Chương 2: Thuyết Âm Dương
Thuyết âm dương là cốt lõi của nền triết học cổ Đông phương. Nó là động lực của mọi hiện tượng, mọi vận động trong vũ trụ. Theo cách nói của triết học Tây phương thì thái cực chính là mâu thuẫn, nó là sự hợp nhất của hai mặt đối lập: dương và âm. Sự đấu tranh của hai mặt dương âm này làm cho vũ trụ phát triển không ngừng.
Biểu tượng Thái Cực Đồ nói lên bản chất và mối quan hệ giữa Âm và Dương.
I. Âm
Âm tượng trưng cho nguồn năng lượng và nguyên lý bị động trong tự nhiên, biểu thị qua bóng tối, sự lạnh giá, ẩm ướt, trên bình diện con người, âm tượng trưng cho nữ tính và sự thiếu chủ động. Âm cũng tượng trưng cho cõi chết.
Còn cái chấm tròn màu trắng tượng trưng cho tiềm năng thay đổi, không có cái gì là Âm tuyệt đối, cũng như không có cái gì là Dương tuyệt đối. Đơn cử như: Đất lạnh nên thuộc Âm nhưng càng đi sâu xuống lòng đất thì càng nóng, cái này gọi là trong Âm có Dương.
II. Dương
Dương đại diện cho nguyên lý chủ động trong tự nhiên, biểu dạng ánh sáng, cái nóng, sự khô ráo. Trên bình diện con người, dương thể hiện nam tính và mặt tích cực của cảm xúc. Dương cũng đại diện cho “cõi dương”.
Còn cái chấm tròn màu đen tượng trưng cho tiềm năng thay đổi, không có cái gì là Dương tuyệt đối, cũng như không có cái gì là Âm tuyệt đối. Đơn cử như: nắng nóng thuộc Dương, nhưng nắng nhiều sẽ có mưa làm nên mưa lạnh thuộc Âm.
(Dẫn theo trang huyenhocvadoisong.com)