân lý, một bài học xử thế. Khi bế tắc, khi bất đắc chí, phải làm gì?
– Than thân, trách phận ư? Không!
– Thất vọng, chán chường ư? Không!
– Làm liều, làm bậy ư? Không!
Trái lại, phải phản tỉnh, tu đức, lập thân. Tượng viết: Sơn thượng hữu thủy. Kiển. Quân tử dĩ lập thân tu đức.
Đó là một cách xử thế của Nho gia. Mạnh Tử viết: Người quân tử lúc đắc chí ra làm quan, thì chung sức cùng dân mà thi hành những đức nhân, nghĩa, lễ. Khi chẳng đắc chí thì ẩn dật mà tu thân hành đạo. (Mạnh Tử, Đằng văn Công chương cú hạ, tiết 2)
III. Hào từ & Tiểu Tượng Truyện
1. Hào Sơ Lục.
初 六. 往 蹇. 來 譽.
象 曰. 往 蹇 來 譽. 宜 待 也.
Sơ lục:
Vãng Kiển. Lai dự.
Tượng viết:
Vãng Kiển lai dự. Nghi đãi dã.
Dịch.
Tiến lên sẽ gặp nguy tai,
Lui đi âu sẽ được đời khen lao.
Tượng rằng: Tiến lên sẽ gặp nguy nan,
Khen vì đã biết tính toan, chờ thời.
Hào Sơ Lục nói: Phàm sinh ra ở đời, cần phải biết:
– Tự lượng sức mình.
– Biết ước đạc được thời thế thuận, nghịch; hoàn cảnh dở, hay.
– Phải biết hành động cho hợp thời, hợp lý.
Ở đây Sơ Lục là một người âm nhu chi tài, tức là cũng chẳng giỏi giang là bao lăm, mà lại ở Hào Sơ, tức là ở địa vị thấp kém, và cũng không thích hợp với mình, hơn nữa lại gặp thời buổi nhiễu nhương, kiển nạn. Vậy thời phải làm gì? Dịch dạy, nên ở yên mà chờ thời, mới bảo toàn được danh tiết của mình, còn nếu múa may bừa phứa, thì chỉ tổ chiêu tai, rước hoạ vào mình. Vì thế mới nói: Vãng kiển. Lai dự. Tượng Truyện khuyên rõ hơn: Nghi đãi dã, là nên chờ đợi. Đó chính là thời mà Lã Vọng buông câu nơi Vị Thủy, chờ đợi một ngày mai tươi sáng.
2. Hào Lục nhị.
六 二. 王 臣 蹇 蹇. 匪 躬 之 故 .
象 曰. 王 臣 蹇 蹇. 終 無 尤 也.
Lục nhị.
Vương thần kiển kiển. Phỉ cung chi cố.
Tượng viết:
Vương thần kiển kiển. Chung vô vưu dã.
Dịch.
Công thần nguy thậm, nguy tai,
Quên mình vì nghĩa, bao nài tấm thân.
Tượng rằng: Thần tử lâm nguy,
Quên mình vì nước, lỗi gì nữa đâu.
Hào Lục nhị ở trong một hoàn cảnh khác. Đây chính là một công thần nắm trọng trách trong tay. Vậy một vương thần phải làm gì? khi gặp thời buổi nhiễu nhương, chập chùng, nguy hiểm chập chùng. Dịch dạy: Lúc ấy phải biết quên mình, vì dân, vì nước.
-Nguy cơ chập chùng, nên gọi là Vương thần kiển kiển. Vì nước quên mình, nên nói Phỉ cung chi cố. Không phải lúc ấy mình phải đội đá vá trời, phải làm những việc quá sức, quá trí mình. Trái lại, cứ lo cho tròn nhiệm vụ, còn thành, hay bại, chẳng khá quan tâm; mà cuối cùng cũng chẳng có ai đem thành, bại, mà luận anh hùng bao giờ. Vì thế Tiểu Tượng mới giải thích thêm: Vương thần kiển kiển. Chung vô vưu dã. Đó chính là Khổng Minh, chỉ biết cúc cung tận tụy, phục vụ cho tới mãn phần, còn thành, bại, dở, hay, không biết đâu mà dám nói trước.
3. Hào Cửu tam.
九 三. 往 蹇 來 反.
象 曰. 往 蹇 來 反. 內 喜 之 也.
Cửu tam:
Vãng kiển lai phản.
Tượng viết:
Vãng kiển lai phản. Nội hỉ chi dã.
Dịch.
Ra đi sẽ bị nguy nan,
Thời thôi, nên hãy lo toan quay về.
Tượng rằng: Đi sẽ nguy nan,
Thời thôi, nên hãy lo toan quay về.
Người thân âu sẽ thỏa thuê.
Cửu tam tuy là một người Dương cương chi tài, nhưng ở trong một hoàn cảnh nguy hiểm hết sức, vì Cửu tam ở sát ngay ngoại quái là quẻ Khảm. Cửu tam lại còn là Hào trên cùng của nội quái, thống lĩnh quần Âm ở dưới, như một người lãnh đạo, có trách nhiệm đối với những người thân thuộc mình.
Vậy lúc nguy nan, chưa thể nào vượt qua được, dầu mình có tài cũng chẳng nên ra đi, để nhẩy vào chỗ dầu sôi, lửa bỏng, hãy trở về với những người thân yêu của mình. Vì thế Dịch nói: Vãng kiển. Lai phản. Về cùng những người thân yêu mình, sẽ làm cho họ được hết băn khoăn, lo sợ và được vui sướng. Vì thế Tượng viết: Vãng kiển lai phản. Nội hỉ chi dã.
4. Hào Lục tứ.
六 四. 往 蹇 來 連.
象 曰. 往 蹇 來 連. 當 位 實 也.
Lục tứ.
Vãng kiển lai liên.
Tượng viết:
Vãng kiển lai liên. Đáng vị thật dã.
Dịch.
Ra đi sẽ bị nguy nan,
Thời nên quay lại kết đoàn với nhau.
Tượng rằng: Đi sẽ nguy nan,
Thời nên quay lại kết đoàn với nhau.
Thực tài xứng vị bảnh bao.
Hào Lục tứ nói: Trong thời nguy nan, đã đành không thể tiến liều, nhưng cũng không thể một thân, một mình mà giải quyết được thiên hạ sự. Cho nên phải liên kết với những người tài đức, rồi ra mới có hy vọng phò nguy, tế kiển được. Hào từ nói: Vãng kiển lai liên chính là vì vậy. Muốn liên kết với người tài đức, mình phải hết lòng thành khẩn, trung thực, lại cũng phải đáng vị, đáng ngôi. Vì thế Tiểu Tượng mới viết: Vãng kiển lai liên. Đáng vị thật dã.
5. Hào Cửu ngũ.
九 五. 大 蹇 朋 來.
象 曰. 大 蹇 朋 來. 以 中 節 也.
Cửu ngũ.
Đại kiển bằng lai.
Tượng viết:
Đại kiển bằng lai. Dĩ trung tiết dã.
Dịch.
Quốc quân gặp buổi đại nàn,
Bạn bè kéo đến lo toan, phù trì.
Tượng rằng: Bạn bè kéo đến phò nguy,
Là vì tiết liệt, đoan nghi mọi bề.
Hào Cửu ngũ: Một vị quốc quân, dầu gặp bước kiển nan, nguy cơ, cũng không thể nào trốn tránh trách nhiệm được. Phải đem thân đứng mũi, chịu sào, ra tay liệu lý, không quản khó nhọc với gian nguy.
Nếu mình có tài, có đức, lại một lòng vì dân, vì nước, làm chi mà chẳng tìm ra được người phụ bật. Thành Thang đã gặp Y Doãn; Võ vương đã gặp Lã Vọng; Lưu Bị đã gặp Khổng Minh; Đường Túc Tôn đã gặp Quách Tử Nghi chả hạn. Làm sao có được hiền tài phụ bật? Tượng viết: Phải cư xử cho phải đạo. Đại kiển. Bằng lai dĩ trung tiết dã.
Trong Kinh Dịch, các Hào tương ứng với nhau, quan trọng nhất là Nhị và Ngũ, cho nên Hào hai nói Vương thần là chỉ Vương thần của Ngũ; Hào năm nói Bằng Lai là chỉ Hào Lục nhị…
Chỉ có nhị và ngũ là tương ứng, là vua tôi san sẻ hoạn nạn; còn 4 Hào khác đều không có trách nhiệm trực tiếp. Bằng lai là bạn, đến hợp với nhị để cứu nạn, như vậy mọi Hào đều đồng lao cộng tác mà phò nguy.
Từ dưới lên trên, gọi là vãng; từ trên xuống dưới gọi là lai. Nói Bằng lai, phải hiểu là Hào Lục tứ, Cửu tam đều đến để hợp sức với nhị để tiếp ứng cho ngũ…
Xem như vậy, ta thấy khi bình giải Dịch được tự do phát biểu ý kiến mình, miễn sao cho nó hợp lý.
6. Hào Thượng Lục.
上 六. 往 蹇 來 碩. 吉. 利 見 大 人.
象 曰. 往 蹇 來 碩. 志 在 內 也. 利 見 大 人. 以 從 貴 也.
Thượng Lục.
Vãng kiển lai thạc. Cát. Lợi kiến đại nhân.
Tượng viết:
Vãng kiển lai thạc. Chí tại nội dã. Lợi kiến đại nhân. Dĩ tòng quí dã.
Dịch.
Ra đi sẽ gặp nguy nan,
Về cùng hiền đức kết đoàn, mới may.
Đại nhân gặp được thời hay.
Tượng rằng: Đi sẽ nguy nan,
Về cùng hiền đức hiệp đoàn, mới may.
Vì lòng mến chuộng hiền tài,
Vì lòng vẫn hướng về người trong đây.
Đại nhân gặp được thời hay,
Quí nhân những muốn có ngày được theo.
Hào Thượng Lục ví như một người ẩn sĩ, đã đứng ngoài cuộc phong trần, thế sự. Tuy nhiên gặp lúc quốc gia đại nạn, quân vương lâm nguy, không thể nhắm mắt, làm ngơ. Thượng Lục tuy không đủ tài mà thay đổi thời cuộc, nhưng Thượng Lục có thể cầu viện được với những bậc anh tài, (Lai thạc), để cùng nhau đến gặp vị quân vương (Lợi kiến đại nhân), giải quyết những khó khăn đang mắc phải.
Chỉ duy có Hào Thượng Lục này được chữ Cát, vì lúc này vận kiển nạn đã đến hồi kết cuộc, sắp có thể được giải nạn. Hán Quang Võ, đang khi hưng binh phục quốc, có lần đã bị vây ở Côn Dương. Quang Võ đương đầu với một tương giặc có kỳ tài là Cự Vô Bá, có Tụ thú Bài có thể hóa ra hùm beo, voi, gấu, để đánh quân Hán. May Quang Võ gặp được Nghiêm tử Lăng. Nghiêm tử Lăng khuyên được đồ đệ mình là Mã Viện, là tướng duy nhất phá được Tụ thú Bài.
Nhờ Nghiêm tử Lăng và Mã Viện mà Quang Võ giết được Cự Vô Bá chiếm được Côn Dương, và nhờ đó khôi phục được nghiệp nhà Hán.
Nghiêm tử Lăng tức là Hào Thượng Lục ở đây. Đến cầu Mã Viện tức là Lai thạc, cùng nhau đi cầu Quang Võ, tức là Lợi kiến đại nhân. Giải toả được thành Côn Dương cho nên là Cát. Thế là Thượng Lục, tuy lánh trần, mà chí vẫn tại nội, vẫn biết kính hiền, trọng hiền, và vẫn biết theo người sang cả, giúp người có chân thiên mạng để phò nguy, cứu hiểm. Vì thế Tiểu Tượng viết: Vãng kiển lai thạc. Chí tại nội dã. Lợi kiến đại nhân. Dĩ tòng quí dã.
ÁP DỤNG QUẺ KIỂN VÀO THỜI ĐẠI
Đại Tượng quẻ Kiển đưa ra một bài toán rất ly kỳ. Dịch hỏi: Khi mình gặp nguy, kẹt giữa núi và sông, lại bị què đôi chân, thì phải giải quyết sao? Dịch trả lời: Phải quay về nội tâm tu đức. Thực là một cái nhìn siêu việt, cho đến nay, chúng ta cũng không giải quyết được như vậy.
Hán Chung Ly tiên ông kể là lúc còn sinh thời ngài từng làm nguyên soái, nhưng đã bại trận. Vì xấu hổ, nên không dám về triều, vào núi tu tiên, nên đã thành tiên. Thực ra Hán Trung Ly đã làm theo lời khuyên của quẻ Kiển trong Kinh Dịch
Ngày Nay, áp dụng theo thời đại, ta phải làm sao?
– Nếu ta bị thất bại về vấn đề vợ con, thì ta phải cố tìm hiểu do đâu mà ra. Nếu vì lỗi lầm của ta, thì ta phải cố gắng sửa đổi lại, đừng đổ tại vợ con, nghề nghiệp làm ta chán nản nên sinh ra như vậy.
–Nếu ta bị thất bại vì công việc làm ăn, thì phải biết dừng chân lại, phải biết tìm người giỏi, người tốt mà cộng tác với họ, hoặc tìm phương tiện để hoá giải nó như quảng cáo, sửa chữa những lỗi mình mắc phải: Ví dụ như hàng xấu mà bán giá cao, ăn nói thô lỗ với khách hàng vv… Như vậy, mọi sự hiểm nguy sẽ được hoá giải. Còn như khi muốn tạo dựng một cơ sở kinh doanh mới, phải tìm người giỏi để cộng tác với mình, ta cũng nên suy xét cẩn thận.
* Cơ sở kinh doanh về Mậu Dịch, thì phải tìm những người ngoại giao giỏi, có thành tín, khiêm nhường, vui vẻ, luôn tươi cười với khách hàng. Hàng hóa luôn phải kiểm soát, phẩm chất phải tốt, phải giữ uy tín với khách hàng. Lời nói phải đúng với việc làm, ngay thẳng, thật thà.
* Cơ sở kinh doanh về phát minh, sáng chế, thì nên tìm trong những mầm non ưu tú, mới tốt nghiệp, mà trau dồi cho họ theo đường lối sản xuất của mình, thì tốt hơn. Phải đối xử với họ một cách rộng rãi, bảo đảm cho họ một đời sống an toàn về mọi mặt. Luôn phải nhớ họ là
những người mang lợi đến cho mình, nên phải đối với họ như chân tay mình vậy. Phải có đạo đức trong việc dùng người, thì cơ nghiệp của mình mới vững bền.
– Nếu cá nhân mình, chẳng may bị tàn phế, vì bất cứ một lý do nào đó, thì đừng than oán làm gì. Vì khổ sở, oán than cũng chẳng mang lợi ích gì cho ta, mà trái lại nó còn mang lại sự đau đớn về tinh thần thêm cho ta mà thôi.
Hãy coi cái xác mình chỉ là hình thức bề ngoài, là giả tạo, là cái túi đựng phân và máu mủ. Hãy dốc hết tinh thần đi tìm đạo lý, sẽ thấy đời mình cao siêu hơn nhiều, ý nghĩa hơn nhiều. Đó là điều mà quẻ Kiển muốn dạy ta vậy.
“Bát Tự Hà Lạc – Lược Khảo” của Học Năng.
39.Thủy sơn kiển
Ðại cương:
Tên quẻ: Kiển là Nan (gian nan, vất vả)
Thuộc tháng 8
Lời tượng
Sơn thượng hữu thủy: Kiển. Quân tử dĩ phản thân tu đức.
Lược nghĩa
Trên núi có nước là quẻ Kiển (vất vả). Người quân tử lấy đấy mà trở lại xét mình để tu đức.
Hà Lạc giải đoán
Những tuổi Nạp Giáp:
Bính: Thìn, Ngọ, Thân
Mậu: Thân, Tuất, Tý
Lại sanh tháng 8 là cách công danh phú quý.
THƠ RẰNG:
Phòng Đông – Bắc, lợi Tây – Nam
Trong mây có một khác phàm giai nhân
Hào 1:
Vãng kiển, lai dự. Ý HÀO: Thời không tiến được thì nên ngừng lại.
MỆNH – HỢP – CÁCH: Tinh khôn, khéo xử nghịch cảnh thấy hiểm trở thì ngừng lại, trước khó sau gặp.
MỆNH – KHÔNG – HỢP: Tùy đường đi mà đánh xe, an bần lạc đạo.
XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Ðược tưởng lệ. _Giới sĩ: Chờ thời sẽ tiến. _Người thường: Nên thủ Phận an thân.
Hào 2:
Vương thuần kiển kiển, phỉ cung chi cố. Ý HÀO: Hết lòng vì nước.
MỆNH – HỢP – CÁCH: kiệt lực vì trung hiếu.
MỆNH – KHÔNG – HỢP: Cha con cùng gian tân, vợ chồng cùng trong sạch. Ðược làng xóm kính mến.
XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Tận tâm với nhiệm vụ. _Giới sĩ: Không phải thời, nên khó tiến. _Người thường: Lội suối chèo đèo, kinh doanh khó, Số xấu lo cho bản mệnh.
Hào 3:
Vãng kiển, lai phản. Ý HÀO: Nên tiến, nghĩa nên trả lại.
MỆNH – HỢP – CÁCH: Biết thời cơ, được người tán trợ, hoặc được vào nội hàn, nội xá, an lạc tự tại.
MỆNH – KHÔNG – HỢP: Biết sửa lỗi, từ ngoài trở về với tổ nghiệp để sinh nhai, hoặc được nội trợ.
XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Trở về trung ương. _Giới sĩ: Lợi thi đại học, lên cao được vào hàn lâm. _Người thường: Ðược mừng về vợ con. Số xấu bị hình khắc tổn thương.
Hào 4:
Vãng kiển lai liên. Ý HÀO: Thời không nên tiến, nên hợp lực với bên dưới thì cùng vượt được gian nan.
MỆNH – HỢP – CÁCH: Thân với người giỏi, xuống với người dưới, đồng tâm hiệp lực, để cứu nguy dẹp loạn, hoặc trên thừa tổ nghiệp, dưới nối con hay phúc lộc dồi dào.
MỆNH – KHÔNG – HỢP: Cũng được người giúp sức, bình sinh an vui, được vui mừng về hôn nhân hay tử tức.
XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Ðược thăng thưởng đều đều. _Giới sĩ: Cầu danh được danh, cầu lợi được lợi. Số xấu: liên can kiện tụng. Tĩnh thì đỡ vất vả.
Hào 5:
Ðại kiển bằng lai. Ý HÀO: Bậc lãnh đạo đương thế gian nan, mừng được giúp sức.
MỆNH – HỢP – CÁCH: Có lương bằng giúp, cùng đỗi bĩ ra thái, đổi loạn thành trị.
MỆNH – KHÔNG – HỢP: Thân gia lúc khốn đốn có lương bằng giúp sức, trước kiển sau thái.
XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Ở quân ngoài, trong sạch. _Giới sĩ: Thi bằng trung cấp hoặc được vào đại học. _Người thường: Kinh doanh được đề cử, có lợi.
Hào 6:
Vãng kiển, lai thạc, cát, lợi kiến đại nhân. Ý HÀO: Cái nghĩa ở chỗ cứ theo vị lãnh đạo.
MỆNH – HỢP – CÁCH: Tài to đức lớn, công huân lừng lẫy đương thời, danh dự tên vào thiên cổ.
MỆNH – KHÔNG – HỢP: Sinh nhai dựa vào người quyền thế, có người giúp sức bên trong, bình sinh an lạc.
XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: Ðược vào nội các, nội hàn. _Giới sĩ: Tiến thủ thành danh. _Người thường: Cận quí hoạch lợi.
(Dẫn theo trang huyenhocvadoisong.com)