Tử Vi, chân mệnh thiên tử cũng có lúc trầm luân
via GIPHY
Còn khi trong tay bạn có thiên binh vạn mã, bạn xách quân đi đánh một nhúm quân làm loạn ở biên cương thì tất nhiên bạn sẽ hung hăng, đánh đến khi nhúm quân đó tan rã hoặc đầu hàng, hạ tướng giặc, bắt hết làm tù binh hoặc xử sạch sành sanh mới an tâm phải không nào.
Hay như khi có nhuyễn ngọc ôn hương ở trong vòng tay, làm sao bạn có thể hùng hổ bàn chuyện chính trị hay gươm đao được, người đẹp ở cạnh bên thì trong lòng cũng dịu xuống, một khắc đêm xuân giá ngàn vàng cơ mà. Mà Tử Vi thì sống chết cũng phải giữ lấy vị trí đứng đầu của mình. Bạn có thể gặp một Tử Vi khi anh ta chưa là gì cả, chưa có một đội quân hay đế chế của riêng mình thì cứ bình tĩnh quan sát mà xem, rồi sẽ tới ngày, anh ta thâu tóm một mảng nào đó, quân lực hùng hậu của anh ta có thể giải quyết mọi vấn đề trong cái mảng đó. Biên độ của mảng đó cao thấp, to nhỏ thế nào còn tùy vào vị trí và độ số của lá số, nhưng mà trừ các cung Hợi, Tý, Sửu, Dần ra nhé. Những nơi đó là nơi Tử Vi đang bất lợi, không bị phá là may mắn lắm rồi.
Tôi nhận ra rằng, Tử Vi rất khôn khéo, sự khôn khéo này giống như sự thông tuệ của Thiên Lương vậy. Khi Thiên Lương dậy dỗ, Lương sẽ dựa trên ngộ tính cũng như yếu khuyết của học trò mà có phương pháp cũng như các vùng kiến thức phù hợp. Thì Tử Vi cũng dựa trên đặc tính cá nhân, năng lực và sở thích để tùy đó mà khéo dùng cũng như có cách khích lệ khác nhau. Bạn cứ nghĩ mà xem, bạn có tiền mà trọng danh, Tử Vi không hứa hẹn tiền bạc nhưng Tử Vi hứa hẹn danh tiếng và đẳng cấp cho bạn, bạn có thích không? Hay như bạn giỏi nhưng tính bạn lập dị, chả ai chịu được bạn cả, thì chỉ có mỗi Tử Vi chân thành với bạn, nhìn vào điểm tốt của bạn, không chê cười hay phán xét bạn… Đại khái, Tử Vi như một đấng cứu rỗi linh hồn bạn vậy, bạn thiếu gì, cần gì thì anh ta đáp ứng bạn cái đó, lí tưởng của anh ta lại cao đẹp như thế, không hề tầm thường như những kẻ khác. Thật sự trong cuộc đời tôi, nếu không phải tôi học Tử Vi từ nhỏ thì chắc tôi cũng nguyện trung thành với mấy vị Tử Vi rồi đấy.
Các bạn có biết Lưu Bị không nhỉ? Chắc chắn biết đúng không? Lưu Bị chính là điển hình cho Tử Vi đấy, ông ta ăn vào Phá cư Dậu và Tử Sát cư Tỵ. Nói về cảm quan cá nhân thì tôi ghét Lưu Bị lắm do ông ta mấy lần tháo thân chạy giặc bỏ lại vợ con, càng ghét hơn vì Khổng Minh chọn ông ta, khiến cho chiến tranh kéo dài. Nói về con người ông ta thì ông ta có cái táo bạo của Phá Quân khi tự mình xưng là con cháu của Trung Sơn Tĩnh Vương gì đó, khi làm huyện lệnh không chịu được bất công mà 2 lần bỏ ấn, nếu không phải do Phá Quân thì cũng chẳng tới cơ sự ấy. Sau đó cùng Quan Vũ và Trương Phi tự tạo lập thanh thế riêng, tham gia cuộc chiến tranh chấp. Như vậy các bạn có thể thấy, ngay từ đầu Lưu Bị đã có ý thức về việc mưu đoạt quyền lực, không đi được chính lộ thì đi theo tà lộ, không làm quan được thì làm giặc, muốn xóa cái ô danh làm giặc thì tự xưng hậu thế họ Lưu, những điều này quả thực sách sử còn nhiều nghi hoặc vô cùng. Yếu tố thứ 2 bộc lộ bản chất Tử Vi là ba lần hạ mình cầu viện Khổng Minh, khi đó họ Lưu đã ngoại tứ tuần còn Khổng Minh chỉ mới ngoài 20, xét về kinh nghiệm và trải đời thì Lưu Bị tất nhiên thuộc hàng tiền bối. Xét thân phận thì lúc đó Khổng Minh ở ẩn, chẳng có thanh thế gì còn Lưu Bị thì dù sao cũng được tôn xưng minh chúa một đội quân. Thế nhưng Lưu Bị ba lần hạ cố tới lều cỏ cầu Khổng Minh, để lại danh thơm “tam cố thảo lưu câu hiền”, đại khái tôi muốn nói là, hạ mình để được việc, nịnh người không biết ngượng khi cần thiết là biệt tài của Tử Vi vậy.
Trong suốt sự nghiệp chính trị của mình, Lưu Bị luôn được tiếng là chiêu hiền đãi sĩ, yêu nước thương dân blah blah nhưng nếu nghĩ kỹ một chút sẽ thấy, tay trắng áo vải nhưng hùng tâm tráng trí, không chỉ gây dựng binh lực thỏa chí vẫy vùng mà rõ ràng có mưu cầu gây dựng thanh thế, hùng cứ một cõi. Trong suốt quá trình liên tục cho rêu rao về bản thân để dát vàng lên mặt, tuyên bố “bằng hữu như tay chân, vợ con như quần áo” nên khi bị vây khốn thì vứt vợ con lại mà chạy trước. Vợ con nhìn chung có thể vứt bỏ lúc nào cũng được. Bởi lẽ vợ con không có lợi gì cho viễn cảnh trước mắt khi mà Ngô, Ngụy còn chưa dẹp được. Dung hòa trong con người của Lưu Bị có cái bạc bẽo mà ích kỷ, quyết liệt của Phá cư Dậu, cũng có cái can trường bền chí của Tử Sát. Tất nhiên có cả cái năng lực nhìn người của xác của Tử Vi rồi. Khi lâm chung, Lưu Bị giao Lưu Thiện cho Khổng Minh phò tá, cũng nói ra một câu khiến Khổng Minh phải thề trung thành phò tá tân vương là “nếu có tài thì hãy phò tá, nếu bất tài, hãy tự thay đi”, câu nói này dù hiểu theo nghĩa nào thì với vị thế Khổng Minh cũng chỉ có thể tự mình cân nhắc mà hành sự thôi. Như vậy có thể thấy, Tử Vi khéo nắm bắt con người, khéo dùng người và cũng rất khéo đòn vọt, cân não người khác. Lưu Bị là một con người khéo dung hòa 2 đặc tính đối lập là Tử Vi và Phá Quân tạo nên một thể thống nhất, khiến cho Lưu Bị tạo dựng được nhà Thục Hán sau 38 năm chinh chiến.
Người Tử Vi thường có vẻ như vô hại, không những nhu hòa điềm đạm còn luôn tỏ vẻ tử tế, nhiệt tình với bằng hữu, vì nghĩa quên thân, không những vừa giỏi quản lý vừa khéo léo khích lệ cấp dưới, quả nhiên là minh chủ khó tìm. Không phải tự nhiên mà một sĩ phu sành sỏi như Thiên Cơ lại cam tâm tình nguyện phò tá cho Tử Vi, lại càng không tự nhiên mà Thiên Cơ dù bị hắt hủi nghi kỵ, sau bao bước đường lưu lạc lại phải nguyện ý về bên Tử Vi. Quả thực thế sự vô thường, vạn vật sinh ra đều có thiên địch mà trong đó, Thiên Cơ có thể múa tay trong bị, từng bước dẹp trừ mọi địch thủ lớn nhỏ mà cuối cùng đành chịu cúi đầu trước những nước cờ cao minh của Tử Vi, kẻ mà Thiên Cơ phó thác tương lai. Thực ra là do Thiên Cơ không hiểu, năng lượng mà Tử Vi tỏa ra giống như ánh đèn thu hút thiêu thân vậy, không chỉ Thiên Cơ mà bao nhiêu kẻ khác cũng nguyện phó thác vào Tử Vi, trong đó Thiên Cơ cho rằng mình ưu tú nhất, mình đặc biệt nhất với Tử Vi thì trong mắt Tử Vi, Thiên Cơ cũng chỉ như những kẻ khác mà thôi. Thiên Cơ có biệt tài của Thiên Cơ tất nhiên Vũ Khúc, Thiên Tướng hay Liêm Trinh cũng có biệt tài của kẻ đó. Thiên Cơ chỉ có trí huệ hạn hẹp, nhìn từ cái tôi chủ quan mà tưởng rằng có thể quán chiếu toàn vũ trụ, không hề, kỳ thực người có cái nhìn từ trên cao xuống chỉ có Tử Vi mà thôi. Vậy mới nói, anh ta là chân mệnh thiên tử mà.
Các bước đường của Tử Vi cho thấy từng bước thăng trầm mà không phải cứ minh chủ thì sẽ an nhàn thong dong. Kỳ thực, cái gọi là trí trùm thiên hạ đâu có thể nào đơn giản. Trải qua các triều đại lịch sử, vua cũng có trăm ngàn kiểu mà chẳng ai giống ai từ xuất thân cho tới bước đường chính trị. Ví dụ như Tử Vi cư Ngọ, anh ta có cung Phúc là Phá Quân, như vậy xuất thân của anh ta cũng không hẳn là chính danh mà là do chinh chiến, tranh đoạt mới có. Hay ngược lại Tử Vi cư Tý, cung Phúc cũng là Phá Quân nhưng lại cư Dần, xuất thân của anh ta là một dòng tộc đã suy yếu, vinh nhục không do anh ta quyết định, cái anh ta có chút hư danh còn lại mà thôi. Hay như Tử Tướng ở Thìn thì Phúc là Thất Sát cư Ngọ, anh ta xuất thân con nhà binh nghiệp, trong tay có binh phù, trên vai mang quân phục, tất nhiên anh ta cũng mang dáng dấp con nhà võ rồi… Nhìn chung là, Tử Vi rất giỏi, nhưng gốc gác xuất thân sẽ cho ta thấy phương hướng và tư thái của anh ta đối với cuộc đời này. Tử Vi cũng có thể vô năng, cũng có thể gian hùng mưu lược hơn người. Giống như Thái Âm và còn hơn thế, Tử Vi thuần thục kỹ năng từ trong máu huyết, bản năng lãnh đạo, bản năng chiêu hiền đãi sĩ là máu thịt của anh ta. Nếu nói tới các cấp độ biết thì anh ta ở cấp độ cao nhất, biết mà như không biết, có thể phát tiết một cách thành thục chuẩn xác, khiến cho chúng ta cảm thấy được thấm nhuần ân đức, nghĩ tới thôi cũng thấy gai người.
Nguồn: Fp-Kỳ Duyên Tháng Sáu
(Dẫn theo trang bocdich.com)