Thầy Lác
THẦY LÁC
Truyện ngắn của Thao-Thao
Tôi đã được nghe nói nhiều về ông thầy tướng số ấy. Mọi người quen gọi là thầy lác. Vì mắt hơi lác lác. Sự thật thì là bạch tình lộ.
Thầy lác, ngoài cái đặc điểm khi nói không nhìn thẳng vào mắt ai bao giờ, lại còn đặc điểm này nữa: ít nói.
Lúc nào cũng cứ lầm lầm, lỳ lỳ. Chính vì cái đặc điểm lầm lầm lỳ lỳ đó mà nhiều người phục thầy lác vô kể. Phục… vì, thầy lác, khi nào đã nói thì cứ như đanh đóng cột. Nghĩa là không sai bao giờ.
Không mở ngôi hàng xem tướng, thầy lác không có chỗ ngồi nhất định như những ông thầy tướng khác.
Nay nhà này, mai nhà nọ, thầy lác thường đóng đô hàng tháng ở nhà những người bạn giàu có hết sức thù phụng thầy. Và thầy lác ngồi xem tướng ngay ở nhà người bạn giàu có đó.
Phải là người giàu có lắm, giầu của đã đành lại còn phải giầu lòng tin tưởng và nhất là giầu lòng hào hiệp mới có thể lưu được thầy lác ở nhà. Bởi thầy lác là người khó tính lắm.
Đến nhà nào thầy phải ở riêng một nơi thật tĩnh mịch. Không uống rượu, thầy “ăn thuốc”. Hút thật nhiều. Nhiều gấp hai ba mọi người. Sau mỗi bữa cơm đem lại phải có hoa quả tráng miệng.
Thầy không lấy tiền của ai. Người nào muốn thầy xem cho chỉ việc đỡ chủ nhà hai khoản đó: thuốc phiện và hoa quả.
Thế rồi, một mình – thầy chỉ tiếp một người một thôi – vào ngồi từ bi từ tại hàng giờ ở trước mặt thầy nhìn thầy hút, nhìn thầy ăn – ăn lê, ăn táo – và đợi thầy xem.. tướng cho.
Trong khi hút – thầy tiêm lấy – thầy chỉ thỉnh thoảng đưa cặp mắt bạch tình lộ – không phải mắt trắng rã – liếc nhìn người ngồi cung kính trước mặt thầy. Rồi như khám phá ra được điều bí quyết gì, thầy gật gật giây lâu rồi, im lặng, mơ màng nhìn khói thuốc phiện thở ra mờ tỏa chung quanh…
Một lúc sau, thầy lại liếc nhìn như thế. Lại gật gật như thế. Lại mơ màng nhìn khói thuốc như thế.
Vài giờ sau, xong bữa cơm nâu, thầy lác ngồi lên, ung dung gọt vài quả lê hay quả táo, thủng thẳng vừa nhai vừa nói…
Thầy lác nói về quá khứ. Một vài điều về quá khứ. Ít thế thôi. Nhưng là một vài điều đáng tiền, à! Đáng thuốc, đáng lê, đáng táo…
Thật vậy. Nó đúng quá. Nó làm người nghe phải lạnh người, chỉ muốn van thầy lác đừng nói nữa.
Thầy lác, tức thì, mỉm cười, khoan khoái… Người nghe vừa nói, thấy thầy lác ngừng lại thì cúi gầm mặt xuống, vẻ sượng sùng…
Một ngời bạn thân được thầy lác xem cho, đã thân mật nói với tôi như thế này:
– Giỏi thật. Thầy lác bảo tôi thường có những mối tình thầm vụng với người trong nhà… Việc đó, tôi giữ bí mật lắm. Không ai biết cả. Thế mà thầy lác “gọi” ra!
Một người bạn gái – vâng người bạn gái của tôi – cũng đã thân mật nói với tôi như thế này:
– Thầy lác đã làm em sượng sùng chết được. Thầy bảo em phải… lưỡng phu quân. Phu quân thứ hai lại là… và.. Nhưng thôi. Còn một vài người bạn trai, bạn gái khác đã thân mật nói lại với tôi, thầy lác bảo thế này, thầy lác bảo thế nọ; nhưng, nhắc lại, cũng chẳng hơn gì. Vì.. toàn những chuyện bí mật, thuộc về đời riêng của người ta cả. Có điều… sao không thấy các ông thầy tướng khác nói đến?
Sau khi nói cho nghe một vài điều đặc biệt ấy, thấy đã chiếm được lòng tin phục của người ngồi nghe, thầy lác mới mạnh bạo tấn công:
-Tháng vừa rồi bà vừa thua thiệt một món tiền lớn hàng vạn. Bị bạn lừa… Đích bị bạn lừa!.
– Nhất định cụ nhà thế nào cũng qua đời vào ngày mão này Phải Nhất định ngày mão, giờ ngọ.. (Ông cụ ấy tuổi Dậu, mà năm là năm Tý!)
– Nhất định tháng sau bà sẽ ốm lượt giường.
– Nhất định sang năm ông sẽ được cất nhắc, cuộc đời sẽ thay đổi hẳn…
– Nhất định, sang năm ông sẽ tan nát cơ nghiệp.
Và nhiều nữa. Nhiều nữa. Với người nào, thầy lác cũng làm cho hoảng, hay làm cho mừng… Nhưng chỉ hoảng trong giây lát và cũng chỉ mừng trong giây lát… Vì thầy lác bảo:
– Tháng sau bà sẽ ốm liệt giường đấy, có thể gần đất xa trời được; nhưng.. nhưng nếu bà nghe tôi…
Bà nọ vội vàng:
– Vâng. Xin nghe thầy. Trăm sự nhờ thầy trỏ đường sống cho.
Chậm rãi, thầy lác gật gù vừa nhai nốt miếng táo, vừa nói:
– Bà phải nghe tôi về kê ngay lại giường bà nằm. Phải đầu “gối” hướng Đông, chân “đạp” hướng Tây. Bà cứ về kê lại như thế. Rồi bệnh sẽ qua khỏi và rồi làm ăn sẽ vô cùng thịnh vượng.
Và bà này đã về kê ngay lại giường nằm. Bà ấy đã ốm và đã khỏi. Và đã trở lên giầu có sau mấy chuyển buôn. Đa-dơ-năng về hậu phương, không bị vấp váp.
Với ông sắp được cất nhắc thầy lác bảo:
-Sang năm thì ông sẽ một bước nhảy lên quan, vì có quan thầy đỡ đầu; nhưng.. ông phải nghe tôi…
Ông nọ vội vàng ngồi nghiêm chỉnh hơn, trịnh trọng hơn:
– Vâng. Xin thầy làm ơn chỉ bảo cho. Nếu đúng như lời thầy nói tôi sẽ hậu tạ thầy thật xứng đáng.
Thầy lác bắt lời ngay:
– Đừng sai nhời nhé. Một nghìn?
Ông nọ vội suýt soa:
– Vâng. Xin có một nghìn.
Và xin đưa trước năm trăm. Nhé tiền vào ví xong, thầy lác ung dung truyền phán:
– Đầu sang năm, ông phải đeo kính gọng vàng, quan thầy trông thấy tự nhiên tin yêu ông. Rồi ông sẽ được cất nhắc như lời tôi nói.
Ông nọ, về mua sẵn ngay kính gọng và chờ đầu năm sau đeo lên sống mũi nom thật là đạo mạo. Và năm sau, ông nọ được quan thầy cất nhắc thật. Đúng như lời thầy lác đã nói.
Với ông sắp bị tan cơ nghiệp thầy lác nói:
– Sang năm thì thế nào ông cũng đi đời cả cơ nghiệp đấy. Nhưng nếu ông nghe tôi…
Ông này rắn rỏi đợi chờ:
– Xin thầy cứ cho nghe…
Thầy lác ngập ngừng rồi nói:
– Tôi chắc bảo thì bảo ông cũng chẳng tin nghe nào. Và vì thế, tôi e ông sẽ tan cơ nghiệp mất.
– Thì thầy cứ nói.
Miễn cưỡng thầy lác nói:
– Ông nên nghe tôi may quần áo màu nâu gạch mà mặc.
– Sao lại dùng mầu nâu gạch? Dùng màu khác thì sao?
– Thì không ăn thua gì chứ sao!
– Thầy nhất định tôi phải dùng mầu nâu gạch mới khỏi tan cơ nghiệp. Có phải không?
– Phải.
Ông nọ đứng lên, đầy vẻ hoài nghi:
– Có lý nào! Tôi đánh bạc! Tôi không chung vốn buôn to nữa! Thử xe có việc gì không nào?
Và nhất định không may quần áo màu nâu gạch. Năm sau, thủ đô xảy ra nạn khói lửa. Mấy ngôi nhà của ông nọ thành tro than cả.
Thế là thế nào? Phải. Thế là thế nào? Kê lại giường nằm, đầu gối hướng Đông, chân đạp hướng Tây thì khỏi ốm, thì phát tài? Đeo kính gọng vàng thì được quan thầy cất nhắc thay đổi hẳn cuộc đời? mặc quần áo mầu nâu gạch thì không bị tan cơ nghiệp? Cưỡng lại, không chịu nghe lời thầy lác thì có mấy ngôi nhà thành tro than cả mấy. Thế là thế nào? Phải. Thế là thế nào? Lại còn thế này nữa: ông này đến năm ấy phải để râu thì mới đại phát tài, ông này phải húi trụi đầu đi thì mới có lộc, bà này lúc nào cũng phải đeo thật nhiều vàng ở cổ tay mới phát được.
Thế là thế nào? Phải. thế là thế nào?
Câu hỏi ngờ vực, đầy sự bán tín, bán nghi ấy cứ luôn luôn lởn vởn ở đầu óc tôi. Nhiều lúc tôi vò đầu, vò tai, tự hỏi:
– Có thể như thế được không?
Nhưng vô ích. Tôi chỉ làm tội cái đầu, cái tai của tôi phải rối lên, phải đỏ bừng lên chứ có ăn thua gì? Thế rồi, nghĩ mãi vẩn cả óc chẳng tìm ra lý lẽ gì cả, tôi bực mình hạ lệnh cho tôi nhất định không bao giờ thèm nghĩ đến chuyện khó hiểu ấy nữa.
Bẵng đi ít lâu. Một hôm một chuyện xẩy ra đã khiến tôi lại nghĩ đến… Mà không sao nghĩ được?
Việc xảy ra ngay bên nhà hàng xóm.
Bà Bốn bán bánh cuốn, ế hàng, không tiền đóng họ góp năm, sáu ngày còn đọng lại bị người chủ họ ỉ eo điều tiếng. Chẳng hiểu bà Bốn nghĩ ngợi quẩn chí thế nào, bà treo cổ tự tử. Đàn con nhỏ của bà ta, có đứa trông thấy, khóc ầm lên. Hàng xóm đổ sang đỡ bà ta xuống, thoát chết. Trong số những người sang thăm hỏi bà ta có tôi và anh Kiến, bạn cùng sở, ở cạnh nhà tôi.
Anh Kiến đã ôn tồn bao bà Bốn như thế này:
– Bà không phải lo gì nữa. Chỉ dăm hôm nữa bà sẽ có người mang đến bạc vạn tận nhà giao cho bà. Bà sẽ tha hồ mà tậu nhà…
Lúc ấy, nghe anh Kiến nói thế tôi cũng chỉ cho lời nói an ủi của một người hàng xóm với nhau
Bất ngờ, năm hôm sau đó một người đã cao tuổi, tay ôm một gói chăn có vẻ nặng nề bước vào nhà bà Bốn. Thấy người này, bà Bốn reo lên:
– A! Cụ Cả! Cụ mới ở hậu phương về à?
Vâng, tôi về thăm nhà cửa nhưng đổ cả. Đêm nay, tôi đến đây ngủ nhở một đêm, bà có cho ngủ không?
– Xin cụ cứ chiếu cố. Chỗ người làng, người nước với nhau!
Thế rồi cụ Cả đi tìm chỗ để gói chăn. Bà Bốn trông thấy gói chăn có vẻ nặng nề thì hỏi:
– Gói gì mà có vẻ nặng thế cụ?
A! Một vài thứ đồ đồng tôi bới được ở trong đống vôi gạch ra ấy mà!
Đêm hôm ấy, cụ Cả đi ra ngoài để tiểu tiện chẳng may trúng phải gió độc. Năm phút sau thì cụ Cả tắt thở. Trước khi nhắm mắt, cụ Cả gọi bà Bốn giao cho cho gói chăn kia. Dở ra, bà bốn thấy hai chục thoi vàng nằm trên hai nghìn tờ giấy một trăm cũ.
Theo lời cụ Cả đã trối trăng lại với bà Bốn thì đó là của trôn ở trong nhà trong của cụ Cả ở phố Hàng H.. vừa đào lên. Chỗ của đó, cụ Cả trao cả cho bà Bốn để nuôi con cái vì cụ Cả chẳng còn biết trao cho ai; con trai độc nhất của cụ Cả đã thiệt mạng ở ngoài hậu phương.
Sau khi an táng cụ Cả xong, bà Bốn vung tiền tậu hai ngôi nhà, một để ở, một cho thuê…
Thế là thế nào? Phải, thế là thế nào? Anh Kiến, bạn tôi cũng là thầy tướng chăng? Không là thầy tướng thì sao lại nói đúng như thế được: năm hôm sau nữa, bà sẽ có người mang của đến tận nhà giao cho bà. Bà sẽ tha hồ tậu nhà?
Tôi quyết phải hỏi cho ra. Nhưng anh Kiến cứ trối bai bải mãi. Anh nhất định câu nói của anh chỉ là câu nói để an ủi bà Bốn đang lúc cùng quẫn. Nếu đúng thì chẳng qua là sự ngẫu nhiên thôi. Không nên tin làm gì cả.
Nhưng tôi không nản lòng. Tôi đem những chuyện nghe được ra thuật lại tường tận với anh, mong anh giảng giải để tôi khỏi phải khổ sở về nỗi bán tín, bán nghi..
Thấy tôi khẩn khoản thật lòng, anh Kiến, không sao được, đành phải lên tiếng:
– Cứ theo như anh nói thì thầy lác đã trộn lẫn tướng với số để mê hoặc mọi người. Thầy lác đã lợi dụng cái biết về tướng, số để đón trước việc cát hung của đời người. Thầy lác thấy bà này sắp ốm, và sau khi ốm, sẽ gặp nhiều sự may mắn về tiền tài thì mượn chuyện xoay giường, xoay hướng để mưu kiếm chác. Thấy ông kia sắp động về công danh thì mượn chuyện xoay giường, xoay hướng để mưu kiếm chác. Thấy ông kia sắp động về công danh thì mượn chuyện kính gọng vàng để sơi ngon năm trăm và còn nhiều nữa. Thấy ông này sắp bị tan cơ nghiệp, thì mượn chuyện quần áo mầu nâu gạch để rử. Nếu ông này nghe lời, thì thầy lác sẽ bảo thêm cho biết, sau năm năm chẳng hạn, ông này sẽ lại khôi phục được cơ nghiệp. Tôi không biết thầy lác có nói thêm như thế hay không. Nếu có nói thì nhất định ông này, sau khi ở hậu phương ra, sẽ mặc quần áo mầu nâu gạch cho mà xem!
Tôi hỏi:
– Hình như tướng có thay đổi kia mà? Trong sách chẳng khối chỗ nói người này, người nọ bị thầy tướng chê là tướng bần tiện thế mà, ít lâu sau, thầy tướng đó đã đổi dọng:
Ông sắp phú quý đến nơi rồi!
Hỏi ra mới rõ người bị thầy tướng chê vừa cứu được một người thoát chết đuối.
Anh Kiến nói:
Tướng người ta có thay đổi, nhưng đó là những trường hợp đặc biệt. Việc cứu người không phải là việc thường xảy ra. Thí dụ người tướng bần tiện, có thể nói là tướng chết đói. Vì tướng “đằng sà nhập khẩu”. Nhưng vì làm một việc đại phúc nên, trong lòng vui thích, tướng nhân thế thay đổi. Tướng “đằng sà nhập khẩu” biến thành tướng “thanh long quá giang”.
Tướng biến vì là tâm biến. Cái tâm mới là quan trọng. Đổi được cái tâm có phải chuyện dễ đâu?
Còn đổi những cái bề ngoài như để râu chỉ là để chữa một phần nào. Dùng màu sắc để chế hóa theo ngũ hành, tôi tin chỉ là trò bị bợm..
Để kết luận, anh Kiến nói:
– Biết tướng để trỏ bảo họa phúc cho người đời thì được; nhưng để thay đổi họa phúc thì không có lý nào! Định mệnh là định mệnh.
Khi chia tay, anh Kiến thân mật bảo tôi:
– Thí dụ tôi biết tướng, tôi cũng không bảo anh. Vì, biết anh chỉ luẫn quẫn với anh, không ích lợi gì cả. Cứ làm cứ ăn. Cái dở trong cái hay. Cái hay trong cái dở. Đời là một cuộc biến chuyển phiền phức, sao ta lại cứ tin những anh thầy lác để ta luẫn quẫn với ta làm gì?
Từ hôm ấy, tôi hết bán tín, bán nghi.
Tác giả: Thao Thao
———————————————–
Mình gõ lại theo link: http://baochi.nlv.gov.vn/baochi?a=d&d=HxpJ19490320.2.13#
Đây là một truyện ngắn kinh điển của tác giả Thao Thao viết được mọi người đánh giá rất cao. Bóc mẽ được các mánh khóe của thầy Tướng Số.
Về tác giả Thao Thao: Link Wiki: https://vi.wikipedia.org/wiki/Thao_Thao
Ông sinh ngày 11 tháng 6 năm 1909, tại xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay là huyện Gia Lâm, Hà Nội). Ông là cháu xa đời của danh nhân văn hóa Cao Bá Quát: 1809-1865. Thuở nhỏ, ông học tiểu học ở thị xã Bắc Ninh.
Tác giả Thao Thao viết loạt sách:
- Tự điển tử vi (1950)
- Xem tướng lấy (1952)
- Tướng pháp thực hành (1952)
- Nhìn mặt đoàn người (1952)