Chương 14: Quẻ ĐỊA THIÊN THÁI

64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Kinh Dịch – Đạo Của Người Quân Tử” của học giả Nguyễn Hiến Lê.

64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Dịch Kinh Đại Toàn” của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê.

64 quẻ dịch lấy từ cuốn “Bát Tự Hà Lạc – Lược Khảo” của Học Năng.

Quẻ ĐỊA THIÊN THÁI

“Kinh Dịch – Đạo Của Người Quân Tử” của học giả Nguyễn Hiến Lê.

|||::: Địa Thiên Thái (泰 tài)

Quẻ Địa Thiên Thái, đồ hình |||::: còn gọi là quẻ Thái (泰 tai4), là quẻ số 11 trong Kinh Dịch.

* Nội quái là ☰ (||| 乾 qian2) Càn hay Trời (天).

* Ngoại quái là ☷ (::: 坤 kun1) Khôn hay Đất (地).

Giải nghĩa: Thông dã. Điều hòa. Thông hiểu, am tường, hiểu biết, thông suốt, quen biết, quen thuộc. Thiên địa hòa xướng chi tượng: tượng trời đất giao hòa.

Lý là lễ, có trật tự trên dưới phân minh, như vậy thì yên ổn, Lý cũng có nghĩa là dẫm, là giày (dép) đi giày thì được yên ổn; vì vậy sau quẻ Lý, tiếp tới quẻ Thái. Thái nghĩa là yêu thích, thông thuận.

Thoán từ

泰: 小 往 大 來 , 吉, 亨 .

Thái: Tiểu vãn đại lai, cát, hanh.

Dịch: Thái là cái nhỏ (âm), đi, cái lớn (dương ) lại, tốt, hanh thông.

Giảng: Trong quẻ Lí, Càn là trời, cương, Đoài là chằm, nhu; trên dưới phân minh, hợp lẽ âm dương, tốt.

Trong quẻ Thái này, Càn không nên hiểu là trời, vì nếu hiểu như vậy thì trời ở dưới đất, không còn trên dưới phân minh nữa, xấu. Nên hiểu Càn là khí dương, Khôn là khí âm “khí dương ở dưới có tính cách thăng mà giao tiếp với âm, khí âm ở trên có tính cách giao tiếp với khí dương”, hai khí giao hòa, mà mọi vật được yên ổn, thỏa thích.

Một cách giảng nữa. Theo Phan Bội Châu (sách đã dẫn) thì:

Nguyên Thuần âm là quẻ Khôn, là âm thịnh chi cực, cực thì phải tiêu, nhân đó một nét dương thay vào dưới, hào 1 của Khôn thành ra quẻ Phục, Phục là một dương mới sinh.

Dương sinh đến hào thứ hai thì thành quẻ Lâm [ 臨 ] , thế là dương đã lớn thêm lần lần. Khí dương sinh đến hào thứ 3 thì thành quẻ Thái, trên là Khôn, dưới là Càn.

Khôn là âm nhu, là tiểu nhân; Càn là quân tử . Quẻ Thái là tượng đạo tiểu nhân dương tiêu mòn, đạo quân tử dương lớn mạnh, hai bên ngang nhau cho nên gọi là Thái.

Thoán từ bàn thêm: “Thái là lúc cái nhỏ đi, cái lớn trở lại ( . . . ) là trời đất giao cảm mà muôn vật thông, trên dưới giao cảm mà chí hướng như nhau. Trong (nội quái) là dương, ngoài (ngoại quái) là âm, trong mạnh mà ngoài thuận, trong quân tử mà ngoài tiểu nhân, đạo quân tử thì lớn lên, mà đạo tiểu nhân thì tiêu lần.

Hào từ:

1. 初 九 : 拔 茅 茹 . 以 其 彙 . 征 吉 .

Sơ cửu: bạt mao nhự, dĩ kỳ vị, chinh cát.

Dịch: Hào 1, dương : Nhổ rể cỏ mao mà được cả đám, tiến lên thì tốt.

Giảng: Hào nay là người có tài, còn ở vị thấp, nhưng cặp với hào hai trên, như có nhóm đồng chí dắt díu nhau tiến lên, để gánh việc thiên hạ, cho nên việc làm dễ có kết quả như nhổ rể có mao, nhổ một cọng mà được cả đám.

2. 九 二 : 包 荒 , 用 馮 河 , 不 遐 遺 .朋 亡 , 得 尚 于 中 行 .

Cửu nhị: Bao hoang, dụng bằng hà, bất hà di,

Bằng vong, đắc thượng vu trung hành.

Dịch: Bao dung sự hoang phế (những tệ hại cũ), dùng cách cương quyết mạo hiểm như lội qua sông, không bỏ sót những việc (hoặc người ) ở xa, không nghĩ đến bè đảng, mà phải hợp với đạo trung.

Giảng: Hào dương, đắc trung, đồng chí đã đông (hào 1 và 3) lại ứng hợp với hào 5 âm, cũng đắc trung, tức với vị nguyên thủ tin cậy, nghe theo mình, vậy là có tài lớn mà hoàn cảnh rất thuận lợi; nhưng cần có những đức này nữa:

– Có độ lượng, bao dung một số tệ hại cũ còn lại, đừng mong trừ tiệt ngay trong buổi đầu.

– Có đức cương quyết mạo hiểm như người có gan lội qua sông, như luận hgữ nói: bạo hổ bằng hà.

– Tính trước những việc xa xôi sẽ xảy tới (có người hiểu là đừng bỏ sót những người ở xa).

– Đừng có tinh thần đảng phái mà có hại cho đại nghĩa.

Cần nhất là giữ đạo trung của hào 2, việc gì cũng vừa phải thôi, chẳng hạn bao dung quá hay mạo hiểm quá đều là hại cả.

3. 九 三 : 无 平 不 陂 , 无 往 不 復 . 艱 貞 无 咎 , 勿 恤, 其 孚 , 于 食 有 福 .

Cửu tam: Vô hình bất bí, vô vãng bất phục.

Gian trinh vô cửu, vật tuất, kỳ phu, vu thực hữu phúc.

Dịch: Hào 3, dương: không có cái gì bằng mãi mà không nghiêng, đi mãi mà không trở lại, trong cảnh gian nan mà giữ được chính đáng thì không lỗi. Đừng lo phiền, cứ tin ở điều chính thì được hưởng phúc.

4. 六 四 : 翩 翩 , 不 富, 以 其 鄰 , 不 戒 以 孚 .

Lục tứ: Phiên phiên, bất phú, dĩ kỳ lân, bất giới dĩ phu.

Dịch: Hào 4, âm : Dập dìu (hoặc hớn hở) với nhau, không giàu mà thành một xóm, chẳng ước hẹn mà cũng tin nhau.

Giảng: đây đã qua nửa quẻ Thái, dương suy, bày âm (ba hào âm) tức bọn tiểu nhân kết hợp với nhau, tuy chúng không “giàu”, không có tài đức (âm có nghĩa là hư, trái với thực – dương – cho nên bảo là không giàu) nhưng cũng thành một xóm đông, đồng tâm với nhau chẳng ước hẹn mà cùng tin nhau, vì cùng sẵn lòng gian tà cả.

5. 六 五 : 帝 乙 歸 妹 . 以 祉, 元 吉 .

Lục ngũ: Đế Ất qui muội, dĩ chỉ, nguyên cát.

Dịch: Như vua đế Ất (đời Thương) cho em gái về nhà chồng, có phúc, rất tốt.

Giảng: Hào âm này đắc trung, tuy ở địa vị chí tôn mà khiêm nhu, lại ứng hợp với hào 2, dương ở dưới, như em gái vua Đế Ất, chịu làm vợ một người hiền trong giới bình dân, sẽ được hưởng phúc.

6. 上 六 : 城 復 于 隍 , 勿 用 師 , 自 邑 告 命, 貞 吝 .

Thượng lục: Thành phục vụ hoàng, vật dụng sư,

Tự ấp cáo mệnh, trinh lận.

Dịch: Hào trên cùng, âm: thành đổ sụp xuống, lại chỉ là đống đất. Đừng dùng quân nữa, bất quá mệnh lệnh chỉ ban ra đựơc trong ấp mình thôi. Dù hành động của mình chính đáng nhưng vẫn thất bại mà xấu hổ.

Giảng: Đây tới lúc cuối cùng của thời Thái, sắp bĩ rồi, như cái thành sụp xuống. Vì là hào âm lại ở địa âm, đừng tranh giành (dùng quân ) nữa, không cứu vãn được đâu, có ban lệnh cũng chỉ một ấp mình nghe thôi.

Hai chữ “trinh lận”, R. Wilhem giaeng là : dù có kiên nhẫn (chống đỡ) cũng thất bại mà xấu hổ. Chúng tôi nghĩ hào cuối này âm nhu thái quá, không có chí kiên nhẫn được, nên dịch theo Chu Hi.

***

Dưới đây chúng tôi chép thêm lời bàn của Phan Bội Châu (tr. 285 – 286) “Chúng ta đọc Dịch từ lúc có Càn, Khôn, trải qua trung gian, nào Truân mà kinh luận: nào Mông mà giáo dục; nào Nhu mà sinh tụ; nào Tụng, nào sư mà sắp đặt việc binh, việc hình; nào Súc, nào Lý mà chỉnh đốn việc kinh tế, việc lễ chế; hao tổn biết bao tâm huyết, chứa trữ biết bao thì giờ. Kể về phần Khảm (hiểm) trải qua đến 6 lần:

1. Truân, Khảm thượng 2. Mông. Khảm hạ

3. Nhu , Khảm thượng 4. Tụng, Khảm hạ.

5. Sư, Khảm hạ 6. Ti, Khảm thượng.

Thoát khỏi 6 lần nguy hiểm rồi. Vậy sau, trong có chốn nuôi trữ là Tiểu súc, ngoài có chốn bằng tạ (nhờ cậy, ỷ vào) là Lý. Bây giờ mới làm nên Thái.

Thái vừa đến cuối cùng, tức khắc ra Bĩ (coi quẻ sau ). Ghê gớm thật ! Làm nên tốn vô số công phu mà làm hư chỉ trong chốc lát, vun đắp biết bao nền tảng mà đánh đổ chỉ trong nháy mắt.

Không chắc đó đã là thâm ý của người sắp đặt các quẻ, nhưng việc đời quả có như vậy: Kiến thiết lâu, suy rất chóng.

“Dịch Kinh Đại Toàn” của Nhân Tử Nguyễn Văn Thọ & Huyền Linh Yến Lê.

11. 地 天 泰 ĐỊA THIÊN THÁI

Thái Tự Quái 泰 序 卦
Lý nhi Thái. 履 而 泰
Nhiên hậu an. 然 后 安
Cố thụ chi dĩ Thái. 故 受 之 以 泰
Thái giả thông dã. 泰 者 通 也

Thái Tự Quái

Lý là lễ phép, dễ bề thái khang.

Thái khang, âu sẽ bình an.

Cho nên quẻ Thái đường hoàng theo sau.

Thái là thông suốt, thông lầu…

Quẻ Thái là một trong 20 quẻ Tam Âm, Tam Dương. Xét về Từ nguyên, Thái như một người đang nhởn nhơ bơi lội trên giòng nước. Thái là thông, mà thông là thông thương, đâm chòi, nẩy lộc. Âm Dương có góp sức nhau, thì cây cối mớ đâm chồi, nẩy lộc. Trong xã hội, trên dưới có góp súc nhau, thì tài năng, đức độ mới triển dương được.

Xét về vị trí Âm Dương của quẻ, ta thấy 3 Dương làm chủ chốt bên trong, 3 Âm phụ bật bên ngoài, cái gì quý được hàm súc bên trong, cái gì tiện được xếp ra bên ngoài để đóng vai bao bọc, hỗ trợ. Vả lại, ở vị trí này thì Dương khí thượng thăng, địa khí hạ giáng, sẽ tiếp sức nhau, cộng tác nhau, để làm nên đại công, đại nghiệp.

Quẻ Thái Tượng trưng cho tháng Giêng, lúc mà dương khí trong lòng đất đang hưng thịnh, ngùn ngụt bốc lên, làm cho muôn loài bừng tỉnh, vạn vật hồi xuân, cây cối nẩy mầm, nẩy mộng, đem xuân sắc về cho nhân quần, hoàn võ.

I. Thoán.

Thoán Từ.

泰 . 小 往 大 來 . 吉 亨 .

Thái. Tiểu vãng đại lai. Cát hanh.

Dịch.

Thái là nhỏ nhặt ra đi,

Lớn lao trở lại, muôn bề cát hanh.

Thoán Truyện. Thoán viết.

泰 小 往 大 來 吉 亨 . 則 是 天 地 交 而 萬 物 通 也 . 上 下 交 而 其 志 同 也 . 内 陽 而 外 陰 . 内 健 而 外 順 . 内 君 子 而 外 小 人 . 君 子 道 長 . 小 人 道 消 也 .

Thái. Tiểu vãng đại lai cát hanh. Tắc thị thiên địa giao nhi vạn vật thông dã. Thượng hạ giao nhi kỳ chí đòng dã. Nội Dương nhi ngoại Âm. Nội kiện nhi ngoại thuận. Nội quân tử nhi ngoại tiểu nhân. Quân tử đạo trưởng. Tiểu nhân đạo tiêu dã.

Dịch.

Thoán rằng: Nhỏ nhặt ra đi,

Lớn lao trở lại, muôn bề cát hanh.

Đất trời gom góp công trình,

Làm cho vạn vật, quần sinh vui vầy.

Dưới trên cộng tác hòa hài,

Một lòng, một dạ, hết bài phân chia.

Dương trong, Âm ở ngoài lề,

trong cương ngoài thuận, hai bề vẹn hai.

Quân tử trong, tiểu nhân ngoài,

Thịnh đời quân tử, suy đời tiểu nhân.

Thoán Từ, Thoán Truyện chủ trương:

1/ Trời đất có hài hòa, có cộng tác, vạn vật mới được vinh xương, thái thịnh.

2/ Các tầng lớp nhân dân trong xã hội có hòa hài, có đồng tâm, đồng chí, quốc gia mới đi đến chỗ thái thịnh.

3/ Trong mà đã hay, thì dẫu ngoài có dở, sau trước sau cũng sẽ hay. Nói cách khác, tinh thần quốc dân mà cao, thì những khuyết điểm vật chất ngoại cảnh bên ngoài, sau trước cũng sẽ được giải quyết.

4/ Quân tử cầm quyền, tiểu nhân phục mệnh, nước nhà mới thái thịnh.

5/ Suy rộng ra, ở nơi con người, nếu tinh thần làm chủ vật chất làm tôi, thì mới có thể có sự quân bình, thái thịnh chân chính.

6/ Nói theo đạo lý, chỉ khi nào Trời làm chủ chốt trong tâm, chỉ khi nào Thiên tại nội, nhân tại ngoại, như lời Trang Tử, thì con người mới được thái thịnh.

Lễ nghĩa là đường lối người quân tử. Tranh đoạt, tàn sát là đường lối tiểu nhân. Lối đường quân tử mà được theo sẽ đem đến thái thịnh. Lối đường tiểu nhân mà được theo, sẽ đưa đến suy bĩ. Hiểu được lẽ đó, sẽ hiểu được lý do của sự thịnh suy, trị loạn, rõ như thấy ngọn đèn vậy.

II. Đại Tượng Truyện.

象 曰 . 天 地 交 . 泰 . 后 以 財 成 天 地 之 道 . 輔 相 天 地 之 宜 .

以 左 右 民 .

Tượng viết. Thiên địa giao. Thái. Hậu dĩ tài thành thiên địa chi đạo. Phụ tướng thiên địa chi nghi. Dĩ tả hữu dân.

Dịch.

Tượng rằng: Trời đất hòa hài,

Gây nên thái thịnh, khắp nơi, khắp miền.

Nhà vua thấy thế, triền miên,

Công trình trời đất giúp nên thành toàn.

Tiện nghi trời đất đã ban,

Giúp thêm hoàn mỹ, nhân gian ơn nhờ.

Tượng truyện dạy rằng: Muốn đi đến thái thịnh, bậc nguyên thủ trong nước phải biết lợi dụng, biết khai thác: Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa.

– Khai thác Thiên thời, bằng cách lập ra lịch số, để biết tuần tiết nào phải làm gì cho hay, cho lợi.

– Khai thác Địa Lợi, là phải biết tùy địa thế mà canh tác, ruộng cao cấy lúa mùa, ruộng thấp cấy lúa chiêm…

– Khai thác Nhân hòa, là khai thác khả năng, tâm tình của mọi người, đem lý tưởng, đem nhân luân răn dạy người, để ai cũng được xử dụng đúng mức, đúng chỗ, ai cũng sung sướng vì biết mình thực sự đóng góp vào đại công, đại nghiệp, để ai cũng vui theo đường đạo lý, biết Nhân, Kính, Hiếu, Từ.

III. Hào Từ & Tiểu Tượng Truyện.

1. Hào Sơ Cửu.

初 九 . 抜 茅 茹 . 以 其 彙 . 征 吉 .

象 曰 . 抜 茅 征 吉 . 志 在 外 也 .

Sơ Cửu. Bạt mao như. Dĩ kỳ vị. Chinh cát.

Tượng viết:

Bạt mao chinh cát. Chí tại ngoại dã.

Dịch.

Hào Sơ Cửu, cỏ gianh muốn nhổ,

Nhổ một cây, cụm bửa lên theo,

Giúp đời, đã đúng lúc chiều.

Tượng rằng; Như nhổ cỏ gianh,

Cây bưng, cụm bửa, công trình đành hay.

Tâm tình dồn cả ra ngoài,

Tâm tình, trí lự, vì đời hiển dương.

Hào Sơ Củu cho rằng: Khi gặp thời cơ thuận tiện, người quân tử phải hô hào, đắt díu nhau ra giúp nước.

Người quân tử về phương diện chính trị, là người phò vua, giúp nước cho hay. Còn tiểu nhân, đừng nên để họ cầm quyền. Khi đã định tâm giúp nước, người quân tử phải dốc hết tinh thần vào công cuộc kiến thiết quốc gia.

2. Hào Cửu nhị.

九 二 . 包 荒 . 用 馮 河 . 不 選 遺 . 朋 亡 . 得 尚 于 中 行 .

象 曰 . 包 荒 . 得 尚 于 中 行 . 以 光 大 也 .

Cửu nhị. Bao hoang. Dụng bằng hà. Bất hà di. Bằng vong.

Đắc Thượng vu trung hành.

Tượng viết:

Bao hoang. Đắc Thượng vu trung hành. Dĩ quang đại dã.

Dịch.

Hào Cửu nhị: Bao dung kẻ dở,

Cần lội sông, há sợ qua sông?

Việc xa, vẫn để mắt trông,

Bạn bè nào dám mơ mòng riêng tây.

Thế là theo được đường ngay.

Tượng rằng: Kẻ dở bao dung,

Ở ăn đúng mực, một lòng quang minh.

Hào Cửu nhị nói: Khi người quân tử cầm quyền:

a) Phải biết bao dung kẻ dưới, không được hất hủi kẻ kém tài, kém trí, mà phải biết dụng nhân như mộc, tùy tài của mỗi người mà dùng họ cho thích đáng (Bao hoang).

b) Phải biết lãnh trách nhiệm đứng mũi chịu sào, phải biết liều khi cần liều, vì đại công đại nghiệp (bằng hà).

c) Phải biết nhìn xa, trông rộng, phòng nguy, lự hiểm (bất hà di).

d) Phải biết vì đại nghĩa mà quên tư tình, gột bỏ óc chất bè phái. (bằng vong)

e) Phải biết xử sự cho luôn trung chính, quang minh, cao đại (đắc thượng vu trung hành).

3. Hào Cửu tam.

九 三 . 無 平 不 陂 . 無 往 不 復 . 艱 貞 無 咎 . 勿 恤 其 孚 . 于 食 有 福 .

象 曰 . 無 往 不 復 . 天 地 際 也 .

 Cửu tam. Vô hình bất bí. Vô vãng bất phục. Gian trinh vô cữu.

Vật tuất kỳ phu. Vu thực hữu phúc.

Tượng viết:

Vô vãng bất phục. Thiên địa tế dã.

Dịch.

Cửu tam dạy: Phẳng rồi sẽ dốc,

Có lúc đi, có lúc lại về,

đường đời dẫu gặp gian nguy,

Bền gan, chính trực, lo gì mà lo.

Đừng rằng, thực tại cam go,

Phúc mình, mình hưởng, hồ đồ mà chi.

Tượng rằng: Đi ắt có về,

Ấy là định luật chỉ huy đất trời.

Hào Cửu tam luận về đầy vơi, tăng giảm của Trời đất. sự thịnh suy của dân tộc, chính thể, đất nước. người quân tử đùng lấy thế mà buồn, mà nản. Trái lại khi gặp thái thịnh, phải biết hân hoan, đón nhận ân sủng của Trời đất.

4. Hào Lục tứ.

六 四 . 翩 翩 . 不 富 . 以 其 鄰 . 不 戒 以 孚 .

象 曰 . 翩 翩 不 富 . 皆 失 實 也 . 不 戒 以 孚 . 中 心 愿 也 .

Lục tứ. Phiên phiên. Bất phú dĩ kỳ lân. Bất giới dĩ phu.

Tượng viết.

Phiên phiên bất phú. Giai thất thực dã. Bất giới dĩ phu.

Trung tâm nguyện dã.

Dịch.

Lục tứ sống an nhiên thư thái,

Chẳng khoe khoang của cải với người,

Sống cùng lân lý trong ngoài,

Chân thành chẳng chút đãi bôi, màu mè.

Tượng rằng: Thư thái, chẳng khoe giàu,

Giàu sang: giả cảnh, thực chi đâu,

Đối đãi với nhau, bằng tình thực,

Đó là tâm nguyện sống chung nhau.

Hào Lục tứ cho rằng: Muốn đưọc thái thịnh, kẻ giàu có phải biết thành khẩn đóng góp vào đại công, đại nghiệp khi cần, chứ không phải giầu để mà ỷ của, ỷ tiền, khoe giầu, khoe có với người. Cũng có người giải Hào này một cách bi quan, và cho rằng cả bây Âm đang kéo nhau xà xuống đẩy phe quân tử ra khỏi chính quyền.

5. Hào Lục ngũ.

六 五 . 帝 乙 歸 妹 . 以 祉 元 吉 .

象 曰 . 以 祉 元 吉 . 中 以 行 愿 也 .

 Lục ngũ. Đế Ất quy muội. Dĩ chỉ nguyên cát.

Tượng viết.

Dĩ chỉ nguyên cát. trung dĩ hành nguyện dã.

Dịch.

Vua Đế Ất đem em gái gả,

Thật vẹn hay, vẹn cả mọi bề.

Tượng rằng: Hạnh phúc mọi bề,

Là vì trung chính, thoả thuê ước nguyền.

Hào Lục ngũ cho rằng muốn được thái thịnh, người giầu sang không được cậy quyền, cậy chức, mà phải biết sống hòa mình với mọi người. Nên theo đường lối của vua Đế Ất. Vua Đế Ất đã ra một đạo sắc chỉ và truyền dạy các vị công chúa, khi về nhà chồng, phải biết tùng phục chồng, mặc dù chồng không phải là vương tướng.

6. Hào Thượng lục.

上 六 . 城 復 于 隍 . 勿 用 師 . 自 邑 告 命 . 貞 吝 .

象 曰 . 城 復 于 隍 . 其 命 亂 也 .

Thượng lục. Thành phục vu hoàng. Vật dụng sư.

Tự ấp cáo mệnh. Trinh lận.

Tượng viết:

Thành phục vu hoàng. Kỳ mệnh loạn dã.

Dịch.

Hào Thượng lục: lũy thành đổ nát,

Hãy dụ dân, đừng phát đao binh.

Dụ dân, ngay tự thành mình,

Nếu mà giết chóc sẽ thành công toi.

Tượng rằng: thành hoang, lũy đã hỏng rồi,

Là vì mệnh lệnh rối bời, còn đâu.

Hào Thượng lục cho rằng: Thái mà không biết giữ sẽ suy vi. Khi ma` người ta đã bớt cố gắng, giữ gìn, săn sóc, bớt tình đoàn kết, sáng suốt, thì mọi sự bên ngoài sẽ dần dần suy sụp. Thành lũy mà đã long, đã lõm, đã biến thành hào rãnh, thì lòng con người chắc đã thờ ơ, nguội lạnh, ươn hèn lắm mất còn gì. Bấy giờ, dù có dùng những phương pháp cưỡng chế mạnh mẽ, cũng chẳng đi đến đâu, chỉ càng làm cho thêm tan hoang, đổ nát. Muốn cứu vãn tình thế lúc ấy, cần phải khéo léo, tinh tế, nhẹ nhàng, phải biết thu hẹp tầm hoạt động, chứ đừng mơ ước những công tác đại quy mô nữa.

ÁP DỤNG QUẺ THÁI VÀO THỜI ĐẠI

Quẻ Thái tượng trưng cho sự quân bình, hòa hợp giữa Âm và Dương, giữa người có tài và kẻ vô tài. Người có tài đóng vai chủ chốt, kẻ vô tài đóng vai phụ dịch, trên dưới một lòng, mọi người đều xứng ngôi, xứng vị, mọi người đều đồng tâm, đồng chí, cộng tác để xây dựng nước non.

Hơn nữa, muốn cho quốc gia được hưởng thái bình, thịnh trị, không phải là chuyện dễ, nó đòi hỏi tất cả mọi người phải đồng lao, cộng tác, phải cố gắng.

Muốn được thái thịnh, phải chuẩn bị lâu dài, có những phương châm, những chương trình hoạt động rõ ràng, những giai đoạn sơ khởi cần phải được thực hiện. Dịch kinh đã đề cập đến những điều kiện tiên quyết ấy ở trong 10 quẻ đầu:

1) Căn nguyên và cùng đích con người là ở Trời, vì thế con người phải bắt chước Trời mà hành sự, cố gắng cải thiện không ngừng, để thần thành hóa mình, trở về được với Trời (Kiền).

2) Sống trong muôn vàn biến hóa, phải biết tùy thời, tùy thế, phòng nguy, lự hiểm, để tìm về được Hoàng Trung Chính Vị (Hằng Cửu), trung tâm chủ chốt của biến thiên (Khôn).

3) Cần phải có bậc anh tài, ra kinh luân dựng nhà, lập nước (Truân).

4) Phải đặt nặng vấn đề giáo hóa dân chúng (Mông).

5) Phải lo cho cơm áo của chúng dân cho chu đáo (Nhu)

6) Những bất đồng, những tranh chấp về tư lợi, tư dục, giũa cá nhân, cần phải giải quyết cho thỏa đáng (Tụng).

7) Phải có binh hùng, tướng giỏi để phòng bị xâm lăng ().

8) Phải đề cao tình tương thân, tương trợ, giữa các tầng lớp dân chúng, để xây dựng tương lai cho đất nước (Tỉ).

9) Phải biết trau dồi tác phong, đức độ, và không nên sợ hãi khi gặp trở lực, khó khăn trên bước đường tiến thủ (Tiểu Súc).

10) Mọi người trên dưới phải biết vui thuận theo đạo lý (Lý).

Nói thế, tức là bất kỳ phương diện nào: Đạo giáo, Tâm lý, Luân lý, Xã hội, Chính trị, Kinh tế, Binh bị đều phải được tổ chức, sắp xếp cho chu đáo, mới có thể thực hiện được sự thái thịnh cho đất nước.

Con người có lý và có dục. Theo nghĩa lý mà xử sự, thương giúp lẫn nhau, mình hết lòng vì người, thì người cũng hết lòng vì mình. Kinh tế do đó mà trở nên thái thịnh, trật tự do đó mà trở nên vững vàng. Cảnh thái bình, hòa hợp, chính là do sự đồng lao, cộng tác mà sinh ra. Nhược bằng theo Tính Dục mà xử sự, sẽ ghen ghét, tranh cướp lẫn nhau. Càng tranh đoạt, càng tàn sát lẫn nhau, thờ sự sinh sản cũng sẽ suy giảm, trật tự sẽ bị xáo trộn, hỗn loạn. Cảnh sẻ nghé, tan đàn, lao lung, khốn khổ, chính là do sự tranh đoạt mà phát sinh. Hai bộ mặt Trị và Loạn đều do những nguyên cớ đó mà ra.

Thế vận bĩ thái, xã hội thịnh suy, đều do phong khí của lòng người. Nhân tâm mà phấn khởi, chính nghĩa mà phát dương, thời xã hội sẽ đượm nhuần không khí đầm ấm, vui vầy, văn hò sẽ tiến bộ, và cảnh thái thịnh sẽ hiện ra. Nhân tâm mà đồi trụy, con người mà khí trá lần nhau, thời xã hội sẽ chìm đắm trong bầu không khí dối trá, văn hóa sẽ suy đồi. Đó là cảnh tượng của thời suy bĩ vậy.

Nếu con người biết dùng tâm thần mình để chi phối ngoại cảnh, thì vật chất sẽ làm tôi tớ, sẽ phụ bật cho con người. Nhược bằng, đem tâm thần chạy theo ngoại cảnh, đem tâm thần làm tôi tớ cho vật chất, vật dục, thì sẽ bị ngoại vật bưng bít cho mờ ám; trí tuệ vì thế không thể phát sinh, cuộc sống vì thế mà phản bội với lễ nghĩa, như vậy xã hội chắc chắn sẽ thoái hóa.

“Bát Tự Hà Lạc – Lược Khảo” của Học Năng.

11.Ðịa thiên thái

Ðại cương:

Tên quẻ: Thái là Thông (thời vận hanh thông rất tốt).

Thuộc tháng 1.

Lời tượng

Thiên địa giao: Thái. Hậu dĩ tài thành thiên địa chi đạo, phu tướng thiên địa chi nghi, dĩ tả hữu dân.

Lược nghĩa

Trời đất giao thông với nhau là quẻ Thái, nhà vua lấy đấy mà sửa sang thành cái đạo của trời đất, phụ giúp thêm vào cái nghi thức của trời đất, để nâng đỡ dân mọi bề.

Hà Lạc giải đoán

Phàm số được quẻ này mà hợp cách cục là cực tốt. Có triệu chứng xuất tướng nhập tướng.

Những tuổi Nạp Giáp:

Giáp hoặc Nhâm: Tý, Dần, Thìn

Quý hoặc Ất: Sửu, Hợi, Dậu.

Lại sanh tháng 1 là cách công danh phú quý nếu sanh không đúng thời mà phúc nhỏ, thì chỉ nên thủ Phận an thường

THƠ RẰNG:

Tuần hoàn bĩ thái luật trời

Mừng khi sinh dục được thời phong quang

Tiền trình giữ bước vững vàng

Trên đường muôn dặm gió dương thuận buồm

Hào 1:

Bại mao nhự, dĩ kỳ vị (I) chinh cát. Ý hào: Cuộc tiến hành lớn.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Cao minh chính đại, lập sự nghiệp hưởng phú quí.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Cũng tâm đồng với bạn để hoạt động.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: hiệp lực với đồng liêu, tiến. _Giới sĩ: cùng bạn đồng hành vượt lên có ngày. _Người thường: cùng bọn, tài lợi tăng tiến.

Hào 2:

Bao hoang, dụng bằng hà, bất hà di, hằng vong, đắc thượng vu trung hành (2). Ý hào: Có đức cương trung, giữ dược nghiệp lớn.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Độ lượng dung nạp được hết, không thiên gần bỏ xa, mở được vận hội thanh bình, hưởng phú quí.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Cũng là kẻ sĩ cẩn hậu được kính trọng nơi hương lý, giầu có đầy đặn.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: bảo vệ biên cương, sông hồ. _Giới sĩ: tiến thủ thành danh, doanh mưu hoạch lợi. _Người thường: được qua nơi tôn quí. Nếu không hợp cục đắc vị thì đề phòng bậc tôn trường bị tổn thiệt, ngôn ngữ mếch lòng, có hại.

Hào 3:

Vô binh bất bí, vô vãng bất phục, gian trinh vô cữu, vật tuất, kỳ phu vu thực hữu phúc. Ý hào: Biết cách sửa trị thời thái lúc sắp chuyển sang bĩ, thì rút cục vẫn giầu có được.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Dù lo nghĩ, vẫn vững vàng, vẫn hồi được vận cũ để hưởng phúc yên lành.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Khi thành khi bại, trong gian nan cũng hưởng phúc.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: khắc phục gian nan phòng kẻ ganh tỵ. _Giới sĩ: giữ cố hữu, không cầu tiến nhờ may rủi. _Người thường: trì thủ thân gia. Ðại để gặp gian nan lùi bước vẫn có công,cẩn hận vẫn an lành. Phòng kẻ tiểu nhân hãm hại.

Hào 4:

Phiên phiên, bất phú dĩ kỳ lân, bất giới dĩ phu. Ý hào: Thời đến, bầy tiểu nhân cũng tiến.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Nhiều trở ngại khó, nghi ngờ, hoặc được hoặc mất, công danh khó trọn vẹn, tất tả ngược xuôi, gian nan mới được việc nhà.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Phải ỷ lại người giầu nơi lân lý.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: nên thoái thì hay, khó tiến. _ngoài ra doanh mưu thiệt hại, càng xáo động, càng bị dèm pha, tỉnh thì tránh được tai vạ. Nếu có hóa công, thì đi nhậm chức nơi xa, hàng ngày vất vả.

Hào 5:

Ðế Ất quy muội, dĩ chỉ nguyên cát. Ý hào: Lấy lòng thành xuống với người hiền (hào 5 xuống với hào 2) cải cách việc cai trị.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Giầu sang mà không kiêu, hoặc được vợ hiền giúp sức, con quí đỡ nhà, tiếc rằng quyền hành không nắm giữ. Nữ mệnh cần kiệm thành gia.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Cũng là người thiện, không ra oai mà được mến phục, bình sinh an vui, vợ đảm.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: chuyển ngạch có tin mừng. _Giới chức: có điềm đỗ đạt tiến tới. _Người thường: được giới thiệu, hoặc việc hôn nhân, sinh sản đều tốt đẹp.

Hào 6:

Thành phục vu hoàng; vật dụng sự, tự ấp cáo mệnh, trinh lận. Ý hào: Muốn cố giữ trị quyền sau khi bĩ đã đến, rút cục thì chỉ thêm hổ thẹn.

MỆNH – HỢP – CÁCH: Ðành Phận nhỏ, lập qui mô nhỏ, thế mà rút cục cũng bị tỏa chiết, lỗi lầm.

MỆNH – KHÔNG – HỢP: Khoe mình, sinh mạnh, nên nhà phá thân nguy.

XEM – TUẾ – VẬN: _Quan chức: bị đòi về, hoặc mất chức. _Giới sĩ: bị xấu thẹn. _Người thường: phá tổn, ốm đau khó thoát. Cẩn hậu đỡ tai vạ.

(Dẫn theo trang huyenhocvadoisong.com)

Trusted by some of the biggest brands

spaces-logo-white
next-logo-white
hemisferio-logo-white
digitalbox-logo-white
cglobal-logo-white
abstract-logo-white
white-logo-glyph

We’re Waiting To Help You

Get in touch with us today and let’s start transforming your business from the ground up.